Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

HỘI TRẠI TUỔI TRẺ PHẬT GIÁO LẦN THỨ 5


Sáng 24/7/2010 tại bãi biển khu du lịch Minh Trí, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu, hội trại Tuổi Trẻ Phật Giáo lần thứ 5 do Báo Giác Ngộ tổ chức với sự tham dự của trên 1750 thanh thiếu niên tuổi từ 14 đến 30, đa phần đến từ Long An và Đồng Nai.

Biển tuy không trong nhưng sạch, vì ít du khách. Cách bãi Hồ Cốc hơn 5km về hướng Đông Bắc. Khu du lịch đang khởi công xây dựng, chưa vào thời kỳ kinh doanh, còn hoang vắng, không có dân cư, nhưng Ban Tổ chức cũng phải thuê 60 triệu cho 2 ngày một đêm, họ tính theo mỗi đầu người 30.000/ngày. Một lối kinh doanh hết sức vô lý. Bao trọn gói mà tính theo từng cá thể, bãi biển chưa có công trình xây dựng, hàng trăm lều bạt nằm trên khu đất trống dưới táng dương thưa thớt; Đất trời thiên nhiên, không có cơ sở vật chất để trại sinh xử dụng, thế mà vẫn thu nhập không thua các khu du lịch trong TP đã đầu tư bạc tỷ. Dọc bờ biển rất nhiều khu du lịch, nhưng để có một tập thể trên ngàn người thuê bao rất hiếm. Khách du lịch cá nhân lưa thưa vào mùa hè không đủ chi phí cho các điểm đầu tư lâu dài như thế; Có lẽ vì vậy, một hội trại lớn cũng là dịp để chủ cơ sở trổ tài kinh doanh! Riêng phần âm thanh cũng mất 30 triệu. Lương thực cho toàn trại đã hơn 75 triệu một ngày, chưa kể tiền phòng 250 ngàn/ ngày cho chư tôn đức và khách mời; 29 chiếc xe 50 chỗ mà vẫn không đủ cho một số trại viên còn thừa. Các trại sinh đều mặc đồng phục áo màu nâu mang chữ Báo Giác Ngộ - hội trại Tuổi trẻ Phật Giáo lần thứ 5- 2010. “Gala kỷ niệm 5 năm một chặng đường”. Riêng Ban quản trại, trang bị áo màu cam .
Với sự tài trợ của công ty tole Hoa Sen, Việt Chay, Petro oil TP, Mani(medial)…..

Tuy trại sinh mang tiếng là tuổi trẻ Phật giáo, nhưng phần lớn các em ít đi chùa, không nằm trong các tổ chức Phật giáo như Đạo Tràng, GĐPT; có em chỉ là cảm tình viên của Đạo Phật, và chưa hề biết chắp tay niệm Phật, thế nhưng, cung cách rất có ý thức, biết tôn trọng tu sĩ, biết nhường kính đồng sinh, không mang rượu thịt theo nhậu như những tập thể bên ngoài, vui đùa phát ngôn có chừng mực, phần lớn, các em là sinh viên, học sinh!

Một điều lạ, tuy các em mỗi người mỗi ngã, thế mà khi tụ hội sinh hoạt theo nhóm, đội, cứ như được huấn luyện trong các tổ chức như GĐPT, Hướng Đạo sinh…rất có tinh thần tập thể và có kỷ luật. Ban Quản trại, người hướng dẫn chương trình và điều động trại sinh tỏ ra chuyên nghiệp, năng động và hoạt náo, làm cho không khí vui nhộn dễ lôi cuốn tuổi trẻ.

Lần thứ 5 tổ chức, báo Giác Ngộ có thêm nhiều kinh nghiệm sinh hoạt xã hội, một loại văn hóa xã hội thiên hướng về tuổi trẻ đúng với chức năng của báo chí Phật giáo mà thời gian qua, Giác Ngộ đã thực hiện. Tham dự chứng minh Hội trại có HT T. Thiện Duyên, Trưởng Ban Hướng Dẫn Phật tử, TT T. Thiện Bảo, phó Tổng Biên Tập báo Giác Ngộ; TT T.Đạt Đạo, phó BHD Phật tử; Khách mời có TT Thanh Hùng tọa chủ chùa Phổ Quang Phú Nhuận; TT Huệ Thông, phó BTT BTS PG Bình Dương và TT Phước Nghiêm.cùng một số chư Tăng Ni tham dự. Đặc biệt có sự góp vui của các nghệ sĩ như Quach Tấn Du, Việt Trinh. Và nhà tài trợ: anh Lê Phước Vũ tập đoàn tole Hoa sen…

Mỗi hội trại có một chủ đề, Hội trại lần thứ 5 mang dòng chữ: HỘI TỤ KHÁT VỌNG. Thuần túy hội trại đem lại cho tuổi trẻ một không gian vui tươi, một sinh khí hòa nhập sau mỗi năm bù đầu vào việc học hành. Thay vì những ngày nghỉ hè, các em tìm nguồn vui qua nhiều lĩnh vực đầy cám dỗ trong cuộc sống, báo Giác Ngộ giúp các em sống trong khoảnh khắc hồn nhiên, đoàn kết và tương thân giữa những tâm hồn trẻ trung từ bốn phương hội tụ trong cảnh thiên nhiên và biển cả.

Một sân khấu trại nằm cạnh rừng dương, một sân chơi bao la giữa đất trời làm cho hơn 1.750 trại sinh như nhỏ bé ít ỏi, nhưng tâm hồn của họ đang rộng trãi ước mơ theo không gian rộng lớn!

Hội trại tuổi trẻ không mang tính tôn giáo như các hội trại do các chùa tổ chức, đây là sân chơi bổ ích mà Giác ngộ muốn góp phân hướng thiện một cách trong sáng và sinh động cho tuổi trẻ chưa từng quen với sinh khí Đạo Phật.
Lửa trại đêm nay nung nóng hồn trẻ, vẻ lên một khát vọng tương lai mà tuổi trẻ Việt Nam đang chuẩn bị vào đời.

Mỗi hội trại đều nói lên một cố gắng tối đa và sự vất vả của Ban Tổ chức, nhưng dù cố gắng thế nào vẫn không tránh khỏi sơ suất. Với tâm nguyện vì tuổi trẻ của BTC đủ xóa tan những khiếm khuyết không thể tránh; cũng từ đó, BTC học thêm những kinh nghiệm điều hành cho những tổ chức khác, đồng thời giúp tuổi sẽ có nếp sống hòa nhập, chia xẻ, tinh thần đồng đội và năng động hơn.

MINH MẪN
24/7/2010

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

NỘI TÌNH GIÁO HỘI PGVN


Vấn đề Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng như cơ sở am tự viện, tổ chức các ban ngành trong Phật Giáo còn rất nhiều điều cần phải nói. Gần đây nhất, chuyện thầy Nhật Từ làm đơn xin thành lập và ra mắt Hội Thanh Niên Phật giáo, gặp lắm trở ngại từ nội bộ phát xuất nơi v/p 2. Lý do?

Theo văn bản của Thầy Nhật Từ gửi đến HT Giác Toàn, TT Bảo Nghiêm, TT Đạt Đạo giải trình về việc xin thành lập Hội Thanh niên Phật giáo mà văn thư đã trình lên BTG CP và HĐTSPG VN, đã qua sự hướng dẫn của HT Thiện Nhơn. Tiền thân của Hội là Câu Lạc Bộ Hoằng Pháp trẻ và HT Thiện Tánh góp ý đổi danh xưng là CLB Tăng ni trẻ để hoạt động được rộng rãi hơn. CLB nầy được HT Trí Quảng chỉ đạo, trực thuộc Ban Hoằng Pháp mà thầy Minh Chơn không chịu tiến hành nên 4 năm qua vẫn sinh hoạt thiếu pháp nhân lẫn pháp lý. Từ vấn đề nầy, Thầy Nhật Từ đệ đơn xin thành lập Hội, với danh xưng, Điều lệ, nhân sự, mục đích và cơ cấu tổ chức rõ ràng, minh bạch. Theo Thầy Nhật Từ, đơn xin phép gửi qua các cấp, từ Giáo Hội đến BTGCP từ tháng 2/2010, nửa năm rồi vẫn không có văn bản phúc đáp. Có nghĩa không thuận mà cũng không bác, im lặng đồng nghĩa bỏ mặc, không quan tâm, tình trạng trước thế nào thì cứ y như vậy mà làm; Trong Phật giáo, mỗi lần Yết ma, vấn đề nêu lên mà Đại chúng im lặng, đồng nghĩa mặc niên chấp nhận! theo hành chánh hiện nay, văn thư phúc đáp không quá một tháng.Và lại, HT Thiện Duyên, Trưởng BHD NN CS cũng không hề có văn bản phủ nhận đơn xin của thầy Nhật Từ.

Nhưng văn thư từ v/p 2 do HT Thiện Nhơn đệ trình lên HT Chủ Tịch thì danh xưng, mục đích và một số chi tiết hoàn toàn sai biệt mang tính vu vạ trầm trọng. Ví dụ: trong đơn xin thành lập, danh sách nhân sự trong cơ cấu tổ chức, không có dùng từ Chủ tịch mà là Trưởng Ban điều hành. Lại thêm sự diễn dịch có ý đồ của Thiện Thống: Nào là TNT muốn làm xếp của giới trẻ, muốn thách đố quyền lực với GH, nguy hại cho phát triển GHPGVN (văn bản kính gửi HT Giác Toàn, TT Bảo Nghiêm, TT Đạt Đạo)…
Tóm lại, một tổ chức đã từng sinh hoạt 4 năm qua, thể hiện thiện chí và khả năng hổ trợ cho Giáo Hội để phát huy tiềm năng Phật Giáo trong thời đại Hội nhập, đủ nói lên khuynh hướng và nội dung của tổ chức. Với thời gian ấy, chưa đủ những vị có thẩm quyền đánh giá về sự xuyên tạc như trên chỉ vì đố kỵ cá nhân ?

Song song với hoạt động của thầy Nhật Từ, cũng đã có Liên Đoàn Thanh thiếu niên Phật tử tại Hà Nội do thầy Chiếu Tuệ lãnh đạo. Ban Hoằng Pháp Sinh Viên Thiện nguyện của Học Viện Phật Giáo Việt Nam, TP HCM, do thầy Minh Khương chủ trương, và còn vô số tổ chức không nằm trong Hiến chương, mà vẫn hoạt động hiệu quả. Cũng như 4 năm qua, hội của thầy Nhật Từ sinh hoạt bình thường. Có điều, thầy muốn nới rộng tầm hoạt động đến các tỉnh Thành trong cả nước, tổ chức dọc theo hệ thống hành chánh các cấp, phải hợp thức hóa pháp nhân bằng nguyên tắc pháp lý; Tuy làm đúng thủ tục và có sự hướng dẫn bổ sung của HT Thiện Nhơn, nhưng do sự năng nổ của thầy, uy tín của thầy quá lớn, tầm sinh hoạt quá rộng đã kích thích tính đố kỵ của một tâm hồn nhỏ nhen , một thời có thành kiến với thầy tại chùa Giác Ngộ, như thầy nêu ra trong văn bản gửi HT Giác Toàn, TT Đạt Đạo, TT Bảo nghiêm; từ thiện chí tạo một lực lượng thanh thiếu niên hổ trợ và thi hành chủ trương của Giáo Hội, đã bị xuyên tạc sang một ý đồ “ âm mưu lật đổ, chiếm quyền”, một cách chụp mũ mà ngỡ chừng chỉ có ở những kẻ phàm tục thế quyền, tranh gianh đoạt lợi !

Thêm một sai sót, tuy không quan trọng, nhưng sự việc bị vỡ lỡ, là dịp người ta phê phán: “Thầy lợi dụng trại hè Lý công Uẩn để ra mắt Liên đoàn: Điều 5: Thống nhất cung thỉnh HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Giác Toàn, HT. Thích Thiện Tánh và TT. Thích Bảo Nghiêm vào Ban Chứng minh và Cố vấn của LĐTTNPGVN.
Điều 6: Ban điều hành lâm thời của LĐTTNPGVN, dưới sự chứng minh của Ban cố vấn, sẽ được thông qua trong Lễ ra mắt LĐTTNPGVN được tổ chức vào lúc 7h30, ngày 3/6/2010 tại chánh điện Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, nhân khai mạc Hội trại Lý Công Uẩn lần thứ 3, 2010.


Có lẽ để tiện việc, thầy ra mắt LĐTTNPGVN trong dịp như thế; Ban cố vấn và chứng minh chắc chắn đã được thầy thỉnh ý và chấp thuận mới dám liệt kê danh tánh vào Ban Điều Hành Lâm Thời, thế nhưng, khi v/p 2 chống đối, HT Trí Quảng cũng phủ nhận luôn vị trí đã được cung thỉnh, HT chỉ đến Đại Nam giảng mà không hề biết gì; TT Bảo Nghiêm đổ thừa cho phía Nam, HT Giác Toàn và TT Đạt Đạo không nghe máy, HT Thiện Duyên bảo hỏi lại v/p2…Thế đấy, lúc bình yên ai cũng có mặt một cách hoan hỷ, gặp sự cố ai cũng rút cổ phủi tay. Phật giáo thiếu tinh thần đồng đội như thế thì đừng hỏi tại sao Phật giáo ì ạch, chậm phát triển, chỉ cần cơn bảo nổi là tan tác như lá mùa Thu, không như Kyto giáo! Chỉ cần một ý kiến của kẻ vô danh tiểu tốt trong v/p đâm thọt vì tư thù mà cả một Giáo hội phải sợ vạ, nghe theo. Ngay cả HT Thiện Nhơn có tiếng đạo đức chơn tu, gió bề nào theo bề đó. Vụ án Bát Nhã, khi thấy BTS Lâm Đồng đứng ra bảo lãnh, HT làm quyết định thuận ý. Khi nhà nước chủ trương xóa sổ Làng Mai tại Việt Nam, HT ra văn bản ngược lại để chống Làng Mai mà còn gọi lệch danh xưng là Giáo Hội Làng Mai. Thầy Nhật Từ làm thủ tục xin đăng ký thành lập Hội Thanh niên Phật giáo Việt Nam , được HT tư vấn hai lần: Nay con gửi lại Đơn xin lập hội (bản cuối cùng sau khi được HT Thiện Nhơn tư vấn và thay đổi 2 lần).
Như thế HT đã được thông qua và có sự đồng thuận nên HT mới hướng dẫn, giờ đây lại tống đạt văn bản quay 180 độ mang tính xuyên tạc và hãm hại. chắc chắn văn bản như thế do một ai đó ác tâm độc hại biên soạn như từng biên soạn diễn văn bợ đỡ nhà nước trong các cuộc lễ.

Trong lúc đơn xin lập hội chưa được hồi đáp, thầy Nhật Từ lại đổi danh xưng một lần nữa là LĐTTNPGVN, sau khi được chuyển từ Hội Thanh Niên Phật Giáo thành Câu Lạc Bộ Hoằng Pháp trẻ; Thế nếu có văn bản chấp nhận thành lập Hội, mà danh xưng lại là Liên Đoàn thì sao? Đây là lý do để kẻ xấu xuyên tạc.
Trong mục đích sinh hoạt của LĐTTNPGVN gồm có:
1. Tổ chức hướng dẫn Tăng Ni trẻ và thanh niên Phật tử thực hiện các nghị quyết và thông tư của Trung ương GHPGVN và nghị quyết và thông bạch, thông báo của Ban trị sự Phật giáo ở các tỉnh thành.
2. Gương mẫu trong đời sống đạo đức; siêng năng trong học tập và học Phật; không ngại giao lao, không từ khó nhọc, góp phần xây dựng đất nước và phát triển Phật giáo.
3. Tham gia các hoạt động, tạo môi trường giáo dục thanh thiếu niên sống cuộc đời đạo đức, thiểu dục, tri túc; nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương Giáo hội giao phó.
4. Nêu cao tinh thần nhập thế của Phật giáo, tinh tấn phục vụ xã hội theo tinh thần vô ngã và vị tha.
5. Truyền bá Phật pháp và hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử trẻ phát huy tư tưởng trong sáng của giáo lý Đạo Phật vào trong cuộc sống nhằm mang lại hạnh phúc an vui cho mọi người.
6. Hợp tác các hoạt động xã hội với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp và các đoàn thể thanh niên, nhằm góp phần xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam trong giai đoạn đổi mới.

Rất lý tưởng về nội dung và đường hướng, nhưng có vẻ khập khểnh danh xưng và không biết gán cho tổ chức nầy nằm vào hệ thống nào của tổ chức hành chánh theo Hiến chương. Trong Ban Tăng sự cũng không thể, vì có cả cư sĩ trong tổ chức. Ban hướng Dẫn Nam Nữ cư sĩ cũng khó coi, vì có cả Tăng ni cùng sinh hoạt trong đó; Nếu là một nhánh con của Ban Hoằng Pháp thì tạm ổn, nhưng…

Trong lúc một cá nhân có thể làm lũng đoạn v/2, làm cho từ lớn đến nhỏ co đầu rút cổ, thì ông Bùi hữu Dược, tuy vụ trưởng vụ Phật Giáo trong BTG CP, một cán bộ nhà nước được hỏi về nội vụ nầy, ông từ tốn bảo: …nếu chưa hợp với nguyên tắc hành chánh thì mình nên góp ý với nhau điều chỉnh cho thích hợp, không nên…như vậy. Để tôi tìm hiểu lại nhé! Một người thế gian, một quan chức nhà nước mà còn thể hiện cái tâm xây dựng như thế, sao quý thầy lại nỡ chèn nhau vì tỵ hiềm nhỏ nhen trong quá khứ, và cũng từ tâm nhỏ nhen đó mà không ít chư Tăng An Giang từng là nạn nhân của sâu mọt chui sâu trèo cao ngấp nghé làm chánh v/p2 TW PG. Một tổ chức PG mà do con người như thế cầm chịch thì Tăng ni sẽ điêu đứng đến đâu? Cái trí của con ếch đòi to bằng con bò, quả là đại họa nếu Phật giáo không do nhân tài làm việc.

Giáo Hội nên xét lại nhân thân và khả năng làm việc của cán bộ, không thể là phe cánh miền Nam hay đệ tử, đồng môn, hệ phái với HT chủ Tịch hay của bất cứ ai. Phật giáo Việt Nam hiện nay có hai bộ phận, phía Bắc do v/p 1, thuần túy người miền Bắc điều hành. Phía Nam, v/p2 phần lớn do các sư miền Nam chủ đạo; cũng như GHPGVNTN trước 1975 đa phần do sư miền Trung lãnh đạo; Tinh thần Phật giáo bình đẳng, nhưng nhân sự chưa được bình đẳng. Chính vì tinh thần cục bộ, phe nhóm, địa phương, tông môn… mà đã làm suy yếu Phật giáo và khốn khổ Tăng ni;

Một đất nước tiến bộ trên con đường hội nhập, các thành phần trong xã hội cũng phải nhịp nhàng hòa hợp để cùng thăng hoa. Tăng sĩ không thương Tăng sĩ thì đừng mong ngoại giáo nhẹ tay, nhường bước trong công cuộc truyền bá và bành trướng tín ngưỡng của họ; Hiện nay, Phật giáo có nhiều Tăng trẻ tài năng, cố vượt vòng kềm tỏa khô cằn của tổ chức Giáo hội để đóng góp cho ngôi nhà Phật giáo thêm tươi nhuận và phát triển, thế mà vẫn có kẻ manh tâm cản ngăn. Tăng ni trẻ muốn thế, chỉ âm thầm chứ không thể phô trương. Pháp lý, pháp nhân là điểm tựa hợp pháp dễ sinh hoạt, nhưng cũng là chiếc vòng Kim cô cho kẻ xấu lợi dụng làm khó cho nhau;

Bao giờ Phật giáo có tinh thần thông cảm, tương thân, đóng cửa bảo nhau mỗi khi có việc bất cập nội bộ, lúc đó Phật giáo mới có cơ may phát triển thuận lợi.


MINH MẪN
02/7/2010

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

MÙA THI ĐẠI HỌC


Từ cuối tháng sáu, các sĩ tử đã chuẩn bị khăn gói đổ về TP HCM tham dự thi vào Đại học hoặc Cao đẳng. Cũng như năm trước, một số thí sinh các tỉnh đăng ký với Báo Giác Ngộ, thầy An Đạt năng nổ sắp xếp khâu đón và đưa rất tận tình !

450 Tình nguyện viên đến từ Đà Lạt, Cần Thơ, Sài Gòn hưởng ứng phong trào Tiếp sức mùa thi do báo Giác Ngộ cổ súy. Riêng Sài gòn đã có 250 em sinh viên. Các em được tòa soạn trang bị cho chiếc áo thun màu xanh, in chữ Tiếp sức mùa thi có tên báo Giác Ngộ. Sáng sớm các Tình nguyện viên đã có mặt tại tòa soạn. Cơm và nước cũng chuẩn bị để các em ra quân. Hai bến xe chính để đón các thí sinh là Xa Cảng miền Tây và xa cảng miền Đông. Trong công tác đưa đón các thí sinh, bên Thành Đoàn TP HCM cũng tham dự. Nhưng Thành Đoàn độc quyền tại hai bến xe, không cho Tình nguyện viên báo Giác Ngộ đón đưa các em thí sinh. Trung Tâm hỗ trợ sinh viên TP HCM thuộc Thành đoàn Hội Sinh viên Thành phố ra văn bản gửi Ban điều hành Xa cảng cấm không cho bất cứ tổ chức nào có mặt tại xa cảng!

Một văn bản sái nguyên tắc, thế mà Ban Giám đốc xa cảng cũng răm rắp chấp hành. Xa cảng là nơi đến và đi, là nơi đưa và đón khách bộ hành, ai có quyền ngăn cấm? Bán báo, bán vé số, trà nước…đủ mọi ngành nghề, kể cả giựt dọc móc túi cũng có mặt tại bến bãi, không ai ngăn cấm mà sao lại ngăn cấm các em tình nguyện viên làm việc công ích mà không hề có lợi dưỡng. Những thí sinh từ các tỉnh về, toàn trẻ xa lạ, không có thân nhân, cần sự giúp đỡ của nhà chùa giữa chốn phồn hoa, trong khi các em không có tiền, không nơi cư trú! Tình người với người giữa lúc như thế mà còn nỡ gây khó cho nhau, thử hỏi, con của quý vị lâm vào tình cảnh đó, quý vị sẽ cảm giác thế nào? Tại sao trong xã hội, có những người lăn xả giúp đỡ cho kẻ khác, lại có người gây khó và bỏ mặc sự khó khăn của kẻ khác? Và Tiếp sức, hỗ trợ cho sinh viên chỉ có Thành đoàn độc quyền sao?

Thầy An Đạt gặp người trong Thành đoàn để giải quyết những khó khăn. Theo yêu cầu, Tình nguyện viên hai bên ngồi chung một điểm, làm việc chung, nhưng Thành đoàn bắt buộc Tình nguyện viên Giác Ngộ phải cùng màu áo, chịu dưới sự điều động của Thành đoàn, một yêu cầu mang tính cửa quyền; mới là Thành đoàn đã là như vậy thì sau nầy lãnh đạo đất nước sao tránh khỏi độc tài, bắt mọi người phải theo ý mình. Giác Ngộ làm hoàn toàn không vụ lợi, giúp đỡ các em là lo cho tương lai đất nước và thể hiện tính tương quan trong xã hội mà lòng từ bi nhà Phật thể hiện qua việc làm như thế. 3.000 thí sinh mà Giác Ngộ phải lo ăn ở trong Thành phố suốt 2 tuần thì chi phí như thế nào, trong khi một bệnh nhân như cháu bé bị thiêu sống, vì hết tiền mà bệnh viện không tiếp tục chữa trị? Làm từ thiện là tự nguyện và vô vị lợi thì không thể độc quyền cho bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào.

Thiết nghĩ, các em trong Thành đoàn tuổi còn trẻ, hiểu biết còn non dại, chỉ vì tính đố kỵ bẩm sinh mà gây khó cho nhau chứ không có ác ý. Tâm lý tự tôn độc quyền trong mỗi người đều có, nhưng người có ý thức thì tự mình kềm chế. Riêng Ban Giám đốc xa cảng miền Tây, chức năng và nhiệm vụ là giữ an ninh trật tự cho bến bãi, an toàn cho người đi lại, và điều độ lưu thông vận chuyển chứ không phải vì một văn bản không thuộc chuyên ngành vận tải chỉ thị mà chấp hành một cách mù quáng. Ngoài chức năng , nhiệm vụ còn có ý thức phải trái. Một thuyền trưởng vớt người vượt biên trái luật, thế mà họ vẫn làm vì biết đâu là lẽ phải để cứu mạng người; cho các Tình nguyện viên thuộc báo Giác Ngộ vào bến bãi đón thí sinh ( xem như thân nhân ) là ngoài quyền quyết định ? Một chuyện nhỏ để giúp đỡ con em chúng ta nơi xứ lạ quê người mà không làm được thì nói gì đến việc lớn lao hy sinh cho đất nước, cho dân tộc ?

Đây là bài học cần rút tỉa để những năm sau không còn tái diễn. Thành Đoàn cần quán triệt việc làm để biết thế nào là công ích, thế nào là đố kỵ.
Ban Giám đốc các Xa cảng cũng cần xét lại thái độ chấp hành mệnh lệnh thế nào là khôn ngoan, thế nào là cố chấp để biết quyền hạn của mình ở một giới hạn nào.

Tất cả cũng chỉ vì quyền lợi của đất nước, của con em chúng ta cho một tương lai dân tộc.

Mùa World cup hàng triệu người dành thời giờ để giải trí, trong khi đó các em sinh viên lại tình nguyện làm việc mang nhiều ý nghĩa và đầy sự cảm thông; bậc cha anh và nhà nước nên tán thưởng, khích lệ chứ không nên gây khó cho nhau; Hy vọng các em Tình nguyện viên cũng như các thí sinh lai kinh ứng thí sẽ có nhiều niềm vui trong cung cách tiếp xử nhau để mùa thi có thêm niềm hy vọng về sự thành đạt.


MINH MẪN
01/7/2010