Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

SỐNG GIẢ - SỐNG THẬT


 Giả và thật là hai mặt tương phản trong cuộc sống, tuy hai nhưng là một, bởi không có giả thì làm gì có thật, không có thật sao lại có giả? Như vậy, giả và thật chỉ là ý niệm tương đối trong một lĩnh vực nào đó.

Theo tinh thần nhà Phật, “cái nầy có thì cái kia có, cái nầy sanh thì cái kia sanh, cái nầy diệt thì cái kia diệt”! Cũng như đẹp và xấu, sở dĩ có hoa khôi hoa hậu vì những thí sinh khác chưa đủ chuẩn hoàn hảo như hoa khôi hoa hậu. Những thí sinh bị loại, nếu đứng chung với người bình thường, ắt hẳn cô ta trở thành hoa khôi, vì những người bình thường không đạt nét chuẩn; như vậy đẹp và xấu cũng chỉ là tương đối trong một giai đoạn, trong một hoàn cảnh nhất định.

Cái giả và thật của thường tục
Quan điểm của thường tục cũng vậy, sống không thật tức là sống giả, sống không giả tức là sống thật; sống thật là sống không giả, sống giả là sống không thật. Nhưng thế nào là sống giả và thế nào là sống thật. Một tình cảm khởi đầu khi đôi lứa gặp nhau bằng tấm chân tình, câu nói đầu tiên biểu lộ tình cảm: “Anh yêu em hay em yêu anh, nếu chúng mình không có nhau thì cuộc sống mất hết ý nghĩa…” cả hai người đều tin câu nói của người mình yêu là chân thật. Cũng câu nói đó, khi hai người sống chung, có những bất mãn nhau, không cùng ý tưởng, không chung ý hướng, thấy tánh xấu của nhau, nặng lời nhau  lúc cải lẫy: “tôi lấy anh là một sai lầm hay tôi chọn cô là một lầm lẫn của đời tôi…” lúc ấy họ nhớ lại những lời tâm tình ngày đầu là cả một sự giả dối để được lòng nhau. Hoặc, người vợ nghe tin chồng ngoại tình, nhưng về nhà luôn thốt lên câu: “anh vẫn yêu em như ngày đầu mình gặp nhau”, dĩ nhiên câu nói nầy đối với người vợ là một sự giả dối trắng trợn, ngược lại người chồng họ nói rất thật lòng. Nội dung câu nói không khác câu nói lần đầu, nhưng tinh thần người vợ cảm thấy đã khác hẳn, như vậy gọi là giả dối.( giả và thật chỉ là một)

 Về vật chất, những sản phẩm đầu tiên được giới tiêu thụ yêu chuộng, liền sau đó sẽ có những con buôn nhái hàng y chang mẫu mã nhưng chất lượng không giống nhau, gọi là hàng giả. Ngày nay có trứng gà giả, gạo giả, thịt giả, cánh gà giả, thuốc giả, một vài bộ phận trên cơ thể con người là giả và vô số đồ giả mà hàng ngày báo chí lên tiếng. Vì sao có giả? Vì đã có đồ thật. Nếu một sản phẩm mà không có đụng hàng thì sản phẩm đó không thể gọi là giả mà cũng chẳng thể gọi là thật, ngoại trừ sau đó một sản phẩm nhái đúng mẫu mã thì sản phẩm đầu tiên được gọi là đồ thật và sản phẩm theo sau đó được gọi là đồ giả.

Riêng thực phẩm chay, để đánh lừa ảo giác kẻ thích ăn thịt động vật, thực phẩm chay nhái theo hình dạng và tên gọi những loại thực phẩm ngoài xã hội như : vịt quay, gà xé phay, hột vịt, khô nai, cá cơm, bò viên…đồ chay giả mặn; đó là giả vì không phải đồ mặn thực sự, nhưng vẫn là thật vì đó thuần chay do thảo mộc thực vật làm ra. Không nhất thiết phải có tên gọi y chang đồ mặn. Nếu thực phẩm chay đáp ứng được khẩu vị của thực khách thì bất cứ tên gọi nào mang tính đạo vị cũng đều có kết quả như nhau. ( ví dụ lạp vịt chay có tên là “chuyển hóa” hay “thụy ứng”, thì không còn bảo là đồ giả. Giả và thật trong trường hợp nầy cũng khó mà phân định, vì thật và giả chỉ là một.

Về tôn giáo không gọi là giả hay thật mà thay vào đó gọi là chánh và tà. Cái có nghĩa nương vào cái chánh để lạc dẫn quần chúng sang một lối thiếu trong sáng, đi ngược lại hoàn toàn tinh thần chân chánh của tôn giáo ban đầu. Ngày nay tà đạo lấy một số giáo lý của tôn giáo chính thống để cải biên, hẳn nhiên giá trị đạo đức tâm linh không thể so sánh với tôn giáo chính thống.

Đánh lừa ảo giác, các chất say, ma túy, thuốc lắc, bồ đà…là những loại tạo ảo giác hưng phấn, cảm nhận rất thật lúc nhập cuộc, nhưng hoàn toàn là giả, vì chúng chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó,con nghiện sẽ trở lại đời sống trống vắng cô đơn, lại tiếp tục tìm cảm giác thật trong các ảo giác đó. Trường hợp nầy con nghiện không phân biệt cuộc sống đâu là thật đâu là giả, chỉ biết đáp ứng nhu cầu của ảo giác để tìm sự sảng khoái trong lúc thể xác đòi hỏi.

Như vậy có thể nói giả là cái không đúng những gì ban đầu xuât hiện, và kém phẩm chất hơn cái ban đầu. Thật, là những gì được đối tượng chấp nhận và thích hợp với đối tượng. Từ đó suy ra, sống giả là lối sống không thật lòng mình, không hợp lòng người, ngôn hành bất nhất. Sống giả là sự trang bị bề ngoài để đánh lừa niềm tin và cảm nhận của mọi người; việc trang bị  cái giả đó bằng ngôn từ và hành động có một phần ý tưởng không thật. Sống thật là sống đúng với lòng mình, và đúng với đại đa số có khuynh hướng thánh thiện; ngôn hành hợp nhất, đôi khi cũng bị người ngoài đánh giá sai lầm, nhưng vẫn là sống thật do không có ý đồ lừa gạt sự phán xét và cảm nhận của mọi người, không có ý đồ chiếm dụng quyền lợi của kẻ khác, lừa đảo niềm tin của tha nhân, làm thiệt hại và gây đau khổ cho tha nhân.


Một ảo thuật gia đại tài như David Copperfield, có thể làm biến mất tượng Nữ Thần tự do ở Newyork, đó chỉ là trò ảo thuật không có thật, nhưng mọi người xem thấy là thật. Cái mà cho là thật thì chỉ là ảo giác bị đánh lừa. Cuộc sống chúng ta hàng ngày giả và thật khó phân minh nếu chúng ta không được trang bị một kiến thức Phật học để tự mình làm chủ mọi giác quan của chính chúng ta.

Giả và thật trong đạo lý nhà Phật
Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật bảy lần vặn hỏi ngài Anan để chỉ ra cái ảo giác không thật về sự nhận thức của lục căn. Kinh Pháp Hoa Phật đã khai thị cho chúng sanh – “ngộ nhập Phật tri kiến”.  Toàn bộ giáo lý nhà Phật đều phân tích về tình trạng ảo giác do tập khí huân tập chủng tử nhiều đời, làm lạc dẫn chúng ta trôi lăn trong sanh tử.

Trong khoa học, các khoa học gia đi đến tận cùng của hạt cơ bản để tìm  nguyên nhân hình thành vũ trụ vật chất, nhưng cuối cùng đối diện trước bức tường kiên cố, đó là khoảng không bao la trong  hạt nguyên tử, phân tử, ngay cả hạt Higgs mà người ta hy vọng có  một giải đáp cuối cùng, chúng cũng đưa các nhà khoa học vào chốn hoang mang, vì hiện nay chưa có một đáp án thỏa đáng làm căn bản cho nguyên lý vũ trụ hình thành và tồn tại. Thuyết Big Bang cũng chỉ là một giả thuyết về hiện tượng hình thành chứ không phải bản chất của vật thể.Trong khi đó, triết học về tính không của Phật giáo đã xuất hiện gần ba ngàn năm giúp cho hành giả không bị vướng mắc vào những hiện tượng ảo trong cuộc sống. Kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp – như mộng huyển bào ảnh” hay là “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Pháp tướng tông từng bảo “Tam thế duy tâm – vạn pháp duy thức. Nhất thiết duy tâm tạo”…Tóm lại kinh điển được xác định qua tam pháp ấn : “vô thường – khổ - vô ngã”.

Dưới mắt tuệ giác của đức Phật, đời người là đại mộng, là ảo giác. Chiêm bao là tiểu mộng, tiểu ảo. Trong giấc mơ, ta không nhận thức được hiện tượng  xầy ra là giả, cứ nghĩ là thật, tác động vui buồn khóc cười trên thể xác, đến khi tỉnh giấc, mới biết đó là mộng ảo. Cũng thế, cuộc sống chúng ta trôi lăn qua sáu đường cứ nghĩ đó là thật, khổ đau hạnh phúc mãi tác động  chi phối chúng ta, cứ thế mà tiếp tục huân tập vào chủng tử để tiếp tục trôi lăn mãi mãi, đến khi giác ngộ, chứng đắc mới thấy đời là ảo mộng. Muốn thoát sự chi phối của ảo mộng, giáo lý hướng dẫn cho chúng ta nhiều phương pháp hành trì để chuyển hóa tập khí và tạp thức.

Vô lượng pháp môn tu là để đáp ứng cho vô lượng căn tánh trầm luân của chúng ta; chúng chỉ là phương tiện hướng tâm thức tiến hóa vào con đường chính, xa dần ảo tưởng. Nhưng cũng từ cái tâm vướng mắc của chúng ta, ngoài pháp hành của ta, xem pháp khác là thấp , là tà, là ngoại đạo…mà không biết pháp ta đang hành cũng chỉ là chiếc bè qua sông, cái nạng cho người đang tập đi. Đức Phật biết chúng sanh sẽ bảo thủ vào lời dạy của Phật, ngài từng nói : “Nhất thiết tu đa la như tiêu nguyệt chỉ”. Tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng  là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Ta biết đời là giả tạm, bỏ đời vào chùa tu, lại chấp chùa to phật lớn, bám vào tiện nghi cuộc sống, bám vào chức vụ quyền hạn nhỏ nhoi đang giữ, cứ nghĩ đang sống thật mà quên rằng cái thật đó đang tồn tại trên cái đang sống giả. Nguyên nhân vì chúng ta còn tồn tại một bản ngã dù là vi tế, bản ngã được lồng trong  nhãn hiệu trách nhiệm, bổn phận, quyền hạn, thế lực, địa vị, pháp phục, chức sắc, giáo phẩm…để gây khó cho nhau. Người Phật tử vào chùa, được thầy tin dùng giao cho vài trách nhiệm như quản lý, thủ quỷ, thư ký, trưởng đạo tràng…thế là nhiệt tình năng nổ, làm việc theo bản ngã vô tình gây khó khăn quá đáng cho đồng đạo huynh đệ, thêm chút hách dịch để tỏ rõ quyền hành, xem đó là sống thật với trách nhiệm, sống thật với tín ngưỡng tôn giáo mình mà quên là ta đang sống trong giả tạm, trong ảo danh.

Vậy thế nào để tự mình đi đúng con đường sống thật, tránh lối sống giả mà cuộc phù du luôn lạc dẫn chúng ta?
Đức Phật trao cho ta một bản đồ lộ trình tám yếu tố để tự mình luôn xét đoán ý nghĩ, việc làm, cuộc sống, lời nói, hàng ngày của chúng ta. Đúng ra, tám yếu tố để chọn đúng đường đi đến giác ngộ, nhưng chúng cũng có thể áp dụng vào cuộc sống thường nhật, giúp ta tránh lệch hướng:

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, tâm hồn thanh tịnh, trong sáng, chơn chất ngay thẳng, trung thực…biểu lộ qua anh mắt của chúng ta. Đồng thời cũng từ cửa sổ của tâm hồn đó, ngoại cảnh được cái hiểu và nhận thức của con mắt biến tấu theo quan điểm riêng mà ngoại vật biến thành chủng tử thiện hoặc bất thiện, tốt hoặc xấu, trong sáng hay đen tối, đi vào tiềm thức của chúng ta. Để tránh cái nhìn lệch lạc, tránh cái thấy sai lầm, cái thấy được xây dựng trên căn bản trong sáng, chân thật, không tự mình tha hóa sa đọa, không nhìn mọi vật mọi người qua lăng kính xấu xa, ích kỷ tham lam; nhìn với ánh mắt từ bi thương xót để lợi người, lợi vật lợi mình, đó là cái thấy đúng cái thấy chân thật của người con Phật. ( Được gọi là cái thấy đúng đắn của thế tục, thế giới hữu lậu. Ngược lại cái thấy chân chánh chọn lựa pháp hành đưa hành giả đến giải thoát gọi là cái thấy vô lậu, cái thấy  xuất thế gian)

Suy nghĩ đúng đắn, nếu là hành giả chuyên tu giải thoát thì chỉ tư duy về đạo lý chân thật, xa lìa con đường đưa đến tham sân si, ( đây là tư duy vô lậu, làm nhân cho quả giải thoát xuất thế gian). Trong cuộc sống của người Phật tử tại gia, sự suy nghĩ đúng đắn giúp ta không bị lệch sang một bên cực đoan, luôn đưa ra nhiều giải phái để xét đoán trước khi chấp nhận một vấn đề mà không hại người, không hại mình, không đem lại khổ đau cho bất cứ ai, và không đưa đến tham lam sân hận si mê…( đó là tư duy hữu lậu, có nghĩa tư duy đưa đến nhân quả thiện của thế gian)

Lời nói chân thật, không ác khẩu, không đâm thọc, không thêu dệt, không dối trá đưa đến khổ đau cho kẻ khác, không gây chia rẽ làm mất hạnh phúc, làm mất đoàn kết của người. Lời nói thiện lành giúp ích cho xã hội, đem lại tốt đẹp cho tha nhân, đó là lời nói chân chánh, làm nhân cho phước báu  thế gian về sau. Một hành giả chuyên tu, lời thuyết pháp, lời khuyên nhủ để quần chúng tu tập, giúp ich cho người giải thoát, đó là nhân đưa đến quả xuất thế gian.
Lời nói chân thật thì không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, không phân biệt ta và người, miễn đưa đến kết quả tốt đẹp. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, trước khi Phật nhập diệt, đệ tử hỏi: “ Bạch Đức Thế Tôn, sau khi Phật nhập Niết-bàn rồi, người đời sau gặp nhiều sách vở ngoại đạo với kinh Phật không làm sao phân biệt.Vậy biết tin theo lời nào để tu?  Phật bảo, không luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo đó mà tu”. 

Hành động ngay thẳng, thuật ngữ gọi là chánh hạnh. Khởi từ thân – khẩu – ý xa lìa sát đạo dâm vọng mới tránh được kết quả xấu trong cuộc sống cho mình và cho người. Khi nói, làm,  trên căn bản ngay thật đúng đắn không vì sân hận, không vì tư lợi, không vì ý đồ đen tối để hại người lợi mình, tránh mọi tà vọng, đó là chánh nghiệp, đưa đến quả lành của thế gian. Hành giả chuyên tu giải thoát dùng sáu pháp Ba La Mật hoặc hành trì theo phẩm Pháp sư của kinh Pháp Hoa làm căn bản chánh nghiệp cho quả xuất thế gian.
Mỗi pháp môn đều có những pháp hành  trong chánh nghiệp, đều xử dụng những hành nghiệp thiện lành đưa đến quả giải thoát.

Nghề nghiệp thiện, người Phật tử phải chọn cho mình một nghề sống tốt và thiện. Không sống trên đau khổ kẻ khác, không sống trên sinh mạng của chúng sanh; không kiếm tiền bằng sự bóc lột, hà hiếp, lừa đảo, trấn lột kẻ khác; một nghề nghiệp đem lại an lạc cho ta, an vui cho mọi loài, đó là nghề nghiệp thiện, làm nhân đưa đến quả tốt đẹp về sau. Một hành giả tu giải thoát không lạm dụng niềm tin quần chúng để hành nghề bói toán, chiêm tinh, địa lý hay bất cứ cái gì thuộc thế gian để mưu cầu lợi dưỡng, vì đó là nhân đưa đến quả đọa lạc, không thể giải thoát.

Siêng năng đúng nghĩa, trong tư cách người tại gia, không chỉ siêng năng trong bổn phận với gia đình, còn có trách nhiệm với xã hội, với người chung quanh mình; biết hy sinh và nhiệt tình năng nổ làm lợi ích cho cuộc sống quanh ta. Làm lợi về mặt vật chất lẫn tinh thần, ví dụ làm cầu sửa đường, giúp người hiều rõ Phật pháp, hoặc khuyến khích kẻ khác biết làm lành lánh dữ, khuyên nhủ trẻ con biết hiếu thảo, siêng học hành…Đó là nhân đưa đến quả lành của thế gian. Nếu là một hành giả tu giải thoát, thì luôn chuyên cần chỉ ác hành thiện, không cho tà niệm phát sanh, không để ác hạnh tác động. Luôn tạo điều kiện cho hạnh lành phát triển (phòng phi chỉ ác) đó là tu tứ chánh cần của bậc viễn ly ác đạo, làm nhân cho quả giải thoát.

Để ý, ghi nhớ điều phải, hàng ngày chúng ta bị tạp niệm lôi kéo, lăng xăng hết nghĩ cái nầy lại nẩy sanh điều nọ. Toàn là nhớ nghĩ đến điều bất thiện. Do đó, khi biết đạo, chúng ta nên hướng tâm vào điều chánh đáng. Nếu một ý niệm không đúng, chúng ta cần đoạn trừ ngay, tập điều hướng đến những việc cần thiết cho mọi người, nghi đến điều lành làm lợi cho xã hội, cho mọi sinh vật…đó là nhân đưa đến chánh niệm làm thành người trung thực ngay thẳng trong cuộc sống.
Nếu là hành giả tâm linh, tâm luôn ghi nhớ ngoại vật là giả hợp. thân người là bất tịnh, cảm thọ luôn bất an, tâm mình không dừng trụ, vạn pháp không chắc thật. Vì thế hành giả luôn khởi ý thích hợp với điều thiện của thế gian pháp và tương ứng với pháp xuất thế gian để làm nhân đưa đến quả vô lậu.

Định lực đúng chỗ, Tà pháp thường dụng tâm vào việc luyện tập đem đến hiệu quả không chánh đáng, như luyện pháp thuật bùa chú trừ tà ếm quỷ, thôi miên, thần quyền…dụng tâm như thê, tuy đạt kết quả nhất định, nhưng kết quả đó, ngoài việc phô trương hảo danh, vụ lợi, tạo thêm mê tín cho kẻ khác, không giúp cho ai đến chỗ an lạc và an lành trong cuộc sống, ngược lại tạo thêm quả xấu trong tương lai khi bỏ thời gian công sức tập chú vào mục đích không cao thượng.
Hành giả tâm linh căn cứ vào đâu để có định lức đúng nghĩa?, ta hãy xem đoạn kinh sau đây

Kinh Đại Tứ Thập, Trung bộ 3, tr 206-208 do HT Minh Châu dịch:
Thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các Tỷ-kheo, phàm có nhứt tâm nào được tư trợ với bảy chi phần này, như vậy, gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và tư trợ".
 Đó là chánh định của bậc hữu học có tám chi phần, ngược lại  Alahan co 10 chi phần:
 kinh Trung bộ III sđd tr. 221 thì: “Do có chánh kiến, chánh tư duy khởi lên; do có chánh tư duy, chánh ngữ khởi lên; do có chánh ngữ, chánh nghiệp khởi lên; do có chánh nghiệp, chánh mạng khởi lên; do có chánh mạng, chánh tinh tấn khởi lên; do có chánh tinh tấn, chánh niệm khởi lên; do có chánh niệm, chánh định khởi lên; do có chánh định, chánh trí khởi lên; do có chánh trí, chánh giải thoát khởi lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần".

Qua tám chi nhánh hỗ trợ cho cuộc sống của một Phật tử tại gia cũng như xuất gia, để trở thành một cuộc sống thật đúng nghĩa của đạo đức tâm linh, đối nghịch với cuộc sống có xu hướng tạp loạn giả tạo nhất thời của sa đọa trần tục mà dưới cặp mắt chân chính, đó là cuộc sống giả. Sau khi phân tích cái giảcái thật trong cuộc sống, chúng ta phải chọn một lối sống đạo đức, có nghĩa là lối sống thật, chúng ta cần chọn một tín ngưỡng tâm linh giúp chúng ta tự vượt qua mọi cám dỗ, tự vươn lên mà không ỷ lại vào bất cứ thần lực nào. Phải chọn một cuộc sống chân chánh có ý nghĩa, có giá trị của đời người. Trong giao tế làm ăn, bạn bè, phải chọn một đối tác trung thực ngay thẳng. Trang bị cho mình một pháp tu chân chính thích hợp với căn cơ của mình. Mình phải chân thật với chính mình trước khi chân thật với mọi người…

Tóm lại, qua phân tích trên, cho chúng ta một ý niệm thế nào là sống thật và thế nào là sống giả. Sống hợp với đạo đức con người, hợp với lẽ đạo giải thoát là sống thật, ngược lại sống theo trần tục đam mê vật dục, sa đọa tội lỗi không thật với mình làm sao thật với người, không thương mình  thì đừng nói thương người, đó là sống giả.
Sống giả sống thật, tuy là một ý niệm, nhưng một ý niệm có khả năng tác động hướng dẫn đời người đi xuống hoặc đi lên, tùy quyền quyết định của chúng ta, xin trang trọng gửi đến các bạn ý niệm về sống giả - sống thật để làm hành trang cho đời mình.
                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét