Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010
LÝ THÁI TỔ VÀ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC
Nếu tính đời người là một trăm năm thì một ngàn năm chỉ bằng mười đời người hoặc mười người cộng lại; vả lại, không gian vô tận, thời gian vô cùng thì một ngàn năm là giấc chiêm bao còn lưu trên hoang tích của vôi vữa, đá gạch nằm trong lòng đất!
Thế nhưng, một ngàn năm đó chỉ như mơ hồ trên sách vở, hoặc ảo ảnh giữa hư vô kể từ Minh Vương Lý Thái Tổ di đô từ Hoa Lư về thành Đại La năm 1010 ( Thuận Thiên thứ 1, vào tháng 7 ), mà di tích được khám phá trên một vùng rộng lớn tại thủ đô Hà nội vẫn còn là minh chứng thật cho một huyền sử xa vời!
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam suốt chiêu dài trên bốn ngàn năm danh sử, những vị vua từng có công dựng xây và chấn hưng đất nước là chuyện bình thường, cũng như có những đời vua làm băng hoại tổ quốc và trụy lạc cá nhân cũng không thiếu, thế nhưng, Lý Công Uẩn, mở đầu cho những triều đại kế tục, suốt hơn bốn thế kỷ đem lại thái bình cho nhân dân và thống nhất giang san một mối, tạo sự kiêng nể cho ngoại xâm, dẹp tan ý đồ bá quyền của nước lớn và bình định lân bang bằng ngoại giao, bằng uy tín, bằng chiến lược và kể cả sức mạnh quân sự. Phải nói hai đời Lý và Trần thực sự là thời đại vàng son của một dân tộc, vừa củng cố an ninh quốc nội, vừa phát triển ngoại giao, vừa hưng thịnh kinh tế, vừa ổn cố chính trị, và quan trọng nhất đã thống nhất lòng dân bằng Tam giáo mà Đạo Phật là chủ lực tạo một tiềm lực đáng kinh ngạc trong những lúc đất nước hưng thịnh, ngoại trừ có những hôn quân phế truất Phật giáo thì những lúc đó, đất nước lâm vào suy vong như lịch sử đã minh chứng.
Như lịch sử đã ghi nhận, Lý Công Uẩn vốn xuất thân từ nhà chùa, con nuôi của Lý Khánh Vân và là đệ tử truyền thừa của Thiền sư Vạn Hạnh. Từ bé đã không cha, mang một lý lịch huyền thoại, nhưng cốt cách sinh hoạt thường nhật của một chú bé ở chùa chứng tỏ một con người không mang tính huyền thoại để bước vào đời nhận lãnh trách nhiệm gánh vác giang san trên đôi vai một Phật tử. Triều đại Lê Long Đỉnh, Lý Công Uẩn làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Trong hàng quan tướng tứ trụ vương triều thì Lý công Uẩn tỏ ra nhân hậu, nhiệt tình, trung thành, được lòng quan triều và tín nhiệm của Lê ngọa Triều. Tuy Lê Long Đỉnh tỏ ra hư hỏng, tha hóa và độc ác đối với lê dân cũng như thô bạo đối với sư sãi, giải khuây bằng sự chết chóc của tội nhân, tham dâm vô độ, giết anh cướp ngôi (1)…đã làm mất lòng dân cực độ, thế mà Lý Công Uẩn vẫn tròn đạo nghĩa vua tôi, chính vì thế mà Lý Công Uẩn được Lê Long Đỉnh rất tin tưởng. Lê Long Đỉnh băng hà lúc 24 tuổi, con còn quá nhỏ. Đào Cam Mộc và quần thần tôn Lý Công Uẩn lến ngôi vua, ứng với điềm lành báo trước cây gạo ở chùa làng Diên Uẩn, (Cổ Pháp) bị sét đánh mà Vạn Hạnh tiên đoán nhà Lê suy Lý Thịnh; Cho dù Lý Công Uần được Đào Cam Mộc và Vạn Hạnh thiền sư hậu thuẩn, nhưng không có thần khí nhân từ, chơn mạng đế vương được lòng thiên hạ thì cũng khó mà cửu trụ.
Lý Công Uẩn lên ngôi chưa tới 40 tuổi, thế mà có tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài; Hoa Lư là mãnh đất từng chống ngoại xâm cũng như dẹp loạn sứ quân của nhị vị Tiên đế Đinh- Lê, có nghĩa Hoa Lư chỉ là vùng tử thủ, chứ không thể là địa công; vùng chiến lược quân sự mà không là chiến lược kinh tế và phát triển cơ đồ. Từ xưa, các triều đại từng có việc dời đô, nhưng việc di đô lại thể hiện tính dân chủ trong thời phong kiến như Lý Thái Tổ:
Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô[7], nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô[8], há phải các vua thời Tam Đại[9]; ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương[10], ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?
(Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993
Chính vì thế mà quan dân đều đồng thuận:
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận:[6]
Bề tôi đều nói: "Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo". Vua cả mừng
Việc dời đô là hệ trọng, sau khi kế nghiệp, vua tức tốc đi tìm địa lợi, vừa ổn cố cơ đồ, vừa phát triển kinh tế dân sinh; Sau khi an cư, Lý Thái Tổ đã triệt để áp dụng Phật giáo vào đời sống xã hội, đây là một sách lược tâm lý chính trị để đoàn kết lòng dân:
Tôn giáo
Triều Lý bấy giờ sùng đạo Phật, nên những người đi tu, lấy tiền kho ra để xây chùa, đúc chuông được nhà vua trọng đãi. Tháng 6 năm Thuận Thiên thứ 9 (Mậu Ngọ 1018),[7] Lý Thái Tổ sai quan là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nhà Tống (Trung Quốc) thỉnh kinh Tam Tạng đem về để vào kho Đại Chính vì thế mà nho gia bất mãn:
: Sử gia Lê Văn Hưu phê bình trong Đại Việt sử ký:
“ Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy? ”—sách này không còn, dẫn lại theo Đại Việt sử ký toàn thư.[13]
Chiến Lược Tôn Giáo: Việc di đô là tầm nhìn chiến lược, nhưng bảo vệ và phát triển chiến lược được lâu bền, không thể duy ý chí, hay thuần túy pháp quy; Lý Thái Tổ đã biết áp dụng tinh hoa Đạo Phật vào xã hội, làm chất keo sơn đoàn kết quần chúng; Kinh nghiệm thể chế phong kiến áp dụng pháp quyền cộng thêm bạo lực của Lê Long Đỉnh. Quần chúng tuy sợ sệt nhưng ngấm ngầm bất mãn. Bề mặt xã hội được trấn áp bởi bạo lực nhưng tảng băng ngầm chứa đựng sự rạn nứt trong lòng dân. Lý Thái Tổ khác với Constantinope, áp dụng tôn giáo vào xã hội bằng lòng nhân và đạo đức tôn giáo, mục đích duy trì nền độc lập tổ quốc và ổn định sinh hoạt xã hội; Trong khi đó, Constantinope dùng tôn giáo như lưỡi gươm và cây thập giá để bành trướng vương quyền, mở mang bờ cỏi, tạo bao chết chóc, máu đổ đầu rơi.
Một tinh thần bất bạo động, khoan dung của Phật giáo đã tránh được bao cuộc xô xát đẫm máu vì tranh giành ảnh hưởng giữa tôn giáo với tôn giáo, đồng thời, với tinh thần đó, cũng đã kích thích tăng trưởng tính ổn định trong mọi xã hội mà Phật giáo là chủ đạo. Những dân tộc nhạy bén về dân trí, Đạo Phật cũng giúp phát triển những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, ngay cả khoa học và các bộ môn tâm lý.
Tuy nhiên, nếu Phật giáo được hỗ trợ để phát triển thuần túy về xã hội và hình thức tín ngưỡng, dễ đưa đến sự lạm phát và lạm dụng mà Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Hoa…những trang giáo sử cũng từng bị hoen ố, đến độ Quang Trung phải ra lệnh thanh lý tu sĩ, có những triều đại phải cấp độ điệp và kiểm tra nội điển để kiểm soát tình trạng thừa cung thiếu cầu!
Việc tạo lập Tam bảo và tiếp Tăng độ chúng không phải là thừa, nhưng đó cũng không là cần thiết nếu lượng số tu sĩ quá mức cần thiết mà nội lực hành trì không được triển khai, và quần chúng chỉ biết lễ lạy mà không hiểu biết giáo lý để áp dụng vào cuộc sống thường nhật. Một số sai lầm của những nhà cầm quyền trong quá khứ ở những nước Đạo Phật là quốc giáo, đã yểm trợ hình thức mà không chú trọng nội dung, thay vì làm lợi cho xã hội, biến thành tệ hại cho đất nước, và số tu sĩ gần bằng phân nửa dân số đó, là gánh nặng kinh tế cho quốc dân. Tuy nhiên, Đài Loan, Nam Triều Tiên ngày nay, tuy Phật giáo không là chủ đạo của một dân tộc, nhưng biết chuyển mình hợp cách với trào lưu tiến hóa xã hội. Các tu sĩ đã xã hội hóa hoạt động pháp sự như Phật giáo Viên của Nam Triều Tiên và hội Từ Tế Đài Loan do ni sư Cheng yen khởi lập vào ngày 14/5/1966, đã có nhiều chi nhánh trên thế giới vừa giúp xã hội, trên phương diện từ thiện, y tế, giải quyết cuộc sống cho quần chúng Phật tử và hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo! So với dân số Nam Triều Tiên là 45.182.000 người, Phật giáo chiếm 25,3%; Đài Loan 23 triệu dân, Phật giáo chỉ 35.1% thì Việt Nam 86 triệu dân, đã có 45 triệu tín đồ, tức 55%, thế mà mãi đến ngày nay, về mặt nổi, chùa am phát triển gần 15 ngàn, tu sĩ có 44.500 vị, vẫn chưa có một cơ sở xã hội mang tầm vóc quốc gia chứ chưa nói đến quốc tế như Đài Loan và Nam Triều Tiên. Tuy vậy, một bộ phận khác của Phật giáo, Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã đóng góp thiết thực cho xã hội bằng những phần cơm chay miễn phí mỗi ngày lên đến 10 ngàn suất ăn cho các bệnh nhân nằm viện từ TP HCM đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Một vài quán chay từ thiện miễn phí trong thành phố do lòng hảo tâm của những thiện tín giúp đỡ người lao động có thu nhập thấp.
Những cố gắng trên đây do tự phát của quần chúng. Phật giáo Việt Nam tuy thống nhất một khối, nhưng vì cơ chế chưa thông thoáng, bản thân Giáo hội chưa thể hiện tính chủ động, nên tầm vóc hoạt động còn hạn chế; Phật giáo là cội cổ thụ Bồ Đề, cần một không gian thoáng đạt và gốc rễ tự bám sâu vào lòng đất mẹ, có như thế mới phủ mát cho xã hội; ngược lại xem Phật giáo là loại bonsai làm đẹp hoa kiểng, tự thân nó bị tiêu hao sinh lực, chẳng những không thành công của loại cây kiểng vì bị sâu mọt đục khoét, mà còn chướng ngại, vướng bận cho cảnh trí chung quanh.
Tinh Thần vô ngã: Trên thế giới không thiếu những vị lãnh đạo đất nước tài ba, sau chiến tranh , một thời gian ngắn đã đưa đất nước từ kiệt quệ lên hàng phát triển quốc tế mà mọi quyền lợi của người dân vẫn không bị hạn chế. Sau hai quả bom nguyên tử tàn phá Hiroshima và Nagasaki, trong vòng 30 năm, các nhà lãnh đạo Nhật và Minh Trị Thiên Hoàng đã đưa nước Nhật đứng hàng thứ nhì trong các các quốc gia phát triển. Sau thế chiến thứ hai và sau cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa kỳ, không những đất nước cờ hoa giải phóng được chế độ nô lệ mà còn là đất nước tuyên dương dân chủ qua bản tuyên ngôn nhân quyền. Suốt thế kỷ 17 – 18, Mỹ luôn trong tình trạng tranh chấp chiến tranh, thế mà, một đất nước non trẻ thoát thai từ Anh, không lâu sau đó, nền dân chủ làm cơ sở cho sự phát triển vượt bực, dẫn đầu thế giới về nhiều mặt tiến bộ, nhất là khoa học kỷ thuật.
Tuy nhiên, tùy tình hình địa lý và thời cuộc mà giới lãnh đạo một số quốc gia đã giữ vững độc lập, tuy không phát triển nhiều. Và dĩ nhiên cũng có những lãnh đạo yếu kém trong một giai đoạn của một quốc gia nào đó. Riêng những nước chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Phật giáo, đã có một thời sản sanh ra những minh quân biết áp dụng đạo Phật vào pháp trị, vừa chấn hưng Phật giáo, vừa thạnh trị quốc gia. Một Asoka đại đế của Ấn Độ, một Trần Nhân Tông và các đời vua Lý Trần tại Việt Nam. Người ta tự hỏi lý do nào những quốc gia chịu ảnh hưởng Phật giáo có những nét đặc thù về sự đoàn kết, tính tự chủ, tinh thần độc lập và lòng ái quốc?
Một Thái tử Si Đạt Đa từ khước vương vị để truy cầu chân lý cho nhân sinh thì cũng đã có một Trần Nhân Tông Việt Nam nhường ngôi vua cho con để làm nhà sư hạnh đầu đà, vừa phát triển Phật giáo vừa mở mang bờ cỏi và bảo vệ tổ quốc
Thế thì cũng không lạ một Lý Công Uẩn, xuất thân từ nhà chùa, áp dụng Phật giáo vào quản trị đất nước để đoàn kết toàn dân. Một vị vua không tham cầu vương vị, không hưởng thụ vật dục, xem phú quý vinh hoa như cỏ rác, biết hy sinh cho dân cho nước thì lòng dân nào không hậu thuẩn cho vua? Mọi người dân được tôn quý và quyền lợi không bị xâm phạm, xem tình tự dân tộc như ruột thịt một nhà, không sở hữu những báu vật bất chánh, không làm giàu trên xương máu kẻ khác vì hiểu rõ luật Nhân quả công bằng. Đượm nhuần tinh thần Vô Ngã vị tha của đạo Phật thì xã hội bấy giờ không lượm của rơi, nhà không đóng cửa…Từ vua quan đến thảo dân đều hiểu đời là giả tạm. Quyền lợi tập thể, quyền lợi quốc gia là quyền lợi chung cho mọi cá nhân, họ sẳn sàng xả kỷ hy sinh cho đất nước cho dân tộc. Một tinh thần tập thể vô ngã như thế, Phật giáo cung ứng cho xã hội những Bồ tát hạnh và sản sanh cho đất nước những minh vương như Lý công Uẩn, mở đầu cho những thời đại thạnh trị cho đất nước là chuyện dễ hiểu.
Lịch sử đã nói nhiều đến những chiến công hiển hách của dân tộc chống ngoại xâm. Phạt Tống bình Chiêm; Quân Mông cổ từng làm cỏ những đất nước vó ngựa đi qua, quân Nguyên và những triều đại ấp ủ tham vọng lấn chiếm phương Nam đều bị các triều đại Lý Trần cho chui vào ống đồng thoát thân hoặc phơi thây nơi trận địa; thế nhưng, cũng với tinh thần dĩ hòa vi quý của Đạo Phật, sau khi đánh bại quân xâm lược, vua quan nước ta vẫn triều cống ngoại giao để vững an bờ cỏi. Tuy triều cống, nhưng cha ông ta chưa hề để mất một tấc đất. Lê Thánh Tôn ( 1460-1497), vị anh quân tài giỏi của Đại Việt vào cuối thế kỷ 15 đã dạy ‘ Ta phải gìn giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của đất nước ‘
Tuy hậu Lê như Thánh Tôn ưu đãi Nho gia, lập thể chế phong kiến giúp cho xã tắc có nề nếp quy củ, nhưng tinh thần Phật giáo đã ngấm vào xương tủy suốt nhiều thế kỷ trước đó trong mọi tầng lớp, vì thế, lòng ái quốc và đức hy sinh cho đại cuộc luôn nuôi dưỡng dân tộc; Đến ngày nay sau hơn 20 thế kỷ, tinh thần theo giáo lý Vô Thường- giả tạm- nhân quả- vị tha vẫn bàng bạc trong dân ta. Ai đó có thể không bao giờ đi chùa, chưa bao giờ biết đến giáo lý nhà Phật, nhưng vẫn có thể nói: kiếp trước vụng tu, nhân nào quả đó, oan gia nghiệp báo…Chính vì thế, lòng vị tha, thương người cứu vật sẵn có trong mọi người, biến dân tộc thành một đất nước hiếu hòa độ lượng.
Nếu chỉ có Nho giáo thì xã hội đưa vào giai cấp phong kiến bị trị bởi tinh thần Tam cương ngũ thường, Tam tùng tứ đức. Xã hội bị ràng buộc trong một khuôn khổ cố định, chỉ biết chấp hành; Đạo gia chỉ thích hợp với tầng số tâm linh vô vi siêu nhiên, xem như thụ động trong một xã hội hoạt náo.Nho giáo và Đạo gia là hai thể trạng Nhân giáo và Tiên giáo, khó mà dung hòa hai trong một; Phật giáo mang đủ tính chất nhân thừa thiên thừa, ngay cả Phật thừa, có thể dung dị những cá biệt trong cuộc sống một cách linh động hài hòa. Tinh thần hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn đã giúp hành giả thỏng tay vào chợ, lăn xả hy sinh mà không cần lợi dưỡng, không sợ nhiễm ô. Đó là một trong 10 điều tâm niệm của nhà Phật: Thi ân bất cầu báo.
Tinh thần cộng đồng và tính dân chủ có rất sớm trong giáo đoàn thời Phật còn hiện tiền, để bảo tồn tính cộng đồng mà Phật dạy Lục hòa; để giải quyết phạm quy trong đoàn thể tu sĩ, Phật dạy Yết ma, tôn trọng ý kiến tập thể. Những sinh hoạt như thế nói lên tính vô ngã vị tha, không xây dựng và hành sự trên nền tảng cá nhân mà là tập thể cộng đồng, đó là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách của xã hội dân chủ ngày nay!
Ngay cả cách bố thí Ba la Mật cũng nói lên tính vố chấp, không thấy có người bố thí và kẻ được bố thí. Những tinh thần vô ngã vị tha như thế, Phật giáo đã giúp cho Lý Trần xuyên suốt 4 thế kỷ hiên ngang trước họa xâm, hy sinh cá nhân và đoàn kết tương trợ trong xã hội. Một đất nước mạnh không phải có nhiều vũ khí tối tân hay kinh tế dồi dào, mà là lòng dân được thống nhất một khối. Hội nghị Dziên Hồng đã minh chứng châu chấu đá xe!
Xuất thân từ nhà chùa, Lý Công Uẩn đã học được tính dân chủ và tinh thần tự giác, giác tha. Sinh khí nhà Phật đã phủ trùm trong cung viện đến xã tắc thứ dân; Xây dựng tinh thần Phật giáo bàng bạc trong dân chúng là đã xây dựng được bức tường thành vững chắc cho một chế độ lẫn chế ngự gót chân xâm lược từ mọi phía. Tinh thần Phật giáo nghiễm nhiên là chính sách thân dân, chính vì thế trong cơ quan, công ty xí nghiệp, trong quân ngũ, những Phật tử chân chánh luôn tạo được sự tôn kính với đồng nghiệp, niềm tin với kẻ trên và thân thiện với người dưới.
Một đất nước giàu sang vì kinh tế, vững mạnh phải là lòng dân. Lý Thái Tổ không dùng uy quyền để xây dựng thể chế, không dùng bạo lực để giáo dục nhân sinh. Cả Lý lẫn Trần đều lấy Đạo Phật làm nền tảng cho đất nước vững mạnh về ngoại giao, phồn vinh trong kinh tế và tình thương đối với muôn dân như giảm thuế. Nhà Lý mở đầu cho kế sách chiến lược xây dựng tổ quốc bằng tâm linh để những thế kỷ sau đó phát triển vững mạnh, từng làm cho kẻ nuôi mộng bá quyền phải kiêng dè trước tinh thần uy vũ bất năng khuất của một dân tộc. Đồng thời, Lý Thái Tổ đã củng cố kỷ cương quốc pháp mà thời gian dài tao loạn đã không còn tồn tại .
Lý Thái Tổ và các vua đời Trần đã biết kích thích cho cây Bồ Đề phát triển và phủ bóng tự nhiên trong lòng dân tộc. Tuy nhiên, nếu dùng đạo Phật như một khí cụ mưu đồ chính trị, tự thân Phật giáo bị tàn lụn mà ngay cả thế lực lạm dụng Phật giáo cũng bị một kết quả tương phản bởi ý đồ thiếu trong sáng và thiếu tôn kính. Tuy sách sử chỉ nêu việc xây chùa đúc chuông tạo tượng của Lý Thái Tổ mà Nho gia từng phê phán, đố kỵ, nhưng không nói rõ sự phát triển của đạo Phật thời bấy giờ về mặt tâm linh, sở chứng như thế nào. Nhưng chắc chắn Phật giáo đương thời không thể thiếu vắng nội lực mà có thể làm linh hồn cho một dân tộc. Bằng chứng một Vạn Hạnh, một Lý Khánh Vân, một khuông Việt…đủ nói lên khả năng tâm linh của cộng đồng tu sĩ lúc bấy giờ để Phật giáo cắm sâu vào xã hội quần sanh, vực một đất nước thoát khỏi nội loạn ngoại xâm mà giặc Phương Bắc phải xem tổ quốc Việt Nam ngang hàng với đế vương Hán tộc.
Lý Thái Tổ không chỉ có óc chiến lược về địa hình khi dời đô về Đại La, (Thăng Long nằm giữa sông Nhĩ Hà và Tô Lịch, có cả Kim Ngưu, sông Nhuệ và sông Cà Lồ, Nhất là sông Hồng đã đem phù sa bồi đắp cho ruộng đồng màu mỡ và nới rộng vùng châu thổ); mà còn mưu lược về chính trị khi lấy Phật giáo làm sinh lực cho dân tộc. Người ta không còn lạ gì khi đặt câu hỏi: Tại sao Phật giáo thịnh, dân tộc thịnh, Phật giáo suy thì tổ quốc nguy!!!
Hãy tạo điều kiện cho cây Bồ đề phát triển tự nhiên, đừng biến cây Bồ đề theo dạng bonsai một cách vô ích. Lý Thái tổ nói riêng và các vua chúa LÝ Trần nói chung đã làm được việc đó, một bài học lịch sử cho dân tộc mãi mãi về sau.
MINH MẪN
23/6/2010
(1) nhân vật lịch sử VN trang 471
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét