Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

NHÀNH CÂY LẠ


Mỗi lần bác Tư ra vườn, nhìn thấy nhành cây từ nhà kế bên xuyên qua tường rào, lòng bác cảm thấy bực bội khó chịu!

- Tại sao tao bảo triệt hạ nhánh cây nầy, chúng mầy không làm được? Bác Tư càu nhàu bầy trẻ.
Thật ra không phải con cháu bác Tư không muốn chặt, nhưng khổ nỗi, lọai cây gì mà vừa dẻo, vừa dai; nhất là loại cây quý, nhánh lá xanh tươi, đẹp lắm, tương tự như cây đa mà không phải đa, trong vườn nhà bác Tư cũng có giống tương tự, trồng trong cái chậu to đùng để làm kiểng, nó phát triển chậm và không tươi tốt như cây nhà kế cận.

Bác Tư và bác Sáu là bà con đầu ông đầu bà, giòng họ bà con ở chung một xóm; từ thuở ông tằng cố tổ khai sơn lập nghiệp phương Nam, con cháu sanh sản bầy đàn, tụ tập thành một ấp. Nhiều đời cháu chắt nửa quen nửa lạ, chúng được ông bà cho biết tất cả là bà con, nhưng giai hệ thế nào chả ai rõ. Những lúc chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau, bác Tư và bác Sáu quý nhau như anh em ruột. Bác Tư nhường miếng đất của mình cho bác Sáu về ở kế cận cho vui. Bác Sáu từng cư ngụ nước ngòai, hiện cũng có con ở nước ngòai, thỉnh thỏang nhận được thuốc men, bánh kẹo, thường chia sớt cho bác Tư; lũ nhỏ của bác Tư thích nhất chocolate, thằng bé lên ba, cứ chạy qua nhà bác Sáu ngửa tay nói bập bẹ hai chữ: chọt lét. Bác Sáu lấy tay cù lét vào nách cháu, nó lắc đầu, chạy về cầm miếng giấy bạc nó đã liếm sạch chocolate, đưa cho bác Sáu, bác vẫn làm như không hiểu: cháu cho ông miếng giấy nầy để vấn thuốc phải không? Nó lắc đầu quầy quậy, chỉ miếng giấy bạc rồi đưa vào miệng; bác Sáu lại đùa: con muốn ăn giấy thế cơm? Nó dẫm chân tức tối, bác Sáu đành dỗ cháu: Ông hết rồi, chừng nào có, ông sẽ cho cháu.
Bác Tư còn cho thằng cháu vô công rỗi nghề qua ở giúp bác Sáu
Cứ thế, gia đình bác Tư qua lại nhà bác Sáu như chung một mái ấm. Một hôm bác Tư cần một số tiền lo việc riêng, giữa lúc bác Sáu chưa sẵn tiền, bèn tìm lời thối thoát, bác Tư ngỡ bác Sáu chê mình nghèo, sợ không trả nỗi, sanh hờn giận.
- Chúng mầy không được qua nhà ông Sáu nữa nghen; Họ giàu có nên khi dể mình. Bác Tư đâm ra hằn học với con cháu.
Lũ trẻ cũng chả hiểu tại sao hai bên hòa thuận, nay ông mình lại gắt gỏng. Bà Tư cũng biết tánh chồng, không bận tâm tìm hiểu nguyên nhân.

*
* *
Bác Tư ngồi bật dậy khỏi ghế sofa, vói tay lật từng tờ lịch. Block lịch từ đầu đến cuối năm, không bao giờ xé bỏ. Một dãy lịch block những năm qua, bám bụi, bác vẫn còn treo trên góc tường đầu giường nằm.
- Ồ, đây rồi, Ất Dậu, con gà hử! bác bấm tay, lẩm nhẩm: năm năm rồi, lẹ quá.
Bác Tư lật tới tờ lịch đánh dấu ngày bác Sáu xây nhà trên đất mình. Những tờ lịch mỏng như tờ giấy quyến vấn thuốc rê, bác Tư ghi rõ từng buổi tiệc tùng, ma chay, ngày giờ sinh đẻ con cháu; ngày vay nợ, bán ruộng, ngày hai ông bà cãi vã để bác Tư gái khăn gói về nhà mẹ mình… Cái tính tỉ mỉ chi li đến độ bác Tư gái nhận tiền của chồng cho, lúc hưng phấn, cũng ghi vào. Nhà sản xuất lịch, biết được bác Tư, chắc họ hả dạ vì không uổng công sản xuất. Block lịch như thế trở thành chứng nhân và chứng tích của thời gian cho mọi việc xẩy ra trong gia đình bác Tư. Còn cái cây quý hiếm từ lúc bác Sáu đem từ nước ngòai về trồng, có lần bác Tư ngỏ ý muốn chiết nhánh lấy giống, bác Sáu hẹn khi trổ cành. Giờ đây cành đã chui sang nhà bác Tư, chưa kịp chiết thì tình cảm đã bị sứt mẻ; cái cây lạ mà quen đó, đã xuống giống được hơn ba năm, bác Tư thắc mắc, giống gì mà phát triển tươi tốt nhanh thế. Hoa trổ đẹp nhưng không mỏng manh như cây họ thảo, màu trắng tinh khiết như hoa bưởi; chúng nhú nụ tròn trỉnh bụ bẫm, nhưng chưa kết trái.
Những cây cảnh bác Tư trồng trong chậu, phân bón dồi dào, thế mà nó cứ chai lỳ không phát tiết, thân cây bị sâu bọ gặm nhấm xù xì; hoa kiểng mà nào ra kiểng, cứ như hoa giả không bằng! Bác thèm cái cây lạ của bác Sáu lắm, nhiều lúc muốn thương lượng với bác Sáu, mang hẳn về trồng bên đất nhà mình, nhưng ngượng miệng, không dám tỏ lời.

- Mẹ mầy tính sao cái nhánh cây chọt ngang qua nhà mình? Bác Tư buồn rầu, bực bội, gắt gỏng hỏi bác Tư gái
- Ông tính sao thì tính, làm sao đừng mất tình làng nghĩa xóm là được. Bác gái trả lời nhát gừng; Biết tính nóng nảy của chồng, bác gái không muốn tham gia ý kiến; Ông nên nhớ, bác Sáu nhà mình không phải đơn độc như mình, họ có bề thế với xóm giềng, họ xã giao rộng trong xã hội, gia đình họ là trí thức; con cháu họ có địa vị trong và ngòai nước…

Bác gái chỉ gợi ý để chồng suy nghĩ kỹ trước tánh khí nhỏ nhen của chồng. Bác Tư kéo một hơi thuốc lào, ngã vật xuống ghế sofa; Mỗi lần cần suy tính việc gì, bác thường mượn điếu cầy hỗ trợ tinh thần; Những tiếng sùng sục của nước trong ống tre, làn khói mỏng manh từ ống điếu, vật vờ trong căn nhà ẩm tối, con thằng lằn quen hơi, bò đến thừa hưởng mùi nicotine quen thuộc. Giọng lè nhè, bác nói: Giàu có, địa vị, uy tín thì đã sao nào! luồn cúi mới được như thế; ta đây đếch cần, thà nghèo mà thanh thản; ta sẽ cho chúng nó biết tay…
Bác Tư gái vẫn im lặng. Thằng Cu Cỏn được ông nội cho qua giúp việc nhà bác Sáu, ngày nào cũng qua lại báo cáo nội tình sinh họat của gia đình bác Sáu; Từ hôm bác Tư hằn học, bác Sáu vẫn im lặng, ít giao tiếp; bác Sáu cũng dặn con cháu, kẻ ở người ăn không nên lời qua tiếng lại với người nhà bác Tư. Được thể, bác Tư nghĩ rằng bác Sáu sợ mình, bèn vu khống bác Sáu xúi con cháu hãm hại mình; Thằng Cu Cỏn cũng bịa chuyện bác Sáu bóc lột nó, hà hiếp nó. Nó xúi bác Tư: Ông nội đòi đất lại, đuổi họ đi, đất đó cho con ở, con sẽ cưới vợ, sanh con để phụng dưỡng ông bà nội. Bác Tư, sau một tuần thuốc lào, tươi tỉnh hẳn, nhiều phương án hiện ra trong đầu rõ như lằn chỉ trong lòng bàn tay: Ừ, thằng cu Cỏn nói thế mà phải, cứ xúi nó quậy phá trong nhà ông Sáu, tự khắc buồn chán mà bỏ đi; Mỗi ngày mình đứng trước cổng chửi đổng, cho đám con cháu gây áp lực suốt, có ma mà ở được. Hoặc chặt bỏ nhánh cây, hoặc bảo thằng Cu Cỏn tưới nước sôi vô gốc cây cho bỏ ghét. Má nó thấy sao?
- Ông ơi, không dễ như ông tưởng đâu. Ông quậy kiểu đó thì an ninh khu phố đâu để yên cho ông? Gia đình bác Sáu từng được cấp bằng khen là gia đình gương mẫu của huyện. Cái nhánh cây ông còn không làm được thì đừng tính tới cái gốc. Ông không nhớ Tài Nguyên Môi Trường và câu lạc bộ cây cảnh đã ngắm nghía vườn kiểng của bác Sáu, họ muốn bao thầu những lọai quý hiếm đó sao! Bác Tư gái tìm cách can ngăn. Thằng con cả của bác Tư cũng hết lời can gián bố nó. Bác Tư thịnh nộ: Mấy người không thấy nó lên giọng trịch thượng dạy đời mình sao. Dẫu sao, trước một ngày, hay một chuyện, tôi cũng lớn hơn mấy tuổi mà nó không kiêng nể, làm như trên đời nầy có mỗi mình nó khôn; Bà không nhớ ngày nó mới dọn về, chân ướt chân ráo đã biểu mình xây lại mặt tiền,vẽ lại bảng hiệu, thay cái nầy, đổi cái kia, còn đòi giáo dục dạy dỗ con cháu mình nữa chứ. khuyên mình không nên quản lý con cháu kiểu phong kiến; Làm như tụi mình kém văn minh, thiếu hiểu biết. Xen sâu vào nội tình của mình, mấy người chịu được sao.
Bác Tư đánh trúng vào lòng tự ái gia môn của cậu con cả, cậu im lặng suy nghĩ, nhưng bác gái vẫn cố phân trần: Người ta xem mình như gia đình, họ góp ý mình thấy được thì chấp nhận. Họ ở nước ngòai nên cái hiểu của họ cũng thóang hơn mình; Họ nói có lợi cho mình chứ có lợi gì cho họ.
- Tôi đồng ý với bà, nhưng chuyện nhà, ông ta lại thuật cho cả khu phố biết là sao? chẳng khác nào bêu rếu cho mọi người thấy gia đình mình dở, ông ta giỏi!
- Điều nầy ông tự ái là đúng, nhưng trong buổi họp tổ dân phố, người ta bảo ai có ý kiến đóng góp xây dựng khu phố Văn Hóa, từ giáo dục đến vệ sinh môi trường và cả kiến trúc… cho bộ mặt khu phố đẹp hơn, bác Sáu mới đưa ra ví dụ nhà mình như vậy thôi!
Bác gái cố bênh vực bác Sáu.
- Cả cái con bé trốn học, chơi game, thế mà ông ta bảo đừng trừng phạt, đừng đánh đập nó, ông ta còn muốn mình sắm cái vi tính cho nó ở nhà chat và chơi games nữa chứ. chuyện lạ đời thế mà nghe được …
- Ba á, lối giáo dục bây giờ không phải đánh đập, trừng phạt mà phải nghiên cứu khuyết điểm của con cháu để lái nó sang cái khuyết nhẹ hơn, từ từ làm mới cái sở thích của nó, điều đó đúng chứ không sai đâu.
Cậu con cả lên tiếng

Thằng Cu Cỏn chạy về, nói nhỏ vào tai ông nội: họ đã nhận đơn thưa của con, nay mai sẽ đem ra tòa án nhân dân giải quyết nội à!
Bác Tư gật gù ra vẽ đắc ý: Được lắm, lần nầy cho mầy biết tay, giỏi mà cậy thần ỷ thế luồn lách.

Bác Tư gái ngày càng trầm lặng, ra chiều suy nghĩ mông lung; cậu con cả cũng ít nói; bầy cháu như đoán được không khí nghiêm trọng, chúng ít ồn ào mỗi khi về thăm ông bà. Cuộc sống như chìm trong ngột ngạt; Mỗi mình cô dâu trưởng lo lắng nhiều bề: Kinh tế gia đình đang khủng hoảng, tài chánh cạn kiệt; khu phố cảnh báo nạn hư hỏng của bầy cháu; chuyện dồn dập như thế mà cha chồng không lo, lại lo cái chuyện vặt vảnh kỳ cục như thế. Cô dâu trưởng nhận thấy rằng, từ ngày Bác Sáu về, mấy đứa con của cô ít nhiều cũng biết nghe lời bác Sáu mà hiếu kính với cha mẹ ông bà. Bác Sáu cũng góp ý cho khu phố trong chương trình Hiếu học và Hướng nghiệp, bao nhiêu cái tốt đó không đủ khỏa lấp thành kiến nhỏ nhen của bố chồng.

- Ông Tư cho biết, theo đơn thưa của gia đình ông, bác Sáu đóng góp cho khu phố mục đích che đậy âm mưu phản loạn mà bác Sáu cấu kết với nước ngòai. Xin ông cho biết rõ và những chứng cứ để khu phố có cơ sở truy tố. ông khu phố trưởng hỏi
- Thưa ông, nếu mà có bằng cớ thì đâu cần phải thưa gửi làm gì. Nhân dân đóng góp, nhân dân kiểm sóat mà lị thằng cháu nội tôi phụ giúp việc nhà cho ông ấy, biết rõ hành tung bí mật của ông ta có nguy hại cho an ninh đất nước. Nếu khu phố không tin chúng tôi thì sau nầy sự cố xẩy ra, khu phố chịu trách nhiệm. bác Tư cố phân trần

Ông khu phố trưởng nghe nói thế, sợ liên đới trách nhiệm, bảo bác Tư viết tờ tường thuật và cam đoan là sự thật. Biết đâu vụ nầy giúp mình có thêm công trạng bảo vệ an ninh khu phố. Ông khu phố làm tờ trình chuyển qua an ninh; Mấy hôm sau, một quyết định từ trên đưa xuống, buộc bác Sáu ra khỏi khu phố với lý do đơn giản: Theo đơn tố cáo của nhân dân, ông Sáu có hành vi đe dọa an ninh chính trị khu phố.

Bác Sáu không ngạc nhiên khi nhận được quyết định, bác mỉm cười, yêu cầu khu phố trưng bằng cớ kết tội; Lời vu cáo chưa đủ thuyết phục thì không thể là cơ sở để ra quyết định như thế. Ông khu phố không biết trả lời thế nào, thế là tình trạng nhùng nhằng. Xét hộ khẩu mỗi đêm, cũng bằng thừa, không có một lỗi nào để phải trục xuất, Bác Sáu vẫn bình chân như vại.

Bác Tư gọi bầy con lại để nghe ý kiến. Cậu con cả nói: Ba làm như thế thất bại, tại sao mình cứ phải vu khống, trục xuất người ta. Cách loại trừ xưa rồi, mình phải sống chung với kẻ thù để chuyển hóa và khống chế. Trước nay ba không chủ động được họ vì quan niệm “ cách sống chung” thiếu cập nhật. Mình phải thấy cái tốt của họ, lợi dụng cái tốt của họ để làm lợi cho mình; đừng khống chế đối phương như khống chế cây kiểng, hãy để cho nó tự phát, lái nó sang chiều hướng mình muốn. chúng ta quen chống kẻ thù vì ta kém họ nhiều mặt.Hơn nhau không phải giàu sang, quyền thế mà là tài năng chuyển hóa.

Bác Tư gật gù như có lối thóat.Bác gái nhìn thằng con trưởng ra vẻ thán phục. Cô con dâu hãnh diện về người chồng khôn ngoan. Bác Tư lên tiếng: Vậy cái nhành cây xuyên qua nhà, mình giải quyết bằng cách nào?

Thằng Cu Cỏn tiu nghỉu vì đơn thưa của nó không hiệu nghiệm. Cô dâu trưởng lên tiếng: Thưa ba, thưa má, chạy vòng vo, làm lớn chuyện, cuối cùng chúng ta trở lại nhánh cây. Khác nào Chủ Nghĩa xã Hội là con đường đi đến Tư Bản dài nhất! Nhành cây xuyên qua nhà mình, tuy cái gốc thuộc nhà bác Sáu, vấn đề là nhánh cây thuộc quyền quản lý của mình. Mình chặt bỏ là hạ sách, mình để nó tự do phát triển, xâm lấn không gian là ta bất lực. Chúng ta phải tận dụng cái đẹp, cái quý của nó để làm lợi cho ta. Thưa ba má, ngày mai con sẽ bó đất cho nó đâm chồi để lấy giống; đồng thời con sẽ nhờ viện Thực Vật cấy gen cho ra màu hoa và trái theo ý mình, và tìm lọai tương cận để tháp cành, có như thế, gốc người mà nhánh ta, ai làm gì được nào. Hơn nhau cái trí mà không cần phải dùng thủ đọan quyền lực triệt nhau ba à. Đẹp người mà cũng đẹp ta.
Bác gái thở phào nhẹ lòng, trách yêu con dâu: sao lâu nay con không nói để khỏi mất lòng lối xóm, lại khỏi lao tâm khổ trí ba mầy. Tôi xin bổ túc ý nhỏ với ba mầy, khi chiết nhánh thành công, cây mới, nên trồng ra đất cho nó đủ sức sanh trưởng tự nhiên. Còn nhánh biến đổi gen hay tháp cành gì đó cứ để tự nhiên phát triển bên không gian của mình, vừa đẹp mắt mà khỏi bận lòng như bấy lâu nay. Bác gái nói xong, ngúyt chồng như trêu cợt.
*
* *
Cả nhà như vửa thóat khỏi cái không khí nặng nề. Cháu bé lên ba vẫn còn cầm miếng giấy bạc đưa cho ông nội đòi chọt lét. Bác Tư nghiệm ra rằng, bấy lâu bực bội, khổ tâm cũng bởi do chính ông tưởng tượng, gây khổ cho mình. Sinh họat bên nhà bác Sáu vẫn bình thường. Thằng cu Cỏn ái ngại nên tránh mặt bác Sáu. Bác Sáu vẫn gọi nó qua phụ giúp. Nhành cây lạ sau vườn vẫn xanh tươi đều đặn. Bác Tư không còn thấy nó chướng mắt mà trở thành nhành cây vừa lạ vừa quen. Bác Tư vói tay ghi vào tờ lịch: ngày đổi mới Tư Duy


MINH MẪN
19/5/09

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

KÍNH GỬI BBT HƯƠNG TỪ BI và BAN TUYÊN GIÁO DAKNONG


Trước nhất, tôi vô cùng tán thán tinh thần làm việc của HTB, một tập san của một tỉnh lẻ vừa mới thành lập, đã hội tụ được nhiều cây bút tên tuổi, có uy tín, và có sự đồng lòng nhất trí từ chính quyền đến Tỉnh hội, từ chức sắc tôn giáo đến các anh chị em Phật tử trí thức, có lẽ quý vị đã thừa hưởng những kinh nghiệm mà VÔ UU của Daklak đã có.

Dĩ nhiên HTB còn nhiều điều cần phải học hỏi những đàn anh có kinh nghiệm về báo chí;

Tuy mới ra mắt số 5, HTB có nhiều tiến bộ về hình thức – trang nhã, có nội dụng sâu sắc uyên thâm của những cây bút có tầm cở vượt ngòai tỉnh lẻ;

Một điều thú vị, HTB tạm gọi là tờ báo sanh sau đẻ muộn so với một số báo có uy tín, thế mà Hộp Thư Tòa Sọan có mặt trên một số tỉnh thành từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến cao nguyên với số người tham gia trên 50 vị, chứng tỏ BBT thừa uy tín để chiêu hiền đãi sĩ!

Đây là một góp ý nhỏ với anh em trong BBT: anh em đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong nghiệp vụ: Anh em có quyền tuyển chọn hoặc bác bỏ những bài phù hợp hoặc không phù hợp với chủ trương tờ báo, anh em không có quyền sửa hoặc bỏ bất cứ câu chữ nào của tác giả mà không có sự đồng thuận của tác giả; Trong đó, bài THẾ MẠNH CỦA ĐẤT NƯỚC đã được nhiều báo giấy và báo điện tử trên thế giới chọn đăng không hề sai sót một chữ, thế nhưng, một tỉnh lẻ của quý vị đã tự động bôi bỏ của tôi nguyên một đọan làm câu văn thiếu ý nghĩa tạo cho độc giả khó hiểu đúng với ý của tác giả. Chữ Trung Cộng không có gì xấu xa, tại sao quý vị phải sửa lại Trung Quốc; Chữ Cộng nói lên một chủ nghĩa đã được 17 quốc gia trên thế giới can đảm và hãnh diện chọn lựa để đưa đất nước lên xã hội bình đẳng giai cấp, có gì xấu xa mà phải tránh né. Nếu xấu thì chủ nghĩa đó đã không được các quốc gia đó chạy theo. Còn câu nói: Ấn Độ là quốc gia dân chủ nhất thế giới, đâu có gì sai, quý vị hiểu thế nào là dân chủ? Một đất nước mà mọi công dân đều có quyền chọn lựa mọi tôn giáo tín ngưĩơng, mọi người có quyền chọn lựa cho mình một cách sống, biết tôn trọng lẫn nhau và biết thương yêu mọi sinh vật, mỗi tiểu bang có quyền tự trị theo luật pháp riêng, như thế nó không tiến bộ và dân chủ hơn các nước Tư Bản sao? Chã lẽ dân chủ chỉ dành cho những nước văn minh tiến bộ??? Có lẽ quý vị lầm lẫn giữa dân chủ và văn minh khoa học vật chất
lỗi nầy, riêng tôi có thể thông cảm cho quý vị, có lẽ trình độ hạn chế của quý vị muốn thể hiện một quyền hành đang có trong tay ở một tỉnh lẻ!
Những điều cơ bản như vậy mà quý vị không đủ khả năng thẩm định thì đối với những từ chuyên môn của Phật học làm sao quý vị nhận xét thấu đáo khi những bài chuyên sâu giáo lý gửi đến bạn.?
Về lỗi chính tả, vẫn sai sót, tuy ít hơn những số trước.

Tóm lại, Báo quý vị có nhiều ưu thế và ưu điểm hơn một số báo có mặt trước HTB; Sự ra đời của HTB chứng tỏ chính quyền, BTSPG tỉnh và anh em Trí thức Phật tử có một tầm nhìn thông thóang cởi mở hơn

Lời thật hay mất lòng, nhưng tôi tin quý vị sẽ vui vẻ tiếp thu để quý báo ngày một khởi sắc và có giá trị trong mọi tầng lớp quần chúng.

Chúc BTS, BBT một mùa Phật Đản hanh thông mọi sự. Mỗi người có một niềm tin vững chắc để góp sức phát triển văn hóa Phật giáo cho cao nguyên hầu đem lại niềm tin vững chăc cho quần chúng;
Cám ơn quý vị.


MINH MẪN
7/5/09

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2009

HỒN NƯỚC


Việt Nam chuẩn bị đón chào kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, lấy tên là Thăng Long vào năm 1010!
Năm nay, giổ Quốc tổ Hùng Vương từ Nam ra Bắc, từ trong nước đến hải ngọai, đồng bào ta đã thể hiện lòng tri ân nguồn cội một cách trang trọng!

Qua những trang sử hào khí của tổ tiên, để lại cho chúng ta một ngôi nhà chư “S”, con cháu các ngài lắm phen khốn khổ vì ngoại xâm để vẹn tòan bờ cỏi; cũng có giai đoạn đất nước điêu linh trầm thống cũng bởi những người con vô ý thức “buông lỏng cơ đồ”!

Đã bao phen nước nhà ly tán, nhân dân đồ thán, cũng lắm phen đất nước sum vầy, cháu con đòan tụ; nhưng niềm vui thì ít mà đau thương tràn đầy! Trải qua một cuộc “ bể dâu”, tổ quốc được thống nhất thì lòng người lại rối bời. Ruột thịt phân ly bởi không dung nạp được nhau; Hòa nhập giòng sống với thế giới bên ngòai thì kéo theo những tác động giao hưởng của nhiều trào lưu văn hóa sa đọa. Hạt gạo mình sản xuất vẫn còn phụ thuộc vào phân bón, xăng dầu từ ngoại nhập; con tôm con cá dân nuôi cũng bị chi phối bởi sự thẩm định khắc khe của kẻ khác. Tòan cầu hóa thì mọi sự đều chịu ảnh hưởng chung bởi tòan cầu. Khủng hoảng tài chánh các nước lớn thì người dân của một quốc gia nhỏ bé cũng lao đao về kinh tế. Một nước lớn dân đông sát cạnh thì nhân dân ta cũng phải chuẩn bị thu vén cơ đồ; không phải do ta thế yếu mà do không đồng lòng thống nhất với nhau. Biên giới phía Bắc, hải đảo phía Đông và rừng núi Tây Nguyên như ba gọng kềm trói tay siêt cổ chúng ta bất cứ lúc nào. Tây nguyên chỉ cần thêm vài vạn người ngọai tộc dưới vỏ bọc “ công nhân” thì tổ quốc sẽ nghe tiếng “Quốc” gọi hồn thương khóc cho bầy con khiếp nhược!

Đất nước đã thế, lòng dân nào yên! Ruộng vườn đất đai nhà cửa bị chiếm đọat; bất công tham nhũng tràn lan. Nhà nước có nhiều chính sách hổ trợ cho dân nghèo, nhưng đồng tiền đã đến chỗ không đáng đến. Cán bộ không nghĩ đến quyền lợi đất nước mà chỉ thấy cái lợi riêng tư nên có thừa nhiều cách để làm cho dân bất mãn!

Công ty xí nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp; nhiều người mẹ “giật gấu vá vai” để nuôi những đứa con còm cỏi, đàn ông thanh niên không vốn, bán sức lao động trên các bãi khuân vác để đem lọn rau về cho gia đình nấu cháo. Các hố rác, trẻ lượm lặt đông hơn ruồi nhặng!

Chương trình nhà “tình nghĩa”, nhà “tình thương”, căn nhà “mơ ước”… là một nghĩa cử đẹp, nhưng chưa thể lấp hết những cơ cực dân thường. Dân ta nghèo, trẻ con ta thất học rất nhiều, nhưng ai bảo rằng đất nước ta khốn khó khi mà hàng tỷ đồng để bày trò “hoa hậu” rửa mắt cho kẻ dư tiền. Bao chi phí mướn huấn luyện viên, cầu thủ bóng đá nước ngòai, để giải trí khi bụng dân đang đói.

Các nhà hàng sang trọng đầy thực khách mà lảng vảng ngòai phố không thiếu kẻ ăn xin. Xã hội giàu có như các nước tiên tiến, vẫn có những người dân không nhà, nhưng dân họ không đói, trẻ con không thất học, do chương trình an sinh xã hội của họ chu tất. Đất nước ta lộ rõ nét tương phản và thiếu khả năng!

Quán nhậu, bia ôm, phòng nhảy… cấp phép dễ hơn một ngôi chùa xin tạo dựng, tu bổ; Nhiều trại giam phải thả tội phạm trước thời hạn vì không đủ gạo nuôi, vì thế trộm cướp, xì ke, chích chót đông hơn cảnh sát hình sự.

Từ ngày đổi mới, người dân tự do chọn lựa tín ngưỡng, cũng là lúc mê tín tràn vào các ngõ ngách, kể cả công sở và cán bộ. (Đồng cô bóng cậu, bùa ngải…) Đó không phải là tôn trọng tự do Tín ngưỡng mà là loại “mì ăn liền” có chỗ cho dân xả súbắp những phiền muộn, bất lực đang vây quanh. Hiệu quả trước mắt nhưng hậu quả lâu dài sản sanh nhiều thế hệ trì trệ bởi tinh thần nô lệ, cầu khấn, van xin, ỷ lại.

Đền chùa do cán bộ và đại gia xây cất khá quy mô; Một số tu sĩ vận động ngòai nước để biến ngôi Tam bảo thành thắng cảnh du lịch thay vì là tu viện đào tạo chân tăng. Chùa chiền phát triển chỉ mục đích phô trương hơn là nội hàm tu dưỡng. Xét về mặt hình thức, PGVN phát triển rầm rộ, nhưng thực chất cho việc tu tập rất hạn chế.

Về trật tự xã hội và an ninh chính trị là một mặt phẳng lì của khối đại dương hàm tàng những cơn sóng ngầm đầy phiền muộn. Mặc dù nhà nước cố tìm một lối thóat cho tinh thần người dân ổn định qua những cuộc trợ cấp, nhưng cán bộ các cấp xử dụng nguồn trợ cấp một cách sai lệch càng tạo thêm những bất mãn vốn bất mãn.

Phương diện tôn giáo, là điểm nhạy cảm, những mắc mứu giữa nhà nước và Thái Hà cũng như giữa nhà nước và Làng Mai, ai đúng ai sai, chỉ có hai bên biết rõ, nhưng qua lối hành xử, cán bộ phạm quá nhiều sai sót tạo thành tai tiếng không đáng có. Cái bịt miệng Nguyễn văn Lý giữa tòa, chắc chắn không phải chủ trương của nhà nước, nhưng cán bộ đã không được hướng dẫn kỷ trước những phản ứng bất lợi đã đi vào lịch sử như thế; thì tu viện Bát Nhã, chưa phải là một vụ án quan trọng, thế nhưng công an xã Đamb’ri và Ban Tôn giáo chính phủ đã có những động thái quá sai lầm. Nếu có lỗi về phía làng Mai, thì chỉ riêng Thiền sư Nhất Hạnh và nhà nước chứ bốn trăm tu sĩ không có lỗi, tại sao họ không có quyền an tâm tu học. Và gần đây, trên mạng truyền thông quốc tế vừa phổ biến tin công an vào trục xuất trên 300 tín đồ nam nữ thanh niên TP lên tham dự khóa tu đầu tháng mà đã diễn ra hơn ba năm nay. Điều lạ, hình ảnh phổ biến trên mạng cho thấy Công an khóa cổng chùa để tín đồ phải leo rào vào, tại sao công an làm chuyện trái khóay như thế? Thời đại thông tin tòan cầu thì không thể dấu bất cứ điều gì, vì thế hành động phải cân nhắc kỷ chứ không như thời bao cấp được phủ bức màn sắt. Trụ trì khóa cổng không cho tín đồ vào đã là chuyện không thể chấp nhận huống nữa là công an, vì cửa chùa không phải là cơ quan nhà nước! Khóa cổng chùa và bịt miệng can phạm tuy hai hình thức khác nhau nhưng mang chung một tính chất: độc quyền- độc đóan và độc tài của bộ phận cán bộ quen thói cửa quyền, thiếu tôn trọng dân! Nhà nước trục xuất tu sĩ và tín đồ với lý do TT Đức Nghi không bảo lãnh và không chấp nhận sự hiện diện của họ? Nếu có tranh chấp giữa hai bên thì phải được tòa xử thấu tình đạt lý đôi bên, chứ công an không thể vì khiếu kiện của nguyên đơn mà buộc bị đơn phải chấp nhận cái vô lý như thế ; trong thời gian chờ đợi tòa án giải quyết, mọi hiện trạng vẫn được sinh họat bình thường, nghĩa là không làm đình trệ và tổn thương tinh thần lẫn tình cảm của cả đôi bên, nhất là tín ngưỡng và tâm linh mà những người trên đây đều không sai phạm luật pháp.

Năm 1980 về trước, việc xét hộ khẩu về đêm hay gõ cửa nửa khuya là chuyện quá quen đối với người dân, nhưng từ ngày nhà nước kêu gọi nhân dân Sống và làm việc theo luật pháp, người dân không còn bị đánh thức hay mời ra khỏi nhà giữa khuya thì hà cớ cửa chùa phải mở cửa cho công an vào xét tra mà biết chắc chắn hàng trăm người đó là những công dân từ bỏ hư hỏng sa đọa hướng về con đường thánh thiện, ngược lại công an lại khóa cổng ban ngày không cho quần chúng vào chùa tu tập lại thả cửa cho bia ôm, cà phê bán dâm trá hình tự do họat động về đêm? Một số tỉnh thành cũng không tránh khỏi những thái độ vượt pháp luật của các cán bộ. Hai năm trước, BTS PG Đồng Tháp chưa mãn nhiệm, cũng bị chính quyền thành lập BTS mới với những thành phần bất hảo của PG. Thế là Đồng Tháp là tỉnh thành duy nhất có 2 BTS, hai con dấu. Gần đây, công an tỉnh tên Vinh ra lịnh ni trưởng Như Ngọc giao trả con dấu mà chư tôn túc đã gửi đơn niêm phong con dấu lên Trung ương GH và An ninh, Ban Tôn giáo khi nhà nước tự động dựng lên BTS mới. TẠI SAO PHẢI HÀNH ĐỘNG VỤNG VỀ NHƯ THẾ?

Chuyện nhà nước giải quyết những tổ chức tôn giáo không thích hợp với đường lối, chính sách là việc của nhà nước, nhưng đừng vì thế mà làm những việc thiếu tế nhị và xem thường người dân; phải biết tôn trọng dân thì dân mới tôn trọng lại cán bộ, nếu cán bộ nào làm sai, nên có cách chỉnh sửa và can đảm xin lỗi, chứ không nên bao che.

Nhân dân đang khốn khổ vì kinh tế, đang bị môi sinh đe dọa hàng giờ, đang bất mãn trước một số cán bộ tha hóa, chịu áp lực vật giá leo thang, đang âu lo trước vụ xâm lược; đang đau khổ con cháu ngày một mất đạo đức và thất học…Trước những giao động đó, chỉ có tôn giáo, nhất là đạo Phật, mới giúp cho tín đồ an trú với hiện tại, tạo cân bằng cho cuộc sống; Tâm linh không những là sinh khí cho tự thân mà còn là linh hồn cho một đất nước, Lý Trần đã cho ta thấy điều đó.

Không nên đổ dầu vào lửa khi mà lồng ngực người dân đã căn đầy thán khí. Tai tiếng với thế giới, nộ khí trong nhân dân đủ để người cầm quyền xét lại việc làm của mình, lối ứng xử sao cho tinh tế. Một bộ phần quần chúng bỏ nước ra đi, vốn ấn tượng không đẹp về một quá khứ, làm sao họ có thể hòa nhập với hiện tại qua việc kêu gọi từ trong nước nếu họ không nhìn thấy cái đẹp hơn, cung cách cư xử văn minh lịch sự hơn;

Tuy trong nước , người dân không vừa lòng với hiện tại, tuy ngoài nước, quần chúng không thiện cảm với quá khứ, nhưng không vì thế mà tinh thần yêu nước bị suy giảm; trước sự tồn vong của dân tộc, trước tình trạng lãnh thổ bị đe dọa, muôn người đều có chung tiếng nói Yêu Nước như nhau; Đó là linh hồn của dân tộc, đừng làm linh hồn đó bị biến dạng bởi những phiền tóai không đáng có trong cuộc sống, nhất là tôn giáo là vấn đề nhạy cảm hiện nay. Nếu những việc không được xem là ưu tiên một trong việc bảo tòan đất nước, hãy tạm lắng đọng để cùng nhân dân hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà cha ông ta đã dầy công xây dựng, vua Lê Thánh Tôn đã cảnh báo rằng: Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do tổ tiên để lại. Tiền nhân đã ý thức vẹn tòan lãnh thổ khi mà lòng người đã được thống nhất một khối; thời đại dân trí được nâng cao như hiện nay, chả lẽ ý thức bảo vệ đất nước và thu phục nhân tâm kém hơn!

Phần lớn cán bộ hành sự theo thói quen cửa quyền, chưa quen tôn trọng luật pháp khi quyền lực vô giới hạn. Muốn người dân sống và làm việc theo pháp luật thì cán bộ cũng cần tôn trọng luật pháp, kính trọng nhân dân. Trên dưới một lòng và nghiêm minh theo pháp luật thì Hồn nước luôn được vững bền trước sóng gió ngọai xâm!

MINH MẪN
16/4/09

BÁO ĐỘNG CẤP 1


Trong bài Mùa Phật Đản vừa gửi hôm nay, có nói đến chính quyền Thị Trấn Quảng Phú tỉnh Daklak đã hăm he triệt hạ tất cả các biểu tượng PG nhân mùa Phật Đản 2007 . Chiều nay ông Lê Văn Nam chủ tịch thị trấn Quảng Phú, Huỳnh văn Minh, phòng tư pháp huyện, Nguyễn trần Quý phòng Thông Tin Văn Hoá đã thực hiện như lời hăm doạ.

Sáng nay, chủ tịch huyện gọi ông Trương, chủ nhà cho quán cà phê Hoài Thương mướn, buộc ông ta phải về triệt hạ cờ xí, đèn hoa trang trí tại nhà cô Phượng đã mướn của ông Trương với lời lẻ hăm doạ: Nếu không triệt hạ sẽ tước đảng tịch, loại trừ khỏi đảng!

Dĩ nhiên một đảng viên đã từng hưởng nhiều bổng lộc và là người ngu dốt nên mới e sợ trước sự đe doạ đó, hành động một cách không bình thường.
Ông Trương triệt hạ bàn thờ, cờ đèn của một Phật tử thờ tại nhà, ông ta lấy tư cách là chủ nhà hay một đảng viên? Nếu là chủ nhà, một khi đã cho mướn thì người ta trọn quyền xử dụng, ngoại trừ làm thiệt hại cơ sở vật chất của ông ta, ông ta không có quyền xâm phạm tư gia và tín ngưỡng cá nhân như thế. Nếu lấy tư cách một đảng viên để triệt hạ, ông ta theo lịnh đảng bộ địa phương hay lịnh chính quyền hành chánh?. Chắc chắn đảng không bao giờ chủ trương một cách xuẩn động như thế, nếu lịnh của cơ quan hành chánh thì cả lịnh và người thi hành lịnh đều là loại phá hoại nhà nước VN hiện nay trước vu vạ rình rập của lực lượng chống đối bên ngoài. Hay nói một cách khác, những kẻ ra lịnh là thành phần tiếp tay cho phản động đểnhà nước VN bị lên án trước quốc tế về vấn đề tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo hiện nay.
Chủ tịch Quảng Phú là ai?
Đây không phải là lần đầu, người Phật tử Quảng Phú gặp khó khăn trong vấn đề tín ngưỡng. Nếu sự cảnh giác của chính quyền tốt như thế, tại sao vẫn để bọn Dega nổi loạn. Chẳng lẽ người lãnh đạo một cơ quan tỉnh như thế không đủ trí tuệ và khôn ngoan để phân biệt đâu là kẻ xấu người tốt? Hay là vì PG quá nghèo nên trở thành kẻ đáng ngờ và chịu chấp nhận kẻ xấu số so với các tôn giáo thần học???
Trước khi những lời báo động nầy, tôi đã trình bày với nhà nước những khó khăn mà PG Daklak đang gặp phải, thế nhưng sự việc vẫn tiếp diễn. Nếu hành động của Quảng Phú do lịnh từ trung ương, PG chúng tôi xin bó tay, nếu không phải chủ trương của nhà nước, yêu cầu Ban Thanh Tra nhà nước triệt để xử lý những kẻ phá hoại chính sách nhà nước như thế.
Hy vọng nhà nước XHCNVN can thiệp cấp thời trước khi sự vu trở nên trầm trọng nhân mùa Phật Đản mà hàng vạn người con Phật đang chào đón

MINH MẪN
25/4/07

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

XUÂN TRÊN ĐỈNH SẦU


Sáng mồng một Tết năm Đinh Sửu, tôi về thành phố sớm hơn mọi năm, bởi lẽ, chỉ một mình lang thang trên chiếc xe gắn máy, chưa tới 8 giờ, thay vì mọi năm, phải 10 giờ mới có mặt tại các chùa.
Suốt 15 năm, lúc nào tôi đi chùa vào những ngày Tết đều có Trí, và hơn 10 năm, cha con luôn gắn liền như hình với bóng, kể cả cái phòng bề ngang hơn một thước, cha con cũng ngũ chung, đến khi nó lớn quá, phải cho ngũ riêng trong căn phòng rộng trên gác, trong nhà.
Năm lên lớp 6 và 7, nó rất giỏi toán, thông minh và chăm chỉ! một mầm non đầy hứa hẹn, nhưng khi qua lớp 8, bạn bè rũ chơi điện tử, bắt đầu trốn học thường xuyên, học bạ đứng vào áp chót lớp, mất căn bản, phải mời thầy về dạy kèm, tuy một tháng học thêm, nó đã tiếp thu nhanh và có khả năng theo kịp bạn , kết quả cuối năm, vẫn là học sinh giỏi, lên thẳng lớp 9A1; nhưng cũng vì bạn, nó lại xin xuống 9A2 để học chung với thằng bạn nối khố học kém, nhưng giỏi game.
Năm lớp 9 không dám trốn học, nhưng bỏ giờ học thêm đến phòng máy tính; từ 6g sáng đến 10g đêm, chỉ thấy mặt vào giờ cơm, có lúc không ăn cơm nhà. Nó nói với mẹ nó là đi học. Không sao kiểm soát được, thỉnh thoảng lớp dạy kèm điện về nhà hỏi thăm, mới biết nó trốn giờ;
Thời gian đầu còn gay gắt, đánh đe dọa, nhưng không kết quả, để mẹ nó xuống nước nhỏ khuyên nhủ, vẫn không xong; suốt mấy tháng không nói tới, để xem nó tự giác sửa đổi chăng, ngược lại, càng ngày càng lậm; những ngày giáp tết, vừa chạy ga, vừa dọn dẹp nhà cửa, người lớn mệt bở hơi tai, không ai ở nhà nghe điện thoại của khách hàng gọi; 11 giờ đêm còn phải chở ga thì nó lại ở phòng vi tính chơi đến khuya, trèo rào vào nhà, 29 Tết, 6g sáng lại có mặt tại tụ điểm gameonlines, lấy cớ lúc tối gửi xe đạp tại đó. Quá giận, đánh nó mấy bạt tai, tôi vừa xách xe đi làm thì nó đập bể kiếng cửa phòng tôi. Một hành động vô cùng mất dạy không thể chấp nhận đựơc; tôi quyết định bỏ nhà ra đi. Mẹ nó năn nỉ khóc lóc, vì sợ mất sĩ diện, tôi đồng ý ở lại để che đậy một gia đình hạnh phúc giả tạo mà hơn 10 năm nay đã đổ vỡ, với điều kiện, tôi không còn trách nhiệm dạy dỗ và nuôi dưỡng nữa, vì 20 năm quá khổ và 15 năm hy sinh mọi thứ để lo cho con ăn học.Tôi tự làm và sống riêng!
Ngày nó mới sinh, hàng ngày ngồi vỉa hè bơm quẹt ga, nhìn những đứa bé chập chửng biết đi, lòng ao ước con mình mau lớn như thế; Tuy vất vả vì sinh kế, nhưng vẫn thức suốt đêm khi con bệnh hoạn. Có những lúc nó ho không dứt cơn, không tiền đi bác sĩ, phải chở con đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc Nam; được 3 tuổi, ghẻ lở đầy mình, tôi phải nấu nước lá hằng ngày tắm rửa cho nó. Tuy không tiền, thấy con thòm thèm hàng rong, cũng phải bóp bụng cho con thỏa miệng, càng lớn, học hành, chi phí càng tốn, mẹ nó vụng về mua bán, tôi phải gia tăng kiếm tiền để cung ứng phí khoản yêu cầu, thời gian phơi nắng dầm mưa ngoài đường nhiều hơn ở nhà, thêm nổi phiền muợn tạo cho mình khuôn mặt nhiều khắc khổ lạnh lùng. Tuổi ấu thơ mình đã bất hạnh, thiếu thốn, giờ đây không để cho con phải chịu thiệt thòi với chúng bạn, tôi phải làm bất cứ việc gì mà không vì sĩ diện, miễn không phạm pháp và sái lương tâm; Những lúc đau lòng nhìn mãnh giấy trắng phung phí của con xé bỏ, mà lúc bé, tôi phải nhặt của bạn bè để đóng tập; áo quần, giày dép, mọi thứ nó đều xài không thương tiếc, nhìn thấy vậy, lòng tôi đau buốt, vì đồng tiền làm ra phải đổi bằng nước mắt, mồ hôi và sự nhẫn nhục với xã hội. Mạng sống lắm khi như chỉ mành treo chuông, vì suốt ngày ngoài đường, tai nạn luôn đe dọa. Cái vô tư của con, cái đam mê cuộc chơi, học hành xuống cấp của nó là những nhát dao đâm vào con tim người cha suốt đời hy sinh vì con, một người mẹ vô tâm không cần biết con mình nên hư, làm sao có những cảm xúc đau buồn trách nhiệm như vậy.
Cái đau cho một người vợ ngu muội, nổi buồn cho một đứa con hư hỏng, caí cô đơn của một kẻ tứ cố vô thân, và cuộc sống quá bầm dập trong xã hội loài người, tôi không biết mình phải làm gì với kiếp người của mình hiện nay!
Con hư, một phần do người mẹ chiều con quá vô lý; muốn gì sắm đó; chợ búa chi phí mỗi ngày ngoài trăm, trong khi thu nhập chỉ vài chục ngàn. Mỗi ngày một thâm thủng, nợ nần; Tiền cho con ăn sáng bằng 4 ngày tiền ăn chay của tôi, tiền tiêu vặt cho con, tôi có thể giúp người khốn khó qua ngày. Lắm khi chạy ga ngoài nắng, cổ khô bỏng, thèm uống ly nước mía, cũng phải nhịn khát về nhà uống nước lã, đi đường đói bụng, tô hủ tíu 4 ngàn cũng không ăn, tiền để dành lo chi phí cho gia đình hằng bữa. Gặp cơn mưa bất chợt, thà chịu ướt về nhà thay đồ chứ không mua thêm chiếc áo dọc đường; Thà nằm ngũ đất chứ không tốn tiền mua nệm, để có dư, dành cho con được đầy đủ. Hình như suốt đời tôi chưa lo cho mình cái gì để gọi là sung túc.
Tôi chấp nhận bửa ăn quá đạm bạc, đơn giản đến độ người ngoài nhìn vào bửa cơm tôi họ cũng phải lắc đầu, sáng rau luộc, chiều luộc rau… nhưng làm sao mong muốn hơn được khi người vợ quá vụng về gia chánh. Tôi chấp nhận tất cả mọi thiệt thòi để cho con nên người, nhưng giờ đây tôi hiểu ra phải chấp nhận mọi thiệt thòi kể cả thiệt thòi niềm hy vọng cuối cùng ở đứa con mà suốt đời tôi chăm bón nuôi dưỡng, không những thiệt thòi vì niềm hy vọng đứa con học hành tiến bộ bị đổ vỡ, mà thiệt thòi to lớn khi thấy đứa con ngổ nghịch đập bể kiếng phòng của cha nó như là đập vào mặt cha nó vậy. Tất cả hy vọng đều sụp đổ, một tâm trạng buồn chơi vơi như kẻ mất trọng lực giưã thế giới mênh mông đen tối. Con là nợ, chồng vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo, đúng vậy; Tôi vẫn còn một điểm tựa, đó là Phật Pháp, con đường tâm linh cho riêng mình.
Sáng nay, tôi lầm lũi chạy xe giữa phố thị vui Xuân, tôi biết mình đang cô đơn, không còn đứa con non dại như những năm trước; không còn đứa con hủ hỉ giữa phố chợ SG mà cái gì cũng lạ mắt đối với nó; Lúc lên 5, tôi chở về SG, nó thấy bán dưa hấu, muốn ăn, nó không dám xin, bèn lấy cớ nói: Ba, chiếc xe nó kêu dưa hấu, dưa hấu…vừa buồn cười vừa thương con, nhưng đành cho nó nhịn, vì trong túi có đủ tiền phòng ngừa bể bánh xe mà thôi.
Các thầy đều hỏi: Sao không chở Trí đi, một câu hỏi quan tâm nhưng vô tình là nhát dao đâm vào tình cảm tôi, một đau thương không nói nên lời, vì đó là nghiệp lực của riêng tôi! Nó đã chọn thế giới cho riêng nó, đành vậy thôi, ngoài dự tính đầu tư của tôi suốt 15 năm qua, giờ là một khoảng đen kinh khiếp; tôi phải khóc hay phải cười cho một cuộc chơi trong kiếp sống?


M.M
tối mồng mộ Tết Đinh Hợi
17/02/07

XUÂN TRÊN ĐẤT PHẬT


Sương phủ dầy đặc, 10 giờ 30 đêm mà cứ như khuya lắm; chim chóc im bặt, cảnh vật chìm vào u tịch. Trong màn đêm, xa xa còn le lói ánh sáng mờ đục của những ngọn đèn từ các chùa quanh khu vực Tháp. Cứ cách nhau vài răm mét có một ngôi chùa, càng gần Đạo tràng, chùa càng nhiều, có chỗ chùa sát vách nhau. Ngoài chùa Tây Tạng còn có nhiều chùa Miến Điện .

Chánh điện tuy bị bao phủ bởi khí lạnh và màn đêm, nhưng ánh sáng từ nội điện cùng với hàng loạt ngọn đèn cầy thắp quanh chùa, chạy dọc hai bên lan can dẫn xuống sân, làm cho không khí về đêm tăng phần huyền nhiệm. Giờ nầy tại Việt Nam đúng Giao Thừa. gần 20 người vân tập về chánh điện, các nghệ nhân người Huế cũng trịnh trọng trong chiếc áo tràng lam. Thầy Kiến Huệ chủ lễ, cô Khema Duy Na, Nick Kharma thủ trống. Đèn thắp sáng khắp nơi, không gian im ắng làm cho mọi người lẻ loi giữa sự giao hoà trong giờ phút nhiệm mầu của đất trời. Hình như mỗi người đều hướng về đất tổ, những kẻ tha phương mưu sinh đang chờ đợi cuộc gọi chúc Xuân của người thân từ hướng Đông. Nơi đây không có nhạc Xuân rộn rã trên TV, không có rộn rịp của giòng người đi lễ chùa đầu năm. Đối diện chùa độ 50m, những công nhân người Ấn trực đêm trong building bốn tầng, đứng từ cửa sổ nhìn qua chùa Việt Nam, nghe chuông trống đón giao thừa, nhìn nhóm người tay cầm nhang, tay đốt đèn hướng về quê mẹ cầu nguyện những điều tốt đẹp cho dân tộc, cho đất nước. Susanto châm ngòi pháo, tiếng nổ như xé bầu không gian u tịch, một luồng sáng bay lên không trung, tiếp là tiếng nổ lớn làm tung toé các chòm sao pháo bông phủ một góc trời. Xa xa, thỉnh thoảng có vài tiếng nổ của pháo mừng ngày độc lập Ấn độ. Mồng một tết năm nay trùng ngày quốc khánh của India, một xứ sở từng bị Anh đô hộ, hàng triệu người bỏ mạng vì đấu tranh giành độc lập theo lời kêu gọi bất bạo động của Thánh Gandhi.

Trước một ngày, các tụ điểm đông dân cư, địa phương đều tổ chức meeting, ngày 26 tháng giêng 2009, các trường học kéo học sinh về Bodhgaya Temple, kèn trống inh ỏi, cùng với lời mời của Management Committee, các tu sĩ, thân hào nhân sĩ, các tôn giáo đảng phái đến tham dự. Khu vực Đạo tràng lại bùng dậy làn sóng người trẩy hội!

Sau một đêm thức đón giao thừa, đốt lửa sinh hoạt mừng năm mới, dưới tán tre già, mọi người ngồi vây quanh, kẻ hát người kể chuyện; Các nghệ nhân xứ Huế với giọng thâm trầm của sông Hương núi Ngự, nhạc Huế lẫn nhạc Nam được lần lượt trình bày. Mở đầu chương trình văn nghệ, nhạc bản Xuân Nầy Con Không Về nghe thật não nuột, đó là tâm sự của kẻ xa nhà khi Xuân đến. Năm xưa, 1978, lần đầu tiên đi tù, nằm trong xà lim nơi đèo heo hút gió miền Trung, vọng đâu đây tiếng pháo xa xa, báo hiệu tết đến, cũng bản Xuân Nầy Con Không Về của các bạn tù trong các sam tập thể giữa đêm trường nơi rừng sâu, tưởng chừng ruột gan đứt đoạn. Người cô độc còn như thế thì những kẻ có gia đình, có con cái, họ thấm thía Ái Biệt Ly khổ như thế nào. Những người tù “mồ côi” nhìn anh em có thân nhân thăm nuôi, quây quần bên thức ăn đón Xuân, buồn đã đành, những người được bên ngoài thương tưởng gửi quà, họ nhìn đồ ăn mà nhớ đến tình cảm và hình ảnh thân thương của gia đình, họ cũng chẳng vui gì hơn, vì những món họ đang có là phần nhịn của vợ con khi cuộc sống lúc ấy chỉ có bo bo bột mì làm bữa ăn chính. Hôm nay, tuy xa nhà, không gian có khác hơn, nhưng sống giữa xã hội bất đồng ngôn ngữ, không cùng tập quán, kẻ tha hương cũng thấy trống vắng lạc lỏng mênh mông. Tiếp theo, đặc biệt cô Nick Kharma đọc một đoạn kinh META SUTA ( TÂM TỪ) làm cho không khi lắng đọng, hình như chư Thiên chung quanh cũng chắp tay lắng nghe, ngọn lửa nhảy múa vui mừng, sáng ra, các chú nghệ nhân thòng phong pháo hồng nhạt từ hoa văn cổng Tam quan để đón chào mồng một. Dưới các nhánh tre, những phong bì đỏ mang giòng chũ: With Heartiest Wishes, toòn teng trước gió, để mọi người hái lộc đầu Xuân, nội dung bên trong là những câu kinh Pháp Cú do cô Kharma thực hiện. Tuy pháo nổ dòn, nhưng một số viên lẻ vẫn rơi tung toé. Khema và Kharma ra Tháp thật sớm, lễ Phật toạ thiền, mang về một số bánh bao của Tây Tạng và bánh chiên của Ấn cho nội chúng dùng điểm tâm. 9 giờ kéo nhau ra lễ và nhiễu Tháp. Khách thập phương cũng tấp nập đến lễ các chùa qunh tháp. Tuy đa phần người Ấn theo Hindu và Hồi, nhưng họ vẫn đến chùa. Ngoài Đạo tràng và các tự viện Phật giáo quốc tế, họ không có nơi nào để giải trí vui chơi. Đàn ông Ấn chạy xe phân khối lớn, môtô từ 125 trở lên, ra đường ăn mặc lịch sự, nhưng nhà ở thì u ám tăm tối. Trong nhà hay ngoài đường luôn nồng nặc mùi xú uế phế thải. Đặc biệt người Ấn rất đoàn kết; không bao giờ có kẻ say xỉn ngoài đường, chẳng có cảnh đấu đá đánh nhau. Giao thông không hề có công an; xảy ra tai nạn hai bên tự động giải quyết êm đẹp. Ngoại trừ có chết người thì cảnh sát mới đến làm việc. Buôn bán họ có thể nói thách, nhưng không biết lợi dụng đông người trong mùa hành hương mà đồng loạt nâng giá. Giới trung lưu gia đình rất nề nếp tôn ti. Bán buôn họ không biết đon đả mời khách.

Tuy là xứ sở tôn giáo thần linh, vẫn xẩy ra tệ nạn giết người cướp của. Du khách Việt, Úc từng là nạn nhân, nhất là người Nhật bị mất tích nhiều. Du khách ít ai dám đi một mình, vào các quán ăn, giải khát thỉnh thoảng cũng bị thuốc mê, may lắm thì bị lột sạch tiền bạc, nếu không thì cũng bị mất mạng. Ở Ấn đất rộng mênh mông,việc thiêu người chết quá bình thường và dễ dàng, vì thế khó ai phát hiện những vụ thủ tiêu nạn nhân. Tuy nhiên, trộm cắp vặt không thấy xảy ra. Chiếc xe môtô để ngoài đường nhiều ngày vẫn còn. Vào Đạo Tràng bỏ xe ở ngoài cũng không mất. Bên Ấn không có điểm giữ xe. Rất nhiều cái tương phản trong xã hội Ấn mà ít có quốc gia nào có. Những người Việt ở Ấn lâu năm, họ than phiền là rất mệt mỏi khi làm ăn hoặc giao dịch với người bản địa, họ rất trung thực với đồng hương, nhưng với người nước ngoài, họ lại rất điêu ngoa. Muốn mua đất tại Án, phải có tên người Ấn đứng chủ, vì thế mà một số sư nước ngoài bị mất trắng. Mua gạch xây chùa đến tận lò chọn loại một, khi chở đến, họ pha trộn loại hai hoặc không đủ số lượng. Các trường học tại Gaya, kể cả đại học, đóng tiền có tên mà ít khi thấy học sinh hoặc thầy giáo có mặt, mùa thi đóng tiền, họ cho bài về nhà làm, ai có tiền nộp thì được đậu. Sư cô Từ Tâm, người Việt quốc tịch Mỹ, mở lớp học từ thiện mướn cô giáo bản xứ tốt nghiệp trung học cấp ba đến dạy, chính cô giáo cũng không biết làm toán nhân. Phần lớn trẻ con các vùng xa thất học vì quá nghèo và không có trường công lập; có trường mở ra chỉ để nhận sự giúp đỡ từ người ngoại quốc, mạnh thường quân ra về là trường tự động giải tán. Các tu sĩ Việt Nam mở nhiều trường, phải mướn thầy giáo của họ dạy cho con em họ, thế mà họ vẫn gây khó khăn cho các sư mỗi khi chưa có tiền trả lương. Sư Giác Viên lập Tịnh Xá Kỳ Hoàn cách Khổ Hạnh Lâm gần 10km, đem tiền của từ Việt Nam qua để giúp đồng bào trong làng, khuyến hoá con em đến chùa và độ cho trên mười em xuất gia, bố mẹ muốn gửi con vào chùa để có cái ăn cái mặc, thỉnh thoảng chúng về nhà cả tháng khi có lễ của Hindu, lúc có lỗi bị phạt quỳ nhang, cha mẹ chúng biểu tình phản đối. Xét thấy chúng khó cảm hoá, trả lại nhà, gia đình cũng làm đơn thưa buộc chùa phải nhận lại. Sư Minh Thủy nói có sống gần họ mới biết tại sao họ nghèo khổ, họ không biết đạo đức nhân quả, họ sống theo ngoại đạo mê muội, không biết phải quấy. Họ cúng đất xây Tịnh xá, khi xây xong, họ làm đơn kiện buộc phải bồi thuờng…

Công nhân lãnh lương xong là nghỉ, ăn hết tiền mới trở lại làm việc; họ làm tà tà cho hết giờ chứ không cần xong việc. góp ý chỉnh sửa, họ đều OK, nhưng đâu lại vào đấy. Vì thế chẳng lạ khi thấy các chùa của nhiều quốc gia có mặt mà không chùa nào độ được người bản xứ đi tu. Myanmar, Srilanka, Thái , Việt, Bangladesh, China, Taiwan, Korea…cũng chỉ dành cho những người của Myanmar. Srilanka, Thái, Việt, Bangladesh, China, Taiwan, Korea và một số người Âu châu tu mà thôi. Người bản xứ chỉ đến làm thuê công nhật. Lương lao động rất rẻ, cao nhất là 80 rubi một ngày, tương đương 28 ngàn đồng VN.

Cái chết đối với họ là chuyện quá bình thường, vì thế người chết không cần thân nhân đưa tiển, chỉ vài người khiêng xác trên tấm ván ra đồng đốt, nếu ở xa sông Hằng. Không kèn trống ầm ỷ như VN, không có cảnh thương vay khóc mướn, tẻ nhạt đến độ tàn nhẫn; ngược lại, đám cưới rất rộn rã, nhạc mở suốt ngày, nhà giàu tổ chức phô trương qua các bang lân cận; Nhưng không có cảnh ăn nhậu bia bọt. Họ nằm bừa bãi trên đất hay bất cứ nơi đâu có thể, vì họ quan niệm thân xác nầy cũng là của đất, sẽ trở về với đất.

Họ rất sùng kính tín ngưỡng. Những khu vực xa đền thờ, mỗi chiều, quần chúng tụ tập bên hông nhà, đặt ảnh nữ Thần dưới đất, năm bảy người xúm nhau đọc kinh cầu nguyện. Một tháng không biết bao nhiêu cuộc lễ của tôn giáo. Gần chùa Việt Nam có ao đất sét, nước tù đọng, đục ngầu, hằng ngày người dân địa phương đem áo quần ra đó giặt, trẻ con đến đó phóng uế, trâu bò dê ngựa đến uống, cứ dăm hôm lại có đám rước, chiếc xe đạp đặt tượng nữ thần Mặt Trời làm bằng rơm bọc đất sét, sơn phết rất đẹp và sinh động, máy và loa cũng trên chiếc xe đó, trẻ con và học sinh hơn chục người vây quanh đọc kinh, thoa bột màu trên mặt, hát hò nhảy múa rồi bê tượng nữ Thần xuống ao trấn nước, để nữ Thần ở lại với Hà bá, mọi người lại hân hoan nhảy múa và ra về, Có ngày gần mười đám diễn ra trên ao ước như thế. Họ có gần 10 ngàn vị Thần chính thức và vô số vị Thần bán chính thức tùy theo tập tục của mỗi địa phương, mỗi sắc tộc, Đức Phật Thích Ca là một trong số Thần mà người Hindu tôn thờ. Tuy họ có nhiều chủng tộc, nhưng tiếng Hindi được chọn làm ngôn ngữ phổ thông ngoài tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh đứng hàng thứ ba.

Riêng tại khu vực Bồ Đề Đạo tràng, Phật giáo cũng thường tổ chức lễ lộc trong mùa hành hương . Đầu tháng giêng 2009 các sư Tây Tạng luân phiên tổ chức cầu nguyện Hoà bình hơn 10 ngày; cúng dường trai tăng hàng ngàn vị. Bố thí đại trà; Hôm qua đây, cũng tại chùa Tây Tạng cách Bồ Đề Đạo Tràng 50m, một người Việt tổ chức trưng bày ngọc Xá Lợi Phật và nhị vị đại đệ tử Phật cho quần chúng chiêm bái suốt ba ngày, cũng cúng trai Tăng cho tất cả tu sĩ các quốc gia có mặt, đặc biệt chùa Tây Tạng nơi đây hoàn toàn dùng chay. Chính quyền địa phương hổ trợ nhiệt tình cho mọi lễ lộc của Phật giáo. Có những đoàn Việt Nam đến thăm, họ ngạc nhiên số người vãng lai tại Bồ Đề hàng ngày đều tấp nập như lễ hội, nổi cộm vẫn là bóng dáng các tu sĩ Tây Tạng, quần chúng Tây Tạng và người Âu châu tu theo Tây Tạng.

Người Việt đón Tết, ra lẽ Phật tại gốc Bồ Đề trong không gian thanh tịnh, khí lạnh phủ vây; mọi người nhộn nhịp tưởng chừng họ cùng đón Xuân, vì thế kẻ tha hương cũng bớt cảm thấy lẻ loi cô quạnh. Trong chùa, hương vị tết Việt cổ truyền vẫn còn đậm nét trên bánh mứt. Mặt tiền chánh điện ngôi chùa Việt Nam vẫn hướng về đất tổ quê cha, vẫn khóm tre có chim ca hát suốt ngày, xác pháo còn nằm bề bộn một góc trên đất Phật như mọi cái bề bộn của người dân Ấn tồn tại hàng ngàn năm qua. Vẫn thời tiết khắc nghiệt, vẫn những tương phản khó định nghĩa về một đất nước đậm nét Thần linh. Riêng Phật giáo nơi đây, chỉ tồn tại qua những Thánh tích và hình bóng tu sĩ nước ngoài, quần chúng Phật tử so với dân Ấn nó chỉ bằng số không; đạo Phật vẫn tồn tại như sự tồn tại của cổ thụ Bồ Đề trải qua nhiều thăng trầm hủy diệt; cũng thế, cái Tết Việt Nam vẫn tồn tại trong góc thẩm sâu của tâm hồn người Việt xa quê. Những cộng đồng người Việt ở các quốc gia phương Tây dẫu sao còn ấm áp khi Xuân về, nhưng Ấn Độ, hương vị Tết Việt Nam mênh mông bàn bạc như cánh chim lạc bầy giữa khí lạnh mùa Đông. Rất may, nơi đây là Thánh địa mà Đức Thế tôn đã đắc đạo. Xin cúng dường năng lượng nầy, từ trường nầy về cho những người con viễn xứ Xuân lai.


MINH MẪN
30/01/09

XUÂN THẦM LẶNG


1. Xuân đến rất sớm trên quê hương từ Bình Thuận về đến đất Bắc, nhà nhà chuẩn bị hoa kiểng bánh mức, mọi thứ liên quan đến Xuân, vì thế không khí có vẽ trang trọng linh thiêng trên quê mình cả nửa tháng. Riêng Sài Gòn, cận Tết gần một tuần mới thấy được không khí chào Xuân. Những dân tha phương lập nghiệp vào Nam, họ cảm nhận cái Tết lạt lẽo hơn quê mình. Miền quê, ngày giờ chuẩn bị đón giao thừa thật trịnh trọng, trang nghiêm, nhưng phía Nam, cứ nhậu và đi chơi thỏai mái. Miền Trung và Bắc, tình làng nghĩa xóm thật đậm đà tình cảm, đến từng nhà chúc tụng nhau, mọi thù hận đều bỏ qua, giành cái gì tốt đẹp nhất cho năm mới, đó là đạo lý của dân tộc ta.
2. Những thanh niên nam nữ miền Bắc miền Trung vào Nam lập nghiệp, cuối năm không có điều kiện về đón tết quê hương, họ la cà ngòai phố xem kẻ qua người lại. Có những em ngồi bó gối trong phòng trọ, nhìn lọ hoa cỏ, đĩa bánh mức để tưởng nhớ giờ phút thiêng liêng mà gia đình đang đòan tụ, và cũng có những trẻ em bụi đời, không cha mẹ, ngồi trong bóng đêm cảm nhận sự thổn thức khi mùa Xuân trở về, Tết là cái tươi vui của tuổi trẻ có mái ấm, nhưng là nổi đau thương của kẻ không nhà.
3. Những Việt kiều xa quê không về ăn tết được, tụ tập dăm ba người nơi phố trọ, chúc tụng nhau theo tập quán dân mình. Những Việt kiều trở lại VN, họ hãnh diện đi trên mọi nẽo phố đầy hoa, suốt từ Nam ra Bắc, những ngày đón tết là những ngày hội hoa, đủ lọai bày bán hai bên đường, cây trái, bánh mức, lắm màu sắc biểu thị một sung mãn trong cơ chế thị trường, quan trọng hơn, đánh dấu một sự an ninh tuyệt đối cho người dân vui xuân hưởng tết.
4. Người nước ngòai cũng tận hưởng sinh khí đậm đà tết cổ truyền VN, họ đến VN trước cả tháng, có người đón giao thừa ngay trong nhà người Việt, thưởng thức bánh tét bánh chưng, càpháo mắm tôm, rau muốn luộc nặn chanh, họ cũng đi chùa hái lộc, hòa nhập tập quán dân Việt. Họ sung sướng sống trong an ninh của một đất nước chưa phát triển trọn vẹn. Nhưng mấy ai quan tâm cái không khí vui xuân, cái đẹp của tết cổ truyền có được hiện nay phải trả giá của nhiều sự hy sinh thầm lặng!
5. Trong văn phòng các cơ quan an ninh xã hội, các chiến sĩ công an trực, ra nhìn đòan người lũ lượt trên phố, lại vào ngồi tì tay trên bàn, nghĩ về gia đình, giờ nầy vợ con đang đón giao thừa mà đáng ra có quyềnb đòan tụ như mọi công dân khác, một số mặc thường phục trộn lẫn trong dân để giữ an ninh, ngăn ngừa thành phần bất hảo. Giữa mùa Xuân mà họ không hề cảm nhận được hương vị Xuân, trách nhiệm luôn canh cánh trong lòng. Các chiến sĩ biên phòng hải đảo, cũng đón Xuân bằng những họng súng lạnh lùng; gió rừng hay sóng biển bốn mùa vẫn là xuân của họ. Chai rượu, miếng khô bày ra đấy, kẻ cầm đàn, người gõ nhịp nghêu ngao hát bài Xuân nầy con không về…để giữ vững bờ cỏi cho nhân dân vui xuân hưởng tết.Đa phần họ rất trẻ, niềm vui của dân đón xuân là niềm vui của họ, và niềm hảnh diện lớn lao của họ làđem lại bình an cho cuộc sống người dân. Ai biết được trong mâm cơm ngày tết, con trẻ thấy thiếu bóng dáng cha mình. Những đứa trẻ đồng lứa được bố mẹ cầm tay dắt lên chùa lể Phật, đi công viên họặc dạo phố, còn chúng,cảm thấy cái gì trống vắng, chúng cũng hy sinh một phần niềm vui cho mọi người được vui trọn vẹn. Bố hứa chúng sẽ về ăn tết muộn, sẽ bù đắp cho con những trống vắng đó, sẽ lì xì cho con phong bì to nhất, nhưng con trẻ không biết tại sao bố vắng mặt trong giờ phút thiêng liêng đón ông bà về vui xuân với con cháu. Luôn luôn những chiến sĩ an ninh ăn tết sau cái tết của thiên hạ, vì các anh phải cảm nhận một vị xuân thầm lặng cho 80 triệu dân Việt và trên 500 ngàn ngọai kiều lẫn Việt kiều đang tận hưởng không khí thanh bình trên đất nước mến yêu nầy.
6. Mỗi người có một tâm trạng đón xuân. Cái thầm lặng của kẻ xa quê, niềm ray rức của kẻ không nhà, buồn man mát của người có trách nhiệm càng làm cho hương vị tết đậm đà hơn, để rồi sau ba ngày trọng đại đó, đời trở lại với sự tất bật đa đoan chờ 365 ngày kế tiếp, con người lại làm khổ nhau, những công dân thiếu ý thức lại gây khó cho nhà nước, các thành phần bất hảo tiếp tục xáo trộn xã hội, các chiến sĩ an ninh lại tiếp tục lầm lũi trong cuộc đời hoặc trên bàn giấy để tìm một phương án tối ưu giải quyềt một vấn đề khó xử. Vài chức sắc tôn giáo cũng thiếu cảm thông cho những chức năng chuyên nghành. Lắm khi họ mệt mỏi thật vô lý cho những vấn đề tôn giáo ngỡ chừng đơn giản, tại sao họ không có quyền vui hưởng hạnh phúc bên vợ con? Một lý do giản dị: vì còn lắm kẻ không muốn hòa mình cùng dân tộc.Những chiến sĩ an ninh luôn là người thầm lặng kể cả trong lúc hưởng xuân, người dân mấy ai thông cảm, chỉ có gia đình họ mới thấm thía một mùa xuân thầm lặng không riêng họ, mà cả một gia đình!

Nhóm Phật Giáo vì dân tộc xuân Bính Tuất

XE HOA PHẬT ĐẢN 2550 (2)


Suốt tuần nay, không khí đón mừng Phật Đản 2550 thật nhộn nhịp. Từ Huế vào Đànẳng, không những các lể đài chính của tỉnh hội, thành hội, các am tự viện riêng lẻ, đều kết hoa treo đèn, lập vườn Lâm Tỳ Ni, cờ ngũ sắc sặc sỡ tung bay trong gió. Tín đồ tại gia cũng hồ hởi trưng bày tại nhà, cứ như chuẩn bị ngày tết! Một số vùng sâu, vùng cao, vùng xa, cờ ngũ sắc lác đác góp mặt đơn điệu giữa hoang vu;Riêng các tỉnh phía Nam bị những trận mưa rào, không khí ẩm ướt, bầu trời trong sạch, nhưng các lá cờ như những bành tráng nhúng nước.

Sau khi có cuộc họp liên ngành – Công an-Mặt trận- Ban tôn giáo chính phủ, thống nhất quyết định chọn đại lễ Phật Đản 2550 là lể lớn nhât của PG trong thời gian vừa qua; Vừa kỷ niệm 25 năm thành lập GHPGVN, vừa hưởng ứng Phật Đản thế giới do Unesco tổ chức tại Thái Lan, vừa chào mừng những sự kiện lớn của đất nước và những thành quả đạt được trong thời gian qua của dân tộc; Văn bản phổ biến xuống các cấp cơ sở, thế mà, một vài địa phương , do sợ trách nhiệm, do trình độ cán bộ yếu kém, hiểu lệch lạc, không dám áp dụng công văn, ngần ngại trước một sự kiện mà 30 năm qua bị hạn chế, do vậy, chùa Phổ Đa Sơn đường Phạm Thế Hiển, chùa Huệ Lâm đường Tùng Thiện Vương, chùa Kim Liên quận 8, gặp phiền phức do vấn đề treo cờ. Một số Phật tử tại gia cũng e ngại trước sự cởi mở như vậy; Thầy Tâm Bình, trụ trì chùa Kim Liên cho biết, thầy Thiện Lương, chánh đại diện PG quận 8 yêu cầu ba chùa trên hạ cờ giăng từ chùa qua bên kia đường, nhà Phật tử của chùa. ( con đường hẹp chứ không phải đường rộng lớn như tại thành phố hay các quốc lộ ). Thầy Thiện Lương nói với thầy Tâm Bình là An Ninh ra lịnh.

Được tin, tôi liền tìm gặp thầy chánh đại diện, sau khi vòng vo trình bày, tôi hỏi: lịnh ai bảo hạ cờ?
Thầy nói : Ban Tôn Giáo! Tôi hỏi tiếp: Ban tôn giáo là ai? Thầy đáp: ông phó ban tên Quý.

Tôi giải thích: nếu có văn thư cho phép tổ chức lễ và quy định việc treo cờ, hình thức treo và phạm vi treo, tại sao GH không sinh hoạt nội bộ để hướng dẫn, đến khi chùa làm không đúng ý quý ngài, buộc hạ xuống, quần chúng họ sẽ nghĩ thế nào về chính sách nhà nước đối với tôn giáo nói một đàng làm một nẻo?

Rồi một tin khác cũng từ một quận ven đô cho biết, năm nay xe hoa tham dự diễu hành, không cho các xe phật tử ủng hộ, cổ động tham gia, dù xe gắn máy, xẹ 15 hay trên 25 chổ cũng vậy. Tôi hỏi thầy Thiện Lương, thầy đáp: năm vừa rồi cả thành phố chỉ có 10 chiếc mà đã gây ách tắc giao thông, do các trật tự viên tháp tùng theo xe tạo mất trật tư.
Tôi mĩm cười, không hiểu đó là lối giải thích của riêng cá nhân thầy Thiện Lương hay của Thành Hội. Thật sự chỉ có 10 chiếc mà không giữ trật tự được, quả là quá kém về mặt tổ chức. Năm nay Thành Phố HCM có khoảng 50 chiếc xe hoa tham dự, 24 quận huyện nội ngoại thành chia làm ba khu vực diễu hành tránh ách tắt giao thông. Nếu Thành Hội và Giao Thông cũng như Mặt trận chịu khó ngồi lại lên kế hoạch, quy định trách nhiệm trật tự cho mỗi đơn vị có cổ động viên tham gia, làm gì mất trật tự, và ngành Giao Thông có bổn phận dọn đường theo kế hoạch, làm gì ách tắc giao thông. Một buổi lể cung nghinh Ngọc Xá Lợi từ Trung Quốc sang Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam trong 37 ngày, với số lượng người chiêm bái, tháp tùng theo xe hàng triệu người, thế mà không hề trở ngại; và VN cũng từng tổ chức festival, Seagames hoành tráng hơn, có trở ngại chi đâu; Phải chăng đây là lý do hạn chế của thành phố hay ngại trách nhiệm của Thành Hội PG TP.HCM nhân ngày vui của PG đồ VN?

Thêm một mệnh lệnh nữa: tổ chức đại lể trang nghiêm nhưng không tốn kém. Không hiểu các ngài dịnh nghĩa thế nào là tốn kém hay không tốn kém khi mà không đưa ra định mức cụ thể. Ví dụ Noel vừa qua Kito giáo VN chi hết 6 tỷ mà vẫn cảm thấy chưa đủ; lể đưa đón và chiêu đải hồng y Sepe tại VN trên 800 triệu vẫn còn thiếu; Ngày vui của tổ phụ còn sợ tốn kém thà đừng làm ( khách đến nhà, miệng mời mà bụng vái trời đừng ăn, có nghĩa gì )

Những vùng ven thành còn gặp những điều ngoài ý muốn mà không phải chủ trương của nhà nước, các tỉnh xa xôi thì sao. Cuộc vui bị vài trục trặc, cuộc vui đó cũng mất phần trọn vẹn. Hy vọng những cuộc lễ tới, nhà nước có văn bản cụ thể và chi tiết để cán bộ thừa hành không tự tung tự tác hành động, tạo hiểu lầm cho dân; và các chức sắc PG cũng nhiệt tình, tích cực hơn, chủ động việc lễ nghi tôn giáo của mình mà không phải xin lịnh hay chờ lịnh, không gây khó nội bộ để lập công lấy điểm hoặc bảo vệ chiếc ngai của mình.
Dẫu sao, PD năm nay mang nhiều màu sắc tươi nhuận và phấn khởi hơn, báo hiệu một VN đang tiến dần đến tự do và hòa nhập với thế giới bên ngoài.

MINH MẪN
07/6/06

XÂY DỰNG VÀ PHÁ HỌAI


Trong tinh thần phấn khởi để chuẩn bị đón mừng ngày lễ trong đại Vesak, người Phật tử Việt Nam luôn đối diện những cái vui và cái buồn; cái hãnh diện và cái nhục nhã, cái thiện chí xây dựng và cái ác tâm phá hoại.

Gần đây, trên hệ liên mạng, xuất hiện một thái độ phản công chống Giao Điểm, mắng Trần Chung Ngọc, vô lễ với Nguyễn Mạnh Quang; nêu danh tánh một số tu sĩ ở hải ngoại không theo phe họ, triệt hạ uy tín có bài bản với những thầy Lê Mạnh Thát - Nhật Từ -HT Trí Quang - Tuệ Sĩ – TS Nhất Hạnh, và một số danh sư, cao tăng trong nước. Chúng ta biết những người làm việc đó đứng ở vị thế nào! Đó là quyền tự do riêng tư của họ.

Chúng ta cũng không lạ gì khi Vesak được VN đăng cai, một số người thiếu thiện cảm đã chống đối, bằng mọi cách làm giảm tầm quan trọng của Đại Lễ bằng sự hủy nhục những người đứng ra tổ chức, đồng thời xuyên tạc khuynh hướng chính trị, nhưng cho dù mười lần cầu sập, chiếc cầu vẫn phải hoàn thành!

Một số lớn chư tăng và Phật tử hải ngoại vẫn hướng về VN, bằng tinh thần thiện cảm, luôn mong nhìn thấy một đại lễ như thế thành công mà suốt hàng trăm năm qua chưa từng có trên đất Việt;

Đại bộ phận Phật Giáo trong nước, khả năng tài chánh hạn hẹp, một số không đứng vào Ban Tổ Chức, nhưng vẫn dành ưu tư cầu nguyện cho ngày lễ đạt thành sở nguyện.

Ngoài những gì thuộc tầm vóc mà ngày lễ mang tính quốc tế, nhà nước VN đảm trách, còn lại thuộc lãnh vực tôn giáo, Phật Giáo VN phải đảm nhận, tuy chưa quen với điều hoạt quy mô lớn, nhưng vẫn phải làm, vẫn phải gánh vác, vì thế, cần những góp ý xây dựng và phải đón nhận sự xây dựng trong tinh thần hoà ái chứ không vì mặc cảm, tự tôn!
Chư tăng ni và cư sĩ có tâm huyết phải luôn quan tâm theo dõi mọi khâu tổ chức để góp ý hoàn thiện, vì đây là việc không của riêng ai.

Trong bài THỬ ĐẶT VẤN ĐỀ, cũng tinh thần đó, đã có kẻ xấu mồm xuyên tạc. Với tinh thần phản ánh khách quan như đã từng phản ánh chuyến du hoá của Thiền sư T.Nhất Hạnh một cách vô tư, thì đây, một chuyện hiển nhiên về thư mời họp, là chuyện có thật và trình bày thật, nhưng mục đích không phải vấn đề thư mời mà vấn đề tổ chức nhân sự, góp ý để BTC cải thiện, nhưng những người đệ tử cuồng nhiệt chỉ thấy thầy mình đúng mà không chấp nhận sự xây dựng, còn lớn lời châm chích, thử hỏi một tổ chức như thế làm sao tiến bộ? Phải chăng cái ngã mình lớn mà cứ nghĩ kẻ khác cao ngạo? Tại sao không phân biệt được lời xây dựng và ý đồ phá hoại.?

Chuyện mở đầu nói đến Thư Mời chỉ là Miếng trầu làm đầu câu chuyện, chả có gì phải ầm ỷ lớn chuyện, ngược lại có người bảo làm Phật sự sao có giấy mời! Nói thế cũng không đúng, không mời thì ai biết đâu tham gia! Mục đích của bài viết là góp ý một số trong khâu tuyển dụng nhân sự, thế nhưng rất tiếc nội bộ không nhận thấy đó là quan trọng mà quay lại châm chích, để rồi cho kẻ xấu ác cảm với PGVN có cớ chia rẽ.
Những người không nằm trong PG, làm sao hoan hỷ phấn khởi và chung tay góp sức cho ngày Đại lễ Vesak, đương nhiên những người ác cảm với PG tìm mọi cách chống lại PG, chia rẽ phá hoại PG mà một số ít tu sĩ PGVN vẫn bị lọt vào âm mưu đó.

Một số bất mãn chế độ, xuyên tạc luôn đăng cai lễ Vesak theo khuynh hướng chính trị của họ, nhưng vì là lễ Quốc Tế, do Liên Hiệp Quốc chủ xướng, nên không thể phá vỡ, bèn xoay qua bêu xấu đời tư những thầy đứng đầu tổ chức và chia rẽ những vị trong Ban Tổ Chức.

Hiện nay không thiếu chư Tăng –Ni cư sĩ có tâm huyết muốn đóng góp cho cuộc lễ theo khả năng, nhưng họ chưa biết phải đóng góp bằng cách nào, thiết nghĩ, BTC nên nêu lên một số công việc để ai có khả năng nào, tham gia vào công việc đó cho Phật sự được trôi chảy, những khâu chuyên môn, đương nhiên phải đích thân mời những ai có khả năng chuyên môn!

Noel cần kề, các giáo xứ, giáo phận đều rầm rộ chuẩn bị đón Chúa Hài Đồng, họ làm việc bằng tinh thần trách nhiệm và tương ái. Kể cả những Linh Mục bị bên ngoài chống, tất cả đều một lòng cho ngày Giáng Sinh, một Giáng Sinh bình thường của mọi năm, họ vẫn tổ chức hoành tráng, thì một Vesak đầu tiên tại VN, người Phật tử không xem đó là vinh dự và đáng phấn khởi? Trên bình diện quốc tế, người VN đáng tự hào khi đất nước còn nghèo khó, chậm tiến mà vẫn đủ khả năng tổ chức ngày lễ Quốc tế Tôn Giáo và văn Hoá, Hoà Bình của nhân loại, Phật giáo chúng ta, Tăng Ni Phật tử chả lẽ bình chân như vại?

Tinh thần ôn hoà của Đạo Phật đáng tôn kính, nhưng một số người con Phật tại gia cũng như xuất gia thiếu ôn hoà, nên đưa đến tình trạng đổ vỡ, phân liệt. Giáo Hội Kito VN vẫn nằm trong tình trạng chung của các tôn giáo tại VN, nhưng Kito giáo không băng hoại tinh thần như GHPGVN, không có hai Giáo Hội. Tu sĩ Kito giáo VN cũng người phàm xác thịt như tu sĩ PG, những bê tha không quá độ lộ liễu, vì họ có tinh thần đồng đội, biết bảo vệ cho nhau, ngay cả tín đồ cũng biết đoàn kết bảo vệ đức tin và uy tín cho nhau.

Cái tinh thần Vô Ngã của Đức Phật biến thành Đại Ngã trong giới tu sĩ PG không chuyên tu, dần đưa đến những chướng ngại lớn khi ngồi chung với nhau.Một số đố kỵ vì tài năng, về phước báu , về những thuận lợi của kẻ khác đang có, đệ tử riêng, chùa riêng…chính vì thế mà có một khoảng cách với nhau, dễ cho kẻ ác tâm khích động chia rẽ!
Người tu sĩ cũng như Phật tử luôn cảnh giác trước âm mưu phá hoại, chia rẽ nội bộ PG. Chỉ trong bài viết Thử Đặt Vấn Đề mang tính xây dựng khách quan mà cũng có kẻ chọc gậy bánh xe để trong nội bộ hùa theo phê phán một cách ấu trĩ, điều mà kẻ xấu lợi dụng thời cơ là chuyện đương nhiên, có điều đệ tử cuồng nhiệt với thầy mình mà không nhìn ra tính vô tư của kẻ góp ý, càng đưa đến hố ngăn cách cho nhau!

Nội bộ PG, cho dù đấm đá nhau cũng là chuyện anh em trong nhà, nhưng những ai không phải PG, không cùng chiến tuyến, xin đừng ác tâm kích động những kẻ lòng non dạ kém mà tạo xáo trộn cho PGVN.

Cũng như Kito giáo,các tôn giáo có mặt tại VN, PG đang cố hàn gắn những vết thương âm ỉ để cùng đoàn kết phục hồi nội lực, phục vụ cho quê hương, cho xã hội để đời sống dân tộc đi vào nề nếp đạo đức mà suốt thời gian dài bị trống chân. Tuổi trẻ VN ngày nay đang đứng trước ngã ba đường mà chiều hướng hưởng thụ sa đoạ đang báo động. Mỗi tôn giáo đều có trách nhiệm giáo dục tín đồ trong cung cách tình người và xây dựng, chỉ có những tâm hồn đen tối mới đưa tín hữu lạc vào vũng đen. Những ai không thích chế độ hiện tại là quyền mỗi người, nhưng đừng vì thế đánh đồng PG với chế độ làm một, để manh tâm nhận chìm PG mà họ đã quy trách PG cho tình trạng hiện nay.PG là nạn nhân của thời cuộc hay đất nước là nạn nhân của PG, hãy để sách sử phận định! Nhưng rõ ràng PGVN đang là nạn nhân của những khuynh hướng chính trị cực đoan bị thất sủng! Hiện tại tuy PG còn lúng túng góp phần đồng hành cùng dân tộc trong vài khía cạnh từ thiện xã hội, giáo hoá, nhưng tinh thần PG vẫn bàng bạc trong máu huyết người dân. Những ai tha phương cầu thực cũng có lúc nhớ về quê cha đất tổ; những kẻ lớn tiếng chống đối chế độ cũng phải lên tiếng trước cuộc xâm lăng của Bắc kinh trên Hoàng và Trường Sa, như vậy trong chúng ta, trong cũng như ngoài nước đều có chung tinh thần ái quốc, bảo vệ quê hương , xót thương nòi giống, nhưng vì mỗi người trang bị cho mình một nhãn quan màu sắc, nên gà nhà bôi mặt đá nhau!

Phần lớn tâm lý chúng ta thích nói xuôi tai, đứng về một phía, ủng hộ cuồng nhiệt, ít ai thích lắng nghe điều trái ý nghịch lòng, cho dù là sự thật! Nếu không có một Charlie Nguyễn, một Nguyễn văn Thọ, một Trần Quý Nhu, một Bùi Kha, một Trần Chung Ngọc, một Nguyễn Mạnh Quang…thì làm sao chúng ta nhận chân được sự thật đau lòng của những cực đoan sai lầm Kito giáo trong quá khứ. Nếu không có những bộc lộ trung thực từ hàng Giám Mục ,Hồng Y của Lamã thì làm sao ta biết những khuyết thật đáng sợ của thâm cung bí sử để từ đó mới có những cải cách trong Giáo Hội. Sự thật giúp ta tiến bộ, tuy rằng có đau. PG không có những sai phạm lớn như thế, có chăng chỉ là cá nhân một vài vị, thì việc sơ suất bất cập ngoài ý muốn được công khai góp ý có gì quá đáng phải ầm ỷ phản kháng?

Lắng nghe là một nghệ thuật nói lên trình độ cầu tiến; bao che, trốn tránh sự thật là thái độ thiếu Tàm –Quý trong PG. Thích dua nịnh, nói vừa lòng là tự cô lập, phản dân chủ. Cái hay của PG là tín đồ có quyền phê phán tu sĩ, không như các tôn giáo khác, nhờ thế mà tệ nạn cũng giảm bớt. Phê phán trong xây dựng chứ không phải để phá hoại, ngược lại lời dua nịnh là loài sâu mọt đục khoét âm thầm, nếu lời mật rót vào tai với dụng ý xấu lại nguy hiểm hơn những chống đối ồn ào qua bút chiến.

Người Phật tử phải phân biệt đâu là xây dựng, đâu là phá hoại, không nên đẩy đồng đội vào thế đối lập; Ngay cả kẻ thù ta còn phải mở rộng vòng tay.

Tuy chúng ta đang vui để đón nhận ngày trọng đại của đấng cha lành như người Kito hân hoan đón Chúa Jesus trong mùa Noel, nhưng vẫn lắm cái buồn vì gặp nhiều chướng duyên từ ngoại cảnh đến nội bộ.

Chúng ta vui vì một số lớn tu sĩ trẻ ngày nay có năng lực để gánh vác Phật sự, nhưng vẫn buồn vì không thiếu vị mất phẩm chất đạo phong với tinh thần bảo thủ. Vui vì toàn lực PG dốc vào Vesak, buồn là còn những vị không hề biết ngày hội lớn đến với quê hương.

Dân tộc ta vui vì có hoà bình và sánh vai cùng thế giới, nhưng còn lắm nỗi buồn vì không thiếu những đứa con Lạc Việt muốn kéo đất nước lùi lại nhiều thế kỷ và muốn xã hội xáo trộn binh đao.

Chúng ta hãnh diện làm người Việt nam đủ tư chất thông minh tuệ trí, nhưng nhục vì cứ xấu xé đấm đá nhau mà đất nước từng lâm vào nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh, bài học đó đến nay cứ muốn tái hiện, trong khi trên thế giới các quốc gia tiến bộ họ tất cả vì quyền lợi cho dân tộc ho!

PG hãnh diện vì có một Đức Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni tuyệt trí, lời dạy đầy khoa học và nhân bản, tinh thần đạo đức phủ trùm nhân ái và hoà bình, vì thế quốc tế đã chọn PG làm ngày Tôn Giáo Hòa Bình, nhưng vẫn phải nhục vì không thiếu người của PG phủ nhận, chống đối ngày trọng đại do chính VN tổ chức!

Trong mười điều Tâm Niệm Phật dạy: Làm việc đừng cầu dễ thành công, vì như thế tâm kiêu mạn dễ phát sanh

Cho dù thuận duyên hay nghịch cảnh, chư tăng Ni và Phật tử có tâm, luôn phải có tinh thần xây dựng để cho Đại lễ Vesak được viên dung. Một bộ phận văn hoá sắc tộc miền cao do chị Hạnh Mãn hướng dẫn về cúng dường Đại Hội Đại Biểu PG sắp tới thì chả lẽ một Đại Lễ Vesak mang tầm quốc tế, chúng ta lại vô tâm?

Chư Tăng Ni cư sĩ có năng khiếu về các bộ môn nghệ thuật, văn học nên tham gia, không phải vì món tiền thưởng mà Ban Tổ Chức đưa ra, mà vì tinh thần phục vụ Đạo Pháp. Chúng ta dù trực tiếp hay gián tiếp góp tay với BTC, cùng thắp chung nén tâm nhang nguyện cầu Tam Bảo gia trì PGVN vượt qua mọi gian truân để cùng dân tộc khơi lại nguồn sáng tổ tiên đất nước mà cha ông ta đã đổ nhiều máu xương cho chúng ta tồn tại trên bản đồ thế giới hôm nay.

Một mong muốn nữa, chúng ta, tu sĩ và cư sĩ không bao giờ phê phán chống đối nhau, cho dù mỗi người có một lý tưởng, pháp hành riêng biệt, vì chúng ta có chung một đấng cha lành, cũng như các em Gia Đình Phật Tử có chung một màu áo Lam, đó là lý tưởng duy nhất chúng ta phải tôn quý.



MINH MẪN
04/12/07

XÃ HỘI CHUYỂN MÌNH


Từ ngày đất nước thay đổi, cởi mở, một số quyền công dân được nới lỏng, trong đó có việc Biểu tình, đây là điểm đặc biệt thể hiện một phần văn hoá dân chủ mà trước kia, dưới XHCN không hề có.

Những năm qua, vườn hoa Mai Xuân Thưởng, người dân bị một số địa phương chèn ép đất đai, đã ra Hà Nội kêu oan, dĩ nhiên không phải vụ nào trung ương cũng giải quyết, đẩy về lại cho địa phương, địa phương lại bao che cho những cán bộ biến chất, giải quyết không thoả đáng, họ lại kéo ra Hà Nội.
Tại TP HCM cũng thế, hầu như không Tỉnh nào mà không có chuyện oan trái, người dân phải gánh chịu, nhất là vụ đất cát bị quy hoạch, giải tỏa, trưng dụng… mà không được bồi thường thỏa đáng, dù khung giá được chính phủ quy định. Ví dụ ngay tại Hốc Môn, đường Lê Lợi thuộc Thị Trấn, quy định giải toả mỗi met đất bồi thường 1.200.000đ (trong khi giá chợ đen là 4 đến 5 triệu). Nhà tôi bị mất gần 50m2, xâm phạm một phần ba căn nhà xây đang ở, thế mà chỉ bồi thường hơn bảy triệu, không đủ tiền mướn thợ tháo dỡ mặt bằng, do vậy không ai chấp nhận. Tại Đồng Tháp. Ông Phú Khai bị trưng dụng trên ba ngàn mét đất, trên hai ngàn gốc cây ăn trái, thế mà không bồi thường sòng phẳng, sau đó đất được chia nhau cho cán bộ thay vì làm trụ sở công an như lúc đầu nêu lý do thu mua. Cũng thế, từ tỉnh đến các xã, nơi nào đất có vị thế kinh tế, đều bị địa phương quy hoạch, hoặc di dời dân, hoặc mua rẽ, hoặc bồi thường giá tượng trưng, để sau phân lô bán lại như khu đất chợ đầu mối nông sản Hốc Môn và còn rất nhiều địa phương khác. Vì thế, người dân từ chỗ có nhà có đất, trở thành trắng tay và nếu không còn vốn liếng, chắc chắn phải đi ở nhà thuê, vì tiền bồi thường không đủ mua đất khác. Còn một vài trường hợp đất ông bà để lại hoặc qua nhiều đời chủ mà không đủ giấy tờ hợp lệ, sẽ bị mất trắng nếu bị giải toả.

Có rất nhiều trường hợp khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là nhà đất bị chiếm dụng không được thoả thuận giữa chủ đất và nhà nước địa phương.Tuy nhiên, vẫn có nhiều nơi đền bù tương xứng, đó là ngay trung tâm thành phố.
Những hiện tượng tiêu cực trên là việc đáng buồn cho nạn nhân lẫn chính phủ trung ương. Chắc chắn nhà nước không muốn để cho dân than oán, nhưng Trung ương cũng khó mà xen vào nội bộ địa phương, và chỉ thị xuống, địa phương không chắc đã chấp hành. Ví dụ miếu Quan Thánh tại Cái Tàu, tỉnh Đồng Tháp của ông Nguyễn Phú Khai, bị sư Thiện Năng cấu kềt chính quyền Đồng Tháp phân lô bán cho 21 hộ, và biến miếu thành chùa,Tòa xử phải trả lại cho khổ chủ, thế nhưng ngôi Miếu kia vẫn không được chính quyền cho di dời tượng Phật đi nơi khác. Ban Tôn giáo chính phủ điện về Ban tôn Giáo Đồng Tháp, thì ông trưởng BTG trả lời: Cái đó là miếu, BTG đâu có xen vào được, nhưng miếu tại sao thờ Phật và không chịu di dời tượng Phật, và BTSPG ĐT nhiệm kỳ 2006 về trước đã xác nhận miếu đó không phải là chùa, không trực thuộc tài sản GH. Ông đổ qua bà đổ lại, cuối cùng khổ chủ không khiếu kiện đâu được.

Cái bế tắt là cơ chế tổ chức mang tính sứ quân của mỗi địa phương, luật vua thua lệ làng, chính quyền không được phép sa thải cán bộ biến chất đó nếu là người do đảng bộ cơ cấu vào, và phòng tổ chức đa phần là đảng viên. Những cán bộ được cơ cấu vào các hệ tầng chính quyền, hoặc là đảng viên, hoặc có công với Cách mạng, hoặc gia đình liệt sĩ…do những công trạng đó, biến cán bộ thành cửa quyền, lạm dụng chức vụ để vơ vét, sách nhiễu nhân dân, và dĩ nhiên họ không hưởng lợi một mình, có sự chan hoà chia xẻ cho nhau, biến thành một mạng lưới chằn chịt nương tựa bao che lẫn nhau, do đó, muốn xử lý một cán bộ là phải bứt mây động rừng, phải phăng từ gốc đến ngọn xem đường giây liên hệ đến cấp nào, chẳng hạn vụ án PMU 18, Năm Cam…
Trung ương cũng từng khiển trách các địa phương về tình trạng thâm lạm công quỷ, bức hiếp nhân dân, thế nhưng trung ương vẫn bất lực trước tính ù lỳ đó.
Các công ty, xí nghiệp cũng thế, xưa kia Tư sản bị kết tội bóc lột công nhân, Marx-Lê đã hình thành giai cấp công nhân để cách mạng xã hội theo chiều hướng XHCN; nhưng khi VN thống nhất lãnh thổ, chấp nhận cho ngoại quốc đầu tư vào VN, công nhân tiếp tục lâm vào cuộc sống bị bóc lột bởi giới chủ nhân nước ngoài và sự kềm hãm của tổ chức Công đoàn; một số nơi, công đoàn đứng về phía chủ nhân, vì thế công nhân trở thành nạn nhân của giai cấp bóc lột mới.

Chủ đầu tư nước ngoài không am hiểu giá cả sinh hoạt tại VN, do vậy họ cần có cố vấn người Việt, trong đó công đoàn cũng được tham khảo mức lương; chủ đầu tư có thể tính giá chênh lệc từ phân nữa đến 2/3 mức lương so với công nhân nước ngoài, như thế cũng là quá rẽ, nhưng qua tay công đoàn, mức lương thực thụ đến tay công nhân chỉ đủ tiền ăn sáng trong một tháng cho mỗi đầu người, ( ta chỉ nói những công nhân lao động phổ thông, những người có tay nghề bậc năm trở lên hay mang tính chuyên nghiệp thì lương khá hơn một tí). Thời gian làm việc và điều kiện sinh hoạt cho các công nhân phần lớn khắc khe; một số chủ nhân nước ngoài đã hành xử thô bạo với công nhân VN.
Nhà nước muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đã dành nhiều ưu đãi cho các công ty xí nghiệp mà bỏ rơi quyền lợi công nhân; Cũng có công ty thu nhận công nhân với điều kiện ba tháng thử tay nghề không ăn lương, chỉ bao cơm bữa trưa, sau ba tháng thu nhận công nhân mới, sa thải số cũ, như thế quanh năm công ty không phải tốn khoản tiền lương khổng lồ; phần lớn các công nhân đến từ miền quê xa xôi, các tỉnh phía Bắc, phía Nam và miền Trung, khi các công nhân bãi công, một vài công ty có sáng kiến không nhận người kinh, họ lên các vùng cao nguyên tuyển các em sắc tộc, lương càng rẽ mạt và không bị những em nầy yêu sách khó khăn, vì các em nầy không có nhiều nhu cầu cá nhân như thiếu nữ TP.

Trong xã hội có muôn mặt phức tạp, do mạnh hiếp yếu, thế hiếp cô, người dân và công nhân ít được luật pháp hậu thuẩn; chưa nói đến những tranh chấp giữa người dân với nhau, mặc dù đó là sự bất công mà kẻ yếu thế phải chấp nhận vì lẽ phải đã nghiêng về kẻ có tiền; một xã hội càng kém văn minh, các phức tạp bất công càng sanh sôi nẩy nở dễ dàng. Bất cứ quốc gia nào đang phát triển cũng khó tránh khỏi những tệ nạn bất công, những lạm. VN đang lâm vào tình trạng trong thì người dân bị cán bộ biến chất hà hiếp, ngoài thì công nhân bị giới chủ nhân bóc lột sức lao động; nhà nước cố gắng sang bằng những bất cập đó một cách vất vả, vì thế biểu tình, bãi công là hình thái để người dân biểu lộ những yêu sách chính đáng và tố cáo cường hào ác bá để nhà nước lắng nghe và sửa sai, đồng thời đó cũng là cách cho người dân xả xú báp trong cơn phẩn uất.
Ngoài những phức tạp trên, một số cơ quan chức năng ngồi trong tháp nhà tưởng tượng ra lắm chiêu thức mà không hề biết đến lợi hại, khốn khổ của người dân. Mức sống người dân VN hiện nay trung bình từ 100 đến 150 dollar một tháng, nếu một gia đình ba người thì không thể đủ, nếu có hai con đang đi học từ cấp một đến cấp hai thì cha mẹ phải vất vả; Từ cấp ba lên Đại học thì hơn phân nửa gia đình cho con nghỉ học; thế mà ngành giáo dục đào tạo còn đòi tăng học phí trong niên khoa nầy, một số gia đình chuẩn bị cho con em họ đi tìm nghề để học; con tôi lên lớp 10, cũng không tránh khỏi tình trạng chung; chả hiểu tương lai VN thế nào mà hiện giờ những người dầu ngành giáo dục tuổi trẻ đẩy một thế hệ đi vào bế tắt, thế hệ trẻ ngày nay là lãnh đạo đất nước ngày mai đều là thất học cả sao?
Đất nước đang chuyển mình hội nhập, đồng tiền VN đang bị thả nổi, vật giá leo thang, mức sinh hoạt ngày càng thấp kém, lương công nhân viên chức tăng thì giá cả cũng tăng biến. Xăng dầu tăng thì vật giá cũng tăng theo. Thị trường rất nhạy cảm, vì thế, những người cầm quyền từ trung ương đến địa phương khôn khéo linh động để người dân đừng lâm vào bế tắt không đáng có;
Đất nước , xã hội nào trong cơn chuyển mình cũng không tránh khỏi những khó khăn mà người dân phải gánh chịu; nói như thế không phải để mặc cho những bất toại hoành hành xã hội. Đảng và nhà nước VN tự nhận là đỉnh cao trí tuệ, chả lẽ không đủ tuệ trí để giải quyết những khó khăn vô lý do quyết định sai lầm của những kẻ lạm quyền phá hoại chính sách nhà nước làm khổ nhân dân?!

Vấn đề đất đai là quyền lợi sanh tử của người dân, trung ương phải có quốc sách giải quyết dứt điểm, không thể giao khoán cho địa phương để lạm dụng chức quyền gây tai tiếng không tốt cho nhà nước; không để dây dưa mất thời gian của dân, và địa phương không thể dùng quyền lực bịt miệng dân khi sự việc đổ bể; Một khi nhà nước cho phép dân biểu lộ nguyện vọng bức xúc qua cuộc biểu tình thì nhà nước cấp nào cũng không nên tìm cách trấn áp, bắt cóc hù dọa những người dân ôn hoà bất bạo động như thế. Họ có quyền thể hiện quyền công dân thì nhà nước cũng có bổn phận lắng nghe, thể hiện văn hoá và phong cách của nhà lãnh đạo một đất nước dân chủ. Phải thực tâm sửa sai, không bao che thuộc cấp. Có như thế đất nước mới tiến bộ. Nếu nhà nước cảm thấy có những phần tử xấu lợi dụng biểu tình để đi quá trớn thì cô lập những phần tử đó chứ không đàn áp người dân; Và nhà nước phải có một quyết định chế tài rõ ràng nếu địa phương, dù là đảng viên, sai phạm, chứ không thể để tình trạng: Thủ kho to hơn thủ trưởng - Thủ trưởng tưởng nhà mình là nhà kho.
Nếu tình trạng nầy kéo dài, người dân các tỉnh vẫn tiếp tục biểu tình, ăn bờ ngũ bụi để tranh đấu, lúc bấy giờ cả nhà nước và nhân dân không còn thể hiện tính dân chủ tượng trưng như thế nữa mà trở thành loại văn hoá trì trệ ách tắc, vô trách nhiệm và người dân khó tin vào chính sách đúng đắn chỉ có trên văn bản pháp quy.

Không sợ người dân biểu tình mà chỉ sợ nhà nước không tìm ra giải pháp giải quyết cụ thể, sòng phẳng và dân chủ, và cán bộ thóai hoá vẫn tiếp tục bôi bẩn chế độ.

Người dân vẫn hy vọng VN sẽ vượt qua những khó khăn để đất nước biến thành con rồng như những con rồng Chấu Á. VN thắng các cường quốc, VN thành công trên trận tuyến kinh tế, ngoại giao, chính trị, an ninh…chả lẽ VN lại thất bại với những cán bộ cố tình làm sai đường lối nhà nước để nhân dân mãi khốn đốn, cơ cực???

MINH MẪN
04/7/07

VƯỢT QUA


4 giờ sáng mọi người đánh thức nhau dậy, mặc dù đêm qua thức khuya. Anh em Tiếp hiện nối chân kéo nhau đi trong màn đêm, băng qua đọan đất gập gềnh để lên láng bếp; mọi người đã tụ tập đông, tuần tự lấy thức ăn!

Trên chùa Non, kèn trống bắt đầu inh ỏi, người lao nhao leo dốc thở hổn hển, trên các bậc thang cấp, thế mà các cụ vẫn bảo có Phật độ nên leo núi rất khỏe. Trong chánh điện và vỉa hè đều chật ních người. Các phật tử ở xa về trước một đêm, nằm bờ ngủ bụi trong cái lạnh thấu xương của núi rừng miền Bắc. Trời sáng đủ nhìn rõ lằn chỉ tay, các kiệu trang trí hoa đèn, tua reng thờ tượng Địa Tạng để sẳn ngoài sân bên hông chùa Non Nước. Những phật tử có mặt đều được phát tấm phướng giấy gắn trên que tre nhỏ thay thế lá cờ, sắp dọc hai hàng, chờ lễ thỉnh sư, xuống đầu dốc, ngay cổng Học Viện để tiếp linh. Nghi lễ ngoài nầy không thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, không thượng phang mà đàn chẩn miền Nam, miền Trung đã có. Những chuyên gia nghi lễ đã thẩm định nghi thức tán tụng tại Sóc Sơn còn quá nhiều sơ sài, nhưng cũng lấp được khoảng trống to lớn mà nhiều người e ngại sẽ vấp phải.

Loa phóng thanh được nối dài dọc xuống lối đi. Nguời dẫn chương trình đọc chương trình hành lễ, ý nghĩa Đại Đàn Chẩn Tế, và thông báo, nhắc nhở các nhân sự thừa hành! Bên hông chùa, ban nhạc lễ Tứ Phủ bày biện nhạc cụ, chiếc đàn cò một giây được thử âm thanh, bốn người đàn ông còn lại kẻ trống người kèn, tất cả khăn đóng đen, áo dài lụa mỏng, lót vải bông đỏ bên trong; hai cô Đào son phấn loè loẹt như bà bóng, mặc áo tứ thân màu hồng, chít khăn trắng, cầm nhịp phách; xa hơn một tí, 22 người trung niên, trang phục đồ tây trắng, đội két trắng, tay cầm bộ kèn đồng đủ cở, trống, chập chả.. sẳn sàng ứng chiến; Cặp lân và con gà trống cồ nằm sau chiếc trống hai người khiên, dẫn đầu đàn. Bên trong, chư Tăng cũng đã đắp y, HT Thanh Nhiễu đội mão Địa Tạng, TT Pháp Ấn thay mặt sư ông và Làng Mai cùng vài Phật tử Tiếp Hiện quỳ đội sớ. Chủ sám và sư ông niêm hương bạch Phật, tán tụng có nhạc kèn đệm thật inh ỏi.

Trống nổi lên, cặp Lân bắt đầu nhún nhảy, xoay mặt hứơng về đoàn thỉnh lễ, bước thụt lùi xuống dốc, chú gà trống phe phẩy cặp cánh dài đỏ chói tới chân, thay thế vị trí ông Địa trong các đoàn Lân phía Nam. Chỉ có miền Bắc mới có chú gà trống cồ trong trang phục lễ hội; có lẽ tập tục cúng gà trong các đền chùa miền Bắc nên họ đã làm chú gà mà không là cô vịt! Đội Lân của tỉnh Thái Bình, phần lớn là anh em lớn tuổi, tình nguyện góp vui miễn phí cho buổi lễ. Người trong đội Lân-Gà, đều đội nón cối và đồ xanh cứt ngựa, có người từng là bộ đội phục viên, có người là dân thuần túy, nhưng trang phục hàng ngày của họ cứ như bộ đội, mà thời chiến, toàn dân được phủ lên người một màu thống nhất như thế, có lẽ những bộ đồ đó thích hợp với đời sống lao động, bền và rẽ, nên các cánh đàn ông thường xử dụng. Có điều, vành mũ cối và vai áo có nhiều dấu sờn, mòn, màu bạc thếch, chứng tỏ mức nghèo khó vẫn còn dai dẳng đeo theo cuộc đời họ sau hơn 30 năm thống nhất tổ quốc. Ngay cả cái trống gỗ hai người khênh, quai xỏ và mặt trống cũng mòn lẳng mà đáng ra đủ tuổi về an dưỡng trong viện bảo tàng
Quần chúng ồn ào lao nhao như hội hè. Hơn 7 giờ, đoàn bắt đầu xuống núi. Đội kèn mở đầu bằng nhạc bản Phật Giáo VN, đó là bản giáo ca của Lê Cao Phan được chọn sau thời 1963 cho GHPGVNTN. Hôm nay, bài đó mới phản ánh đúng ý nghĩa thống nhất PG Nam Bắc. Điệu nhạc trầm hùng bởi nhạc khí làm phấn khởi và xúc động những ai đã từng là nhân chứng trong giai đoạn PG vượt qua pháp nạn thời Ngô. Có lẽ, đội kèn biết rất ít nhạc PG, nên chỉ có thêm bài Kính Mến Thầy…nếu có bài Trầm Hương Đốt thì buổi lễ sẽ thâm trầm ý nghĩa hơn.
Kèn và đờn Cò ò e của nhạc lễ Bát Âm, nhịp phách hoà âm, hai cô ả Đào trông như hai chị em sinh đôi,vóc dáng thanh tú, ỏng ẹo lả lơi, môi đỏ, lúc nào cũng tươi cười nhìn mọi người, nhịp bước. Tiếng niệm Phật của Phật tử miền Bắc, tiếng đọc kinh trên loa phóng thanh tạo thành một tạp âm của lễ hội.
Ban dẫn lễ hai hàng cầm bê tích, phang lọng. thầy Pháp Ấn thay mặt sư ông đi giữa lọng tàng, tiếp đến là HT chủ sám và tăng thân làng Mai cùng chư vị khách tăng đắp y nghiêm cẩn. Phật tử tháp tùng với lá phướng giấy trên tay, có những tấm phuớng chưa kịp viết chữ.
Đoàn chậm rải xuống địa điểm tiếp Linh độ hơn 600m, trên bãi đất trống, mượn tạm ngôi nhà cổng của Học Viện PG làm điểm kết tập thỉnh linh. Hơn nửa giờ làm lễ, đoàn trở lên chùa Non, hàng trăm Tăng ni sinh Học Viện đã tháp tùng đoàn lên chùa tiếp tục dự tiến lễ.
Xe ca 50 chỗ, xe du lịch 4 chỗ, 7 chỗ tiếp tục tràn vào sân. Bãi đất trên một ngàn m2 đã không đủ chứa, một số xe phải cho khách xuống ngoài lộ cách đó gần một km. Có 2 chiếc của Đạo tràng Pháp Hoa thuộc Ban Hoằng Pháp Trung Ương , những xe còn lại từ Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hoá, Nam Định,Nghệ An, Hà Tỉnh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình…có đến 143 chiếc xe lớn, 51 xe trung và 33 xe du lịch 4 chỗ có mặt tại bãi. Ngoài ra, ba chiếc xe máy cày kéo thùng chở các cụ từ vùng lân cận đến muộn. Xe hai bánh mấy trăm chiếc nằm thứ lớp trong khu vực riêng giống các kho bãi tạm giữ bị cảnh sát giao thông phạt vạ.

Khí hậu râm mát mà đêm trước rét thấm tủy, mưa bụi lâm thâm lất phất nhưng không lạnh đã làm tăng phần phấn khởi cho người tham dự. Tiếng kinh tụng rền vang, ngoài vách núi sạt lỡ một mãng lớn, đất và tảng đá chùi xuống nhưng không gây tai nạn. Rừng người tiếp tục khấn vái nguyện cầu. Một tập quán đặc biệt của người dân xứ Bắc, các bà đổi một trăm tiền lẻ giấy bạc tờ 200 đồng, đặt ngay vế đùi của tượng Phật một tờ, trên tay ngài một tờ, cứ thế mỗi vị trí thích hợp mà không chịu bỏ vào thùng công đức, và giấy tiền vàng mã là món sở thích của các cụ nhà ta. Đặc biệt, nơi đây chưa thấy các tay trộm vặt thèm thuồng những tờ giấy bạc vô chủ như thế. Với cái nhìn kinh tế, đốt vàng mã và thuốc lá là đốt tiền để giải khuây!

Đêm trước, 19/4/07, BBC có hỏi tôi về đức tin của quần chúng và cán bộ về hưu hiện nay, nhất là miền Bắc, tôi đã phân tích: Ngoài vật chất, tâm linh vẫn là nhu cầu không thể thiếu, từ khi nhà nước mở cửa, người dân miền Bắc như nắng hạn gặp mưa rào, họ ào ạt đến với tín ngưỡng bằng niềm tin không phân biệt, vì thế có tệ nạn mê tín, các đền chùa đều đốt vàng mã , cúng gà heo, xin xăm bói quẻ.Khấn vái van xin không phải là tinh thần đạo Phật, Chẩn Tế, niệm Phật không phải là van xin để đựợc bố thí mà là khấn nguyện hồi hướng công đức cho đối tượng mình nghĩ đến. Tinh thần Xin và Cho không có trong đạo Phật. Cốt tủy PG là sự công bình của Nhân và Quả trong mỗi hành nghiệp nơi chúng ta, tác động lên Cọng nghiệp của tập thể và Biệt nghiệp của cá nhân. Đạo lý Nhân Quả hướng dẫn mọi hành trạng của người Phật tử vào quỷ đạo thiện nghiệp. Đạo Phật không ràng buộc mọi người phải tuân thủ tất cả, mỗi người tự nguyện giữ những giới điều mìnnh cảm thấy có thể, để trở thành một Phật tử, không tạo cho tín đồ có tinh thần ỷ lại; bước đầu là quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới. Không khó lắm để trở hành một Phật tử chánh tín, tuy không dễ từ bỏ tập quán mê tín. Mê tín là khởi đầu để đến với tín ngưỡng dân gian, và là đức tin nền tảng để trở lại với đạo Phật…PG không chống mê tín, nhưng chuyển hoá mê tín thành chánh tín bởi chánh niệm…

Nhìn các cụ lưng gấp song song mặt đất, tay chống gậy vẫn hí hửng leo dốc. Nam thanh nữ tú hướng mắt lên đấng Từ Tôn khấn nguyện, các hàng quán bày biện vịt lộn mực khô ít người ghé mắt, ngoại trừ vài ba thanh niên có bộ dạng và trang phục không bình thường ngồi nhậu mà mắt không rời xa đám đông, toàn cảnh đó gợi lên sự xót xa nơi tâm hồn người tin Phật chân chánh.
Có nhiều đoàn thể Phật tử, mặc áo dài màu xám tro, choàng lên cổ dải tua màu vàng của đạo tràng Pháp Hoa, áo tràng nâu của đạo tràng Mai nội, và nhiều đạo tràng ở Hànội và các tỉnh. Đặc biệt, các đạo tràng tự điều hành và sinh hoạt rất nghiêm túc dù không có thầy hướng dẫn, nhưng phần lớn, giáo lý chưa đạt đến mức thâm dịu.

9 giờ, sư ông mở đầu pháp thoại bằng giọng xướng : Cành Dương Liễu Quán Thế Âm, giọng lảnh lót đến rợn người của thầy Pháp Niệm, đại chúng tiếp theo bài xưng tán Quán Thế Âm để thanh tẩy từ trường, tạo hưng phấn cho buổi pháp thoại. Quần chúng đổ lên chùa, người bên trên phải giạt xuống ngồi dọc lối đi. Không còn chỗ chen chân; bên dưới chân núi, quần chúng tự tìm chỗ ngồi nghe pháp thoại qua bốn loa sắt đặt trên cây thông. Vốn giọng Huế, tại Hà Nội, sư ông pha thêm gịọng Bắc dễ nghe, Xe thồ hoạt động liên tục chuyển người từ ngoài đuờng vào, và những ai muốn ra thị trấn. Quán nước bên đường cũng không còn ghế trống, Các bếp nấu ăn phải tăng cường mướn thêm người địa phương ngoài số Phật tử và sinh viên tình nguyện. Ngày đầu, riêng nhà bếp cư sĩ đã cung ứng trên 7 ngàn phần ăn mỗi buổi. chưa kể chư Tăng và Tăng đoàn làng Mai trên tám trăm vị. Số người tham dự vượt khỏi dự đoán của ban tổ chức và chính quyền gấp 7 lần.
Có người nói rằng, chính vì địa thế nầy mới thấy tấm lòng và niềm tin của quần chúng đối với đạo Phật thông qua lễ hội; nếu tổ chức tại Hà Nội, sẽ không có chỗ cho xe đậu và không chùa nào có đủ cho lượng người như thế. đồng thời nơi vùng núi rừng như thế, nơi địa linh của cổ nhân như thế cũng là chỗ dễ kiểm soát sinh hoạt cho số lượng người mà tại TP khó có thể. Ví dụ tại Huế, tăng đoàn đã bị kẻ trộm viếng nhiều lần.

Tối về, màn đêm quét lên cảnh vật thành khối đen mập ờ, những ngọn núi vòng quanh ôm trọn chùa Non và quần thể đền miếu Thánh Gióng; cũng con Lân dẫn đầu và kèn đồng mở màn giáo ca, các ngọn bạch lạp lập loè trong các cánh sen giấy sắp dọc hai bên lề đuờng. Ban nghi lễ vẫn bê tích và lọng, sám chủ và sư ông từ tốn đổ xuống mép hồ cách hơn 700m. theo sau là rừng người hai tay nâng đèn hoa. Các xe ở xa đã về một số vào buổi chiều, thế mà dòng người phóng đăng chen chúc nhau lô nhô trong đêm như đạo binh hành quân trong thầm lặng, từ dưới nhìn lên cao thật thiêng liêng, hồ hởi. Dân địa phương cũng như quần chúng miền Bắc được dịp ngàn năm hiếm có.
Hồ không rộng, đáy không sâu, Ban kinh sư, sư ông và đoàn nguời vây quanh, một thời kinh tán tụng, từng chiếc đèn xuống nước, gió đẩy từng cánh đèn hoa ra khơi, dòng người còn trên dốc cao vẫn chưa xuống hết, ánh sáng trên cao, ánh sáng dưới nước bập bùng trong đêm như những vì sao nhảy múa mừng hội. Các lồng chim mở cửa ngục, các con chim vổ cánh lạc hướng, có con rơi xuống nước, có con mất sức ngã trên đường bị bóng đêm nhận chìm duới chân rừng người tham dự dẫm bẹp.

Sáng hôm sau, ngày thứ hai của Đàn Chẩn, dòng xe các nơi lại lũ lượt kéo đến, rừng người tiếp tục vây kín chùa Non. Mưa bụi hay sương muối vẫn rơi, thời tiết vẫn mát và không ánh nắng. Sư ông qua buổi pháp thoại là lễ quy linh. Hàng ngàn người lao nhao bổng im bặt một cách linh thiêng, người có mặt đọc theo sự hướng dẫn của sư ông như chính tự mình được quy y, vì trong ta đã có hạt giống thiêng liêng của ông bà cha mẹ tổ tiên, trong ta có gen của người quá cố, quy linh hay quy y cho ta cũng thế, tất cả đều quay về với Phật pháp.

Trong nước, thời gian qua sống nhờ đồng tiền của thân nhân vượt biên;
Đất nước, thời gian qua xây dựng một phần có đồng tiền của con dân bỏ nước ra đi;
Chùa miếu, nhà thờ khang trang cũng nhờ tín đồ bôn tẩu nhọc nhằn nơi đất khách tha phương. Tất cả là sự xây dựng từ vật chất, nhưng tâm linh, sư ông là người đầu tiên khởi xướng sự đoàn kết và tha thứ cho nhau, tại sao không thể? nếu thế thì tại sao chúng ta ngoảnh mặt chối từ hoặc không tiếp tay xây dựng?
Những dấu hiệu đầu tiên từ địa điểm hành lễ tại phía Bắc, tạo một phiền muộn lo âu cho những người luôn theo dỏi cuộc hành trình của làng Mai, mà qua vài địa phương đã có lắm bất cập. Một điểm then chốt cuối cùng, quyết định việc thành bại hoằng hoá tại quê nhà của thiền sư Nhất Hạnh, đã xoay ngược thế cờ mà những áp lực muốn đẩy ngài vào thế bế tắt. Tất cả đã vượt qua. Thiền sư Nhất Hạnh đã vượt qua lắm khó khăn vào giờ chót, tiền hung hậu kiết, biểu hiện PGVN cũng sẽ vượt qua sự đen tối trước áp lực vô minh, và dân tộc ta cũng sẽ vượt qua những chướng ngại từ mọi phía. Đó là sự vượt qua nhiều ý nghĩa hơn lễ Vượt qua của các quốc gia Âu Mỹ hiện tại.
Tuy hình thức Chẩn đàn tại Sóc Sơn theo tập quán lễ hội, nhưng nội dung đã chuyển tải được mục đích của thiền sư, sự thành công về lượng số đã hơn hẳn Vĩnh Nghiêm, Thủ đô Hà Nội đại biểu bộ mặt một đất nước đã thành công một Đại Trai Đàn Chẩn Tế ngoài mọi dự tính và lo âu.
Tất cả đều Vượt Qua thật tốt đẹp!!!



MINH MẪN

21/4/07