Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

HỒI NIỆM ÚT BẠCH LAN

Ai vừa nghe tên, liền nhớ đến nghệ sĩ xuất thân từ vùng đất Long An, Đức Hòa, một thời trứ danh miền Nam, khởi nghiệp cùng nghệ sĩ đàn ca Văn Vĩ.

Riêng người hồi niệm, chỉ nhớ một Út Bạch Lan của riêng mình, vì Bạch Lan này không phải người của công chúng.

Chả biết sống chung từ thuở nào, có lẽ trên dưới ba mươi năm;cái ngày cầm mãnh giấy ra trại không biết quy kết tội gì suốt mười năm giam thân trên rừng trong rẫy, thuở ấy, lấy cái ngày đám giỗ bà già vợ làm lễ ra mắt chui, vì quá nghèo, không tổ chức đình đám, không mời mọc bạn bè, bà con. Cha mẹ đến dự với cặp nước xá xị trên danh nghĩa đi đám giỗ.

Cuộc đời cái gì cũng đơn giản như đang giởn;tù không tội cũng đơn giản; xuất thân từ nhà Đạo mà nhà chùa vẫn không dám chứa, thường xuyên chùa bị truy xét hàng đêm, ngày cho ăn, đêm phải ngủ gầm cầu; con đường an thân đơn giản chỉ còn bóng che từ ngôi nhà cổ xưa mà người con gái không cha không mẹ, hẫm hiu với lon cơm của  nữ công nhân thuở ấy.

Gần hết đời người, mãnh giấy xác nhận quyền công dân lận lưng cũng không có; thế nhưng vẫn nhởn nha với thế cuộc thăng trầm, như bong bóng chập chờn giữa tầng không. Tu sĩ trẻ ngày nào đã biết cầm cuốc sản xuất trong trại giam, biết bơm gaz quẹt vỉa hè, biết bon ba để nuôi hai cái miệng. Cô công nhân năm xưa biến thành người nội trợ, chàng tu sĩ như mơ trở thành dân sống ngoài chợ đời; Khi tạm ấm cái thân, no cái bụng, xoay qua hí hoáy con chữ mua vui lòng người.

Sớm đi tối về như hai chiếc bóng thầm lặng, chả ai quan tâm ai, nhưng nào được bể yên sóng lặng khi nghiệp quả cứ đùa cợt với kẻ từng mang nợ áo cơm của bá gia thuở xưa. Hiền nội ngã bệnh nhiều lần, đặc biệt là lúc nào cũng có mặt nên kịp lo cho nàng.Sau một đêm tháng năm âm lịch Canh Tý, bị bán thân, một mình không lo xuể, sau 10 ngày, đành đưa nàng về trại dưỡng lão từ thiện của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở Cát Lái. 5 tháng sau xa nhà, xa người thân, nằm đơn độc giữa chốn xa lạ, nàng ra đi, trước đó hai tháng, ai đó đến nhìn mặt nói: cô sắp hết nghiệp rồi, nàng khoe khi qua thăm viếng.Thoáng đã giáp năm hiền nội. Có chồng con, có mái ấm, khi bỏ thân lại là chốn đồng ruộng hoang vu. Đệ tử Phật giáo Khất Sĩ lại được đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo chăm sóc, mai táng làm tuần, trợ niệm. Khó mà đoán tương lai khi nghiệp  quả quyết định.Trong căn nhà còn lại, ba người ba nơi, kẻ âm người dương,trống trãi hiu quạnh.Thỉnh thoảng linh cảm như bóng hình người xưa còn lẫn khuất đâu đây!

Con trai phương xa luôn nhắc mẹ, thường đến chùa cầu cho mẹ về chốn an lành.Không ngờ ngày ra đi 8 năm là ngày xa mẹ cuối cùng vĩnh viễn;  cuộc sống xứ người còn chật vật, cũng tằn tiện gửi  tiền về lo đám cho mẹ đồng thời tạ ơn ân nhân đồng đạo, những đồng đạo rất nghèo, sống bằng lao động phổ thông, nhưng lòng từ thiện nào đâu sánh được.

                                                           ***

Nghĩ lại,người còn sống cạnh thì chả bao giờ quan tâm, khi mất rồi, từng câu nói, từng sự việc cứ tái hiện trong đầu. Giận hờn trách móc trở thành vô nghĩa khi lòng ăn năn nghĩ đến cái bệnh hoạn, cái đớn đau của người thân..Những lúc qua thăm nàng nhìn rớm lệ, muốn dược nhìn mặt bà con nhưng có ai nghĩ đến tình cảm người sắp lìa đời. Nơi vùng đất xa lạ, chắc nàng nghĩ ngợi và nhớ nhà nhiều lắm, ngôi nhà ông bà cha mẹ nơi sinh ra nàng, biết bao kỷ niệm mà giờ phải chịu cảnh lìa xa.

Cái gì mất thì khó mà có lại, nhất là tình cảm bạn bè, thân nhân, hãy thứ lỗi cho nhau,đừng nặng lời cho thỏa mãn tự ái để người thân phải đau lòng.Ngày nay trong gia đình, bạn bè  thường xảy ra bất hòa đưa đến tan thương đổ vỡ,nước đổ rồi khó mà hốt đầy lại.Có mất rồi mới thấy trân quý, hãy giành cho nhau tấm lòng ấm áp yêu thương;kỷ niệm đẹp là chất liệu sống của cuộc đời ngắn ngủi. Đừng để hối hận khi đã xa tầm tay. Đây là bài học đáng giá ngẫm lại thoáng đã giáp năm thật đơn giản như đang giởn!.

Kỷ niệm giáp năm ngày em ra đi

 

MINH MẪN                                                                                                               15/11/2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét