Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

MÙA THI ĐẠI HỌC


Từ cuối tháng sáu, các sĩ tử đã chuẩn bị khăn gói đổ về TP HCM tham dự thi vào Đại học hoặc Cao đẳng. Cũng như năm trước, một số thí sinh các tỉnh đăng ký với Báo Giác Ngộ, thầy An Đạt năng nổ sắp xếp khâu đón và đưa rất tận tình !

450 Tình nguyện viên đến từ Đà Lạt, Cần Thơ, Sài Gòn hưởng ứng phong trào Tiếp sức mùa thi do báo Giác Ngộ cổ súy. Riêng Sài gòn đã có 250 em sinh viên. Các em được tòa soạn trang bị cho chiếc áo thun màu xanh, in chữ Tiếp sức mùa thi có tên báo Giác Ngộ. Sáng sớm các Tình nguyện viên đã có mặt tại tòa soạn. Cơm và nước cũng chuẩn bị để các em ra quân. Hai bến xe chính để đón các thí sinh là Xa Cảng miền Tây và xa cảng miền Đông. Trong công tác đưa đón các thí sinh, bên Thành Đoàn TP HCM cũng tham dự. Nhưng Thành Đoàn độc quyền tại hai bến xe, không cho Tình nguyện viên báo Giác Ngộ đón đưa các em thí sinh. Trung Tâm hỗ trợ sinh viên TP HCM thuộc Thành đoàn Hội Sinh viên Thành phố ra văn bản gửi Ban điều hành Xa cảng cấm không cho bất cứ tổ chức nào có mặt tại xa cảng!

Một văn bản sái nguyên tắc, thế mà Ban Giám đốc xa cảng cũng răm rắp chấp hành. Xa cảng là nơi đến và đi, là nơi đưa và đón khách bộ hành, ai có quyền ngăn cấm? Bán báo, bán vé số, trà nước…đủ mọi ngành nghề, kể cả giựt dọc móc túi cũng có mặt tại bến bãi, không ai ngăn cấm mà sao lại ngăn cấm các em tình nguyện viên làm việc công ích mà không hề có lợi dưỡng. Những thí sinh từ các tỉnh về, toàn trẻ xa lạ, không có thân nhân, cần sự giúp đỡ của nhà chùa giữa chốn phồn hoa, trong khi các em không có tiền, không nơi cư trú! Tình người với người giữa lúc như thế mà còn nỡ gây khó cho nhau, thử hỏi, con của quý vị lâm vào tình cảnh đó, quý vị sẽ cảm giác thế nào? Tại sao trong xã hội, có những người lăn xả giúp đỡ cho kẻ khác, lại có người gây khó và bỏ mặc sự khó khăn của kẻ khác? Và Tiếp sức, hỗ trợ cho sinh viên chỉ có Thành đoàn độc quyền sao?

Thầy An Đạt gặp người trong Thành đoàn để giải quyết những khó khăn. Theo yêu cầu, Tình nguyện viên hai bên ngồi chung một điểm, làm việc chung, nhưng Thành đoàn bắt buộc Tình nguyện viên Giác Ngộ phải cùng màu áo, chịu dưới sự điều động của Thành đoàn, một yêu cầu mang tính cửa quyền; mới là Thành đoàn đã là như vậy thì sau nầy lãnh đạo đất nước sao tránh khỏi độc tài, bắt mọi người phải theo ý mình. Giác Ngộ làm hoàn toàn không vụ lợi, giúp đỡ các em là lo cho tương lai đất nước và thể hiện tính tương quan trong xã hội mà lòng từ bi nhà Phật thể hiện qua việc làm như thế. 3.000 thí sinh mà Giác Ngộ phải lo ăn ở trong Thành phố suốt 2 tuần thì chi phí như thế nào, trong khi một bệnh nhân như cháu bé bị thiêu sống, vì hết tiền mà bệnh viện không tiếp tục chữa trị? Làm từ thiện là tự nguyện và vô vị lợi thì không thể độc quyền cho bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào.

Thiết nghĩ, các em trong Thành đoàn tuổi còn trẻ, hiểu biết còn non dại, chỉ vì tính đố kỵ bẩm sinh mà gây khó cho nhau chứ không có ác ý. Tâm lý tự tôn độc quyền trong mỗi người đều có, nhưng người có ý thức thì tự mình kềm chế. Riêng Ban Giám đốc xa cảng miền Tây, chức năng và nhiệm vụ là giữ an ninh trật tự cho bến bãi, an toàn cho người đi lại, và điều độ lưu thông vận chuyển chứ không phải vì một văn bản không thuộc chuyên ngành vận tải chỉ thị mà chấp hành một cách mù quáng. Ngoài chức năng , nhiệm vụ còn có ý thức phải trái. Một thuyền trưởng vớt người vượt biên trái luật, thế mà họ vẫn làm vì biết đâu là lẽ phải để cứu mạng người; cho các Tình nguyện viên thuộc báo Giác Ngộ vào bến bãi đón thí sinh ( xem như thân nhân ) là ngoài quyền quyết định ? Một chuyện nhỏ để giúp đỡ con em chúng ta nơi xứ lạ quê người mà không làm được thì nói gì đến việc lớn lao hy sinh cho đất nước, cho dân tộc ?

Đây là bài học cần rút tỉa để những năm sau không còn tái diễn. Thành Đoàn cần quán triệt việc làm để biết thế nào là công ích, thế nào là đố kỵ.
Ban Giám đốc các Xa cảng cũng cần xét lại thái độ chấp hành mệnh lệnh thế nào là khôn ngoan, thế nào là cố chấp để biết quyền hạn của mình ở một giới hạn nào.

Tất cả cũng chỉ vì quyền lợi của đất nước, của con em chúng ta cho một tương lai dân tộc.

Mùa World cup hàng triệu người dành thời giờ để giải trí, trong khi đó các em sinh viên lại tình nguyện làm việc mang nhiều ý nghĩa và đầy sự cảm thông; bậc cha anh và nhà nước nên tán thưởng, khích lệ chứ không nên gây khó cho nhau; Hy vọng các em Tình nguyện viên cũng như các thí sinh lai kinh ứng thí sẽ có nhiều niềm vui trong cung cách tiếp xử nhau để mùa thi có thêm niềm hy vọng về sự thành đạt.


MINH MẪN
01/7/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét