Đọc tập thơ “Cơn mê chiều” của Lê Sa Đà, liên tưởng đền
hình ảnh lúc còn trẻ, bầy con nít, chiều ra sân đình đầu làng , túm sợi rễ cây
đa lòng thòng, đánh đu, chân vẫn quệt xuống mặt đất, rồi thả tay rơi xuống ụ đất
bên kia, chúng cười khóai chí.
Người ta thường bảo – già lại hóa trẻ, Lão Sa Đà họ Lê
cũng thích nghịch như thế sao???
Đọc tập “nhong nhong” của tác giả, thấy như người đang
bấu tay từ tầng không để nắm được diệu lý “tánh không”. Cứ như trẻ trâu long
nhong trần trụi trên ruộng đồng bát ngát, bất kể chung quanh mặc ai ngắm nhìn
ngộ nghỉnh.Siêu thực đến độ liu xiêu của kẻ say đắm vào cõi hư vô, cứ như quả
bóng bay chực chờ đứt dây vút vào tầng không vô định, nhưng, khi giáp mặt với tập
“cơn mê chiều”, cứ như ướt sũng “cơn mưa chiều” sau giờ tan lớp.
Lão xít đu trên ngôn ngữ, tay vẫn níu tính lý vô ngã, chân vẫn cọ quẹt vẽ lên ảo ảnh hồng trần những
lo toan, những ước vọng, những tiếc nuối của một kiếp sanh bất phùng thời.
Cái mất nết đa tình, đa tình đáng yêu của nhà thơ:- một
mái tóc – một nụ cười – một dáng đứng – một điệu ngồi (điều ta muốn)- và- em hiện
đến một sáng nào – thoáng chốc; tạo “men đời” cho bến mộng xôn xao (men đời).
Nhiều, rất nhiều mối tình tự thán của một chàng thi sĩ về chiều, để cuối cùng ấm
ức danh cũng không mà phận cũng không, bèn: -Ta muốn vào địa ngục – sao ngươi lại
không cho ?- sống đây chừ ấm ức – đến bao giờ thăng hoa!
Trên 70, muốn trút tất cả sự đời để nhảy vào cõi dịu lý
: “trăm kiếp rồi ra cũng sát na” (rồi ra), nhưng nào dễ khi đong đưa giữa sợi
phù vân, chân còn quệt lòng vòng mặt đất; vẫn còn vấn vươn: -“Em phố Hội chừ dáng
gầy màu nhớ - Nợ và duyên, ai biết đến khôn cùng.”Cho dù trăm lần yêu, vạn lần
thương, dù thương yêu cũng không qua: “nơi đây là đất Phật -Nào ai dám…ai…ai.” Nói
để mà nói, mượn chữ nghĩa để lộ:”Em đó ư -mộng tàn dư -bảy mươi năm thiếu ta chừ
còn mê” (mộng). Thật ra đừng ai bao giờ
tin những gã thi sĩ, nói một đàng, làm một ngả. Nòi thế mà không phải thế, “y
kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan”. Tự nhận mình còn mê tức là chả phải mê, Suốt
60 bài thơ như gom lá rụng để đu dây cổ thụ, muốn lên cao cũng cố quệt vài đường
cho tung bụi mờ đánh lừa nhân thế, bởi tự thú : “ Ta không uống rượu, mà
sao!-Ta lại ngật ngà say…”(tiếng gọi cô hồn). Đấy cho đọc giả thấy cái vờ vịt của
nhà thơ, nói thế mà không phải thế, nhưng cái không phải thế cũng phải thế, khi
tỉnh ngộ giữa đắm đuối biết thốt lên: ‘không
muốn em thành tinh – ta nguyện làm ngạ quỉ. Đôi tình – duyên trần gian. –“”Bô
tát” ơi – vương lụy”. Tính giác vẫn luôn gặm nhấm trong tiềm thức của lão
thi sĩ thích đu dây, Tĩnh vẫn tĩnh, mê cứ say cho dù chưa biết sẽ rơi bên nào
hai bờ sinh tử, chỉ cần :”thức tĩnh cho ta, từng hơi thở Chánh niệm.
– Nhất là trong giờ Lâm chung” (điều ta muốn). Đấy, cho thấy cái giả tâm
đùa nghịch ngôn ngữ chỉ để đánh lừa trẻ trâu trong cõi hồng trần, sau lớp bụi vô
minh, vẫn lồ lộ hư hư thực thực kín kẽ cái hướng nội chờ đợi thăng hoa; Sa đà
chỉ có thế thôi sao???
MINH MẪN
21/12/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét