Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

LỀ THÓI VÔ TRÁCH NHIỆM



Qua những ngày nóng bỏng về vụ” thầy trò Đường Tông…” nhiều cư dân mạng và độc giả báo giấy, đã có những phản ứng gay gắt.



Trước sự việc diễn biến như vậy, ông Trần Sỹ Minh, giám đốc ngôi nhà tuổi trẻ tuyên bố tỉnh bơ: "Tôi phụ trách chung nhiều mảng nên không có điều kiện theo dõi sát sao nội dung cuộc thi. Việc một tác phẩm dự thi bị độc giả phản ảnh là 'phản cảm' là điều hoàn toàn nằm ngoài ý muốn và chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm"



Vâng, ông phụ trách chung nhiều mảng có nghĩa một mình ông ôm đồm công việc mà không có phụ tá? Vô lý! Nếu có phụ tá thì ông cũng phải chỉ đạo mục đích công việc, khuynh hướng và dự đoán những điều bất cập cần phải tránh. Sự việc xẩy ra đã nói lên tinh thần vô trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức. Việc một tác phẩm dự thi bị độc giả phản ánh là “phản cảm” là điều hoàn toàn nằm ngoài ý muốn…Một câu nói của một giám đốc hết sức vô nghĩa, bởi lẽ, có ai muốn bị phản cảm đâu mà gọi là ngoài ý muốn, bị phản cảm là do thiếu tinh thần trách nhiệm thì không thể nói muốn hay ngoài ý muốn. Và cuối cùng “chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm” thế là xong?


Trẻ con chơi đốt nhà hàng xóm, bố mẹ qua bảo: Đó là ngoài ý muốn, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm? Chỉ có những cán bộ vô trách nhiệm mới nói như thế. Trong những quốc gia tiến bộ, cấp dưới làm sai, cấp trên xin lỗi và tuyên bố từ chức ngay. Thậm chí tai nạn giao thông cũng buộc bộ trưởng giao thông tự nguyện từ chức. Xã hội ta chưa đạt được trình độ ý thức và nhân cách như thế nhưng chẳng lẽ lời xin lỗi cũng không đủ can đảm thốt ra?



Hầu như chưa có cán bộ nào đứng ra xin lỗi người dân khi sự việc làm mất lòng dân, có lẽ họ nghĩ luôn luôn người dân sai chứ cán bộ không thể sai : ”VÔ NGỘ” !!! rút kinh nghiệm là câu nói thuộc lòng trước những sự cố gây tổn thương tinh thần cũng như vật chất trong một đất nước do họ lãnh đạo.


Tuy hai tiếng xin lỗi một cách nhẹ nhàng, nhưng rất khó cho những con người luôn bảo thủ và vô trách nhiệm.



MINH MẪN


13/3/2012


Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

TUY CÓ HƠI MUỘN ?



Qua một tuần xôn xao vụ “ Đường Tông đi thỉnh bao cao su”; phản ứng gay gắt từ trong nước đến ngoài nước, cuối cùng V/P II Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã có văn thư số : 088/CV HĐTS ngày 17/3/2012 gửi Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông và Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn TNCS HCM.


Sau 30 năm Giáo hội có mặt trong xã hội Việt Nam, đây là lần đầu tiên Giáo hội thể hiện tính bản lĩnh trước cơ chế cầm quyền hiện nay. Thật vậy, hầu như ai cũng biết, trước đây, Giáo hội nói chung và tu sĩ Phật giáo nói riêng luôn tuân phục và im lặng, cho dù có những điều thiệt thòi cho Phật Giáo. Sự kiện xẩy ra cho thấy, Việt Nam hiện nay tự do theo kiểu vô trách nhiệm, vô ý thức của giới trẻ cũng như cán bộ liên đới sự kiện. Tuy nhiên, vẫn còn có những người biết chuyện sai quấy, tuy chưa chính thức lên tiếng xin lỗi Phật giáo và quần chúng Phật tử, một vài trang mạng đã kéo clip khả ố đó xuống. Trước sự xúc phạm nặng nề Thánh tượng và niềm tin tôn giáo của cộng đồng Phật giáo Việt Nam, buộc lòng Trung ương Giáo hội phải lên tiếng một cách nghiêm túc gửi đến các cơ quan chủ quản trung ương. Cũng qua sự kiện nầy, Giáo hội đã thể hiện trách nhiệm và tính độc lập đối với chính quyền hiện tại. Từng bước Giáo hội lấy lại được niềm tin với quần chúng Phật tử trong khả năng và quyền hạn tự lập – tự trị, thoát khỏi cơ chế “ y giáo phụng hành”. – tuy hơi muộn!


Theo yêu cầu của Giáo Hội: :


"1. Lập tức áp dụng mọi biện pháp để xóa bỏ mọi hình ảnh của đoạn video clip nói trên ở mọi trang mạng hiện đang phát tán.


2. Công khai nêu ý kiến của Cơ quan có trách nhiệm về việc thực hiện, phát tán, trao giải cho đoạn video clip ngắn đó.


3. Có biện pháp xử lý đối với những ai có liên quan đến việc thực hiện, phát tán, trao giải, tán dương đối với đoạn video clip ngắn “Thầy trò Đường tông đi thỉnh …bao cao su”. Đồng thời những người thực hiện đoạn video clip đó phải công khai xin lỗi về những nội dung được thể hiện trong đoạn video clip có nội dung báng bổ Phật giáo, xúc phạm niềm tin tôn giáo."


Nếu vậy, cũng chưa ngăn chận được các tệ trạng khác xẩy ra để rồi xin lỗi khi mà nội dung báng bổ được truyền đạt khắp nơi. Chính quyền phải có biện pháp ngăn ngừa loại “văn hóa hổn loạn” từ trong ý thức vô văn hóa đó. Trách nhiệm nầy không chỉ ở cơ quan Thông Tin và Truyền thông hay Trung ương đoàn TNCS HCM mà còn ở Bộ giáo dục đào tạo lớp trẻ trong học đường – biết tôn trọng niềm tin của quần chúng, biết lễ nghĩa đối với những giai tầng trong xã hội mà “ Tiên Học lễ - hậu học văn” là bước đầu cho việc giáo dục. Có như thế xã hội bớt loạn.


Công văn giáo hội không những gửi cho hai cơ quan liên đới mà còn chuyển đến cho Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSVN, Ban Tôn giáo Chính phủ để thông báo và có ý kiến chỉ đạo. Phải chăng Giáo hội đã thể hiện quyền công dân?


Hy vọng đáp lại tính bản lĩnh của chư Tăng hiện nay trước những thực tế, nhà nước cũng cần lắng nghe để điều chỉnh tính bất cập đối với tôn giáo mà những cán bộ thừa hành bị lệch lạc.



Cùng tôn trọng lẫn nhau, cùng lắng nghe nhau, thể hiện tính văn hóa và sự tự do trong cuộc sống.



MINH MẪN


17/3/2012

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

văn nghệ Phật Đản tại nhóm Khiếm Thị





LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM



19/2 A.L hàng năm là lễ vía Quán Thế Âm theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Khởi đầu lễ hội phát xuất từ 1960 tại chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng.



Truyền tích, tại động Ngũ hành Sơn, vách đá hiện hình đức Phật Quán Thế Âm khá rõ nét. Từ đó, chùa được đặt là chùa Quán Thế Âm tại động Ngũ Hành. Trong một thời gian khá dài, lễ hội đã tạm ngưng, mãi đến 1991 mới được phục hoạt. Mỗi lần tổ chức như thế là có hàng vạn du khách đến tham dự. Năm 2008, đoàn Tăng thân Làng Mai có mặt vào dịp vía Quán Thế Âm, buổi lễ tổ chức khá hoành tráng. Năm nay cũng thế, hàng vạn người vừa tham dự lễ, vừa vui vẻ giải trí với hội. Qua ba miền, Đà Nẵng đã tạo dấu ấn khá đậm nét nhân mùa vía Quán Thế Âm.



Tuy nhiên, các tỉnh, một số nơi vẫn tổ chức, tuy không rầm rộ quy mô, nhưng cũng có dịp cho quần chúng Phật tử nhớ đến ngày vía của Bồ Tát. Trong đó, tại Vĩnh Long, ngay Bảo Tháp miền Tây, cách cầu Mỹ Thuận hơn cây số, chùa Xá Lợi ngọc Phật cũng có một đêm văn nghệ trên hai ngàn người tham gia đến hơn 1 giờ sáng. Chùa đặt đá xây dựng tượng đài Quán Thế Âm cao 25m; chính vì thế mà chương trình văn nghệ xoay quanh chủ đề Mẹ hiền và Quán Thế Âm. Một số các nghệ sĩ tài danh trong và ngoài nước, đến trình diễn.



Các tiết mục múa theo vũ điệu dâng hoa, trang phục Ấn do đạo tràng ở Cái Bè biểu diễn; một số hoạt cảnh Thiên thủ Thiên nhãn cũng do các em Gia Đình Phật tử đảm trách thật xuất sắc. Tuy nhiên, một vài tiết mục đi chệch mục tiêu như hài, thiếu tính văn hóa và không hợp với không gian của buổi lễ. Không những các ca sĩ chuyên nghiệp tham dự mà ngay cả diễn viên điện ảnh Phúc Vinh và Minh Nguyệt với giọng ca không kém đầy triển vọng. Diễn viên Minh Nguyệt rất trẻ trình bày bản Bóng Cả của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt và Phúc Vinh với nhạc bản mang tên Đạo Làm Con của nhạc sĩ Ngọc Sơn. Quần chúng khán giả và chư Tăng có mặt nhiệt liệt vổ tay. Có lẽ, đây là lần đầu tiên miền Tây có một chương trình văn nghệ khá đầy đủ, tuy thời lượng dài nhưng quần chúng vẫn không cảm thấy buồn chán.



Phật giáo hải ngoại cũng hùng hậu tổ chức lễ vía Quán Thế Âm suốt ba ngày tại chùa Việt NamTexas. Đặc biệt tại đây còn có chương trình tu học trong mùa lễ và hành hương Tam bộ nhất bái, thả thơ, thư pháp, võ thuật, múa lân…với sự góp mặt của một số nghệ sĩ tài danh như Trang Thanh Lan – Quang Tuấn – Ngọc Thu – Giáng Ngọc - ban hợp ca Hương Lam…Nơi đây, chư Tăng trong pháp phục vàng ửng thì Phật tử trong sắc lam hiền thục và màu trắng trinh bạch tạo cho buổi lễ mang tính tôn giáo trang nghiêm trên đất khách quê người. Không chỉ là dịp giải trí của lễ hội mà còn là không gian gặp nhau sau những ngày vất vả của các đồng hương. Chính vì thế mà cảm thấy bớt lẻ loi và mái chùa trở thành tổ ấm cho khách lữ thứ, chư Tăng là ngọn hải đăng trên vạn dặm miên trường. Chùa Việt Nam tại Texas là biểu tượng của niềm tin quần chúng Phật tử nơi xứ người, do Tăng phong đạo cách của các long tượng thạch trụ.



Người Việt Nam đi đến đâu là mang văn hóa tín ngưỡng dân tộc theo đó. Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ lớn của Phật giáo Bắc truyền, vì vậy hàng ngàn năm vẫn duy trì được tinh thần Quán Thế Âm trong lòng đại chúng. Nhưng hạnh nguyện Quán Thế Âm vẫn chưa được triển khai đúng mức để chuyển hóa niềm đau nỗi khổ trong nhân gian. Hy vọng thế hệ trẻ, Tăng cũng như tục sẽ phát huy tinh thần đó để sự hiện diện của Phật giáo trọn vẹn ý nghĩa hơn.




MINH MẪN


11/3/2012



Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

CLIP THẦY TRÒ ĐƯỜNG TÔNG ĐI THỈNH BAO CAO SU???


Qua sự phản hồi của những người tôn trọng và bảo vệ nền văn hóa cho một xã hội có không ít người làm văn hóa nhưng thiếu văn hóa trầm trọng!

Tựa đề trên phát xuất từ một video clip do sinh viên học viện báo chí dàn dựng để tuyên truyền cho chương trình “friendly condom” Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012.

Vẻ hình thầy trò Đường Tăng đi thỉnh bao cao su, thế mà được người làm công tác chấm giải nhất.

1/ Thứ nhất, cái gọi là sinh viên học viện báo chí đã nói lên trình độ văn hóa tất yếu phải có, Một văn hóa được trang bị có nghĩa người làm công tác văn hóa phải biết tôn trọng cá nhân kẻ khác, đời tư kẻ khác. Ví dụ, một người bị nhiễm HIV không bao giờ bị nêu tên hay bị phân biệt đối xử trong cộng đồng xã hội. Người làm công tác văn hóa cũng không thể đưa hiện trạng nan y ra đùa cợt trước công chúng hay trên báo chí. Thế thì lấy một truyền tích tôn giáo để quảng bá đùa cợt một cách vô ý thức trên phương tiện truyền thông đại chúng, đó là loại văn hóa gì trong một xã hội gì hiện nay?

2/ Ban giám khảo chấm giải, ít ra cũng phải có một ý thức tối thiểu để đánh giá tác phẩm mà trên nguyên tắc: - không vi phạm tác quyền của người khác, - không xúc phạm danh dự kẻ khác, - không ảnh hưởng an ninh xã hội, - Không vi phạm một loại ngôn ngữ thô tục thiếu văn hóa, - không ảnh hưởng đến bất cứ một loại văn hóa, tín ngưỡng hiện thời…

3/ Báo đài truyền thanh truyền hình khi phát sóng đưa tin, không chỉ nhắm đến lợi nhuận mà còn phải biết phân biệt quảng cáo cái gì, quảng cáo cho ai, và nội dung quảng cáo có ảnh hưởng xúc phạm hoặc có thể hiện được tính văn hóa của xã hội? Chẳng lẽ bốn nghìn năm văn hiến của một dân tộc được cô đặc bởi hai chữ lợi nhuận, lợi dụng và mù quáng???

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông thường dùng Phật giáo là đối tượng để trêu cợt châm biếm, phải chăng đây là chủ trương của các cơ quan truyền thông hay một chính sách ngầm để công kích Phật giáo??? Giới trí thức trong và ngoài nước rất ngạc nhiên xã hội ta hiện nay xuất hiện quá nhiều điều bất ngờ như tội phạm mà không phải do tàn dư Mỹ Ngụy để lại: Cướp của giết người, tai nạn giao thông, không an toàn lao động; lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhân dân; bạo lực học đường, hành hạ trẻ con, lạm dụng ấu dâm; thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, kiến thức sinh viên học sinh không tương thích…và…còn quá nhiều hiện tượng tiêu cực không ngờ.

Yêu cầu các cơ quan chức năng hãy trả lời mục quảng cáo trên đây đang được phát tán công khai.

Thiết nghĩ, cho dù xã hội đến chỗ loạn lạc thì nhân cách chẳng lẽ phải đánh mất, ý thức chẳng lẽ không còn cần thiết? Một đất nước bị tàn phá như Nhật trong cơn địa chấn và sóng thần, nguời dân nói chung và trẻ con nói riêng vẫn còn giữ được phong thái từ tốn, lịch sự, thể hiện nét văn hóa có giao dục, hà tất đất nước ta đang trên đà phát triển và tiến bộ mà cung cách hành xử cũng như sự hiểu biết tối thiểu lại đi ngược trào lưu. Những người làm văn hóa còn thiếu văn hóa như thế hà tất đại chúng thất học làm sao không là tội phạm xã hội?

Ai có trách nhiệm trong vấn đề nầy? Bộ giáo dục đào tạo? Cơ quan truyền thông? Chủ quản chuyên ngành quảng cáo Friendly condom? Học viện báo chí? Hy vọng tất cả đầu óc và lỗ tai đều bình thuờng để nhận biết đâu là văn hóa – vô văn hóa hầu đất nước nầy không bị thêm tai tiếng những điều bất lợi.

MINH MẪN

12/3/2912



Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012




KHAI MẠC LỄ TUYỂN SINH THẠC SĨ,



Sáng ngày 10/3/2012, tại Học Viện Vạn Hạnh, TP Hồ chí Minh đã diễn ra buổi lễ khai mạc tuyển sinh Thạc Sĩ về Phật học.

Công văm số 7171/VPCP-NC ngày 13/10/2011 của văn phòng Chính Phủ do phó chủ nhiệm Kiều Đình Thụ ký: V/v Thí điểm đào tạo sau đại học của Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh:

…” Cho phép Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được đào tạo thí điểm Thạc sĩ chuyên ngành Phật học tại Học Viện Phật giáo Việt Nam- TP Hồ Chí Minh, bắt đầu từ năm 2012. Bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học chỉ có giá trị trong hệ thống Phật giáo Việt Nam...”

Đây là lần đầu tiên gần 40 năm, một học viện tôn giáo được cấp phép thí điểm đào tạo học vị Thạc sĩ, mở đường cho 5 năm sau sẽ có những học viện khác đuợc phép đào tạo chính thức.

Tuy là thí điểm, nhưng Học viện Vạn Hạnh cũng đã thí điểm vào năm 2011 với số lượng sinh viên trúng tuyển là 120 vị. Trong quá trình đào tạo nhiều khóa trong những năm qua của Học viện Vạn Hạnh, hàng trăm Tăng ni sinh đã tốt nghiệp trong và ngoài nước chứng tỏ khả năng đào tạo của Học viện và khả năng tiếp thu của Tăng Ni sinh trẻ Việt Nam hiện nay. Chính vì thế, trong đợt tuyển sinh nầy đã có 257 vị dự thi cho học kỳ 2012-2014. Trong đó, 20 thí sinh được tuyển thẳng theo quy chế của Học viện và 36 thí sinh được miễn thi ngoại ngữ.

Từng bước, Học viện Vạn Hạnh đã hoàn chỉnh nội dung học trình và nâng cao chất lượng đào tạo; Mỗi học khóa đều có những buớc sáng tạo tiến bộ cập nhật kịp thời trong việc truyền trao kiến thức Phật học cho Tăng ni sinh.

Đây là điều đáng mừng so với trước 1975, Tăng ni sinh được tốt nghiệp cũng như được du học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng những thế, chư Tăng ni sinh tốt nghiệp không những ở học vị mà ngay cả tinh thần nhập thế qua các công tác văn hóa, xã hội, HIV và hoằng pháp cũng rất năng động. Với đội ngũ như thế, tin rằng tương lai Phật giáo không thiếu cán bộ có năng lực. Vấn đề còn lại là sau chiếc ghế học đường, Giáo hội xử dụng đúng người đúng việc, đừng để lãng phí tài năng còn ẩn tàng trong các am tự viện.

Trong buổi khai mạc tuyển sinh,

- Hòa Thượng T. Trí Quảng chứng minh,

- HT. T. Đạt Đạo- Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN, viện phó tổ chức hành chánh HV, Phó chủ tịch Hội đồng tuyển sinh.

- TT. T. Tâm Đức - Ủy viên HĐTS GHPGVN, viện phó nội vụ HV, Ủy viên Hội đồng tuyển sinh.

- TT. T. Nhật Từ- Viện phó Kế hoạch và Phát triển HV,Thư ký hội đồng tuyển sinh.

- TT. T. Phước Đạt- Trưởng phòng giáo vụ, phó thư ký hội đồng tuyển sinh.

- ĐĐ. T. Quang Thạnh- Phó phòng hành chánh-Đào tạo-, Tổng giám thị Hội đồng tuyển sinh.

- ĐĐ. T. Thiện Quý phó phòng giáo vụ HV, Ủy viên Hội đồng tuyển sinh.

- TT. T. Quảng Thiện- trưởng phòng sinh viên vụ, phó tổng giám thị Hội đồng tuyển sinh.

- Ni sư. TN. Huệ Liên- phó phòng giáo vụ HV, Ủy viên hội đồng tuyển sinh.

Buổi lễ diễn ra trong sân học viện ngắn gọn, đúng thủ tục hành chánh và kết thúc sau 40 phút cùng ngày .

MINH MẪN

10/3/2012

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

CÁNH DIỀU VƯƠN CAO














Trên thửa ruộng khô chờ ngày cấy mạ, chiều về, ánh nắng yếu ớt ẩn trong áng mây hồng , che một khoảng mát dịu, đám trẻ thật đông, người lớn cũng không thiếu, mỗi chiều sau những ngày đón Xuân suốt tháng giêng nhộn nhã, họ kéo nhau ra đồng phô trương những cánh diều sặc sỡ. Tiểu Thuận ngồi trong cổng chùa nhìn ra vẻ thèm thuồng.







Đêm giao thừa, cổng chùa mở suốt, tiểu Thuận gật gù mà tay vẫn phải nhịp chuông cho bá tánh lễ Phật. Những bao lì xì đỏ, nhỏ bằng bàn tay, khách nhét vội cho tiểu Thuận để mừng tuổi Xuân, thế mà vẫn không làm cho tiểu tỉnh táo. Người chen chúc, khói hương nghi ngút làm cho khuôn viên chánh điện nhỏ hẹp hơn. Bên dưới hậu tổ, thầy tri sự ngồi tiếp những tên tuổi cầu an của bá tánh. Bàn đối diện, Hòa Thượng trụ trì phát lộc và khách thập phương lại dâng lên thầy phong bì đỏ. Hầu hết các chùa đều vất vả tất bật vào những đêm giao thừa và suốt tháng giêng. Sau ba ngày tết, tiểu Thuận được đánh một giấc liên tù tì, không cần ăn uống. Hòa Thượng bảo nhà trù cứ để phần cơm cho chú, đừng đánh thức chú dậy, trẻ con nào không ham ăn ham ngủ.




Tiểu Thuận được chùa nuôi lúc ba tháng tuổi; vì cha mẹ quá nghèo. Tiểu được chùa ân cần chăm sóc chu đáo nên da dẻ hồng trắng mủm mỉm trông thật dễ thương. Chùm tóc vắt ngang vành tai ngỡ chừng như con gái. Tuy bảy tuổi mà chững chạc như lên mười. Bá tánh đến chùa ai cũng ẵm nựng cho quà bánh. Ai hỏi đến ba mẹ, tiểu ngơ ngác hỏi ba mẹ là sao! Tiểu chỉ biết có thầy, bà Tư và Phật. Nói đền thịt cá tôm cua, tiểu hỏi cái đó là cái gì! Tiểu Thuận chỉ biết rau, đậu, tương chao. Tiểu nghĩ những món thịt cá tôm cua là những món ăn cao cấp mắc tiền nên chùa không mua được. Tiểu hỏi thầy tri sự, thầy bảo đó là những con vật, người tu vì lòng từ bi nên không được ăn. Tiểu học thuộc nhiều kinh tuy chưa đến trường. Thầy tri sự dạy cho tiểu Thuận biết đọc mặt chữ. Ngoài giờ học và làm lễ, tiểu chơi với con miêu con lu. Chúng là những bạn bốn chân thân nhất của tiểu. Chưa bao giờ tiểu được ra khỏi chùa để xuống chợ hay ra phố. Thỉnh thoảng phật tử đến chùa mang cho tiểu cái bánh cái kẹo, tiểu trình bạch với thầy tri sự trước khi ăn. Bổn đạo muốn đưa tiểu về nhà chơi hoặc đi dạo, thầy không đồng ý, vì sợ con trẻ như tiều dễ tiêm nhiễm.




- Con làm gì đó Thuận? thầy tri sự thấy tiểu cứ loay hoay với tấm giấy báo và nang tre mà bà Tư nhà trù vừa kiếm cho tiểu.




-Dạ bạch thầy, con làm diều ạ! tiểu đáp




- Ai dạy con làm?




-Dạ, bạch thầy, bà Tư ạ.




-Không được! – thầy tri sự bảo – mình là người tu, không nên ham vui theo kiểu thế gian.




Thế là tiểu răm rắp đem cất trong kẹt cửa. Tiểu nhìn thầy rồi nhìn bà Tư. Tiểu hỏi nhỏ:-Bà Tư ơi, ở chùa không được chơi sao bà Tư?-Ừ, thầy nói thế thì phải nghe thôi.




Tiểu chưa hiểu tại sao, nhưng thắc mắc vẫn cứ âm ỉ trong lòng. Mỗi khi chiều xuống, tiểu ra đầu cổng nhìn các bạn trẻ tung cánh diều ngược gió cho chúng bay lên, tiểu thèm được một lần nắm thử giây diều để có cảm giác thích thú như các bạn đó.







Trên nền trời, tiểu thầm đếm từng con, nhưng đếm mãi vẫn không biết có bao nhiêu con đang lơ lững trên nền xanh kia. Tiểu đã học đếm đến hàng chục rồi mà, tại vì chúng cứ bay lộn xộn, đảo qua đảo lại không đứng yên nên tiểu đâm rối. Con diều lớn nhất, mang dáng dấp ó đen, bên dưới cột kèm đoạn sáo nhỏ nên nó phát ra tiếng du dương, vui tai; một con diều khác được kẹp mãnh dao lam, nó lạng qua cắt đứt giây con diều màu sặc sỡ. Cũng có con tự xoay nhiều vòng rồi đâm đầu xuống đất. Tại sao diều bay được, tại sao con diều nọ cắt đứt giây con diều kia, tại sao con nọ lại đâm đầu xuống đất…tiểu có bao nhiêu thắc mắc mà không biết hỏi ai. Thầy tri sự thì cái gì cũng cấm đoán. Bà Tư thì chỉ cười với cái miệng móm mém rỉ hai khóe đỏ nước trầu, hòa thượng thì xa cách quá, chỉ khi nào tiểu bệnh, nằm thiêm thiếp thì hòa thượng mới đến sờ đầu hỏi thăm. Con miêu con lu chỉ biết nũng nịu cạ vào chân tiểu. Thế giới tiểu đang sống là thế giới quá cô đơn và bí mật. Tại sao lũ trẻ kia được vui chơi với người lớn??? Ở chùa có nghĩa là không được biết đến những thú vui kia? Không được giao tiếp với xã hội bên ngoài. Học chữ chỉ để nhìn mặt kinh mà đọc dù không biết trong đó nói cái gì. Cuộc sống là thế giới ảm đạm tẻ nhạt đối với tiểu Thuận. Đời người sống chỉ có thế thôi sao? Bên ngoài đời họ có giống như ở chùa hay có cái gì khác nữa? bao nhiêu thắc mắc trong đầu cứ làm cho tuổi hồn nhiên của tiểu thêm già dặn. Hàng ngày, ngoài giờ kinh kệ, tiểu phụ bà Tư lặt rau, dọn cơm. Mỗi sáng cầm cái chổi cao hơn đầu tiểu để quét lá khô rơi vãi trong sân chùa. Thầy tri sự lau dọn bàn thờ thì tiểu phải thu gom chân nhang bỏ vào lò hủy. Tiểu tự tắm giặt. Áo quần thâm bẩn không phải chứng tích thâm niên ở chùa mà là do tiểu giặt không sạch. Những bộ đồ màu khói, thầy tri sự bỏ ra, bà Tư sửa lại cho tiểu mặc, chiếc áo dài phủ gối che chiếc quần cuộn một cục tròn trên bụng làm cho tiểu như lùn lạ-Con làm gì ngồi buồn vậy? hòa thượng nhẹ nhàng từ hậu liêu vòng ra sau vườn.




-Dạ bạch oon, con không làm gì hết




-Có lẽ con thắc mắc điều gì, nói oon nghe nào! Hòa thượng từ tốn nhỏ nhẹ, vuốt chùm tóc của tiểu.




- Dạ! - mắt tiểu rướm lệ, lâu rồi tiểu chưa được oon gần, bổng dưng tiểu muốn sà vào vòng tay của hòa thượng. Môi mấp máy mà chưa thốt lên tiếng.




-Sao con khóc, con buồn gì nói oon nghe .




- Bạch oon, cho con hỏi, tại sao người tu ở chùa không được chơi diều? tại sao diều bay được? tại sao con diều ó đen kia phát ra âm thanh? tại sao còn diều nọ lại cắt đứt con diều màu sặc sỡ? và con khác lại xoay vòng rồi tự đâm đầu xuống đất???




Hòa thượng từ tốn, mỉm cười rồi giải thích – ai bảo con không được chơi diều. Tuổi thơ con có quyền giải trí lành mạnh thích hợp với lứa tuổi của con chứ. Tu đâu phải bỏ hết tất cả! thầy tri sự sợ con ham chơi đấy thôi. Chơi diều là một nghệ thuật mang nhiều ẩn dụ…







Tiểu trố mắt nhìn hòa thượng như có điều chưa hiểu, hòa thượng nói tiếp:




- Tuy thả diều là thú vui tao nhã, nhưng trò chơi nào cũng bị lạm dụng bởi những tâm hồn thiếu trong sáng. Diều ó đen là loại chim hung tợn, chúng được che đây bởi tiếng kêu du dương để tạo cảm giác dịu dàng đánh lừa kẻ khác. Đó là mánh lới che đậy của kẻ ác. Diều cắt đứt diều là tính đố kỵ nham hiểm giữa cuộc sống bon chen, không thích ai hơn mình, vì con diều kia quá sặc sỡ. Trong cuộc sống tạo sự nổi bậc hơn mọi người sẽ có người đố kỵ hãm hại con à. Con diều tự đâm đầu xuống đất sau khi xoay vòng là vì nó không giữ được cân bằng trước sức gió; con người cũng thế, không lượng được sức mình trước danh lợi, sẽ bị đảo điên, chết một cách thảm hại. Diều bay được nhờ gió, cũng thế, người được nâng cao giá trị nhờ tấm lòng chân thành, trong sáng, ngay thẳng. Người đời thường cạnh tranh hơn thua nên khổ đau luôn rình rập. Chúng ta tu hành là từ bỏ sự bon chen hơn thua nhưng không hẳn từ bỏ mọi thú vui thanh nhã. Người tu giải trí bằng tâm hồn trong sáng nhẹ nhàng. Mỗi lứa tuổi có một cách giải trí khác nhau, nhưng đừng đam mê tham đắm vào đó.




- Tiểu như nhớ ra điều gì, vội hỏi: - oon uống trà mỗi buổi sáng và hút thuốc cũng là thú vui tao nhã phải không oon? Nhưng ngày nào cũng uống, có phải là đam mê không ạ?




Hòa thượng ngập ngừng giây lát rồi nói: - mỗi ngày uống cũng như mỗi ngày phải ăn, đó là thói quen, nhưng chưa hẳn là đam mê, chừng nào không bỏ được, cứ bị nó ràng buộc mới gọi là đam mê. Có những lúc mưa gió suốt tháng, chùa không đi chợ, trà không có, thuốc không hút mà oon vẫn có thèm đâu. Tiểu nhanh nhảu bộc lộ:




-Vậy bạch oon, hàng ngày con tụng kinh, thỉnh chuông mà con cũng không đam mê bằng giấc ngủ, vậy là con không bị kinh kệ ràng buộc phải không oon?




Hòa thượng vuốt đầu tiểu, cười một cách hồn hậu trước sự hồn hậu của tiểu Thuận. Mãnh giấy báo bồi thêm nhiều lớp, một nan tre uốn cong, một nan tre xuyên thẳng từ góc nầy qua góc kia của tấm giấy bồi như cái cung tên, Hòa thượng cùng tiểu Thuận làm nốt con diều bị bỏ dở. Ngón tay nhỏ xíu của tiểu Thuận giữ một góc hồ vừa dán, oon dạy cho tiểu làm tiếp những công đoạn còn lại. Mất buổi sáng để hoàn thành con diều, tiểu Thuận đắc ý, thích thú ra mặt. Chạy xuống bếp xin bà Tư cuộn giây nilon. Suốt buổi trưa không ngủ, tiểu trông mau đến chiều sau giờ công phu để được chạy ra đồng cùng các bạn trẻ.







Trên đám ruộng, có thêm bóng hình của nhà sư và chú tiểu, oon cầm tay tiểu hướng dẫn cách kich diều để lấy trớn diều bay cao. Lần đầu tiên tiểu được sung sướng với những trò chơi như thế. Trời sắp tắt nắng, hai oon cháu vào chùa, trên mâm cơm chiều, oon hỏi: - con thầy thế nào trò chơi chiều nay? Con thích không? Tiểu đáp: - Bạch oon, con thích lắm. Hòa thượng dạy tiếp: - cái gì đem lại sự vui thích trong sáng phấn chấn tâm hồn đều là liều thuốc tốt. Tu cũng thế, sẽ mang lại cho đời sống một phong thái nhẹ nhàng thanh thản tâm hồn, đó là giải thoát hiện tại con à! Cái gì làm miễn cưỡng đều không tốt.




Thời kinh Tịnh độ tiểu sốt sắng lạ thường, nhanh nhảu thắp nhan, sắp xếp các giá kinh ngay ngắn. Như buổi thả diều chiều nay, lần đầu tiên tiểu cảm nhận được sự thích thú của việc tụng niệm. Oon đứng nhìn tiểu Thuận có vẻ mãn ý. Oon nói với bà Tư và thầy tri sự: - trẻ con không nên cấm đoán mà phải giải thích, chìều theo sự ham muốn của trẻ để chuyển hóa theo hướng tốt. Tiểu Thuận chạy đến nũng nịu với oon: - Bạch oon, nay con tụng kinh giỏi hông? Nhờ oon dạy con thả diều mà con thấy tụng kinh và thả diều đều thích thú, thả diều cũng là pháp tu phải không oon? Hòa thượng nhìn tiểu một cách triều mến: - ừ, cứ tạm cho đó là pháp tu, vì nó giúp ta điều khiển diều như điều khiển tâm, giúp ta thích thú như sự thích thú việc tu tập. Đó là pháp tu của tiều Thuận đấy.







Từ hôm ấy, tiểu Thuận cảm thấy cuộc sống trong chùa như thú vị hơn, quý thầy rộng lượng hơn, bà Tư dễ thương hơn, và đức Phật gần với tiểu Thuận hơn, và đêm ấy, tiểu mơ thấy đức Phật cầm tay tiểu thả diều, cùng chơi diều với tiểu Thuận.




MINH MẪN




07/3/2012

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012


PHẬT GIÁO VIỆT NAM – 30 NĂM NHÌN LẠI


Thoáng mà đã 30 năm kể từ ngày thành lập GHPGVN sau ngay đất nước thống nhất. Chuyển đổi từ một cơ chế cũ sang một hình thái mới cho một tổ chức không tránh khỏi ngỡ ngàng trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trong 30 năm mà đã phải mất 20 năm để chỉnh đốn nhân sự , hoàn chỉnh Hiến chương và hoạch định phương án đi vào nề nếp. Trong suốt thời gian đó, sinh hoạt của Giáo Hội mang tính cầm chừng, tưởng như lúng túng chưa có lối thoát. Nhưng, những năm gần đây của 10 năm sau cùng, Giáo hội có những chuyển biến tích cực, không những phục hưng nội lực mà còn gắn kết với những thăng tiến của xã hội, và đóng góp tâm linh cho đất nước đang đối mặt nhiều khó khăn.

Tuy Giáo hội chưa đầy đủ các Ban Trị sự phủ kín các tỉnh thành theo đơn vị hành chánh của quốc gia, nhưng cũng đã có những sinh hoạt đồng bộ lễ nghi tôn giáo đến hoạt động xã hội. Song song đó, các am tự viện vươn dậy qua những sinh hoạt mới về đạo tràng, về pháp tu, cả những lãnh vực văn học trên báo giấy, trên diễn đàn mạng lưới toàn cầu và có mặt trên cả sân khấu nghệ thuật. Việc tự phát của các chùa viện góp phần cho xã hội được đơm hoa, xác định được sức sống của Phật giáo trong lòng xã hội. Các tu sĩ trẻ ngày càng được trang bị kiến thức; một số tu sĩ lăn xã và sáng tạo để hoằng pháp, không những vùng sâu vùng cao mà còn trong trại giam. Hinh ảnh Bố Đại Hòa Thượng cũng được một số anh em Tiếp Hiện chùa Pháp Vân thực hiện làm quen với quần chúng trong những dịp lễ Phật giáo. Một số ngành nghề trong xã hội, tu sĩ và cư sĩ Phật giáo chưa đủ điều kiện tham gia mang tính đại biểu như công thương, kỷ thuật, khoa học, sáng chế…

Những họat động nổi cộm như từ thiện xã hội, một số chùa vẫn còn sinh hoạt theo cao trào, theo truyền thống nên kết quả chưa đạt như ý. Một số rất ít những cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật và ngườii già neo đơn mang lại hiệu quả có ý nghĩa thật sự. Kiến tạo cơ sở vật chất bị lạm phát đưa đến cung thừa cầu thiếu trở nên phí phạm. Điều nầy giáo hội chưa có quy định rõ về nhu cầu kiến thiết, mô thức kiến tạo, điều kiện xây dựng mang tính nghệ thuật tôn giáo. Phật giáo đang có khuynh hướng nặng về hình thức trong khi nội chất tu dưỡng bị xao lãng. Một số cơ sở phát động phong trào tu Tịnh giúp cho quần chúng có căn cơ thấp tìm nơi nương tựa tâm linh, cũng từ đó, một số nơi bị lạm phát về mô thức, trống vắng nội lực. Phật giáo đang cần những đạo tràng tu tập các pháp môn thật hữu hiệu để giải quyết sự mất cân bằng tâm lý trong cuộc sống hiện nay. Các tệ nạn sư giả vẫn còn là vấn đề nan giải. Giáo hội vẫn chưa giải quyết nơi ăn chốn ở cho Tăng Ni sinh từ các tỉnh thành dồn về tu học, và một số Tăng Ni sinh chưa đủ khả năng tự túc chi phí , chưa có sự hỗ trợ của thầy tổ và của bá tánh, vì thế việc học hành không ít khó khăn, chưa định hướng được mục đích và môn học, không đủ tiêu chuẩn vào Học viện, dẫn đến lỡ thầy lỡ thợ, chơi vơi giữa phố thị phồn hoa, ảnh hưởng oai nghi của một tu sĩ. Các giảng sư trẻ hiện nay góp phần không nhỏ đưa quần chúng đến với đạo Phật. Các giảng sư đó đã chứng tỏ khả năng vốn có, cần phải bồi dưỡng thêm về kiến thức và nội lực sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp hơn. Có những giảng sư có tài thu hút quần chúng, nhưng không qua trường lớp đạo lý, tùy tiện dẫn giải giáo lý sai lệch, kéo giáo lý xuống ngang tầm giá trị đạo đức thế tục. Ban Hoằng pháp từng tổ chức nhiều lớp giảng sư và bồi dưỡng, nhưng kết quả quá khiêm tốn, vì hướng trình chưa cụ thể, chưa nắm đúng trọng điểm yêu cầu.

Về hành chánh, thỉnh thoảng xuất hiện những văn thư đột xuất chưa đúng nguyên tắc. Một số hạ tầng cơ sở chưa nắm vững ngôn ngữ của văn thư và ngôn ngữ thuộc văn học, dẫn đến một văn thư dài dòng lê thê chỉ hàm chứa nội dung ít ỏi. Mỗi năm cần có những lớp hành chánh đào tạo cho cán bộ giáo hội các cấp.

Kế hoạch mỗi ký 5 năm vẫn chưa có nhiều sáng tạo. Tuy tất cả đã vào nề nếp, nhưng xét thấy những phạm vi cư sĩ trong các ngành nghề của xã hội, vẫn chưa được quan tâm và kết hợp đúng mức. Tổ chức Giáo hội mang tính Tăng sĩ hơn là mang tính quần chúng. Thanh thiếu niên, học sinh, tiểu thương, quân đội, lực lượng bán vũ trang, lực lượng hành chánh, công nhân, nông dân, người cao tuổi…vẫn chưa được trở thành những đơn vị Phật tử cơ bản; Chính vì thiếu hạ tầng cơ sở mà hoạt động và huy động của Giáo hội mang tính hạn chế. 30 năm qua, Giáo Hội Phật giáo là giáo hội của lớp tu sĩ chứ không phải giáo hội của quần chúng Phật giáo, muốn Đạo Phật đi vào quần chúng, cần phải tổ chức lại hệ thống dọc xuyến suốt từ thượng đến hạ tầng xã hội. Huy động quần chúng tham gia tất cả mọi sinh hoạt đoản kỳ cũng như trường kỳ theo kế hoạch của đại hội.

Giáo hội chưa có tiếng nói trung thực và kịp thời trước những biến cố trong xã hội và trong quốc gia. Các giảng sư né tránh vấn đề nhạy cảm, cũng có giảng sư phát biểu theo khuynh hướng cá nhân, không đại diện cho toàn bộ Phật giáo, vì thế làm lệch lạc tinh thần giáo lý đạo Phật trước vấn đề chính trị và xã hội. Tuy nhiên, 10 năm trở lại, Giáo hội nỗ lực xây dựng các cơ sở tại Đông Âu và một vài vùng phụ cận để tín đồ tha hương có nơi quy ngưỡng. Một vài hoang đảo cũng mọc chùa, giúp cho dân tộc xác định lãnh thổ của tổ tiên; Tuy là việc làm hậu thuẩn nhỏ, cũng đã nói lên trách nhiệm đối với dân tộc đang đối diện sóng gió.

Nhiệm kỳ năm năm sắp tới và kỷ niệm 30 năm có mặt, Giáo hội cần có những kế sách thông thoáng mang tính chủ động và nhạy bén mới đáp ứng kịp thời những yêu cầu của dân tộc. Kinh tế, chính trị, kiến thức, khoa học…đang đồng bộ phát triển, Giáo hội cần tìm hướng đi đúng để không những tự phát triển mà còn đóng góp tích cực cho xã hội. Đội ngũ cán bộ giáo hội cần tập huấn nhiều, vì hiện nay, cán bộ giáo hội vẫn còn lầm lẫn tác phong hành chánh và tác phong tôn giáo, việc hành chánh cứ như việc chùa, đôi khi còn tùy tiện mà không theo nguyên tắc.

30 năm qua, tuy có chậm chạp phát triển, nhưng một khi đã phát triển, cái trớn đó nầy sinh ra nhiều sáng tạo để Giáo hội linh động hơn, các tu sĩ và am tự viện cũng mạnh dạn phát triển theo chiều hướng tích cực hơn . Dẫu sao, bộ mặt Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn có nhiều tín hiệu tốt đẹp hơn thập niên 90 của thế kỷ XX về trước. Vấn đề là Phật giáo nói chung và Giáo Hội nói riêng cần mạnh dạn thể hiện bản lãnh tự quyết và tính sáng tạo độc lập để chủ động trong việc điều hàng Phật sự.

30 năm một chặng đường dài của kiếp người, nhưng đoạn đường ngắn của một tổ chức tôn giáo đang tồn tại. Quá khứ luôn là nền tảng xây dựng tương lai; một quá khứ tiêu cực sẽ là kinh nghiệm tiến lên tích cực, một quá khứ sáng giá sẽ là tương lai cho những sáng tạo tiếp theo của thế hệ trẻ. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam – 30 năm nhìn lại vẫn còn là vấn đề mang tính thời sự của một dân tộc.

MINH MẪN

08/11/2011

CHUYỆN KHÔNG GIỐNG AI


Một số trang mạng, trong đó có Yahoo mail vừa đưa tin: “ DỰNG TƯỢNG PHẬT BÀ QUAN ÂM…BỒNG SÚNG” của tác giả Đoàn Nguyễn tường thuật tại xã Đại Cường-Đại Lộc-Quảng Nam:

Tác giả chứng kiến cảnh tượng và phỏng vấn trực tiếp nông dân :

“… Bác nông dân này nói: “Hồi trước, bà con chúng tôi quyên góp tiền và xây ở đây một tượng Phật bà. Được sáu tháng thì chính quyền không cho để tượng nữa, đòi đập. Ông M., người phát động xây tượng, sợ đập thì uổng phí mới kêu thợ sửa tượng lại thành cô du kích”. Theo bác nông dân này, trước kia, đây là bức tượng Phật Quan Âm trắng tinh, ngự trên toà sen, với tà áo choàng trắng bay phất phơ, một tay cầm bình cam lồ, một tay cầm nhành dương. Thế nhưng, sau đó, người ta đã phải cắt áo choàng đi, đội lên đầu tượng một mũ tai bèo rộng sụp xuống tận trán, bẻ tay cầm hồ lô và tay cầm nhành dương rồi đặt vào đó một cây súng trường.”

Rồi gặp trực tiếp bác M. để nắm rõ sự tình:

Tôi đến nhà ông M., chỉ cách bức tượng vài trăm mét. Ông M. nói: “Hồ nước trước kia là đám ruộng. Tôi đề xuất ý tưởng và được huyện hưởng ứng thành lập dự án đào đám ruộng thành hồ nước để lấy nước tưới cho mấy chục hecta đất màu của thôn. Hồ nước ra đời, vì nó nằm ở đầu cái làng này, nên để cho hồ nước sạch sẽ, tôi đã vận động bà con quyên góp xây bức tượng Quan Âm ở giữa hồ. Tôi nghĩ xây bức tượng Phật lên thì cái hồ nước đó mới sạch vì sẽ không ai dám vứt rác, nuôi cá, thả vịt, cho trâu dầm dưới đó. Và đúng như vậy, suốt sáu tháng sau, hồ nước vẫn sạch tinh tươm. Tuy nhiên, đùng một cái, mấy “ổng” không cho đặt tượng nữa”.

Tác giả phỏng vấn và được ông M. tâm sự tiếp:

“Trước khi xây, anh có xin ý kiến chính quyền không?”, tôi hỏi. “Có chớ, huyện, xã gì tôi cũng nói. Lúc đó ai cũng vui vẻ, bởi vì có chi trầm trọng. Thành phố Đà Nẵng, cách đây 20km, người ta xây tượng Phật bà to gấp mấy lần, xây tượng Phật Như Lai cũng to gấp mấy chục lần, trung ương, địa phương về, trong nước, ngoài nước đến, mà có ai nói chi đâu. Còn của tôi, chỉ là tượng Phật ở làng, tôi là cán bộ (ông M., là cán bộ trung ương vừa nghỉ hưu – NV) chứ có phải ở chùa nào đến, tôn giáo nào tới đâu”.

Thì ra, bác M. từng là cán bộ, bác M. từng chứng kiến những tượng Phật khổng lồ ở Bãi Bụt và Bà Nà tại Đà Nẵng, bác muốn giữ vệ sinh môi trường khi lòng dân biết tôn kính Thánh tượng. Bác M. cũng trực tiếp trao đổi với cán bộ xã trước khi họ đồng ý cho dựng tượng Phật Quán Âm. Nhưng cán bộ xã không giải thích lý do đập tượng để thế vào cô du kích! Bác M. từng là cán bộ mà bác M. không đo lường được hành động bất nhất của cán bộ địa phương.

Cũng may là thế vảo cô du kích cho hợp với giống cái, nếu đưa anh Bộ đội cụ Hồ thế chỗ, thiên hạ sẽ nghĩ…

Cái sáng kiến độc đáo mà ngay cả Trung Cộng, Liên xô trước kia, Bắc triều Tiên hay Cu Ba chưa hề biến đức mẹ Maria thành cô Du kích chống Mỹ như cán bộ xã Đại Cường- tỉnh Quảng Nam như thế. Có lẽ đám cán bộ xã còn thấm nhuần chính sách: “Trí Phú Địa Hào Tôn bứng tận gốc-trốc tận rễ” khi vừa du nhập học thuyết Marx-Lê vào miền Bắc, thi đua lập công với đảng; Đó là thời kỳ chiến tranh lạnh, phân liệt tranh hùng về học thuyết. Thế kỷ XXI là thế kỷ giao hòa để nhân loại tiến vào trật tự toàn cầu về văn hóa-kinh tế-kỷ thuật khoa học-y học…Chủ trương của nhà nước hiện nay tôn trọng tự do tín ngưỡng để cân bằng cuộc sống tâm linh và vật chất mà một thời sai lầm về quan điểm vật chất quyết định tất cả, tôn giáo là thuốc phiện cản trở sự tiến hóa của xã hội, hậu quả tệ nạn vô đạo đức tràn ngập đất nước. Mọc lên một nhà tù liền phát sanh hàng ngàn tội phạm, một ngôi chùa dựng lên, quần chúng tín đồ biết sợ nhân quả hơn là sợ luật pháp, tù tội. Nếu không có Phật giáo thì làm gì có hàng ngàn xuất cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo trong một số thành phố phía Nam. Làm gì có quán cơm chay từ thiện miễn phí cho sinh viên, học sinh và lao động nghèo. Làm gì hàng năm có hàng trăm tỷ cho các chuyến cứu trợ lũ lụt thiên tai, ủy lạo đồng bào vùng sâu vùng xa mà nhà nước chưa kham nỗi? Theo thống kê hiện nay, tất cả tội phạm xã hội đều là kẻ không biết đến tôn giáo. Đạo đức nhân quả của Phật giáo đã ngăn ngừa nhiều hành vi và ý nghĩ bất thiện trong tín đồ. Hình ảnh một Bồ Tát Quán Âm thể hiện lòng đại lượng trước sự đau khổ của quần sanh. Mỗi vị Bồ Tát là đại biểu cho một công hạnh hoán cải tiêu cực trong xã hội, như vậy Phật giáo không thể là tiêu cực nếu không là tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ nền luân lý đạo đức trong mọi xã hội. Chính tinh thần trách nhiệm hộ quốc an dân mà nhiều trăm năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc chống ngoại xâm phương Bắc, đem lại hòa bình cho đất nước. Suốt hai ngàn năm đồng cam cộng khổ với dân tộc, nếu Phật giáo không có công thì cũng chẳng có tội, hà cớ biến Bồ Tát Quán Âm, một biểu tượng tôn kính của hàng triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới thành một cô du kích? Trong khi đó, chưa đầy một tháng, Phật Giáo Việt Nam chấp nhận là thành viên của Liên Minh Phật giáo Thế giới tại Ấn Độ. Trong thời chiến, Phật giáo cũng từng có những tu sĩ cởi Tăng y khoác chiến bào; Lý Trần cũng từng xuất hiện các danh Tăng cứu nguy đất nước. Ý thức trách nhiệm đó chỉ có trong thời chiến, nhưng khi quốc gia thái bình, sự đóng góp của Phật giáo trong lãnh vực từ thiện xã hội, đạo đức văn hóa. Một bình Cam lồ và nhành dương liễu không đủ sức mạnh như khẩu súng, nên cán bộ xã Đại Cường đã bẻ tay ngài gắn vào đó khẩu AK, biến Thanh y thành áo bà ba, mão Quán Âm thành nón tai bèo che ám khuôn mặt. Có lẽ họ muốn Bồ Tát Quán Âm phải cầm súng để giữ biên cương và hải đảo như cô du kích vô danh kia? Hay họ muốn Thánh hóa cô du kích kia khi để cô ta đứng trên tòa sen. Thật khó hiểu cho những tâm hồn si muội giữa lúc đất nước đang cần tôn giáo; Đồng thời tôn giáo đang được mùa cũng nên cảnh giác trước những ý đồ u mê ám chướng như thế. Khi Phật giáo đang được mùa mà không đủ năng lực để chuyển hóa những đâu óc đen tối, trái tim xơ cứng như thế thì chưa thể nói Phật giáo làm được gì cho xã hội. Nếu mai nầy những cán bộ có tâm hồn hẹp hòi và hiểu biết không cao hơn ngọn cỏ, lên lãnh đạo Tỉnh hoặc Trung ương, hà tất cần gì sự hiện diện của các sư khi Thánh tượng còn bị truất phế, và lẽ dĩ nhiên, xã hội, đất nước không còn gì để phải báo động. Thiết nghĩ hãy đưa những cán bộ nhiệt thành nầy ra hải đảo xa xôi, triệt hết chùa miễu đang có ở đó, để dựng tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng và nữ du kích dũng cảm hầu cản bước tiến quân thù và cảnh cáo óc xâm lược của quốc gia LẠ.

Giáo Hội Phật Giáo Quảng Nam nghĩ gì về hiện tượng nầy? hay là GHPGVN TW xem đây chỉ là chuyện cỏn con xẩy ra thường ngày ở Huyện? Cho dù không là tín đồ Phật giáo, ai cũng ngạc nhiên trước hành động lệch lạc văn hóa như thế, chuyện không giống ai trong một xã hội không ai giống mình. Hãy chờ hạ hồi phân giải.

MINH MẪN

22/12/2011


ĐOÀN KẾT NỘI BỘ

Chiều ngay 23/12/2011, tại v/p 2Chỉnh sửa Bài đăng Trung ương GHPGVN, phía Nam, 294 Nam Kỳ Khời Nghĩa, có cuộc họp kín bất thường. Phía chính quyền có Ban Tôn Giáochính phủ.Bên Giáo Hội có HT Phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký HĐTS quý thượng tọa phó chủ tịch phía bắc , HT truởng Ban Pháp chế ban kiểm soat ... Để đi đến thống nhất một vấn đề mà ngày 12/12/2011, sau sự viên tịch của HT T.Thanh Tứ tưởng như đã thống nhất.

Ngày 12/12/2011 Ban Thường trực HĐTSTWGH PGVN cùng các Ban ngành như Ban Dân vận TW, Ban Tôn giáo chính phủ, Bộ Công An, UBMTTQVN, sau khi nghiêm xét trên nguyên tắc hành chánh và điều khoản của Hiến Chương GHPGVN, đồng đi đến quyết định nhất tâm cung thỉnh TT. Thich Thanh Nhiễu đương nhiệm Phó Chủ Tịch HĐTS TW bổ khuyết chức danh mà HT T.Thanh Tứ vừa khuyết tịch. Chính vì thế mà Thường trực HĐTSTW GHPGVN đã có nghị quyết gửi đến các cấp chính quyền liên đới. Các cơ quan ban ngành tôn trọng Hiến chương , nội quy ban thường trực và sinh hoạt độc lập của GHPGVN, xác định không xen vào nội bộ của Tôn giáo.Tuy nhiên, sự việc ngỡ chừng ổn định, sau đó có những áp lực của một số cá nhân viên chức chính quyền vận động HT Phó chủ tịch, HT Tổng thư ký và Ban Thường Trực Giáo Hội để áp đặt nhân sự vượt ngoài nguyên tắc Hiến chương.

Sau sự mất mát của HT Phó Chủ Tịch, chư tôn đức trong Giáo Hội còn đang ưu tư, Phật sự đang chựng lại vì tang lễ, thừa khoảng trống đó, việc tham quyền cố vị của một vài nhân sự nặng danh lợi đã tạo khó khăn cho Giáo hội. Nhưng cuối cùng, trên căn bản Hiến Chương đã giúp mọi mắc mứu đi vào ổn định. Hôm nay, vẫn những toan tính quyền và lợi đó, dựa trên một số thế lực và lạm quyền lạm danh để vận động áp lực chư Tôn Giáo phẩm một lần nữa phải chùng bước trước những ý đồ vượt mọi nguyên tắc.

Thế nhưng, sau 30 năm đi vào nề nếp, lần đầu tiên, chư tôn Giáo phẩm đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí, không chấp nhận những yêu cầu vô lý dù đến từ bất cứ đâu, để thao túng nội bộ Phật giáo, chính vì thế, cuộc họp bất thường chiều ngày 23/12/2011 tại 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q 3 TP HCM đã làm thất bại mọi ý đồ đó.

Phật giáo vốn có tiếng hiếu hòa đến độ đưa tới nhu nhược trước quyền lực, song, nếu vì sự tồn vong của Phật giáo, chư tôn giáo phẩm vẫn đủ đức tính kiên cường để giữ cho ngôi nhà Phật giáo không bị méo mó. Noel năm nay, Ban Tôn Giáo chính phủ mang quà đến chúc mừng Giáo Hội Công giáo, các Giám mục can đảm từ chối thì chuyện áp đặt khuynh loát vận mạng Phật giáo bị chư tôn Giáo phẩm khước từ cũng là việc đúng, thể hiện tính tự chủ, độc lập của một tổ chức sinh hoạt trên nền tảng Hiến chương đã được nhà nước chuẩn thuận. Và đối với những tôn giáo được pháp luật công nhận, nhà nước cũng đã dành một quyền tự quyết nội bộ nhất định mà trước kia chưa hề có; chính vì thế mà sự sinh hoạt của các tôn giáo có phần khởi sắc. Phật giáo ngoài tầm vóc một tôn giáo, còn là tâm linh của dân tộc. Tinh thần Phật giáo sung mãn thì tâm linh dân tộc sung mãn, nếu Phật giáo bị khống chế như loại bonsai uốn cong theo ý nhà vườn thì Phật giáo chỉ còn là loại cây hoa trang trí vô dụng. Một nhà lãnh đạo giỏi, không ai mong muốn như thế, một người nghĩ đến tương lai của một đất nước, cũng không ai muốn các tôn giáo phải thụ động.

Thời đại mà kiến thức đóng vai trò quan trọng như hôm nay, thông tin nhanh nhạy như thời đại tên lửa, không thể dùng quyền như chế độ phong kiến để mượn oai hùm sách nhiễu qua “ Thánh chỉ” của Trung ương. Có lẽ một vài cán bộ còn nhiễm sâu đậm tính chuyên chế chưa kịp tẩy rửa để bắt kịp với thời đại nên cứ phải vi phạm luật pháp, xen vào nội bộ tôn giáo. Nhưng dẫu sao, chính nhờ thế mới thấy được tinh thần đoàn kết của chư tôn giáo phẩm của GHPGVN hiện nay. Mong rằng, Phật giáo, cũng như một vài cán bộ xâm phạm quyền tự quyết nội bộ tôn giáo sẽ an hòa, vượt qua những ách tắc để xã hội ổn định và Giáo Hội không bị bất an.

MINH MẪN

23/12/2011


ĐẠI HỘI PG HUYỆN HỐC MÔN KỲ 8.

Sáng ngày 04/3/2012, tại hội trường chùa Hoằng Pháp, đại hội Phật giáo huyện Hốc Môn nhiệm kỳ 8 được tiến hành vối sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Thành Hội, chư HT, TT, ĐĐ Tăng ni trong và ngoài huyện cùng chính quyền TP và huyện, xã thuộc vùng 18 thôn vườn trầu.

Cứ 5 năm một lần, Ban Đại Diện tổ chức bầu bán theo quy định Hiến Chương Giáo hội. Phật giáo Hốc Môn là một trong những đơn vị hình thành sớm nhất khi GHPGVN ra đời từ năm 1982; cũng là Giáo hội vùng ven TP có một nề nếp sinh hoạt khá nhịp nhàng, ổn định và năng động. PG huyện có trên một trăm cơ sở am tự viện chính thức và bán chính thức. Đặc biệt, một đội ngũ Tăng ni trẻ hiếu học cầu tiến. Ngay cả những vị sống bằng “ứng phú” cũng tham gia chương trình đại học từ xa của học viện Vạn Hạnh. Các cơ sở trên 60% được tái thiết và 30% Tăng ni cư trú được hợp thức hóa. Do đức độ của HT chánh đại diện mà hầu hết Tăng ni trong huyện đoàn kết, năng động trong mọi Phật sự. Tuy nhiên, PG huyện Hốc Môn cũng không tránh khỏi một số vướng mắc khó khăn. Giáo hội chưa có một cơ sở độc lập cho văn phòng hành chánh huyện, chưa có một hội trường sinh hoạt cho PG huyện, chưa có ngân sách sinh hoạt rõ ràng, và đôi khi sự liên hệ hành chánh giữa Giáo hội và chính quyền sở tại chưa đi đến thống nhất. Phật giáo là một trong những thành viên của Mặt Trận TQVN như các đoàn thể khác, thế mà khi có đại hội, Thương binh xã hội, phụ nữ, thậm chí câu lạc bộ…đều được xử dụng hội trường huyện, hoặc mướn hội trường Trung tâm văn hóa huyện. PG huyện là một trong ba đơn vị phát triển chiến dịch tuyên truyền HIV trong TP, nhưng khi sinh hoạt cộng đồng thì không được địa phương yểm trợ. Còn nhiều trở ngại lề mề trong việc duyệt xét hành chánh khi Giáo hội huyện đệ trình xin phép. Đúng nguyên tắc, khi TP có văn thư chiếu khán hạ dẫn thông qua chính quyền địa phương thì Giáo hội huyện không phải xin phép mà chỉ thông báo; ví dụ đại lễ thường niên, đại hội chu kỳ…thế mà cơ chế Xin- Cho vẫn còn tồn tại. Trong chương trình họp phòng chống HIV cấp TP, huyện Hốc Môn nhiều lần không tham dự, vì thế khi chùa Quang Thọ triển khai dự án tư vấn HIV luôn bị địa phương gây trở ngại. PG huyện mỗi năm đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các công tác từ thiện xã hội, trong 5 năm nhiệm kỳ 7, PG HM đã đóng góp trên 86 tỷ. Một tiềm lực như thế nói lên tính năng động nhiệt tình của chư Tăng ni. Một số ít Tăng trẻ chưa giữ được Tăng phong, tuy nhiên vẫn là một tiến bộ đáng kể so với thập niên về trước. Hầu hết các chùa đều có đạo tràng và lớp giáo lý, do vậy trình độ Phật Pháp của quần chúng đã được tiến triển khá tốt.

Qua những sinh hoạt của PG huyện Hốc Môn cho phép tin rằng, không xa lắm, đơn vị tiền tiêu như thế sẽ nổi trội so với một vài quận huyện còn trì trệ chẳng hạn Phật giáo quận 8, BĐD còn quan liêu và ngăn trở các chùa trong những lễ hội như mùa Phật Đản, Vu Lan khi phô diễn cờ, đèn và những sinh hoạt trong quần chúng Phật tử.

Hy vọng PG các quận huyện trong TP cũng như cả nước, cùng thể hiện tinh thần hy sinh, đoàn kết và năng động để hiện tình Phật giáo phát triển đồng bộ hơn.

MINH MẪN

04/3/2012