Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

HIẾN CHƯƠNG VÀ DI CHÚC

HT Thích Thanh Tứ, Phó chủ Tịch HĐTSTW GHPGVN vừa viên tịch tại chùa Quán Sứ-Hà nội lúc 8 giờ 15’ ngày 26/11/2011 nhằm ngày 02/11/Tân Mão.Trong Tang lễ, có sự viếng tang của các cấp chính quyền, các cấp Giáo hội. Ban tổ chức Tang lễ đáng lẽ do chư Tôn đức Trung ương Giáo Hội đảm trách, nhưng vì lúc đó quý Hòa Thượng đang bận di dự Hội nghị Phật Giáo Thế Giới tại Ấn Độ, ở nhà thầy Minh Tiến đã lạm quyền tự lên danh sách ban tang lễ, cũng như quyết định mọi công việc, và tự đóng dấu của văn phòng TW giáo hội mà không hỏi ý kiến của Chư Tôn Đức . Quá đáng hơn trong những giờ phút chưa kịp ổn định của Ban lễ Tang để quyết định an phần cho cố Hòa Thượng Phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN, nguyên là đại biểu Quốc Hội khóa XI – XII, thầy Minh Tiến đã tự ý can thiệp vào việc an táng của Hòa Thượng, mặc dù trong sơn môn pháp phái thầy là người gần bé nhất. Trước khi Hòa thượng mất thầy Minh Tiến đã có văn bản xin đưa Hòa Thượng về an táng tại Sóc Sơn, nhưng sau đó lại xin chuyển về chùa Bái Đính. Thầy đã ngã giá, rồi gần như chỉ đạo cho anh Xuân Trường, chùa Bái Đính qua tin nhắn điện thoại di động như sau: “ Neu a k giai quyet dut điem viec thay ve chua Bai Đinh, thay ht sau nay thi viec an tang nhap thap o Bai Dinh se rat kho khan thuc hien. Vi ht ve do hang ngay phai cung gio, moi don cac su va nhieu viec khac ma cac thay la de tu phai to chuc va lam. Neu vi tang khac ve thi cac thay k the lam dc viec do. Vi vay a phai vao cuoc viec nay that khan truong” (Nếu anh không giải quyết dứt điểm việc thầy về chùa Bái Đính,thay Hòa Thượng sau này thì việc an táng nhập tháp ở Bái Đính sẽ rất khó khăn thực hiện. Vì Hòa Thượng về đó hàng ngày phải cúng giỗ, và mời đón các sư cũng như nhiều việc khác, mà các thầy là đệ tử phải tổ chức và làm. Nếu vị Tăng khác về thì các thầy không thể làm được việc đó. Vì vậy anh phải vào cuộc việc này thật khẩn trương) . Nhưng không được sự đồng ý anh Xuân Trường, nên thầy lại thay đổi di chúc làm ảnh hưởng đến thanh danh Hòa Thượng. Việc cố Hòa Thượng về Bái Đính cũng hợp tình, hợp lý, vì dù sao Ngài cũng đương kiêm trụ trì chùa Bái Đính, cũng như việc ngài về trụ trì là do sự thỉnh mời của Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương. Và gần đây nhất anh Xuân Trường cũng được sự dặn dò, chỉ bảo của Hòa Thượng về công việc Phật sự, cũng như việc nhập tháp của Hòa Thượng tại chùa Bái Đính. Còn thầy Minh Tiến mặc dù là đệ tử của Hòa Thượng nhưng việc thầy muốn đưa Hòa Thượng về nhập tháp tại chùa Bái Đính không phải vì do lòng hiếu thảo của một đệ tử đối với sư phụ, mà chẳng qua thầy chỉ nhằm mục đích duy nhất là sẽ thừa kế trụ trì và thao túng chùa Bái Đính về sau. Việc về chùa Bái Đính không thành thầy đã âm mưu lại lập lên 1 di chúc mới nói rằng Hòa Thượng muốn được an táng tại Sóc Sơn.

Sau quyết định của Ban Tang lễ, thể theo tâm nguyện của môn đồ pháp quyến và sơn môn pháp phái và thân tộc hiếu quyến, nhục thân của cố Hòa Thượng được đưa về Nho Lâm, Hưng Yên, nơi Ngài đã xuất gia từ thủa hàn vi. Chuyện lễ Tang đã xong, nhưng cái Di chúc không minh bạch đó đã gây bức xúc không ít cho nội tình Tăng Ni Phật giáo Việt Nam.

Rồi trong thời gian Hòa Thượng lâm trọng bệnh thầy Minh Tiến lại có một tờ trình ( Chúc Thư) có ấn ký của cố Hòa Thượng gửi các cơ quan ban nghành mà các cấp lãnh đạo không hề hay biết. Một số vị cho biết nội dung tờ trình đề nghị cho thầy Thanh Quyết thừa kế chức Phó chủ Tịch Thường trực Hội đồng trị sự TW GHPGVN mà Hòa thượng đang đương nhiệm, đã gây xôn xao phẫn nộ không ít trong giới tu sĩ cũng như Phật tử trong và ngoài nước.

Nhân thân thầy Thanh Quyết, vốn dĩ là đệ tử của Hòa Thượng Thích Viên Thành chùa Hương, nhưng thầy trò đã từ nhau, do tính khôn khéo, thầy đã về Hà Nội, len lỏi vào Giáo hội thông qua thầy Minh Tiến ủy viên thư ký phó văn phòng I phía Bắc, từ bàn đạp đó, lần lượt thầy làm trụ trì hầu hết các danh lam thắng cảnh phía Bắc như chùa Yên Tử, chùa Phúc Khánh, chùa Non Sóc Sơn…ngoài ra còn là trưởng Ban Trị sự PG tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban Trị sự PG tỉnh Hà Nam, trưởng Ban Trị sự PG tỉnh Bắc Cạn, Phó Ban Phật Giáo Quốc Tế, Phó viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam, đương kiêm đại biều Quốc Hội hiện nay…

Trong Hiến Chương GHPGVN được tu chính qua đại hội kỳ V, chương V, Hội Đồng Trị Sự: Điều 16: Hội đồng Trị sự có nhiệm vụ suy cử Chủ tịch, các phó Chủ tịch và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội theo thành phần được quy định ở Điều 20.

Như vậy việc bổ nhiệm, suy cử, thay đổi nhân sự do Hội Đồng Trị Sự quyết định; Giả thử có là Di chúc của cố Hòa Thượng để lại, cũng chỉ là đề nghị tham khảo, không mang tính quyết định, nhưng chắc chắn một vị lãnh đạo Trung Ương Giáo Hội như thế không thể lập bản Di chúc sai nguyên tắc mà lại tự nhận mình là Phó Pháp Chủ. Một bản Di chúc chỉ có giá trị trong môn nhơn pháp phái mang tính nội bộ chứ không có giá trị về mặt pháp lý trong một hệ thống hành chánh mà Hiến chương Giáo hội đã quy định. Chính Hiến Chương dẫn đường cho mọi sinh hoạt của Giáo Hội, không thể một cá nhân trong và ngoài Giáo hội có thể đơn phương vượt nguyên tắc làm lũng đoạn gây xáo trộn cho một tôn giáo như Giáo Hội PGVN hiện nay.

Chuyện xôn xao và bức xúc là do sự quan tâm đến tiền đồ của Phật giáo, không muốn có một tiền lệ xấu về sau, nhưng sự thật trên nguyên tắc hành chánh và pháp lý của Hiến chương, thầy Thanh Quyết hay ai đó không thể dùng quyền lực hay tiền bạc có thể khuynh đảo nề nếp đạo đức Thiền môn và sinh hoạt của Phật giáo. Ví thử bản Di chúc có giá trị vượt nguyên tắc Hiến chương, thì Hòa Thượng Pháp chủ cũng có thể di chúc cho một chú Sa Di thế quyền Pháp chủ khi ngài viên tịch??? Chưa nói đến trong Hội Đồng trị sự còn bao nhiêu bậc cao Tăng thạc đức tại vị phải chịu quyền chỉ đạo của một Tăng sĩ trẻ chưa có công hạnh gì với Phật giáo ngoài việc quyền thế và mãi lực nhiều tiền như thầy Thanh Quyết! Một bậc chân tu, chỉ biết đóng góp cho Phật sự mà không cần phải chức quyền thế lực. Chỉ có tâm phàm tục cho dù là hình dáng nhà tu, hoặc kẻ lạm dụng Phật giáo mới manh tâm tham quyền cố vị gây xáo trộn cho nội tình Phật giáo như thế.

Nếu lấy việc ra đi của một chức sắc trong Giáo hội để dọn đường thăng tiến quyền lợi, đây là việc mua bán một xác chết thường tình??? Huống nữa một vị thượng thủ của Giáo Hội, còn biết bao môn nhơn Pháp quyến và chư tôn đức trong Giáo hội còn đó mà bị một tu sĩ không là trưởng tử, chẳng phải chủng tử , lạm quyền quyết định, phải chăng là việc làm của kẻ “hạ mục vô nhơn?” Trước hành trạng thiếu nghiêm túc mang tính khuynh loát, Giáo hội cần xét lại nhân thân của thầy Thanh Quyết về chức danh, vị thế trong Đạo cũng như ngoài đời để làm gương cho kẻ hậu học và củng cố niềm tin Tăng Bảo cho quần chúng Phật giáo hiện nay.

Một sự ra đi có hàng ngàn người than khóc, thì cũng từ sự ra đi đó bị lạm dụng đem lại bất ổn, xôn xao cho bao người trong Giáo Hội Phật Giáo. Hiến chương và Di chúc, đâu là lẽ phải của một vấn đề???

MINH MẪN

01/12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét