Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

* THÔNG BÁO VÔ CẢM




Thật khó mà tưởng tượng, cho dù người giàu đầu óc tưởng tượng, trước một thông báo hết sức vô cảm giữa bao tiếng nấc nghẹn và giọt lệ thương tâm, không phải của dân oan mất đất mất nhà trong xã hội hiện nay, mà là điều hết sức trớ trêu trong môi trường đạo đức mà tôn giáo được mệnh danh là từ bi nhất.

Thật ra, sự kiện xảy ra không mang danh tôn giáo, hay một hệ phái, nhưng xuất phát từ hành động vô cảm của một tu sĩ có chức có quyền trong Ban trị sự Tỉnh, đồng thời là một trụ trì đại diện cho một tông phong nhiều uy tín, một hệ phái đông tu sĩ nhất hiện nay và uy tín nhất hiện nay được tín đồ trong và ngoài nước rất ngưỡng mộ khi nhắc đến thiền phái Trúc Lâm, tiếp nối giòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Đây là một thiền viện thuộc hàng lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ, tính đến thời điểm năm 2014.

Thiền viện được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 7 năm 2013 (19 tháng 6 năm Quý Tỵ), trên một diện tích 38.016 m². Sau nhiều tháng thi công, thiền viện đã được khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014 (19 tháng 4 năm Giáp Ngọ). Do sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong – ngoài nước và một vài quan chức mộ đạo.”

Tính đến thời điểm hiện nay (2019), trên 6 năm có mặt tại Cần Thơ, đồng thời Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam cũng đã có phòng thuốc từ thiện hơn ba năm, do đóng công góp của từ nhiều nguồn trong xã hội, với sự cộng tác của những lương y chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm, từng được đài truyền hình Cần Thơ giới thiệu, đưa tin và phỏng vấn trực tiếp các bệnh nhân.

Cùng với các phòng thuốc từ thiện của Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh Độ cư sĩ, các phòng thuốc Nam tự phát của người dân Nam bộ, tuy phòng thuốc từ thiện của Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam ra đời muộn màng, nhưng giúp dân nghèo, không chỉ tại địa phương mà từ các tỉnh thành phía Bắc và Trung Nam bộ, mỗi ngày từ vài trăm có lúc xấp xỉ lượng ngàn bệnh nhân chữa trị. Không những các lương y có tay nghề, có kinh nghiệm mà còn có lương tâm, thật sự là nguồn an ủi cho dân nghèo không có khả năng đến bệnh viện.

Cần Thơ, người dân hãnh diện có một cơ sở hoành tráng của hệ phái Trúc Lâm chân tu, có một phòng thuốc từ thiện, nghĩa là vừa tinh thần vừa thể chất tồn tại nơi vùng đất được xem là Tây đô nước Việt. Thật ra, không chỉ tại Cần Thơ, mà tất cả những thiền viện Trúc Lâm trên cả nước, nếu có lương y, có nguồn thuốc đều có Tuệ Tĩnh đường giúp dân nghèo, vì chư tôn đức thuộc hệ phái Trúc Lâm quan niệm rằng: mình sống và tu tập được đều nhờ tín tâm quần chúng cúng dường, ngoài việc dẫn dắt quần chúng trên con đường đạo về tâm linh, còn phải giúp dân giải quyết những khổ đau về thân bệnh. Vì thế, Tuệ Tĩnh đường có mặt trong khuôn viên Thiền Viện là điều tất yếu; ngay cả Tuệ Tĩnh đường của Thiền Viện Thường Chiếu, sau thời gian chư Tăng giúp dân, cần đến lúc phải về hưu nghỉ dưỡng, gia công tu trì; Chư Ni Thiền viện Linh Chiếu đành ra tay duy trì để người dân có nơi nương tựa khi thân lâm bệnh. Như vậy, tu không hẳn xa cách, bỏ mặc quần chúng đau khổ, xưa nay chư Tổ đều quan niệm như thế, phần lớn các chùa đều tiếp cứu thế nhân như vậy.

Những tưởng người dân miền Tây đô an lòng với tâm vị tha của nhà Phật, thế nhưng, thầy Bình Tâm, trụ trì Thiền viện Phương Nam, Cần Thơ đã ra thông báo ngưng họat động phòng thuốc từ thiện trước bao sự ngỡ ngàng của quần chúng. Mặc cho những giọt lệ đau buồn của bệnh nhân, mặc cho lòng xót đau của bao lương y, cả những lá đơn hàng trăm bệnh nhân khẩn thiết van xin, nhưng vị tu sĩ áo vàng đã lạnh nhạt vô cảm. Thông báo đầu tiên ra lệnh ngày 01 tháng 01 năm 2020 phòng thuốc ngưng hoạt động, vài hôm sau một thông báo tiếp theo ra lệnh 10 tháng 11 năm 2019 ngưng hoạt động.

Các lương y chưa hết ngỡ ngàng thì vị “chúa tể rừng xanh” tự động chuyển tất cả giường tủ thuốc men cho nơi khác mà không hề báo cho các thầy thuốc biết. Những tài sản của phòng thuốc không phải của Thiền Viện hay tiền túi của ông ấy, đây là tài sản của người dân và một số mạnh thường quân hỗ trợ.

Kể cũng lạ, từ lâu, hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm luôn là những tu sĩ đạo đức mẫu mực, chưa bao giờ có một lời nói của tu sĩ làm mích lòng quần chúng hà huống hành động xem thường quần chúng bệnh nhân và các lương y hy sinh vô vị lợi. Những hỷ cúng từ thùng phước thiện của bệnh nhân, cũng là nguồn thu nhập cho vị trụ trì sử dụng theo ý muốn, nghĩa là hơn ba năm, từ bệnh nhân cho đến lương y chưa bao giờ làm phật lòng nhà chùa hay thất thu của Tam Bảo, hà cớ một tu sĩ đại diện Thiền viện của hệ phái Trúc Lâm đành lòng quay mặt trước bao khổ đau bệnh tật của quần chúng? Đó là lòng từ bi thể hiện qua hai bản thông báo bất nhất thế sao? Tổ đình Trúc Lâm, các Hòa Thượng thay mặt Tôn sư của hệ phái nghĩ gì có một tu sĩ của hệ phái thể hiện quyền uy và bản ngã quá lớn như thế???

Gần đây, Phật giáo có quá nhiều tai tiếng do vài tu sĩ thiếu thân giới, cũng bởi họ không thuộc tông môn hệ phái nào có tổ chức như Trúc Lâm hiện nay. Mong rằng, đừng vì một tu sĩ như thầy Bình Tâm tạo thêm cơn sóng truyền thông không đáng để Phật giáo thêm một vết đen cho dư luận xã hội.

MINH MẪN
22/11/2019

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

* QUẢNG BÌNH VÀ PHẬT GIÁO



Đã 10 năm! Vâng, thoáng mà đã 10 năm cây xanh mọc trên đất khô khốc, khi mà Quảng Bình chưa đủ sức gượng dậy theo kịp các Tỉnh thành phát tiết tinh hoa trên đất màu mỡ trải dọc từ Tây Bắc đến đồng bằng Nam bộ; thế nhưng, ai bảo trong những kẽ đá không nhú mầm non của loài hoa dại? Vâng, nơi đây, Quảng Bình vẫn là tiếng vọng thân thương lạc lỏng giữa cái nóng khô khốc Hè về, và buốt giá sang Đông. Người Quảng Bình vẫn sống, giòng Nhật Lệ vẫn trôi, “mùa Hè đỏ lửa” vẫn tồn tại trên dòng Thach Hãn, trên nghĩa địa Trường Sơn, bao oan hồn tử sĩ hai miền vẫn còn phưởng phất trong cơn gió hú đêm trường, khóc cho Hiền Lương rớm lệ...
Từng ngày và từng ngày, nông dân cày sâu cuốc bẩm, từng giờ và từng giờ cây trái vẫn trổ hoa, từng sát na, sát na hơi ấm đất mẹ nuôi sống con người làm nên lịch sử. Vâng, nơi đây, cho dù từng hứng chịu bao khắc nghiệt thiên tai, mầm non từng khát sống như trẻ thơ khát sữa, Quảng Bình hiên ngang trỗi dậy; sau mấy mươi năm oằn mình giựt gấu vá vai, để hôm nay, đèn hoa tô điểm phố phường, ngạo nghễ cao tầng mọc chen dọc lộ. Đâu đó biển bờ ven phố, hàng quán phô mình làm chứng nhân cho đời biết hưởng thụ.

Khổ đau đã nhiều, dân Quảng Bình không còn mong được ăn no mặc ấm, giờ đây ăn ngon mặc đẹp là một nhu cầu; vật dục là thế, nhưng tâm linh cũng đâu chịu hẩm hiu chìm vào tăm tối. Công giáo chiếm hơn 11% dân số, trong khi Phật giáo chỉ bằng 1/7 lượng số tín đồ tôn giáo bạn. Do suốt những tháng năm chinh chiến, Kito giáo chịu ảnh hưởng rất ít sự chi phối của chính sách, nhờ hậu thuẫn bởi tổ chức giáo hội toàn cầu; riêng Phật giáo, tuy được du nhập, nhưng gần 2000 năm có mặt trên quê hương, Đạo Phật nghiễm nhiên trở thành tôn giáo dân tộc, thấm sâu vào thịt máu đồng bào; chính vì thế, nước dâng thì thuyền lên, triều cạn thì thuyền xuống, tổ quốc hưng thạnh thì lòng dân thơ thới, đất nước suy vi đạo Phật chung vận mệnh u buồn.

Gần 40 năm thành lập GHPGVN, sự có mặt của PG Quảng Bình vừa tròn 10 năm, tuy hơi muộn giữa bao khó khăn chồng chất trên mảnh đất trơ vơ, HT trưởng Ban được sự chỉ đạo và công cử bởi Giáo hội trung ương bằng văn thư đơn độc, không kèm sự hỗ trợ kinh phí, nghĩa là từ Lào về với đôi tay trắng giữa ruộng diêm hào sâu, tính quyết tâm của người đã lấp bằng mọi chướng ngại, vật chất đã là thế, cho dù lắm khó khăn, vật chất chỉ là phương tiện tất yếu làm nên bộ mặt sáng giá hào nhoáng nếu thực chất tinh thần trống chân; cơ ngơi hào nhoáng đó là chiếc bóng lửng lơ giữa sa mạc cháy bỏng. Nhưng không, song song với công trình đồ sộ vỏn vẹn trên dưới ba năm, tưởng chừng bao khó khăn được san lắp; cái khó khác xuất hiện, nhu cầu hoàn thiện tổ chức hạ tầng hành chánh toàn tỉnh, đòi hỏi vị HT tóc điểm sương pha, phải bon chen, can thiệp từng việc mọn đến các cơ sở được gọi là “di tích” về trong tay được Phật giáo quản lý đúng theo chức năng tôn giáo do nhà nước quy định, thế nhưng nào đâu phải dễ khi mà cuộc đời luôn là những ổ gà ngáng chân hiệp sĩ.

QUẢNG BÌNH xa xưa:

Đất nước Quảng Binh tuy già, vì từng có mặt trên vùng đất tiền sử tộc Việt:
“Những phát hiện khảo cổ học đã chứng minh sự tồn tại của cộng đồng người, chủ nhân của các nền văn hoá khảo cổ khởi nguồn từ thời đại đồ đá, phát triển liên tục, định hình và có tính hệ thống.

Vùng đất Quảng Bình nguyên xưa thuộc xứ Việt Thường. Theo Đại Nam nhất thống chí, Thuỷ kinh chú và một số thư tịch cũ, khoảng cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên, Việt Thường tồn tại như một tổ chức hành chính tự quản gọi là Việt Thường Thị.

Vào năm 2353 trước công nguyên, người xứ Việt Thường Thị đã từng dâng chim trĩ trắng, rùa vàng thông hiếu với Trung Quốc. Dưới thời Hùng Vương, đất nước Văn Lang được chia thành 15 bộ. Vùng đất Quảng Bình ngày nay thuộc về bộ Việt Thường. Từ năm 192 vùng đất Quảng Bình thuộc địa vực của quốc gia Lâm Ấp (sau đổi thành Hoàn Vương, Chiêm Thành).

Từ đây trên vùng đất Quảng Bình cổ dung hợp giữa văn hoá bản địa có nguồn gốc Việt - Mường với một nền văn hoá mới là văn hoá Chămpa.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông - niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng thứ hai, cử Lý Thường Kiệt đưa quân nam chinh, đánh bại quân Chiêm, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ đã phải dâng trả 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Vùng đất Quảng Bình (tương ứng 2 châu Bố Chính, Địa Lý) trở về với quốc gia Đại Việt...” (khảo cổ sử học)

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho đổi tên châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, vùng đất Quảng Bình xưa bắt đầu mang danh xưng "Bình" kể từ thời điểm ấy. Năm 1361, vua Trần Duệ Tông cải châu Lâm Bình thành phủ Lâm Bình. Năm 1375, vua Trần Duệ Tông lại cải phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình rồi lộ Tân Bình. Năm 1397, Hồ Quý Ly đổi lộ Tân Bình thành trấn Tây Bình.

Thời thuộc Minh (1407 - 1427), lại đổi thành phủ Tân Bình, đem 2 châu Bố Chính và Minh Linh nhập vào phủ Tân Bình. Dưới thời Lê Thánh Tông, vùng đất này tiếp tục được định danh trong bản đồ quốc gia nhà Lê (1469) là phủ Tân Bình. Năm 1601, phủ Tân Bình lại được nhà hậu Lê đổi thành phủ Tiên Bình.

Năm 1604, Thái tổ Gia dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng khởi nghiệp Đàng Trong đã đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, sau đổi thành dinh Quảng Bình. "Quảng Bình" được định danh từ thời điểm ấy.

Dưới thời các chúa Nguyễn và thời Hoàng đế Quang Trung, địa vực Quảng Bình nhiều lần được định danh lại với những danh xưng như châu Bắc Bố Chính (ngoại châu Bố Chính), Nam Bố Chính (nội châu Bố chính), châu Thuận Chính (trên cơ sở sát nhập 2 châu Bắc và Nam Bố Chính). Địa vực Quảng Bình dưới thời châu Thuận Chính phù hợp với địa gíới hành chính ngày nay.

Năm 1802, dưới triều Gia Long, châu Thuận Chính lại bị chia tách thành Bố Chính ngoại và Bố Chính nội như trước. Riêng 2 huyện Khương Lộc (sau đổi là Phong Lộc) và Lệ Thuỷ (Nha Nghi) đặt thành một đơn vị hành chính lấy tên là dinh Quảng Bình.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trong hệ thống hoạch định cương vực lãnh thổ và tổng cải cách hành chính quốc gia, triều Nguyễn chính thức định danh tỉnh Quảng Bình. Sau nhiều lần cải tổ và điều chỉnh, đến năm 1875 tỉnh Quảng Bình có 2 phủ gồm 7 huyện là phủ Quảng Trạch (có 4 huyện: Minh Chính, Bình Chính, Tuyên Hoá, Bố Trạch), phủ Quảng Ninh (gồm 3 huyện Phong Lộc, Phong Phú và Lệ Thuỷ).
Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân và triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã thiết lập lại hệ thống phủ, huyện trong cùng một cấp hành chính. Quảng Bình có 2 phủ, 3 huyện là phủ Quảng Trạch, phủ Quảng Ninh, huyện Lệ Thủỷ, huyện Bố Trạch và huyện Tuyên Hoá. Đến năm 1939 thành lập thêm cơ quan Bang Tá trực thuộc tỉnh với 4 phường mới là Đồng Hải, Đồng Đình, Đồng Phú, Đồng Mỹ, có vai trò như là trung tâm lỵ sở của tỉnh Quảng Bình.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới thời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tỉnh Quảng Bình được thành lập, bao gồm thị xã tỉnh lỵ Đồng Hới và 5 huyện là Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thành lập tỉnh Bình Trị Thiên trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh. Quảng Bình trở thành địa vực phía Bắc của tỉnh Bình Trị Thiên mới thành lập. Trên địa vực này có thị xã Đồng Hới và các huyện Lệ Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Tuyên Hoá.

Năm 1989, để phù hợp với xu thế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới, Trung ương Đảng và Nhà nước đã cho chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Tại thời điểm mới tái thiết lập, tỉnh Quảng Bình bao gồm thị xã Đồng Hới và các huyện Lệ Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá. Để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, Nhà nước đã cho chia tách huyện Lệ Ninh thành 2 huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh, huyện Tuyên Hoá thành 2 huyện Minh Hoá và Tuyên Hoá. Hiện nay tỉnh Quảng Bình bao gồm thành phố Đồng Hới và các huyện: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá, với 159 xã, phường, thị trấn. Dân số Quảng Bình tại thời điểm năm 2019 là  895.430 người người; trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 89% tổng dân số, dân tộc Bru-Vân Kiều và Chứt chiếm 11% tổng dân số toàn tỉnh.
Theo Địa chí Quảng Bình

QUẢNG BÌNH ngày nay:
Già thì già thật, tuổi đời chồng chất theo thời gian có mặt trên tinh cầu, nhưng, Quảng Bình ngày nay vẫn còn quá trẻ, quá trẻ so với tái thiết, xây dựng kinh tế,xã hội,văn hóa, đời sống cho người dân theo kịp đà tiến các tỉnh thành trên hai miền. Có lẽ, cái eo lưng ong của Quảng Bình thu hẹp giữa hai miền đất nước như thiếu nữ làm dáng ỏng ẹo đành chịu số phận thiệt thòi, thiếu thốn, dù bao lần cố gắng vươn lên, cũng chỉ bao lần dừng lại như một vận động viên marathon đuối sức. 85% diện tích toàn tỉnh là đồi núi, đá vôi. 15% còn lại, kinh tế chủ yếu là đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản,lâm nghiệp, nông nghiệp theo mùa,khu công nghiệp với cảng nước sâu. Chủ yếu là nông-lâm-ngư nghiệp.

Diện tích toàn tỉnh như  Quảng Bình là 8.065,27 km² (tổng diện tích: 806.527 ha), chưa phải là một diện tích đầy lý tưởng. Trong khi riêng TP Hà Nội cũng đã ‎3,358.9 km², dân số lên đến ‎3.962.927 người (49.2%). Quảng Bình/Dân số 895.430 người.
Cái khó của Quảng Bình ngày nay, không chỉ vì đất hẹp thiếu màu mỡ; chưa có nhiều khu công nghiệp; tay nghề dân chyên nghiệp tại chỗ chưa đủ đáp ứng đưa tỉnh nhà thoát khỏi trì trệ ; Tuy Quảng Bình có nhiều sông suối khá lớn, nhưng chưa giúp được nhiều cho sự phát triển kinh tế đáng nói.

Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm... và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit... Trong đó, đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn, nhưng, sụ liên kết với các xí nghiệp ngoại vi vẫn chưa đủ để gọi là nguồn kinh tế chủ đạo.

“Quảng Bình là vùng đất văn vật, một thời là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, là điểm giao thoa hội tụ của nhiều luồng văn hóa, là chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến, Quảng Bình ngày nay còn giữ được nhiều di tích lịch sử, văn hóa của nhiều thời đại khác nhau. Nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, Quảng Bình mang những nét đặc trưng của truyền thống văn hóa khu vực này. Quảng Bình còn là quê hương của nhiều danh Tăng và nhân vật nổi tiếng như Đại lão Hòa Thượng T. Trí Quang, cố HT. T.Thiện Minh, HT Tuệ Sỹ, tuy sinh quán tại Lào, nhưng quê  ở Quảng Bình; Đỗ Mậu…”Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm, nhà thơ Lưu Trọng Lư, Trạng nguyên Trương Sán, Dương Văn An, Hoàng Kế Viêm.

Quảng Bình còn có tiếng khoa bảng tại làng Lệ Sơn. Làng Lệ Sơn “Đệ nhất bát danh hương” của Quảng Bình: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim.

***
Phật sự Quảng Bình ngày nay:
Ngày 16 tháng 8 năm 2004, chuyển thị xã Đồng Hới thành thành phố Đồng Hới, địa giới hành chánh không ảnh hưởng mấy cho việc phát triên Phật giáo.
Quyết định chuẩn y nhân sự Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ III (2017-2022). do HT Chủ tịch HĐTS GHPGVN ký, ủy viên gồm 19 vị; Thường trực BTS gồm 13 vị.

Với Ban Tôn giáo chính phủ, Phật giáo có khoảng trên 3.000 tín đồ phật tử sống rải rác trên địa bàn 29 xã của 6 huyện, thành phố; có 16 chức sắc (trong đó có 01 nhà tu hành) có 08 cơ sở thờ tự, tín đồ phật tử phần lớn tu tại gia. Thật ra, gồm có Chùa Vĩnh Phúc,  chùa Đại Giác,  chùa Hoằng Phúc –chùa Vô Song Phúc Địa” chùa Phổ Minh, Chùa Non, Chùa Thanh Quang, Chùa Quan Âm, Chùa An Xá... và một số cơ sở di tích thuộc truyền thống Phật giáo do nhà nước quản lý chưa trao trả lại cho G.H.

Theo văn bản quyết định của GH TƯ, chứng tỏ HT Trưởng ban Trị sự nỗ lực kiện toàn cơ sở và nhân sự bằng cách chiêu sinh, nhờ thế, chư Tăng ni các nơi hưởng ứng tụ về chung tay cùng GH tỉnh non trẻ, tạo cho bộ mặt PG Quảng Bình khởi sắc rõ nét.

10 năm qua thời gian không quá dài để phục hoạt tôn giáo bị mai một, thậm chí đi vào quên lãng sau khi nước nhà hòa bình, mọi người bôn ba về kinh tế, nhà nhà đua chen xây dựng mái ấm ăn ngon mặc đẹp, Phật giáo vắng bóng một thời; nhưng, hạt giống tiềm ẩn dưới lòng đất khô khốc, một cơn mưa rào cũng đủ nẩy mầm, để rồi chăm bón săn sóc, hoa sẽ nở giưa rừng xanh đại ngàn. Phật giáo cũng thế.

10 năm trôi qua, thời gian không quá ngắn so với “sức người sỏi đá cũng thành cơm”, HT Trưởng BTS thể hiện tính năng động để vực dậy PG Quảng Binh; đôi khi không tránh khỏi va chạm lúc giao tế, cũng có lúc nội tình không đồng thuận, nhưng, người lãnh đạo luôn biết đạp lên mọi chướng ngại để đi đến mục đích.

Thoáng mà 10 năm đến với PG Quảng Bình; một vài cơ sở mang tên di tích vẫn chưa được giao về G.H, một số nơi còn tàn tích chiến tranh hay bị lão hóa vẫn chưa được tái thiết, tuy thế, PG Quảng Bình luôn đối diện với bao cảnh cơ cực đói nghèo của lương dân, thiên tai bão lũ cũng cần bàn tay chư Tăng và lòng bi mẫn của PG; Thế thì đừng hỏi tại sao dân đói nghèo vẫn tiếp tục nghèo đói, PG Quảng Bình hiu quạnh gánh nặng đôi vai tiếp tục cưu mang mệnh nước trên xứ Quảng đã bao lần bị tranh chấp, bị chia xẻ đàng Trong và đàng ngoài.
***
Phương án sinh tồn và phát triển:
Trên vùng đất tồn tại hàng ngàn năm văn vật, cũng bấy nhiêu ngàn năm gánh chịu thiên tai, chinh chiến qua nhiều thời đại, và là cái eo thắt lưng của chữ “S” ba miền; lịch sử chưa bao giờ cho thấy Quảng Bình là tỉnh nhà trù phú, thế mà dân cũng sống và phải sống, không ai nỡ dứt bước ra đi, ngoại trừ một số lưu vong hải ngoại tìm kinh tế chu cấp cho ruột thịt tại quê nhà. Thế thì PG, chư Tăng cũng phải gắn bó với cái khó, cái khổ của dân như các cha xứ luôn bên cạnh con chiên ngoan đạo. Chư Tăng không chỉ như thuyền bập bềnh trên sông nước, nước dâng thì thuyền lên, nước ròng thuyền xuống. Biết rằng chư Tăng sống bằng lòng hảo tâm của bá tánh, nhưng chư Tăng cũng hảo tâm trước cảnh đói nghèo, bệnh tật. Không chỉ hảo tâm bằng cách kêu gọi các mạnh thường quân xứ khác hỗ trợ, mà PG cần có sáng kiến giúp dân có kế sách tự tồn. Tuy là vùng biển và núi, nhưng không vì thế khuyến khích sát sanh và phá rưng.Xã hội còn nhiều ngành nghề vô hại, thủ công cho những ai không có vốn nhiều, kinh doanh thích hợp cho những đầu óc biết tính toán. Và hình như, PG Quảng Bình chưa có phòng thuốc Nam từ thiện giúp cho những ai không có điều kiện bước vào ngưỡng cửa bệnh viện.

PG ngày nay cần xắn tay nhập cuộc giúp dân mọi mặt, ngoại trừ các bậc ẩn tu xuất thế; đó là cách gần dân, thân dân và vì dân.

PG cần có nhiều lớp giáo lý căn bản và lớp giáo lý nâng cao, có những khóa tu một ngày cũng phải có khóa tu dài hạn đáp ứng cho những căn cơ thâm đạo.

PG Quảng Bình qua 10 năm, tương đối đi vào nề nếp, mọi chướng ngại trong tổ chức không còn nặng nề, cái nặng nề hiện nay là phát triển cơ sở các vùng xa, vùng cao. Bằng mọi cách xin thu hồi những cơ sở bị xem là di tích để đưa vào sinh hoạt thuần túy tôn giáo; lớp đào tạo tu sĩ và tín đồ đi làm Phật sự; ngoài việc bổ cử trụ trì, cần có lớp tập huấn cán sự lưu động giúp các chùa vùng xa, giúp dân tái tạo nhà cửa, thăm viếng bệnh hoạn... Có như thế, PG mới là hơi thở, là sự sống tinh thần của người dân.

***
Trong thời gian qua, sự nỗ lực của HT Trưởng Ban đã tạo cảm xúc cho một danh Tăng PG thời hiện tại, Hòa Thượng trưởng lão Thích Trí Quang viết:
Chúc từ (trích) của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (tu viện Quảng Hương Già Lam, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

“Trước hết tôi xin cám ơn, rất cảm ơn chính quyền đã cho Phật giáo Quảng Bình khu đất kiến thiết chùa Đại Giác. Phật giáo Quảng Bình không tủi hổ quá khứ của mình.
Tại đây, trong quá khứ đã có một nơi kỳ quan là chùa Thần Đinh; đã có đến 3 quốc tự, tục gọi là dinh Trạm, dinh Mười, dinh Ngói; đã có các Ngài làm trụ trì và làm Tăng cang chùa Ngự Kiến Thiên Mộ tự. Rồi chùa Phổ Minh, xóm Ải được ngài Hồng Tuyên kiến tạo đã là nơi quy tụ và tiêu biểu của Phật tử và Tăng giới khắp 5 phủ huyện Quảng Bình. Tự điển và từ điển thì Đại Giác đồng nghĩa với Phổ Minh. Hy vọng chùa này cũng như chùa gốc, đem ánh sáng tuệ giác trải ra khắp hơn và sâu hơn về đức tin của Phật giáo”...


MINH MẪN


25/10/2019













1.   




* NHUỘM MÁU BỒNG LAI





Thêm một biến cố xảy ra liên quan đến Phật giáo, mặc dù chính quyền cũng như GHPGVN không xem Tịnh thất Bồng Lai là cơ sở thuộc quản lý của Phật giáo giáo, nhưng hình thức sinh hoạt, trang phục, đời sống đạm bạc trai lạc của những vị ở tại đây, vẫn theo nếp sống của nhà Phật.

Một số báo tường thuật sự kiện biến cố tại Tịnh thất Bồng Lai, có một vài bài danh xưng bất nhất ám chỉ những người cư ngụ tại Tịnh thất và cơ sở. Ví dụ: báo Kiến Thức 27/10/19 - 06:25 do người viết có tên Gia Đạt đưa chủ đề: Tịnh thất Bồng Lai bị côn đồ náo loạn có "lý lịch" đáng ngờ... sư mà không phải sư?

Đây là thủ thuật câu view hay dụng tâm ác ý quy chụp cho những nạn nhân bị nhóm côn đồ hành hung quậy phá đáng ngờ của người cầm bút, lạc dẫn quần chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những mảnh đời cơ nhỡ, được cụ Thích Tâm Đức cưu mang giữa xã hội lạc lỏng bơ vơ.

Thế nào là “lý lịch” đáng ngờ? Người bị truy nã, buôn lậu, trốn án thoát tù, lừa đảo... mượn chiếc áo tu sĩ để lánh nạn mới gọi là “lý lịch” đáng ngờ. Hai chú Hoàn Nguyên -  Nhất Nguyên công khai tham gia chương trình “Tuyệt đỉnh song ca” của đài truyền hình nhà nước; năm chú Tiểu tham gia chương trình “Thách thức danh hài”, nữ tu Huyền Trang từng được mời trình diễn nhạc Trịnh tại các tụ điểm văn nghệ ca nhạc... Những trẻ mồ côi được huấn luyện theo chiều hướng văn hóa, văn nghệ, ca nhạc trở thành người tốt cho xã hội mà gọi là “lý lịch” đáng ngờ thay vì kẻ cầm bút cố ý dùng từ méo mó như thế có đáng ngờ?

Thế nào là sư mà không phải sư? Sư là gì? Có lẽ người cầm bút không thể dốt đến độ hiểu chữ sư một cách hạn hẹp như đám chăn trâu học chữ A chỉ biết chữ A. Giáo sư, luật sư, Thiền sư, Đạo sư, y sư... đâu phải chữ “sư” chỉ dùng cho nhà sư mà Gia Đạt bảo “sư mà không phải sư”. Thủ thuật dùng chữ có ác ý là thế!
Trở lại vấn đề các chú sống tại Tịnh thất Bồng Lai, chưa bao giờ họ tự nhận mình là nhà sư, ngay cả trang phục, tuy màu đất sét nhưng kiểu mẫu không phải áo Tràng, áo hậu hay áo vạt khách của nhà chùa. Chuyện cạo đầu, ăn chay đâu hẳn là sư! Từng gán ép để kết tội họ là giả sư mà chính người có dã tâm kết tội họ mới là kẻ giả sư, vì xứng đáng là một “bút sư giả”. Các chú chả phải giả tướng sư hay giả danh sư, mọi người xem họ là sư vì tôn kính nhân cách sống lương thiện của một con người mồ côi, sống bằng chính tài năng được cụ Tâm Đức cưu mang dạy dỗ.

Người cầm bút báo Người Đưa Tin lại dùng một từ mà ai đọc vô cũng cảm thấy nghi ngờ cho mấy chú: “Trước đó, "tịnh thất Bồng Lai" từng "dính" nhiều chuyện lùm xùm. Một trong số đó là việc hai "sư thầy" Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991) của "tịnh thất Bồng Lai" tham gia cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca của một đài truyền hình.

Sao chuyện tham gia chương trình “Tuyệt đỉnh song ca” lại là chuyện lùm xùm cứ như lùm xùm vì cuộc đánh ghen do ngoại tình không bằng. Đấy, ngôn ngữ của người làm báo hiện nay là thế ư? Việc GHPGVN Tỉnh Long An phủ nhận họ là tu sĩ và cơ sở “cải gia vi tự” không thuộc quản lý của Giáo Hội là đúng, vì họ tu tại gia, chính sách nhà nước không cấm tín đồ tu tại gia, họ cũng không hề xưng danh là chùa và tu sĩ của Giáo Hội.

Báo viết tiếp: đây không phải là chùa hay tịnh thất vì không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng, cơ sở này do một người từ TP HCM xuống Long An lập nên. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cũng không công nhận đây là cơ sở thờ tự chính thống do Giáo hội Phật giáo địa phương quản lý. Vì vậy thực chất ở đó là “biến gia thành tự” với khoảng 20 người từ nhiều nơi đến sinh sống và có nuôi một số trẻ em cơ nhỡ.

Câu này có hai ẩn ý:
1/ Không phải là chùa hay Tịnh thất, vì không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng... đây là cớ để chính quyên dẹp bất cứ lúc nào.
2/ GHPGVN Tỉnh Long An cũng không công nhận đây là cơ sở thờ tự chính thống do GHPG địa phương quản lý, có nghĩa  đó là những Phật tử tu tại gia, tuy không phạm hình sự hay tệ nạn xã hội, chỉ thuần túy là tín ngưỡng, cũng dễ bị làm khó mà GH không hề can thiệp và cả địa phương lẫn GH đều không chịu trách nhiệm khi bị quy tội cơ sở tín ngưỡng tự phát, nói theo giọng điệu người cầm bút báo Kiến Thức tên Gia Đạt là “mạo chùa, giả sư”.

Vụ việc một nhóm người đeo khẩu trang xông vào lục soát và xảy ra xô xát khiến một người bị thương ở Tịnh thất Bồng Lai, theo chính quyền địa phương những người sống ở chùa này họ không phải sư.

Trên đây là đoạn báo Kiến Thức do Gia Đạt viết, tại sao gọi là xô xát khi mà chú Hoàn Nguyên đứng yên cho họ hành hung? Chắc chắn người cầm bút phải biết dùng chữ lúc nào gọi là xô xát, thế nào là hành hung!

“Trước sự tấn công của nhóm người, các sư thầy...” Đoạn trên bảo là sư giả, không phải sư, đoạn dưới gọi là sư thầy, tự viết là sư thầy để rồi vu tội cho mấy chú là giả sư???
Sau khi tự tiện xông vào tịnh xá và lục tung mọi ngóc ngách để tìm kiếm nhưng không thấy người cần tìm, nhóm người này đã tập trung đứng bên ngoài chửi bới và lăng mạ các sư thầy.

Đây là đoạn văn thiếu trung thực, ai xem clip đều thấy bọn côn đồ hành hung trong khuôn viên Tịnh thất chứ không phải tập trung đứng bên ngoài như Gia Đạt gỡ tội cho nhóm côn đồ đó.

***

Bồng Lai dậy sóng với lý do nhóm người nghi Bồng Lai chứa cô gái 22 tuổi, đây chỉ là cái cớ để bọn chúng hành hung các chú từng giành được cảm tình của hàng triệu khán giả khi xem chương trình “Thách thức danh hài” do Trường Giang và Trấn Thành làm giám khảo. Nếu ngờ vực tại sao không báo cơ quan chức năng vào cuộc truy xét? Và làm sao quy tụ trên 50 người có cả đàn ông thanh niên đồng loạt tham gia nếu không là một âm mưu có tổ chức phía sau phải là một thế lực nào đó! Nếu vì mục đích tìm người sao lại đập phá tài sản của người ta, trộm cả tiền bạc và vật quý? Đây là hành động ăn cướp chứ không thể việc truy tìm người thân. Vu khống chứa chấp, tự động lục xét đã là vi phạm xâm nhập tư gia bất hợp pháp, tìm không có thì ai chịu trách nhiệm cho sự vu vạ này? Không những không xin lỗi mà còn hăm dọa sẽ tiếp tục đến quậy là sao? Đồng thời tạo cớ hỗn loạn trên địa bàn để xóa sổ Bồng Lai làm mất an ninh trật tự. Tại sao sự việc xảy ra hơn một giờ, các chú gọi điện mà công an không đến, để khi xảy ra án mạng, nhân viên an ninh xuất hiện chỉ như một việc vô tình? Sống trong xã hội bất an như thế, có đáng sống không? Nếu đây không phải là người có tâm tu, thì việc gì sẽ xảy ra?

Chuyện được xem là những công dân bị côn đồ trấn áp, cướp của, gây án mạng, tại sao đặt vấn đề cơ sở tôn giáo không giấy phép? Phải chăng là lý do buộc cụ Tâm Đức giải tán các chú mồ côi?

Những năm tháng thầy trò hẩm hiu rau cháo thế mà hạnh phúc, vì tương lai các cháu và cần nguồn thu giúp các cháu ngày một lớn để ăn học, từ lúc hai chú Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên lọt vào vòng chung kết “tuyệt đỉnh song ca” rồi đến 5 chú Tiểu đoạt giải “thách thức danh hài”, mọi người quan tâm, thăm nom giúp đỡ, cuộc sống các cháu tươm tất hơn, cũng là lúc tầm ngắm đố kỵ chỉa vào Bồng lai, để Bồng lai dậy sóng, đe dọa tương lai các cháu mồ côi. Anh em các cháu nương vào hơi ấm và tình thương của cụ Tâm Đức, người thầy tuổi gần 90, ngỡ chừng êm ấm hạnh phúc, ngờ đâu, do nổi tiếng mà đã kèm theo nạn tai bất chợt. Không lâu trước đó, một chú Tiểu không rõ lý do, người mẹ đến đem về; giờ đây lại sóng gió đến với các cháu. Phải chăng, đó là chỉ dấu tan đàn xẻ nghé từ đây?

***

Gần đây, quá nhiều sự cố, tai tiếng dồn dập đến với Phật giáo. Tai tiếng đúng có, sai có, oan có, ưng có... liên tục xảy ra như một kịch bản trùng khớp nhịp nhàng tựa sóng Thần muốn nhấn chìm con thuyền Bát Nhã. Chắc chắn thuyền Bát Nhã không bao giờ chìm, vì những hiện tượng đó, có thể do ác ý, do vô tình, do chủ quan, do bị động phát khởi từ tâm hồn đen tối của một số ít vô minh, trên con thuyền Bát Nhã còn vô số năng lượng thanh tịnh cao đức, chính vì thế, qua hàng ngàn năm vẫn giữ được giá trị mà khoa học, trí thức, lãnh đạo thế giới luôn tôn sùng tán thán.

Thế thì sá gì những hiện tượng ngày nay trong xã hội VN, từ lớn đến nhỏ, luôn gặp tai ương mà luật pháp khó bảo vệ. Chưa có thời đại nào, xã hội đầy trộm cướp, giết hại nhau, tai nạn giao thông, tệ nạn, tha hóa đạo đức đến nổi vào chốn tôn nghiêm trộm cắp, hành hung vu khống người hiền lương, sản xuất thực phẩm độc hại vì đồng tiền; mang danh trí thức chuyên ngành Tôn giáo học mà phát ngôn kiểu hàng cá hàng tôm. Kẻ mượn danh phóng viên ký giả bẻ cong ngòi bút vì quyền lợi; gài bẫy tình để vu khống bôi nhọ nhà sư. Nếu biết buổi gặp lần đầu thấy đối tượng không đứng đắn, sao lại cứ tiếp tục đi cùng nhau vào ban đêm gọi là đi nắm tin, điều tra dự án, rồi la toáng cho mọi người thấy mình là người đứng đắn tiết trinh. Là phàm Tăng phạm giới cũng chả lạ, nhưng sư Toàn chưa có phạm trọng giới. Để thể hiện nhân cách tránh tai tiếng cho tập thể, sư Toàn tự nguyện hoàn tục như một cán bộ cao cấp nước ngoài xin từ chức khi nhân viên sai phạm.

Chúng ta không nên phàn nàn bất mãn một hiện tượng khi chưa nắm rõ, phân tích đúng sai; tâm bao dung hỷ xã giúp người sai phạm ăn năn hối lỗi, đừng đẩy họ vào chân tường. Ai trong chúng ta chưa hề sai phạm. Phật giáo như biển cả không dung chứa tử thi. Lỗi người là gương sáng cho mình cảnh giác.

Biết rằng vụ án Bồng Lai chưa phải là giọt nước cuối cùng, nhưng dẫu sao, đám trẻ mồ côi cần lòng bao dung của chúng ta như sự bao dung cho bao lần tai tiếng trong Phật giáo sắp tới. Không chỉ có tu sĩ Phật giáo mới sai phạm, vì cơ cấu tổ chức của Phật giáo không chặt chẽ như các tôn giáo bạn, chuyện nhỏ xé to là đương nhiên nhưng không có gì ghê gớm lắm đâu, vì niềm tin đối với Tam Bảo từ ngàn xưa đến ngàn sau dân ta cũng vẫn vậy. Ngậm máu phun người trước bẩn miệng mình.

MINH MẪN
27/10/2019

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

* ĐÀ NẴNG ĐỀ NGHỊ:



ĐẶT TÊN ĐƯỜNG CỦA HAI GIÁO SĨ
CÓ CÔNG CHẾ TÁC CHỮ QUỐC NGỮ

Theo dự thảo Đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP năm 2019, Đà Nẵng dự kiến đặt tên cho 137 tuyến đường (quận Cẩm Lệ 57 đường, Hải Châu 16 đường, Liên Chiểu 28 đường, Ngũ Hành Sơn 17 đường, Sơn Trà 10 đường, Thanh Khê 03 đường, Hòa Vang 06 đường); đặt tên cho 01 cây cầu; điều chỉnh và đăt tên mới cho 01 đường.
Giáo sĩ Alexandre De Rhodes (Pháp) được ghi nhận có công lớn trong việc chế tác ra chữ Quốc ngữ

Đáng chú ý, trong dự thảo Đề án lần này có đề nghị đặt tên đường cho 02 người nước ngoài có liên quan mật thiết đến quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Trong đó, người thứ nhất là Alexandre De Rhodes (1593 – 1660), một giáo sĩ xuất thân ở Avignon (miền Nam nước Pháp) trong một gia đình gốc Do Thái.
 “Dạo trước đây, một thời xôn xao cũng vấn đề đặt đường mang tên giáo sĩ Alexandre De Rhodes với lý do người có công sáng lập chữ Quốc ngữ!”
Một dân tộc mang nặng đền ơn đáp nghĩa như dân tộc ta, điều này không thể phủ nhận. Ngay cả kẻ xâm lăng đất nước ta hàng chục lần từ quá khứ đến nay, ta vẫn xem là người bạn 4 tốt + 16 chữ vàng, hà cớ chỉ đặt tên con đường vinh danh người có công để ngày nay ta có chữ viết, thoát khỏi cái nhiêu khê chữ vuông khó nhớ mà cha ông ta cũng từng dày công chế tác. Và chỉ có đất nước ta mới La tinh hóa mẫu chữ, trong khi đó, quanh ta, như Hàn quốc họ vẫn có chữ riêng, Nhật bản có chữ Hiragana, ひらがな Bình giả danh, Katakana biến thể từ Kanji; họa hoằn trong lãnh vực hành chánh mới có mặt La tinh hóa, rōmaji ký tự cho người nước ngoài biết cách phát âm chữ Nhật… Các nước châu Á chỉ có VN mới dùng mẫu tự La tinh làm quốc ngữ. Do sử dụng lâu ngày thành thói quen nên cảm thấy tiện dụng, và tiện dụng hơn nét chữ vuông mà ta gọi là chữ Hán và chữ Nôm.
***
“Văn hóa Thông tin” là chuyên ngành, một bộ phận chuyên môn hơn quần chúng bình dân; biết phân biệt giá trị một bộ phận, một lãnh vực nào đó trong cuộc sống xã hội mang tính văn học, giá trị văn hóa xuất xứ từ nguồn gốc rõ ràng và nguồn gốc có giá trị đích thực. Bộ phận chuyên môn như thế không thể xét đoán trên bề mặt hiện tượng hay theo xu thế thời cuộc…
“VHTT” nhận xét Alexandre De Rhodes và Francisco de Pina có công sáng lập chữ Quốc ngữ để nhân dân ta có chữ viết ngày nay là điều sai lầm, (họ chỉ có công hoàn chỉnh mà thôi; sáng tạo do các cố Đạo dòng Tên trước đó) vì chỉ xét một mặt thực dụng mà không thấy sự dụng ý khi chế tác chữ Quốc ngữ. Các cố đạo muốn thuận lợi việc truyền bá Tôn giáo, cần học và hiểu văn hóa, thực chất bản địa, họ khó tiếp cận mặt chữ xa lạ như chữ Hán và Nôm, vì thế họ cần La tinh hóa âm ngữ. Như thế, mục đích của các cố Đạo không phải giúp dân ta có chữ viết; Gọi là đặt tên đường để tưởng nhớ và vinh danh người có công làm nên một phần văn hóa VN, phải chăng đã nhận định phiếm diện? Ngụ ngôn nhà Phật gọi là: “Nhận giặc làm con”. Tại sao chúng ta lâu nay không đặt vấn đề khi đường mang tên Yersin, Albert CalmettePasteur… đã có từ lâu?
***
Gần như giống câu chuyện: kẻ cướp mang vũ khí vào nhà, sau khi đạt được mục đích, chúng rút lui, bỏ lại dao rựa, giáo mác. Người nhà lấy đó dùng vào công việc lợi ích, người lớn bảo với các con rằng – ta phải mang ơn, tưởng nhớ kẻ bỏ lại hung khí này cho ta sử dụng…
Hung khí biến thành vật tiện dụng là do chúng ta biết cách sử dụng, người đem hung khí đến khác với giá trị vật dụng, vật và người khác nhau thì giá trị và mục đích của vật và người cũng không thể lẫn lộn.
Ai đó có trách nhiệm bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, vinh danh người có công với đất nước, hãy cẩn trọng và phân biệt rõ để lịch sử đừng có thêm một vết đen không đáng có!

MINH MẪN
10/9/2019