Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

CẦN MỘT TRÁI TIM






Trên vạn nẽo đường, ngược xuôi chân nối chân, xe nối xe, cứ như cõi trần chỉ có thế, bận rộn kiếp người làm trôi tuột những thực tế để kẻ vô tâm quên đị nhiều thực tại đau thương đang ẩn mình đâu đó, trong xó xỉnh đời người; ít nữa được che đậy một mỹ từ để tình đời được an lòng theo cách trốn chạy đau thương!

Hình như trên đất nước này, nhất là phía Nam, các “mái ấm” các nhà “tình thương”, nhà “cô nhi”, trại “dưỡng lão”…Tỉnh thành, quận huyện nào cũng có, nhưng cái có đó, không mang danh hiệu chính thức nào, có lẽ tâm tự phát hơn là hô hào khẩu hiệu, rất ít nơi làm được.

Nhà “dưỡng lão” do gia đình cô Hồng, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, cưu mang trên 80 cụ ông cụ bà không nơi nương tựa;

 Hốc Môn, tại xã Thới Tứ, một vị tu tại gia nuôi dưỡng gần trăm cô nhi tại nhiều cớ sở, cưu mang cụ bà, thai phụ khôn chốn dung thân ; tổ chức nhiều quán chay bình dân giúp giới lao động nghèo.

 Chùa Từ Giác đường 106, xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi, một Ni trụ trì trông rất trẻ, nhỏ con nhưng trái tim không hề nhỏ, cô Lệ Thanh, từ ngày tiếp nhận ngôi chùa, đã xây dựng phục hoạt nhiều công trình bề thế nơi vùng quê không mấy sung túc. Diện mạo ngôi chùa xác định khả năng và tầm vóc của một Ni trưởng điều hành ni chúng 21 vị,36 cháu  nhỏ từ 2 tháng tuổi đến em gái đang học lớp 12. Chi phí cho hai cô bảo mẫu. Ngoài ra, tiệm cơm chay của chùa tại chợ Hốc Môn phụ trợ tiền điện sinh hoạt trong chùa.Hàng tháng phát 800 phần cơm từ thiện  cho bệnh viện Củ Chi.Mùa dịch còn tổ chức hội chợ “O” đồng cho bà con địa phương, gửi đến khu cách ly nhiều nhu yếu phẩm. Tương lai dự định thành lập “mái ấm” cho các cụ cơ nhỡ.Với những việc tưởng chừng ngoài tầm tay của một người (mà mùa bão phải cột thêm cục sắt bên người) biết đâu trong trái tim kia còn phát khởi những việc làm nhẹ gánh đau thương cho xã hội. Nhìn tướng khó mà đoán được tâm đối với những người có trái tim rộng mở!

Những cơ sở từ thiện vừa nêu, không kêu gọi, không phô trương, không nhân danh bất cứ khẩu hiệu nào mà quy luật khắc khe khi thành lập một cơ sở từ thiện nuôi dưỡng cần phải có. Phần nhiều con trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện, mất cha mẹ, cha mẹ quá nghèo không thể nuôi…và rất nhiều gia cảnh thường ngày không thiếu trong xã hội hiện nay. Họ nuôi như nuôi người thân, như nuôi con cháu; họ tự lo trang trãi mọi chi phí theo khả năng. Mạnh thường quân biết, tự nguyện hỗ trợ. Việc làm thầm lặng trong giới Phật giáo hiện nay tại Việt Nam đâu thua gì mẹ teresa ở Calcutta Ấn Độ.

Hạnh nguyện nhập thế cứu độ quần sanh dưới nhiều hình thức, cho dù hình thức nào cũng phải cần một trái tim nhân hậu, vô vị lợi. Những cháu trẻ xuất thân từ mái chùa, chắc chắn là mầm non thánh thiện để góp tay vào đời những nhân cách tốt cho cuộc sống.

Người có tâm hồn, không thể bỏ qua những trái tim rộng mở như thế. Một bàn tay tiếp nối bàn tay sẽ bao bọc tinh cầu bằng hơi ấm tình người. Đời người tuy ngắn ngủi nhưng lòng từ bi luôn vô hạn nếu chúng ta biết tiếp nối ánh sáng tình thương để có một “trái tim biết thương yêu”

ĐT ni trưởng chùa Từ Giác   077 886 9930

MINH MẪN

26/5/2022





















Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

LƯU TÍCH THỜI GIAN.


Vesak đã qua suốt tuần lễ con Phật hồ hởi. Sau thời gian dài do dịch bênh và kinh tế không mấy thoải mái, mùa Véak mà PGVN thường gọi là Đản sanh (một trong Tam hợp), khắp ba miền, tùy khả năng, một số nơi đã làm sáng niềm tin cho một số người chưa hề nghe đến hai chữ”Đức Phật” nơi vùng cao, và người dân phía Bắc chưa từng được diện kiến ngày lễ trọng đại nơi vùng không xa Hà Nội mấy .

Huế, Buôn ma Thuột, Sài Gòn, một số địa phương rực rỡ xe hoa, cờ đèn lung linh dưới ánh quang minh của vũ trụ.Các quốc gia Phật giáo như Thái Lan cũng xem Vesak là lễ hội toàn dân.

Một năm chỉ có một lần để người con Phật thể hiện lòng thành tri ân đấng cha lành của muôn loài. Với tinh thần nhà Phật, tướng là giả, nhưng không lấy giả để hiển chân thì lòng tri ân nương đâu để biết. Khổ đau nghiệp quả dưới cái quán thông của bậc giác ngộ thì chúng là không thật, nhưng không nhờ giả lấy gì để mong cầu tiến đến giải thoát. Tự thân cá nhân có thể không cần tướng để phô trương, nhưng cộng đồng xã hội mọi sự không phô trương tướng thì cuộc sống sẽ chìm lặng như thuở hồng hoang. Tùy mỗi thời đai mỗi lãnh vực mà dụng tướng. Chuyên tu nặng tướng là một trở ngại, sinh hoạt cộng đồng mà không dụng tướng là tự mình bị đào thải. Cá nhân tự tu, không tướng cũng được, trách nhiệm hướng dẫn quần chúng, cương vị trụ trì mà không phô trương ngày kỷ niệm là thiếu trách nhiệm với cộng đồng Phật giáo.

Trên cao nguyên, một vài vùng sắc tộc đã biết quy y, biết quỳ lễ tụng niệm,biết treo cờ và biết tắm Phật, làm bàn thờ tại nhà.Ở Hải Dương, một vùng ven đô, các cụ bà tự tay thiết lập lễ đài, tổ chức tăm Phật, mọi người mặt tươi như hoa; lần đầu trong đời mới biết Đản sanh là gì, biết tắm Phật là sao, từng giọt lệ tràn theo dòng nước thơm tẩm tưới trên báo thân Bồ Tát sơ sinh.

Không khí vui nhộn khắp ba miền, cũng có những nơi thầm lặng chìm đắm trong vô tư, không một lá cờ, thế mới biết lúc khai lý lịch thảo nào không Tôn giáo. Tư nhân như thế cũng có thể hiểu, chùa là nơi để tín đồ nương tựa, không được hướng dẫn học hỏi giáo lý, chỉ biết cầu an cầu siêu thì đón mừng đại lễ cũng được xem như buổi “tiến linh” không công. Giáo hội không khuyến khích thì những vị thụ động cũng chả hứng thú, làm chiếu lệ. Chùa Thanh Quang ngay Hà Nội, tấm băng rôn cũng không làm cho đúng đắn. Phật lịch ghi là Phật lệnh, 2565. Dương lịch ghi là Dướng lịch 2021. Nếu tận dụng đồ cũ , ít ra cũng phải chỉnh sửa ngày tháng, chữ nghĩa cho nghiêm túc. Làm cẩu thả là xem thường Phật giáo, xem thường quần chúng, bôi bác xã hội.

Tuy là hạt cát nhưng là hạt cát trong khoé mắt quần chúng. Phật giáo đau lòng chăng có những tu sĩ trụ trì tắc trách đến thế sao!

Dẫu sao, mùa Vesak năm nay vẫn sặc sỡ sắc màu làm tươi tinh tinh thần Phật giáo trong một bộ phận quần chúng mết mỏi vì cuộc sống.Hy vọng, những năm sau, Giáo hội quan tâm, khích lệ các chùa và Phật tử nên trang trọng đón mừng biểu tượng đấng Thế tôn ra đời.

MINH MẪN

19/5/2022 - P.L 2566









Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

PHẬT VỀ XA CHỐN PHỒN HOA

 Sau 2 năm dịch bệnh, xã hội trầm lắng theo cơn âu lo đe dọa sức khỏe và sinh mệnh, kinh tế cũng nổi trôi theo sinh hoạt chưa bình thường, thế nhưng, dịch bệnh vừa có dấu hiêu thuyên giảm, mùa Đản sinh lại về, thế là các nơi như được hồi phục niềm tin,một số tư gia hăng say thiết lập lễ đài một cách tự nguyện.

Hàng năm, tại Cu M’gar tỉnh Daklak, thị trấn Quảng Phú, tuy dân số chưa đến 27 ngàn người, cách Thành phố Buôn Ma Thuộc 15km, nhưng đời sống an bình, khí hậu mát mẽ; đức tin về Phật giáo khá phổ biến do dân cư từ miền Trung du nhập. Một số gia đình thiết lập lễ đài tư gia mỗi khi mùa Đản sinh có mặt. Quần chúng từ trẻ em đến người lớn đến tắm Phật. Điều đáng nói là đồng bào sắc tộc cũng tin Phật, treo cờ, tham dự lễ, do Phật tử phát động, hỗ trợ lẫn nhau.

Trong 64 Tỉnh thành, chưa rõ có nơi nào được tư gia phấn chấn như thế chăng! Năm nay, tại Hải Dương, huyện Bình Giang, xã Thái Dương, thôn Kinh Dương lần đầu tiên nhóm Phật tử cùng đồng lòng tổ chức tại gia đình Phật tử Đổ thị Thiêm, Pháp danh Chơn Phúc Tâm, một lễ đài khá trang trọng. Được sự hỗ trợ và hướng dẫn của một Phật tử ở phía Nam Tượng sơ sanh từ Gò Vấp, Sài Gòn chuyển ra, Các chị các cụ hân hoan tạo cho quần chúng địa phương biết thế nào là lễ tắm Phật trong mùa Đản sinh,Chuyện lạ, các đấng mày râu vắng bóng để  mọi khâu thiết kế, trang trí, trưng bày đều toàn phụ nữ U 60. Các chị trèo cao giăng cờ đèn. Sau lễ tắm Phật, còn đãi ăn, quà cáp mang về trong mùa hoan hỷ hiếm thấy tại vùng quê phía Bắc. Một vài cụ bà cảm động nhỏ lệ lần đầu tiên trong đời biết thế nào là lễ Đản sanh tắm Phật chưa được Tăng ni hướng dẫn giải thích. Miền Bắc là cái nôi phát xuất và phát triển Phật giáo suốt nhiều thế kỷ, thế nhưng sau thời chinh chiến phân ranh Nam Bắc, Phật giáo chỉ còn vài ngôi chùa cổ biểu tượng minh chứng sự có mặt với thời gian; Tinh thần Phật giáo đã mờ nhạt theo nếp sống khốn khó một thời;sau khi hai miền thống nhất, Phật giáo tuy hồi phục nhưng vẫn chưa đi sâu vào lòng xã hội. Đức tin mơ hồ đồng nghĩa với Tứ phủ và tín ngưỡng nhân gian. Chư Tăng vẫn chưa phát huy hết giáo lý vào quần chúng, cứ mãi duy trì cúng bái cầu siêu cầu an, bói quẻ, cúng sao giải hạn…Nhiều chục năm qua, Tăng ni trẻ được đào tạo từ Học viện, vẫn chưa đủ nhân sự đảm trách các chùa, vì thế một vị phải trụ trì nhiều chùa để duy trì nghi thức Tôn giao hơn là hướng dẫn quần chúng tu tập, hiểu mục đích của Đức Phật ra đời để làm gì.  Tâm đạo và đức tin của quần chúng vẫn bàn bạc lững lờ như mây khói không gian. Chỉ cần một tác nhân hội tụ để làm sáng niềm tin thì chánh pháp  ắt được vững bền.

Trong Nam,một vài nơi cũng có chùa phát động treo cờ, giăng đèn.Tại chùa Viên Giác  đường Bùi thị Xuân, quận Tân Bình, cờ chạy dọc kênh Nhiêu Lộc. Tòa sen lớn bềnh bồng giữa dòng kênh xanh. Chiều mồng tám tháng Tư, chư Tăng và Phật tử đồng phục áo màu vàng tươi, tay cầm sô cá đi phóng sinh dọc bờ kênh.

Mồng 8 tháng Tư là lễ Đản sanh truyền thống, rằm là lễ thống nhất toàn quốc và thế giới. Từ mồng 8 đến rắm là thời gian các chùa thay nhau tổ chức để tránh trùng lặp. Do là lễ truyền thống nên các chùa tự động thiết lễ. Các tư gia, nếu được Giáo hội khuyến khích và chư Tăng hỗ trợ thì mỗi nhà cũng sẽ có lễ đài tư gia như các tư gia có hang đá mỗi khi Noel đến.

2566 -2022, Phật giáo toàn quốc liệu có khởi sắc nhân mùa Đản sanh như một truyền thống, để tín đồ Phật giáo có động cơ phát khởi đức tin mà bao năm qua  bị nhấn chìm bởi dịch bệnh, hay để rồi tinh thần Phật giáo cũng sẽ bềnh bồng  với kinh tế thời vụ!

Hiện nay mọi hoạt động của Phật giáo chỉ gói gọn trong tổ chức hành chánh do chư Tăng điều hành mà bỏ quên một lực lượng nồng cốt bảo về Phật giáo từ giới cư sĩ. Quần chúng tín đồ được khuyến khích phát triển có tổ chức, Phật giáo sẽ là một sức sống không kém sau 1964. Hy vọng Đại hội cuối năm, Giáo hội sẽ quan tâm lực lượng quần chúng trong đời sống và nhất là các mùa lễ lớn, song song với củng cố tổ chức hành chánh trong Giáo hội hiện nay.

 

MINH  MÂN                                                                                                              09/5/2022 . PL 2566