Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010
CƠ SỞ AM TỰ VIỆN PHẬT GIÁO
Những thập niên 60 về trước, khi nhà Ngô chưa gây khó khăn cho Phật Giáo, Tu sĩ Phật giáo chưa bị xã hội hóa, lúc bấy giờ sinh hoạt Già Lam được bao bọc bởi Thiền môn quy củ, các cơ sở am tự viện là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh truyền thống, một nét đẹp văn hóa nuôi dưỡng mầm sống dân tộc mà quá khứ đã chứng minh tiềm năng hộ quốc an dân của một tôn giáo như Đạo Phật .
Cho dù không được tinh tuyền như thời Lý Trần, những năm tháng Bắc thuộc và Pháp thuộc, Phật giáo phía Bắc và Trung bộ vẫn còn giữ được nét chuyên chính của một tôn giáo hướng nội, chuyên tu; Không thủ chứng sở đắc rộng rãi thì kiến thức Phật học và giới đức vẫn được duy trì cơ bản trong hàng tu sĩ tập sự cũng như Tăng sĩ hành hóa. Những phong cách đó, tạo một ấn tượng đẹp cho quần chúng và là niềm hãnh diện cho tín đồ. Tuy không duy trì tam y nhất bát như thuở Phật sinh tiền, tu sĩ vẫn không sở hữu một tài sản vật chất giá trị nào để làm vướng bận con đường mà hành giả đã chọn để thoát ly sanh tử. Lúc bấy giờ am tự viện được xem là chùa làng, của công, hoặc ít nữa là của hội, do quần chúng thành lập và bảo trợ để chư Tăng an trú tu tập và hành đạo.
Một thời quá khứ của Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo Nam truyền của các quốc châu Á, chùa là cơ sở sinh hoạt văn hóa cho thôn làng, nơi giải trí, học tập cho quần chúng mỗi khi lễ hội diễn ra, đồng thời tu sĩ là một chuyên gia tâm lý giải tỏa những phiền não trong cuộc sống của quần chúng. Khi đất nước bị ngoại thuộc, chư Tăng rút sâu vào trong phạm vi tôn giáo thuần túy, dần dà cách ly mọi sinh hoạt xã hội, vì thế quần chúng cũng ít tiếp cận với Đạo Phật, sự hiểu biết về Phật giáo ngày càng vơi dần. Một số chùa có ruộng đất cũng tự lập kinh tế. Chư Tăng đã bị chi phối trong kế sinh nhai, thời giờ cho việc tu tập cũng giới hạn.
Sau 1966, Phật giáo chính thức nhập cuộc với sinh hoạt xã hội và sinh hoạt chính trị khi đất nước chìm trong chiến tranh, các am tự viện và cơ sở vật chất trở thành sở hữu riêng của chư Tăng mà đứng đầu là vị trụ trì. Phía Bắc từ 1954, Phật giáo đã không còn tập thể tu sĩ trong các già lam, tu viện. các chùa do địa phương quản lý, biến thành kho lẫm của Hợp tác xã nông nghiệp hoặc trưng dụng cho những công ích khác. Phía Nam trung bộ, một số chùa tuy của công, nhưng vẫn được tu sĩ sinh hoạt bình thường, quần chúng có bổn phận giám sát tu bổ, hỗ trợ kinh tế, giúp đỡ một số mặt xã hội như giao tế, từ thiện xã hội…
Cơ sở vật chất: Vào thời Phật giáo cực thịnh, được xem là quốc giáo, vua chúa và quan chức thường tạo lập tự viện, cung thỉnh chư Tăng tọa trú. Trong cung viện, cao Tăng làm quốc sư, xây dựng Tam bảo tại Hoàng cung để vua quan tiện bề tham vấn tu tập. Mỗi làng mạc thị trấn đều có đình chùa miếu mạo. Tinh thần Tam giáo dung thông tạo một tiềm lực cho dân tộc và sinh lực tâm linh cho quần chúng, tuy nhiên, Phật giáo vẫn là chủ đạo sinh động làm cho quốc gia cực thịnh, đến khi các Nho gia chiếm vị thế ưu đãi chính trị, Phật giáo lui vào thế giới tĩnh lặng chuyên tu. Thế kỷ thứ 16, Kyto giáo thâm nhập vào đất nước qua bước chân xâm lược của Pháp, tôn giáo nầy suốt nhiều thế kỷ vẫn bị co cụm vì quần chúng chưa sẵn sàng tiếp nhận, do giáo lý và tín điều đi ngược lại tập quán truyền thống của dân tộc, một phần bị vua chúa ngăn cấm khi bắt được những văn bản và bản đồ tình báo của các cố đạo cung cấp cho Pháp và Vatican. Tuy nhiên, Vatican rút kinh nghiệm những khó khăn do không thích ứng với tập quán của những quốc gia Châu Á, công đồng Vaticano II đã tháo gỡ rào cản của những tín điều vô lý, đồng thời Pháp đã thiết lập được các vua chúa Lãnh đạo xuất xứ từ Kito hoặc thân thiện với Kito, đã nâng đỡ Giáo Hội Kito giáo Việt Nam dần thoát khỏi những trì trệ. Khi luồng gió lạ từ tôn giáo mới thâm nhập, xã hội tiếp cận những sinh hoạt thông thoáng của tư tưởng phương Tây mà quân đội viễn chinh Pháp đem đến, quần chúng thị thành và lớp trẻ tiến bộ đón nhận nhanh loại văn minh tiến bộ của khoa học vật chất mà từ lâu thế giới tâm linh không cung ứng kịp thời; Tam giáo bắt đầu chựng lại và chỉ duy trì trong các làng mạc, quần chúng thành thị xa dần tín ngưỡng truyền thống khi ngả hẳn sang xu thế tiện nghi vật chất, lúc bấy giờ, suốt nhiều thế kỷ, Phật giáo chỉ là chiếc bóng mờ giữa lòng dân tộc. Đến khi tinh thần quật cường của các nhà ái quốc muốn khôi phục chủ quyền đất nước, Phật giáo được các chí sĩ chọn làm sinh lực cho phong trào như Cần Vương, các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lý Đông A…và một số nhân sĩ trí thức cổ súy chấn hưng Phật giáo; Các tờ báo ra đời như Đuốc Tuệ, Từ Quang, Từ Bi Âm…dùng mẫu tự La tinh để phổ biến giáo lý vào mọi tầng lớp. Thập niên 1930 cũng từ đó các Thiền môn Tăng lữ chấp nhận lối giáo dục mới, văn tự mới để tiếp nhận và truyền bá giáo lý Đạo Phật.
Các tỉnh miền trung Nam bộ và phía Bắc, Phật giáo chấn hưng có hiệu quả. Song song việc cung ứng kiến thức cập nhật cho Tăng Tín đồ, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, ĐĐ Minh Châu và một số vị đã thành lập đội ngũ Thanh niên nam nữ cư sĩ, một tập thể gọi là Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện nay, đi vào sinh hoạt có tổ chức, có kỷ luật vừa tiếp thu kiến thức Phật học, vừa rèn luyện nhân cách, vừa học tập thích ứng với môi trường sống, một mẫu tín đồ đạo đức và hữu dụng.qua bao biến thiên của xã hội, ngày nay vẫn còn hình bóng sinh hoạt các đơn vị thanh thiếu niên như thế, cả trong và ngoài nước!
Sau khi đất nước chia đôi từ vĩ tuyến 17, phía Bắc theo Chủ Nghĩa Xã Hội, mọi sinh hoạt trong xã hội đều nằm trong sự quản lý của Mặt trận, kể cả tôn giáo, có bổn phận đóng góp, phát huy XHCN và theo định hướng CNXH. Và mục đích thống nhất hai miền, các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng phải lột xác để cùng nhà nước thực hiện ước mơ giải phóng. Phía Nam, các cao Tăng thạc đức cố gắng phục hoạt chấn hưng Phật giáo từ hạ tầng, phong trào chấn hưng từ thập niên 1930 đã gây tiếng vang và kết quả khả quan, đào tạo những Tăng sĩ có năng lực và có kiến thức, chính vì thế mà quần chúng được củng cố đức tin và sinh hoạt từ khuôn, vức trở lên Tỉnh Thành hội khá ổn định. Nhờ hiệu quả đó mà Phật giáo đương đầu với bạo quyền nhà Ngô để bảo vệ Đạo Phật trước ý đồ kito hóa dân tộc, một cách có hiệu quả.
Sau 1981, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thành hình, các tổ chức giáo hội riêng lẻ trước đây giải thể, một tổ chức Phật giáo duy nhất và quyền hạn của vị trụ trì mỗi am tự viện cũng thể hiện rõ nét được sự hỗ trợ pháp lý của chế độ hộ khẩu, chuyển hệ thống sinh hoạt truyền thống thiền môn, già lam , tự viện sang một nét mới. Ban hộ tự, ban bảo trợ, ban quản trị không còn quyền hạn như trước, biến thành thừa sai của vị trụ trì, nghĩa là mỗi cơ sở thờ tự của Phật giáo biến thành tài sản riêng tư của vị tọa chủ đương nhiệm. Chế độ hộ khẩu đã hợp thức hóa quyền hạn của vị trụ trì; những Tăng chúng không được lòng trụ trì thì khó mà xin nhập hộ. Lúc bấy giờ tu sĩ một cổ hai tròng, vừa gặp khó khăn về hành chánh chuyển khẩu, vừa qua ải của vị trụ trì. Vì thế, đa số Tăng ni sinh các tỉnh về Thành phố tu học phải ở tư gia hoặc nhà trọ. Những cơ sở tự viện còn dính líu đến sở hữu của vị tiền nhiệm đã bỏ nước ra đi, tọa chủ đương kim bằng mọi cách hợp thức hóa quyền sử dụng đất và giấy bổ nhiệm trụ trì khi đã là chủ hộ, những môn đệ của vị tiền nhiệm không thể nhập hộ cho dù họ ở trước đó khá lâu, ngược lại những đồ đệ của vị đương nhiệm sẽ dễ dàng được nhập hộ với sự đồng ý và bảo lãnh của đương kiêm tọa chủ trụ trì. Đó là nội tình, ngoài ra các vị trụ trì chạy theo phong trào tái thiết xây dựng theo đồ án quy mô, cho dù cơ sở còn xử dụng vài mươi năm nữa. Có những chùa vừa xây dựng, nhưng không tương xứng với những chùa khác, lại đập bỏ! cứ như thế mà thi đùa xây chùa to Phật lớn tốn bạc tỷ trong khi quần chúng, trong đó có những Phật tử đói ăn thiếu chỗ ở! Và những chùa to Phật lớn như thế đôi khỉ nhất Tăng nhất tự, một sự hoang phí vô lý! Giáo hội tỏ ra bất lực trước việc phân bố cơ sở am tự viện. Rất nhiều nơi chùa sát vách, đâu mặt hoặc gần nhau không tới 100m, chính vì thế mà có nơi gọi là xóm chùa. Có lẽ Phật giáo là tôn giáo duy nhất có sự phân bố am tự viện không tương xứng với mật độ quần chúng tín đồ tại Việt Nam hiện nay. Việc xây dựng tùy tiện như thế kèm theo thiếu mỹ quan đô thị;
Phần lớn quần chúng ngày càng xa cách với đạo Phật; Một người lạ hỏi thăm một ngôi chùa, biết là cách đó không xa lắm, thế mà người dân không biết, vì chẳng ai quan tâm. Một Việt Kiều hỏi thăm tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cách một ngã tư mà người dân tại đó cũng không rõ; Điều đó chứng tỏ Phật giáo không được phổ cập, quần chúng không được gần gủi với nhà chùa, như thế chư Tăng và Ban Hoằng pháp đã làm được gì cho những nơi vùng sâu vùng cao? Việc giáo dục, đào tạo nhân sự đã bị xem nhẹ và làm việc kém hiệu quả thì tạo dựng chùa cao Phật lớn để làm gì nếu không là mục đích thu hút khách du lịch? Quần chúng Phật tử rất cần học hỏi giáo lý và hướng dẫn tu tập chứ không hãnh diện tôn giáo mình có nhiều chùa to Phật lớn. Có những chùa một năm tổ chức hai ba cuộc lễ huy động hàng ngàn tín đồ về tham dự để buôn bán băng đĩa kinh sách mà không mở những khóa tu học để họ hiểu đạo, không dám mời các giảng sư về giảng trong khi chính vị trụ trì đó cũng hiểu giáo lý một cách lệch lạc. Những trụ trì có năng lực, tổ chức các đạo tràng để hậu thuận cho danh vị, tự xem là giáo chủ một tông môn biệt lập, dĩ nhiên đi kèm theo là lợi nhuận đổ về từ những tín đồ nhẹ dạ, nhiệt thành…
Một khi cơ sở tôn giáo được xem là tư hữu của vị tọa chủ thì kéo theo nhiều động thái cậy quyền, xem nhẹ tín đồ, vì đó là cơ ngơi riêng chứ không phải trung tâm tu học của tôn giáo. Và có đôi khi, nơi thờ tự biến thành kinh doanh bất động sản vì quyền hạn và quyền lợi của một trụ trì đã được bảo chứng hợp pháp.
Quyền lực: Khi trụ trì nắm toàn bộ quyền lực về tài sản Tam bảo, biến thành cơ ngơi riêng; nếu là bậc chân tu thì lấy luật Đạo mà cư xử trên tinh thần công bằng và tương kính, nếu vị tọa chủ quên mình là một bậc xuất trần, cách cư xử sẽ nhuốm màu thế tục, kéo theo nhiều tính toán hoàn toàn thế tục mà đại chúng nội trú cũng như quần chúng Phật tử sẽ ngán ngẫm, xa lìa và cách ly. Có những vị tế nhị hơn, biết bao bọc bằng lớp sơn mỹ miều, có thể đánh lừa được một số quần chúng nhẹ dạ cả tin, nhưng rồi lúc nào đó cây kim trong bọc lâu ngày cũng cũng lộ ra!
Tình trạng sang nhượng mua bán chùa chiền hiện nay, trở thành thị trường bất động sản phổ biến. Dưới danh nghĩa chuyển nhượng lấy lại vốn để xây dựng nơi khác và giúp cho những vị có nhu cầu về cơ sở hành đạo; Vị thừa kế không những tốn kém để có một cơ sở thờ tự hợp pháp mà còn phải chi phí một khoản riêng để lo giấy “quyết định bổ cử trụ trì và làm lễ nhập tự”; hẳn nhiên mọi chi phí đều do quần chúng Phật tử cúng dường. Cũng có trường hợp một vị có quyền lực trong Ban Trị sự, có thể truất quyền trụ trì để bổ nhiệm vị khác nếu vị đó đủ khả năng đáp ứng trị giá ngôi chùa mà xét thấy có thể thu nhập khá về sau! Bằng biện pháp hành chánh và pháp chế, họ có thể làm được mọi thứ mà chỉ có những ai chân thật và cô thế mới bị thiệt thòi. Trụ trì có quyền của một trụ trì, Ban Trị sự hay Ban đại diện có quyền trong phạm vi chức năng của mình, đôi khi có sự câu kết để ảo thuật mọi vấn đề; Nhưng hạ tầng cơ sở vẫn là trụ trì. Một trụ trì chân chánh thì quần chúng ủng hộ, hậu thuẩn, những trụ trì thiếu trung thực, quần chúng không những tẩy chay mà ngay cả nội tự cũng không có đạo chúng, và hình như họ cũng không cần phải sống nhờ vào hậu thuẩn đó mà họ có những cách làm ăn khác như tổ chức hành hương hoặc những thương vụ mang tính thế tục;
Trong tổ chức Phật giáo Việt Nam hiện nay có quá nhiều kẽ hở và có quá nhiều biệt đãi cho những quan chức, chức sắc Phật giáo; họ nương tựa lẫn nhau để củng cố quyền lực và sẳn sàng gây khó trấn áp những ai không đứng về cùng phía với họ; Một Liên đoàn Thanh thiếu niên, hậu thân của câu lạc Bộ Hoằg Pháp trẻ, do ĐĐ T. Nhật Từ sáng lập, hoạt động được ba năm, gặp không it khó khăn, chỉ vi trâu cột ghét trâu ăn, người bất tài thường đố kỵ kẻ làm được việc.Một vài nhân sự trong văn phòng 2, bất tài cậy thế đã thao túng cả một guồng máy Giáo hội, cản trở Tăng ni trẻ có khả năng hoạt động xã hội. Họ chỉ biết thể hiện tính đố kỵ và quyền lực mà không thấy mối đe dọa ngày càng phát triển của ngoại giáo; chính vì thế, những bậc chân tu ngán ngẫm, rút lui về ẩn cư tĩnh lặng và những tài năng thường bị thui chột. Đây là những độc trùng phá hoại Phật giáo.
Cơ sở 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa tức thiền viện Quảng Đức đường Công Lý cũ, nay là văn phòng 2 TW GHPGVN. Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo cũng là một bộ phận của Giáo Hội, do Giáo Hội chỉ định tọa lập v/p tạp chí VHPG tại góc lầu một, thế mà cách cư xử đối với Tạp chí VHPG cứ như kẻ ăn nhờ ở đậu, thiếu tôn trọng và không lắng nghe nguyện vọng chính đáng của một bộ phần công tác văn hóa cho Phật giáo. Mỗi người có chức danh là có quyền hạn, cho dù quyền hạn trong phạm vi tôn giáo, cũng mang tính thế tục, tranh chấp, phe nhóm, đè ép lẫn nhau để củng cố hư vị của mình. Tuy đất nước thái bình, nhưng từ xã hội đến tôn giáo đều mang mầm móng loạn quyền. Thực trạng trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngày nay còn nhiều vấn đề không đủ thì gian để nêu lên chỉnh đốn.
Đến bao giờ Phật giáo là một tổ chức nghiêm chỉnh và trong sáng, chuyên về tu học hơn nặng về hư danh, để làm điểm tựa và niềm tin cho quần chúng! Phật giáo mạnh thì đất nước mạnh. Phật giáo mạnh không phải cơ sở vật chất phát triển nhiều hay quyền lực tu sĩ mạnh, mà nội lực chuyên tu phát triển , trí tuệ trong sáng và uy tín được quần chúng chấp nhận. Đòi hỏi tu sĩ có giới đức tinh ngiêm, thân giáo và khẩu giáo song hành, đó là cơ sở phát triển của Phật giáo xưa nay.
MINH MẪN
22/6/2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét