Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

* VĂN HÓA TÌNH NGƯỜI




Thoáng mà đã qua nửa tháng bảy, một tháng được hiểu là mùa Vu Lan.
Có lẽ tri ân báo hiếu được khởi xuất trên đất nước ta từ thời Phật giáo Bắc truyền du nhập vào quê hương trên dưới 2000 năm. Thuở xa xưa người dân và vua chúa cũng đã thể hiện tình người, tính vị tha, và tính tương thân. Đạo đức vị tha trong chiến tranh, đạo đức hiếu nghĩa trong thân tộc, đạo đức tri ân đối với xã hội và nhân loại, từ bi với muôn loài, tôn trọng mạng sống chúng sanh.
Ngày nay, mùa Vu Lan trở thành truyền thống của dân tộc, người hiện tiền và kẻ quá vãng cũng được quan tâm; Nó không còn là truyển thống tôn giáo mà là đạo nghĩa tình người.
Bước đầu tháng bảy, một vài nơi bắt đầu chẩn thí. Một vài quán ăn chay hoặc là phục vụ miễn phí, hoặc có mạnh thường quân tài trợ cho quán để làm công việc miễn phí trong một ngày. Một vài nơi sắm sửa thực phẩm để cung cấp cho dân nghèo. Phần lớn các chùa đều đãi chay cho bá tánh. Suốt tháng bảy nhiều nơi người có tâm vị tha và hạnh bố thí, đều phát quà, thuốc men, áo quần… cho những ai có nhu cầu. Chim, cá cũng được nhiều người sẵn lòng phóng sanh, và cũng không tránh khỏi một số người sẵn lòng đánh bắt trở lại - tất cả đều  trong mùa hoan hỷ!
Tháng bảy trở thành tháng nhộn nhịp cho các chùa, tháng bận rộn cho quần chúng tin vào tâm linh và nhân quả - cầu an, cầu siêu, đền ơn đáp nghĩa… ngoài ân sanh thành, còn nghĩa tương trợ trong xã hội, thập phương sanh chúng; báo đáp ơn Tam bảo, quốc gia thủy thổ… Đó là đạo nghĩa của dân ta.
Tình thương và lòng vị tha không chỉ vào dịp tháng bảy, thường ngày, một vài nơi, đâu đó vẫn có xe bánh mì từ thiện, rằm nguơn luôn phát cơm miễn phí, cơm từ thiện cho các bệnh viện, những bình nước dọc đường cho người đi qua, thùng tiền lẻ cho người vô gia cư đến nhận vừa đủ ăn cơm, tủ quần áo cũ cho những ai có nhu cầu. Làm từ thiện qua nhiều hình thức chỉ vì mục đích vị tha vô ngã. Tinh thần “thi ân bất cầu báo” trở thành truyền thống tốt đẹp của những người con Phật, kể cả người không phải là tín đồ Phật giáo, được lan tỏa ra xã hội… dần thâm nhập ra phía Bắc thập niên gần đây.
Vùng An Giang và một vài tỉnh Miền Tây Nam bộ, cuộc sống không khá giả như thành thị, vẫn tràn ngập việc từ thiện như xây cầu, làm nhà, phát thuốc cho dân thiếu điều kiện. Các bệnh viện luôn được trợ cấp cơm chay miễn phí hàng ngày cho bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh, và nhân viên bệnh viện nếu họ cần. Mổ tim, mổ mắt, cung cấp hòm, trợ táng cho những gia cảnh khó khăn, hỗ trợ viện phí, có xe đưa đón bệnh nhân về vùng xa cho những trường hợp không đủ khả năng. Đó là việc làm thực tế trong cuộc sống hiện nay.
Những việc hành thiện không phô trương, không vụ lợi phát xuất từ tâm lành, không chỉ trên hành động mà còn vương vấn trên nét mặt hồn hậu, đúng với câu cổ nhân từng nói: “Thử tại tâm trung xuất hình ư ngoại”. Những người phát tâm bố thí hành thiện thực sự, dĩ nhiên không có hành động cao ngạo của kẻ bố thí, không mưu cầu lạm dụng trong việc làm từ thiện.
Càng ngày, người dân đã quan tâm cho nhau trong cuộc sống khốn cùng, đó là hiện tượng đáng mừng, một nét văn hóa tình người thì tự khắc lòng vị kỷ sẽ giảm thiểu.
Ông bà xưa bảo: “Phú quý sanh lễ nghĩa”, cuộc sống dân ta hiện nay chỉ đủ ăn, chưa được gọi là phú quý, thế mà biết quan tâm chia sẻ cho nhau. Văn hóa tình người như thế, sẽ lan tỏa và nhân rộng, thì chắc chắn văn hóa của một dân tộc không thể bị đánh mất. Văn hóa không bị đánh mất thì dân tộc ta không thể suy vong.
Chính tính vị tha tương trợ thường ngày trong xã hội, làm nền tảng ôm ấp cho mỗi độ Vu Lan hoặc rằm lớn, trở thành một trào lưu tâm linh, tính nhân quả và thấm đẫm tình người, là những cánh hoa đẹp nở rộ trên áo của mọi người khi bước vào cổng chùa trong dịp Vu Lan; Những ai không bao giờ đến chùa mà vẫn thể hiện hạnh bố thí, đấy cũng là tự gắn vào lòng sự thanh thản, ươm mầm cho phúc báu tương lai.
Từ nét đẹp Vu Lan biến thành “văn hóa tình người” cho cuộc sống xã hội hiện nay.

MINH MẪN
26/8/2018.– 16 tháng bảy năm Mậu Tuất P.L 2562

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

* XẾ CHIỀU




Trong căn phòng trọ ọp ẹp, bóng chiều chếch phía Tây, sau lều, tia nắng xuyên qua hàng cau, đủ độ sáng để Tuấn nhướng mắt sau cặp kính lão, tỉ mỉ thầm đọc từng chữ trên bì thư “thiệp cưới”.
Vu Lan, lại là mùa Vu Lan, thuở bé thoát ly gia đình lưu lạc vào Nam cũng mùa Vu Lan. Xe nghỉ tại bến Nha Trang để sáng mai tiếp tục lăn bánh vào Nam. Thời chiến, xe chạy đường dài từ miền Trung vào Sài gòn cũng phải dừng chân đâu đó, không xe nào được chạy đêm. Tuấn say mê lạ lẫm nhìn chư Tăng và Phật tử chắp tay niệm Phật đi vòng quanh chính điện, bên ngoài cổng biểu ngữ với bốn chữ - "KÍNH MỪNG VU LAN”, của ngôi chùa gần bến xe.
Bỡ ngỡ trước cuộc sống nhộn nhịp của người dân đô thị, đèn sáng choang, xe cộ tấp nập. Tuấn hồi tưởng lại quê nhà, lưa thưa vài cổ xe hơi cũ kỹ, xe đạp là phương tiện đi lại; thỉnh thoảng vài chiếc xe mobilet của con nhà khá giả phe phẩy tà áo dài trắng đến trường. Các bà buôn thúng bán bưng từ tốn trong chiếc áo dài truyền thống, cũ kỷ, thong dong ngồi nhóp nhép miếng trầu, vệt nước đỏ chảy dài theo nếp nhăn hai bên mép. Sinh hoạt quê nghèo như thiếu sức sống, lờ đờ như giòng sông trong veo thấy tận đáy.
***
Thiệp gì mà giấy thơm ghê, sang trọng quá, chả lẽ hai đứa nhỏ tự động tổ chức mà không cho mình biết; tiền đâu chúng nó làm? Nó sợ mình tốn kém nên không thông báo – Thầm nghĩ, Tuấn mân mê tấm thiệp như sợ rơi rớt từng con chữ.
Ông trời trớ trêu, đẩy hai cha con vào cảnh khốn cùng trước đây, để rồi giờ này... Tuấn nhớ lại ngày vào Nam – những ngày tháng, Tuấn nhặt nhạnh đồ thừa nơi đống rác của một căn cứ lính Mỹ, đôi khi được những mẩu bánh của dân thị thành vứt bỏ bên gốc cây. Tắm giặt nơi vòi nước công cộng, tối ngã lưng dưới gầm cầu Công Lý.
Năm 1975, chiến dịch thu gom người ăn xin, kẻ lang thang đường phố, Tuấn bị đưa vào trại tập trung. Khi xã hội được ổn định, Tuấn ra trại với tấm giấy buộc về kinh tế mới. Trên vùng đất xa lạ, Tuấn gặp phải một thiếu phụ, từ thành phố bị cưỡng bức lên rừng khai phá; đồng cảnh ngộ, họ đến với nhau bằng con tim đơn độc.
Không lâu sau, người vợ bị sốt rét cấp tính, qua đời, để lại cho Tuấn cháu bé lên ba. Hai cha con bỏ rừng rẫy về lại phố thị. Cơm thừa canh cặn nơi thị thành đã nuôi hai cha con. Con lớn như thổi, biết phụ cha nhặt nhạnh ve chai, phế liệu. Con vào trường trong hoàn cảnh túng quẩn mọi bề, cha già vay mượn chủ vựa cho con ăn học. Không bao lâu, Tuấn học lóm được nghề sửa khóa thủ công.
-         Ba, con vừa tốt nghiệp cấp ba, biết gia cảnh mình nghèo lắm, nhưng xin ba cho con tiếp tục học, con sẽ kiếm việc làm để đóng tiền học.
Nghe con nói, vừa mừng vừa lo, thằng bé hiếu học, mình đã dốt, chả lẽ để con tiếp nối cuộc sống lây lất bữa đói bữa no như mình, Tuấn quyết định – Con cứ học, bằng mọi cách ba sẽ lo cho con thành đạt.
Tuấn bấm bụng bán căn nhà nhỏ vừa tậu được vài năm trước để cha con đụt mưa tránh nắng, giờ tiếp tục làm kẻ không nhà, để lo cho con có con chữ như người ta.
-         Ba bán nhà rồi mình ở đâu, chả lẽ lại ngủ gầm cầu?
-         Mình sẽ thuê phòng trọ, con cứ việc học, mọi sự để ba lo.
Tuấn kiếm thêm mối chở sách cho cửa hàng, vài khách hàng quen ra chợ, đón mấy cô vũ nữ về khuya.
***
Hai năm sau, Tuấn nhận tin báo của con có được học bổng của Học viện Công nghệ Massachusetts, chuyên ngành lập trình phần mềm tin học. Tuấn rơm rớm nước mắt, vừa mừng vừa tủi cho con sanh nhằm kiếp nghèo.
Hơn 20 năm đội nắng dầm mưa, thoáng mà con chuẩn bị bước vào đời; Tuấn nhận thư của con vài tháng một lần.
-         Ba, đây là bạn gái con quen cùng trường, ba xem được không, tính tình thuần hậu nhưng đôi khi bướng.
-         Con muốn thì ba chiều, hãy xét nét cho kỹ, chuyện vợ chồng không phải ngày một ngày hai đâu con. Hãy đợi ra trường hẳn tính việc vợ con, nhà mình nghèo lấy đâu ra tiền làm cưới?
Một lần, con gửi về tấm ảnh hai trẻ chụp chung, Tuấn nhìn mãi không chán, con lớn thấy rõ, bé gái cũng xinh, xứng với con lắm. Tuấn mừng thầm hãnh diện, đem ảnh khoe với bạn.
-         Sao ba đưa ảnh tụi con lên face mà không hỏi ý kiến tụi con? Bạn gái con phiền lắm, yêu cầu ba gỡ xuống.
-         Ba có biết face là gì, đưa ông bạn ba xem, ông ta thấy hai đứa dễ thương, đưa lên cho vui thôi.
Tuấn thầm nghĩ, bọn trẻ bây giờ quyền hành hơn cha mẹ, trách móc cha mẹ. Tại sao phải xin phép ý kiến chúng nó mới được đưa lên face! Xứ người văn hóa ứng xử có khác. Nỗi buồn thầm lén xuyên vào tâm mà lâu nay Tuấn luôn dành mọi tình cảm cho con. Chưa bao giờ con dám có lời trách móc ba, xã hội phương Tây giáo dục là thế? Trên 18 tuổi là đủ mọi quyền công dân?
-         Ba khỏi phải lo chi phí cưới hỏi, nhà bạn con sung túc lắm.
-         Con nói thế chứ chả lẽ mình không đóng góp gì sao!
Lo, mừng, buồn, vui lẫn lộn. Ngồi trên xe chở hàng về ngoại ô mà người cảm thấy bay bổng giữa mênh mông đất trời. Về đến phòng trọ, Tuấn nhận tấm thiệp từ chủ nhà, màu hồng dịu thơm mùi phấn hoa; lẩm nhẩm đọc từng giòng chữ trên tấm thiếp. “Quý Nam và Ái Nữ – Ui chao, cái từ nghe lạ quá, từ thuở cha sanh mẹ đẻ đến nay chưa từng nghe ai sử dụng từ đẹp như thế. Quý nam phải chăng chỉ cho con trai độc nhất, ái nữ cũng vậy sao! Bà ở nơi chín suối có chứng giám cho con trai mình nay đã trưởng thành, bà độ trì cho hai đứa nhỏ an lành hạnh phúc. Bà ra đi để lại gánh nặng cho cha con tôi, giờ đây nó đã trưởng thành, ra trường đời, tuy tôi nhẹ gánh phần nào, nhưng con mình còn đối diện bao khó khăn trong cuộc sống.
-         Ba, chuẩn bị qua nước ngoài dự lễ cưới của con, ba phải đi khám sức khỏe; bệnh đau nhức của ba do tai nạn nghề nghiệp và dầm mưa giải nắng quá lâu, phải chữa, đừng để qua đây làm khổ tụi con…
Đọc đến những lời này, khóe mắt Tuấn thấy cay xót. "Đừng để qua đây làm khổ tụi con”. Chao ôi, tao có muốn đến xứ lạ đâu, chưa chi mầy đã có lời lẽ như vậy, cả đời cha mầy vất vả vì mầy chưa hề than thở, mà mầy đã sợ làm khổ chúng mầy là sao? Tụi nhỏ ảnh hưởng nếp sống thực dụng, ăn nói thẳng thừng không phải như dân quê mình ý tứ xét nét từng lời trước khi nói. Tâm chúng nó không có ý xấu hay xem thường mình đâu, có lẽ con bị nhiều áp lực trong cuộc sống xứ người, Tuấn thầm tự an ủi.
-         Tụi con cứ việc tổ chức lễ thành hôn, ba không đủ điều kiện để đi, vả lại tiếng Tây tiếng U ba không rành, đến xứ lạ có khi phải lạc. Con cứ xem như không có ba cũng như ba xuất thân vô gia cư vậy.
Những mẩu chuyện Tuấn đọc trên báo, thầm buồn tuổi già trên đất khách, không vào dưỡng lão cũng bị dâu con hất hủi; không hất hủi cũng khó chịu. Người già trong nhà trở thành vướng víu cho bọn trẻ. Bà Bảy ở Maryland, từ ngày vượt biên, làm một ngày mấy jobs, nuôi con ăn học. Sau khi con ra trường, có công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng, 5 đứa thành đạt, không đứa nào ngó ngàng tời mẹ già. Tiền trợ cấp chính phủ tuy đủ sống nhưng tình cảm gia đình không như còn ở quê nhà. Vài năm sau bà trở lại quê hương.
-         Con, bao năm khó nhọc, ba lo cho con thành tài, con hãy sống với vợ con, để ba an phận, xem như bổn phận của ba đối với con theo lời trăn trối của mẹ, ba đã hoàn thành.
-         Sao ba nói vậy, bây giờ con có bổn phận phải lo lại cho ba hết tuổi già.
-         Con nói là do lòng hiếu thảo của con, cuộc sống thực dụng nơi xứ người không như quê mình. Tụi con đi làm cả ngày, ba trở thành osin, quản gia cho chúng mày. Già không đủ sức tự lo, con phải đưa ba vào trại dưỡng lão. Hàng ngày giam mình trong bốn bức tường lặng câm, chán rồi nhìn những bạn già móm mém xa lạ. Chi bằng để ba ở lại quê nhà, tuy không có bà con ruột thịt cũng còn hàng xóm quen thân. Tập quán, nếp sống mọi thứ đều xa lạ. Tất cả đều không thích hợp với tuổi già như ba, cuộc sống xứ người khác nào là lối tra tấn đối với kẻ quê mùa dốt nát...

***
 Tiếng chuông chùa báo hiệu thời công phu chiều, người người tấp nập đến chùa tụng kinh Vu Lan nhân mùa báo hiếu. Tuấn gấp thiệp cưới để dưới gối, một ngày lao động vất vả, nhắm mắt đưa hồn vào cõi mông lung.

MINH MẪN
04/7/2018


* TẾT QUÊ




Từ tờ mờ, gà gáy canh ba, con đường làng phủ rạp bóng tối tán tre mọc hai bên đường, đã có lưa thưa bóng người gồng gánh ra đầu làng nhóm họp chợ phiên.

Ngoại đánh thức bé Na, dặn: - Chừng nào chuông chùa công phu, con bắt nồi cơm, độ một lon gạo lúa mùa, 2 lon sắn, để cúng rằm. Phải ngồi canh chừng kẻo sống hoặc khê nghe con.

Chiếc bóng của bé Na cũng nhấp nhô trên vách mỗi khi ngọn lửa bập bùng. Bó rơm đẩy vào ông táo “kiềng ba chân”, chung quanh trống hoác, sức nóng tỏa ra chung quanh nên nồi cơm lâu sôi. Vách đất sét nhồi rơm đã được ngoại che chắn bằng tấm tole tránh cho lửa bắt mồi. Cuối năm, trời se lạnh, bé Na quấn quanh người bằng tấm chăn mỏng, ngồi chồm hổm, cứ phải chùi từng bó rơm vào bếp. Na thèm chui mình cuộn tròn vào ổ rơm của con “mực” kế bên, nhưng sợ không đủ lửa cơm sẽ sống. Bên ngoài căn nhà lá, tiếng gió rít từng hồi, mưa phùn theo cơn gió, thỉnh thoảng tạt vào vách, lay đọt tre tạo âm thanh lao xao lạnh lẽo.

Loáng thoáng từng ngọn đèn bão trên khoảnh sân rộng giữa màn đêm, cứ như chợ ma trong truyện cổ tích. Rau củ quả, gà vịt, măng tre, đậu hạt… đủ loại thổ sản bày la liệt trên mặt đất. Một góc chợ, chiếc nồi bốc khói, vài người ngồi co ro nhâm nhi từng bát nước chè xanh thoang thoảng mùi gừng; bên cạnh, mấy lão nông cột trâu nơi gốc cây miếu hoang, bắn từng viên thuốc lào nghe sùng sục, ngẩng đầu nhả khói trông có vẻ sảng khoái.

Che mưa tránh lạnh bằng áo tời chằm lá, chiếc nón truyền thống rộng vành,chợ phiên trông như những nụ nấm di động, hơi khói tỏa từ dưới chiếc lá phủ kín từng khuôn mặt, giữa khí lạnh mỗi khi họ trao đổi hỏi han, cứ như ai cũng hút thuốc.

Mới rằm tháng chạp, dân làng chuẩn bị lương thực, thực phẩm; có cả đồ hàng mã để cúng  thân nhân quá cố, và đón ông bà về chung Tết với con cháu. Đến lúc chợ tan cũng vừa rạng sáng, ai ra về cũng bê xách gánh gồng những thổ sản, hàng hóa chuẩn bị cho năm mới.

- Con sắp đồ để riêng từng món, phần này cúng ông Táo, ông Địa, phần này cúng Phật, còn lại để vài hôm ra cúng mã và chư vị. Cuộn lá dong con để dưới đất cho tươi, nấu bánh tét cúng giao thừa… Ngoại dặn tỉ mỉ chắc gì bé Na nhớ hết.
-         Mấy bộ đồ giấy để cúng gia tiên, bé Na thắc mắc – ông bà mất lâu rồi mà còn cúng quần áo giấy, con có gì không ngoại?
-         Mấy bộ đồ Tết năm trước còn mới, nay mặc cũng được, ngoại hết tiền rồi.
-         Chật hết rồi ngoại – Na nũng nịu
-         Ừ, nay con 16 tuổi rồi mà ngoại quên, ráng Tết sang năm ngoại bán bầy heo mua cho áo mới.

Đây là Tết thứ năm Na về ở với ngoại, ba mất sớm, mạ bôn ba kiếm sống lâu rồi chẳng thấy về; hai bà cháu hủ hỉ sớm hôm. Lúc về với ngoại thì cây cau trước ngõ chỉ cao bằng vai Bé Na, nay nhổ gốc cao lớn bộn, nhiều lần cho ra quả để ngoại hái cúng ông Táo, cúng ông bà. Hàng ngày Na chỉ biết việc đồng áng nhà nông, vườn tược sau sân. Vui nhất là những lúc cúng đình làng, mấy gánh hát bội cuốn hút dân làng, lũ trẻ trang lứa rũ nhau, chưa kịp ăn chiều, chúng đã có mặt, chồm hổm ngồi gần sân khấu xem nghệ sĩ trang điểm thay xiêm y thật vui mắt, nhờ vậy Na quen mấy bạn cuối làng, hẹn nhau đi học cứ gọi nhau ơi ới. Na nghe mấy bạn lên trên phố, khen nhà cửa đẹp, xe đạp bấm chuông cón keng vui tai, xe cyclo, xe thổ mộ… trông cái gì cũng lạ. Nhất là đường tráng nhựa sạch sẽ không lầy lội như dưới quê mỗi khi mưa ngập. Mấy O buôn thúng bán bưng cũng thong dong trong chiếc áo dài cũ mèm; Trên phố chả ai mang tời che mưa tránh rét như dưới quê mình, họ có áo nhựa mỏng, gọn, nhẹ lắm. Những mẫu chuyện nghe bạn kể, Na thích thú, ước ao được một lần lên Tỉnh.

-         Mầy có áo mới chưa Na, ba mạ tao đem từ phố về nhiều đồ đẹp lắm, có cả búp bê nữa
-         Ngoại tao không có tiền, tao cũng không có ba mạ. – Na đáp
-         Để tao về xin ba mạ cho mày.
-         Thôi, ngoại tao rầy chết, tao không nhận đâu. – Na trả lời

***
Đầu ngày, trời mang màu trắng đục, cuối Đông, việc đồng áng đã mãn, đường làng vắng lặng. Mưa phùn bay nghiêng nghiêng, ngôi làng im ỉm như còn ngủ ráng. Ngoại lục đục từ rất sớm, bé Na vẫn cuộn mình trong tấm bao bố đựng gạo.

-         Bà ơi, bà Tám có ở nhà không? Tiếng kêu khe khẻ bên ngoài tấm phên.
-         Ai đó, có gì không cháu, à, thằng Tuấn con bà Khang, đi đâu sớm vậy con?
-         Dạ thưa bà, Tuấn miệng lấp bấp, - Do trời lạnh hay do ngại việc gì, nói không thành tiếng. – Cháu có ít quà xin biếu bé Na ăn Tết.
Chiếc quần cháo lòng được phủ bởi áo dài in bông đồng tiền màu xanh tím, đầu thiếu khăn đóng của già làng, chân đi đôi guốc dính nặng đất sét; Tuấn hai tay đưa về phía trước khúm núm dâng quà. Mắt liếc quanh nhà.
-         Thưa bà, bé Na đâu rồi? Tuấn thắc mắc.
Ngoại chỉ xuống đống rơm trong kẹt bếp – nó còn ngủ kìa, sao nay bày đặt quà cáp biếu xén chi rứa.

-         Na, chú Tuấn biếu đồ cho con nè – ngoại vừa đun bó rơm vào lò, vừa ngoái đầu gọi bé Na.
Dụi mắt nhìn Tuấn, bé Na vội cúi gầm xuống, nét mặt thoáng bối rối thiếu tự nhiên. Tuấn đặt gói quà xuống chỗ nằm của Na, vội xin ngoại ra về.

-         Sao nhận quà người ta mà con không biết cám ơn? – Ngoại trách mắng Na.
Lẵng lặng, bé Na để gói quà trên bàn, rút tấm giấy ra khỏi gói quà, lẩm nhẩm đọc: - “Em Na, còn nhớ mình gặp nhau trong đám cúng đình không, tuy chưa dám trò chuyện nhưng tôi vẫn luôn để ý và nhớ Na. Một chút quà mọn gieo duyên mong Na vui lòng nhận, đừng giận, Tuấn buồn lắm…”. Nét chữ nguệch ngoạc đang nhảy múa dưới mắt Na. – Từ nhà bếp, ngoại lên tiếng – Cái gì vậy con, sao không xuống phụ với ngoại để kịp cúng ông bà. Thái độ lúng túng của Na, ngoại thấy lạ, hỏi: - Cái gì mà con dấu ngoại?

Na chìa tấm giấy cho ngoại, vội chạy xuống bếp tránh sự ngượng ngập khó hiểu, trống ngực phập phồng làm nhấp nhô chiếc áo lạnh. Nhìn ra cây cau, thầm nghĩ – Tết này cây cau cũng 17 tuổi như mình vậy sao!!!

MINH MẪN
12/8/2018