Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

PHẬT GIÁO ĐỒNG HÀNH CÙNG…


Ngày 30/11/2011 tại New Delhy diễn ra đại hội thành lập Liên Minh Phật Giáo Thế Giới được sự tham dự của 38 nước và 800 đại biểu Phật giáo. Riêng Phật Giáo Việt Nam, không những chấp nhận tham dự mà còn đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức nầy.

Kể từ ngày thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam 1982, đây là lần đầu tiên chính thức tham gia một tổ chức mang tầm quốc tế. Sau 1975, khi chiến tranh lạnh chưa được giải thể, Liên sô còn dẫn đầu khối CS, một ý định thành lập lực lượng Phật giáo với danh nghĩa “Phật Giáo Á Châu Vì Hòa Bình” do Liên Sô khởi xướng. Theo yêu cầu từ Liên Sô, chọn một danh Tăng miền Nam Việt Nam, Hòa Thượng Thích Minh Châu được đề cử làm chủ tịch. Trên danh nghĩa Phật Giáo Á Châu, vì thế tầm vóc còn hạn chế; Mục đích làm điểm đối trọng với Vatican nằm trong khối Tư Bản. Ý định chưa được hoàn thành, tổ chức chưa hoạt động hữu hiệu thì Liên Sô đã bị giải thể, vì thế tổ chức “Phật Giáo Á Châu Vì Hòa Bình” giải tán trong âm thầm.

Năm 1950, vào ngày 25/5, tại Colombo. Srilanka, 27 quốc gia Âu-Á gồm Đại Thừa, Nguyên Thủy và Kim Cang Thừa, gặp nhau vì mục đích hoằng dương Phật pháp qua công ích xã hội và sách tấn tu tập. Đồng thời xác định và tôn vinh cờ năm màu do đại tá Henry Steel Olcott khai sáng làm giáo kỳ Phật giáo thế giới. Lúc bấy giờ, đoàn Phật Giáo Việt Nam do Hòa Thượng Thích Tố Liên dẫn đầu sang tham dự. Phật Giáo Việt Nam là một trong những thành viên, cũng từ đó, lá cờ ngũ sắc chính thức có mặt tại Việt Nam. Hơn 60 năm có mặt, Hội Phật giáo Liên Hữu vẫn hoạt động cho đến ngày nay. Riêng Phật giáo Việt Nam, sau 1975, tự động rút khỏi Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế giới, co cụm trong quốc nội. Sau 1995, tình hình chính trị thế giới thay đổi sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Việt Nam có những giao lưu chừng mực với thế giới bên ngoài, Phật giáo Việt Nam cũng bắt đầu hoạt động khởi sắc.

Trong 10 năm gần đây, Phật giáo Việt Nam được phép mạnh dạn giao lưu với Phật giáo thế giới qua những cuộc tiếp đón thăm viếng, đăng cai Vesak và tham dự các đại lễ Phật giáo Quốc tế. Hàng trăm Tăng Ni sinh du học tại Ấn độ, Đài Loan, Trung quốc, Nhật, Hàn, Srilanka, Miến, Thái, Mỹ, Pháp…nói lên sự tiến bộ về nhận thức và cởi mở về tôn giáo của VIệt Nam.

Tuy nhiên, do tính tế nhị về chính trị, Phật Giáo Việt Nam cũng bị hạn chế một số hoạt động nhất định khi khởi xướng:” Phật Giáo đồng hành cùng dân tộc”. Qua hai ngàn năm lịch sử, thật sự Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc khi đối đầu với những thế lực phương Bắc mà cha ông ta, từ vua quan cho đến thứ dân đồng lòng như hội nghị Ziên Hồng. Lúc bấy giờ Phật giáo là tinh thần dân tộc, sinh lực của đất nước, thật sự là nguyên khí của quốc gia. Cha ông ta, qua hai thời đại Lý Trần đã nhận thức được tiềm năng của Phật giáo, tận dụng Phật giáo để bảo vệ và phát triển đất nước. “Hộ quốc an dân” là bổn phận của Phật giáo luôn phát huy hữu hiệu khi các thể chế biết trân trọng và tôn quý để Phật giáo tự do phát triển đúng tinh thần thanh quy Thiền môn. Những lúc Phật giáo bị can thiệp hay được yểm trợ quá mức cần thiết, nguồn năng lượng của Phật giáo bị biến dạng, không đủ khả năng đóng góp cho dân tộc, vì năng lượng tinh khiết không còn hiện diện. Tuy Phật giáo lúc bấy giờ phát triển mặt nổi, nhưng chỉ còn là loại bonsai làm kiểng cho thời đại.

Một thời gian dài hàng chục năm, PGVN bị bế quan tỏa cảng với sự sinh hoạt Phật Giáo Thế giới, một thiệt thòi lớn cho đất nước. Vốn dĩ Phật giáo là một tổ chức phi tổ chức, không nên nghi ngại về sự chỉ đạo nhất quán như Vatican. Nếu sớm hơn khi PGVN được hội nhập với sinh hoạt Phật giáo thế giới, sự cộng tồn sinh lực cùng thế giới đó, tiếng nói của PGVN trước hiện tình ngoại xâm lăm le, có lẽ tiếng nói đó nếu không nói là có trọng lượng thì ít ra cũng hỗ trợ cho dân tộc về sức mạnh đoàn kết tinh thần. Những thời đại xem thường Phật giáo, đẩy Phật giáo ra lề xã hội thì đất nước luôn lâm vào cảnh khốn loạn. Khi Nho giáo được phục hưng, lúc bấy giờ đất nước kề cận sự suy vi. Nhưng Phật giáo được yểm trợ về mặt nổi mà thiếu chất lượng tu tập thì Phật giáo cũng chẳng đóng góp được gì cho đất nước, vì các cơ sở Phật giáo đã biến thành khu du lịch tâm linh. Trong nước cũng như ngoài nước, cơ sở vật chất của Phật giáo Việt Nam phát triển quá mức nhu cầu, vì thế nội chứng đã vắng mặt. Một Bái Đính, một Bà Nà, Bãi But, một Đại Nam, một đại Phật núi lớn không vực dậy được nội lực tinh khiết của Đạo Phật Việt Nam. Hiện nay, chưa từng nghe đâu đó có những bậc chân tu chứng đắc như xưa kia mà chỉ nghe quảng bá những cơ sở vĩ đại ngốn hàng ngàn tỷ giữa người dân nghèo đói.

Trước vấn nạn tình hình thế giới về kinh tế, an ninh xã hội, chính trị nội bộ, an toàn thực phẩm, bệnh tật thế kỷ…đã đến hồi cần báo động; các quốc gia đơn phương không đủ khả năng ngăn chận các tệ nan suy thoái đạo đức đó. Các tôn giáo chưa đưa ra được phương án khả dĩ cứu nguy toàn cầu. Nạn nhân mãn đưa đến nghèo đói chưa ngăn chận được do những tôn giáo chống đối việc ngăn ngừa. Phật giáo do Lạt Ma Lobsang, trưởng Tăng đoàn Asoka Mission đã có sáng kiến khởi xướng mở Đại hội Global Buddhist Congregation để thành lập Liên Minh Phật Giáo Thế giới, mục đích ban đầu là chấn hưng Phật giáo tại nơi khai sáng đạo Phật và kế hoạch phát triển Phật giáo trên 40 quốc gia Phật giáo đang có mặt; Tổ chức Phật giáo quốc tế như thế không chỉ với mục đích khiêm tốn như vậy, dĩ nhiên khi ổn định sinh hoạt, Phật giáo toàn cầu phải có hướng phục vụ nhân loại theo tinh thần cứu tế độ sanh của Bồ Tát hạnh. Một tổ chức tôn giáo thế giới không đơn giản xuất hiện giữa lúc dầu sôi lửa bỏng hiện nay tràn ngập thế giới mà không có tính liên kết thời cuộc. Khi Mỹ bắt tay với Ấn Độ, một quốc gia đối trọng với Trung Cộng, lập thế gọng kềm để giảm nhiệt vùng Đông hải, không chỉ thuần túy quốc gia với quốc gia trên chính trường, vũ khí với vũ khí trên chiến trường, về mặt tâm lý và tín ngưỡng là nồng cốt cho những quốc gia châu Á. Nắm được tôn giáo cốt lỏi của các nước châu Á là nắm được sự thành công trên 50% về tâm lý chiến lược. Trên 8 thế kỷ, Phật giáo đã mất thế đứng tại quê hương mình, Phật giáo đã lưu vong và phồn thịnh nơi xứ người, giờ đây, trở lại quê hương để xây dựng tổ ấm là điều hợp lý. Các trưởng tử Như Lai đã ý thức trọng trách tiền đồ của ông cha, chung tay xây dựng Từ đường để làm điểm tựa cho một dân tộc đang cần sự cạnh tranh và phát triển với láng giềng. Đáng ra, Phật Giáo Trung Quốc nên có mặt một cách hân hoan để giảm nhẹ sự lúng túng thế chính trị hiện nay của Trung Cộng, cứ xem đó là việc riêng của tôn giáo; mặc cảm tự tôn đã bỏ lỡ một cơ hội và tự mình thụt lùi từ lãnh vực nầy đến lãnh vực khác một cách thảm hại giữa cộng đồng thế giới và thế đứng trong khu vực.

Việt Nam và Phật giáo Việt Nam đã nhanh nhạy xác định thế đứng của mình trong cộng đồng các quốc gia nói chung và các quốc gia Phật giáo nói riêng. Đây là lần đầu tiên PGVN chính thức tham gia một tổ chức Phật giáo liên minh quốc tế kể từ 1982 như đã từng tham gia Hội Phật giáo Liên hữu thế giới năm 1950. Giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có mối liên kết từ thời chiến tranh Nam Bắc, sau khi thống nhất hai miền, Ấn Độ và Việt Nam vẫn tiếp tục quan hệ ngoại giao và thương mại. Việt Ấn càng gần nhau hơn khi mà quyền lợi chung bị đe dọa bởi nước thứ ba, thế thì việc tôn giáo và tôn giáo cùng kết hợp làm sức mạnh hỗ trợ cho nhau cũng là việc tất yếu. Điều đáng nói là sáng kiến thành lập Liên Minh Phật giáo thế giới trong tình hình hiện nay là một diệu pháp; Việt Nam chấp nhận cho GHPGVN tham dự và đóng vai trò quan trọng trong tổ chức là một ý thức kịp thời. Việt Nam chỉ mượn tiếng nói của Phật giáo thế giới làm hậu thuẩn cũng chưa đủ, phải tạo điều kiện cho Phật Giáo Việt Nam có tầm vóc quốc tế mà không bị chi phối, không bị lệ thuộc, Phật giáo sẽ tự ý thức trách nhiệm để linh hoạt đóng góp vì quyền lợi dân tộc chứ không vì một kế sách của một thể chế, có như thế mới gọi là “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”.

Ước gì tất cả các tổ chức Phật giáo trên thế giới như Kim Cang Thừa của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Hiện Pháp Lạc Trú của Làng Mai, Nhật Liên Tông, Hoa Nghiêm Tông, Tịnh Độ Tông của Nhật Bản, kể cả một số pháp môn tâm linh của Ấn Độ …đều có mặt sinh hoạt tại Việt Nam, như Pháp Vương Gyalwang Druk, Nhiếp chính Vương Khamtrul Rinpoche đã từng có mặt tại Việt Nam những năm gần đây, tinh thần Phật giáo sẽ khởi sắc nhiều nội lực. Với những năng lượng từ ái đó sẽ chuyển hóa nghiệp lực của một dân tộc mà dân tộc Việt đã từng được triêm ân phước báu như thế trong quá khứ. Ngàn sắc hoa Phật giáo phủ kín đất nước như thế thì không những hương giải thoát tẩy nghiệp quần sanh mà còn là sắc tố ươm xanh cho chồi non dân tộc. Được vậy, vấn nạn “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” hay “đồng hành cùng chế độ” không còn là vấn đề được đặt ra.

MINH MẪN

10/12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét