Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

“AN CƯ”


“An cư” là ở yên một chỗ. Truyền thống nầy có trước thời Đức Phật, một số ngoại giáo đã áp dụng. Khi Đức Phật thành đạo, Tăng đoàn còn thô sơ, giới luật chưa áp dụng rộng rãi; Lục quần tỳ kheo thong dong tự tại trong mùa mưa, gây nhiều tai tiếng trong tín đồ, dẫm đạp côn trùng và cây cối, trôi dạt y bát, làm mất oai nghi của bậc xuất trần; vì thế, đức Phật đã chế định “an cư” vào mùa mưa để chư Tăng an trú một chỗ, tránh làm tổn hại sinh vật, có thời gian tu tập, tăng trưởng nội lực, sách tấn chuyên cần để hồi hướng cho Tứ ân trọng.

Do truyền thống được duy trì mà trên 2555 năm vẫn tồn tại và được áp dụng hầu hết trên các quốc gia có mặt Phật giáo. Mục đích an cư ba tháng không tiếp xúc bên ngoài xã hội là để trao dồi giới đức, chuyên cần thiền định. Mùa “an cư” được thể hiện tinh thần Lục Hòa trong cộng đồng tu sĩ. Đồng thời trưởng dưỡng nội lực; trao đổi kinh nghiệm hoằng hóa và trãi nghiệm tâm linh. Tuổi Hạ được tính vào những mùa “an cư” của tu sĩ. Một Tỳ kheo trẻ dưới 5 tuổi Hạ không được rời bổn sư hoặc y chỉ sư. Cho dù đủ tuổi Hạ theo quy định nhưng chưa thông hiểu kinh luật cũng chưa thể xa thầy. Một Tỳ kheo đủ 10 tuổi Hạ mới có quyền nhận đệ tử hoặc được làm truyền giới sư.
Thực chất nguyên nghĩa của “an cư” là an kỳ tâm, cư kỳ thân. Một người an định tâm hồn và nơi ở an tịnh cũng được hiểu là “an cư”. Nhưng theo luật học dành cho cộng đồng Tu sĩ, “an cư” có nghĩa là ở yên một nơi trong ba tháng hạ để thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức, tăng trưởng Giới – Định – Tuệ để xứng là ruộng phước cho bá tánh gieo duyên. Lúc bấy giờ, một số tu sĩ hiều theo tinh thần cực đoan, an trú ba tháng mưa nhưng không ai nói với ai lời nào, lúc cần, chỉ ra dấu, bị Phật quở, mục đích an cư không phải biệt chúng mà phải cùng nhau chia xẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm tu tập. Từ đó, các trường Hạ thường lập thời khóa tu tập và học hỏi Kinh Luật Luận. Vào thời Phật hiện tiền, sau ba tháng chuyên cần, một số đã chứng đắc từ sơ quả đến Alahan. Cư sĩ cũng chứng đắc một phần Thánh quả. Vì thế theo luật tạng, một tu sĩ không nhập hạ phạm vào tội Đột Kiết La. Trong thời gian Hạ không được vượt ra khỏi phạm vi Hạ đàn. Nếu có duyên sự chính đáng và quan trọng, có thể tác pháp yết ma trước đại chúng hoặc trình bạch với ban chức sự trường Hạ để xuất Hạ với thời gian được ấn định. Thời gian ra khỏi trường hương dưới 1/3 của thời gian ba tháng “an cư”. Nếu vi phạm đuợc coi như phá Hạ mà không được tính tròn tuổi Hạ. Lấy mùa “an cư” làm tuổi của một tu sĩ. Sau ba tháng Hạ, chư Tăng họp lại để tự kiểm điểm hành vi, ý nghĩ của mình, nếu phạm giới sẽ được đại chúng luận tội mà xét xử giúp đương sự tăng tiến trên đường tu tập. Vì thế rằm tháng bảy gọi là ngày tự tứ, kết thúc mùa “an cư”. Cũng trong mùa “an cư”, một số vị Thánh Tăng vượt qua nhiều cám dỗ, thắng chướng duyên đạt thánh quả, hoặc chư Tăng tinh tấn thiền định, tiến tu đạo nghiệp, được chư Phật hoan hỷ tán thán nên gọi là ngày Phật Hoan Hỷ. Sau ba tháng trọn vẹn, không bị một lỗi nào dù là nhỏ, Tu sĩ đó được tưởng thưởng một số điều kiện gia giảm luật lệ tiểu tiết như được thọ thực thêm trước ngọ chính, sắm thêm y hậu, đi lại tự do miễn xin phép, ngủ lại một nơi khi quên đem theo y và được khỏi ăn chung với chúng Tăng. Những ưu đãi nầy được hưởng trọn trong mùa Đông.
Trong luật Tứ Phần quy định “an cư” có thể ở dưới táng cây, trong hang động, trong tư thất, trên thuyền, trong thôn xóm,…nhưng không được ở nơi mất an ninh, nơi gò mã, cây không có táng, nhà lợp bằng da thú…Khai hạ cũng phải được sự chứng minh của chư tôn đức có phẩm hạ cao. Nếu tự ý tụ tập cấm túc mà không được khai giới, xem như không có tuổi Hạ, được gọi là tặc trú. Một tu sĩ không có tuổi Hạ, suốt đời không thể được coi là tu sĩ, không thể làm thầy ai được. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh, không thể nhập chúng, dù một tỳ kheo đủ 5 tuổi Hạ, am tường luật nghi khai-trì-giá-phạm, cũng có thể tự an trú nơi thuận tiện trong mùa “an cư”. Phải cung đối Tam bảo tác pháp “cấm túc”.
Truyền thống Bắc tông khởi đầu mùa “an cư” từ 16/4 a.l đến hết 16/7 a.l hàng năm. Theo Nam Tông thì bắt đầu từ 16/6 đến 16/9 a.l. Sau ba tháng an cư, tháng bảy là mùa báo hiếu và xá tội; hàng cư sĩ nương vào oai lực tu tập suốt mùa “an cư” của Tăng chúng mà dâng cúng tứ sự để hồi hướng phước báu đến cửu huyền thất tổ, mẹ cha quá khứ và hiện tiền.
Ngoài luật “an cư” kiết Hạ, còn có một vài trường phái kiết Đông, Kiết Thu hoặc kiết Xuân để tinh chuyên pháp môn riêng. Theo tinh thần an cư, tập thể Tăng già duy trì luật “an cư” là duy trì được sinh lực Phật giáo. Ngoại trừ những vùng chiến, tu sĩ không thể quy tập “an cư”, tất cả trên thế giới, dù theo truyền thống nào, luật “an cư” vẫn được duy trì nghiêm túc. Ở Việt Nam, tinh thần “an cư” tuy có duy trì, nhưng một số trường Hạ chưa có thời khóa tu học miên mật, chính vì thế nhiều tệ nạn không tránh khỏi.
Về mặt tích cực, “an cư” đem lại nhiều lợi ích cho Tăng Thân cả về nội lực lẫn đạo phong nếu áp dụng nghiêm túc luật nghi. Nhưng ngày nay, một số điểm trường Hạ, ban chức sự không phát huy hết chức năng, biến trường hương thành nơi tiêu cực cả về tu tập lẫn lợi dưỡng. Khai hạ và giải Hạ là nghi tắc của tôn giáo, một số Hạ đàn mời cả chính quyền đến tham dự chứng minh là không đúng. Những nghi lễ mang tính hành chánh phổ cập thì được, ngoài ra những gì thuần túy tôn giáo, kể cả giới đàn, tác pháp yết ma là việc riêng của nội tình tu sĩ Phật giáo. Ban tổ chức Hạ đàn, giới đàn cần tách riêng các loại hình sinh hoạt như thế.

Dẫu sao, “an cư” vẫn là chiếc vành giữ cho miệng thúng được an toàn, Phật giáo từ đó vẫn giữ được nề nếp cộng trụ sách tấn lẫn nhau.

MINH MẪN
25/5/2011

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

PHẬT ĐẢN 2555 TRONG NƯỚC.


Mùa Phật Đản 2555 đã diễn ra trên quê hương tương đối đồng bộ tốt đẹp. Tuy nhiên, một vài địa phương không tránh khỏi những chướng ngại hoặc do chưa nắm vũng tinh thần chung hoặc do một vài chức sắc Phật giáo cấp quận huyện muốn thể hiện quyền lực của mình, gây khó cho nhau.

Thống nhất ngày kỷ niệm Khánh Đản cấp Thành phố và trung ương, đúng vào sáng rằm đều được tổ chức cho các đơn vị quận huyện quy tụ về điểm trung tâm, ngoài nghi thức hành chánh, tiến hành lễ nghi tôn giáo. Một vài địa phương cấp huyện nặng về hành chánh và hình thức nên làm loãng ý nghĩa tâm linh đáng có của Đại lễ.
Hình thức.- Hầu hêt 80% đều thể hiện được sự hưng phấn qua hình thức tổ chức. Từ xe hoa đến lễ đài, nói lên quyết tâm của Tăng tín đồ dành cho ngày vui của đấng cha lành; hẳn nhiên với cuộc sống còn hạn chế khi vật giá leo thang, điều kiện vật chất thể hiện sự nghèo nàn không tránh khỏi. Có những xe hoa của các quận huyện không che dấu được những vật liệu cũ của những năm trước đã hoen màu. Thậm chí một số đoàn sinh GĐPT chưa có bộ đồng phục tươm tất để vui mừng mùa sen. Các ông bà cụ xúng xính trong chiếc áo tràng màu khói hương đã bạc màu năm tháng của miền Trung nước Việt. Những Phật tử miền cao chưa gọt sạch vết đỏ đất bùn cao nguyên, vẫn hí hửng chen nhau khấn vái. Phần lớn các chùa đều tổ chức cơm chay và văn nghệ cho quần chúng tham dự. Một vài lá cờ ngũ sắc phần phật trước gió và mưa lâm thâm trên những căn nhà lẻ loi trong các nương rẫy cà phê nơi vùng sâu để cùng chia xẻ niềm vui với đông đảo quần chúng đang dự lễ tại Khải Đoan, Daklak. Miền Trung và cao nguyên Trung phần đều chào đón mùa Khánh đản tương đối đồng bộ, do hệ thống tổ chức của Phật giáo được duy trì khá lâu, thời chấn hưng Phật giáo từ thập niên 1930. Riêng Thừa Thiên đủ uy lực thể hiện sức sống của một Phật giáo từng có mặt với dân tộc, có thể đại diện cho tầm vóc Phật Giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại.
Các tỉnh phia Bắc cũng bắt đầu khởi sắc, tuy chưa như các tỉnh phia Nam, nhưng thể hiện sự trổi dậy của quần chúng Phật tử với đức tin truyền thống từ lâu bị lãng quên hoặc chưa có điều kiện phát triển. Từ Quảng Bình trở ra các tỉnh giáp biên Hà Nội, phần lớn quần chúng chưa quen với những sinh hoạt thuần túy của Đạo Phật, nên việc thể hiện những ngày đại lễ như thế vần còn giới hạn, hoặc phô trương quá tầm mức của tôn giáo.
Các tỉnh phía Nam từ Sài gòn đến miền Tây và miền Đông Nam bộ cũng trăm hoa đua nở. Rất tiếc hai quận ven TP HCM như quận 7 và quận 8 chưa được phát huy tinh thần đón mừng đản sanh, do Ban Đại Diện thụ động và hạn chế việc treo cờ, lồng đèn và biểu ngữ. Ngoài ra, tất cả đều rộ nở mùa Đản sanh. Ngay cả công viên Quách Thị Trang tại chợ Bến Thành cũng phất phới năm màu Đạo kỳ. Một số thanh niên hồ hởi tháp tùng theo các xe hoa tại các quận huyện ngoại ô TP, tỏ ra phấn kích la lối, rú ga làm giảm sự trang nghiêm của đoàn xe diễu hành.
Tại Hà Nội, lễ được tổ chức tại cung văn hóa Hữu Nghị Việt Sô. Một số đoạn đường trong TP có chùa cổ cũng được giăng đèn cờ và biểu ngữ tạo cho Thủ đô có một sắc diện mới.
Nội dung.- Hình thức được như thế để quần chúng biết ngày Khánh Đản đã về trên quê hương. Còn vấn đề ý nghĩa của ngày lễ đối với tinh thần Phật tử thì sao? Sau ngày Phật Đản là mùa An cư của chư Tăng Ni. Tại sao trước tuần Đản sinh, Phật giáo không tổ chức các khóa tu cho Phật tử để dọn mình có một tâm hồn thanh thoát chào đón đấng Thiên Nhân chi Đạo sư? Hiện nay, cái bệnh chung của Phật giáo là nặng về hình thức. Có cần phải xây dựng thêm chùa trong khi vô số cơ sở không có tu sĩ chăm sóc? Các ngôi danh lam có tầm cở như Bái Đính phía Bắc hay Đại Nam Bình Dương đã đành, còn vô số ngôi chùa đang tạo mới mà tầm vóc lẫn nghệ thuật kiến trúc không cần thiết cho xã hội ta hiện nay. Nhất là cuộc sống người dân còn khó khăn,việc phô trương như thế là một lãng phí. Đành rằng một số chùa đóng góp từ thiện như xây nhà tình thương, ngôi nhà an lạc, cứu trợ…Đó chỉ là mặt nổi trong một giai đoạn tạm thời, thay vì tạo công ăn việc làm cho quần chúng, dạy nghề và những việc mang tính căn bản lâu dài.
Trong việc hoằng pháp là quan trọng, thế mà Phật giáo vẫn chưa có kế hoạch thích hợp với hiện trạng xã hội. Cứ theo lối mòn truyền thống, thầy giảng mặc thầy, người nghe hiều hay không mặc người nghe. Mùa Phật Đản, một số nơi có diễn giảng, nhưng chung chung thì quần chúng chẳng tiếp thu được là bao. Ngoài lối giảng công cộng như thế, đáng ra các chùa nên mở lớp giáo lý phổ thông để tín đồ nắm được yếu lý của đạo Phật, họ sẽ tham dự lễ với một tâm thái an hòa và ý nghĩa hơn. Các tỉnh miền trung phía Bắc ít chùa, nên tổ chức mỗi tháng hai lần có các buổi giảng pháp hơn là tái thiết các cơ sở bị tàn phá trước đây. Khi quần chúng hiều đạo thì các cơ sở tự nhiên sẽ được xây dựng và được bảo vệ vững vàng, mê tín dồng bóng vàng mã cũng tiêu diệt, đỡ tiêu tốn một khoản phí vô ích như thế. Lúc bấy giờ thực sự Phật giáo sống và tồn tại cùng dân tộc.
Ý nghĩa mùa Đản sanh vẫn chưa tác động sâu sắc đến với người con Phật. Họ chỉ đi chùa như truyền thống mà tự thân chưa có một chuyển biến tâm linh, vì chưa nắm được mấu chốt pháp môn tu. Đáng ra mùa sen nở là dịp nhắc nhở người con Phật trở về với nội tâm, tự tánh để hoàn thiện chính mình và đóng góp hữu ích cho cuộc sống chung quanh. Một số tín đồ vẫn chưa duy trì được chay tịnh cho mùa lễ mà đáng ra nên trường trai của người ngoan đạo. Quý thầy vẫn chưa khích lệ Phật tử tinh nghiêm trong mùa Khánh Đản, chưa tinh tấn đúng mức để mình là ngôi chùa tự thân đúng nghĩa đón mừng Đức Như Lai.
Tóm lại, qua sự phấn khởi của mùa Khánh Đản 2555 về hình thức, cần bổ sung thêm những cần thiết để những mùa nầy năm sau được nhiều ý nghĩa hơn:
- Chuẩn bị tâm linh cho quần chúng qua những khóa tu tập và học hỏi giáo lý hàng tuần.
- Thường xuyên tổ chức các buổi giảng công cộng , phổ thông cho quần chúng thuộc cảm tình viên với đạo Phật.
- Hãy chú hướng vào tâm linh nhiều hơn thì hình thức tổ chức mới toát hiện nét trầm lắng sâu sắc, ngày lễ mới có sức thu hút và giá trị.
- Chú trọng đến những thành phần bất hạnh trong xã hội, đem lại an ủi cho họ trong mùa Phật Đản.
- Hình thức tổ chức nên đơn giản nhưng đầy nghệ thuật. Không rườm rà tốn kém vô ích. Thậm chí màu mè lòe loẹt thể hiện trình độ không tương xứng với ngày lễ.
- Để quần chúng hưởng ứng một cách nhẹ nhàng, không tạo sự khó chịu cho những người khác bằng những âm thanh ồn ào của buổi lễ cũng như nhạc lễ suốt tuần.
- Giáo hội cần phổ biến thống nhất về việc giăng cờ đèn và những hình thức nghinh đón đại lễ đến các cấp GH tránh tình trạng như BĐD PG Q.8 TP HCM tự động hạn chế.
- Xe hoa là một trong những sinh hoạt tất yếu của Phật Đản, Giáo hội không thể để trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vừa rồi xầy ra ở Hốc Môn và ngay cả tại TP phải tất tả trong vòng 24g mới được tiến hành.
- Phật Đản là một trong những lễ thường niên, chỉ thông báo kế hoạch và lộ trình, địa điểm cho chính quyền trong vòng 30 ngày mà không cần phải xin phép.
- Hai khu vực chính như Hà nội và Sài gòn, cần có địa điểm cố định, rộng thoáng để hành lễ mà không phải vay mượn địa điểm như hiện nay. Giáo hội và nhà nước nêm tìm một lối thoát qua 36 năm vẫn tồn tại cho Phật Giáo.
Tôn giáo không chỉ là tổ chức mang tính quần chúng, còn là một nền tảng giáo dục tâm linh, xây dựng văn hoá cho xã hội , một xã hội nhân bản, vì thế Phật giáo còn có trọng trách như một linh hồn dân tộc để đất nước lấy làm căn bản hòa nhập với cộng đồng thế giới mà không bị loãng phai đặc tính của tổ tiên. Có lẽ 2555 là mùa sen nở khởi sự cho nhiều tốt đẹp những năm tiếp theo đối với Phật giáo và dân tộc.
MINH MẪN
18/5/2011

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

GĐPT CHÙA XÁ LỢI

PHẬT ĐẢN QUẬN BA TPHCM

THÀNH PHỐ MÙA SEN



Liên tục tuần lễ Phật Đản, từ mồng 8 đến 14, các quận huyện thay nhau tổ chức lễ đón mừng ngày Đản sanh, để sáng rằm, tất cả tề tựu về lễ đài chính tại Vĩnh Nghiêm lúc 6g sáng.

Hốc Môn, có HT T.Giác Toàn thay mặt trung ương Giáo hội đến chứng minh, trên 200 Phật tử và trên 50 Tăng Ni khắp nơi về tham dự tại lễ đài huyện , chùa Linh Sơn. Quận 12 tổ chức tại chùa Vĩnh Phước, vì sân quá rộng nên lượng người tham dự có vẻ thưa hơn Hốc Môn.

Quận ba năm nay đã được tổ chức tại Tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức, nhưng chu viên chất hẹp, phải tận dụng lề đường Võ Văn Tần và CMT8 để quần chúng tham dự. GĐPT Xá Lợi dâng hoa cúng dường ngày đại lễ. Màu huỳnh y rực rỡ xen lẫn khói lam của anh chị em GĐPTVN trông thật hài hòa dễ thương. CSGT tận lực hướng dẫn lưu thông nên không bị ùn tắc.

Hầu hết các quận huyện đều tổ chức buổi sáng 14, riêng quận Tân Bình vào lúc 3 giờ chiều, nắng gắt, đôi khi bị mưa nên chư Tăng không đi đủ và Phật tử cũng không đông mấy.

Ngoài Đại lễ thường niên tưởng niệm đấng cha lành, một số chùa thường xuyên đãi cơm chay và bố thí. Riêng quận Ba, chùa Vĩnh Nghiêm năm nào cũng dành 500 phần quà cho đồng bào nghèo ba quận: Phú Nhuận-Tân Bình- và quận ba. Mỗi phần quà gồm 10k gạo, thùng mì và 200 ngàn đồng tiền mặt VN.

Khu vực Phạm văn Hai chạy dài từ đầu ngã ba Ông Tạ đền đoạn chợ, cờ ngũ sắc giăng mắc khắp phố. Được biết nơi đây chỉ có ba ngôi chùa: Hải Quang – Hiển Quang – Khuông Việt, đều nằm trong hẽm sâu. 80% là giáo dân Thiên Chúa Giáo, bao quanh các giáo xứ; thế mà cứ như Huế không bằng. Lên đọan cầu Trương Minh Giảng cũ dọc kênh Nhiêu Lộc, cờ phất phới từ chùa Pháp Hoa, qua đến chùa Miên, xuống sâu một đoạn. Có những gia đình làm vườn Lâm Tỳ Ni chưng trước mặt tiền nhà.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi ( tức Công Lý cũ) cờ, biểu ngữ, áp phic chạy ba hàng dọc hai bên đường, giữa giải phân cách, từ chùa Vĩnh Nghiêm lên khỏi cầu, qua ranh giới Phú Nhuận. Vĩnh Nghêm cũng đang thiết kế lá cờ năm màu 80m2 được bong bóng bay nâng cao trên bầu trời Vĩnh Nghiêm để sáng rằm vần vũ chúc mừng đại lễ.
Một đại lễ được thoát khỏi bốn bức vách của sân đá bóng quân khu 7 thì cũng là một cách tạo vất vả cho CSGT và an ninh khu vực để lưu lượng xe cộ trên đoạn đường chính từ Trung Tâm TP ra phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất, ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm, không bị trở ngại, cả là vấn đề khó khăn. Với số lượng Tăng Ni và tín đồ 24 quận huyện trong TP vân tập về lễ đài chính không dưới một nghìn người. Thế mới biết, Phật giáo hiện nay chưa có một địa điểm xứng với tầm vóc cho những đại lễ như thế. Trước 1975, Phật giáo có một khu vực VNQT trên 24 mẫu, đường 3/2 (Trần quốc Toản cũ) đủ dung chứa hàng vạn người tham dự. Những năm qua, cứ phải mượn mặt bằng các nơi, nhất là sân bóng quân khu 7, xong cuộc lễ ai cũng có cảm giác bày biện đồ chơi trong nhà đóng cửa lại, anh em chơi xong rồi giải tán ( làm xe hoa, chạy vòng quanh rồi tự chấm điểm xong đâu về nhà nấy).
Dự định của các chức sắc Phật giáo, sau khi chùa Phổ Quang tái thiết xong, nơi đó sẽ là lễ đài chính cho PGTP mỗi khi có đại lễ. Phổ Quang cũng không rộng hơn Vĩnh Nghiêm, nhưng lại bị nhốt vào trong hẽm, cũng chẳng khác gì quân khu 7, nó nằm sâu phía sau quân khu ( tức Bộ Tổng Tham Mưu cũ).

Nếu khuôn viên VNQT đường 3/2 bị tận dụng, Giáo Hội PGVN nên yêu cầu nhà nước cấp cho một khu đất khác đủ rộng để các cuộc lễ thể hiện tầm vóc, bộ mặt của PGVN, có thể nằm ở ngoại ô như Thủ Đức, Bình Chánh, Hốc Môn…Một tôn giáo lớn của một đất nước từng gắn bó với nhau, từng có bất động sản như thế, bây giờ tái lập khi đất nước đã an bình, cuộc sống đang phát triển cũng chẳng có gì là quá đáng. Nước ngoài nhìn vào một tôn giáo cổ của dân tộc như Phật giáo, có một cơ sở tương xứng với tầm vóc cũng là cách mát mặt cho đất nước. Có lẽ không quá muộn, cũng chẳng quá sớm để chư Tôn Đức ngồi lại với các cấp thầm quyền tìm lối thoát cho cơ sở vật chất đang là nhu cầu chính cho mọi sinh hoạt của PGVN hiện nay.

Quần chúng Phật tử cũng như Tăng Tín đồ phấn chấn một mùa Phật Đản 2555,biểu hiện mùa bội thu cho niềm tin sắp tới, để Phật giáo có điều kiện đóng góp cùng dân tộc vượt khó, vươn lên. Đó là niềm tin cho mùa sen nở tuy chúng ta con nghèo.

MINH MẪN
16/5/2011

THIỀN TRÀ CHÙA TỪ TÂN

VƯỜN LÂM TỲ NI CHÙA TỪ TÂN, TÂN BÌNH

TƯNG BỪNG MỪNG KHÁNH ĐẢN 2555


Như trào lưu được bắt nhịp bởi Vesak năm 2008, mỗi năm một sặc sỡ sắc màu Phật Đản, từ Bắc vào Nam, nơi nơi tưng bừng tổ chức đón mừng ngày Đản sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.
Phía Bắc, những con đường có các chùa cổ tọa trụ đều được cờ đèn giăng mắc dọc lộ lớn, điều mà năm 2008 chưa xuất hiện như thế; miền trung từ Thừa Thiên trở vào, tuy cuộc sống của người dân còn nghèo khó, nhưng vẫn thể hiện niềm tin kiên cố vào tín ngưỡng lâu đời của ông cha để lại, nhất là tại Huế, nơi duy nhất bộc lộ nét kiêu kỳ của một đại lễ tôn giáo, và cũng chính nơi đây đã khởi đầu tinh thần bất khuất của tín đồ trước bạo quyền. Rất tiếc,Quảng Bình trở ra Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh cận biên Hà Nội, chưa thể hiện được sức sống của đạo Phật. Năm nay, Quảng Ngãi đã vực dậy một giấc ngủ triền miên suốt 36 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, xe hoa và cờ giăng rợp phố . Nha trang cũng chỉ đủ thể hiện sinh lực Phật giáo trung bình, và nghèo hơn là Bình Thuận, chỉ lưa thưa vài con đường quanh phố, xa hơn ngoại ô, người dân vẫn chưa cảm nhận được hương vị của mùa đản sanh. Các tỉnh cao nguyên cũng cố gắng thể hiện sức sống và niềm tin của mình như bao năm qua, chưa đủ sức vượt xa hơn mong đợi.
Thành phố HCM có khá hơn, năm nay Thành Hội tổ chức lễ đài tại chùa Vĩnh Nghiêm, tuy có chật chội, nhưng không bị đóng khung nhốt vào bốn bức vách như ở quân khu bảy mọi năm. Một số con lộ lớn được giăng mắc cờ đèn và áp phíc. Chỉ riêng quận 8, cờ đèn, biểu ngữ không được xuất hiện nơi công cộng như thông báo của Ban Đại Diện ký tên Thiện Lương ra lịnh.
Mỗi chùa có một lối sinh hoạt đón mừng ngày đản sanh, thường thì chú trọng mặt nổi, riêng chùa Từ Tân, Tân Bình, một đêm Thiền trà mang chất sâu lắng thiền vị. Nghi thức tổ chức và chương trình sinh hoạt suốt buổi chưa đuợc chỉnh chu, nhưng đem đến cho người nhập cuộc một đêm trăng nhiều ý nghĩa. Trên Hốc Môn, nhóm khiếm thị cũng cờ hoa giăng mắc khắp xóm lao động, cũng nghi lễ mừng Khánh Đản, cũng pháp thoại , văn nghệ và ăn nhẹ. Chùa Quang Thọ có cả Buffet, nhưng còn nặng nhiều về thủ thục hành chánh đã loãng mất sinh khí mùa Phật Đản. Chùa Giác Nguyên, Hoằng Pháp, Linh Sơn luôn thay đổi kiểu dáng lễ đài mỗi năm, nên quần chúng tham dự không ít.
Từ mồng 8 đến rằm, cac chùa trong các quận huyện thay nhau tổ chức để không trùng khớp thời gian, vì thế chư Tăng Ni luôn hổ trợ góp mặt lẫn nhau. Riêng Hốc Môn, chưa Tăng Ni có tinh thần đoàn kết chặt chẽ trong mọi lễ lộc. Rất tiếc, các vùng sâu, vùng xa, Phật giáo vẫn chưa đem lại sinh khí mùa Trăng tháng tư cho quần chúng thiếu thốn về văn hóa và sinh hoạt tâm linh mà Phật tử các phố thị đang được hưởng. Hy vọng Giáo hội quan tâm hơn vấn đề nầy.
MINH MẪN
15/5/2011

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

HÀNH CHÁNH MIỆT VƯỜN


Không nói đến những mùa Phật Đản trong thời kỳ bao cấp, mọi sinh hoạt đều do sự chỉ định và chuẩn thuận của chính phủ. Sau ngày đất nước cởi mở, tôn giáo có một quyền hạn nhất định về sinh hoạt nội bộ của mình. Chỉ thông báo kế hoạch tổ chức những buổi lễ thường niên như nguyên tắc hành chánh. Thế nhưng, do thói quen thúc thủ của thời bao cấp, một số cơ sở Giáo hội Phật giáo các cấp tự mình trói tay mình, làm khó mình để lấy điểm với địa phương hầu bảo vệ chiếc ghế đang có, Đó là trường hợp Phật Giáo quận 8, TP Hồ Chí Minh.

Trong văn bản số 41/PGQ8, ngày 23/4/2011 của BĐD PG Q8, Kế hoạch Đại lễ Phật Đản 2555 trình lên BTS TH PG TP HCM –UBND Q8 – UBMTTQ Q8- Phòng Nội vụ Q8, người ký tên là HT Thích Thiện Lương, chánh Đại Diện PG Q8, quy định sau điểm số 3 của mục III về Địa Điểm và Thời Gian, đã viết: …“ Ngoài ra các chùa trong địa bàn Q 8 phát tâm đều treo Banrol, cờ nước và cờ Phật giáo, lồng đèn trong khuôn viên tự viện.”
Y cứ văn bản nầy của BĐD PG Q8, Phòng Nội Vụ Q8 cũng đã ra văn bản số 23/PNV-TG, ngày 04/5/2011quy định …“ Các tự viện được treo biểu ngữ” Kính Mừng Phật Đản PL 2555”, cờ nước, cờ Phật giáo và lồng đèn trong khuôn viên tự viện”.

Chính văn bản tùy tiện nầy của người ký tên chánh Đại Diện HT Thiện Lương, đã gây khó không ít cho các chùa trong Q8 khi treo cờ, biều ngữ, lồng đèn ra phía trước chùa. Các tu sĩ trong quận cũng ta thán không ít về nhân vật nầy từng quyết định tạo khó khăn cho các chùa, các tu sĩ để mục đích làm hài lòng nhà nước (Thực ra nhà nước chắc gì hài lòng những lập công vụng về như thế. Ngược lại, nếu một lãnh đạo tôn giáo khôn ngoan, làm cho PG rực rỡ thì đó là cách làm đẹp mặt đất nước trong lúc nầy, nhưng, giáo hội và nhà nước đều duy trì những nhân vật bất tài, kém trí để làm ô nhục chính sách của nhà nuớc và chủ trương của Phật giáo). Đáng ra, phòng Nội vụ nên nhắc nhở cho những cán bộ Phật giáo nầy để cho thấy sự cởi mở của nhà nước trong các dịp đại lễ của Tôn giáo, Thành hội cũng cần quan sát chặt chẽ những văn bản thiếu thông minh như thế để các chùa và Phật tử không gặp khó khăn khi thể hiện niềm tin và sự hoan hỷ trong các đại lễ. Chánh đại diện PG một quận trong thành phố mà chỉ đủ trình độ khoa nghi đám ma như Thiện Lương thì không thể đòi hỏi cái khôn ngoan của nhà lãnh đạo trong lúc nầy được.

Thành hội cũng thế, khi ra văn bản Kế Hoạch tổ chức Đại Lễ Phật Đản số 109/KHPĐ-THPG vào ngày 04/4/2011, không hề nhắc đến xe hoa, , khi nghe nhiều phản hồi từ các cấp, Thành hội lại ra tiếp văn bản gọi là Thông Báo về việc tổ chức diễu hành xe hoa…mang số 158/cv-THPG ngày 29/4/2011 thì chính quyền huyện Hốc Môn đã có lịnh cấm rồi. Chính vì thế có sự phản hồi trên mạng truyền thông, sau đó giữa chính quyền huyện Hốc Môn và Ban Đại Diện đã gỡ rối nhờ các trang mạng thông báo giúp. Một tổ chức hành chánh mang tính nghiệp dư cộng thêm kiến thức tiên liệu tổ chức non kém đã gây nhiều khó khăn cho các cấp hạ tầng. ( chưa nói đến câu cú luôm thuộm của văn bản.)

Hiện nay, một số địa phương vẫn chưa nắm vững tinh thần thông thoáng đối với tôn giáo, vì thế vẫn thường xẩy ra lắm nhiêu khê. Ngay thời điểm Vesak 2008 được Việt Nam đăng cai, tổ chức tại Hà Nội, thế mà một tỉnh cận biên Hà Nội như Hải Dương, Thôn Tràng cũng không dễ khi làm lễ đài và treo cờ. Chắc chắn một số địa phương vùng xa vùng sâu cũng không tránh khỏi những trở ngại khi tổ chức lễ nghi tôn giáo như thế. Ban Tôn giáo chính phủ, Bộ nội vụ, Ban Trị sự và văn phòng trung ương GHPGVN cần kết hợp tổ chức hội nghị liên tịch để các cấp cơ sở nắm vững chủ trương và chính sách hiện nay, tránh kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Ngày Đại lễ đã khởi sự, chính quyền Quận 8 nên thông cảm cho các chùa được treo cờ như mọi năm và chỉnh đốn Ban Đại Diện PG Q8 theo chủ trương tinh thần đón mừng Phật Đản của Giáo Hội. Thành Hội cũng nên kịp thời can thiệp với BĐD PG Q8 và Ban nội vụ quận 8 dành sự dễ dãi chính đáng cho các chùa và Phật tử được treo cờ không chỉ trong khuôn viên am tự viện như văn bản của BĐD PG Q8 và Ban Nội vụ Q8 đã nêu.
Tất cả người con Phật đều dành niềm vui cho ngày Đản sinh, hà tất chỉ vì việc treo cờ mà phải tạo thắc mắc khó khăn cho nhau.
BĐD PG Q8 nên điều chỉnh lại văn bản kế hoạch trên đây, vì chúng ta không nên gây khó cho nhau khi mà nhà nước đã thông thoáng cho tôn giáo hiện nay.

MINH MẪN
09/5/2011

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

CHUYỆN ĐỜI CỦA VỢ CHỒNG THƯƠNG BINH MÙ Ở TP. HCM


Đây là tựa đề của một bài báo trang 4 của “Pháp Luật và Cuộc Sống” trong mục Bàn Tay số Phận. Số 17 ra tháng 4 năm 2011. Tác giả lấy tên Đồng Lâm.
Sau khi đọc được bài nầy, một số người thân của nhân vật chính trong chuyện đem kể lại lại cho vợ chồng thương binh Phạm Tấn Tài và Nguyễn thị Phương Trâm nghe, đương sự hết sức ngạc nhiên, vì:
1/ không ai đến phỏng vấn đương sự như nội dung vừa kể.
2/ một số tình tiết hoàn toàn bịa đặt và bôi bác nhân thân của đương sự, ảnh hưởng tới trách nhiệm của phòng Thuơng binh-xã hội, và danh dự của gia đình anh em ruột thịt đương sự.
3/ Phản ánh không đúng sự thật về cuộc sống hiện nay cũng như quá khứ.
Trước đây có nhóm người do anh Long tự nhận đài truyền hình Thành phố, đến làm phim về cuộc sống của vợ chồng thương binh nầy, sau đó, được biết nhóm nầy không thuộc đài truyền hình mà là tư nhân, đem bán lại những thước phim nầy cho đài, các đài thay phiên nhau trình chiếu, và số tư liệu hình ảnh do vợ chồng thương binh cung cấp theo yêu cầu, cũng không hoàn trả lại; Nghĩa là họ mượn hình ảnh cuộc sống của Thương binh để làm tiền! Từ đó đến nay, không một ai đến phỏng vấn như bài báo vừa đăng, và một số tình tiết của bài báo “Pháp Luật và Cuộc Sống” ăn khớp với nhóm anh Long đã thực hiện.
Với tư cách nhóm trưởng nhóm Thiện Nguyện Khiếm Thị Hốc Môn, tôi xin đinh chính nhân thân của thành viên nhóm , đang là nạn nhân của quý báo “mượn đầu heo nấu cháo “trên đây:
a/ Cột thứ nhất giòng thứ 11 từ dưới đếm lên: “…Rồi 1978, anh Tài cùng với người anh trai đăng ký xin làm Bộ đội tình nguyện sang chiến trường Campuchea tham gia chiến đấu. Đến năm 1980, trong một trận chiến, anh bị thương nặng và từ đó vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời…” Phạm Tấn Tài là anh trai đầu, có một người em duy nhất, làm gì anh ta cùng với người anh tình nguyện đi bộ đội. Tuổi nghĩa vụ phải đi chứ anh ta không vì nhiệt tình cách mạng để đổi lấy sự mù lòa hiện nay như bài báo ca ngợi quá đáng.

b/ cột thứ 2 dòng thứ 13 từ trên đếm xuống, kể về chuyện lập gia đình của anh Tài, tác giả viết: …“ Nào ngờ, đếm nắm 1998, anh hụt hẩng, đau đớn khi người vợ hiền sau 14 năm chung sống, bất ngờ đơn phương đề nghị ly hôn, dù anh đã đưa ra trăm ngàn lý do để níu kéo, nhưng tất cả đều vô vọng. Và phủ phàng hơn là khi anh chưa kịp quên đi nỗi đau gia đình tan nát, người vợ vừa ly hôn của anh đã chóng vánh có một mái ấm với một người đàn ông khác”… Đây là hoàn toàn bịa đăt của tác giả, người vợ chia tay ấy nay vẫn chưa có gia đình với bất cứ đàn ông nào. Nếu cô ta biết được bài báo nầy bêu xấu lòng chung thủy của cô ta, tác giả và bổn báo sẽ nghĩ gì?

c/ Cột hai dòng 11 từ dưới đếm lên: …..“ Nhưng định mệnh nghiệt ngã, trong khi ngồi chờ mua vé xe, anh bị một thanh niên lừa lấy hết hành lý và tiền. Nơi đất khách quê người, không quen biết ai, lại không nhà, không tiền, mù lòa, trước cái đói khát anh buộc phải lang thang dọc các con đường xin ăn”… Tác giả có nghĩ rằng khi thân nhân của đương sự đọc những dòng nầy, cơn phẩn nộ của họ đến mức nào? Trên Sông Bé có nguời cậu ruột cũng đi kinh tế mới, ở Sài Gòn có người em ruột ổn định cuộc sống, chả lẽ họ bỏ đương sự đi ăn xin như thế, và không hề có như thế.phòng thuơng binh xã hội để cho bộ đội đi xin ăn sao?

d/ Cột thứ ba, giòng 11 viết: …“Bắt đầu cuộc sống mới, anh làm đủ nghề khác nhau để sống qua ngày. Anh Tài kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian khó khăn đó: “ Hồi ấy, cứ nghề chi mần ra tiền là tôi mần, chứ không cần biết nó khó hay dễ. Đi xin xách nước thuê mà người ta chê mù lòa, rồi đi bán vé số ngày được ngày không, rồi đi đánh giày nhưng cũng không ít lần bị khách xù tiền công”… Anh Tài kể lại cho chúng tôi nghe có nghĩa tác giả trực tiếp gặp đương sự, thế mà tác giả không biết đương sự là nguời miền Nam sao lại dùng chữ mần chi ra tiền là tôi mần? đây là tiếng của người Huế xài thôi. Chuyện khôi hài mà tác giả bịa một cách trẻ con, mù thì làm sao đi xách nước thuê? Và mù làm sao đi đánh giày để biết sạch láng hay không mà làm.Việc nầy hoàn toàn vô lý mà đương sự, cũng là nạn nhân của tác giả không hề làm qua. Và anh Tài cũng chưa hề đi bán vé số.

e/ Cột ba dòng số thứ ba từ dưới đếm lên: …“Sau ngày cưới, anh Tài - chị Trâm dọn về tổ ấm là căn nhà nhỏ được gia đình anh cho tại ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hốc Môn”…Đồng Lâm ơi là Đồng Lâm, sao ông giàu óc tưởng tượng thế. Căn nhà mà ông nói là tự tay vợ chồng đương sự vay mượn mà làm ra chứ gia đình nào cho. Theo ông nói ở trên, gia đình để anh Tài phải đi xin ăn thi gia đình nào có khả năng mua nhà cho???

f/ cột số 4 dòng 27. Đồng lâm viết khi đàn bồ câu nuôi, bị dịch cúm phải hủy:…” Chị Trâm tâm sự, lúc nghe tin, hai vợ chồng chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc ôm nhau khóc”…Khóc mà phải ôm nhau mới khóc được, sao mà hề thế!

g/ cũng cột 4 giòng 39. viết: …“ Khi gặp tôi, chị Trâm nghẹn ngào kể lại: ‘Lúc đó mỗi lần tôi nhận lương dạy học, còn anh ấy nhận khoản trợ cấp thương binh xong, là lấy ra một ít bỏ heo để dành trả nợ.. Còn lại là chạy một mạch ra chợ mua gạo đủ ăn cho cả tháng. Còn tiền mua thức ăn, có cũng được, không cũng chả sao’. Cuối năm 2004, vợ chồng anh chị cải thiện thu nhập gia đình bằng cách nhận làm thêm gia công bàn chải nhựa tại nhà. Lúc đầu anh chị không tự tin, vì tính chất công việc nầy cần sự tỉ mỉ, khéo léo, nên chỉ dám nhận mỗi ngày từ 4 - 6 cái để làm, nhưng giờ đây anh chị đã quen việc mỗi ngày có thể làm từ 40-50 cái”. Lúc tác giả xào nấu nội dung nhặt được cho ra bài nầy, tác giả quên “nạn nhân” của tác giả là người mù nên tác giả bảo họ chạy một mạch ra chợ mua gạo cứ như là trẻ con trên 10 tuổi vậy. Tuy thời gian gia công làm bàn chải khá lâu, hiện nay từ 6g sáng đến 6g chiều, anh Tài cũng chỉ làm được 10 cái ( giá hiện nay 2.500 đ một cái, trước tết chỉ có 2.000đ) làm sao mà đủ khả năng làm từ 40-50 cái như Đồng Lâm viết bừa bãi như vậy. Ngay số lượng thành viên của nhóm Thiện Nguyện hiện nay cũng chưa quá 60 người, thế mà báo nói 90 người, một nhóm mà 90 người thì không còn là nhóm nữa mà là hội .

Tóm lại, bài báo có quá nhiều sai sót và cường điệu mà chính tác giả chưa hề gặp trực tiếp các đối tượng của nhóm Thiện Nguyện hay vợ chồng anh Tài chị Trâm, làm sao mà tự ý bịa chuyện ra như thế. Còn nếu tác giả Đồng Lâm là một người tên Long trước đây tự nhận nhân viên đài truyền hình, chẳng lẽ người làm nghệ thuật và cầm bút tán tận lương tâm như những thành phần bất hảo khác trong xã hội, mượn hình ảnh tật nguyền của kẻ khác để phóng đại kiếm ăn??? Khi anh Tài- chị Trâm biết tin nầy, họ thật sự bất mãn với tờ báo mang danh “Pháp Luật và Cuộc Sống” đã vi phạm luật pháp khi xâm phạm bêu rếu đời tư của kẻ tật nguyền mà chưa được sự ưng thuận của “nạn nhân” và xuyên tạc cuộc sống của chính nạn nhân đang cố quên dĩ vãng, lạc quan với cuộc sống hiện tại.
Chúng tôi chờ đợi thái độ biết điều của bổn báo và của chính tác giả thanh minh công khai trên báo của quý vị.
Ngoài nhóm Thiện Nguyện Khiếm thị, còn có sự phản kháng của người vợ cũ cùng gia đình, thân nhân của đương sự, nếu quý vị không thể hiện sự biết điều và liêm sĩ của người cầm bút. Đừng để thiên hạ nói rằng: Nhà báo nói láo ăn tiền.

MINH MẪN
Trưởng nhóm Thiện Nguyện

Hốc Môn ngày 4/4/2011

CẤM DIỄU HÀNH XE HOA


Không đầy 2 tuần nữa, Đại lễ Phật Đản sẽ đến với hàng vạn người con Phật trên khắp tinh cầu. Như một truyền thống, Phật giáo các tỉnh huyện thị trong cả nước hân hoan thiết lập lễ đài và thiết kế xe hoa. Đây là đại lễ thường niên mang tầm quốc tế, đáng ra không cần phải xin phép, nhưng các cấp Giáo Hội vẫn giữ phép nước làm tờ trình và giữ đúng thủ tục cho phải lẽ.

Giáo hội Phật giáo huyện Hốc Môn, do TT chánh Đại Diện cũng gửi văn thư đến cấp huyện trước cả tuần lễ ngày thiết lập lễ đài và trang trí xe hoa. Thế nhưng Giáo hội đã bị đoàn cán bộ cấp huyện do ông Đỗ Ngọc Thắng, chủ tịch UBMT huyện, bà Trần thị Tiếp trưởng phòng nội vụ và một số cán bộ tháp tùng đến ra lịnh ngưng cuộc diễu hành, với lý do ảnh hưởng ngày bầu cử. Đây là lệnh của địa phương tự ý chỉ thị hay do chính sách chung trong toàn quốc? Nếu là chủ trương chung thì từ Bắc chí Nam đều phải được thông báo như nhau, đến giớ phút nầy, chưa nghe thấy tỉnh thành nào lập công lấy điểm như huyện Hốc Môn. Cho dù ngày lễ trùng khớp với ngày bầu cử, cũng không nên có thái độ cao ngạo, chuyên quyền như thế, huống nữa cách nhau cả tuần, ảnh hưởng gì đến ngày bầu cử. Kỷ niệm một vĩ nhân thế giới không quan trọng bằng ngày bầu cử cho những phàm nhân tục tử??? Thái độ chuyên quyền xem thường ngày lễ trọng đại của tôn giáo như thế, có thêm một bằng cớ ấu trỉ về chính trị cho những ai đang đánh giá thấp về trình độ quản lý đất nước trong thời bình hiện nay. Trong thời chiến hai miền khói lửa, miền Nam chưa bao giờ cấm cản Phật giáo tưng bừng đón mừng lễ Khánh Đản, hà cớ chỉ vì ngày bầu cử mà cấm đoán tôn giáo như đạo Phật phải ngưng hoạt động trong lúc nước nhà đã thống nhất?

Có lẽ nhà nước thiếu nhất quán trong vấn đề giáo dục chính trị cho cán bộ các ngành nên luôn làm mất lòng dân vì những chuyện không đáng. Ngày nay, khi dân tộc đứng trước mối hiểm nguy từ lân quốc, nhà nước đối đầu với bao nhạy cảm với thế giới về nhân quyền, quần chúng bất mãn cán bộ và thiếu niềm tin vào chính sách, lúc nầy lẽ ra cán bộ phải tế nhị với quần chúng thông qua tôn giáo, phải ưu ái tôn giáo để tìm sự hậu thuẩn. Cho dù hậu thuẩn từ một nước lớn khác cũng không bằng được lòng dân trong nước. Các Triều đại Lý Trần tồn tại hơn 4 thế kỷ cũng chỉ nhờ lòng dân để đối đầu với quân xâm lược phương Bắc. Bài học cha ông ta còn đậm nét sử xanh. Do chúng ta chuyên quyền cậy thế mà xem thường lòng dân nên bài học lịch sử vẫn chưa hề học thuộc.

Bên ngoài đã nhìn chúng ta quá nhiều hoài nghi về chính trị, tự do tôn giáo, tôn trọng người dân, giờ đây, việc cấm đoán hạn chế ngày vui của đại lễ Phật giáo lại thêm một minh chứng cho thế giới thấy cách hành xử thiếu thân thiện và không tôn trọng quần chúng của những cán bộ thiếu ý thức chính trị tầm chiến lược. Sự hiểu biết của cán bộ miệt vườn làm sao đồng bộ với sách lược chung của đất nước khi hòa nhập với cộng đồng thế giới. Hy vọng cấp trung ương sớm nhận ra những khiếm khuyết của các địa phương, kịp thời chỉnh đốn và thường xuyên cập nhật giáo dục chính trị cho những cán bộ tiếp cận với quần chúng và tôn giáo. Các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, luôn hưởng ứng chính sách nhà nước cùng góp tay xây dựng xã hội thì tại sao một năm chỉ một lần lễ của tôn giáo mà phải hạn chế với một lý do trẻ con như thế? Phật giáo có bao giờ làm ảnh hưởng những quyền lợi của dân tộc hay thiệt hại chính sách của đất nước suốt 36 năm qua? Đừng vì lo sợ vẫn vơ mà thể hiện sự yếu kém của chính mình và thiếu tự tin của chế độ.

Không quá muộn để điều chỉnh sự sai trái của cấp huyện. GHPGVN trung ương cùng với BTG chính phủ và Bộ Nội vụ hãy kịp thời tháo gỡ một gút mắc không đáng có để quần chúng Phật tử được hưởng một mùa Đản Sanh trọn vẹn tràn đầy hỷ lạc. Đem lại niềm vui cho người dân há chẳng là góp phần thu phục nhân tâm trong mọi thể chế?

Quần chúng Phật tử đang dỏi theo lối hành xử của các cấp hiện nay về Phật giáo Huyện Hốc Môn nhân mùa Phật Đản 2555. Sự hy vọng vẫn đang là hy vọng!!!



MINH MẪN
05/5/2011