Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

ĐƯỜNG ĐẾN AN BÌNH THẬT SỰ


(Phần 10)

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Trích dịch: Tuệ Uyển

"Mỗi buổi sáng khi thức dậy hãy nghĩ:
Tôi đang sống,
Tôi có một thân người quý giá,
Tôi sẽ không lãng phí nó.
Tôi sẽ sử dụng với tất cả năng lượng của tôi để tự phát triển tôi,
Tôi sẽ mở rộng trái tim tôi đến những người khác,
Tôi sẽ đạt đến Giác Ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Tôi sẽ không để cho tôi sân hận
Hay nghĩ xấu về người khác.
Tôi sẽ làm lợi ích cho người khác một cách tối đa mà tôi có thể."

Kinh nghiệm cho thấy rằng sự tĩnh lặng nội tại to lớn nhất đến từ việc phát triển lòng từ ái và bi mẫn. Càng quan tâm đến niềm hạnh phúc của  người khác bao nhiêu, thì chúng ta càng cảm thấy sự cát tường của chúng ta lớn hơn bấy nhiêu. Trau dồi một cảm nhận gần gũi ấm áp với người thì tâm thức tự động thoái mái. Nó giúp loại trừ sự sợ hãi và bất an của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh nội tại để đối diện với chướng ngại - đấy là cội nguồn căn bản của thành công trong đời song.

Điều thú vị về tham dục là mặc dù động cơ tiềm tàng là để tìm kiếm sự thỏa mãn, nhưng ngay cả sau khi đạt được những gì bạn muốn, thì bạn vẫn không thỏa mãn. Chính là sự không chấm dứt này, đòi hỏi mãi đến nổi đưa đến rắc rối. Trái lại, nếu bạn thật sự toại nguyện, thì không hề gì cho dù bạn có được những gì bạn muốn hay không. Cách nào đi nữa, bạn sẽ vẫn toại nguyện.

Tôi chắc là tất cả chúng ta đồng ý rằng chúng ta cần vượt thắng bạo động, nhưng trước nhất chúng ta cần thẩm tra để xem nó có bất cứ giá trị nào không. Theo một nhận thức thực tiển cực đoan, trong những trường hợp nào đó thì bạo động hiện diện là hữu ích. Chúng ta có thể giải quyết một rắc rối một cách nhanh chóng bằng sức mạnh. Nhưng sự thành công này thường là cái giá phải trả của quyền lợi và lợi ích của những kẻ khác. Mặc dù một rắc rối đã được giải quyết, nhưng hạt giống của một rắc rối khác đã được gieo rắc.

Thường thật khó khăn để phán xét vấn đề hành động của chúng ta và tác động của chúng vào môi trường có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Điều rõ ràng rằng chúng ta là chủng loại duy nhất với năng lực để hủy diệt trái đất. Chim chóc và côn trùng không có năng lực ấy, cũng không bất cứ động vật nào khác. Và tuy thế nếu chúng ta có khả năng để hủy diệt trái đất, thì chúng ta cũng có khả năng để bảo vệ nó. Tôi tin rằng chúng ta có  trách nhiệm khẩn cấp để làm như vậy.

Dường như đối với một số người ý tưởng về từ bi đòi hỏi một sự bất chấp hoàn toàn hay ngay cả sự hy sinh những sự quan tâm của họ. Không phải như vậy. Trong thực tế, trước nhất quý vị phải có một nguyện ước hạnh phúc cho chính mình - nếu quý vị không yêu mến chính mình như vậy, thì làm sao quý vị yêu thương người khác?

Liên hệ hổ tương là một quy luật nền tảng của tự nhiên. Ngay cả những con côn trùng bé nhỏ cùng tồn tại nhờ sự hợp tác với nhau. Sự tồn tại của chính chúng ta cũng lệ thuộc vào sự giúp đở của những người khác rằng nhu cầu cho yêu thương nằm trong chính cốt lõi của sự tồn tại của chúng ta. Đấy là tại sao chúng ta cần trau dồi một cảm nhận chân thành về trách nhiệm và cả một sự quan tâm chân thành về lợi ích của những người khác.

Từ bi là điều gì đó chúng ta có thể tin cậy. Ngay cả nếu chúng ta đối diện với những rắc rối kinh tế và sự may mắn của chúng ta suy thoái, thì chúng ta vẫn có thể chia sẻ lòng từ bi của chúng ta với những con người đồng loại của chúng ta. Những nền kinh tế quốc gia và quốc tế là chủ đề của nhiều sự đi lên và đi xuống, nhưng qua chúng tất cả chúng ta có thể duy trì thái độ từ bi mà nó sẽ đưa chúng ta xuyên qua những khó khăn.

Sự thực tập chính của tôi là dâng hiến thân thể, lời nói và tâm ý của tôi vì lợi ích của người khác. Tôi hy vọng có thể tiếp tục làm việc này cho một thời gian lâu dài nào đó. Lời nguyện cầu tâm đắc của tôi là: "Cho đến khi không gian còn tồn tại, Và cho đến khi chúng sanh còn hiện hữu, Cho đến lúc ấy tôi nguyện cũng hiện diện, Để xua tan nổi đau của trần thế."

Trau dồi lòng ân cần và quan tâm đến người khác làm phát sinh một loại sức mạnh nội tại. Bất chấp những khó khăn hay vấn nạn mà quý vị đối diện là gì, thì trong phạm vi này chúng dường như ít quan trọng hơn và ít rắc rối hơn đối với quý vị. Sức mạnh nội tại, sự tự tin và can đảm mà quý vị có được bằng việc tập trung vào nhu cầu của những người khác thay vì của chính quý vị, sẽ đem đến với nó một cảm giác tĩnh lặng sâu sắc của sự toại nguyện.

Tính cách thiện cảm không chỉ làm tĩnh lặng tâm thức, nó còn tốt cho sự cát tường thân thể của chúng ta. Trái lại, thù oán, ganh tỵ và sợ hãi quấy rầy tâm thức chúng ta, chúng làm thân thể và tinh thần chúng ta bị khuấy động. Một sự khuấy động như vậy là phiền não, là thứ cho thấy nhu cầu cho sự hòa bình của tâm hồn trong huyết quản của chúng ta.

Một khi quý vị phát triển sự tự tin trong khả năng của chính quý vị, thì quý vị có thể thực hiện một sự cống hiến thật sự cho việc tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Sự tự tin là rất quan trọng. Không chỉ trong cảm nhận của sự tự hào nông cạn, nhưng như là một sự tỉnh thức thật sự của những gì quý vị có thể làm. Như những con người chúng ta có thể chuyển hóa chính chúng ta bằng những phẩm chất tốt đẹp của chúng ta và giảm thiểu những lỗi lầm của chúng ta. Tính thông minh của chúng ta cho  phép chúng ta phán xét những gì tốt đẹp với những gì tổn hại.

Quan tâm về người khác đặc biệt liên hệ trong thế giới ngày nay. Nếu chúng ta quan tâm đến mối liên hệ hổ tương phức tạp của đời sống hiện đại của chúng ta, vấn đề chúng ta lệ thuộc vào người khác và người khác lệ thuộc vào chúng ta như thế nào, thì quan điểm của chúng ta sẽ thay đỏi. Chúng ta bắt đầu thấy 'người khác' không như thế nào đấy xa cách chúng ta, nhưng như những người mà chúng ta liên hệ đến, những người gần gũi với chúng ta; chúng ta sẽ không còn cảm thấy dững dưng với họ.

Những tư tưởng và cảm xúc phiền não phá hoại ngầm chính những nguyên nhân của hòa bình và hạnh phúc. Nếu quý vị suy nghĩ một cách rõ ràng về nó, thật vô nghĩa để nghĩ rằng quý vị đang tìm cầu hạnh phúc, nếu quý vị không làm gì để ức chế sân hận, thù oán cùng những tư tưởng và cảm xúc hiểm độc.

Bất cứ việc làm tốt lành gì quý vị thực hiện, thì chắc quý vị cũng sẽ đối diện với những rắc rối và chướng ngại. Do thế, thật quan trọng để kiểm tra động cơ của quý vị. Nó giúp để trung thực và chân thật. Nếu những gì quý vị làm là tốt cho người khác, thì nó cũng sẽ tốt cho quý vị. Một khi quý vị biết mục tiêu có thể được đạt đến, thì quý vị nên cố gắng để theo đuổi đến kết quả cuối cùng.  Sau đó, ngay cả nếu quý vị không đạt được nó, thì tối thiểu quý vị sẽ không có nguyên nhân để hối hận.

Sự hòa hiệp giữa những truyền thống tôn giáo khác nhau là thiết yếu cho hòa bình thế giới. Sự hòa hiệp chân thành nên được thành lập trên sự tôn trọng hổ tương. Và sự tôn trọng phải được căn cứ trên một sự thừa nhận rằng tất những truyền thống tôn giáo chính trên thế giới có khả năng để giúp con người sống hòa bình với chính họ, với nhau và với môi trường.

Cách để phát triển hòa bình nội tại qua thiền tập bắt đầu với việc nhận ra rằng người phá hoại hòa bình nội tại không phải là một kẻ thù ngoại tại nào đó, mà là trong chính chúng ta. Do thế, giải pháp cũng là ở bên trong chúng ta. Tuy nhiên, sự thay đổi bên trong đó không xảy ra một cách lập tức trong cách như chúng ta bật công tắc đèn, nhưng là hàng tuần, hàng tháng và hàng năm.

Như những con người, mỗi chúng ta có một trách nhiệm để lo lắng cho nhân loại. Biểu lộ sự quan tâm đến người khác đem đến sức mạnh nội tại và sự toại nguyện sâu xa. Như những động vật xã hội, loài người cần tình thân hữu, nhưng tình thân hữu không đến từ sự giàu sang và quyền lực, mà đến từ việc biểu lộ lòng từ bi và quan tâm cho người khác.

Lòng từ bi đáp ứng nhu cầu của điều kiện thân thể vật lý, trái lại sân hận, sợ hãi và ngờ vực làm tổn hại sự cát tường của chúng ta. Do vậy, giống như chúng ta được dạy về tầm quan trọng của vệ sinh thân thể đối với sức khỏe thân thể, thì để bảo đảm cho tâm thức khỏe mạnh, chúng ta cần học hỏi về một loại vệ sinh cảm xúc nào đó.

Không có tự do, sự sáng tạo không thể phát triển. Quyền tự do là thiết yếu cho sự tiến triển trong bất cứ xã hội nào; và liên quan đến vấn đề này là một ý thức trách nhiệm toàn cầu.

Theo quan điểm của tôi thì mọi thứ phát sinh từ tâm thức. Phẩm chất những hành vi của chúng ta lệ thuộc vào động cơ của chúng ta.  Một sự hiểu rõ về loài người, bi mẫn và từ ái là thiết yếu cho điều này. Cho dù chúng ta làm việc trong khoa học, nông nghiệp, hay chính trị, nếu chúng ta nhiệt tình về việc ấy, sự đóng góp của chúng ta sẽ là tích cực.

Một ý thức toại nguyện là thiết yếu cho hạnh phúc. Sức khỏe thân thể, thịnh vượng vật chất và thân hữu đóng góp cho điều này, nhưng sự toại nguyện  điều khiển những mối quan hệ với tất cả.

Tôi xem tôi như một trong 7 tỉ con người. Nếu tôi tự xem tôi như khác biệt với những người khác, hay như một điều gì đấy đặc biệt, thì sẽ tạo ra một hàng rào giữa chúng ta. Điều gì làm chúng ta giống nhau ấy là tất cả chúng ta đều muốn hướng đến một đời sống hạnh phúc và tập họp thân hữu chung quanh chúng ta. Và tình thân hữu được căn cứ trên sự tin tưởng, trung thực và cởi mở.

Do bởi sự thông minh của chúng ta, con người chúng ta là vô song có thể không chỉ trong việc tạo ra các vấn nạn, nhưng lại làm như thế trong một phạm vi rộng lớn. Do thế, thật quan trọng là chúng ta phải sử dụng sự thông minh của chúng ta trong những cách xây dựng. Đó là những gì mà lòng nhiệt tình và sự quan tâm cho người khác hướng dẫn chúng ta làm như vậy.

Từ bi chân thật không chỉ là một đáp ứng của cảm xúc mà là một chí nguyện có được qua lý trí. Do thế, lòng từ bi của chúng ta cho người khác không thay đổi ngay cả nếu họ xử sự một cách tiêu cực. Những cảm nhận của chúng ta về trách nhiệm cho người khác làm sinh khởi một nguyện ước để giúp đở họ một cách năng động để chiến thắng những rắc rối của họ.

Nếu thái độ tinh thần của quý vị là tích cực, ngay cả khi những đe dọa dầy dẫy, thì quý vị sẽ không đánh mất niềm hòa bình nội tại của quý vị. Trái lại, nếu tâm thức quý vị là tiêu cực, bị biểu lộ bởi sợ hãi, nghi ngờ và những cảm nhận bất lực, thì ngay cả ở bên cạnh những người thân hữu nhất, trong một không khí dễ chịu và thoải mái chung quanh, thì quý vị cũng sẽ không hạnh phúc.

Ngay khi được sinh ra, chúng ta đã ở dưới sự chăm sóc và ân cần của cha mẹ chúng ta. Sau này, khi chúng ta bệnh và già, một lần nữa chúng ta lệ thuộc vào sự ân cần của những người khác. Vì chúng ta quá lệ thuộc vào người khác vào lúc bắt đầu và kết thúc của đời sống chúng ta, làm thế nào chúng ta có thể thờ ơ sự ân cần đối với người khác trong khoảng giữa của cuộc đời chúng ta?

Ý tưởng về một phía bị đánh bại trong khi phía kia toàn thắng là đã lỗi thời. Thay vì thế chúng ta phải phát triển sự đối thoại. Chúng ta phải thực hiện một nổ lực nếu chúng ta muốn một thế giới hòa bình, từ bi hơn. Nó đòi hỏi sự giáo dục, căn cứ trên nhẫn nại, bao dung, và tha thứ. Rất thường bạo động là những kết quả từ tham lam, vì thế chúng ta cũng cần toại nguyện và kỷ luật tự giác.

Quan tâm chính của tôi là sự thúc đẩy những giá trị nhân bản. Từ lúc mới sinh ra chúng ta có một cảm nhận tình cảm và một cảm nhận nào đó quan tâm đến người khác. Chúng ta cần nuôi dưỡng nó. Các nhà khoa học đã thấy rằng để bảo đảm ngay cả sức khỏe thân thể thì sự hòa bình của tâm thức là thiết yếu. Người ta thường nghĩ rằng từ ái và bi mẫn chỉ là những vấn đề quan tâm của tôn giáo, nhưng trong thực tế những giá trị như vậy cần thiết trong tất cả mọi quan hệ của loài người.

Ngày nay, trong nền văn hóa vật chất của chúng ta, nhiều người nông cạn tin rằng tiền bạc là nguồn gốc tối hậu của hạnh phúc. Kết quả, khi họ không có đủ tiền, họ cảm thấy bị chán nản. Do thế, thật quan trọng để cho người ta biết rằng họ có nguồn gốc của toại nguyện và hạnh phúc trong chính họ, và nó liên hệ với việc nuôi dưỡng những giá trị tự nhiên nội tại của chúng ta.

Kinh nghiệm cảm giác không bù lại nổi đau và niềm vui mãnh liệt mà chúng ta cảm nhận trên mức độ tinh thần; nó có thể  làm chúng ta xao lãng, nhưng không vượt thắng nó. Trái lại, nếu chúng ta có niềm hòa bình nội tại, ngay cả những kinh nghiệm tiêu cực không làm chúng ta  khó chịu. Sự hòa bình của tâm thức cũng tốt cho sức khỏe thân thể của chúng ta. Những nhà chuyên môn y học khám phá ra rằng sân hận, thù oán, và sợ hãi phá hoại hệ thống miễn nhiễm của chúng ta. Tĩnh lặng và thư thái là tốt hơn cho sự cát tường của thân thể chúng ta.

Bây giờ tôi đã gần 79. Vào lúc 16 tuổi tôi đã lãnh trách nhiệm cho Tây Tạng và đánh mất sự tự do của tôi. Vào tuổi 24 tôi đánh mất quê hương tôi và trở thành một người tị nạn. Tôi đã từng gặp nhiều khó khăn, nhưng như có câu: "Bất cứ khi nào bạn hạnh phúc, bạn có thể gọi là nhà, và bất cứ ai tử tế với bạn thì người ấy như cha mẹ bạn." Tôi đã hạnh phúc và ở nhà khắp nơi trên thế giới. Sống một đời sống đầy đủ ý nghĩa còn không chỉ là vấn đề tiền bạc, nhưng đấy là việc cống hiến đời bạn để giúp đở người khác.

Việc thay dổi trên thế giới đến từ những cá nhân, từ niềm hoà bình nội tại trong trái tim mỗi cá nhân.  Giống như những gợn sóng lan ra khi một viên sỏi rơi vào trong nước, những hành động của các cá nhân có thể có những tác động lan tỏa sâu rộng.

Chúng ta rất thường bị rối rắm trong sự thiển cận. Chúng ta cần tiếp nhận một quan điểm rộng rãi hơn. Chúng ta quên lãng những giá trị nhân loại căn bản. Nếu chúng ta muốn sống trong một thế giới tốt đẹp hơn, quý vị nghĩ ai sẽ đem đến việc ấy? Chí có những con người chúng ta. Một sự thay đổi như vậy không xảy ra nếu chúng ta chờ đợi các chính phủ hay Liên Hiệp Quốc hành động. Những gì chúng ta cần là sự tự tin và quyết tâm.

Đối với nhiều người, giá trị xác thật nhất là tiền tài. Và dĩ nhiên, tiền tài có vị trí của nó, nhưng giá trị của việc trau dồi một thái độ từ bi là hiệu quả hơn nhiều. Khi chúng ta chỉ chú ý đến những giá trị vật chất, thì chỉ có một chút ít quan tâm cho người khác, hay cho sự quan tâm hổ tương.

Mục tiêu chính yếu của cuộc sống chúng ta là hạnh phúc, là điều được nâng đở bởi hy vọng. Chúng ta không có bảo đảm gì về tương lai, nhưng chúng ta tồn tại trong hy vọng về điều gì đó tốt đẹp hơn. Hy vọng có nghĩa là duy trì nó tiếp tục, việc nghĩ, 'Tôi có thể làm điều này'. Nó mang đến sức mạnh nội tại, sự tự tin, năng lực để làm bất cứ điều gì một cách trung thực, chân thật và hiển nhiên.

Quan tâm đến những người khác không chỉ là một vấn đề của sự thực hành tôn giáo; mà nó là một bước tiến đối với việc tạo ra một xã hội hạnh phúc. Nếu quý vị có rắc rối với hàng xóm của quý vị, hãy cố gắng để giải quyết nó. Thật có thể chuyển hóa kẻ thù của hôm nay thành thân hữu ngày mai. Hãy nghĩ về điều này, thảo luận nó với bạn bè của quý vị; hãy cố gắng để biến nó thành kết quả.

Sự thực tập chính của tất cả những tôn giáo quan trọng là từ ái và để bảo vệ chống lại những chướng  ngại thì chúng ta cần bao dung và tha thứ. Do thế, tất cả những tôn giáo chính nói về bi mẫn, bao dung, toại nguyện, và kỷ luật tự giác. Những vị thầy của các truyền thống khác nhau của chúng ta đã thực tế trong sự khuyên bảo của họ. Bởi vì sự vị kỷ thường đưa đến tham dục, cho nên tất cả các ngài khuyên trau dồi sự toại nguyện và đơn giản trong đời sống của chúng ta.

Loài người theo đuổi những quan tâm của họ một cách tự nhiên; tuy thế, sự vị kỷ là rất giới hạn. Khi quý vị quan tâm đến những  người khác, thì sự bắt nạt và bóc lột sẽ dừng lại. Có hai trình độ của bi mẫn, một là sinh học bẩm sinh và thứ kia là kết quả của sự tỉnh giác. Chỉ mong ước bi mẫn, hay nói Đức Phật hay Thượng Đế muốn chúng ta bi mẫn thì không hiệu quả lắm. Điều chúng ta cần là giáo dục và tập luyện.

Dù chúng ta có đi theo con đường của tôn giáo hay không, nhưng như những con người thì tất cả chúng ta cần tình cảm. Nhiệt tình làm phát sinh sự tự tin và sức mạnh nội tại mà nó hổ trợ một tâm tĩnh lặng. Sự hòa bình của tâm thức góp phần cho sức khỏe thân thể. Đây là căn cứ trên việc nuôi dưỡng những giá trị nhân bản mà tôi khuyến khích như đạo đức thế tục.

Hãy cố gắng để chân thật. Năng lực của sự thật không bao giờ suy tàn. Sức mạnh và bạo động có thể tác động ngắn hạn. nhưng về lâu dài thì sự thật sẽ phơi bày. Sống trung thực và chân thật làm phát sinh tin tưởng và tin tưởng đưa đến tình thân hữu và một vị thế thân thiện. Vì tất cả chúng ta cần bạn bè, cho nên trung thực và trong sáng là một khía cạnh căn bản của bản chất loài người.

Khi chúng ta thấy những hình ảnh của trái đất từ không gian, chúng ta không thấy biên giới giữa chúng ta, chỉ một hành tinh xanh này, nơi thời tiết thay đổi tác động tất cả chúng ta, nơi kinh tế toàn cầu đem chúng ta lại với nhau. Trong quá khứ, Tây Tạng, được vây quanh bởi những rặng núi, nuôi dưỡng sự cô lập của nó. Nhưng, sự cô lập như vậy đã lỗi thời. Ngày nay, chúng ta cần quan tâm đến sự cát tường của toàn thể nhân loại và việc bảo tồn sức khỏe của hành tinh.

Tất cả mọi loài chúng sanh muốn sống không bị quấy rầy trong hòa bình và hạnh phúc. Do thế, khái niệm quyền con người là phổ quát. Nó áp dụng đến tất cả mọi người đã trải nghiệm khổ đau hay vui sướng. Đây là tại sao việc phát triển sự quan tâm chân thành cho người khác cho chúng ta sự an hòa của tâm thức; nó đem với nó sự tin tưởng và cảm giác hòa bình. Trau dồi lòng nhiệt tình đóng góp cho sự cát tường của chính chúng ta.

Nếu loài người chúng ta chỉ dựa vào sự phát triển vật chất, thì chúng ta không thể bảo đảm cho một kết quả tích cực. Việc sử dụng kỷ thuật bị thúc đẩy bởi sân hận và thù oán  sẽ có tiềm năng tàn phá. Nó chỉ có lợi nếu chúng ta tìm kiếm lợi ích cho toàn nhân loại. Con người là chủng loại duy nhất có khả năng để tàn phá thế giới. Do bởi những hiểm họa của dục vọng và tham lam không kềm chế cho nên chúng ta cần trau dồi sự toại nguyện và ngay thẳng.

Nhằm để thấu hiểu cung cách bộ não chúng ta ứng xử, thì chúng ta có thể quán sát các cảm xúc của chúng ta và những tác động của chúng. Trong quá khứ, dường như khoa học kỷ thuật và khoa học tâm linh đối kháng với nhau. Tuy nhiên, sẽ không lợi ích nếu duy trì sự chia cách như vậy, bởi vì một truyền thống đối diện với tri thức của thế giới vật chất và thứ kia với thế giới nội tại của tâm linh; chúng ta cần biết cả hai.

Tôi xem bất bạo động là từ bi trong hành động. Nó không có nghĩa là yếu kém, co rút trong sợ hãi, hay đơn giản là không làm gì. Nó là hành động mà không bạo động, được động viên bởi từ bi, việc thừa nhận những quyền của người khác.

Cần hiểu biết rằng sân hận không bao giờ giúp để giải quyết một vấn nạn. Nó tàn phá sự hòa bình của tâm hồn và che khuất năng lực của chúng ta để suy nghĩ một cách rõ ràng. Sân hận và dính mắc là những cảm xúc bóp méo quan kiến của chúng ta về thực tại.

Hôm nay, khi chúng ta mong ước mọi người một năm mới hạnh phúc, chúng ta hãy quyết định để là những con người chân thành, từ bi và nhiệt tình hơn, cố gắng để làm cho thế giới chúng ta là một nơi bình đẳng hơn. Cách ấy, chúng ta sẽ thật sự có thể làm cho nó là một năm hạnh phúc.

Chúng ta phải thực tế. Chúng ta không thể đón nhận bằng những hiện tướng; chúng ta phải thừa nhận một sự tiếp cận thực tiển. Đó là qua giáo dục mà chúng ta đi đến nắm vững thực tại. Sự thấu hiểu lớn mạnh trước nhất qua việc nghe và đọc, tiếp theo bởi phân tích và thực nghiệm, và sau đó suy nghĩ thật sự về nó. Chính một trong những năng lực vô song của con người mà chúng ta có thể nhìn vào thực tại từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Có những sự khác biệt giữa chúng ta về tín ngưỡng và quốc gia và trong những nhóm đó là những cá nhân giàu và những người khác là nghèo; nhưng tất cả chúng ta có quyền để sống trong hòa bình. Ý tưởng về nhân quyền là những gì của tự do. Quan niệm bản chất con người là hiền hòa là đương nhiên. Đây là tại sao quan tâm cho sự cát tường của người khác làm cho chúng ta thanh than.

Các nhà khoa học đang đi đến nhìn nhận những ảnh hưởng của tâm thức đối với sức khỏe thân thể. Cảm giác tĩnh lặng phối hợp với niềm hòa bình nội tại liên hệ không chỉ là sự thư thái của thân thể. Nếu quý vị bị rầy rà bởi lo lắng hay xáo động với sân hận, thì quý vị không thật sự thư thái. Chìa khóa của thư thái là niềm hòa bình của tâm thức. Sự thư thái có được từ rượu, ma túy hay chỉ từ việc nghe nhạc có thể dường như hấp dẫn, nhưng nó không lâu bền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét