Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

SƯ GIẢ - SƯ THẬT.


Thời đại nhiễu nhương hiện nay, thật giả khó phân nếu chỉ nhìn hiện tượng, hình thức bề ngoài.

Gần đây, cộng đồng mạng rộ tin người mặc áo nhà sư tự xưng ở tịnh thất Thiên Quang, gần núi Tung, Đồng Nai đến giáo xứ “Mẹ Thiên Chúa” giáo hạt Hàm Tân, Giáo phận Phan Thiết, than thở khó khăn, đồng thời xin cải đạo, được linh mục Nguyễn Công Hoàng ân cần đón tiêp, giúp đỡ.

Đón tiếp là việc giao tế của một Tôn giáo đối với một vị khách ngoại đạo và giúp đỡ là lòng bác ái của một Tôn giáo, không có gì phải đáng nói. Cái đáng nói hiện nay là chuyện người mặc đồ sư chưa biết thật hay giả. Theo trang FB của Phật giáo Long Khánh thì người tự nhận ở tịnh thất Thiên Quang không có trong danh bộ tu sĩ, không sinh hoạt trong hệ thống Phật giáo hiện hành, không đăng ký cơ sở tự viện, nghĩa là Giáo hội Phật giáo Long Khánh không quản lý tịnh thất và người mặc áo sư đi xin gạo nói trên. Qua những yếu tố này cũng chưa đủ kết luận đó là sư giả. Hiện nay có một số tu sĩ thuộc GHPGVNTN cũng không tham gia Giáo hội hiện hành, không chịu sự quản lúy của cơ chế GHPGVN, họ vẫn là tu sĩ thật thụ.

Như vậy thế nào là một tu sĩ giả hiệu? Tu sĩ thật sự phải am hiểu giáo luật, phải thông thuộc oai nghi tế hạnh, phải biết tàm quý (xấu hỗ). Một tu sĩ chân chánh đủ bản chất của một chánh nhân quân tử Nho gia :  Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thì việc thiếu đủ, no đói không còn là vấn đề, không có gì chi phối được nhà tu. Xưa nay rất nhiều vị chân tu ẩn nơi thâm sơn cùng cốc làm gì có cái ăn cái mặc cho đầy đủ. Như vậy than vãn giữa xã hội vật chất chứng tỏ tâm còn tham cầu, làm sao gọi là “bần tiện bất năng di”? Cũng có clip từng cho thấy người này từng đánh gia chủ khi xin không cho.

Vấn đề oai nghi tế hạnh đã không có, ăn mặc luộm thuộm, hạ mình đến Tôn giáo khác xin ăn, phủ phục dưới chân cha xứ, để van xin chút vật phẩm, chứng tỏ chưa phải là nghười tu thật sự. Người tu thật không để vật chất sai sử như thế, nên trong kệ hệ phái Khất sĩ nói về Thân có đoạn: 3.2. THÂN

Thân này chưa biết ra chi

Của kia lại có chắc gì mà ham

Bao nhiêu cho thỏa lòng tham

Càng thâu càng đắm, càng làm càng say

Tiếc cho tháng rộng năm dài

Chung quy hoang phí về tay đồng tiền

Được thua, thua được liền liền

Hả hê mới đó, ưu phiền đâu đây

Đem thân làm kẻ tội đày

Cho bao vật chất nó cai trị mình

Trong  nhà Phật: - “tri túc thường lạc”, bởi “tri túc, tiện túc, hà thời túc “ Sống biết đủ thì hoàn cảnh nào cũng đủ, hà cớ vài bao gạo nuôi sống mãn đời ? người mặc đồ tu chở gạo và quà ra về có ý mãn nguyện chứng tỏ không phải nhà tu đúng nghĩa của Phật giáo.

Tu sĩ chỉ sử dụng áo hậu vàng khi hành lễ. Người mặc áo vàng luộm thuộm vào giáo xứ xin ăn chứng tỏ không phải một tu sĩ thật thụ. Thủ thuật xin “cải đạo” nếu có là để kiếm ăn, vì người này cũng từng đến nhiều chùa than thở xin xỏ sau khi quần chúng địa phương biết rõ hành tung nên không ai giúp nữa.Cũng được chính quyền cảnh cáo nên chứng nào tật đó, phải đi  kiếm ăn xa địa bàn đang ở.

Qua vài yếu tố xác định đây không phải nhà sư thực thụ.

Trách nhiệm của Phật giáo??? Cũng khó mà quy trách nhiệm cho Phật giáo khi tinh thần tự do, tự giác, không có giáo điều, không có chế tài, không thể xử phạt người không trực thuộc tổ chức Giáo hội. Sắc phục nhà tu cũng không thể cấm khi họ tu tại gia hay tu ngoài tổ chức; Tu tại tự kỷ. Nhà nước cũng không có quyền cấm đoán thuộc lãnh vực Tôn giáo khi họ không vi phạm an ninh trật tự, tham gia chính trị chống phá chế độ. Đây là cái khó của Phật giáo mà các Tôn giáo bạn không có.

Hiện tượng sư giả xuất hiện thường xuyên, quần chúng không phân biệt.Trách nhiệm chư Tăng phải giúp cho quần chúng hiểu thêm giáo lý cơ bản, giới luật của một tu sĩ. Nhất là luật nghi Khất sĩ mà Tổ Minh Đăng Quang đã truyền đạt.Cách quấn y, cầm bình bát, bước đi, tầm nhìn, thọ nhận của cúng dường…người dân sẽ phân biệt thiệt giả để khỏi bị lạm dụng mang tai tiếng cho Phật giáo.

Quần chúng Phật tử, hàng ngày đau đầu vì cơm áo gạo tiền, lại liên tiếp nghe nhiều tai tiếng mà các Tôn giáo khác không thấy trên các trang mạng bêu rếu. Nội tình cũng làm cho chư Tăng não nuột, thượng bất chánh hạ tất loạn, nội bất an, ngoại bất chính. Tuy một số rất nhỏ tham danh cầu lợi tạo bất hòa huynh đệ, làm cho bộ mặt Phật giáo méo mó, thì bộ mặt xã hồi mang danh Phật giáo cũng dễ phát sanh mẫn cảm. Chỉ mong mọi người bình tâm suy xét từ bản chất chứ không căn cứ trên hiện tượng đã xảy ra hàng ngày làm lung lay niềm tin.

 

MINH MẪN

13/9/2022








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét