Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

* ĐỘNG CHÚNG THIỀN MÔN (7)



Về đến ngã tư An Sương chưa tới 4 giờ sáng. Đường thưa người nhưng xe tải, xe khách vẫn lăn bánh trong màn đêm. Đến 5g mới có xe bus, đành ôm bác tài xe 2 bánh về thẳng đến nhà, hai dãy phố cửa vẫn còn chìm trong sương khuya.
9g sáng, đường về Sài gòn vẫn “nghẽn mạch” từng đoạn. Qua khỏi An Sương, gặp phải Bà Quẹo, rồi qua khỏi ngả ba ông Tạ mới được thông thoáng. Đúng hẹn, sẽ gặp cô Lan, người có công xây dựng ngôi Niệm Phật đường sau trở thành chùa Linh Quang.
                                                        ***
Khu cư xá Bắc Hải trước 1975 là khu cư ngụ của sĩ quan VNCH, sau ngày thống nhất đất nước, một số đi vượt biên, một số phải đi “kinh tế mới”, một số hiến cúng cho Ủy ban Quân quản để tìm chốn an thân… Chẳng bao lâu, khu vực này đã đầy ắp cư dân xa lạ; nơi đây không đến nổi hoạt náo như các khu phố sầm uất khác, mặc dù nhiều cửa hàng, văn phòng vẫn mở cửa sinh hoạt.

Đến đúng địa chỉ, nằm góc ngả ba Cửu Long – Hồng Lĩnh, không xa quán cà phê Hoa Vàng của gia đình nhà thơ Phạm Thiên Thư. Quán cà phê chỉ vài cái bàn xếp, nằm nép trên vỉa hè hẹp, đường vắng, thế mà ngày nào cũng có khách. Khách phần lớn là nhân viên văn phòng quanh đấy, thi thoảng một vài thân hữu ái mộ Phạm Thiên Thư, họ đến ngồi dưới giàn hoa giấy, để thưởng thức ly cà phê “Phạm Thiên Thư” hoặc cà phê “Độnghoa vàng”. Người dân thường ghép tên tuổi vào món hàng để câu khách. “Lệ Rơi” là nhân vật thất bại trên đài tuyển chọn giọng ca, về lại miền Bắc để trồng ổi, thế mà, một vài nơi bán ổi ở Sài Gòn quảng cáo: “Ổi Lệ Rơi”. Thất bại cũng được nổi danh không thua người thành đạt, kể cũng lạ!

Người đàn bà phốp pháp nhanh nhẹn ra mở cửa; khỏi cần tự giới thiệu, ba người đàn bà có mặt sẵn trong bộ ghế salon, mời khách ngồi. Vui tính như chị Minh Ngọc, chủ nhà, đã làm không khí trở nên thân thiện, dễ bắt chuyện. Một người có thân hình mỏng manh, cặp mắt nhòe nhoẹt vừa giải phẫu, tự giới thiệu – em là Lan, người anh cần gặp. Sau vài phút giao lưu vui vẻ cứ như người thân quen lâu năm, vào việc chính cũng không có gì căng thẳng.

-         Xin chị cho phép được hỏi những sự kiện chùa Linh Quang, phường Lộc Tiến, Bảo Lộc, biết gì cứ nói thoải mái. Chị là người “khai quốc công thần” mà Phật tử Linh Quang ai cũng biết.
-         Vâng, anh cho em được trình bày.
-         Thưa chị cho hỏi – chị biết chùa Linh Quang bao lâu rồi?
-         Dạ em biết từ trước năm 1990 khi mua đất, nghe các cụ nói muốn mua đất làm Niệm Phật đường, em xin tình nguyện mua đất hiến cúng.
-         Thưa chị, với công trạng khởi đầu như thế, vì lý do nào chị không đến chùa nữa?
-         Thưa anh, từ khi thầy Thiện Thành về, em thấy đã gây xáo trộn chia phe trong giới Phật tử, không đúng với tinh thần yêu thương đoàn kết của nhà Phật nên em không đến nữa.
-         Chị cho biết cụ thể sự chia rẽ như thế nào?
-         Dạ, thưa anh, em không nhớ ngày tháng nào, hình như sau thời gian thầy Thiện Thành về chùa Linh Quang. Thầy Thanh Nhật lúc bấy giờ còn là Ban Đại diện Giáo hội TP Bảo lộc, đến để nghe tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Bỗng đâu hàng trăm Phật tử kéo đến la ó, rải truyền đơn chống đối thầy Thanh Nhật. Đáng ra thầy Thiện Thành nên dàn xếp Phật tử tôn trọng buổi nói chuyện, có gì giữa hai thầy với nhau giải quyết, thầy Thiện Thành lại để tình trạng xảy ra như thế; em thất vọng nên không đến chùa nữa.
-         Theo chị, sự việc xảy ra quy trách nhiệm cho thầy Thiện Thành hay cho Phật tử?

-         Theo em, thầy Thiện Thành phải chịu trách nhiệm, vì Phật tử không dám làm chuyện đó. Thầy Thanh Nhật nói ra câu gì là bị Phật tử lớn tiếng lấn áp, thầy không nói được câu gì, ngồi độ một tiếng rưởi, thầy Thanh Nhật được các em huynh trưởng Phân ban GĐPT đưa về. Sau 45 phút thầy Thiện Thành ra làm lễ xem như không có việc gì xảy ra.

-         Vâng, cám ơn chị đã cho tôi biết sự thật mà tôi chưa được nghe trong thời gian ở Bảo Lộc để tìm hiểu sự việc. Có lẽ,thứ nhất, thầy Thanh Nhật tế nhị nên không nói ra, thứ hai nhóm ủng hộ thầy Thiện Thành cũng không thể nói ra, thứ ba nhóm chống thầy Thiện Thành họ không nắm hết sự việc nên họ chỉ trình bày chung chung.
Nghe đâu chị có phần đất ở nghĩa trang?

-         Dạ không, những người Phật tử hay người lương chết, xin giáo xứ họ không cho chôn nghĩa trang của họ, nên vài người đứng ra xin nhà nước khu đất làm nghĩa trang cho người lương và người Phật giáo, em không có phần đất nào trong đó…
Một người đàn bà ngồi kế cô Lan, chưa biết danh tánh, xen vào đính chính – “Ýnói là cô Lan có khu xây huyệt mộ, do Ban hộ tự quy định những ai có công với chùa đều được phần đất như thế. Khi bà cụ cô Lan mất, không an táng nơi đó, cô Lan nhường phần huyệt mộ này cho người nghèo thì thầy không đồng ý”.

 Cô Lan tiếp - Thêm một việc nữa, vị thầy ở trước không được lòng Phật tử, khi thầy Thiện Thành về em rất mừng, nhưng một thời gian sau thấy thầy nói chuyện với Phật tử sau mỗi khóa lễ, có vẻ hơi thô tục, thiếu oai nghi của một tu sĩ, em hơi thất vọng, nhưng lại được lòng một số Phật tử. Thầy tự giới thiệu là phó khoa trường cao đẳng Phật học Đại Tòng Lâm. Em từng là giáo viên và là thành viên trong Phân ban GĐPT Lâm Đồng, thường xuyên về TP hội họp, em xuống gặp thầy Quảng Hiển tìm hiểu lai lịch và những tai tiếng về tiền bạc và nữ sắc. Thầy Quảng Hiển cho biết, thầy Thiện Thành không phải đệ tử của thầy, thầy là đệ tử của một vị ở Huế. Thầy Quảng Hiển rầy em, con nói như vậy không được, nói phải có sách mách phải có chứng. Về tiền bạc thì ông ta không lem nhem, còn về nữ sắc thì chưa có tai tiếng. Khi gặp thầy Nguyên Thái cho biết, trước chùa Đại Tòng Lâm có gia đình chồng vừa chết, thầy Thiện Thành ra tụng kinh rồi muốn ở lại đó luôn. Thầy Nguyên Thái rầy thì thầy Thiện Thành dọn đồ về miền Tây ở một thời gian quay lại. Thầy Thiện Thành mới học Trung cấp Phật học chứ không là phó khoa cao đẳng như thầy nói. Thầy Quảng Hiển nói tiếp- Con về nói với thầy Thiện Thành trở về đây đi, phòng ốc và công việc của thầy Thiện Thành, thầy vẫn còn giữ nguyên, chưa giao cho ai, chứ ở trên đó như thế không đúng…

Hôm sau thầy Thiện Thành cho người ra xỉ vả đuổi em đi. Từ đó em thấy người nào cần mua chuộc thì ông ta mua chuộc, người nào mua chuộc không được thì ông ta đủ mọi cách làm cho họ không đến chùa nữa. Một tư cách công dân như thế chưa đúng làm sao xứng đáng tư cách một tu sĩ.
***
Chuyện vãn đã 11g trưa,  tôi từ chối khi chị Minh Ngọc mời đến tiệm cơm chay Đóa Sen Vàng đường Bắc Hải, thế là chị tặng gói cơm cháy làm chay, theo chị là phải đặt hàng trước lâu lắm và đắc lắm, vì gạo ngon, làm sạch sẽ. Chủ nhà mãi bắt chuyện để cầm chân khách. Thời gian phỏng vấn cô Lan chỉ bằng 1/3 thời gian chị Minh Ngọc hài hước trò chuyện. Chị Minh Ngọc quen cả Phạm Thiên Thư, thế là từ cô Lan mà quen cả chị Minh Ngọc, tên người nghe thanh nhã nhưng cơ thể không kém một tạ, chị vẫn tập Yoga, đi bơi và hoạt động nhanh nhẹn. Tuy gia đình Ki tô giáo nhưng rất thoáng và hòa đồng. Tiễn khách ra về, chị Minh Ngọc còn tếu:

-         Anh thông cảm, nhà cửa lôi thôi lắm, nhưng em “thôi-lôi rồi kể từ khi nhà em mất, không muốn lôi kéo ai nữa…”. Cả bốn người cười xòa xóa tan những ưu tư về vụ chùa Linh Quang đang nặng lòng mọi người.

Phố phường vẫn tấp nập giữa cái nắng khô khốc khói bụi của Sài Gòn. Chùa Linh Quang vẫn là nỗi ám ảnh cho người trong cuộc, là việc khó khăn cho người nhập cuộc để tìm lối thoát khả dĩ tốt đẹp đôi đàng. Ước gì sự kiện “lôi thôi” của chùa Linh Quang sẽ sớm “thôi – lôi” kẻ nhập cuộc để bớt phần trách nhiệm với quần chúng đang mong đợi.

MINH MẪN
19/12/2017         
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét