Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

ĐÓA VÔ ƯU

 

Khi màn đêm tăm tối, lốm đốm vì sao báo hiệu sự sống vẫn còn tiềm ẩn trên không gian vô tận. Ánh thái dương tỏa rạng là do có đêm đen ngự trị.

Nhân loại mãi trồi hụp trong biển tử sanh do vô minh dẫn dắt. Có vô minh tất phải có ánh sáng trí tuệ; có luân hồi ăt hẳn con đường giải thoát phải có mặt song hành!

Mênh mông biển khổ cũng có lắm lối đi ngược giòng tương thÍch từng căn cơ khì ngập tràn đau thương trên mỗi gót chân đi qua.

Từ ngàn xưa có bao nhiêu Thánh nhân minh triết rẽ lối dẫn đường, dần dà thời gian đã nhuốm màu Tôn giáo, lạc dẫn chúng sanh vào chốn mê cung, xa lần đường giải thoát.

Ấn độ là một trong những nền văn minh luận triết trên tinh cầu, rồi cũng phôi phai, chôn vùi biết bao học thuyết biện chứng, biến chúng thành đồ cổ, quý hiếm ẩn tàng trong sử liệu. Khổ đau, trầm luân vẫn là trầm luân đau khổ ngự trị trong xã hội năng mùi Thần bí.

Giữa trăm bề nhiêu khê tăm tối, khu rừng già lại mọc hẳn chồi non, cũng thế, bao nhiêu học thuyết Tôn giáo ngự trị niềm tin trong xã hội, đè nặng xã hội bởi  giai cấp; thay vì đem đến giải thoát cho con người, lại tròng thêm vòng đai oan nghiệt của đa Thần giáo, độc Thần giáo. Cùng tất biến, nguyên tắc sống luôn có lối rẽ khi con đường đi vào bế tắt.

Thế kỷ 17 trước Công nguyên, miền Bắc Ấn Độ được chia ra thành 16 bang chính,  8 bang là Vương Quốc và 9 bang còn lại là những thể chế cộng hòa. “Tăng Chi Bộ Kinh” (Anguttara I, 213), trong Luật Tạng (Vinaya, T.2, 146).

Nepal thuộc miền trung Ấn lúc bấy giờ, giáp Hy Mã Lạp sơn, Devi mahamaya là Hoàng Hậu của Vua Suddhodana (Tịnh Phạn), hạ sanh Thái tử tại vườn Lumbini nhằm ngày trăng tròn tháng tư (Vesak). Hóa sanh vào giòng tộc Gautama với tên Ngài là Siddhartha.

Đóa Vô Ưu rạng nét trên cành dưới ánh quang minh sau một đêm dài tăm tối,mặt trời tuệ giác sớm le lói trên khuôn trăng rạng ngời mang thân hài nhi,giữa trùng điệp vô minh, làm cho Đạo sĩ A Tư Đà phải phủ phục nhỏ lệ tiếc thân thọ mạng của mình không kịp đón nhận một vị Phật tương lai.

                                                          ***

“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Vô lượng sinh tử
Ư kim tận hỷ

 Có nghĩa là:

Trên trời, dưới trời
Ta là người duy nhất
Kiếp này là kiếp cuối cùng của Ta
Vì không còn sinh tử nữa.

Là khẩu khí được truyền tụng hay một tuyên ngôn huyền sử xác định nhân cách đủ yếu tố kết thúc mắc xích luân hồi? Giá trị uyên thâm không nằm ở huyền sử hay chính sử, mà xác quyết được thể hiện qua Thánh hạnh một đời như vì sao sáng duy nhất khi màng đêm lùi bước! Nếu là huyền sử vẫn mang một giá trị minh triết, nếu là chính sử vẫn tồn tại một chân lý bất dịch trên đạo lộ giải thoát.

Phải chăng theo giáo sử, đóa Vô Ưu 3.000 năm chỉ một lần nở khi có Thánh nhân xuất hiện? Vô Ưu hay hoa Ưu Đàm chỉ là một biểu tượng của sự thanh khiết, tương xứng với tính chất của một Thánh nhân. Quan trọng một bậc Thánh xuất trần đã vén được màn vô minh, hướng dẫn lộ trình đưa đến giài thoát khỏi vòng tử sanh miên trường. Mùa Hạ năm xưa cận dãy Hy Mã, xuất hiện một vĩ nhân mà hàng ngàn năm qua, Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni vẫn chỉ là vị Phật lịch sử duy nhất được thế nhân tôn kính, xác nhận con đường ngài đi và hướng dẫn nhân loại luôn là chân lý lan tỏa từ bi.

MINH MẪN

( mùa đản sanh của Ngài Siddhartha - Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni) 16/5/2022 nhằm ngày 15/4/ nhâm Dần

 

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

TỪ THIỆN LÀ VIỆC KHÔNG DỄ!

 

Thời gian qua,khi người dân lâm nạn thiên tai bão lũ, các anh chi em nghệ sĩ đều chung tay, dùng uy tín cá nhân kêu gọi nhận sự đóng góp của các nhà hảo tâm, tự thân lặn lội chuyển đến đồng bào ngập chìm trong giòng nước những gói mì, những đồng tiền; thế nhưng thiên tai qua đi, để lại những tai tiếng không đáng có, công an phải vào cuộc theo sự tố giác bốc đồng của ai đó, để rồi luật pháp trả lại sự công minh cho những tấm lòng từ thiện. Tiếp theo những hoạn nạn sau đó, không ai dám đứng ra thể hiện lòng nhân đạo giúp người. Thời buổi làm từ thiện tưởng chừng không dễ.

Tuy nhiên, một số tín đồ các Tôn giáo truyền thống vẫn âm thầm chia sẻ từng mãnh áo, từng miếng ăn đến với đời sống tận cùng trong xã hội.Nhất là người miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long, bếp cơm từ thiện lan tỏa vào các bệnh viện, quán cơm xã hội mọc khắp nơi với giá tượng trưng để người dân lao động, sinh viên học sinh nghèo có được bữa cơm no lòng. Những năm gần đây, quán chay không đồng, một đồng, mười đồng được trãi dài các vùng phụ cận Sài Gòn; vừa giúp dân giảm tiêu thụ động vật, vừa cải thiện sức khỏe và thích hợp túi tiền của người có thu nhập thấp.

                                                 ***

Một chuyến đi về Củ Chi, dùng cơm tại quán chay Bồ Đề mười ngàn, số 78A, tỉnh lộ  7, ấp Lào Táo, Trung Lập Hạ, Củ Chi.Tuy không sang trọng, nhưng món ăn không tệ, trái với điều người ta thường bảo:”tiền nào của đó”. No, ngon là tiêu chí của những quán chay bình dân phục vụ cho giới nghèo. Khách thưa thớt, có thời giờ ngồi tâm sự với chủ quán, được biết, trong mùa dịch, chủ quán đã tài trợ lương thực, thực phẩm cho dân địa phương. Phía sau quán, giàn sắt nhà tiền chế đang tháo gỡ, được biết để chuẩn bị làm kho chứa lúa gạo cung ứng cho cư dân lúc thiếu kém, nhưng chính quyền Huyện không cho, với lý do có đơn thưa.Nếu để chính quyền triệt hạ, số cây sắt sẽ bị tịch thu về huyện còn bị phạt, chịu tiền công thợ!

Chủ quán chìa tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất và tài sản.Nếu đơn thưa của ai đó thì thưa vấn đề gì khi nhà tiền chế không vi phạm lộ giới, không lấn chiếm địa giới.Chính quyền xã Trung lập Hạ, chính quyền huyện Củ Chi cũng không cho người dân biết đơn thưa của ai với lý do gì, không có quyết định tháo dỡ, cho số người lạ đến hung hăng khủng bố làm áp lực, đảo lộn cuộc sống gia đình, không làm ăn được lấy đâu hỗ trợ bà con nghèo!

Chỉ một lá đơn thưa vu vơ mà chính quyền không cân xét đúng sai, làm áp lực với kẻ bị hại vô cớ, luật pháp có công minh chăng? Người bị hại biết kêu cứu ai!

Yêu cầu địa phương xét lại, để người dân còn tin vào cán cân công lý, khi mà họ biết chia sớt với xã hội gặp lúc khó khăn, đó là những đối tượng cần sự quan tâm giúp đỡ.

Việc làm từ thiện khó đến thế sao???

 

MINH MẪN                                                                                                              08/3/2022








Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

CÔNG HẠNH CỦA MỘT THIỀN SƯ

 

Vậy là thoáng chốc đã 49 ngày trên bầu trời Thừa Thiên vắng bóng một Thiền sư. Trên thế gian đã vĩnh viễn một bóng hình không còn tồn tại những dư âm ca tụng – chống đối một hiện tượng;  so với Đức Đạt Lai Lạt Ma uy tín bởi lãnh đạo tinh thần của dân tộc Tạng lưu vong; Thiền sư lưu vong tự thân làm nên kỳ tích cho một dân tộc, một Phật giáo Việt Nam “tay không mà nước lã đã khuấy nên hồ”!

Hồn thiêng sông núi, nước Việt không phải vô cớ sản sanh lắm nhân tài mọi thời đại đều xuất hiện, hoặc lộ diện hoặc tiềm ẩn.Xuất thân từ cửa Phật, Thiền sư T.Nhất Hạnh thuở còn là chú Tiểu, cũng đã phát xuất lòng từ đối với những động vật nhỏ bé. Khi thọ Sa Di cũng đã quan tâm đến sự trường tồn của Đạo Phật. Người luôn có những ý tưởng đi trước thời đại, mặc dù gặp lắm gian truân trong cửa Thiền do quan điểm bảo thủ cố chấp của vài bậc tiền bối..Muốn đóng góp, xây dựng xã hội và Phật giáo, ngài đã trang bị kiến thức thời đại; mạnh dạn tiến thân vào xã hội công nghiệp, góp tiếng nói hòa bình cho dân tộc.

Thập niên 66, được sự ủy nhiệm của GHPGVNTN, vận động giải trừ chiến tranh hai miền Nam-Bắc. Thiền sư đã liên kết với mục sư Martin Luther Martin để vận động hòa bình và chống chiến tranh VN. (Luther King, Jr. là Mục sư Baptist, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. Wikipedia).

Thiền sư đã giải trình trước Quốc hội Hoa Kỳ, từng gặp Đức Giáo Hoàng và các nhà chính trị, các nhà bất đồng chính kiến và giới sinh viên phản chiến. Song song với hoạt động Quốc tế, người cũng thành lập Đại học Vạn Hạnh, trường Thanh niên Phụng sự xã hội, được thanh niên, sinh viên tham gia  đến các vùng nông thôn xây dựng lại sự đổ nát bởi chiến tranh,các đoàn viên đã có nhiều hy sinh thân mạng  giữa 2 phía (quốc gia và CS lúc bấy giờ. Dĩ nhiên đoàn “cán bộ Bình định Nông thôn của quốc gia miền Nam cũng làm công tác như thế, đó là sự lập lờ gây nhiều hiểu lầm cho phía Mặt trận Giải phóng Miền Nam VN). Sống quá lý tưởng do xa cách quê hương, người đã có những sáng kiến mà xã hội đương đại không thể chấp nhận, do đó, ngài phải lưu vong suốt 40 năm.

Những năm sau khi đất nước thống nhất, Thiền sư trở lại quê hương mang tâm nguyện giải kết những oan trái cho những người đã đổ máu vì lý tưởng. “Trai đàn Bạt độ giải oan” ba Miền không ngoài hàn gắn vết thương cho dân tộc. Những người nằm xuống  của hai miền đều là con Lạc cháu Hồng, đã từng vinh danh lý tưởng  cá biệt mà “gà nhà bôi mặt đá nhau”. Thế hệ nặng mùi chủ nghĩa đã xa rồi, thế hệ kế thừa trẻ trung hơn, cởi mở hơn, trong cũng như ngoài nước đều muốn chung tay xây dựng đất nước sau nhiều chục năm tụt hậu.Nhiều nghệ sĩ, thương nhân về đầu tư, tuy nhiên, một vài lãnh đạo địa phương với óc bảo thủ, quan liêu đã đánh mất cơ hội chiêu nạp những đại gia như Trịnh Vĩnh Bình…Dĩ nhiên vừa mở cửa không thiếu những cán bộ chưa quen phong cách thị trường tự do, vẫn chưa thoát khỏi cách điều hành  “hợp tác xã” lỗi thời, vì thế làm chậm bước tiến cải cách tác phong công nghiệp.

Trong Tôn giáo cũng thế, khi Làng Mai thâm nhập vào Việt Nam, không lệ thuộc quản lý của Ban Tôn giáo chính phủ thông qua GHPGVN, thêm vào đó, một vài vị lãnh đạo GH đương thời không muốn đón nhận dòng tu khác lạ truyền thống với uy tín quốc tế. Cái chính là tự thân Làng Mai không có người tư vấn để Làng Mai hiểu được tập quán của Phật giáo trong nước. Phong cách bình đẳng theo phương Tây không cho phép một tu sĩ trẻ đứng trước mặt một Hòa thượng hay một chức săc Tôn giáo trao đổi ngang hàng; những thái cách như là bình thường trong xã hội công nghiệp bị xem là thiếu tôn ti trật tự trong nhà chùa. Rất nhiều những sơ xuất đã gây mất cảm tình với nhiều bậc lãnh đạo Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.Còn rất nhiều nguyên nhân tế nhị đã đẩy Làng Mai khỏi đất mẹ.

Sáng kiến táo bạo của Thiền sư góp ý cải cách xã hội tuy bộc trực, thẳng thắn, Trung ương đón nhận nhưng không thể một sớm một chiều áp dụng.Những ý tưởng đi trước thời đại, có giá trị tương lai, nhưng hiện thực trở thành chướng ngại cho người! đôi khi bị xem là “diễn biến hòa bình do đặc tình Tôn giáo từ ngoài đem vào trong nước thực hiện”

                                                       ***

Dĩ nhiên có sự chống đối từ bên ngoài khi Thiền sư về VN; cũng như chống đối khi người vận động hòa bình cho đất nước. Có người đặt vấn đề tại sao Thiền sư không bảo miền Bắc chấm dứt tấn công miền Nam? Người xuất thân từ miền Nam, có quyền gì kêu gọi phía Bắc!Trong bài giảng, ngài sơ suất về con số người dân ở Bến Tre khi bị bom thả, chắc gì Thánh nhân không lỡ lời khi nói!.

Việc Thiền sư vận động hòa bình, kết hợp phong trào phản chiến ở các nước phương Tây, thuần túy là do lòng từ, nhưng vô tình trùng khớp với kế hoạch Mỹ hỗ trợ hoặc tổ chức ngầm phong trào phản chiến để có cớ rút khỏi Việt Nam. Suốt 20 năm tham chiến tiêu hao xương máu và khí tài mà vẫn không thấy ánh sáng cuối đường hầm. Người Mỹ cứ đổ tiền, đồng minh đổ quân vào mà không phân biệt ai là dân, ai là địch.Phía Bắc Trung Quốc và Liên Xô hậu thuẩn kiên cố, bền vững, kéo dài không  thời hạn, chi bằng buông miền Nam, bắt tay với Trung Quốc, để phân rã Liên bang Xô Viết vẫn hơn,với lý do trên, không lạ gì Trường sa của miền Nam lúc bấy giờ bị Trung quốc chiếm cứ mà hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương vẫn án binh bất động.

.Lúc bấy giờ, Phó Tổng thống Bush sẵn sàng gặp lãnh đạo tương lai của Xô Viết trong thời gian công cán tại Geneva- M. S. Gorbachev. Không chỉ gặp phó Tổng Thống Bush, - M. S. Gorbachev còn gặp bà Thatcher và giáo hoàng Roma John Paul II. Ông Gorbachev thú nhận:Tôi cho rằng không có một cá tính mạnh mẽ như Reagan thì tiến trình phân rã Liên Xô sẽ không thay đổi.Và Tổng Thống Reagan,về sau, trong hồi ký của mình nhắc lại sự kiện này, Reagan đã kể lại rằng ông ta đã thực sự bị sốc vì vui mừng. Thực ra ông ta đến cuộc gặp ấy mà không tin rằng tại Reykjavik, Gorbachev đã báo tin một bộ phận chống Xô viết trong giới thượng lưu Matxcova chấp thuận việc phá tan Liên Xô.” (Wikipedia).

                                                        ***

Sau đệ nhị Thế chiến, bàn cờ quốc tế đã sắp xếp phân chia địa giới; một số nước bị chia đôi như Nam - Bắc Triều Tiên, Đông-Tây Đức trong đó có Nam-Bắc Việt Nam. Cho thấy chúng ta chỉ là con cờ được an bài bởi các nước lớn và đổ máu xương cho chủ thuyết các nước lớn. Do đó, GHPGVNTN ngoài vấn đề tổng hợp các hệ phái, đào tạo Tăng tài, phát triển Phật giáo, còn quan tâm đến tình hình đất nước mà lời mở đầu Hiến chương đã nêu:Giáo-Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt, mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.”

Từ đó không lạ gì Phật giáo đã dấn thân vào vận động hòa bình, Thiền sư T.Nhất Hạnh đại diện tiếng nói của Phật giáo lúc bấy giờ phổ biến trong các nghị trường và phong trào chống chiến tranh. Đó là một trong những nguyên nhân Thiền sư bị gán cho:”ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”. Những mãnh đời thất sũng cũng quy chụp Phật giáo tiếp tay cho Cộng sản; dĩ nhiên Phật giáo buổi giao thời vẫn là nạn nhân, các vị lãnh đạo GHPGVNTN đã một đời trả giá cho sự hy sinh khi đứng giữa hai lằn đạn.

                                                          ***

Khi sứ mạng vận động hòa bình đã xong, Thiền sư tiếp tục đóng góp cho phương Tây một lối sống hòa bình từ nội tâm – “Hiện pháp lạc trú”. Giòng Thiền mới được Thiền sư sáng tạo theo tinh thần Phật giáo giúp cho cuộc sống công nghiệp bớt căng thẳng; con người thực hiện cảm nhận hòa bình từ nội tâm, đã kết nạp được những thiền sinh Israel và Palestin cùng cộng trụ, xóa nhòa ranh giới phân biệt hận thù. Rất nhiều thiền sinh trên thế giới chung sống dưới mái nhà Làng Mai; các ngành nghề dân sự, quân sự, bán quân sự, trí thức, nghị sĩ, lãnh đạo đều tiếp nhận trang bị cho mình một tâm trạng an lạc thanh thoát.

Tóm lại,không phải vô cớ Thế giới công nhận và tôn vinh Thiền sư T,Nhất Hạnh là một trong những danh nhân văn hóa, đóng góp cho xã hội nhiều phương diện rất hữu ích và hiệu quả. Chưa cần biết quả vị Niết bàn thế nào, trước mắt đem lại một cụộc sống an lạc trong một xã hội đầy căng thẳng, đó là một trong những  công hạnh của Thiền sư không thể phủ nhận. Dân tộc VN, PGVN nên hãnh diện đã có một bậc xuất chúng, tại sao chúng ta không trân trọng đón nhận???

 

MINH MẪN                                                                                                                          05/3/2022 .

(Kỷ niệm 49 ngày Thiền sư thị tịch)