Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

THẨM ĐỊNH PHIM NẼO VỀ CỎI PHẬT.



Như hầu hết những bộ phim làm về lịch sử Phật giáo, hoặc lịch sử cuộc đời đức Phật, bộ phim trên đây vẫn phải theo đúng nguyên tắc tôn trọng tinh thần thực của Phật giáo.

Cái khó của người viết kịch bản, là không đi ra ngoài khuôn phép định hình của một tôn giáo mà vẫn lôi cuốn quần chúng. Bởi vì sinh hoạt tôn giáo nếu không nói là khô cứng so với những gì hấp dẫn mà phim cần lôi kéo một cách thế tục cho người xem. Phần diễn xuất càng khó hơn khi diễn viên lột tả được nội dung vấn đề qua ánh mắt, động tác thể hiện đúng đạo phong của một tôn giáo mà không bị khiên cưỡng hoặc hài hước.

Đó là yêu cầu tinh thần rất khắc nghiệt của người làm phim tôn giáo. Để làm mềm bản chất khô khốc của tôn giáo, người sáng tác kịch bản hay một áng văn không thể thiếu yếu tố hư cấu. Hư cấu là gia vị cần thiết cho người đầu bếp, cũng thế, không thể rập khuôn một quy tắc định sẵn của một tôn giáo mà tác giả kịch bản là tấm gương phản chiếu trọn vẹn. Nếu thế thì sẽ thất bại hoàn toàn và tôn giáo không cần một kịch bản như thế vẫn lưu tồn giá trị nguyên bản của mình khi đến với quần chúng. Phim ảnh là ngôn ngữ nghệ thuật thì kịch bản cũng phải là công thức tạo nên ngôn ngữ đặc thù ấy.

Qua kịch bản NẺO VỀ CÕI PHẬT của Đỗ Tài có những điểm mạnh và yếu như sau:

* Phần mạnh của kịch bản:
1/ Kịch bản tránh được một số huyền thoại thiếu tính khoa học của hầu hết các tôn giáo phạm phải. Tác giả lách một cách khôn khéo nhẹ nhàng mà người đọc, xem vẫn hiểu vấn đề xẩy ra một cách hợp lý.

2/ Kịch bản ngắn gọn mà vẫn thể hiện trọn vẹn tinh thần sinh hoạt suốt 49 năm của đức Phật cùng chư đệ tử.

3/ Kịch bản thể hiện được tinh thần tôn trọng đức Phật và các đệ tử qua các câu đối thoại một cách tinh tế.

* Phần yếu của kịch bản:
1/ Tác giả chưa mạnh dạn hư cấu để nội dung tạo sự hưng phấn thêm ngoài những yếu tố cơ bản của tôn giáo.

2/ Một vài địa danh, tên nhân vật chưa chuẩn xác – điều nầy đã được sửa chữa xong.

3/ Suốt từ lúc khởi đầu đến khi kết thúc, giai điệu  trầm lắng như giòng chảy của sông Hương. Nhất là đoạn kết diễn đạt đức Phật nhập Niết Bàn, chưa tạo cho khán giả một cảm xúc dâng trào. Đây là yếu tố đậm nét tạo cho người xem còn lại cái gì đáng nhớ sau khi ra về. Nên nghiên cứu bổ sung gấp.

4/ Phần thần thông của Mục Kiền Liên dễ tạo tính mâu thuẫn của thần lực. Ví dụ chiếc cầu bị gãy, hoặc người xem cũng có thể nghĩ là Mục Kiền Liên nhỏ nhen đối với ngoại đạo, hoặc thần thông không đủ khả năng tuyệt đối. Bởi vì cả hai vấn đề đều không lột tả được tinh thần vị tha của Tăng sĩ Phật giáo. Mục Liên dùng thần thông để cảm hóa tính keo kiệt của lão bà dễ tạo sự ngộ nhận về việc cưỡng bức. Dùng quyền lực giáo hóa như thế không đúng tinh thần PG.

5/ Đoạn ngũ ấm ma nên diễn đạt thế nào để người xem hiểu rằng  năm loại ma cũng là 50 loại ma, vì 50 loại ma đó phát xuất từ ngũ ấm ma biến hiện. Nếu nói một cũng chưa đủ.

6/ Phần Ma Đăng Già và Anan chưa lột tả sâu sắc để người xem thấy được nguy hiểm của sắc dục và Anan giác ngộ nhờ triết lý thẩm vấn giữa đức Phật và Anan. Phần nầy rất quan trọng để xiển dương cái tâm của nhà Phật.

Tóm lại, kịch bản tôn trọng được tính thực của lịch sử nhưng chưa tạo được sự lý thú của lịch sử mà không đánh mất tính thực. Một vài đối thoại chưa mang tính sâu sắc của triết lý tôn giáo. Các bộ phim trước của nhiều tác giả cũng bị cản trở những nguyên tắc khô cứng của tôn giáo. Tác giả chưa dám mạnh dạn tạo sức thu hút bằng những hư cấu nhưng không quá phàm tục.

Dẫu sao, đây cũng là một kịch bản đáng tán dương, nhiều công phu điều nghiên suốt 49 năm hoằng pháp của đức Phật. Một phần thành công còn tùy thuộc vào sự nhập vai của diễn viên phim trường.

MINH MẪN
09/3/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét