Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

LỄ HẰNG THUẬN LÀ “NGƯỢC LẠI GIÁO LÝ CỦA ĐỨC THẾ TÔN”?


Trên trang “PHẬT GIÁO”,  HT Thich Giác Quang trả lời nghi vấn của một phật tử về việc tổ cức lễ Hằng thuận có đi ngược lại giáo lý phật giáo?

HT Giác Quang đáp: “Trong Phật giáo không có các tổ chức đám cưới dù lớn hay nhỏ, ngày nay có một số chùa ở Việt Nam cho Phật tử  làm đám cưới trong chùa là không đúng, tổ chức này gần như giáo hóa ngược lại giáo lý Đức Thế Tôn.

Giáo lý Đức Phật là khuyến giáo thoát ly sanh tử luân hồi, chẳng lẽ các nhà sư lạnh lùng cho làm lễ hằng thuận trong chùa?Đại luật, giới thứ 5, trong 13 giới tăng tàn...Làm mai mối cưới gả...phạm tội hữu dư”

                                                 ***

Nếu bảy tỷ người trên trái đất đều là tu sĩ thì tổ chức này không thích hợp với giáo lý. Đã là toàn bộ tu sĩ thì làm gì có lễ hằng thuận.Tín đồ Phật giáo hiện nay chỉ trên dưới năm sáu trăm triệu, trong số này không hoàn toàn chọn con đường thoát ly sanh tử, đa phần cầu phước vì còn lệ thuộc tập quán sinh hoạt với xã hội, gia quy dòng tộc, ngay cả giữ chay một tháng vài ngày cũng đã khó.Vậy áp dụng đúng luật nhà Phật có phải mình cách ly xã hội, nếu không muốn nói “chả giống ai”; muốn giống ai thì người phật tử chỉ còn là cái danh, mọi sinh hoạt bước vào ngưỡng cửa hôn nhân đều là trần tục, lấy gì để duy trì đạo đức tôn giáo trong đời sống hôn nhân lâu dài không được chư Tăng khuyến giáo, chúc phúc?

Hằng thuận là gì?  Ngày lễ này được bắt nguồn từ đám cưới của Nguyễn Trọng Thuật. Là người có bút hiệu là Đồ Nam Tử. Ông quê ở Hải Dương sinh năm 1883 mất năm 1940. Vốn là một nhà Nho hưng Phật

Đến năm 1971 Hòa thượng Thích Thiện Hòa sau nhiều lần chứng kiến các đám cưới tại chùa nên đã đặt tên cho việc kết hôn tại chùa là lễ Hằng Thuận. Theo phiên âm Hán Việt thì chữ “hằng” có nghĩa là thường xuyên, liên tục, luôn luôn. Còn từ “thuận” tức là hoà thuận, hoà hợp, đồng lòng, cùng hướng đến sự chân thiện mỹ trong đời sống

Luật áp dụng cho tu sĩ chọn con đường trọn đời giải thoát.Nếu áp dụng nghiêm khắc thì không được nằm giường cao rộng lớn, không ăn phi thời, không sử dụng tiền bạc, quý kim, không ngủ dưới gốc cây qua ba đêm, không dùng lụa là gấm vóc...Trong luật Phật không đề cập đến phương tiện đi lại, không nói đến vi tính, điện thoại, máy điều hòa, tủ lạnh và mọi tiện nghi..thì cũng  không nói đến lễ hằng thuận trong chùa, thế thì thế nào, ai phạm luật?

“Phật  pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch bồ đề, cáp như cầu thố giác”, có nghĩa hiểu  phật pháp một cách thông thoáng: “thế gian pháp tức phật pháp”. Còn chấp có chấp không, còn phân biệt làm sao đạt đến vô phân biệt trí.Với trí tuệ nhà Phật: “có thì có tự mãy may, không thì cả thế gian này cũng không”.Tất cả đều là phương tiện, biết áp dụng đều làm lợi cho chúng sanh, cố chấp đưa đến trở ngại cho mọi người mà còn là chướng duyên cho chính mình.Đẩy tín đồ rời xa đạo phật.

Ngay cả luật giới, Phật còn cho bỏ những tiểu tiết để thích nghi với phong thổ, tập quán mỗi nơi thì đem Phật pháp vào thời đại để phật hóa thời đại có gì là sai? Biết áp dụng mọi phương tiện đem đến lợi ích, phương tiện đều tốt, phủ nhận phương tiện là tự cô lập giữa cuộc sống đa phương tiện hiện nay.

“cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh,cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt” luật tương ứng tương tác vốn dĩ tồn tại từ ngàn xưa, không thể phủ nhận. Mặt trái mặt phải cùng chung một bàn tay, khôn khéo là biết diệu dụng.

Nhà chùa không chỉ để các cụ đến chuẩn bị cho ngày chết? Không cho tuổi trẻ thích nghi với thời đại đồng nghĩa đẩy tuổi trẻ qua đạo khác hoặc tuổi trẻ sống không có lý tưởng đạo đức, vậy phật giáo giáo dục ai???

                                                ***

Hằng thuận tại chùa là nét đẹp văn hóa của tuổi trẻ với tín ngưỡng, là nền tảng đạo đức được chư Tăng khuyến hóa và chúc phúc, những ấn tượng đó sẽ xuyên suốt cuộc đời lứa đôi.Đây không phải bắt chước Tôn giáo bạn mà đã có từ thế kỷ 19, được HT Thiện Hoa chính thức đặt tên :”lễ hằng thuận”. Vì thế lễ hằng thuận không ngược lại với tinh thần nhà Phật trong cuộc sống.

MINH MẪN

24/9/2022


Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

ÁCH TẮC

 


Ách tắc là trạng thái đối nghịch của thông thoáng.Mọi sự trong cuộc sống luôn xảy ra tình trạng ách tắc nếu muốn có thông thoáng. Đó là hai mặt mâu thuẩn trong cùng một vấn đề.  “giải quyết mâu thuẩn này thì mâu thuẩn khác phát sanh”. Đó là một định luật.

Có những mâu thuẩn để phát triển, cũng không thiếu những mâu thuẩn đưa đến băng hoại. Trong phạm vi Tôn giáo, do mâu thuẩn mà có nhiều hệ phái phát sanh như Chính Thống Giáo, Tin Lành, Cơ Đốc Phục Lâm, Giáo hội La Mã, Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa., Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Bến Tre..Nghĩa là cây phát triển thì vỏ cần phải nứt.

Một tổ chức bị khuôn phép quá chặt chẻ là tổ chức khó phát triển, tuy nhiên, trong một tổ chức thiếu quy tắc thì tổ chức đó khó mà đạt kết quả theo nhu cầu. Thí dụ trên nói dưới không nghe là một cơ chế thiếu nghiêm minh. Riêng Phật giáo, từ thời đức Phật sanh tiền, tuy là một Tăng đoàn, chỉ là một tập thể chuyên tu, không nặng về cơ chế tổ chức hành chánh, có chia rẽ chăng chỉ là khuynh hướng hành trì giới luật như Đề bà Đạt Đa.

Trước 1975, GHPGVNTN đối trước áp lực chính trị và xã hội rối ren, chư Tôn đức lãnh đạo cần đoàn kết trong những chính kiến dị biệt, cũng không tránh khỏi phân hóa, đó là cái phân hóa tổ chức.Ngày nay, từ 1981, GHPGVN ra đời, hơn 5 nhiệm kỳ mới có thể đi vào nề nếp tương đối hoàn chỉnh, tổ chức không phân hóa, nhưng có vài cá nhân dị biệt bất chấp sự vận hành của cơ chế, vài địa phương gặp những ách tắc chướng ngại mà đáng ra, với tâm vị tha, tính vô ngã của nhà Phật, không nên xảy ra một cách tùy tiện, đây là việc khá lạ mà trước 1975 chưa hề xuất hiện.

Cứ mỗi nhiệm kỳ mới, chuẩn bị Đại hội, luôn có vấn đề nhân sự và chức vụ lủng củng, mà có chăng, cũng chỉ lặp đi lặp lại vài địa phương như cũ. Năm nay, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế. Bốn địa bàn mà hai địa bàn đáng nói nhất là Bà Rịa Vũng Tàu và Thừa Thiên -Huế. Hai địa bàn có số tu sĩ đông , có truyền thống tu tập nề nếp, nhưng trong giới lãnh đạo và thành viên BTS luôn có vấn đề khá bức bách. Rốt cuộc, nhờ sự vận động của HĐTS va HĐCM khéo léo thuyết phục nên nhân sự tạm ổn để chuẩn bị đi vào Đại hội Tỉnh trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc vào tháng 11 năm nay.

Một chuyện khá lạ, HT Đức Thanh, lúc đầu đồng ý từ nhiệm nếu HT Khế Chơn cùng rut lui, nhưng vì tiền đồ Đạo pháp trên vùng đất từng được xem là cái nôi của Đạo Phật Việt Nam, HT trưởng ban đành chấp nhận HT Khế Chơn kế thế trưởng ban BTS Tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027, Mắc mứu lớn đã gỡ xong, nhân sự đã bầu bán đúng người đúng việc, tuy nhiên vẫn có một cá nhân muốn kiêm nhiệm vừa là thư ký vùa là phó trực BTS Tỉnh cũng thòm thèm chức trưởng “ban nhân sự”. Do tính phức tạp này mà văn bản không có dấu để đóng.

Trước đây, có một địa phương, do không đồng thuận mà con dấu đã không được sử dụng.Con dấu là căn bản pháp lý của một tổ chức, tổ chức không có dấu là bị vô hiệu hóa. Chỉ có nơi cấp con dấu mới có quyền truy thu con dấu, ngoài ra sử dụng hoặc phong bế con dấu bất hợp pháp là vi phạm luật hành chánh.

GHPGVN là một thành viên của MTTQ, ai tùy tiện vi phạm luật hành chánh tức vi phạm pháp lý của tổ chức chính trị, sẽ quy vào tội cản trở điều hành.Ngoài xã hội, chưa bao giờ nghe một cá nhân nào dám phong bế con dấu của một cơ quan hành chánh.

Giới tu sĩ Phật giáo, một vài vị chưa hiểu luật, do tự ái, vì quiyền lợi, làm tùy tiện theo bản ngã cá nhân,...mà Hiến chương và ban Pháp chế không quy định rõ, từ đó, một vài địa phương gặp khó khăn trong cách điều hành nhân sự.

Những ách tắc luôn xảy ra cho mọi cơ chế, nhưng cá nhân phát sinh là do nhân sự chưa được tu bổ kiến thức hành chánh và giới luật nhà Phật.Thiết nghĩ, Giáo hội cần thường xuyên mỗi năm có khóa bồi dưỡng hành chánh và giáo dục giới luật để nhân sự làm việc đúng quy cách của một tổ chức hành chánh Tôn giáo, họa may mới tránh bớt tình trạng ách tắc hiện nay.

Giải quyết những ách tắc theo pháp lý và giải quyết ách tắc theo tình cảm nhân nhượng, tùy trường hợp để đi đến đồng thuận xuôi chèo mát mái hơn là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, không đổ vỡ cũng bế tắc, khó mà phát triển một tổ chức hành chánh, nói gì đến Tôn giáo vị tha, vô ngã!

Một Giáo hội trong êm ngoài ấm, đủ uy tín,chắc chắn những tai tiếng lu bu trên mạng xã hội cũng sẽ được thu hẹp; ách tắc có chăng cũng chỉ là ách tắc để phát triển.

 

MINH MẪN

 14/9/2022

 

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

SƯ GIẢ - SƯ THẬT.


Thời đại nhiễu nhương hiện nay, thật giả khó phân nếu chỉ nhìn hiện tượng, hình thức bề ngoài.

Gần đây, cộng đồng mạng rộ tin người mặc áo nhà sư tự xưng ở tịnh thất Thiên Quang, gần núi Tung, Đồng Nai đến giáo xứ “Mẹ Thiên Chúa” giáo hạt Hàm Tân, Giáo phận Phan Thiết, than thở khó khăn, đồng thời xin cải đạo, được linh mục Nguyễn Công Hoàng ân cần đón tiêp, giúp đỡ.

Đón tiếp là việc giao tế của một Tôn giáo đối với một vị khách ngoại đạo và giúp đỡ là lòng bác ái của một Tôn giáo, không có gì phải đáng nói. Cái đáng nói hiện nay là chuyện người mặc đồ sư chưa biết thật hay giả. Theo trang FB của Phật giáo Long Khánh thì người tự nhận ở tịnh thất Thiên Quang không có trong danh bộ tu sĩ, không sinh hoạt trong hệ thống Phật giáo hiện hành, không đăng ký cơ sở tự viện, nghĩa là Giáo hội Phật giáo Long Khánh không quản lý tịnh thất và người mặc áo sư đi xin gạo nói trên. Qua những yếu tố này cũng chưa đủ kết luận đó là sư giả. Hiện nay có một số tu sĩ thuộc GHPGVNTN cũng không tham gia Giáo hội hiện hành, không chịu sự quản lúy của cơ chế GHPGVN, họ vẫn là tu sĩ thật thụ.

Như vậy thế nào là một tu sĩ giả hiệu? Tu sĩ thật sự phải am hiểu giáo luật, phải thông thuộc oai nghi tế hạnh, phải biết tàm quý (xấu hỗ). Một tu sĩ chân chánh đủ bản chất của một chánh nhân quân tử Nho gia :  Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thì việc thiếu đủ, no đói không còn là vấn đề, không có gì chi phối được nhà tu. Xưa nay rất nhiều vị chân tu ẩn nơi thâm sơn cùng cốc làm gì có cái ăn cái mặc cho đầy đủ. Như vậy than vãn giữa xã hội vật chất chứng tỏ tâm còn tham cầu, làm sao gọi là “bần tiện bất năng di”? Cũng có clip từng cho thấy người này từng đánh gia chủ khi xin không cho.

Vấn đề oai nghi tế hạnh đã không có, ăn mặc luộm thuộm, hạ mình đến Tôn giáo khác xin ăn, phủ phục dưới chân cha xứ, để van xin chút vật phẩm, chứng tỏ chưa phải là nghười tu thật sự. Người tu thật không để vật chất sai sử như thế, nên trong kệ hệ phái Khất sĩ nói về Thân có đoạn: 3.2. THÂN

Thân này chưa biết ra chi

Của kia lại có chắc gì mà ham

Bao nhiêu cho thỏa lòng tham

Càng thâu càng đắm, càng làm càng say

Tiếc cho tháng rộng năm dài

Chung quy hoang phí về tay đồng tiền

Được thua, thua được liền liền

Hả hê mới đó, ưu phiền đâu đây

Đem thân làm kẻ tội đày

Cho bao vật chất nó cai trị mình

Trong  nhà Phật: - “tri túc thường lạc”, bởi “tri túc, tiện túc, hà thời túc “ Sống biết đủ thì hoàn cảnh nào cũng đủ, hà cớ vài bao gạo nuôi sống mãn đời ? người mặc đồ tu chở gạo và quà ra về có ý mãn nguyện chứng tỏ không phải nhà tu đúng nghĩa của Phật giáo.

Tu sĩ chỉ sử dụng áo hậu vàng khi hành lễ. Người mặc áo vàng luộm thuộm vào giáo xứ xin ăn chứng tỏ không phải một tu sĩ thật thụ. Thủ thuật xin “cải đạo” nếu có là để kiếm ăn, vì người này cũng từng đến nhiều chùa than thở xin xỏ sau khi quần chúng địa phương biết rõ hành tung nên không ai giúp nữa.Cũng được chính quyền cảnh cáo nên chứng nào tật đó, phải đi  kiếm ăn xa địa bàn đang ở.

Qua vài yếu tố xác định đây không phải nhà sư thực thụ.

Trách nhiệm của Phật giáo??? Cũng khó mà quy trách nhiệm cho Phật giáo khi tinh thần tự do, tự giác, không có giáo điều, không có chế tài, không thể xử phạt người không trực thuộc tổ chức Giáo hội. Sắc phục nhà tu cũng không thể cấm khi họ tu tại gia hay tu ngoài tổ chức; Tu tại tự kỷ. Nhà nước cũng không có quyền cấm đoán thuộc lãnh vực Tôn giáo khi họ không vi phạm an ninh trật tự, tham gia chính trị chống phá chế độ. Đây là cái khó của Phật giáo mà các Tôn giáo bạn không có.

Hiện tượng sư giả xuất hiện thường xuyên, quần chúng không phân biệt.Trách nhiệm chư Tăng phải giúp cho quần chúng hiểu thêm giáo lý cơ bản, giới luật của một tu sĩ. Nhất là luật nghi Khất sĩ mà Tổ Minh Đăng Quang đã truyền đạt.Cách quấn y, cầm bình bát, bước đi, tầm nhìn, thọ nhận của cúng dường…người dân sẽ phân biệt thiệt giả để khỏi bị lạm dụng mang tai tiếng cho Phật giáo.

Quần chúng Phật tử, hàng ngày đau đầu vì cơm áo gạo tiền, lại liên tiếp nghe nhiều tai tiếng mà các Tôn giáo khác không thấy trên các trang mạng bêu rếu. Nội tình cũng làm cho chư Tăng não nuột, thượng bất chánh hạ tất loạn, nội bất an, ngoại bất chính. Tuy một số rất nhỏ tham danh cầu lợi tạo bất hòa huynh đệ, làm cho bộ mặt Phật giáo méo mó, thì bộ mặt xã hồi mang danh Phật giáo cũng dễ phát sanh mẫn cảm. Chỉ mong mọi người bình tâm suy xét từ bản chất chứ không căn cứ trên hiện tượng đã xảy ra hàng ngày làm lung lay niềm tin.

 

MINH MẪN

13/9/2022








Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

NGƯỜI THANH NIÊN TUỔI 80




Chưa biết khởi đầu bài viết xưng hô thế nào cho đúng nhân cách và tuổi tác của một người “hóa thân” trong mọi lãnh vực mà gần hết một đời gắn kết dưới mọi hình thức trong xã hội đi qua!

Anh, ông, chú, bác...gọi thế nào nhỉ?

Người tự xưng là “5K” hay “5 Đ”, chả ai hiểu là gì; cái người ta dễ hiểu khi tiếp xúc gần gũi, thân tình, nhã nhặn, thậm chí đôi lúc ngây thơ một các dễ thương như bé vừa chập chững.

Lần đầu lên Bắc Tân Uyên, Bình Dương, nhìn cơ ngơi trên 80 mẫu đất cây ăn trái, hàng chục công nhân làm vườn, thu hoạch; có máy sấy, phòng lạnh...khu vực bố trí rất khoa học, thầm nghĩ đây là một nhân vật tầm cở kinh doanh sản xuất. Nhưng không chỉ có thế, một thân thể đồ sộ với vòng eo cở trên 160, tóc bạc bềnh bồng như Tiên ông, vài mươi năm trước, từng là doanh nghiệp, chủ nhà hàng, cũng là thương nhân thành đạt, là nhân vật lăn xả vào chốn chính trường cho VN trên xứ cờ hoa, từng giúp nhà nước trên con đường ngoại giao khi VN thoát khỏi cấm vận.Cũng từng có vai diễn, cũng tự làm đạo diễn cho phim tự chế do bè bạn thích cái bụng ‘Di Lạc”.

Đôi chân vạn dặm in dấu gần phân nửa tinh cầu, có điều lạ, không hiểu người ấy cảm nhận những hiện tượng trong xã hội là cái gì đó vô nghĩa, không thuộc về mình, hoặc những lao xao cuộc sống nó trôi nhanh như dòng sông vô định để lộ rõ đáy cát sự vững chắc, cũng thế, tâm linh là cái gì khó nắm bắt nhưng khó buông thả, nó là nền tảng của con người , ẩn sâu dưới chiếc bóng rộn rã của cuộc sống; người thanh niên năm xưa đã giành gần 40 năm lặn lội khắp xứ Nepal -Ấn Độ tìm hiểu gia thế của đức Cồ Đàm, hàng đêm bên ánh lửa hồng lắng nghe những chuyến băng núi vượt rừng ngàn dặm lên tận Tây Tạng của các thương nhân khi Trung cộng chưa cưỡng chiếm cao nguyên xứ tuyết. Để từ đó cho ra đời : “Nhẹ bước chân mây”- “Nơi cõi Tiên du”- “Vạn dặm phiêu lưu”- “Dưới một mái nhà”...chẳng những thế, chàng thanh niên hào phóng tài trợ cho một học sinh tên  Sujan người Nepal đang du học tại Úc, thường xuyên gửi tiền giúp đỡ họ.Trong tác phẩm”Dưới một mái nhà” đủ nói lên tình giao hảo năm châu như anh em ruột thịt khi người thanh niên này làm quen với gia đình Sita-Ram, Nabin Tuladhar, chứng kiến xã hội đương thời, nhận thấy họ quá nghèo như cái nghèo phổ biến hầu hết của cư dân Đông Nam Á.

Từ sự chứng kiến cái nghèo khổ đó, chàng thanh niên năm nào ân hận đã kỳ kèo  giá cả lúc mua sắm, cứ nghĩ mình khôn ngoan, cái khôn ngoan đó đã bóp chẹt công sức người mua thúng bán bưng. Dù sao, lòng lương thiện vẫn tồn tại trong con người. Khi hồi tưởng lại thời gian qua, ước chừng như giấc mộng, vẫn mong có ngày trở lại cảnh cũ gặp người xưa còn tồn tại trong giấc mộng hải hồ!

                                                        ***

Một góc rừng trên đất Bình Dương, liệu là chặng cuối cuộc đời để chàng trai tuổi 80 an phận? Có những thắc mắc tại sao ông lão không gia đình, thiếu hơi ấm vợ con, cơ ngơi như thế mà chưa chịu an phận sống nhàn nhã, cứ mãi lặn lội nơi này, làm việc nơi khác, kinh doanh nông sản, chế biến nhiều mặt hàng,tìm hiểu trồng nấm Linh chi, xây nhà dưỡng lão,tham gia các cuộc hội hè, đến với trẻ con trong mùa Trung thu,kể chuyện về ông Tiên lười biến học cho các cháu mẫu giáo nghe, giao tiếp khách nước ngoài để thành lập câu lạc bộ Việt kiều Nhật bản trên nông trang, hữu hảo với mọi tầng lớp, lắng nghe và hòa nhịp một cách chân tình, không mệt mỏi.

Tấm thân đồ sộ không dưới trăm ký, cái bụng cũng hơn 40 ký, tưởng chừng bấy nhiêu đủ làm cho con người lười biếng; nhưng không, anh trai 80 vẫn năng động không ngừng nghỉ, trái nghịch với tánh tình nhẹ nhàng, hồn nhiên đến lạ.Chính cái lạ lùng đó, cái trẻ trung của tuổi thanh niên trong tấm thân nặng ký thời gian đó, ẩn tàng một tình cảm sâu kín, một tâm linh kỳ bí khó hiểu, tuy khó hiểu mà dễ thân thiện.

                                                                  ***

Để trả lời cho những ai tò mò con người kỳ bí  đa diện về bản thân mình – ông, anh, chú, bác...người thanh niên tuổi 80 tự nhận mình là “5 k” hoặc “5đ” – chú thứ 5 tự nhận mình khùng hay điên cũng được, vì tuổi tác và lối sống không vào một khuôn khổ chung của một đời người.

Đó là người thanh niên tuổi 80 hiện nay.

.MINH MẪN

08/9/2022