Sau 1990, hàng loạt vấn đề thay đổi cơ chế bao cấp, kể cả phát ngôn cũng được nâng cấp!
Trong phạm vi tôn giáo, một số khía cạnh cũng được tự do phát biều trong tinh thần xây dựng mà trước kia, bên dưới chỉ được phép trùng tuyên rập khuôn những gì từ trên phán, không được nói khác. Dĩ nhiên quyền hạn đó chưa được 100%, nhưng ít ra cũng được nói lên những gì mình muốn nói. Tinh thần phản biện giúp người nghe và người nói điều chỉnh lại những gì chưa hoàn chỉnh.
Cơ chế bao cấp là cơ chế Xin-Cho, mất tính sáng tạo, thì cơ chế xã hội ngày nay là cơ chế đối thoại để hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, phải nhiều năm nữa, một số cán bộ mới bỏ được thói quen cửa quyền của thời bao cấp, và người dân, kể cả một số chức sắc tôn giáo mới tập quen việc sử dụng Quyền Hạn của mình và ý thức được Quyền lợi đang có để mà đứng thẳng, ngẩng cao, đối thoại với những người đang thực thi pháp luật chưa nghiêm túc. Hai bên đều lắng nghe nhau khi mà biết tôn trọng lẫn nhau.
Xin đừng hạ thấp giá trị văn hóa - tâm linh,
đó là tựa đề của bài viết: “Lại nghĩ đến tiền” được Giác Ngộ online sửa lại.
Tuy cùng nội dung, nhưng độc giả đọc hai tựa đề đã có cảm nhận khác nhau về phong thái của người dùng chữ. Một người đứng thẳng ngẩng cao để đối thoại, một người khom lưng, cúi đầu ngửa hai tay lên khỏi trán để van xin!
Tại sao phải Xin khi lẽ phải có chính nghĩa? Ai bắt mình phải van xin khi mà họ cần lắng nghe tính phản biện của người đang có quyền lợi và quyền hạn mà luật pháp cho phép?
Văn phong báo chí phản ánh một hiện trạng xã hội. Không một nhà nước nào muốn kẻ khác nhìn mình với ánh mắt khó chịu thì chả lẽ nhà nước chịu khó tiếp tục chấp nhận phong cách của người cầm bút khúm núm Van xin?
Một con chim được chủ mở cửa thả tự do, nhưng vì thói quen, không chịu bay đi mà cứ lẩn quẩn bên lồng để chui vào lại lồng son được cung cấp thực phẩm và được chăm sóc chu đáo; đó là con vật, con người và con người tuy khác nhau quyền hạn, nhưng giá trị nhân cách đều ngang nhau, ngoại trừ tội phạm.
Báo chí dù là nguồn cung cấp chi phí và quyền hạn do nhà nước quản lý, nhưng cũng phải có khoảnh sân nhất định để thể hiện nghiệp vụ báo chí của mình. Người cầm bút phải trang bị cho mình tính trung thực và sự thẳng thắn, không nên khiếp nhược. Ngoài ra, báo chí phải bắt kịp tính thời sự để cung cấp cho độc giả những kiến thức xã hội đang diễn ra hàng ngày, chứ không phải thụ động cóp nhặt tin tức từ những trang mạng có sẵn; phải thể hiện tính năng động của người làm báo. Báo chí phải can đảm thông tin những ý kiến dù thẳng thừng. đừng sợ mích lòng bề trên…vì báo chí là tiếng nói phản biện giúp cho giới lãnh đạo điều chỉnh cái sai và giúp cho người dân nói lên tiếng lòng đang cần nói.
Báo chí tôn giáo cũng thế, những quyền lợi của tôn giáo cần được bảo vệ theo hiến pháp quy định và biết sử dụng quyền hạn của mình được luật báo chí cho phép; đó là những yếu tính của nghiệp vụ báo chí. Những cây bút chủ lực của báo cũng vậy, phải năng động cập nhật tính thời sự chứ không phải ngồi tại chỗ tưởng tượng những điều không có thật để hù dọa nhát ma tín đồ, thay vì giúp nội tình Phật giáo phát triển, lại hô hoán những giả định làm cho giữa cấp lãnh đạo Giáo hội và tín đồ nghi ngại lẫn nhau.
Vì thế, báo giới ngày nay phần lớn mang tính tiêu cực và người cầm bút chưa thể hiện được thiên chức của người cầm bút. Hoặc là nói thẳng nói thật, hoặc là im lặng chứ không nên bẻ cong ngòi bút. Hoặc là phản ánh trung thực hoặc góp ý xây dựng chứ không nên tưởng tượng bịa chuyện để lấp vào chỗ trống mà báo đang đói bài.
Quyền hạn và quyền lợi của nhà báo, cũng như quyền lợi và quyền hạn của tôn giáo có giá trị khi mình biết sử dụng đúng chỗ; van xin không phải là phong cách của người cầm bút, cũng không phải là phương án tối ưu để được ban ân. Nếu bảo đó là ngôn cách giao tế thì chỉ là phong cách giao tế của kẻ cuồng tín muốn đẹp lòng Thần linh. Xã hội ngày nay Thần linh cũng được an trí một góc thờ cố định, nhường chỗ cho con người với con ngườ biết lắng nghe nhau; đó là Quyền hạn và quyền lợi của nhau trong một xã hội công bằng chính trực.
Hy vọng báo chí, khi đăng lại bài của bất cứ ai, nếu không dùng tựa đề của tác giả thì cũng nên sáng tạo một tựa đề hợp với văn phong của tác giả, không nên bẻ cong phong cách của người viết, vì đó không phải quyền hạn và quyền lợi của người làm báo.
Ngưỡng mong
MINH MẪN
09/7/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét