Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

ĐƯỜNG ĐẾN AN BÌNH THẬT SỰ

(Phần 11)

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma 
Trích dịch: Tuệ Uyển

Tất cả chúng ta đều có khả năng để biểu lộ lòng yêu thương và tình cảm đến người khác, nhưng khi chúng ta phát triển trong thế giới vật chất, thì những giá trị này có xu hướng ngủ quên. Chúng ta có thể phát triển chúng trên căn bản của cảm nhận thông thường, kinh nghiệm thông thường và những kết luận khoa học. Đáp ứng gần đây đến thảm họa ở Phi Luật Tân là một thí dụ của vấn đề những giá trị như vậy đã thức dậy như thế nào; người ta giúp đỡ đơn giản bởi vì người khác đau khổ và cần hỗ trợ.

Nếu chúng ta chán nản, buồn rầu và chỉ phàn nàn, thì sẽ không giải quyết được những vấn nạn của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ cầu nguyện cho một giải pháp, thì sẽ không giải quyết được những rắc rối của chúng ta. Chúng ta cần đối diện chúng, để đối phó chúng mà không bạo động, nhưng với sự tự tin - và không bao giờ đầu hàng. Nếu chúng ta tiếp nhận một sự tiếp cận bất đạo động, nhưng cũng do dự bên trong, thì chúng ta sẽ không thành công. Quý vị phải tự tin và gia tăng những nỗ lực - nói cách khác không bao giờ buông trôi.

Chúng ta cần làm mạnh lên những giá trị nội tại như toại nguyện, nhẫn nại và bao dung, cũng như lòng từ bi cho người khác. Hãy tâm nguyện rằng những biểu lộ tình cảm thay vì tiền tài và quyền lực mới hấp dẫn những người bạn thật sự, lòng từ bi là chìa khóa để bảo đảm sự cát tường của chính chúng ta.

Chúng ta có thể làm cho thế kỷ này hòa bình hơn nếu chúng ta yêu mến bất bạo động và quan tâm cho sự cát tường của người khác. Điều ấy là có thể. Nếu con người hạnh phúc hơn, gia đình người ấy sẽ hạnh phúc hơn và những quốc gia sẽ hạnh phúc hơn. Bằng việc chuyển hóa chính chúng ta thì chúng ta có thể chuyển hóa những cung cách sống của loài người chúng ta và làm cho thế kỷ này từ bi hơn.

Một khi chúng ta đã có một sự thực hành từ bi thì thể trạng tâm thức của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn sẽ đưa đến một sự hòa bình nội tại, cho phát sinh sự tự tin, đưa đến việc giảm thiểu sợ hãi. Điều này tạo nên những thành viên tích cực hữu ích cho cộng đồng. Sự vị kỷ trái lại đưa đến khoảng cách, nghi ngờ, không tin tưởng và cô đơn, với sự bất hạnh như kết quả.

Tinh thần, thân thể, và cảm xúc, chúng ta giống nhau. Mỗi chúng ta có tiềm năng đối với tốt và xấu và bị tràn ngập bởi những cảm xúc phiền não như sân hận, sợ hãi, thù oán, nghi ngờ và tham dục. Những cảm xúc này có thể là nguyên nhân của nhiều rắc rối. Trái lại nếu chúng ta trau dồi lòng từ ái, bi mẫn và quan tâm cho người khác, thì sẽ không có chỗ cho sân hận, thù oán và ganh tỵ.

Tôi thường nói mục tiêu của đời sống là hạnh phúc. Sự tồn tại của chúng ta căn cứ trên hy vọng. Cuộc sống của chúng ta được thiết lập trên cơ hội để hạnh phúc, không nhất thiết là sự giàu sang, mà là niềm hạnh phúc trong tâm thức của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ nuông chiều trong sự hài lòng cảm giác, thì chúng ta chỉ hơi khác với thú vật. Trong thực tế, chúng ta có não bộ và sự thông minh kỳ diệu này; cho nên chúng ta phải nghiên cứu để sử dụng nó.

Chúng ta cần rõ ràng cảm xúc nào là tai hại và thứ nào là lợi lạc; sau đó nuôi dưỡng những cảm xúc hữu ích đối với niềm hòa bình của tâm thức. Thường thường, vì thiếu hiểu biết, chúng ta chấp nhận sân hận và thù oán như một bộ phận tự nhiên của tâm thức chúng ta. Đây là một thí dụ về si mê như cội nguồn của những vấn nạn loài người. Để giảm thiểu những cảm xúc tàn phá, thì chúng ta củng cố những cảm xúc tích cực; một sự vệ sinh như vậy có thể đóng góp cho một xã hội lành mạnh hơn.

Một số người xem sự thực hành từ ái và bi mẫn chỉ liên hệ đến tôn giáo và nếu họ không thích thú với tôn giáo nữa thì họ quên lãng những giá trị nội tại này. Nhưng từ ái và bi mẫn là những phẩm chất mà loài người chắc chắn cần có để sống với nhau.

Chúng ta có một lối sống vật chất phổ biến được đặc trưng bởi một nền văn hóa vật chất. Tuy nhiên, điều này chỉ cung ứng cho chúng ta một cảm giác hài lòng tạm thời; trái lại sự toại nguyện lâu dài căn cứ không trên cảm giác mà ở tâm thức. Đó là nơi mà sự tĩnh lặng thật sự được tìm thấy. Và sự hòa bình của tâm hồn cũng biến thành một nhân tố nổi bật trong sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Tất cả chúng ta muốn sống một đời sống hạnh phúc và có quyền để làm như thế, cho dù qua làm việc hay sự thực hành tâm linh. Tôi là đối tượng của những cảm xúc phiền não như sân hận và ganh tỵ giống như quý vị, nhưng tất cả chúng ta cũng có năng lực đối với những cảm xúc thánh thiện. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện hữu của chúng ta bị định hướng đối với sự phát triển vật chất; quên lãng những giá trị nội tại. Hậu quả chúng ta thiếu một sự tỉnh giác rõ ràng về những giá trị nội tại vốn là căn bản của một cuộc sống hạnh phúc.

Chính trong sự quan tâm mà chúng ta chăm sóc người khác. Sự vị kỷ đối kháng đến tính tự nhiên căn bản của loài người. Trong sự quan tâm của chúng ta như loài  người, chúng ta cần chú ý đến những giá trị nội tại. Đôi khi người ta nghĩ từ bi là chỉ giúp người khác, trong khi chúng ta không lợi lạc gì. Đây là một sai lầm. Khi chúng ta quan tâm cho chính chúng ta với người khác, chúng ta tự nhiên phát triển một cảm giác tự tin, để giúp người khác có được sự can đảm và sức mạnh nội tại.

Nếu ai đó cư xử một cách tiêu cực đối với bạn, thật hữu ích để nhớ rằng người ấy là một con người giống như bạn và để phân biệt giữa một hành vi và con người làm việc ấy. Nếu những phương pháp đối kháng cần có để ngăn ngừa người nào đó làm việc tổn hại, thì luôn luôn tốt hơn là thực hiện việc ấy với một tâm thức tĩnh lặng thay vì phiền não. Nếu bạn hành động vì sân hận, phần tối ưu của não bộ bạn thất bại trong việc biểu hiện chức năng. Hãy nhớ, từ bi không là một dấu hiệu của yếu kém.

Trong quá khứ, tàn phá hàng xóm của bạn có thể được xem là một chiến thắng, nhưng ngày nay tất cả chúng ta liên hệ lẫn nhau. Chúng ta sống trong một nền kinh tế toàn cầu; chúng ta đối diện với những vấn nạn như khí hậu thay đổi tác động đến tất cả chúng ta. 7 tỉ người sống ngày nay thuộc một gia đình nhân loại. Trong phạm vi mà sự quan tâm của người khác ở trong sự quan tâm của chúng ta và sự quan tâm của chúng ta ở trong sự quan tâm của họ, cho nên việc sử dụng sức mạnh là tự tàn phá.

Một cộng đồng từ bi sẽ không được đạt đến qua cầu nguyện; tôi tự cầu nguyện, nhưng tôi chấp nhận những giới hạn của nó. Chúng ta cần hành động để phát triển từ bi, để tạo niềm hòa bình nội tại trong chính chúng ta và để chia sẻ niềm hòa bình nội tại với gia đình và bè bạn chúng ta. Hòa bình và nhiệt tình sau đó có thể lan tỏa xuyên qua cộng đồng giống như những làn sóng lan tỏa trên mặt nước khi chúng ta đánh rơi một viên sỏi vào một hồ nước.

Bây giờ và sau này, các lãnh tụ tôn giáo hãy đến với nhau và cho thấy trong tâm linh chúng ta cùng có thông điệp của hòa bình, điều ấy là quan trọng. Bởi vì lịch sử được đánh dấu bằng những biến cố xung đột và đẩm máu nhân danh tôn giáo,cho nên thật quan trọng để hành động cho hòa hiệp và để chứng minh hòa hiệp trong những truyền thống tâm linh của chúng ta.

Để được toại nguyện con người chúng ta cần sự tin tưởng và tình thân hữu, đấy là những thứ có xu hướng phát triển tốt hơn nhiều một khi chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng sanh có quyền để hạnh phúc, giống như chính chúng ta. Đặt lợi ích của người khác trong sự quan tâm không chỉ  giúp ích cho họ, nó cũng hổ trợ chính chúng ta. Nhiệt tình và quan tâm đến người khác là một bộ phận của bản chất con người và là cốt lõi của những giá trị nhân bản tích cực.

Mọi người muốn một đời sống hạnh phúc không có khó khăn hay khổ đau. Chúng ta tạo ra nhiều vấn nạn mà chúng ta đối diện. Không ai muốn tạo ra những rắc rối, nhưng chúng ta có xu hướng bị nô lệ bởi những cảm xúc mạnh mẽ như sân hận, thù oán và dính mắc căn cứ trên những vọng tưởng sai lầm về con người và sự vật. Chúng ta cần tìm cách giảm thiểu những cảm xúc này bằng việc loại trừ si mê tiềm ẩn dưới chúng và áp dụng những năng lực đối trị. 

Trong khi ám sát, bắt nạt, bóc lột và tai tiếng thường làm nên tin tức, khi hàng nghìn trẻ con tiếp nhận sự chăm sóc và tình cảm của những bà mẹ mỗi ngày thì không được nhắc tới bởi vì chúng ta cho điều ấy là đương nhiên. Chúng ta có thể là đối tượng của những cảm xúc tiêu cực, nhưng có thể giữ chúng dưới sự kiểm soát, để trau dồi một cảm giác cải thiện cảm xúc, trên căn bản của những giá trị nhân bản là gốc rể trong tình cảm ấy - đó là điều mà tôi gọi là đạo đức thế tục.

Khi trẻ chúng ta có một cảm nhận mạnh mẽ về những giá trị căn bản như tin tưởng và nhiệt tình, là những thứ mà chúng ta có xu hướng quên lãng trong thế giới tranh đua ngày nay khi chúng ta lớn lên, tuy thế từ lúc mới sanh ra tất cả chúng ta cần nhu cầu tình cảm. Những cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm ngày nay không thay đổi nhiều lắm qua hàng nghìn năm, nhưng sự quan tâm gia tăng con số những người đang cho thấy trong thế giới nội tại của họ và vấn đề những cảm xúc của họ hoạt động như thế nào là dấu hiệu của sự trưởng thành.

Học vấn là cách tốt nhất để tự rèn luyện như thế chúng ta sẽ bảo đảm cho sự cát tường của mình bằng việc quan tâm chính chúng ta với những ngươi khác. Có thể tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới từ bi hơn, hòa bình hơn, những điều này không chỉ là sự quan tâm của mỗi người, mà còn là trách nhiệm của mỗi người phải có.

Ngày nay, chúng ta phải đối diện với một khoảng cách khổng lồ giữa giàu và nghèo. Đây không phải chỉ là lỗi lầm đạo đức, mà thực tế là một sai sót. Nó đưa người giàu sống trong lo lắng và người nghèo sống trong chán nản, điều đó có khả năng đưa đến bạo động hơn. Chúng ta phải hành động để giảm thiểu khoảng cách này. Thật sự là không công bằng khi một số có quá nhiều trong khi những người khác đói khổ.

Nếu chúng ta thực hiện một nổ lực cương quyết, căn cứ trên một nền học vấn thích đáng, thì chúng ta có thể thay đổi thế giới. Chúng ta ích kỷ, đấy là tự nhiên, nhưng chúng ta cần ích kỷ thông minh, không ích kỷ ngu dại. Chúng ta phải quan tâm chính chúng ta hơn với sự cát tường của người khác, đó là cách vị kỷ thông tuệ. Chúng ta có khả năng để đem lợi ích lâu dài vào sự quan tâm. Tôi nghĩ như vậy có thể thực hiện một sự thay đổi thật sự trong thế kỷ này.

Chúng ta cần thông hiểu sự không cân bằng của hệ thống giáo dục quá nghiêng về những giá trị vật chất. Giải pháp là không đưa ra một thuyết giảng thỉnh thoảng, mà phải kết hợp đạo đức vào trong chương trình giáo dục. Để làm điều này một cách đầy đủ đòi hỏi một đạo đức thế tục, thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, căn cứ trên ý thức thông thường, một quan điểm thực tiển và những khám phá khoa học.

Trong thế giới liên hệ hổ tương và toàn cầu hóa ngày nay, mọi người với những quan điểm, tín ngưỡng, và chủng tộc thế giới khác nhau là thông thường bây giờ. Do thế, việc chúng ta tìm cách để hợp tác với nhau trong một tinh thần chấp thuận và tôn trọng hổ tương là một vấn đề khẩn cấp vô cùng.

Tất cả chúng sanh có những kinh nghiệm về hạnh phúc và khổ đau, và chúng ta cũng là những chúng sanh ấy. Những gì làm loài người khác biệt là chúng ta có sự thông minh đầy năng lực và một khả năng lớn hơn nhiều để đạt đến hạnh phúc và tránh khổ đau. Hạnh phúc và tình thân hữu thật sự không phải đến từ tiền tài hay ngay cả tri thức, mà đến từ sự nhiệt tình. Một khi chúng ta nhận ra điều này thì chúng ta sẽ có khuynh hướng trau dồi nó hơn.

Như những động vật xã  hội, một nhân tố then chốt cho đời sống hạnh phúc của chúng ta là tình thân hữu, tin tưởng, và cởi mở. Tất cả chúng ta là giống nhau như những thành viên của một gia đình nhân loại. Tin tưởng là căn bản của tình thân hữu và thêm nữa, chúng ta sẽ thấy điều này nếu, đối với tri thức chúng ta có được từ nền giáo dục thông thường, thì chúng ta phát triển sự nhiệt tình. Điều này làm sinh khởi sự tự tin và sức mạnh nội tại, là những thứ qua sự tin tưởng và tình thân hữu đưa đến sự hợp tác với người khác.

Dù chúng ta xem như là trình độ cá nhân, gia đình, địa phương, quốc gia hay quốc tế, thì hòa bình phải sinh trưởng từ niềm hòa bình nội tại. Thí dụ, cầu nguyện cho hòa bình, trong khi tiếp tục ấp ủ sân hận là vô ích. Việc rèn luyện tâm thức và vượt thắng sự sân hận của chúng ta là tác dụng hơn chỉ cầu nguyện đơn thuần. Sân hận, thù oán và ganh tỵ chẳng bao giờ giải quyết được rắc rối, chỉ có tình cảm, quan tâm và tôn trọng mới có thể làm việc ấy.

Ngày nay, trong nền văn hóa vật chất chủ nghĩa của chúng ta, nhiều người bị hướng để tin rằng tiền bạc là nguồn gốc tối hậu của hạnh phúc. Kết quả, khi người ta không có đủ tiền thì họ cảm thấy nhụt chí. Do thế, thật quan trọng để hướng người ta biết rằng họ có cội nguồn của toại nguyện và hạnh phúc trong chính họ, và nó liên hệ với việc nuôi dưỡng những giá trị tự nhiên nội tại của chúng ta.

Sự cống hiến của tôi là phụng sự 7 tỉ người trên hành tinh này và những tạo vật khác mà với họ chúng ta cùng chia sẻ. Nếu có thể thì bạn có thể giúp và phục vụ người khác, nhưng nếu không thể thì tối thiểu bạn không làm tổn hại họ; rồi thì vào lúc kết thúc bạn sẽ không cảm thấy hối hận.

Chúng ta phải nghĩ và thấy vấn đề chúng ta có thể thay đổi hệ thống giáo dục của chúng ta một cách căn bản như thế nào nhờ thế chúng ta có thể huấn luyện con người phát triển nhiệt tình một cách sớm sủa nhằm để tạo nên một xã hội lành mạnh hơn. Tôi không muốn nói là chúng ta cần thay đổi toàn bộ hệ thống, chỉ cải thiện nó. Chúng ta cần thúc đẩy một sự thấu hiểu mà sự hòa bình nội tại đến từ việc dựa vào những giá trị nhân bản như, từ ái, bi mẫn, bao dung và trung thực, và nền hòa bình trên thế giới dựa việc con người tìm thấy niềm hòa bình nội tại.

Lợi ích lớn lao của khoa học là nó có thể thực hiện một sự cống hiến vô biên trong việc làm giảm bớt khổ đau trong trình độ vật chất, nhưng chỉ bằng việc trau dồi những phẩm chất của trái tim con người và việc chuyển hóa các thái độ của chúng ta mà chúng ta mới có thể bắt đầu đối diện và vượt thắng nổi khổ đau tinh thần. Chúng ta cần cả hai, vì việc giảm bớt khổ đau phải xảy ra trên cả hai trình độ vật lý và tâm lý.

Nguồn gốc tận cùng của một đời sống hạnh phúc là nhiệt tình. Điều  này có nghĩa là việc mở rộng đến người khác loại quan tâm mà chúng ta có cho chính chúng ta. Ở một trình độ đơn giản, chúng ta thấy rằng nếu chúng ta có một trái tim từ bi thì chúng ta tự nhiên có thêm bạn. Và các nhà khoa học ngày nay đang khám phá ra rằng trong khi sân hận và thù oán ăn mòn hệ thống miễn nhiễm của chúng ta, thì nhiệt tình và từ bi là tốt đẹp cho sức khỏe của chúng ta.

Những ai chỉ quan tâm một chút về tâm linh đừng nghĩ rằng những giá trị nội tại không ảnh hưởng đến quý vị. Sự nhạy bén của niềm hòa bình nội tại và tâm thức tĩnh lặng là nguồn gốc của hạnh phúc thật sự và sức khỏe tốt. Sự thông minh của con người nói với chúng ta cảm xúc nào của chúng ta là tích cực và hữu ích và những thứ  nào là tai hại và cần được kiềm chế hay tránh.

Bằng việc tiến hành sự thực tập từ ái và bi mẫn, chúng ta sẽ tự nhiên sống một cách sống bất bạo động. Giúp đở người khác và không làm tổn hại họ là hoạt động của bất bạo động. Chúng ta cần phát triển từ ái, bi mẫn và tha thứ để phát triển niềm hòa bình nội tại và như vậy tự nhiên làm sinh khởi hạnh kiểm bất bạo động.

Tuy nhiên, một cá nhân có thể có tài và năng khiếu như thế nào đi nữa, nhưng nếu bị bỏ một mình, người ấy không thể sống còn. Khi chúng ta bị bệnh hay quá trẻ hay quá già, chúng ta phải lệ thuộc vào sự giúp đở của người khác. Không có sự phân chia rõ ràng giữa chúng ta và người khác, vì căn bản tự nhiên của chúng ta là giống nhau. Nếu chúng ta mong ước bảo đảm cho niềm hòa bình và hạnh phúc của mọi người thì chúng ta cần trau dồi một sự tôn trọng lành mạnh cho sự đa dạng của con người và văn hóa của chúng ta, điều này được thấy trong một sự thấu hiểu về nền tảng giống nhau này của tất cả những con người.

Khi chúng ta có niềm hòa bình nội tại, thì chúng ta có thể an bình với những ai chung quanh chúng ta. Khi cộng đồng chúng ta ở trong tình trạng hòa bình, thì nó có thể chia sẻ niềm hòa bình ấy với những cộng đồng láng giềng và v.v… Khi chúng ta cảm thấy từ ái và bi mẫn đối với người khác, nó không chỉ làm người khác cảm thấy được yêu thương và chăm sóc, mà nó còn giúp chúng ta phát triển niềm hạnh phúc và hòa bình nội tại.

Có hai loại hạnh phúc - niềm sung sướng tạm thời xuất phát một cách chính yếu từ sự thoải mái vật chất đơn thuần và thứ khác thoải mái lâu dài hơn là kết quả từ việc chuyển hóa và phát triển tâm thức hoàn hảo. Chúng ta có thể thấy trong đời sống của chính chúng ta rằng hạnh phúc từ việc chuyển hóa tâm thức là siêu việt hơn bởi vì khi thể trạng tinh thần chúng ta tĩnh lặng và hạnh phúc, thì chúng ta có thể vượt qua những nổi đau khó chịu thân thể nho nhỏ một cách dễ dàng. Trái lại, khi tâm thức chúng ta xáo động và bất an, thì những tiện nghi thoải mái vật chất tuyệt hảo nhất cũng không thể làm chúng ta hạnh phúc.

Quan tâm chân thành đến người khác là nhân tố chìa khóa để cải thiện đời sống hàng ngày của chúng ta. Với lòng tốt bụng, thì không có chỗ cho sân hận, ganh tỵ hay bất an. Một tâm thức tĩnh lặng và tự tin là căn bản cho hạnh phúc và những mối quan hệ hòa bình với mỗi người khác. Những gia đình thịnh vượng, hạnh phúc và một quốc gia phát triển hòa bình thì tùy thuộc vào từ ái nhiệt tình.

Chúng ta bị lèo lái bởi sự vị kỷ, nó thì cần thiết để sống còn. Nhưng chúng ta cần sự vị kỷ thông tuệ đó là rộng lượng và hợp tác, Hợp tác đến từ sự thân hữu, thân hữu đến từ sự tin tưởng, và tin tưởng đến từ sự tốt bụng. Một khi quý vị có một cảm nhận chân thành trong việc quan tâm đến người khác, thì không có chỗ cho việc lừa gạt, bắt nạt hay bóc lột.

So sánh với thế kỷ 20 với bây giờ thì có nhiều dấu hiệu hy vọng. Nhìn vào quan điểm của mọi người về chiến tranh. Ngày nay nhiều người thách đố về nhu cầu của chiến tranh, họ hỏi tại sao chúng ta phải cần đến chiến tranh. Vào đầu thế kỷ 20 không nói đến việc bảo vệ môi trường, tuy thế, bây giờ mọi người đã tỉnh thức về nó. Những nhận thức của chúng ta đang tiến gần hơn với thực tế; nhân loại đang trở nên trưởng thành hơn và tôi lạc quan về tương lai.

Tôi thật sự cảm thấy rằng một số người lãng quên và không nhìn thấy bi mẫn bởi vì họ kết nối nó với tôn giáo. Dĩ nhiên, mọi người tự do chọn lựa họ có quan tâm đến tôn giáo hay không, nhưng lãng quên bi mẫn là một sai lầm bởi vì nó là nguồn gốc cát tường của chúng ta.

Giáo dục là cách thích đáng để thúc đẩy bi mẫn và bao dung trong xã hội. Bi mẫn và niềm hòa bình của tâm thức đem đến cảm giác tự tin mà nó làm giảm thiểu căng thẳng cùng lo lắng, trái lại sân hận và thù oán đến từ sự chán nản và bào mòn cảm nhận tin tưởng của chúng ta. Do bởi si mê, nhiều vấn nạn của chúng ta là do chúng ta tạo ra. 
Tuy nhiên, giáo dục là khí cụ làm gia tăng năng lực để sử dụng sự thông minh của chính chúng ta.

Nhận ra con người chúng ta chia sẻ cùng nhau và bản chất sinh học của chúng ta như những chúng sanh mà  niềm hạnh phúc lệ thuộc trên những người khác, chúng ta sẽ nghiên cứu để mở rộng trái tim của chúng ta và cũng hành động để đạt đến một cảm nhận quả quyết và nối kết với những người chung quanh chúng ta.

Gian khó, làm chúng ta tập trung trong việc thực tập nhẫn nại và chịu đựng hơn trong đời sống hàng ngày, thật sự làm chúng ta mạnh mẽ hơn và phong phú hơn. Từ kinh nghiệm gian khó hàng ngày hình thành một năng lực lớn hơn để chấp nhận khó khăn mà không đánh mất cảm nhận tĩnh lặng nội tại. Dĩ nhiên, tôi không khuyến khích việc tìm kiếm gian khó như một lối sống, nhưng chỉ đơn thuần mong ước rằng, nếu quý vị liên hệ đến nó một cách tích cực, thì nó có thể mang đến sức mạnh và sự chịu đựng ngoan cường nội tại lớn hơn.

Tôi tin rằng nguồn gốc căn bản của việc gia hộ là bên trong chúng ta. Một động cơ tốt lành và trung thực đem đến một sự tự tin, là những thứ hấp dẫn sự tín nhiệm và sự tôn trọng của những người khác. Do thế, nguồn gốc thật sự của những sự gia hộ là bên trong tâm thức của chính chúng ta.

Tất cả những tôn giáo quan trọng trên thế giới, với sự nhấn mạnh về từ ái, bi mẫn, nhẫn nại, bao dung, và tha thứ có thể và thật sự thúc đẩy những giá trị nội tại. Nhưng thực tế của thế giới ngày nay là việc đặt nền tảng đạo đức trong tôn giáo không còn thỏa đáng nữa. Đây là tại sao tôi ngày càng bị thuyết phục rằng đã đến lúc để tìm ra một cung cách của tư duy về tâm linh và đạo đức hoàn toàn vượt khỏi tôn giáo.

Cùng với từ ái, bi mẫn là khuôn mặt của lòng vị tha. Đấy là một cảm giác từ trong chiều sâu của trái tim mà quý vị không thể chịu đựng nổi nổi khổ đau của người khác mà không hành động để làm giảm thiểu nó. Khi lòng bi mẫn phát triển lớn hơn, quý vị cũng nhiệt tình tự phát nguyện vì lợi ích của tất cả chúng sanh, ngay cả nếu quý vị phải làm việc ấy một mình. Quý vị sẽ không thành kiến trong việc phụng sự tất cả chúng sanh bất chấp họ đáp trả với quý vị như thế nào.

Mặc dù tất cả chúng ta giống nhau trong việc không muốn rắc rối và muốn một đời sống an hòa, nhưng chúng ta có xu hướng tạo ra nhiều rắc rối cho chính chúng ta. Chạm trán với các rắc rối, sân hận lớn lên và tràn ngập tâm thức chúng ta, là thứ đưa đến bạo động. Một cách tuyệt diệu để chống lại điều này và hành động vì một thế giới hòa bình hơn là phát triển lòng quan tâm cho người khác. Rồi thì sự sân hận, ganh tỵ và những cảm xúc phiền não khác của chúng ta sẽ tự nhiên yếu đi và giảm bớt.

Nền giáo dục hiện đại đặt thành tiền đề một cách mạnh mẽ trên những giá trị vật chất. Khi giáo dục não bộ con em của chúng ta thì điều quan trọng là đừng quên lãng giáo dục trái tim của chúng, một yếu tố quan trọng phải là việc nuôi dưỡng bản chất từ bi của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét