Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

THỦY CHUNG TRONG MỘT GÓC KHUẤT


































Hinh như khóe mắt cay cay hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của một bậc chân tu, suốt đời hy sinh cho đạo, trong đêm tâm sự với các môn sinh đồng đạo!
-Tôi cảm ơn HT Tánh Nhiếp đã bảo: - “thầy xin một ít tro về mà thờ Ôn”. – dạ, cảm ơn thầy, tôi (HT viên chủ chùa Phật Ân) đã có đủ rồi. HT Tánh Nhiếp vẫn thấy tôi ( Phật Ân) đứng lạc lõng giữa số đông đang bận rộn chia nhau xá lợi linh cốt của bậc “thượng thủ”. Có lẽ HT Tánh Nhiếp cũng không hiểu hay không quan tâm câu nói của tôi (Phật Ân).
Ôn Minh Tâm, người đệ tử thứ ba cũng là đệ tử út của cố HT T. Trí Quang.Ngài tâm sự: - chả hiểu tại sao mấy đêm nay tôi không thể nào chợp mắt, hết nghe kinh giảng, đi thiền hành,ngồi Thiền…đủ mọi cách mà không thể chợp mắt. Qua nhiều giờ tâm sự, chúng tôi hiểu rằng – không chỉ vì lo cuộc lễ nhập tháp của Bổn sư, mà bao kỷ niệm buồn vui suốt thời gian hầu thầy thuở quá khứ, tình thầy trò thắm đượm đạo nghĩa pháp quyến thâm ân, đâu đó vẫn lờn vờn trong tấm lòng thủy chung của một đệ tử như thầy.
                                                         ***
Trong buổii lễ chính thức nhập tháp, sáng ngày 01/12/Kỷ Hợi, nhằm ngày 26/12/2019 tại chùa Phật Ân Long Thành, xã Long Đức, Đồng Nai, dưới sự chứng minh của Đại lão HT T. Huệ Tánh trụ trì chùa Phật Quang Phan Thiết (một bậc chân tu có nhiều công năng mật hạnh đặc biệt). Đại lão HT T.Minh Chiếu, HT chủ Sám T. Phước Trí và hàng trăm chư Tăng ni các nơi câu hội.Đại diện BHD GĐPT TƯ, GĐ PT Bình Phước và đông đảo bà con Phật tử.
Trong lời “bạch trinh” trước đại chúng, theo bác Lệ Khang, lần đầu tiên HT viện chủ Phật Ân bộc lộ tấm lòng qua dòng lệ cảm xúc dâng tràn trước đại chúng. Ngài cúi đầu đảnh lễ Đại chúng xin được “bạch trình” về thời gian được cố HT Bổn sư ban cho pháp danh “Lệ Dũng”; hầu thầy qua nhiều trú xứ.Khi  HT Bổn sư về Già Lam, thầy trò  thay nhau cung phụng ân sư.
“Khinh An” là một biệt hiệu được Bổn sư, một lần nữa ban tặng khi thấy đệ tử tuổi gần 80 mà vẫn còn vất vả bao chuyện Phật sự cưu mang.Bổn hiệu Phật Ân cũng được Bổn sư quan tâm thay cho bảng hiệu Nguyên Phong trước đó. Một chiếc gậy đã từng được Bổn sư giá nhịp trên lưng khi thầy nằm xuống lãnh đòn thế cho đệ tử làm phiền lòng cố đại lão HT. Ôi, còn bao chuyên buồn vui  giữa thầy trò lúc thế sự nhiễu nhương, bao ân tinh khi thầy trò giữa bốn bức tường hương thất thanh tịnh…
                                              ***
Những kỷ vật khó quên, HT viện chủ Phật Ân đưa chúng tôi lên chánh điện diện kiến : ngoài một phần tro cốt thỉnh tại Huế, còn có chiếc gậy lúc sinh tiền ân sư sử dụng, một bài vị do chính thủ bút của cố đại lão HT ân sư niêm giáng, ngài dạy: - “con cất sau này để thờ khi thầy khuất bóng”; những ngôi tháp nhỏ chứa đựng chân thân xá lợi móng tay, tóc, y áo và một số vật dụng cá nhân của ân sư, trước kia còn lưu giữ, bây giờ trở thành kỷ vật vô giá, trong một số di vật, chỉ có Phật Ân và P.T Lệ Khang lưu giữ.
 Ngôi bảo tháp “Nhật Quang”, được xây dụng không từ đồng tiền của bá tánh, do tích lũy bao tháng năm đi diễn giảng, ma chay đám tiệc của thầy, ngày nay ngôi bảo tháp uy nghiêm thể hiện tấm lòng của một đệ tử trung kiên với thầy Tổ, là bài học vô giá cho hàng tử tôn hậu duệ. Một chuyện lạ - cụ Phạm Duế, 102 tuổi, anh ruột của cố đại lão ân sư cũng được chỉ định thầy viện chủ Phật Ân: “Con thay thầy về lo tang lễ cho chu đáo, thiêu rồi đem về chùa mà thờ”. Một thủ bút của cố ân sư treo tại chủa:’BỒ ĐỀ DIỆU HOA BIẾN TRANG NGHIÊM-TÚY SỞ TRÚ XỨ THƯỜNG AN LẠC – THƯỜNG Ư NHƠN THẾ KHỞI TỪ TÂM –TRÚ DẠ TỰ THÂN Y PHÁP TRỤ”.
                                                      ***
Nhân ngày chung thất của cố ân sư, trước mặt 38 đệ tử Tỳ kheo đang trụ trì 25 tự viện, HT viện chủ Phật Ân chỉ định lấy ngày 12.10 A.L hàng năm là ngày viên tịch của Bổn sư làm ngày giổ. Đại chúng hoan hỷ y giáo phụng hành. Riêng HT viện chủ chùa Phật Ân, sau lễ chung thất hoàn mãn, tấm lòng thủy chung đối với Bổn sư có vơi đi nỗi canh cánh ân tình, để tiếp tục tăng thêm sức mạnh và lòng tự hào được lưu giữ thâm ân với các bảo vật vô giá của ân sư, hay những hạt lệ lòng vẫn tiếp tục thấm mặn trong dòng chảy sinh hoạt nuôi dưỡng ý chí xuất trần phục vụ nhân sinh, hoằng truyền Tam Bảo???
Bầu trời Phật Ân vẫn trong sáng, vườn tháp vẫn uy nghiêm, Tăng chúng vẫn thanh tịnh, tín chúng vẫn an hòa, nhân thân HT viện chủ luôn là nông dân chất phác, bộc trực của bậc chân tu – uy vũ bất năng khuất!

MINH MẪN
27/12/2019

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

* DUYÊN NỢ VĂN CHƯƠNG HAY PHÁP QUYẾN?



NS Thích nữ Giới Hương kính,
Đọc lướt qua tiểu sử, cảm nhận một vài điểm như quen quen, lạ lạ.
Người sinh quán Bình Tuy, Bình Thuận.
Ồ, đệ tử Sư bà Hải Triều Âm, một nữ Bồ tát hóa thân!!!
Vâng, đó là vùng đất ám ảnh tôi suốt thuở ấu niên, khi ba tôi là giám đốc Ngân hàng Nông Thôn nằm trên rẻo đất khô của cát biển, được gọi là Hòa Đa, không xa Phan Rí Cửa. Con đường quốc lộ nhỏ hẹp xuyên qua thị trấn lẻ loi xen lẫn người Kinh và người Chàm, lặng lẽ họ chung hòa nhịp sống trong thời bom đạn.
Thỉnh thoảng tôi được dự lớp học bậc trung không căn bản ở Phan Rí, thường thì phải ở nhà giữ em, đi chợ cho mẹ sai vặt. Về đêm, tôi ngủ phía nhà bếp, cách căn nhà trên bằng hành lang có mái che hẹp. Một chiếc chỏng tre và ngọn đèn dầu tù mù đủ mần mò từng con chữ. Tôi cố nhồi nhét kiến thức và vận dụng đầu óc để làm những bài toán của em tôi đem từ trường về. Vì không được học căn bản và liên tục, tôi gặp không ít khó khăn, nhưng không biết hỏi ai để nhờ chỉ dẫn. Gần khuya, mẹ đi xuống, còn thấy tôi thắp đèn tự học, mẹ vơ ngay que củi nhà bếp, đập vào đầu, mắng :- mầy phá của hao tốn dầu đèn của tao, cơm tốn chưa đủ sao?

* * *
Cứ thế, mảnh đất mang hơi hướng gió biển, quanh năm buồn hàng me keo rũ bóng, tuổi trẻ lớn lên bằng sự cay nghiệt trải dài trên mảnh đất sỏi đá từ Huế vào tận miền Nam. Mỗi Tỉnh 2 năm gia đình di chuyển như con sâu đo túc tắc chậm chạp tiến dần, đến điểm dừng chân, tôi lại tìm chùa trú ẩn. Chùa và nhà như con thoi đi lại. Ở nhà không được, về chùa cũng không yên. Lần cuối cùng khi gia đình đổi về Phan Thiết, định mệnh xô giạt tôi tách khỏi gia đình một cách phiêu bạt.
Ba giờ sáng, khuấy bình sữa cho em, viết vài dòng từ giã mang tính tuyệt mệnh, tôi lầm lũi tiến về ga xe lửa. Chiếc cầu sắt hoen rỉ chênh vênh trên hai bờ đá, lặng nhìn ánh sáng hiu hắt phản chiếu trên mặt nước, con sông dẫn ra cửa biển, từng con thuyền câu nhấp nhô ru sóng. Nhìn về thành phố chào từ biệt gia đình, một chút nhớ nhung đàn em thơ. Lởm chởm đá, sinh mệnh này đủ nuôi hà bá hay giòng máu nóng sẽ lan tỏa ra khơi! Xong một kiếp người để chọn cái chết vô nghĩa? Không, không thể kết liễu đời mình giữa tăm tối, chả lẽ không còn ánh sáng vào đời! Tôi chui rào leo lên toa, trốn vào buồng vệ sinh mỗi khi thấy nhân viên soát vé.
* * *
Những cơn đói khát dày vò suốt mấy ngày đêm. Lòng dạ bồi hồi can đảm, lạnh lùng nhìn bao hành khách nhộn nhịp bán buôn ăn uống. Một phố phường quá ư xa lạ, đèn màu, xe cộ, nhạc và người bảnh bao hơn quê mình nhiều quá. Ga xe lửa nằm tại chợ Bến Thành là trạm cuối cùng. Tôi ôm bộ áo quần và chiếc mũ ngơ ngác đứng nhìn cảnh sinh hoạt thượng giới. - Cháu đi đâu? Tôi quay lại nhìn người đàn ông dong dỏng cao, - dạ cháu chả biết đi đâu nữa, - chú đợi gặp bà chủ xe, chú sẽ xin cho cháu phụ xe nhé, giờ cháu đưa chú mượn bộ đồ cầm để chú cháu ăn tối, sáng mai lấy được tiền bà chủ, chú chuộc lại cho cháu.
Vài giờ trôi qua, hình bóng người đàn ông và hy vọng dĩa cơm hay ổ bánh mỳ xuất hiện trước nửa đêm, tuyệt vọng bao phủ như bao phủ bóng đêm trên cuộc sống đứa trẻ xa lạ. Chú cảnh sát áo trắng đưa tôi ra khu chợ dân sinh tìm lại bộ đồ, cho vào đồn trú qua đêm, điện về nhà, không ai bảo lãnh, chỉ có một chỗ sẵn sàng bảo lãnh – cô nhi viện Gò Vấp. Bà sơ lấy tên tuổi, đưa thẳng về chi nhánh ở Thủ Đức.
Gia đình tuy khắc nghiệt, còn có bầy em để vui chơi, chùa tuy ảm đạm thanh thoát nhưng còn có tiếng kinh hai thời công phu vơi đi sầu muộn. Còn đâu những trải nghiệm đầu đời của đứa trẻ lên mười, đang chôn thân giữa tập thể ô tạp của trại cô nhi, tứ xứ gom về. Ngoài đồng cỏ, vài con bò nhởn nha gặm cỏ, nó biết chăng người chăn nó cũng cô đơn không có tương lai!
* * *
Nhân đã tạo thì duyên sẽ đến, quả sẽ trổ. Chi huynh trưởng GĐPT Chánh Thọ thăm trại cô nhi. – Em ở đâu? Mặt mũi như thế sao lại mồ côi. Cốt cách em như vậy không thể là con nhà khốn khổ. Cách em chắp tay chào chị, biết em không phải người đạo Ki Tô như mấy em ở đây./  - Dạ, thưa chị, em gốc ở chùa Ngũ Hành Sơn lúc 8 tuổi, trốn gia đình xin thầy xuất gia.../ Chị sẽ gửi em vào chùa...
Một ngôi chùa sâu hút trong hẽm của Thành phố; cảnh và người đều xa lạ, nhưng hồn như bay bổng, nơi đây không có ánh mắt hình sự của mẹ; những chiếc áo dài bạc màu khói lam từ tốn như dòng sông Hương quê ngoại. Tiếng mõ hồi chuông hai thời công phu như ấm dịu cõi lòng. Lớn dần như cọng cỏ non được tưới tẩm vươn cao; thèm đi học nhưng chùa không có điều kiện. Những tháng năm liên tục Phật giáo xuống đường, việc học càng xa tầm tay mơ ước. Tu sĩ được thầy tổ hỗ trợ có điều kiện cắp sách đến trường. Một đứa bé được gửi vào chùa mà không biết ai là thày Bổn sư của mình. Chùa nể uy tín chị huynh trưởng nhận cho ở mà không chọn cho một vị thầy để gửi gắm; cũng chả cần lắm khi sự sống an lạc thanh thản không bị đe dọa roi vọt. Cũng mảnh áo Nhật bình cũ, loang lỗ nhang khói và thâm kim như một chứng tích thâm niên công vụ, thế cũng đủ hãnh diện với chỏm tóc vắt tai. Khi trường Bồ Đề cầu Muối khai mở, mỗi ngày cuốc bộ từ Tân Định để được tham dự lớp thiếu căn bản; “đồng tiền là cái chi chi, dù chi chi cũng phải chi chi có tiền”. Giám thị nhắc nhỡ học phí, buộc phải thôi học.
Năm 1966, phong trào đấu tranh liên tục, chư Tăng tham gia đều bị tẩn xuất, lại một lần cánh nhạn lưng trời. Mạnh ai tự tìm đất sống. Số tu sĩ đi du học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chiến chinh ly loạn, nhân tâm ly tán.
* * *
Sau ngày thống nhất giang san, cũng là lúc lìa xa mái ấm Tam bảo. 10 năm lao động khổ sai khi tuổi đời vừa mới 28. 28 năm chưa từng cầm cuốc xẻng, 38 tuổi đời đã dày dạn gió sương nơi núi rừng sơn lâm chướng khí. Không bà con, không bạn bè, không thầy trò thăm viếng, thế mà con "bà phước" vẫn kiên cường như loài cỏ dại sống giữa rừng hoang mà chưa biết mình tội gì! Có lẽ cái tội do nhân tiền kiếp nhốt oan sinh thú!
Về đời là lúc xã hội còn khó khăn mọi mặt, chùa nào dám chứa người tù, khi màn đêm buông xuống là lúc bị kiểm tra đột xuất lúc nửa đêm. Cuộc sống luôn có lối rẽ ngoạn mục, một mái nhà mẹ cha mất sớm, một phụ nữ đơn độc giang tay đón nhận nuôi cơm khi mà họ là công nhân lương đủ tiền ăn sáng. Mỗi khuya, mượn xe đạp chở bánh dầu xuống Nhà Bè bỏ cho lò làm nước tương của chùa đủ tiền sống một ngày trai lạt; học lóm nghề bơm quẹt gas, vĩa hè bổng trở thành địa chỉ thân thương mỗi ngày cách nhà 6km với lon cơm muối đậu. Cuộc sống bắt đầu ổn định đi vào nề nếp như con trâu hàng ngày theo lối cũ chẫm rãi lê bước vô tư. 
* * *
Máu viết lách bắt đầu trỗi dậy. Tuy không được ăn học căn bản, trước 1975 từng viết cho Khởi Hành, Tiền Tuyến, Phổ Thông, Tạp chí Phương Đông của Linh Mục Hoàng Sỹ Quý. Mua được computer cũ, mần mò làm quen thao tác, tham gia Giao Điểm, rồi các Website, thỉnh thoảng vài nơi mời viết tham luận. Cái lạ, báo ngoài đời nhuận bút rất cao, nhưng không sao viết được, trong khi báo “chùa” lúc có lúc không chưa đủ tiền xăng, thế mà vui, vì ít ra mình vẫn còn giữ được sợi dây liên lạc như con diều không lạc hướng vô định. Thân thế gian mà lòng trong Đạo. Hàng ngàn bài báo đủ mọi thể loại mà chưa hề nhiễm tục bụi trần, phải chăng đó cùng là hạt bụi đáp đền nợ cơm áo một thời với bá gia!
Nhận được thư mời cộng tác cho Hương Sen, cảm thấy cái gì xa lạ mà vẫn quen quen. Chả lẽ hai chữ Hương Sen từng ám ảnh đâu đó? Còn Giới Hương thì đâu thể nhầm với Hương Nhũ. Mà Ni Sư thì quen vô số. Những Ni sư trí thức rạng danh Phật giáo như Trí Hải, là người duy nhất thời bấy giờ trong giới nữ tu; sau 1990, số Ni Bắc Tông và Khất sĩ thành đạt học vị cũng không thiếu. Thế tại sao, so với tuổi tác thì sau nhiều thế hệ, làm sao mình quen được! So với học vấn thì mình thuộc loại chân lấm tay bùn, so với vị trí xã hội, một người giáo thọ Đại học, một kẻ kiếm sống bằng mồ hôi. Quê quán tuy miền Trung nhưng xa nhau dịu vợi, ấy thế mà gặp nhau trên không gian mạng cứ như Pháp quyến bao đời... Ôi thôi, sự đời không thiếu chi cái lạ, cái lạ là 6 nẽo miên viễn trôi lăn lại gặp nhau chưa từng biết mặt! Do duyên nợ văn chương hay nợ duyên pháp quyến, chỉ có chư Phật mới thấy rõ nghiệp lực trôi lăn. Đối với Sư bà, năm 1967 MM đã có mặt trên Đại Ninh, lúc ấy Sư bà chưa đến, sư cô Phùng Thăng và Phùng Khánh bỏ Vạn Hạnh lên trú một thời gian; cái tịnh thất trên dốc thác Pongour nay bị một mục sư chiếm, vì bỏ về SG từ năm 1970 và làm việc dưới trướng HT T.Q Đ.
Mà thôi, thắc mắc cho lắm cũng phải bắt tay vào việc,  chập chững dò bước vào mảnh đất Hương Sen để thưởng thức mùi thơm của loài sen cúng Phật. Kính cẩn nghiêng mình trước ý chí kiên cường của một nữ tu cố cầm chắc trong tay mảnh bằng Tiến sỹ khi tuổi đời không còn trẻ, và còn tiếp tục, học mãi, vừa mở mang kiến thức phục vụ văn hóa Phật giáo, vừa trao truyền kiến thức tiêp dẫn hậu lai, trước đền ơn Phật, sau đáp nợ chúng sanh. Phải chăng đó là công hạnh của vị “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” hơn 40 năm có mặt trên cõi đời!
Sài Gòn, cuối Năm 2019
Cẩn bái Hương Sen,