Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

LẠI CHUYỆN NHONG NHONG


Chưa sang Hạ, chợt mưa chợt nắng, cuộc trần gian luôn nặng kiếp long đong!

Nào Tịnh Viên Đường, nào Phong Tình Động, rồi  Động Phong Tình,Lầu Gió, rồi U Tình Cốc, Thong Dong am…đủ thứ địa danh trên cõi đời cho hồn phiêu bạt, qua những trạng thái cảm xúc đường trần.

Phong cách bởn cợt như là Bùi thi sĩ, đôi lúc tự hối, trách mình:”Rứa mà cũng tu với hành” (lời khai thị cuối cùng). 

“Trầm luân  chẳng sợ - ưa em” Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 6 đã là thế thì “ Đem chi giới luật chôn vùi qủả tim”.

Niết Bàn cũng thế, đường trần ngại chi, Lê Sa Đà không là Tế Điên hiện thực?, yêu thương cũng hiện thực bằng hành động thực hiện cụ thể: “Tặng hình bằng giấy, ích chi!...ước gì tặng trọn cả người … Đêm tâm sự-ngày đứng ngồi bên nhau…”

 Biết đâu trần thế thua chi Niết Bàn: “Trần gian ơi – đẹp quá chừng / Nhong nhong…Ta cứ tưng bừng nhong nhong”.

Thực và mộng,Cực lạc cũng là đây: “Được tiếp tục rong chơi cho đã/ Di Đà ơi – Tịnh độ đây rồi”, phải chăng bản chất nghệ sĩ cuồng và thiền sư chính tông cũng là một,bất cần đời, cái một vượt khỏi nhị nguyên biên kiến, bản chất hư hư thực thực do thức biến hoặc nhập pháp giới tánh hoặc thoát tam giới luân, chỉ là trò đùa với họ.

Cái can đảm của hai mẫu người trên là dám sống thật, dám nói thật, “lý sự vô ngại” cũng bởi sự sự tương dung theo tinh thần “nhập  pháp giới” của  Thiện tài đồng tử.Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, hiểu được phương tiện của ngôn ngữ là hiểu được “ý tại ngôn ngoại” của ngôn ngữ thượng thừa.

Ai bảo Lê Sa Đà để sa đà vào hư đốn? trong sa đà đã ngộ lý vô sanh, nên, đôi lúc cũng biết “Cảm ơn”. – “Từ độ biết người ta thêm tinh tấn / ngày và đêm thao thức chuyện tử sinh / Cảm ơn tình, những phút giây hưng phấn /cảm ơn Đời,những hệ lụy vô minh”. Đấy, điên có lúc mà tỉnh cũng đôi khi, biết sa đà đôi khi còn dừng lại; Lê Sa Đà chỉ sa đà khi là chung rượu, hết sa đà chung rượu là ngữ ngôn. Vẫn ý thức được:…”Thì ra tâm vật là tương tức” ( Cảnh giới nào). Cho nên” “yêu em-mặc kệ-luân hồi / Niết bàn bỏ ngỏ / nụ cười niêm hoa / Lặng nhìn không thẹn Đạt ma / đâu là địa ngục – Đâu tòa Như Lai” (mặc kệ).

Sau bảy mươi năm dằn vật bời nghiệp tử sinh, oan gia thế sự; bức bách tù túng đời người; nghĩa vụ công dân,bổn phận gia duyên, bi quan thời cuộc, bất mãn và bất mãn,nào ngờ, vớ được mảnh ván Phật Pháp, tha hồ bơi lội như vận động viên chuyên nghiệp, đuổi bắt sóng xô…Hơn bảy mươi năm, như đủ nồng độ để nở hoa thơ văn.Khác nào Khương Tử Nha vui chơi bên sông Vị. Tuổi như thế đã xem quá muộn, nhưng cuộc tử sinh luân hồi miên viễn, thế chả phải là chín chắn tư duy?

Thi nhân họ Bùi lấy ngôn ngữ làm trò đùa tư  tưởng, Lê Sa Đà dùng ngôn ngữ thể hiện tâm tư; nói như thế chả phải là thế, cái giống nhau của họ là thế, - ”Nhất đa tương dung”, chớ vụng dại tin vào ngôn ngữ của họ để bị lạc dẫn vào nghìn trùng xa cách, mà phải cách xa để nhìn mới thấy vạn dặm dung thông.

Đời thực: “Điểm hẹn nguồn vui” “ Già hư” “Thèm” “Đồng Đế …ơi”  “ Người & ta”  “Nợ”  “Tặng”  “Vào Xuân”  “ Cảm hoài”…Tánh thiện: “Về một bút danh”  “Tịnh độ là đây”  : Hư …không!”  “Chộ”  “Chuyện nghe lõm của con Thạch sùng”  “Người về”…

Lê Sa Đà cố vùng vẫy thuờng tình để mặc vào lớp áo siêu thực mà trông cứ như rất thực. Cái khéo của bút thơ mang cả Đời và Đạo, luồn lách như đôi chân vững chải; lời thơ ý đạo có chi mô!

Nhong nhong rồi lại cứ nhong nhong!!!

MINH MẪN                                                                                                                          11/4/2021

LÃO GÌÀ TRÊN CÁNH ĐU ĐƯA.

 

Đọc tập thơ “Cơn mê chiều” của Lê Sa Đà, liên tưởng đền hình ảnh lúc còn trẻ, bầy con nít, chiều ra sân đình đầu làng , túm sợi rễ cây đa lòng thòng, đánh đu, chân vẫn quệt xuống mặt đất, rồi thả tay rơi xuống ụ đất bên kia, chúng cười khóai chí.

Người ta thường bảo – già lại hóa trẻ, Lão Sa Đà họ Lê cũng thích nghịch như thế sao???

Đọc tập “nhong nhong” của tác giả, thấy như người đang bấu tay từ tầng không để nắm được diệu lý “tánh không”. Cứ như trẻ trâu long nhong trần trụi trên ruộng đồng bát ngát, bất kể chung quanh mặc ai ngắm nhìn ngộ nghỉnh.Siêu thực đến độ liu xiêu của kẻ say đắm vào cõi hư vô, cứ như quả bóng bay chực chờ đứt dây vút vào tầng không vô định, nhưng, khi giáp mặt với tập “cơn chiều”, cứ như ướt sũng “cơn mưa chiều” sau giờ tan lớp. Lão xít đu trên ngôn ngữ, tay vẫn níu tính lý vô ngã,  chân vẫn cọ quẹt vẽ lên ảo ảnh hồng trần những lo toan, những ước vọng, những tiếc nuối của một kiếp sanh bất phùng thời.

Cái mất nết đa tình, đa tình đáng yêu của nhà thơ:- một mái tóc – một nụ cười – một dáng đứng – một điệu ngồi (điều ta muốn)- và- em hiện đến một sáng nào – thoáng chốc; tạo “men đời” cho bến mộng xôn xao (men đời). Nhiều, rất nhiều mối tình tự thán của một chàng thi sĩ về chiều, để cuối cùng ấm ức danh cũng không mà phận cũng không, bèn: -Ta muốn vào địa ngục – sao ngươi lại không cho ?- sống đây chừ ấm ức – đến bao giờ thăng hoa!

Trên 70, muốn trút tất cả sự đời để nhảy vào cõi dịu lý : “trăm kiếp rồi ra cũng sát na” (rồi ra), nhưng nào dễ khi đong đưa giữa sợi phù vân, chân còn quệt lòng vòng mặt đất; vẫn còn vấn vươn: -“Em phố Hội chừ dáng gầy màu nhớ - Nợ và duyên, ai biết đến khôn cùng.”Cho dù trăm lần yêu, vạn lần thương, dù thương yêu cũng không qua: “nơi đây là đất Phật -Nào ai dám…ai…ai.” Nói để mà nói, mượn chữ nghĩa để lộ:”Em đó ư -mộng tàn dư -bảy mươi năm thiếu ta chừ còn mê”  (mộng). Thật ra đừng ai bao giờ tin những gã thi sĩ, nói một đàng, làm một ngả. Nòi thế mà không phải thế, “y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan”. Tự nhận mình còn mê tức là chả phải mê, Suốt 60 bài thơ như gom lá rụng để đu dây cổ thụ, muốn lên cao cũng cố quệt vài đường cho tung bụi mờ đánh lừa nhân thế, bởi tự thú : “ Ta không uống rượu, mà sao!-Ta lại ngật ngà say…”(tiếng gọi cô hồn). Đấy cho đọc giả thấy cái vờ vịt của nhà thơ, nói thế mà không phải thế, nhưng cái không phải thế cũng phải thế, khi tỉnh ngộ giữa đắm đuối  biết thốt lên: ‘không muốn em thành tinh – ta nguyện làm ngạ quỉ. Đôi tình – duyên trần gian. –“”Bô tát” ơi – vương lụy”. Tính giác vẫn luôn gặm nhấm trong tiềm thức của lão thi sĩ thích đu dây, Tĩnh vẫn tĩnh, mê cứ say cho dù chưa biết sẽ rơi bên nào hai bờ sinh tử, chỉ cần :”thức tĩnh cho ta, từng hơi thở Chánh niệm. – Nhất là trong giờ Lâm chung” (điều ta muốn). Đấy, cho thấy cái giả tâm đùa nghịch ngôn ngữ chỉ để đánh lừa trẻ trâu trong cõi hồng trần, sau lớp bụi vô minh, vẫn lồ lộ hư hư thực thực kín kẽ cái hướng nội chờ đợi thăng hoa; Sa đà chỉ có thế thôi sao???

MINH MẪN

21/12/2021

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

QUANG NĂNG VÀ SỰ CHỨNG ĐẮC


Ánh sáng có nhiều loại, ánh sáng đèn, ánh sáng lửa, ánh sáng đom đóm, ánh sáng do ma sát, ánh sáng từ tia chớp sấm sét…tất cả chỉ chung các bức xạ nằm trong vùng quang phổ mắt thường nhìn thấy được. Giống bức xạ điện từ, với cái nhìn của khoa học là những sóng hạt chuyển động liên tục được gọi là photon. Tốc độ ánh sáng nhanh hơn âm thanh.Khoa học cho rằng ánh sáng chỉ là một trường hợp riêng của bức xạ điện từ

Những ánh sáng bình thường đó là đẳng cấp biến dạng, giáng hạ từ thể tánh khối sáng không gian. Ánh sáng tiềm ẩn trong mọi vật thể, chỉ được thể hiện qua tác động lẫn nhau.Riêng con người và những động vật, có một ánh sáng nhất định. Động vật đẳng cấp cao thì quang độ càng nhiều; vì thế, con người là động vật thượng đẳng, nhiệt lượng hỗ trợ từ năng lượng sinh học tiến đến năng lượng sinh thức; những nhà thấu thị, những guru, những nhà thiền định cực đại biến năng lượng sinh thức tiến lên năng lượng siêu thức, trí tuệ phát sinh; đó là nguồn sáng đồng thể với khối sáng vũ trụ.

Các nhà nghiên cứu quang học mang thuần chất vật lý, vì thế chỉ dừng lại những bước sóng khả kiến, hồng ngoại, tia tử ngoại; ánh sáng sóng điện từ áp dụng vào cơ dụng vật lý đời thường như sóng viba, vô tuyến, quang tuyến X, TV, radio…

Nguồn sáng từ mặt trời chỉ giúp thực vật tăng trưởng mang tư chất của từng thảo loại, đó là hiệu ứng quang hợp. Những dạng điện từ nhìn thấy được hay không, được xem là ánh sáng. Ánh sáng nguyên thủy là một khối sáng thuần khiết không mang tạp tính. đến lúc tương tác hoặc khúc xạ, nguồn sáng đậm đặc mang tính sóng hạt, từ sóng hạt tụ lại cô đọng dạng thể vật chất.Những bậc chứng đắc toàn triệt xem cơ cấu vật chất chỉ là chiếc bóng giống như mặt đường nhựa giữa trưa hè hiện ra sóng nước lấp lánh, không thật có. Như vậy vật chất có thể nhìn thấy xúc chạm là dạng cô đặc của khối sáng nguyên thủy. Từ dạng vật chất đã đánh lừa cảm giác, con người xem đó là thật, các loại động vật khác tùy hệ cảm biến mà nhận ánh sáng dưới tác dụng khác nhau hoặc bằng thanh âm, mùi vị, hơi ấm. Thí dụ, mèo rất sợ rắn, nhưng dùng con rắn bằng nhựa nhử mèo, không những nó không sợ mà còn tha đi chơi. Không phải nó phân biệt đó là rắn nhựa, vì nó không tiếp nhận nhiệt lượng mùi đặc thù của rắn; loài dơi tiếp nhận sóng âm (âm thanh cũng là một dạng biến thể của ánh sáng).Cũng thế, mỗi sinh loại có một khứu giác, thị giác, thính giác cá biệt để cảm nhận những biến tính của ánh sáng qua các dạng vật chất, hương vị…

 

                                                          ***

Một vật thể nghiền nát trở thành hạt bụi, hoặCkhông còn dạng hạt bụi mà nhà Phật gọi là thủy trần, thủy trần có thể xuyên qua phân tử nước, khoa học chỉ biết có thế thôi,một vật không còn là thủy trần, chúng sẽ đi về đâu? Một tính thể uyên nguyên không thể dùng vật lý đo lường, kiểm nhận, kiến thức tưởng tượng không thể nắm bắt. Thời nhà Tống,  Vô cực đồ là một trong chín tác phẩm của Hi Di tiên sinh Trần Đoàn lão tổ, do chứng đắc cảm nghiệm được nguyên thủy của vũ trụ, từ “vô cực”sanh “thái cực”, trùng trùng biến sanh hiện tượng vạn loài.

Vô cực là không gian mênh mông thuần khiết hàm tàng điển lực từ ái êm dịu; một số người chết lâm sàng, thần thức xuất ra, trôi vào vùng sáng, tuy không có đối tượng, nhưng tâm thức cảm nhận sự trao đổi không lời với đấng vô tướng.Những minh sư Thánh đức đều cho biết bầu năng lượng phủ trùm toàn vũ trụ, do hệ cảm biến con người tiêm nhiễm âm chất từ thực phẩm đến tư duy, cảm thọ, mất căn bản đạo đức,thiếu tình người, nên khó tiếp nhận năng lượng gốc của vũ trụ.Một vật thể bị cong do khúc xạ ánh sáng khi nó đi vào chất lỏng, ví dụ cái que cho phân nửa vào thau nước. Thế thì khi tâm thức bị hiễm ô chìm vào không gian dục giới, dĩ nhiên sẽ bị biến dạng, khó nhận ra được ánh sáng  gốc của trí tuệ.

Một sinh vật mất căn bản đạo đức và tình thương, năng lượng từ cơ thể là vòng nhiệt lượng tối bao phủ cơ thể..Người có tâm thức thánh thiện được bao phủ vòng nhiệt lượng trong sáng, ai được giao tiếp với họ đều cảm nhận thoải mái dễ chịu. Nhà thấu thị hay người có thiên nhãn, huệ nhãn nhận thấy rõ.

Bậc chứng ngộ toàn triệt có khả năng tán xạ năng lượng hướng đến mọi phía tác động hỗ trợ đến bất cứ đối tượng nào muốn nhận năng lượng thanh khiết đó.Thế thì nhà khoa học vật lý lượng tử gọi là sóng hay hạt cũng chỉ là biểu tượng hóa, thực chất nguồn sáng nguyên thủy trong không gian không là sóng cũng chả là hạt. Nó chỉ là sóng hay hạt thậm chí là sợi khi hạ thế nguồn sáng xuống băng tần vật chất, nó không còn là nguồn sáng nguyên thủy; khi nguồn sáng biến thành vật chất, bị khoa học sử dụng theo ý đồ tiện nghi, nguồn sáng không còn mang tính dịu dụng cơ bản, biến thành mối nguy tiềm tàng trong đời sống. Ví dụ tia X, điện năng, máy lạnh…vừa là tiện dụng vừa là tác hai lâu dài cho sức khỏe, cho tần Ozone.

.

 

                                                               ***

Ánh sáng có ba loại: Ánh sáng thiên nhiên, ánh sáng sinh học,ánh sáng nhân tạo, đều khởi xuất từ khối sáng nguyên thủy của không gian.Tế bào não có đủ năng lực chuyển hóa năng lượng nội tại mà khoa học dùng vật lý sinh học cũng không thể đạt được theo ý muốn. Năng lượng cơ học không thể thay thế năng lượng não bộ,   không thể phát triển và hòa nhập vào năng lượng vũ trụ khi nghiệp thức con người chưa được bạch tịnh hóa,trong Duy thức học, thức thứ tám được gọi là “Bạch tịnh thức”Khi hàm tàng thức được tẩy xóa thì khối sáng không gian và tâm thức hòa hợp làm một. khối sáng là từ trường thanh điền vốn hằng hữu tồn tại, nhưng do tập khí con người tạo một bức màn ngăn cách.

Những pháp hành là  những quy trình thanh tẩy, tiến hóa tâm linh một cách tiệm tiến thông qua giới-định-tuệ đều để xóa nhòa bức màn ngăn cách đó.Con đường ngắn tắt không mất thời gian đi đến hợp nhất với tình thương là tự mình thánh hóa tâm thức và hành động ngay trong đời thường giữa con người với con người, giữa mình với vạn loại và thiên nhiên. Tình thương, bác ái, nhân từ thể hiện đạo đức nhân thân, không có ngã chấp, có khả năng hóa giải mọi chướng duyên và nghiệp báo. do thiếu tình thương với nhân loại nên đã xảy ra những tệ nạn trục lợi với bất cứ hoàn cảnh nào để rồi nhận lãnh hậu quả do chính mình tạo ra. Những tâm hồn và việc làm thánh thiện luôn đem lại sự an ổn hạnh phúc trong tâm hồn và được bù đắp xứng đáng không chỉ từ cộng đồng nhân loại mà ngay đức thánh thiện nâng tâm hồn gần với năng lượng yêu thương để hòa hợp với nguồn sáng làm một, thánh thư Bà La Môn gọi là tiểu ngã hòa nhập cùng đại ngã, Phật giáo gọi là trở về Phật tính hằng hữu trong ta, Thiên chúa giáo “Để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con”  (Ga 17,21).

Nguyên tắc chung của bấc cứ Tôn giáo nào cũng đều đặt tình thương, sự kham nhẫn, đức trong sạch và sự hy sinh vô ngã lên hàng đầu trong nhân cách sống.Những hành giả, guru, minh sư…là những vị đạt trình độ tiến hóa tâm linh thông qua những tiêu chí thánh thiện để khai mở siêu thức, gọi là chứng đắc, hoặc toàn phần,hoặc từng phần trong suốt thời gian khổ luyên. Có nhiều con đường tiến hóa, tiệm có, đốn có, tất nhiên cũng sẽ có chìa khóa bí ân để thẩm thấu tâm thức và ánh sáng trí tuệ, nguồn sáng tâm linh vào vũ trụ đơn thuần nhất cho những ai hữu duyên.

MINH MẪN                                                                                                            20/12/2021

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

HỒI NIỆM ÚT BẠCH LAN

Ai vừa nghe tên, liền nhớ đến nghệ sĩ xuất thân từ vùng đất Long An, Đức Hòa, một thời trứ danh miền Nam, khởi nghiệp cùng nghệ sĩ đàn ca Văn Vĩ.

Riêng người hồi niệm, chỉ nhớ một Út Bạch Lan của riêng mình, vì Bạch Lan này không phải người của công chúng.

Chả biết sống chung từ thuở nào, có lẽ trên dưới ba mươi năm;cái ngày cầm mãnh giấy ra trại không biết quy kết tội gì suốt mười năm giam thân trên rừng trong rẫy, thuở ấy, lấy cái ngày đám giỗ bà già vợ làm lễ ra mắt chui, vì quá nghèo, không tổ chức đình đám, không mời mọc bạn bè, bà con. Cha mẹ đến dự với cặp nước xá xị trên danh nghĩa đi đám giỗ.

Cuộc đời cái gì cũng đơn giản như đang giởn;tù không tội cũng đơn giản; xuất thân từ nhà Đạo mà nhà chùa vẫn không dám chứa, thường xuyên chùa bị truy xét hàng đêm, ngày cho ăn, đêm phải ngủ gầm cầu; con đường an thân đơn giản chỉ còn bóng che từ ngôi nhà cổ xưa mà người con gái không cha không mẹ, hẫm hiu với lon cơm của  nữ công nhân thuở ấy.

Gần hết đời người, mãnh giấy xác nhận quyền công dân lận lưng cũng không có; thế nhưng vẫn nhởn nha với thế cuộc thăng trầm, như bong bóng chập chờn giữa tầng không. Tu sĩ trẻ ngày nào đã biết cầm cuốc sản xuất trong trại giam, biết bơm gaz quẹt vỉa hè, biết bon ba để nuôi hai cái miệng. Cô công nhân năm xưa biến thành người nội trợ, chàng tu sĩ như mơ trở thành dân sống ngoài chợ đời; Khi tạm ấm cái thân, no cái bụng, xoay qua hí hoáy con chữ mua vui lòng người.

Sớm đi tối về như hai chiếc bóng thầm lặng, chả ai quan tâm ai, nhưng nào được bể yên sóng lặng khi nghiệp quả cứ đùa cợt với kẻ từng mang nợ áo cơm của bá gia thuở xưa. Hiền nội ngã bệnh nhiều lần, đặc biệt là lúc nào cũng có mặt nên kịp lo cho nàng.Sau một đêm tháng năm âm lịch Canh Tý, bị bán thân, một mình không lo xuể, sau 10 ngày, đành đưa nàng về trại dưỡng lão từ thiện của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở Cát Lái. 5 tháng sau xa nhà, xa người thân, nằm đơn độc giữa chốn xa lạ, nàng ra đi, trước đó hai tháng, ai đó đến nhìn mặt nói: cô sắp hết nghiệp rồi, nàng khoe khi qua thăm viếng.Thoáng đã giáp năm hiền nội. Có chồng con, có mái ấm, khi bỏ thân lại là chốn đồng ruộng hoang vu. Đệ tử Phật giáo Khất Sĩ lại được đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo chăm sóc, mai táng làm tuần, trợ niệm. Khó mà đoán tương lai khi nghiệp  quả quyết định.Trong căn nhà còn lại, ba người ba nơi, kẻ âm người dương,trống trãi hiu quạnh.Thỉnh thoảng linh cảm như bóng hình người xưa còn lẫn khuất đâu đây!

Con trai phương xa luôn nhắc mẹ, thường đến chùa cầu cho mẹ về chốn an lành.Không ngờ ngày ra đi 8 năm là ngày xa mẹ cuối cùng vĩnh viễn;  cuộc sống xứ người còn chật vật, cũng tằn tiện gửi  tiền về lo đám cho mẹ đồng thời tạ ơn ân nhân đồng đạo, những đồng đạo rất nghèo, sống bằng lao động phổ thông, nhưng lòng từ thiện nào đâu sánh được.

                                                           ***

Nghĩ lại,người còn sống cạnh thì chả bao giờ quan tâm, khi mất rồi, từng câu nói, từng sự việc cứ tái hiện trong đầu. Giận hờn trách móc trở thành vô nghĩa khi lòng ăn năn nghĩ đến cái bệnh hoạn, cái đớn đau của người thân..Những lúc qua thăm nàng nhìn rớm lệ, muốn dược nhìn mặt bà con nhưng có ai nghĩ đến tình cảm người sắp lìa đời. Nơi vùng đất xa lạ, chắc nàng nghĩ ngợi và nhớ nhà nhiều lắm, ngôi nhà ông bà cha mẹ nơi sinh ra nàng, biết bao kỷ niệm mà giờ phải chịu cảnh lìa xa.

Cái gì mất thì khó mà có lại, nhất là tình cảm bạn bè, thân nhân, hãy thứ lỗi cho nhau,đừng nặng lời cho thỏa mãn tự ái để người thân phải đau lòng.Ngày nay trong gia đình, bạn bè  thường xảy ra bất hòa đưa đến tan thương đổ vỡ,nước đổ rồi khó mà hốt đầy lại.Có mất rồi mới thấy trân quý, hãy giành cho nhau tấm lòng ấm áp yêu thương;kỷ niệm đẹp là chất liệu sống của cuộc đời ngắn ngủi. Đừng để hối hận khi đã xa tầm tay. Đây là bài học đáng giá ngẫm lại thoáng đã giáp năm thật đơn giản như đang giởn!.

Kỷ niệm giáp năm ngày em ra đi

 

MINH MẪN                                                                                                               15/11/2

PHẬT SỰ CUỐI NĂM

 

Tháng 11 năm 2022 sắp đên chu kỳ đại hội của GHPGVN hiện nay, vì thế, các tỉnh thành, thị huyện đều đại hội bổ sung, tái cấu trúc nhân sự.

Phật giáo Bà Rịa Vũng Tàu cũng vậy, đang tuyển chọn nhân sự tại thị trấn Phú Mỹ, đồng thời dự kiến người ké thừa khi Hòa thượng trưởng ban mãn nhiệm.

Trong 63 Tỉnh thành,  duy nhất có Bà Rịa Vũng Tàu luôn gặp trục trặc mỗi khi đại hội.Những nhiệm kỳ trước, HT trưởng ban phải cầu cứu Trung ương Giáo hội phía Nam khi nội bộ gặp tảng đá của hàng con cháu ngán trở. Nay,nhân sự Phật giáo Tỉnh cũng không thể áp dụng tinh thần lục hòa vào công tác Phật sự do tinh thần dân chủ (nói theo thế gian) Hòa hợp Tăng mỗi khi Yết ma thiếu đồng thuận.

Phe thuận và chống không ai nhường ai, mỗi phe đều tìm thế dựa, kẻ dựa vào chinhs giới, người nương vào văn phòng2 TW. Kết quả cho dù có kẻ thắng người thua nhưng cái mất mát đau đớn nhất vẫn là quần chúng Phật tử và bộ mặt Phật giáo được mệnh danh Thiên nhân chi đạo sư.

Phật giáo trong và ngoài nước đều vậy, khó mà đoàn kết như Tôn giáo bạn; có người nói Phật giáo là một tổ chức không có tổ chức; tổ chức với tổ chức, cá nhân với cá nhân đều bất hòa, chống trái nhau; nhưng đặc biệt của người con Phật, tuy là những cơn sóng thần cuồng nộ, nhưng đáy biển vẫn lặng như tờ. Thế đấy, tấm lòng nhân ái như “thảo phủ địa”, cỏ che mát mặt đất thế nào thì tâm từ vẫn bao phủ che khuất những bất hòa để lòng người con Phật tinh tươm với nét bao dung.

Mong là vậy, tư thời Đức Thế Tôn đến nay trong các giáo đoàn, Tăng đoàn cũng đều vậy, có thế Phật giáo mới phất triển như hôm nay.

MINH MẪN                                                                                                               14/12/2021

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Ý THỨC – VÔ THỨC – TIỀM THỨC

 Ý THỨC LÀ GÌ?

Đây là một vấn nạn, tùy mỗi góc độ có một định nghĩa khác nhau.

Ý thức theo tâm lý học được định nghĩa là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ có ở con người. Ý thức là sự phản ánh bằng ngôn ngữ những gì con người đã tiếp thu trong quá trình quan hệ qua lại với thế giới khách quan.

                                                       ***

Ý thức theo định nghĩa của triết học Mác-Lenin là một phạm trù song song với phạm trù vật chất. Theo đó, ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ óc con người, có sự cái biến và sáng tạo. Ý thức có mối quan hệ hữu cơ với vật chất.

Ý thức phụ thuộc vào hoạt động của bộ óc người, nên khi óc bị tổn thương thì hoạt động ý thức không diễn ra bình thường hoặc rối loạn.

– Tuy nhiên, nếu chỉ có bộ óc không thôi mà không có thế giới bên ngoài tác động vào bộ óc, thì cũng không có ý thức. Do vậy, nguồn gốc tự nhiên cần có yếu tố thứ hai là thế giới bên ngoài.

Ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó (Karl Marx)

Ngay từ đầu, ý thức đã là một sản phẩm xã hội, và vẫn như vậy đến chừng nào con người còn tồn tại— Karl Marx và Engels.(Wikipedia)

Ý thức là trạng thái hay đặc tính của sự nhận thức, hoặc của việc nhận thức vật thể bên ngoài hay điều gì đó bên trong nội tại. (bách khoa toàn thư mở)

 

 

                                                          ***

Qua nhận định của học thuyết Duy vật và khoa học thực dụng, tiếp theo, thử tìm hiểu quan điểm của phân tâm học Freud:

Tâm trí ba cấp độ của Freud: 

Tiền ý thức bao gồm tất cả những thứ tiềm ẩn có thể được đưa đến vùng ý thức.

Ý thức bao gồm tất cả những suy nghĩ, ký ức, cảm giác và mong muốn mà ta nhận thức được một cách rõ ràng vào bất kỳ thời điểm nào. Ta có thể nghĩ đến và trò chuyện về những thứ kể trên theo lý trí. Ý thức còn bao gồm cả ký ức, không phải lúc nào ký ức cũng nằm ngay trong vùng ý thức nhưng nó có thể được triệu hồi dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào và giúp ta nhận thức nó rõ ràng.

Vô thức là một ‘kho tàng” các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn và ký ức nằm bên ngoài vùng kiểm soát của ý thức.

Freud liên hệ ba cấp độ của tâm trí như một tảng băng. Phần chóp băng bạn thấy ở trên mặt nước thể hiện cho vùng ý thức. Phần băng ở ngay dưới mặt nước nhưng vẫn có thể nhìn thấy chính là tiền ý thức. Và phần băng lớn, nằm ẩn sâu dưới nước mà mắt không thấy được chính là vô thức (Nguồn: Verywell Mind)

Vô thức: Cái nằm dưới bề mặt nhận thức

Trừ khi bạn ý thức được cái tồn tại vô thức trong con người bạn, còn không chúng sẽ dẫn dắt cuộc đời bạn và bạn gọi đó là định mệnh. (Nguồn: EmilysQuotes)

                                                                ***

Hiện nay,vẫn chưa nhất quán việc thẩm định về :”ý thức -  vô thức – tiềm thức”Theo Duy thức học,ý thức chỉ thức thứ sáu, phân biệt thức có tác dụng nhận thức phân biệt đối cảnh. Triết Tây, ý thức được xem như “tâm cơ năng, có khả năng nắm bắt đối tượng khách quan.

Tiềm thức, ý thức, vô thức đều là thể và dụng của tâm.Nếu bảo –“ Ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó (Karl Marx) thì Duy thức nói rằng:

“Do giả thuyết ngã pháp
Hữu chủng chủng tướng chuyển
Bỉ y thức sở biến
Thử năng biến duy tam”

 

Khi nói đến ngã và pháp thì trong tâm thức liền hiện những tướng pháp, ví dụ nói đến cảnh giới “không tướng”, pháp tánh thì làm gì có vấn đề đem chuyển vật chất vào đầu để cải biến? do “tưởng thức” xuất hiện mới có : hữu chủng chủng tướng chuyển”.Ngoài “Bỉ y thức sở biến”. thì không có đối tượng vật chất nào làm căn bản liên tưởng. Tạng thức là kho chứa các chủng tử để ý thức (thứ sáu) khởi phân biệt  gồm có ba tên: A lại Da, Dị Thục và Nhất Thiết Chủng.  

Theo Freud – Tiền ý thức của Freud thuộc dạng tiềm thức. Còn bảo vô thức dẫn dắt cuộc đời gọi là định mệnh, chưa hẳn là thế.Nếu vô thức không hình thành hạt giống rõ ràng nằm trong tiềm thức thì không thể  là định mệnh.Thí dụ công phu tu tập, thiếu ý thức tự chủ, tâm mơ màng lang bang, tĩnh tĩnh mê mê, vọng tưởng, thất niệm, ngủ gật…thiếu ý thức nhận rõ thực tại. Hoặc trong cơn mê bất tĩnh, ngủ say…thiếu ý thức, không làm chủ bản thân như mộng du, mộng tinh…đều là vô thức, gần như vô ký của Tạng thức, nó không hình thành một hạt giống tư lương đưa đến kết quả tu tập. Một A La Hán làm chủ sanh tử, ngủ và thức là một, không thể rơi vào trạng thái mộng tinh như một Tiến sĩ nhận định về Đại Thiên

 

                                                           ***     

Tóm lại, ý thức là sản phảm của vật chất theo Duy vật, đó chỉ là nhìn theo hiện tượng;tiền ý thức của Freud chỉ là tạng thức của Duy thức học,vô thức là trạng thái bất định tính không tượng hình hạt giống. Có một nhầm lẫn vô thức là trạng thái không câu chấp vướng mắc, không phải thế, đã là vô thức là không có ý thức tồn tại, không tự chủ rõ ràng.Những người nhập đồng đều nằm trong trạng thái vô thức, tuy không ngủ nhưng không tự chủ, buông thả ý thức  cho tầng song ngoại biên dẫn dắt mà Freud gọi là định mệnh.

Chuyên đề này cần đi sâu hơn, không thể diễn đạt qua vài ngàn tử trên trang mạng.

 

MINH MẪN                                                                                                            09/11/2021

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

ĐẠI TƯỜNG CỐ HT. THƯỢNG TRÍ HẠ QUANG

 

Thời gian luôn là lưỡi dao sắc bén cắt đứt dòng luân lưu cuộc sống.

Cái gì dù xấu hay tốt, dù giỏi hay dở, dù đẹp hay không,tất cả đều trở về quá khứ, trở thành một không gian huyền hoặc, một ảo ảnh của tâm thức; hồi tưởng cũng chỉ là vọng tưởng.

Lịch sử nhân loại có bao nhiêu danh nhân anh kiệt chỉ còn trên trang giấy mờ của tháng năm..Phật giáo cũng thế, chư Tổ đức, Thánh Tăng được lưu truyền bằng tưởng nhớ, bằng sự nhắc nhở như một ảo ảnh cho hậu thế noi theo.

Phật giáo Việt Nam trãi qua chiều dài lịch sử, thịnh suy với dân tộc như con thuyền bập bềnh theo cơn sóng;lúc tỏ rạng như trăng rằm, khi lu mờ như mây ám. Những kỷ nguyên đương đại, bao lần dân tộc nguy biến, luôn có những Tăng tài xuất đầu lộ diện để hộ quốc an dân. Những lúc mà cuộc thế trắng đen phân minh, nhân tài dễ nhận diện như ngọn đuốc sáng giữa đêm tối, nhưng khi xã hội thật giả xáo trộn khó phân, lòng người điên đảo, đôi khi danh Tăng trở thành tâm điểm đa diện cho cuộc đánh giá như cá cược rủi may, nay đúng mai sai.

Hòa Thượng Trí Quang thuở còn là Thượng Tọa, một nhân vật kỳ bí, xuất thân từ vùng đất sỏi đá làng Diêm Điền, Quảng Bình, (cũng nơi đây, làng An Xá quê Võ Nguyên Giáp, làng Đại Phong quê Ngô Đình Diệm) vào Huế tu học, trong thời gian chế độ nhà Ngô lãnh đạo, Thượng Tọa Trí Quang trở thành ngôi sao lãnh đạo phong trào tranh đấu, không những đối với quần chúng Phật tử,sinh viên trí thức, có cả giáo chức, quân nhân, tiểu thương…đòi bình đẳng Tôn giáo khi lá cờ Phật giáo bị triệt hạ. Tiếp sau Hội đồng quân nhân cách mạng là những cuộc chỉnh lý xáo trộn chính trường Miền Nam, Phật giáo lại tiếp tục dấn thân đấu tranh để hoàn thiện yêu cầu đề ra.Trong giai đoạn này, tuy các thế lực ngầm lợi dụng cuộc tranh đấu nhưng không ai tin đó là thành phần trung lập trong xã hội đương thời.

Con người trầm lặng, sâu sắc như sự sâu sắc của ánh mắt lõm vào làm đôi gò má nhô ra biểu thị tính cương trực bản lãnh.là một đối tượng của bao thế lực lưu tâm.Hòa Thượng trở thành một biểu tượng lãnh đạo phong trào, nhưng lãnh đạo một Tôn giáo thiếu tổ chức dấn thân vào đấu tranh giữa thời chiến loạn lạc không thể tránh những bàn tay chính trị lạm dụng, làm lũng đoạn, phân hóa.Thời nhà Ngô sản sanh ra “Lục Hòa Tăng” thì thời ông Thiệu xuất hiện “Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang”, bị chính trị bôi đen nên gà nhà bôi mặt đá nhau, nhưng chư Tăng lãnh đạo hai khối đều là những bậc chân tu khả kính.

Riêng Hòa Thượng Trí Quang bấy giờ còn là tu sĩ trẻ, tuy được báo chỉ nước ngoài thổi phồng ánh hào quang:”người làm chao đảo nước Mỹ”, Người vẫn trầm lắng khó hiểu, từ đó thuyết âm mưu xem là người của “mặt trận giải phóng Miền Nam”. Đến khi đất nước thống nhất, một vài nhân vật trong chính quyền vẫn nghĩ ngài là C.I.A. Mãi đến lúc còn là nắm tro tàn, không một đa nghi nào giải mã được vấn đề.

Tiến sĩ nghiên cứu Triết học và Phật giáo, Thái Kim Lan trả lời phỏng vấn của đài BBC:

“Hơn hết và trước hết tất cả, Thích Trí Quang là một người "dấn thân cho đạo pháp", một người "cứu độ Phật giáo" và "một nhà tu hành chuẩn mực", "Từ khi ước nguyện chấn hưng Phật giáo, cho đến khi nhắm mắt, thì cái ý nguyện duy nhất của Hòa thượng Thích Trí Quang là làm thế nào để thực hành được những lời của Phật dậy

"Và ông là một vị tì kheo nghiêm túc nhất mực khi hành đạo, khi tụng kinh, cũng như là khi đi theo Phật. Chưa có ai có thể vượt qua ông về cái tu chứng và hành trì.(Thái Kim Lan).”

Sau 1975, ngài ẩn mình chuyên tâm hành trì để chú giải king tạng, sự im lặng khó hiểu đối với nhãn quan chính trị nhưng lại là cái im lặng sấm sét của nhà Phật một  khi biết áp dụng lúc nào nói năng như chính pháp, im lặng như chính pháp. Hành xử của bậc trí Thượng nhơn làm sao người thế gian có thể hiểu đúng và hiểu hết.Quá trình đóng góp  cho văn hóa Phật giáo, ngài là một trong những nhân tài của giáo dục, phiên dịch kinh sớ. chú giải luận thư xây dựng lại tinh thần Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng, làm nền tảng cho Phật học và giáo dục Tăng ni trẻ ứng xử theo Chánh pháp.

Cuộc đời thanh bạch, đơn giản, lúc sanh tiền cũng như khi viên tịch, hầu hết các thạch trụ Phật giáo xưa nay đều như thế. 96 năm trụ thế là 96 năm lưu lại nhân gian bao giá trị về nhân cách, trí tuệ, tài năng và công hạnh.

Từ thế kỷ 19 đến  21 có biết bao danh Tăng Phật giáo Việt Nam gánh vác sứ mạng Đạo Đời song toàn, cho dù lúc Bắc Nam còn đang phân cách,bởi – Thế gian pháp tức Phật pháp.

Thoáng mà ba mùa lá rụng, hình ảnh bậc kỳ nhân vẫn chưa phai mờ trên trang sử,tuy là một thạch trụ Phật pháp đương đại, mãi đến bây giờ nhân thế vẫn còn đặt câu hỏi:

“Thích Trí Quang là ai?”

 

MINH MẪN                                                                                                     

  16/11/2021  (12/10 Tân sửu)




Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

LỄ TANG ĐỨC CỐ PHÁP GHPGVN

 


Xong một kiếp người, cho dù là vương bá hay dân dã, thánh nhân hay phàm tục, đời hay đạo…được chấm dứt bằng sự thương tiếc hay lạnh lùng; tiễn đưa đình đám hay tẻ nhạt, sau đó, dư âm là gì?

105 tồn tại trên dương gian đủ để trãi nghiệm bao thăng trầm, chứng kiến bao thay ngôi đổi chủ trong một xã hội, là chứng nhân của kiếp người trong cõi vô thường. Người là một trong những thạch trụ Phật pháp giữa thời đại dân tộc chịu lắm tang thương.Những thập kỷ trong một xã hôi không ai có quyền riêng lẻ, không trong đoàn thể này cũng phải chịu sự ràng buộc trong một tổ chức khác, tất cả nằm chung trong cái gọi là “Mặt trận Tổ quốc”. Vốn dĩ cuộc đời gắn liền với ruộng đồng, Người có chân trong Hợp tác xã nông nghiệp, để rồi, sau mấy mươi năm bạc màu nâu sòng, cho dù đất nước đã thống nhất, Người vẫn không rời đôi guốc mộc và cán cuốc, như hiện thân của Tổ Bách Trượng, kể cả được thế nhân tôn vinh lên ngôi vị Pháp chủ GHPGVN.

Vẫn chùa xưa, vẫn sống an lạc bằng hạt lúa ruộng đồng do chính tay Người cày cấy, vẫn hàng đêm chong đèn soi kinh dịch sớ cho trọn hạnh lành của một sứ giả Như Lai. Xa rời tiền bạc, gần gũi thanh quy giới hạnh. Ngôi Pháp chủ chỉ là ảo ảnh thế nhân xưng tụng.Hạnh thanh bần xả ly hơn một thế kỷ, khi ra đi cũng muốn thân cận với bụi hồng; di nguyện thật đơn sơ, thật giản dị, không mất thời gian, không làm tốn kém của người còn lại. Di nguyện của một tâm thức vĩ nhân là thế, nhưng đàn hậu tấn, sơn môn pháp phái, đồng môn và Giáo hội nào ai muốn chệch lời di huấn, cũng chả có thể ngồi nhìn đấng cha lành ảm đạm cô đơn như một dân dã khi lìa đời. Cái đám lễ tang chả lấy gì làm to tát so với lễ tang của cố Tổng giám mục Nguyễn văn Bình trước đây. Họ xứng đáng được tôn vinh khi cả đời phụng sự cho lý tưởng, cho tha nhân.

Qua tang lễ, nhiều ý kiến trái chiều, phê phán có, ngợi khen có, tất cả đều đúng ở mỗi góc độ mỗi tầm nhìn, ngoạt trừ tâm đố kỵ. Cha mẹ mất đi không bao giờ muốn con cháu giỗ chạp đình đám, nhưng đình đám vẫn xảy ra,đó là tấm lòng đối với người quá cố.Đức Pháp chủ tuy ở ngôi vị Người không hề mong muốn, do quá trình đức độ dày công trước thế sự nhiễu nhương vẫn không hề phai nhạt nhân cách; đức trọng quỷ thần kinh lẽ nào không đáng cho sự tôn vịnh của đồng đạo, sự ngưỡng mộ của thế nhân?

Không nên xem lễ tang vừa rồi như sự lệch hướng di nguyện của Người. Trong giới luật, Phật còn chấp nhận  du di những tiểu tiết không cần thiết để thích hợp phong tục tập quán nơi mỗi quốc độ, hà tất một lễ tang như thế chưa quá đáng với tầm vóc của bậc thánh hạnh.Di nguyện chỉ là ước nguyện của một cá nhân, nhưng lòng sũng ái của đàn hậu tấn đôi khi cần thể hiện cho thích hợp với một tổ chức,một uy đức của ngôi vị đang cần.Các đấng giáo chủ những Tôn giáo lớn chưa hề muốn tín đồ thờ phượng các Ngài trong đền thờ uy nghi; chả lẽ trong thời đại tiên tiến, ngôi am tranh thờ phượng lọt thỏm giữa lầu đài phố thị? Tùy nghi nhi hành, không nên cố chấp thiên lệch, ngoại trừ có tâm đố kỵ chỉ trích phê phán.

Dẫu sao, đáng mừng là Người ra đi vừa chấm dứt lệnh phong tỏa mùa dịch, nhưng đáng buồn khi tu sĩ Phật giáo trong nước đa phần còn quá mỏng manh về giới đức, rồi đây, người kế thừa có đủ những yếu tố “ắt có và đủ”để ngôi nhà Phật giáo trong nước xứng đáng tầm vóc của “Thiên nhân chi đạo sư”?

Một ngôi sao băng giữa bầu trời u ám, nhưng bầu trời u ám vẫn còn ẩn tàng một ánh sao mai.

 

MINH MẪN                                                                                                                   26/10/2021

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

PHI NHUNG VÀ DƯ ÂM

 



Trong năm nay, mùa COVID đã tiển biệt không biết bao nhiêu người, trong đó, giới nghệ sĩ tài danh cũng không ít; Phi Nhung là một trong những ca sĩ đi vào long người, ngoài cái tầm danh ca, còn có cái tâm nhân hậu.

Phi Nhung nằm xuống, chưa đầy 24 tiếng, Hội Đồng Trị Sự GHPGVN đã trao bằng tuyên dương công đức cho một  Phật tử can đảm vào tận vùng dịch với bà con đang nhiễm, đáng ra cô được tiêm vaccine, nhưng xin nhường lại cho người khác, đáng ra cô đi Mỹ, nhưng hủy vé để đến với đồng bào đang chịu khổ nạn. Dĩ nhiên còn rất nhiều cống hiến âm thầm cho đồng bào bằng tâm từ của một phật tử. Cô hiểu nổi đau của những gia cảnh có người thân lâm bệnh, cô thấu nổi bơ vơ của trẻ mất mẹ cha như cô từng là, vì thế 23 trẻ mồ côi được cô cưu mang với tấm lòng nhân hậu, trãi tình thương của người mẹ đối với lũ trẻ khi mà cô thiếu tình thương từ thuở bé. Có hiểu mới có thương.

Không thiếu những nghệ sĩ đến với đồng bào lúc thiên tai bão lũ, nhưng mấy ai can đảm đối mặt với hiểm họa thế kỷ như Phi Nhung. Sau cái tin Phi Nhung xuôi tay với tử thần, trong nước ngoài nước, truyền thông chính thống và trang mạng xã hội, mọi giới thấu cảm nổi niềm xót xa một cách lạ kỳ, một tình cảm mà ít nghệ sĩ nào có được; vì thế Giáo Hội kịp thời trao bằng Tuyên dương công đức đối với Phi Nhung chả phải lạ. Vì ngay giữa cơn “bão lửa” xuất hiện một thiên sứ tình thương như Phi Nhung, đáng để tuyên dương.Nói thế, không có nghĩa cuộc sống bình lặng, các văn nghệ sĩ Phật giáo không cần tuyên dương? GHPGVN trước 1975, vào thập niên 66-68, cố Hòa Thượng Tâm Châu đã từng trao bảng tuyên dương cho giới văn nghệ sĩ có quá trình đóng góp văn hóa Phật giáo, trong đó có cố nhạc sĩ Hằng Vang. Từ ngày GHPGVN lập thành trên 40 năm, giới văn nghệ sĩ chưa được quan tâm đúng mức; ngoại trừ một số tổ chức Phật giáo địa phương như Daklak, một vài chùa riêng ưu ái khích lệ giới văn nghệ sĩ phấn chấn tinh thần tiếp tục sáng tác đóng góp cho Phật giáo trên mọi lãnh vực văn hóa và nghệ thuật như chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận thời cố HT Thông Bửu còn tại vị, tu viện Phước Hoa Long Thành Đồng Nai hiện nay, chùa Phi Lai Phú Yên do HT Thiện Đạo quan tâm.

Khuyến khích, nâng đỡ là kích thích tố nuôi máu văn nghệ đế sáng tác nở hoa. Kêu gọi đóng góp sáng tác mà không quan tâm khác nào muốn cho cây ra hoa trái mà không chăm phân bón. Một Thiên sứ tình thương như Phi Nhung lăn xả vào đại dịch, văn nghệ sĩ lăn xả vào chốn mê đồ, khác nhau trạng huống nhưng cùng một tâm phụng sự.

Chiến sĩ lăn xả thân mạng giữa lằn tên mũi đạn không vì bia đề tên liệt sĩ, Phi Nhung chấp nhận hiểm nguy không vì bằng tuyên dương, giới văn nghệ sĩ sáng tác không vì sự quan tâm của Giáo hội,nhưng dư âm tất yếu vẫn là điều không thể lãng quên, khác nhau là danh tiếng vang dội hay sự hy sinh thầm lặng đều đóng góp như nhau.

Đây là bài học rút ra từ khoảng trống vô tình cho bất cứ lãnh đạo tổ chức nào cần nhân sự hết mình để phục vụ, Dư âm luôn là đuôi sao chổi kéo dài của một sự kiện, một hiện tượng hiển lộ hay thầm lặng. Dú sao, ca sĩ tài danh, một Phật tử thầm lặng như Phi Nhung đáng được tuyên dương trên giấy tờ và lắng đọng tình cảm trong mọi người. Một dư âm khó phai!

 

MINH MẪN                                                                                                                     29/9/2021

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

TÙY THUẬN


Sám Phổ HIền câu thứ 9 :” cửu giả hằng thuân chúng sanh”.đọc qua, cứ nghĩ là lời nguyện có cánh trong cơn say cuồng nhiệt; dĩ nhiên sau thời kinh, sám nguyện là một thủ tục cần có. Mỗi ngày thường tụng trở thành thói quen không còn cảm nhận nét tinh túy thâm sâu của lời.Không vô cớ bài sám Phổ Hiền ra đời, 10 câu sám nguyện cũng không là mây trôi bèo giạt vô tình.

Xuyên suốt tinh thần tu học từ giáo lý, không hề hướng tín chúng thể hiện tính bảo thủ cố chấp, tự ngã, xem chúng sanh,đối ứng với ngoại vật như là người có thẩm quyền phán xét, với tính cao ngạo, để tự cách li với ngoại vật.Trái lại,khiêm hạ là tư chất của người tin Phật, thể hiện qua phẩm “Thường Bất Khinh” trong Pháp Hoa kinh.

Trong xã hội, người lãnh đạo điều hành đất nước không thể bằng ý tưởng siêu thực từ phòng kính, không sát thực tế với nhu cầu của người dân.

Trong Tôn giáo, người hướng linh của các Tôn giáo hay tăng sĩ Phật giáo luôn là người biết lắng nghe, biết hòa nhập cộng đồng, hiểu được căn cơ đối tượng mà trong “tứ nhiếp pháp” gọi là “đồng sự nhiếp”.

Tùy thuận hàm ý hòa đồng nhưng không hòa tan. Một Bồ tát thâm nhập vào chốn giang hồ tội phạm mới nắm bắt được tánh tình, trình độ, nhu cầu của họ để có phương cách chuyển hóa bằng tâm cảm thực tiển  chứ không rao giảng lý thuyết.

Ngược dòng chảy luôn gặp chướng ngại; ngược với đời khó hoàn thành tâm nguyện độ nhân. Ngay cả việc tu chứng, tùy thuận nghịch duyện mới thể hiện được chí nguyện hành trì. Theo tình thần Bồ Tát đạo – “thế gian pháp tức Phật pháp”, vì thế mới nói” Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ đề, cáp như cầu thố giác”. Đã chấp nhận thế gian làm bàn đạp tiến tu giải thoát tức phải hòa nhập, muốn hòa nhập phải tùy thuận.

Thuân và nghich của cuộc sống, tích cực hay tiêu cực đều giúp ta quán chiếu mức độ tâm an lạc.Còn muốn điều tích cực, tránh né những tiêu cực, thich nghe cái hay, không chấp nhận điều dỡ,thích nghe lời ca tụng, không muốn lời chỉ trích phê phán…đều là tâm chấp trước; tâm bị tác động bởi ngoại vật, tức tâm thiếu tự chủ, khó mà vượt khỏi mọi phiền não đời thường.

Hằng thuận chúng sanh cũng là tùy thuận tính nhu nhuyễn chính mình. Người giữ thăng bằng trên dây thế nào thì người tu cũng phải giữ tâm bình lặng giữa vô vàn nghịch duyên phiền não. Chúng sanh tâm hay chúng sanh ngoại cảnh đều cần kiên nhẫn tùy thuận; gọi là kiên nhẫn thực ra chả phải kiên nhẫn, vì tùy thuận là tự tánh nhu hòa trong mỗi hạnh lành. Kinh Kim Cang nói “Độ hết thảy chúng sanh, nhưng không thấy có một chúng sanh nào để được độ”.Bởi tùy thuận là lắng nghe nhu cầu nội tâm và hằng thuận ngoại cảnh thì không còn nghịch duyên hay thuận cảnh; không còn thuận và nghịch thì tùy thuận bấy giờ là tâm hòa ái an trụ, chan hòa cả chín phần sám nguyện còn lại của sám Phổ Hiền. Đó là hạnh nguyện phổ biến chan hòa hạnh lành của một hành giả thực hiện tu Phật.

Tùy thuận chúng sanh là tùy thuận chính mình để vượt qua mọi chướng duyên.

 

MINH MẪN                                                                                                                        19/9/2021

 

 

 

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

NGOẠI ĐẠO VÀ TÀ GIÁO


Chủ đề khá nhạy cảm đã dẫn dắt vô số người trong quá khứ cũng như hiện tại; Phật tử cũng như tín đồ các Tôn giáo hiện nay mang trong tâm tưởng một ấn tượng để khi phát ngôn gặp phải nhiều đụng chạm không nên có.

Cái gì mình thích thì những cái khác đều không tốt hoặc vô bổ, hoặc không đúng, không chính đáng. Chính quan điểm như thế, trong cuộc sống xảy ra quá nhiều mâu thuẩn, xúc phạm, tranh chấp lẫn nhau. Một clip thiếu thực tế vội cho là huyển hoặc, tà đạo, vì không thích hợp với nhận thức của ta.. Từ đó suy ra những vấn đề quanh ta trong cuộc sống được đánh giá , nhận định đều như thế.

Tất cả những hiện tượng từ con người đến động vật, thảo mộc; từ ý thức hệ siêu thực đến thực dụng, từ Tôn giáo đến triết thuyết…như một biểu đồ trên bức tranh tổng thể trong sự vận hành của vũ trụ.

Sự có mặt những gì trên hành tinh đang tồn tại dù tốt hay xấu, đều là điều tất yếu của hiện thể nghiệp thức biểu hiện. Đã là nghiệp thức tất không đồng nhất; do căn cơ bất đồng mà sản sinh những phụ thể bất đồng.

Trong phạm vi nhỏ đề cập là tín ngưỡng, Tôn giáo. Từ khi con người có mặt thì niềm tin xuất hiện. Đời sống bộ tộc có Thần linh của bộ tộc; một dân tộc có tín ngưỡng bản địa của dân tộc; thế thì Tôn giáo cũng là điều tất yếu xuất hiện từ một cộng đồng xã hội. Một Tôn giáo mang tính từ bi như đạo Phật, bác ái như Thiên Chúa giáo hay cực đoan sát phạt như một số thành phần cực đoan của Hồi giáo.. đều là tính tương quan của hai mặt trong một cộng thể. Có tốt tất phải có xấu, không thể đòi hỏi tuyệt đối. Do tính cố chấp bảo thủ đã xảy ra những cuộc chiến giữa Tôn giáo với Tôn giáo suốt nhiều thế kỷ mà lịch sử gọi là “thập Tự chinh”. giữa năm 1095 và 1291. Các chiến dịch tương tự ở Tây Ban Nha và Đông Âu tiếp tục vào thế kỷ XV. Các cuộc Thập Tự Chinh giữa người  Công giáo Rôma chống lại người Hồi giáo và các tín hữu Kitô giáo theo Chính Thống giáo Đông phương trong Byzantium, với các chiến dịch nhỏ hơn tiến hành chống lại người Slav ngoại giáo, Balts ngoại giáo, Mông Cổ, và người Kitô giáo ngoại đạo. Chính Thống giáo Đông phương cũng tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Hồi giáo trong một số cuộc Thập Tự Chinh. ( trong khi đó, Hồi giáo, từ tiếng Ả Rập là Islam, bản chất  phi bạo lực. Islam ngoài ý "phục tùng Chúa Trời" còn có nghĩa là "hoà bình". Thiên Chúa giáo cũng vinh danh Thiên Chúa là tình yêu và ánh sáng, bình an cho người dưới thế).

Cũng vậy, một quốc gia được xem Đạo Phật là quốc giáo, vẫn xảy ra xung đột đẫm máu giữa quân đội Myanmar với cộng đồng sắc tộc Rohingya. ở Rakhine.Bạo lực là hạt giống sân cộng với lòng tham và bảo thủ ẩn tàng trong thập kiết sử.. Nhà Phật dạy rất kỷ về “tam độc” và lòng từ bi, nhưng hầu như đa phần đều phạm phải tính bảo thủ, cố chấp, bài xích.

Tứ Phủ công đồng, dịch lý bói toàn và nhiều hình thức nặng phần tín ngưỡng tâm linh đã tồn tại trong dân tộc Việt Nam, có mặt trước khi Phật giáo đến Việt Nam, đã chung sống hòa bình với Nho Thích Lão, chứng minh được tính hài hòa, bình đẳng và từ bi của người tin Phật. Mãi đến khi phương Tây xâm nhập vào xã hội Việt Nam, đem theo nền văn hóa mới, dân tộc tiếp nhận được nếp sống tiên tiến, học được tính minh triết của triết học, biết nhận xét phân tích.”nhận thức luận,siêu hình học,luận lý học”…con người bắt đầu phát triển những tiềm năng thiện và bất thiện rõ nét. Nhất là những kiến thức được tiếp nhận khá cởi mở, ngã chấp cũng phát triển song song, dùng kiến thức học vị để soi xét từng ngóc ngách của tín ngưỡng Tôn giáo,xem cổ nhân là lỗi thời. Lý trí đã vượt trội lấn lướt tâm linh và tình cảm, chả trách Âu Mỹ có cuộc sống thực dụng, xem nhẹ tình cảm, đáng ra lý và tình cần song hành.

Do tính ngã chấp bảo thủ của những người theo Tôn giáo, xem đạo mình là chánh thống, tất cả không phải của mình là tà, là ngoại đạo; ngay cả cùng một Tôn giáo, Tông môn này xem tông môn khác là không đúng. Phật giáo Nguyên thủy xem Phật giáo Đại thừa là tà giáo, Thiền coi Tịnh độ của Phật Di Đà là ngoại đạo; Thiên Chúa giáo La Mã xem Tin Lành, Chính thống giáo…đều là ngoại giáo…Tất cả hiện thể trong cuộc sống như cơ quan nội tạng, mỗi lĩnh vực có một chức năng cung ứng nuôi cơ thể, cũng thế, mỗi Tôn giáo, mỗi Tông phái đều có chức năng hướng thiện, nếu bất thiện là do chính long người bảo thủ, cố chấp, ( chung một bàn tay  mà các ngón không đồng nhau, chính không đồng đều đã giúp bàn tay cầm nắm được vật, thế tại sao buộc tất cả đều cùng một tổ chức, một hình thái, một bản chất giống nhau, thì hà tất chỉ trích phê phán những tổ chức các tôn giáo khác là tà giáo, ngoại đạo?).

Phê phán, chỉ trích khi đối tượng cùng một chiến tuyến, chấp nhận mẫu số chung mới đủ tiêu chuẩn phê phán đúng sai; muối và đường khác bản chất làm sao so sánh cái nào ngon hơn, cần thiết hơn.Cùng trên sàn trình diễn mới đủ chuẩn so sánh ai là người mẫu; không thể đem A so sanh với B.Thế thì không thể lấy Tôn giáo mình, tông phái mình để xét đoan Tôn giáo khác, tông phái khác.Do sai lệch nhận thức đưa đến chỉ trích phê phán những Tôn giáo, hệ phái không thuộc lãnh vực của mình, mâu thuẩn, bất hòa tất yếu xảy ra.

Người tu Phật cần có tâm thái ôn hòa, bình đẵng, bao dung vì tất cả chúng sanh đều có Phật tính; Mọi hiên tượng đa sắc trong cuộc sống là sắc hoa tô điểm cho cuộc đời. Ta còn thở, còn nhìn thấy mọi hiện tượng là phải chấp nhận mọi sai biệt, làm gì có ngoại đạo, tà giáo trong cái nhìn của chúng ta. Giáo lý nhà Phật không hề khuyến khích bài bác bất cứ ai,Lục Tổ Huệ Năng từng khuyên hãy nhìn lỗi mình, đừng nhìn lỗi người. Chúa Giê-xu dạy: “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét” (Ma-thi-ơ 7:1)

Qua lịch sử chứng minh, bạo lực, cố chấp, bảo thủ là hạt giống tiềm ẩn trong mỗi người, khi Tôn giáo có thế lực kết hợp chính trị bị khích động thường bộc lộ bản chất bất thiện, tàn độc. Chính trị và Tôn giáo luôn là mãnh đất màu mỡ dễ phát tán bạo lực nếu người tu Phật không nhận rõ và kiểm soát tâm mình.

 

MINH MẪN                                                                                                               03/9/2021

 

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

TINH THẦN LẠC QUAN TRONG MÙA COVID

 

Dịch đem lại chết chóc tan thương cho nhân loại; trước tình cảnh tử biệt sanh ly, không ai tránh khỏi nao lòng. Nhưng bi quan buồn thảm không giải quyết được gì.

Trên mạng thường xuất hiện nhiều tình cảnh đau xót, nhưng cũng không thiếu những clip hài hước. Những người khó tánh phê phán: “trước cảnh đau thương mà còn cười được, phải chăng là người ta đang xem thường nhau?”

Theo các nhà khoa học đo được,người có tần số rung động cao sẽ không làm suy yếu hệ thống miễn dịch, có thể lấn át các loại virus.

Những yếu tố nâng tần sô rung động cao  như:”yêu thương, mỉm cười, chúc phúc, cảm ơn, hài hước, vui tính, an lạc,ca hát, tập yoga, hào phóng, hy sinh cho nhau, tình thương với mọi loài và những điều tạo sự phấn chấn tâm hồn” thực phẩm cũng giúp chúng ta thêm thanh khiết là ngũ cốc, rau xanh, trái cây…

 Ngược với những điều trên là tâm lý sợ hãi,ngờ vực,lo âu,, ganh tị,tham lam, căng thẳng, ám ảnh niềm đau trong quá khứ, chất chứa lòng hận thù, thường chỉ trích phê phán…

Hình ảnh Thường Bất Khinh Bồ Tát cho ta thấy tính khiêm hạ, an lạc, tự tại. Một Thiền sư bị vu oan vẫn điềm nhiên nhận lỗi, trước lời khen chê vẫn an nhiền điềm đạm. Tóm lại, các Thánh hạnh của bậc chân tu không có tâm thái tiêu cực, luôn vui vẻ.

Trong tình hình dịch bệnh đe dọa mạng sống từng giờ, sao ta không tạo cho mình tinh thần vui tươi an lạc, vì lo sợ đau buồn không giải quyết được gì mà còn đem lại tần số rung động tiêu cực ảnh hưởng hệ miễn dịch trong ta.Chia xẻ trước niềm đau mất mát không phải chỉ là sự đồng cảm,nghiêm túc. Dù trước mắt là sự chết chóc, người thường đau buồn, nhưng ta thầm vui mừng cho họ vừa trả xong một kiếp sống, cầu cho họ kiếp sau được thoát bao tai nạn đau khổ…Những điều mà thường nhân cảm thấy bất hạnh, ta nhìn mặt trái của bất hạnh là một may mắn vô cùng. Điều gì cũng có hai mặt gắn liền nhau, người tu là người đi ngược lại mọi cảm thọ của đời thường, từ đó an lạc luôn hiện diện trong ta thì sao gọi là xem thường cái đau của người khác. Ta có quyền chọn một thái độ sống, nên chọn cho ta thái độ tích cực an lạc trước mọi hoàn cảnh hơn là tiêu cực, ảm đạm.

Hài hước, vui vẻ, an lạc là thái độ khôn ngoan của người tu Phật, từ hài hước vui vẻ phát sanh lòng từ đối với cuộc sống. Vì thế, sẵn lòng chấp nhận mọi tin vui, buồn, để không bị tác động của buồn vui, có thế tinh thần an lành là lực lượng tích cực giúp ta vượt khỏi mọi tác động của khổ đau, bởi cưộc đời vốn đã là đau khổ, rót thêm khổ đau vào lòng là tự mình dìm hệ miễn dịch trước cơn đại dịch.

Tinh thần tích cực giúp hệ miễn dịch tốt, tiêu cực làm suy yếu hệ miễn dịch, đó là nghiên cứu khoa học trong luận án Tiến sĩ của David R. Hawkins, được bác sĩ trị liệu Naturotheo, Tiến sĩ Harshai Sancheti, Násik Tổng họp.

 

MINH MẪN                                                                                                                19/8/2021