Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

TRÍ VÀ BI

 

Bất cứ trong một tổ chức nào, từ chính trị đến xã hội, từ Tôn giáo đến đoàn thể…đều cần có một lý thuyết nền tảng vững chắc để làm cơ sở triển khai mọi sinh hoạt.

Đạo Khổng thường đề cao “Tam cương, ngũ thường”, “chánh nhân quân tử”. Đạo Lão hướng đến chân nhân;Đạo gia quan niệm con người là tiểu vũ trụ, mang đủ tính chất của một vũ trụ.Ngũ hành là nguyên lý căn bản của mọi sự vật.Bà La Môn giáo xem con người là một tiểu ngã nằm trong Đại ngã, cần phải trở về với Đại ngã.Kito giáo lấy Bác ái làm nền tảng sống trong xã hội loài người khi chiêm niệm hướng tâm về Thượng đế; và Phật giáo, cho dù đời sống nhân sinh hay hướng đến thoát ly tam đồ đều lấy “Từ bi” làm cơ bản cho mọi hành hoạt.

                                                        ***

“Từ bi” là chữ quá quen thuộc trong nhà Phật, quen đến độ con người không còn nhận thấy tầm quan trọng để áp dụng vào đời sống. Từ ngũ giới đến thập thiện, từ lục phàm đến tứ Thánh,từ nhân sinh đến Bồ Tát…đều mang đậm tính chất của Từ bi.Từ bi không những thương người, thương vật mà cả đến thực vật, khoáng vật.Đối với con người và động vật hạ đẳng không được sát hại, ngay cả thực vật và khoáng vật cũng không triệt phá vô cớ.Theo khảo nghiệm của một nhà khoa học, thực vật vẫn có cảm tính nhạy bén.Những minh sư có tuệ nhãn cũng nhìn thấy khoáng vật có linh khí.

Những hành giả chân chính, đến ngụ tại gốc cây cũng xin phép, hái rau củ cũng ngỏ lời.Hành giả chân chính là một chân nhân thượng đẳng.Tuy nhiên, trong xã hội con người không thể áp dụng một cách tuyệt đối vì còn có mối tương quan dị biệt về tập quán, về giáo dục…

Một phật tử sống trong gia đình, không thể áp dụng từ bi theo lối tiêu cực; ví dụ thương con không có nghĩa chiều con thái quá đưa đến hư hỏng.Vì tương lai của đứa con hư hỏng,la rầy đánh đập không có nghĩa là thiếu lòng từ, như vậy “từ bi” cần phải có “trí tuệ”; phải hiểu cách áp dụng Từ bi đúng từng trường hợp.

Một quan niệm sai lầm khi thấy việc sai trái của ai đó mà không nỡ góp ý vì sợ họ buồn, hay sợ xen vào nhân quả người khác,đó không phải là Từ bi.Trong cuộc sống mỗi người nhìn một vấn đề khác nhau do tập quán, tập khí, lòng đố kỵ ghen tỵ…họ thấy là họ đúng, đương nhiên đó là quyền cá nhân; trong phạm vi Phật giáo không cho phép chúng ta nhìn một hiện tượng, một vấn đề bằng sự tỵ hiềm, đố kỵ, ghen ghét hoặc vô trách nhiệm. Để nhận định đúng vấn đề, cần đặt trên căn bản của lòng từ và trí tuệ. Cho dù một sự kiện khác biệt với cá nhân hay tập thể, dùng lòng từ và trí tuệ sẽ thấy vấn đề đúng sai của một hiện tượng; khi cá nhân đi quá đà về nhận định, hành sử sai lệch về nhân cách, chúng ta không thể vì lòng từ để mặc một cách vô trách nhiệm.Chúng ta bị ám ảnh về nhân quả, ai làm nấy chịu, không xen vào nhân quả của người khác, nói thế Bồ tát vào đời để làm gì? Xác định khi can thiệp một vấn đề vì lòng từ cho mọi người sáng tỏ tránh lầm lẫn hay vì lòng đố kỵ cá nhân.Như vậy cùng một hành động đúng hay sai do tâm niệm được xây dựng bằng trí tuệ và lòng từ bi hay do tâm đố kỵ.

Sợ đau không dám mạnh tay mổ xẻ ung nhọt, tất nhiên ung nhọt sẽ ăn luồng trong cơ thể. Mổ xẻ là liệu pháp tối cần để phục hồi sức khỏe. Trong một tập thể có những thành phần sai phạm, nếu nội bộ không đủ can đảm chỉnh huấn, phải cần đến ngoại lực. Không nên tự ái khi người ngoài phơi bày những ung nhọt, đó là thiện tri thức cần phải cảm ơn, để tránh cho nhiều người mê lầm tiếp tay.

Gần đây Phật giáo có quá nhiều vấn đề tai tiếng bởi một vài cá nhân, những người lợi dụng dẫm đạp Phật giáo cũng có, cũng không thiếu những tấm lòng muốn góp ý xây dựng bằng cách dơ cao đánh khẽ; chúng ta phải bình tâm nhìn nhận vấn đề cả hai, cảm ơn kẻ nặng lời cho ta tỉnh ngộ, không quên ơn những ai có tấm lòng bảo vệ Phật giáo, tất cả đều là ân nhân.

Ta cũng không cần chỉ trích, phê phán, nhục mạ một ai đó khi họ không dính đến ta, không xúc phạm ta,không làm hại uy tín của tập thể ta, làm như thế là tạo nghiệp ác.

                                                          ***

Lòng từ càng thâm sâu, trí tuệ càng thẩm thấu. Không một hành giả, thánh nhân nào đạt quả vị mà thiếu lòng từ. Từ bi là năng lượng bao trùm vạn hữu, Từ bi là tố chất của nguồn sáng phát sanh tuệ giác. Hai Tôn giáo tuy có hai ngôn từ khác nhau: “từ bi và Bác ái”, thông thường ta nghĩ “từ bi” là tình thương bao quát mọi loài, còn “bác ái” chỉ hạn chế trong cuộc sống giữa con người với con người, nhưng thực tế với tầm nhìn của những bậc chứng đắc, năng lượng của Từ bi và bác ái đã phủ trùm vũ trụ.Có những sinh thức nhẹ, vừa thoát xác đã nhập vào luồng sáng cảm thấy tràn đầy tình thương, những người chết lâm sàng đều cảm giác như nhau. Trong “tử thư Tây tạng” cũng đề cập đến Bardo, trạng thái trung ấm tùy luồng sáng mờ tỏ mà linh thức theo phước duyên nhập vào. Những linh thức nhẹ nghiệp, được hòa nhập vào ánh sáng cực tỏ với một tình thương ấm áp khó tả.

Từ bi ở thế gian chỉ là tình thương đồng loại,lòng tốt với mọi loài, nhưng với vũ trụ nó là một trường lực từ ái cuốn hút những linh thức siêu nhẹ. Như vậy, Từ bi là nền tảng căn bản trong cuộc sống của một Phật tử và gốc rễ cho mọi hành giả tiến nhập vào Phật thể.

Trí tuệ là nguồn sáng của tâm thức song hành với từ bi. Từ bi mà thiếu trí tuệ sanh ra ủy mỵ thậm chí vô trách nhiệm.Trí tuệ không có Từ bi dễ đưa đến hành động thiếu cân nhắc, thậm chí tác hại.Bi và trí là đôi chân vào đời vững chắc, là đôi cánh cho hành giả tiến vào tâm thức uyên sâu, không bị lạc dẫn bởi ngũ ấm ma.

Khi hành giả thành công nhập vào pháp giới thì Bi và Trí chỉ là một, như ánh sáng  và nhiệt lượng của một ngọn lửa.

Người con Phật trang bị đầy đủ Trí và Bi sẽ không bị lòng đố kỵ, ghen ghét trước mọi vấn đề trong cuộc sống. Bi giúp ta trầm lắng, Trí giúp ta suy xét thì tập khí không thể nào xen lẫn làm cho ta nhận định sai lệch.

 

MINH MẪN

 26/7/2024

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

LỜI TRĂNG TRỐI HOANG TƯỞNG.

 

Ngày 19/6/2024, Ban thường trực Hội đồng Trị sự đã thông báo số 244/TB-HĐTS-VP2 kết luận về việc xử lý kỷ luật đối với đương phạm T. Chân Quang, trụ trì Thiền tôn Phật Quang, xã Tân Hải, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với lý do:

“Nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội.”

Ban thường trực Hội đồng Trị sự quyết định kỷ luật đương phạm Thích Chân Quang:

“không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.

Thiền tôn Phật Quang và T.Chân Quang phải thu hồi tất cả các phái quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với Ngũ  giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo. Gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang trong xã hội.

TT T.Chân Quang và Ban quản lý Thiền tôn Phật Quang phải chấn chỉnh sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố. Không đưa các bài giảng của T. Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian TT Chân Quang nhập thất sám hối tại Thiền tôn Phật Quang”

….

                                                ***

Qua phản ứng của xã hội, suốt thời gian trên dưới 20 năm sai phạm của ông Chân Quang, buộc Ban Tôn giáo chính phủ phải lên tiếng, giao cho GHPGVN truy cứu và xử lý. Theo kỷ luật ông Nhuận Đức một năm cấm giảng vì tội nói xàm vô duyên, thì Chân Quang không chỉ nói xàm,một tu sỹ giảng sai giáo lý, tự ý sửa giới luật, đưa quần chúng vào mê hoặc tà kiến. Bài giảng có tính Phá hoại nền kinh tế xã hội tiếp tay cho ngoại bang,xuyên tạc lịch sử dân tộc, nếu không tử hình cũng chung thân đối với một công dân bình thưởng, cả đạo và đời đều gieo mầm mống nguy hiểm, tội gấp trăm lần Nhuận Đức, thế mà  cấm giảng 2 năm kể cũng lạ. Trong thời gian 2 năm, đương phạm có thể rỉ tai  tạo bất mãn trong đám đệ tử ngu muội.

Theo những người ủng hộ đương phạm,kể cả bản thân Chân Quang đều cho mạng xã hội cắt ghép, youtuber, Tiktoker..là những truyền thông bẩn, không đúng sự thật; chả lẽ Giáo hội xử oan?

Bản thân Chân Quang tự nghĩ mình bị nạn cũng như từng bị nạn vào năm 2009. Ngày mà toàn bộ Tăng Ni do thầy chúng trưởng T. T.H phát hiện nhiều tai tiếng Ni chúng và nữ phật tử bị lạm dung tình dục xác nhận, thầy liền dẫn Tăng ni về Tóc Tiên lập nơi an trú riêng để tu tập, tuy nhiên vẫn chưa yên ổn khi nghe “sư phụ” lập mưu lấy lại đất ở Tóc Tiên.

Ngày mồng 9 tháng 12 năm 2009, tại công ty Pháp Quang Phú Nhuận, Chân Quang bị thầy chúng trưởng T.T.H tố giác, đối chất, hạch tội ông Chân Quang, có mặt ông  Viên Giác chùa Từ Tân, (kết nghĩa anh em),đuối lý, ông ta nói – có gì để luật pháp xử lý.

Trong clip, ông ta than vãn cuộc đời ông ta chịu nhiều đau khổ, ngoại đạo, thế lực ngầm cấu kết với đệ tử  để ám hại ông ta. Ông ta luôn hoang tưởng bị nhiều kẻ hại, cứ như ông ta là nhân vật chủ chốt của đất nước, bảo vệ tổ quốc, vì tự nhận mình là cháu Bác Hồ.

Theo ông ta kể, kế hoạch ám hại ông ta sẽ làm không còn ai tin tưởng ông ta, xa rời ông ta, thân bại danh liệt không nơi cư trú sẽ chết đầu đường xó chợ. Khi lên clip trăn trối, ông ta trông thật thảm hại, giọng nói yếu đuối, ủ rũ trong bộ áo lam, không còn oanh liệt hùng hồn trong chiếc áo vàng như mọi ngày. Kêu gọi sự thương xót của những ai còn thông cảm cho thầy…

Ông ta than rằng mục đích ông ta xây dựng và bành trướng giáo lý Phật giáo để ăn sâu trong mọi ngõ ngách,làm mới Phật giáo; kêu gọi lòng yêu nước thương dân như một lãnh tụ…và trong sâu thẳm ý tưởng, ông ta sẽ lập một giáo phái Thiền tôn riêng mà nội quy, kế hoạch, điều hướng còn nằm trong ngăn tủ, chờ thời gian. Từng bước sửa lại giáo lý, tổ chức chân rít đã có hơn sáu mươi đạo tràng khắp nước, đang hướng ra các quốc gia lân cận. Để tổ chức thật chặt chẽ, ông ta buộc những thanh niên gia nhập phải có những lời thề độc địa. Trung thành quốc gia, trung thành đạo pháp chỉ là lớp áo che đậy bên ngoài, căn bản là trung thành tuyệt đối với sư phụ, vì sư phụ quan trong hơn cha mẹ đã đưa con vào đường tâm linh…(ai muốn biết những lời thề hãy tìm vào trang Phật Quang (nếu ông ta chưa gỡ bỏ).Khi phát hiện ai nói xấu dù nửa lời cũng phải ghi vào sổ bìa đen và báo cho sư phụ ngay.Đạo Phật chứ phải tổ chức Mafia đâu mà thề độc và theo dõi ghi vào sổ bìa đen.?

                                                          ***

Năm 2009 tưởng chừng chấm dứt thời vàng son nên lên clip nói lời trăn trối, bây giờ, chỉ cần 2 năm nhập thất, không chắc để nhìn lại ý tưởng sai trái, giảng giải tà kiến mà rút kinh nghiệm luồn lách khi hoang tưởng làm một giáo chủ sáng lập chủ thuyết mới nhiều ảo giác như các giáo chủ từng phát sanh tại Nhật, Hàn quốc đem lại đau thương cho đất nước. Ảo tưởng chính trị chỉ gây khủng hoảng cho một xã hội, ảo tưởng tà thuyết Tôn giáo dẫn dắt nhiều thế hệ vào u mê tăm tối, sẵn sàng hy sinh cho giáo chủ nếu cần ( như tà phái Aum Shinrikyo ở Nhật,thả khí sarin trên tàu điện ngầm vào năm 1995 giết chết 13 người.Giáo phái Tân Thiên địa  và nhiều giáo phái Tin Lành biến tướng ở Đại Hàn tiên đoán ngày Tận thế  Thế vào năm 2000 tự tử hàng loạt). Vẫn không ít người còn tin tuyệt đối thầy minh bị oan,thầy mình là bậc chân tu, thầy mình trong sạch, là người có công với Phật giáo… thời gian nữa sẽ được sáng tỏ.

Tất cả các giáo phái tà đạo trên thế giới gắn liền hành động cực đoan, thành viên muốn thoát ra đều bị thanh toán vì lời thề khi gia nhập.  Các chính phủ luôn theo sát mọi động tịnh của những tà giáo. Tại sao Chân quang lại đề cao hội Tam Hoàng? Và nói rằng xã hội ổn định là nhờ xã hội đen, nếu không cùng chí hướng thì sao tán dương những thế lực trong bóng tối???Tại sao Chân Quang dám cả quyết toàn bộ Bộ Công An bị Hồi Giáo mua chuộc? tại sao Chân Quang muốn phá hoại kinh tế xã hội qua nhiều bài giảng về nhân quả như  “ cà phê, Karaoke, du lịch,…đều tác hại.? tại sao Chân Quang dám nói Việt Nam là em của Trung Quốc, Lý Thường Kiệt chống Trung Quốc là hổn trong khi đất nước ta luôn bảo vệ biên cương Tổ quốc, ông cha từng đánh đuổi Bắc phương đã đô hộ đất nước cả ngàn năm.Những phát ngôn triệt tiêu kinh tế xã hội, chống lại Tổ quốc chắc chắn nhà nước sẽ quan tâm sau khi GHPGVN quan tâm việc riêng của Phật giáo như trên.

Đất nước sẽ an bình khi không còn con người phá hoại ngầm mang danh Tôn giáo, Phật giáo sẽ trong sạch hơn khi vắng những Tăng tướng luôn hướng đến quyền lợi và quyền lực ngầm làm suy giảm niềm tin của quần chúng. Không ai phá được Phật giáo nếu không phải các sư thiếu tu, nhiều tai tiếng.

Hoang tưởng là mối nguy cho xã hội khi người có hậu thuẩn quần chúng nhiều mê tín. Lời trối trăn năm 2009 của tà sư cũng là hoang tưởng để con rắn độc lột xác. Và 2 năm bây giờ là thời kỳ lột xác khá chỉnh chu để cho ra đời một hoang tưởng mới. Phật giáo và xã hội Việt Nam sẽ đón nhận thế nào khi mà nọc độc vẫn chưa triệt gốc!

MINH MẪN

 19/6/2024

 

,

 

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

HÀI KỊCH HOÀN HẢO

 

Ban Tôn giáo chính phủ chỉ thị Ban pháp chế, Ban Tôn giáo Bà Rịa Vũng Tàu và các ban ngành liên đới kết hợp Tỉnh hội Phật giáo BRVT làm sáng tỏ những sai phạm của T. Chân Quang.

Ngày 08/6/2024 diễn ra cuộc họp tại chùa Phật Quang của T.Chân Quang với sự có mặt của:

TT Giác Trí. Phó BTS kiêm trưởng Ban Kiểm soát tỉnh hội

T. Nhuận Trí, phó BTS, kiêm phó Ban Thường trực Ban Tăng sự tỉnh

TT T. Vĩnh Tế, trưởng ban Pháp chế Phật giáo Tỉnh

Và T.Chân Quang trụ trì chùa Phật Quang.

Theo nội dung, các thành phần nêu lên lý do làm việc trong đó yêu cầu T. Chân Quang giải thích những lý do sửa giới luật…và chùa Phật Quang cung cấp bằng chứng những clip mà cho là bị cắt ghép xuyên tạc.

Trước khi trả lời những vấn nạn, T.Chân Quang đã khôn ngoan cảm ơn HĐTS.PG TW và Tỉnh hội BRVT luôn quan tâm hỗ trợ cho chùa sinh hoạt ổn định.

Về phần trình diễn hình thức đã xong, hãy bàn đến nội dung làm việc mà Ban Tôn giáo chính phủ có thể bị qua mặt rất hợp lý do sự ma mãnh của Chân Quang và đám đồ đệ nằm vùng trong BTS PG tỉnh. Trong cuộc họp ta thấy vắng mặt HT Trưởng BTS PG tỉnh BRVT, không có sự hiện diện của TT T.Thiện Thuận, phó BTS kiêm chánh thư ký BTS, cũng là trưởng Ban Hoằng pháp tỉnh, đó là những nhân vật cốt cán trong BTS PG tỉnh, liệu cuộc họp có giá trị chăng?

Trong ba nhân vật, chỉ có T.Nhuận Đức và Sư Minh Đạo được triệu tập lên văn phòng 2 TW tại thiền viện Quảng Đức, nhưng sư Minh Đạo nhập thất, T. Chân Quang GH không dám mời mà GH đích thân đến trú xứ của Chân Quang để làm việc.Như vậy mới thấy uy thế của Chân Quang cở nào! ( dĩ nhiên Chân Quang rung đùi ngồi xem màn hài kịch sẽ đi đến đâu do hắn điều khiển).

Chuyện clip gọi là do truyền thông bẩn cắt ghép, phải có clip chính thống xuất hiện mới có sự cắt ghép, họ căn cứ vào đâu để cắt ghép.Clip gọi là cắt ghép đã xuất hiện đầu tiên khi mà trước đó không hề xuất hiện clip gọi là chính thống.Dĩ nhiên sau cuộc làm việc, Chân quang đủ thời gian sửa đổi những clip tai tiếng để chứng minh là clip chính thống không hề có những đoạn do hắn ta nói trước đó.

Cách của những sư tay chân của Chân Quang trong buổi làm việc cho thấy trình diễn vụng về, vẽ đường cho Cáo chạy, cuối cùng trình làng thì Chân Quang vẫn là nạn nhân bị oan!!!

Nhưng, “cha nó lú thì có chú nó khôn”, xã hội không ai mù quáng tin kết quả làm việc, nếu gỉải quyết vụ này không thỏa đáng, cộng đồng mạng xã hội lẽ nào không phản ứng?

Qua biên bản làm việc cho ta thấy có 2 vấn đề khó hiểu:

1/ Không triệu tập Chân Quang lên văn phòng GH tỉnh,làm việc như Nhuận Đức và sư Minh Đạo lần đầu. (Sư Minh Đạo còn bị Nhuận Trí mạt sát mắng mỏ như kẻ thù trông thật phản cảm!) và lần hai tại văn phòng 2 Thiền viện Thích Quảng Đức. Người ta sẽ hỏi Chân Quang là ai mà cả GH phải kiên dè???Điều này Ban Tôn giáo chính phủ hiểu rõ hơn ai!

2/ gợi ý những thắc mắc trong các clip giảng để cho Chân Quang có thời gian đủ lý lẽ giải thích và sửa lại các clip đó.

3/ Nhân vật chính trưỏng BTS và chánh thư ký kiêm Hoằng pháp không có mặt để tay chân của Chân Quang tạo  hài kịch một cách hoàn hảo.

Đó là những ưu tư thắc mắc của cộng đồng không biết Phật giáo sẽ đi về đâu khi toàn bộ bất lực trước uy thế của Chân Quang!!!

 

MINH MẪN

12/6/2024

 

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

SÓNG YÊN BIỂN LẶNG


Hiện tượng và bản chất là hai mặt tương phản của một thực tại.

Hiện tượng nổi cộm mang tính đột biến và nhất thời.Sóng thần là hiện tượng phẫn nộ của biển cả, chẳng mấy chốc trở lại những đợt lăn tăn thầm lặng trôi dạt vào bờ;cũng thế cuộc sống không bao giờ lặng lẽ,đôi khi nổi cộm một vấn đề làm đảo lộn, làm xôn xao, làm thay đổi suy nghĩ một cá nhân, một tập thể,một cộng đồng, thậm chí một thế hệ.

Thầy Minh Tuệ là một hiện tượng nổi cộm đã gây xôn xao trong xã hội, trong Phật giáo, lan tỏa ra khỏi ranh giới quốc gia, một hiện tượng mà bản chất không xa lạ đối với Phật giáo và những hệ phái khổ hạnh tại Ấn, là hiện tượng cũng không hiếm tại Việt Nam từng có những vị hành cước tam bộ nhất bái, những vị khổ tu trong các am cốc núi rừng.Tóm lại, thầy Minh Tuệ là một hiện tượng đặc biệt, đặc biệt vì có những hành trạng mà ít ai làm được trong “tứ y pháp”, được cộng đồng mạng đề cao.

Khi một hiện tượng nổi cộm được xã hội tôn vinh, chống đối lại sự tôn vinh sẽ bị xã hội hủy báng, càng làm cho hiện tượng đó trở nên nổi cộm, dĩ nhiên thành phần chống đối sự tôn vinh sẽ trở thành đối tượng bị soi bói, bị trù dập.

Người khôn ngoan không nên lội ngược giòng nước cuồn cuộn, xuôi giòng để vào bờ là cách an toàn nhất.Cũng thế, hiện tượng thầy Minh Tuệ là một hiện tượng nổi cộm khá đặc biệt, không chỉ hàng dân dã ngưỡng mộ, mà cả giới trí thức trong Tôn giáo và xã hội, các Tôn giáo khác, giới chính trị, văn hóa nghệ thuật, ngay cả Bách khoa từ điển Mỹ cũng ngưỡng mộ.Vậy không thể nói họ u mê thiếu hiểu biết a dua vì một hiện tượng lạ. Đem cái hiểu biết cá nhân, cảm tính cá nhân phê phán chỉ trích hiện tượng nổi cộm là đi ngược trào lưu xã hội.

Trở lại nội tình Phật giáo; một vài cá nhân tu sỹ chỉ trích nhục mạ thầy Minh Tuệ trong khi bản thân nhân cách của họ không đủ kiến thức, oai nghi của của một Tăng sỹ. Căn cứ giáo luật nhà Phật chỉ trích một người không nằm trong tổ chức Phật giáo là so sánh khập khểnh.GHPGVN là một tổ chức hành chánh, không phải tiêu chuẩn của mọi pháp hành.Các tông phái cũng chỉ là một trong tám mươi bốn ngàn pháp môn, không ai có thể am tường tất cả, lấy tiêu chuẩn nào để phân biệt đối tượng là chánh tà, đúng chánh pháp hay không đúng chánh pháp.

Thái cách của một tổ chức như GHPGVN sai lầm khi phủ nhận thầy Minh Tuệ thay vì im lặng hay tán thán ngoại giao thì đâu bị búa rìu dư luận chỉ trích!Cứ nghĩ tổ chức của mình là số một, là đúng, cần phải bảo vệ, có ai chống phá mình đâu mà bảo vệ.? “Sư tử tùng thực sư tử nhục”chính nội bộ làm hủy hoại danh dự từ một vài vị bất hảo; đại đa số Tăng ni sống trong hạnh thanh tịnh, giới luật nghiêm túc lo gì mạng mạch Phật giáo suy vi! thực trạng các chùa không bị tai tiếng,vẫn giữ số lượng tín đồ tu học và sinh hoạt nghiêm túc không suy giảm. Đừng sợ quần chúng quay lưng, chỉ sợ mình không đủ nhân cách uy tín. 

 Đã là sai lầm thêm một sai lầm khi xử lý sư Minh Đạo.Hình ảnh phản cảm nhất khi sư Minh Đạo quỳ sám hối. Thật ra, người trong cuộc cho biết,khi tỉnh hội BRVT kiểm điểm đã ngăn cản không muốn sư Minh Đạo quỳ sám, và quay phim chụp hình cũng không do Tỉnh hội chủ trương.Người ta đặt vấn đề tại sao sư Minh Đạo có ý gì sắp xếp quay phim chụp hình? Lại thêm thầy Nhuận Trí phó BTS PG BRVT, lớn tiếng quy lỗi cho sư Minh Đạo. Giọng ồn ào hung hăng của Nhuận Trí như một phán quan thêm hình ảnh của sư Minh Đạo quỳ gối tạo thành hình ảnh “phạt vạ” sao tránh khỏi quần chúng bức xúc.? Đây là bài học cho chư Tăng cần đến ái ngữ trong mọi lúc mọi nơi.

Sư Minh Đạo nhân danh GH tán thán thầy Minh Tuệ, nếu PG BRVT không xem đó là hệ trọng, im lặng vẫn làm đẹp mặt GHPGVN trước cao trào xã hội ngưỡng mộ thầy Minh Tuệ, hình ảnh sư Minh Đạo bị khiển trách khác nào đổ dầu vào lửa, có cớ cho sự phẩn nộ làm tăng uy tín sư Minh Đạo, GH giảm uy tín bởi chuyện không đâu ! (việc làm của BTS PG BRVT không sai nhưng còn sơ hở)

Dĩ nhiên sư Minh Đạo không được GH chỉ định thay mặt để tán dương thầy Minh Tuệ theo nguyên tắc tổ chức, nhưng cũng vô hại, nếu tế nhị, nên mời riêng sư Minh Đạo để nói lên việc lạm quyền,cách xử sự nhẹ nhàng bảo nhỏ nhau nghe thì cớ gì ồn ào trên mạng xã hội. Việc lên giọng thể hiện quyền lực không đúng chỗ của thầy Nhuận Trí với một lỗi không đáng có của sư Minh Đạo, biến nạn nhân thành lực đối kháng nhẹ nhàng được lòng mọi người.

Trong buổi kiểm điểm, chư Tăng hầu hết im lặng, nếu có nêu khuyết điểm cũng không ồn ào như sự ồn ào kết tội sư Minh Đạo của thầy Nhuận Trí giống một phán quan, một công tố viên trước tội phạm. Cơn sóng Thần trong xã hội vừa qua, các vị Lãnh đạo cao cấp, và các địa phương, đồng thuận hay không đồng thuận về hành trạng của thầy Minh Tuệ đều giữ được phong thái điềm tĩnh, ôn hòa.Một vài vị lớn tiếng phê phán chỉ trích thầy Minh Tuệ chỉ là cá nhân xem như “Ngựa non háu đá” dù mang danh Tiến sỹ hay tu sỹ miệt vườn cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến bộ mặt PGVN trong khi bên ngoài đều ngưỡng mộ đã xem thầy Minh Tuệ là một tu sỹ khổ hạnh.Những phát ngôn cố chấp biên kiến của một vài vị tự dưng tạo cớ cho cộng đồng mạng quay lại so sánh nếp sống của hai thái cực. Người chưa hiểu sâu về Phật giáo mới đem so sánh khập khểnh giữa hai lối sống nhập thế và xuất thế.

GH nên chọn nhân cách tu sỹ khi đưa vào hệ thống hành chánh, lãnh đạo Tăng ni. Người nắm quyền trong các cấp GH không nên nghĩ rằng mình có quyền sinh sát tu sỹ dưới tay mình quản lý.Quan trọng nhất phải luôn ý thức mình là một tu sỹ.Ngoài 24 oai nghi còn 80 tế hạnh mà chư Tổ đã nêu gương cho một tu sỹ cần phải có. Chạy theo đà tiến hóa vật chất đã bỏ quên giới hạnh, không còn được xem là tu sỹ Phật giáo.

Giáo hội vừa có cuộc họp ngày 04/6/2024 tại Thiền viện Quảng Đức, văn phòng 2 TW.yêu cầu Nhuận Đức tạm ngưng giảng một năm, chỉ được sinh hoạt tu tập trong Đạo tràng niệm Phật.

T Chân Quang không được mời đến kể cũng lạ.Tuy nhiên Ban trị sự PG BRVT vẫn cử người đến chùa Phật Quang khích lệ khóa tu mùa Hè cho sinh viên học sinh.(đây là việc làm chưa từng có khi HT Quảng Hiển còn đảm nhiệm trưởng BTS).

  Sư Minh Đạo có đơn xin vắng mặt để nhập thất “sám hối”, chư Tăng chỉ chấp thuận nhập thất mà không nên dùng từ sám hối.

Qua cơn sóng gió, GH đã rút được kinh nghiệm khá dè dặt trong lối hành xử.Do vậy, GH đã khuyên các tự viện cân nhắc khi đưa ra văn bản lên mạng xã hội.

Những sai lầm từ văn bản của HĐTS TW GH đến sai lầm xử phạt kiểm điểm sư Minh Đạo, và những phát ngôn bừa bãi của một vài sư Tăng nông nổi tạo sóng Thần phủ ngập vận mệnh Tăng ni chân chánh! 

Độc giả vẫn thắc mắc về lỗi của sư Minh Đạo và tội tày trời của Chân Quang dám sửa giới luật của nhà Phật, giảng sai lệch luật Nhân quả của Phật giáo; công ít tội nhiều thế mà HĐTS chỉ khuyên nên dè dặt, không nên tự ý phát ngôn; theo mạng xã hội là không tương xứng, có thiên vị.Thật ra quỳ sám hối là do sư Minh Đạo tự nguyện trong buổi làm việc tại văn phòng Tỉnh hội; ngoài sự lớn lối ồn ào của Nhuận Trí thì buổi làm việc không có gì đáng nói. Lên văn phòng 2 TW cũng hài hòa vì chỉ có mỗi Nhuận Đức xem ra đáng tội

Đơn xin từ nhiệm của sư Minh Đạo trong GH BR VT và thị xã Phú Mỹ không được GH xét duyệt cho đến mãn nhiệm kỳ; đây cũng là cách hành xử khôn ngoan để tránh sự đổ vỡ rạn nứt thêm.Ba nhân sự trong PG BR VT được giải quyết ổn thỏa êm đẹp,lấy lại bộ mặt “khả ái”cho GH PG BRVT.

Sóng đã yên, biển đã lặng, hy vọng nội tình Phật giáo dần ổn định và rút kinh nghiệm sau những sai lầm tai tiếng không đáng có. Cần tăng cường giáo luật cho Tăng ni để phục hồi uy nghi cho nhà Phật.

 

MINH MẪN

07/6/24

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

NGHĨA TÌNH


Trong cuộc sống, chúng ta giao tiếp gặp gỡ nhiều người như kẻ qua đường trên một chuyến tàu, tuy nhiên đôi lúc lại vô tình gắn kết với ai đó khi trao đổi dăm câu, ánh mắt thiện cảm thông qua lời nói…rất nhiều và rất nhiều trường hợp như thế. Theo nhà Phật không có nhân quá khứ sao nên duyên hiện tại, nghĩa là trong kiếp nào đó họ với mình cũng đã là nhân duyên với nhau.

Những người gặp gỡ thường xuyên vẫn là nước đổ lá môn, trái lại, chỉ quen qua loa, ít gặp nhau lại rất gắn kết như ruột thịt, đó là trường hợp hai ông anh tuổi ngoài tám mươi – anh Năm Bưởi, còn gọi là anh Năm Ngôn và anh Huyền Linh Tử.

Trong dịp theo thầy Huệ Quang lên thăm 84 mẫu vườn cây trái Suối Đá Bạc ở Tân Uyên, Bình Dương của anh Năm Ngôn, từ đó trở đi, anh Năm rất quan tâm thường xuyên thăm hỏi về cuộc sống và sức khỏe, chính vì vậy, những lần bệnh anh đều biết và chăm sóc tận tình. Nấu cháo, gửi đồ ăn, giới thiệu người đến bấm huyệt…có lần anh Năm đem xe đưa đi bệnh viện truyền dịch, hoặc đưa tiền buộc phải đi khám và báo cáo cho anh biết, vì sợ tiếc tiền.

Trên 5 năm tình nghĩa không hề suy giảm.Làm ăn lớn,nợ lớn do thất thu, nhưng người bạn nhỏ tuổi anh xem như em ruột không hề bỏ quên.Anh thường nhắn tin nhắc uống thuốc, khuyên chưa khỏe không nên đi nhiều, đừng để mắc mưa…trăm công ngàn việc mà anh vẫn quan tâm chuyện nhỏ cho người bạn vong niên cũng lạ. Ngoài việc kinh doanh nông sản, anh còn viết và viết không thua một nhà văn chuyên nghiệp. Anh thường gửi cho xem những bản văn của anh, những nhạc phẩm đâu đó khuyên nghe và đọc để giải trí; chăm sóc như một đứa em còn khờ dại.

Tướng to khỏe, bụng phệ, tính tình cởi mở, xởi lởi, hào phóng, bộc toạc,cương trực, đó là tính của dân Nam bộ. Mặc dù sống ở nước ngoài lâu năm, khi hòa bình, vẫn về quê hương xây dựng nông trang, không phải để hưởng già mà giải quyết công ăn việc làm cho một số gia đình người Campuchea, tất cả xem như một nhà, và từ anh, họ đều có nhà đất cơ ngơi riêng. Cuộc sống tuy không thiếu, nhưng vẫn thích những món ăn dân dã.

Nhận sự giúp đỡ của anh, không bao giờ anh nhận lại bất cứ gì; mỗi lần điện trước để đến thăm, anh hỏi có đem gì không, nếu có quà cáp, sẽ không nhận, không mở cửa, không tiếp…nói dối sẽ phải đem về lại.Bệnh mà không cho anh biết sẽ bị la rầy phiền phức.

Anh Huyền Linh Tử, tác giả bài thơ “Tin loạn quê hương” viết từ Tokyo gửi về; lúc cao trào nổi loạn tại Sài Gòn, anh bay về lãnh đạo phong trào sinh viên chống chế độ lúc bấy giờ.Trên 80 tuổi sức khỏe vẫn rắn chắc, đôi chân yếu cần có gậy. Sau trận dịch Covid, anh bệnh hoạn liên miên, mỗi tuần đều đi tái khám lãnh thuốc.Đã có 6 con cả trai lẫn gái đều thành đạt. Sau khi vợ mất, anh tái giá lúc tuổi 60, hiện được một gái khá xinh, năm thứ ba y khoa.

Nghèo mà phải tìm mọi cách cho con ăn học, vì gia đình truyền thống ngành y; ông cổ làm ngự y trong triều.Vợ đi giúp việc cho một nhà giàu rất có tâm.Gia đình anh hiện nay do bà chủ cho ở miễn phí; căn nhà nhỏ hẹp tại hẽm cụt đường Trần Phú.Lương mượn trước mấy tháng đóng cho con học, từ từ trừ dần mỗi tháng.Lương hưu của anh và các con hỗ trợ cũng tạm ổn cuộc sống.Cô Tâm Tuệ phật tử tu viện Phước Hoa Long Thành, Đồng Nai, do TT Chánh Tài giới thiệu, cũng giúp được mấy học kỳ.

Tánh tình anh cũng cương trực, thẳng thắn của người dân Núi Ngự sông Hương.Không rõ nguyên nhân từ đâu mà quen biết nhau, từ lúc ấy trở thành anh em kết nghĩa. Sau dịch, bà chủ nhà thấy chị vợ anh đi làm xa và hay trễ giờ, nói gia đình dời từ Hốc Môn về quận năm cho khỏi tốn tiền nhà trọ.

Cứ vài tuần, anh gọi xuống lấy đồ ăn do anh nấu. Đường xa đi về 40 cây số, cũng vì tình nghĩa phải đi,khó từ chối “-ăn bữa  giỗ lỗ bữa cày”.Những khi bệnh, anh nôn nóng không biết làm sao lên thăm.Vợ đi làm, con đi học, anh nội trợ và do chân yếu, hay bệnh , anh cũng khó đi lại; cứ điện lên hỏi thăm. Không biết xài Zalo,  gọi điện thường, thấy tội! Tuy nghèo, người vợ vui tính và xởi lởi,  “con nhà lính tính nhà quan”, cứ mua bánh trái gửi theo mỗi khi xuống. Chị nói : “quan trọng tình nghĩa,và sức khỏe, tiền bạc nay không có thì ngày mai có, chú đừng lo”.Người đàn bà chơn chất thật thà và tình nghĩa, xứng với anh ta.

Cuộc sống vô nghĩa nếu thiếu tình người.Đời đã ban tặng cho hai ông anh đáng quý; ruột thịt chưa hẳn đã bằng.Ngẫm lại cũng do nhân duyên quá khứ kết giao nay gặp lại; đó là nguồn an ủi vô tận cho một đời cô độc từ tấm bé.Ông Trời không cho ai tất cả cũng không lấy mất tất cả của ai. Em và con kết nghĩa cũng không thiếu khi tuổi đã xế chiều, như bầu mây dồn về cuối trời làm nên cơn mưa tươi mát!

MM

Đầu tháng 6 dương 2024



Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

TỪNG BƯỚC SAI LẦM

 

Mãi đến bây giờ, hiện tượng thầy Minh Tuệ vẫn còn dậy sóng, không phải dậy sóng theo kiểu các nghệ sỹ, ca sỹ,chính trị…Hậu quả “nồi cơm điện” tràn ngập từ dân dã đến trí thức (như giáo sư Ngô Bảo Châu) từ trong nước đến nước ngoài, từ nội bộ đến cộng đồng mạng, qua các Tôn giáo bạn…thẩm thấu vào nghệ thuật phim ảnh,ca nhạc, điêu khắc, thời trang, công sở…giới ủng hộ, tán thán lấn át nhóm chống đối phát ngôn bừa bãi.Do đó, những vấn đề bất lợi về thầy Minh Tuệ đều không tránh khỏi phản ứng gay gắt từ phía ủng hộ.

Riêng trong nội tình Phật giáo VN, ngoài những phát ngôn tùy hứng của một số sư thiếu ý thức về thầy Minh Tuệ, lấy luật giới của cửa Phật, lấy nghi tắc của Giáo hội để đánh giá, chỉ trích một người đã tự nhận mình không phải tu sỹ thuộc Giáo hội Phật giáo là việc làm vô lý. Hình thức y bá nạp, khất thực, khổ hạnh đã có trước khi đức Phật xuất hiện từ các giáo phái ngoài Bà La Môn,do vậy không thể đánh giá thầy Minh Tuệ bắt chước y khất sỹ hay bất cứ gì liên quan đến Phật giáo ngoài giới đức thầy đã nghiêm trì.Phê  bình, chỉ trích, hạ nhục, đố kỵ một người không phải trong tổ chức mình để làm gì?

Văn thư do Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo VN vừa ra, đã hứng chịu nhiều phản ứng từ nội bộ đến xã hội do thiếu tinh tế.Đã thế, chưa lắng dịu, lại thêm việc khiển trách buộc sư Minh Đạo phải sám hối trước BTS Thị xã Phú Mỹ, lên Tỉnh hội Bà Rịa Vũng Tàu, chưa đủ, phải lên Trung ương Giáo hội văn phòng 2 Thiền viện Quảng Đức chỉ vì sư Minh Đạo có ý tán thán, đồng thuận việc chân tu khổ hạnh của thầy Minh Tuệ.Quỳ và lạy của sư Minh Đạo nhận một lỗi vì tán thán bậc đạo đức không thuộc hệ thống Giáo hội, phải chăng là có tội?Sư xin rút lui mọi chức vụ trong tổ chức đã dấy lên sự quý kính sư và phỉ báng Giáo hội.Hình ảnh này  đã bất lợi cho các sư nắm quyền sinh sát.Các sư ngồi chứng minh cho sư Minh Đạo quỳ lạy sám hối liệu giới đức có xứng cho sự lễ lạy đó?

Việc tán thán, khen ngợi là quyền bất cứ ai dành cho bất cứ đối tượng, tổ chức tốt đẹp nào.Hiến chương Phật giáo, nội quy Tăng sự, giáo luật nhà Phật, Hiến định nhà nước không hề cấm cản. Một tu sỹ ngoài phạm tội “Tứ Ba La Di” đều có thể sám hối những phạm giới khác, nhưng việc tán tán một công hạnh khó làm không phải là tội theo luật.Nếu bảo sư Minh Đạo vi phạm tổ chức (nếu có quy định) thì hành chánh không có buộc quỳ sám hối như Tôn giáo.Hình ảnh sư Minh Đạo quỳ sám hối đã làm xúc động xã hội, từ đó có những phản ứng, phê phán gay gắt.Phải chi, sư Minh Đạo được mời lên tâm sự khuyên nhủ không nên làm như thế, không đúng với chủ trương của GH thì đâu có tiếp thêm dầu vào lửa!

Tinh thần từ bi được thấm nhuần, dù lãnh vực hành chánh hay Tôn giáo, Tăng sai phạm nếu không quá đáng, tình huynh đệ đồng môn đâu phải xử lý như thế.”thảo phủ địa”là hình ảnh đạo đức bề trên đối với kẻ dưới, lòng vị tha dễ cảm hóa mọi đối tượng; vị tha là đức từ bi có sẵn trong mạch sống của đạo Phật, sao không áp dụng mà đem quyền lực hành chánh áp dụng cho đối tượng không đáng tội thì chả trách xã hội phẩn nộ. Mình làm ngơ tai điếc, miễn thể hiện quyền lực kẻ trên được sao! người bị xử như thế liệu có tâm phục khẩu phục???

Làm hành chánh và nắm quyền hành chánh lẫn lộn hành xử Tôn giáo là việc tai hại thấy rõ.Làm hành chánh nếu áp dụng đạo đức Tôn giáo thì mọi việc được ân nghĩa.Do tâm lý quyền lực trong tay mà các sư thiếu chuẩn mực đạo đức trở thành thẩm phán thế tục. Nặng về hành chánh quá, dễ bị oan sai.Phật giáo không phải là một tổ chức hành chánh. Thời Phật tại thế, Giáo hội mang tính giáo đoàn hỗ trợ cùng nhau tu tập.Xã hội ngày nay Giáo hội mang tính tổ chức hành chánh, do vậy các sư lẫn lộn giữa hành chánh và Tôn giáo khi hành xử; muốn tránh khỏi nhuốm màu thế tục, đòi hỏi người làm hành chánh Tôn giáo phải tu tập thật sự và áp dụng đạo đức nhà Phật vào công việc để thấu tình đạt lý, không tạo bất mãn cho Tăng ni.Một vài địa phương do sự lạm quyền trong hệ thống PGVN, làm việc theo tư ý, thiếu đạo đức, đã gây đau khổ, khốn đốn cho Tăng ni cô thế không ít.

Thật tréo nghoe khi mà người mang tiếng giảng sư sai lệch giáo lý về nhân quả,sửa một trong 5 giới quan trọng và cơ bản của Phật giáo. Muốn triệt hạ kinh tế xã hội bằng việc nói lên tác hại của cà phê và trồng cà phê, chống karaoke, đi du lịch…tinh thần nô dịch Tàu kết tội Lý Thường Kiệt đánh Tàu là hổn,vì coi Tàu là anh, VN là em.Còn nhiều điều không đúng với Phật giáo thì không thấy có một xử lý thích đáng nào, đó là thắc mắc rất nhiều trong xã hội nếu so với việc xử lý sư Minh Đạo.Giáo hội hãy xem lại những việc làm đã gây tai tiếng trong quần chúng.

Ai đã từng theo dõi mạng xã hội đủ biết dân chúng ngày nay nhìn PGVN với ánh mắt thế nào! Từ Chân Quang, Nhuận Đức và nhiều xàm Tăng vô danh đã làm họ  ngao ngán,rất may người mà “mâm nào” cũng có, việc gì cũng xen vào, nay im hơi lặng tiếng đã bớt một sự phẩn nộ của quần chúng, họ đâu biết rằng những thành phần đó chỉ là hạt các trong sa mạc vô số bậc chân tu ẩn danh, cũng không ít Tăng ni dù không ẩn tu, vẫn sinh hoạt bình thường trong các chùa, các tu viện như hệ thống Trúc Lâm, hệ thống Làng Mai, hệ thống Đạo Phật Khất sỹ Việt Nam…luôn giữ được mạch pháp và truyền thống oai nghi, đáng ra mạng xã hội nên đề cao để định hướng niềm tin cho người dân, thánh thiện hóa xã hội còn hơn để những con nhang mê muội chỉ biết vỗ tay khi xàm Tăng làm trò cười mà không học được gì chánh pháp.Nhà chùa là nơi truyền bá đạo đức hướng về mạch sống tâm linh chứ không phải chỗ làm hề giải trí hay đảo nghich lý nhân quả của Phật giáo.

Trên 2.000 năm đạo Phật có mặt, lúc thạnh lúc suy, thạnh về mặt tu tập chứng đắc và phổ biến rộng đạo lý trong nhân gian, suy là không còn có mặt rộng rãi như thời Lý-Trần đóng góp an bình cho đất nước. Ngày nay thạnh về mặt cơ sở vật chất, đầy đủ phương tiện phát triển, kể cả tu sỹ hàng chục ngàn Tăng tướng, nhưng rất tiếc thiếu phẩm chất cần thiết cho nội lực thăng hoa.Quy luật tương phản cái này thạnh thì cái kia phải suy, vật chất ngoại tướng thạnh thì nội chất tâm linh phải cạn.

Phải chăng hiện tượng xáo trộn hiện nay của Phật giáo Việt Nam báo hiệu một điềm không sáng sủa, và càng lo hơn nếu các chân sư chứng đắc không còn hiện diện.Nói là vậy, “cùng tất biến, biến tất thông”.Mong rằng cán bộ hành chánh trong Phật giáo nên cân nhắc khi ra văn bản, khi xử lý một việc để tránh “thù ngoài, giặc trong” cho tín đồ giữ được niềm tin, Tăng ni bình tâm tu học.

Thật đau lòng khi nói lên sự thật “từng bước sai lầm”

 

MINH MẪN

 29/5/2024

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

HIỂU NHAU

 

Gấn một tháng nay, hiện tượng thầy Minh Tuệ gây xôn xao trên mạng xã hội, trong và ngoài nước; tức một hiện tượng cá nhân trong một góc nhỏ của một đất nước nhỏ so với thế giới, đã vượt qua biên giới quốc gia, một số người nước ngoài kể cả chủng tộc khác cũng đã quan tâm, muốn về Việt Nam để tận mắt xem thầy Minh Tuệ thế nào. Ngoài ra dư luận trái chiều bất nhất không cùng một điểm chung, đó là lý do gây xôn xao chống đối của một số bình luận viên.

Phật giáo là một Tôn giáo thế giới, tồn tại hàng ngàn năm và đã được nhân loại chấp nhận, do giáo lý vượt trên mọi cảm quan thế tục.Chuyện lục đục trong giới tu sỹ, đã có từ thời Phật còn tại thế. Không một Tôn giáo nào tránh khỏi tai tiếng vì một vài thành phần thiếu nghiêm túc. Phật giáo Ấn Độ ngoài  lý do bị Hồi giáo triệt tiêu, Bà La Môn áp đảo, còn một yếu tố khác đã không tồn tại trong lòng quần chúng, đó là nhân cách tu sỹ. Tổng quan chỉ là việc thạnh suy tất yếu. Một Tôn giáo suy nơi này sẽ thạnh nơi khác,lúc này thạnh, lúc khác suy, lịch sử thế giới đã minh chứng.

Du nhập vào Việt Nam hơn 2.000, cũng từng có thời kỳ cực thịnh, đóng góp hữu ích cho đất nước và an lành cho xã hội, Phật giáo từng sản sanh những bậc anh minh, những đạo sư nổi danh, những bậc chứng đắc còn lưu dấu, đó là điều đáng nói; chả lẽ những trang sử vàng son đó không đủ làm phai mờ một vài nét hoen ố do vài cá nhân thiếu nhân phẩm?

Trong Tôn giáo, nhất là đạo Phật, vô lượng pháp môn tu, Phật pháp là bất định pháp, mang tính uyển chuyển nên sắc vẻ muôn màu. Không nên đem nguyên tắc của pháp môn này đánh giá pháp môn khác, pháp hành này chỉ trích pháp hành khác. Mỗi hành giả có một công hạnh khác nhau, tiêu chuẩn chung là giới luật nếu là hành giả tu theo Phật giáo.

Chuyện các sư ở chùa, xây dựng cơ sở vật chất, điều hành tổ chức, sinh hoạt xã hội là chuyện đương nhiên trong thời buổi hiện tại. Đâu thể lấy hình ảnh thầy Minh Tuệ để đối chiếu và áp đặt làm tiêu chuẩn, cũng không thể lấy sinh hoạt của một Tôn giáo để bài trừ công hạnh của một cá nhân như thầy Minh Tuệ , vì thầy xác nhận mình chỉ là công dân tập tu đang thực hành lời Phật dạy, không thuộc tổ chức của GHPGVN, tức là không liên hệ gì đến GHPGVN; Một số thầy đứng trên lập trường và tiêu chuẩn trong tổ chức Phật giáo phê phán , không nên có.Khi phát biểu trên mạng xã hội, không nên ra ngoài phạm vi để đụng chạm Tôn giáo khác.

Cần dè dặt khi phát ngôn. Ông Hoàng Duy Hùng phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn, nhà ngoại giao, đề cập đến ông Thích Chân Quang, là cao Tăng trong Phật giáo Việt Nam xin đính chính, ông ấy nếu có chỉ là danh Tăng (người nổi tiếng thuyết giảng không đúng chánh pháp) đã bị Ban Hoằng pháp khiển trách.

Trên mạng xã hội, một vài youtuber, tiktoker…không hiểu nhiều về giáo lý và công hạnh của tu sỹ Phật giáo nên đã đi quá xa làm đụng chạm đến tổ chức Phật giáo khi so sánh đề cao thầy Minh Tuệ; các bạn có thể đề cao công hạnh của thầy Minh Tuệ mà không nên lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá chung.Một số tu sỹ tai tiếng không đại diện cho toàn bộ Tăng ni PGVN, chưa nói những tai tiếng do hiện tượng không đúng với thực chất để đánh giá.

Thầy Minh Tuệ không phải mới xuất hiện mà đã 6 năm. Việt Nam cũng từng xuất hiện nhiều thầy tam bộ nhất bái, đi từ Nam ra Bắc, cũng từng có nhiều vị chân tu khổ hạnh, đâu có gì lạ, do mạng xã hội thổi bùng, chúng ta lên tiếng vô tình làm ngọn lửa tràn lan. Cứ mặc nhiên im lặng đâu có đợt sóng Thần như ngày nay.

Tóm lại, đứng ở góc độ này để phê phán một góc độ khác chưa hẳn đúng. Hiện tượng chỉ là hiện tượng trong một giai đoạn, thực chất mới là giá trị lâu dài.Cả phía mạng xã hội, một số đánh giá, so sánh chưa đúng về thầy Minh Tuệ và tu sỹ PGVN, cũng vậy, một vài tu sỹ bốc đồng tự ái khi mạng xã hội đề cao quá mức thầy Minh Tuệ, vội lấy tiêu chuẩn giáo luật để chỉ trích phê phán một hành giả đã nhận là người không phải tu sỹ, không đứng cùng giới tuyến, hà cớ chỉ trích!

Riêng văn bản của Hội Đồng Trị sự GHPGVN cũng đã gây phản ứng không chỉ mạng xã hội, ngay cả ông Nguyễn Thanh Sơn nhà ngoại giao là một Phật tử trí thức cũng lấy làm tiếc những lời lẽ trong đó.Phải chi có một cố vấn pháp lý và giáo luật thì tránh những sai sót không đáng có. Thực ra Giáo hội có thiện chí trong vấn đề này, nhưng lời lẽ thiếu tế nhị.Ban ngành, tổ chức nào cũng cần có cố vấn, ngay cả Tổng thống, Thủ tướng, vì người đứng đầu ngành không phải là toàn năng.

Hy vọng Giáo hội chỉnh đốn những tu sỹ phát ngôn thiếu chuẩn mực, gây tai tiếng không đáng có, nội tình hướng đến tu tập nhiều hơn. Mạng xã hội cũng không nên lấn sân sang tổ chức GHPGVN nói chung và Tăng ni nói riêng. Xã hội Việt Nam là một vườn hoa nhiều sắc màu, không thể thuần nhất như ý muốn, cuộc sống cũng thế, không ai đòi hỏi tất cả mọi hiện tượng  phải theo ý mình.

Một vị nhận xét, quần chúng là nước, PGVN là con thuyền vượt sóng, nếu không chuẩn mực thì thuyền chìm xuống đại dương mà Ấn Độ là một điển hình.

Do không hiểu nhau nên không thông cảm cho nhau; Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh từng nói có "Hiểu mới có Thương", thì làm gì có tranh chấp lẫn nhau!

 

MINH MẪN

27/5/24