Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

TRỞ LẠI CHUYỆN CŨ


PGVN hiện nay luôn là đề tài cần cập nhật, nhưng những vấn đề cập nhật cho PGVN cũng chỉ là tiếng sáo diều trên không trung bay theo luồng gió thoảng; Qua bao lần Đại Hội, có bấy nhiêu lần tham luận đưa ra, nhưng đâu lại vào đó, ban thư ký ghi nhận rồi xếp vào kho lưu trữ, phủ dầy lớp bụi thời gian; ĐH lại đến, tham luận lại xuất hiện, cứ thế mà hồ sơ và bụi bặm sắp lớp chồng chất lên nhau làm một kỳ quan lạ lẫm!

HÀO QUANG QUÁ KHỨ
Cuộc đấu tranh thời Ngô Đình Diệm mang lại thành công rực rỡ ( thành công đây không phải thay đổi chế độ, bởi lẽ chế độ thay đổi không phải PGVN là nguyên nhân chính làm nên lịch sử, mà PG chỉ một trong những yếu tố, và chỉ là chính nhân mặt nổi, của những thế lực chính trị ở mặt chìm ). Tại sao PG lúc bấy giờ huy động được qưần chúng, tại sao các hệ phái, tập đoàn PG lúc bấy giờ đồng lao cộng khổ đoàn kết và tạo được uy tín từ quốc nội đến quốc tế? Tại sao GHPGVNTN sau 1964 đến 1975 có một tổ chức nghiêm minh, hoạt động hiệu quả. Đó là thành quả của một nền giáo dục thiền môn từ thập niên 1930 trở về trước.
Khi PG cực thịnh đến cuối đời Trần, bắt đầu thiền môn có dấu hiệu bất toàn, Nho thần đố kỵ PG ngấm ngầm từ thời Lý nên Lý Cao Tông nghe Đàm Dĩ Mông tâu, đã sa thải phần lớn tu sĩ, tuyển chọn những cao tăng thạc đức trụ trì các danh lam, nhờ thế mà tăng đoàn được thanh lọc những thành phần ô tạp, tuy nhiên cũng hạn chế việc truyền đăng tục diệm, nhờ các danh tăng chân tu mà sinh lực PG vẫn lưu truyền suốt thời ấy; cuối đời Trần , bắt đầu Nho giáo lạm quyền đưa đất nước đến chỗ suy vi, các thiền sư ẩn dật chuyên tu, sau đó dân tộc lâm vào nội chiến Trịnh Nguyễn; năm 1696, Hòa Thượng Bạch Mai Lân Giác bắt chước tổ chức Bạch Liên Tông đời Tống Trung Hoa xướng lập PG Liên Xã, được lưu truyền rộng rãi nông thôn miền Bắc VN. rồi đến Gia Long, Tây Sơn, suốt mấy mươi năm ly loạn, PG ẩn sâu trong xã hội, tuy không như thời cực thịnh Lý Trần, nhưng Gia Long và các đời vua kế tiếp cũng ủng hộ PG và các Thiền sư cũng đã chấn chỉnh quy củ thiền môn, lúc bấy giờ các cố đạo Bồ Đào Nha , Tây Ban Nha và hội Thừa Sai Pháp đã có mặt trên đất nước ta, năm 1550 , phía Nam đặt chân lên Hà Tiên; miền Bắc ,Nam Định, Ninh Cường là bàn đạp, tuy họ gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn cố gắng vượt qua để truyền bá và phát triển; trong khi đó, với tinh thần an phận, các bậc danh tăng thạc đức lui sâu vào am vắng núi rừng tu dưỡng, bên ngòai xã hội các vị ứng phú sống lẫn với dân, hòa hợp đến độ PG chỉ còn là lọai tín ngưỡng dân gian lo việc ma chay tế tự, sinh họat và hình thức tu sĩ là lọai nghề kiếm sống trong đời thường;
Khi Pháp bành trướng tại VN, kết hợp với truyền bá Kitô giáo, một luồng gió mới về ngôn ngữ, phong cách đời sống, tiện nghi vật chất, ký tự văn hóa, khí tài, trang phục; nhất là lọai tín ngưỡng tôn giáo mang dáng vẻ văn minh lạ lẩm, đã cuốn hút một số dân thị thành, PG lại bị đẩy sâu vào vùng thôn quê, gắn liền với cuộc sống người dân nghèo nàn, chân chất…Chiến tranh Việt Pháp nổ ra, nhân dân khốn đốn, PG thành đối tượng bất khoan dung của Kito giáo và Pháp xem PG là biểu hiện một lực lượng quần chúng đối kháng, vì thế các cơ sở ,am tự của PG bị chiếm đọat hoặc bị thiêu hủy; Đồng thời trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, một số chùa chiền đình miếu cũng bị hủy diệt; Riêng các nhà thờ, có sự giao ước và kiên dè, các phe lâm chiến đều tôn trọng và bảo vệ, thậm chí dưới chế độ XHCN miền Bắc, các tôn giáo bị đình trệ, thế mà Kito giáo vẫn được sinh họat, các cố đạo nước ngòai vẫn được hóan nhiệm, các tu sinh vẫn được thụ phong linh mục, các giáo xứ, tín hữu vẫn được hỗ trợ kinh tế! Chưa tới 3 năm tiếp thu chính quyền, miền Bắc tiến lên XHCN, cải cách ruộng đất tòan bộ, kể cả nội bộ đảng không ngòai biệt lệ, thế mà các giáo phận vẫn được hưởng sự nhân nhượng!
PG thế giới có khuynh hướng chuyển biến, cải cách và phát triển, khởi xuất bởi David Hewavitarane, người Tích Lan, tức Đại Đức Dharmapala; trong đó có Trung Hoa, Nhật Bản, Thái, Miến, Srilanka…vì thế VN cũng phát khởi phong trào. Trong công cuộc chống ngọai xâm, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu và những nhà ái quốc đã ý thức được tầm quan trọng của PG là nòng cốt xây dựng đất nước. Một số Nho gia tiến bộ thân thiện PG hoặc nghiên cứu PG; Những nhà trí thức tân học yêu nước cũng cổ súy chấn hưng PG; Thập niên 1920, các thiền sư ba miền bắt tay vào cuộc: Miền Bắc có HT Thanh Hanh, miền Trung có HT Tuệ Pháp, miền Nam có HT Từ Phong xây dựng các Già Lam, đạo tràng giáo dục tăng ni và in ấn kinh tạng; đến 1923 HT Khánh Hòa vận động chấn hưng tòan bộ ba miền, nhưng với tinh thần cầu an của phần lớn tu sĩ, một cuộc cải cách tổng lực như thế mấy năm sau mới có kết quả, thậm chí người ngòai cuộc như Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng cũng nóng ruột việc phục hưng PG để kịp đáp ứng nhu cầu chính trị trong nước hầu làm một chất dung môi cho những lực lượng có tinh thần dân tộc, cốt lõi tâm linh cho một đất nước đứng trước mối đe dọa chính trị, quân sự, tôn giáo, văn hóa của phương Tây và cái hào nhóang của Au học!
Thập niên 1930, nhờ các trường Phật học khai mở, đào tạo tăng ni về kinh điển cũng như giới luật,một cách nghiêm túc, mà những năm trước đó, chư tôn đức –Lương Duyên - Tâm Tịnh - Giác Tiên … đã tạo sẳn nền móng đạo đức chuyên chính, do thế, hàng lọat các tăng sĩ xuất sắc xuất hiện như: HT Trí Quang, Trí Thủ, Thiện Siêu, Thiện Minh, Nhất Hạnh, Mật Thể, Mật Hiển, Mật Khế ,Thiện Hòa, Thiện Hoa, Khánh Anh, Hành Tru, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám…Từ những nhân tài nầy, là những nhân tố tìch cực chấn hưng Phật giáo có hệ thống vững chắc từ hạ tầng như khuôn hội trở lên đến tỉnh hội, ngòai ra có những cư sĩ trí thức tâm huyết hỗ trợ, PG thực sự đã được chỉnh đốn từ trước và sau 1954, đến khi đất nước chia đôi, miền Bắc bị dồn tổng lực tòan dân để tiến lên XHCN và công cuộc giải phóng miền Nam, nên sinh họat PG bị đình đốn, miền Trung, PG đi vào nề nếp nhờ các tăng sĩ thực tu thực học tổ chức và truyền bá, đáng kể nhất là xây dựng và đào tạo một đòan thể thanh thiếu niên Phật tử, do bác sĩ Lê Đình Thám hướng dẫn, sau nầy với danh xưng Gia Đình Phật Tử VN (GĐPTVN) một tổ chức tồn tại và hiệu quả nhất trong các tổ chức PG từ trước đến nay,95% quần chúng miền Trung từ Bình Thuận trở ra Huế đều chịu ảnh hưởng PG; Trong miền Nam, sau khi họ Ngô nắm quyền, chính sách di dân các họ đạo từ Bắc vào, chính quyền đã ưu đãi, lập các khu trù mật miền Tây như Cái Sắn ,Cái Mơn, các dinh điền miền cao, Long Khánh, Hố Nai, Gia Kiệm, Lâm Đồng…cộng thêm tinh thần quần chúng miền Nam hời hợt, dễ dãi, đất rộng, người thưa, việc tổ chức và truyền bá Phật Pháp không được thuận lợi và chặt chẽ…
Thế nhưng, khi đối diện với sự đe dọa tồn vong PG bằng quyền lực và bạo lực của Ngô triều, với đạo lực của chư tăng, đã kết hợp được tổng lực và nhiệt tâm của quần chúng, tạo một âm hưởng chấn động quốc tế; PGVN thóat khỏi đạo dụ số 10 từ thời Pháp thuộc ràng buộc; ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức và chư thánh tử đạo, thắp sáng PGVN trong thế kỷ 20; các tông môn hệ phái đoàn kết, khai sinh một Giáo Hội PG VN Thống Nhất, có tầm vóc quốc gia, các tổng vụ họat động hữu hiệu, nhịp nhàng, nhưng chưa kịp đào tạo tăng tài kế thừa, GH tiếp tục sa lầy trong những cuộc đấu tranh mang tính thời sự, các thế lực chính trị lạm dụng làm suy yếu tiềm lực PG; các quốc gia từng ủng hộ PGVN dưới triều đại nhà Ngô, giờ đây đã im lặng trước cuộc đấu tranh vùng vẫy tuyệt vọng của GHPGVNTN lúc bấy giờ; Song song với họat động nhuốm màu chính trị đó, từ PG, Thiền sư Nhất Hạnh cho ra đời THANH NIÊN PHỤNG SỰ XÃ HỘI, chuyên họat động từ thiện xã hội, nhằm giúp đỡ nhân dân trong các vùng chiến tranh tàn phá, xây dựng lại mái ấm, hướng dẫn nông thôn có kiến thức vệ sinh, nông nghiệp, đạo đức và đức tin trong xã hội. Muốn thành thị hóa nông thôn. quy tụ nhiều tu sĩ và sinh viên tình nguyện tham gia; Với lòng nhiệt thành và thiện chí của những tâm hồn đầy lý tưởng đó, trả giá bằng hàng chục sinh mạng của thành viên Tiếp Hiện bỏ xác tại trụ sở Pháp Vân, cũng như rãi rác khắp nẽo đường quê hương, làm phân bón cho những nơi thiếu tình người. Thiện chí là điều tốt, nhất là lúc nhân dân đau khổ vì cuộc chiến, nhưng thiện chí không phải là người bạn đáng tin cậy của những thế lực đang xung đột và bên cạnh là tôn giáo bạn nhiều đố kỵ.Các phe lâm chiến đều nhìn những đòan TNPSXH là kẻ thù! Và duy nhất của họat động thiện nguyện nầy mang ý nghĩa nhập cuộc của PG phi chính trị, gỡ gạc một phần định kiến của dư luận về những xáo trộn liên tục sau 1966 từ PG; Giữa cuộc chiến ý thức hệ ác liệt như thế, sự có mặt của Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội quả là liều lĩnh và mạo hiểm! Dẫu sao, cũng thể hiện được đức vị tha và tinh thần vô úy của đạo Phật!

.. TỪ MỘT NỀN GIÁO DỤC
Sự thành công từ việc canh tân PG trong những thế kỷ trước đem đến kết quả rực rỡ cho PGVN đến thập niên 1964, không ai phủ nhận; Thời cực điểm vang danh của PGVN trong nửa thế kỷ 20 dẫn đến hiện tượng xuống cấp cho đến ngày nay do những nguyên nhân như : Giáo dục đào tạo tu sĩ, truyền bá giáo pháp, khuynh hướng nhập thế, chất liệu hướng nội…và mô thức tổ chức.
Thật vậy,PGVN ngày nay, ngọai trừ một vài đạo tràng cho Phật tử như Hoằng Pháp, Phật Quang núi Dinh, thiền viện chuyên tu như Chơn Như, Bát Nhã, Trúc Lâm, Thường Chiếu, Linh Chiếu…tất cả sinh họat của tu sĩ bên ngòai đều xuống cấp trầm trọng; Làm mất niềm tin quần chúng dưới nhiều hình thức:- mặc cả đám tiệc ma chay- kinh doanh dưới dạng tín ngưỡng- phong cách như một quan chức tôn giáo- hưởng thụ sang trọng- trọng phú khinh bần- khuynh hướng thực dụng… Sinh họat chùa chiền trở thành một nghề sống; ngày hai thời kinh cho xong việc, tu sĩ không còn gì để làm, thậm chí có chùa, vị trụ trì phải thuê tăng chúng trụ xứ tụng kinh và ma chay cho tín đồ. Một số tăng trẻ có học thức, có lý tưởng, băn khoăn tự hỏi: - cắt ái ly gia thóat hình dị tục chỉ vì miếng cơm manh áo bằng những nghi ứng phú vậy sao? Lý tưởng giải thóat bằng phương tiện tầm thường thế! Ở ngòai đời, với mảnh bằng đại học, có thể kiếm sống bằng cách dạy học, làm thuê còn ý nghĩa, khỏi mang nợ áo cơm Tam Bảo và bá tánh!!! Vậy xuất gia để làm gì ! Có nghĩa tu sĩ ngày nay đánh mất lý tưởng, học không biết để làm gì, vì không có chỗđứng trong GH đầy phe phái bảo thủ; xuất gia với mục đích gì; Có những em Gia Đình Phật Tử được giáo dục quá lý tưởng về hạnh nguyện của người xuất gia, nhưng khi vào chùa chứng kiến những bê tha đồi trụy, bổng chốc niềm tin biến mất, thế là bỏ đạo, không tin Tam Bảo! Những trụ trì không quan tâm đến đời sống tăng chúng, thậm chí thâu nhận đệ tử bừa bãi, không giáo dục, không nuôi ăn học, mạnh ai nấy vơ vét, bằng mọi thủ đọan làm tiền. Ngòai xã hội, cán bộ tham nhũng bê tha có pháp luật trừng trị, nhưng tôn giáo là vùng đất bất khả xâm phạm, nhà nước không thể xen vào nội bộ tôn giáo, và không phải nhiệm vụ của họ. GH là ai nếu không chính là biểu hiện của những bất tọai đó, giáo luật, giáo quy chỉ là vật trang trí, trên nói, dưới không nghe, bởi lẽ, thượng bất chánh hạ tắc lọan! Hầu hết quần chúng nhìn PG và tu sĩ PG là một tổ chức tràn đầy mê tín và quan liêu,không còn chỗ nương tựa niềm tin, (nơi có thể thỏa mãn niềm tin thì quá ít và họ chưa có duyên tiếp cận với bậc chân tu) những quan chức tôn giáo đó, không hề bận tâm đến sự tồn vong ngôi nhà mình đang nương náu, một lúc nào đó, không còn lợi dụng được, họ sẳn sàng trút bỏ chiếc áo như bộ cánh không còn hợp thời trang, lìa khỏi mái chùa như trút bỏ một đôi dép rách, đó là một Huệ Nhật đã chọn Tin Lành làm mảnh đất sống mới tràn đầy lý tưởng! Và những ai không đủ can đảm như thế, tiếp tục vật vã ẩn dương nương Phật, vì lìa khỏi mảnh đất tôn giáo mầu mỡ đó, không bằng cấp, không trình độ, ngại lao động, biết cuộc sống có sướng hơn chăng! Vì thế, ngòai những thiền môn có nề nếp, ngòai những tu sĩ chân chánh, khó mà định nghĩa thế nào cho đúng với PG VN qua những thành phần còn lại !
I/ Giáo dục và đào tạo; Những thập niên 1930 trở về trước, thầy trò sống chung trong một Già Lam như tình cha con; Thầy có bổn phận truyền đạt kiến thức cho đệ tử, huấn luyện oai nghi, nghiêm trì giới luật và giảng dạy kinh điển, kinh nghiệm tu tập. Đệ tử học nơi thầy qua thân giáo và khẩu giáo một cách nghiêm túc. Mỗi chùa là một trường học mà bổn sư là giáo thọ, đệ tử là học trò ! Nếu có Phật học viện, thì giáo thọ và tăng sinh cũng thường trú trong một nề nếp thiền môn chứ không phải không khí của một học đường, chú trọng giới luật nhiều hơn kinh điển, sau khi hòan mãn kinh luật qua quá trình tu học, có người tiếp tục hầu thầy, có vị ra hoằng pháp, có bậc chuyên tu nơi am thanh cốc vắng, làm mô phạm cho học chúng hậu lai. Thầy xét thấy đệ tử đủ đạo phong đức hạnh, bổ cử đi các trụ xứ. Kinh thư ngọai giáo hay kiến thức xã hội được giáo dục ngay trong già lam, không giao tiếp nhiều với ngọai tục; quần chúng và tu sĩ có một khỏang cách nhất định. Cần giao tiếp với tín đồ hoặc thân thuộc, có vị tri khách chứng kiến, tiếp tại phòng khách, thời gian không quá 15 phút. Chỉ trao đổi những gì cần , không có thời giờ nhàn rỗi để hý luận, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm ha.Thời giờ phần lớn dành cho tu và học.
Trước và sau khi đất nước phân ranh, chư tôn đức được hòan mãn từ các Phật học đường, ra làm việc. Thực tế đất nước đối đầu với bao thách thức từ đời sống vật chất đến tâm linh, từ văn hóa đến tập quán, đòi hỏi PG phải thay đổi cách nhìn, cách giáo dục, cách truyền đạt văn hóa thiền môn, và nhất là đem đaọ Phật vào quần chúng, mà xa xưa, quần chúng tự tìm đến với đạo Phật, vì vậy quy cách giáo dục truyền thống được chuyển sang mô thức học đường, tăng ni chuyển qua thế học, thời gian giành cho nội điển giảm dần, oai nghi luật giới dần dà xem nhẹ; Chẳng những thế, tăng sĩ ngày nay không thân cận, hầu thầy như xưa, thuyên chuyển chỗ ở tùy thích, vì thế mà dể buông thả phong cách; Mỗi vị một phòng ở, tiện nghi như một gia đình nhỏ, tiếp khách tại phòng riêng, ăn ngủ tùy tiện, không ai kiểm sóat ai; Trong thời ly lọan, tăng sĩ một phần trong tuổi động viên quân dịch tại miền Nam, một phần do PG đấu tranh liên miên, một phần ảnh hưởng xã hội thực dụng do nếp sống Âu Mỹ truyền nhập bởi quân đội Hoa Kỳ, và những tu sĩ xa thầy, xa bạn đồng tu, sống các tư gia , dẫn tới nhiều tệ nạn, không chịu tu mà cũng chẳng học hành, vì vậy, những năm trước 1975, số tu sĩ có mảnh bằng đại học và du học rất ít
Tại Sài Gòn bấy giờ, chùa Già Lam do HT Trí Thủ trụ trì, Huệ Nghiêm do HT Bửu Huệ tọa chủ, học chúng nội trú tương đối nề nếp và học hành khá thành đạt; tại Già Lam, tốt nghiệp là bác sĩ, dược sĩ được mấy vị, nhưng chả thấm vào đâu; Ở Huệ Nghiêm, nhiều vị là pháp sư, giảng sư, luật sư có năng lực;Cũng như các tổ đình, tự viện miền Trung, tại hai đạo viện nói trên, tăng sĩ giữ được môn phong đạo cách, cũng bởi tình thầy trò hòa hợp như cha con, tình thương và trách nhiệm của thầy đối với trò là một phương cách giáo dục truyền thống gắn bó như một gia đình của dân tộc ta, đưa đến nề nếp cho con cháu vậy.
Ngòai ra, phần lớn các am tự viện miền Nam ngày nay, trụ trì và tăng chúng không có sự mật thiết và tôn kính, thiếu tinh thần trách nhiệm lẫn nhau, vị trụ trì nhận chúng bừa bãi, không biết gốc gác, chủ yếu ở cho đông để bá tánh cúng dường; nuôi chúng như nuôi heo, miễn đủ hai bữa, không đủ dinh dưỡng,muốn ăn thêm, tự lo; bệnh họan, ai có Phật tử thì nhờ, không quen phật tử đành chịu phận hẩm hiu; học hành tự liệu, không như Kito giáo bao thầu trọn gói, do thế, những ai không đủ nghị lực vượt qua, đều rơi rớt, hoặc ra đời, hoặc làm sư thất học, chuyển qua ứng phú lo chuyện ma chay kiếm sống!
Một ngôi chùa ngọai vi thành phố HCM, trước trào lưu bon chen đua nhau xây dựng phô trương vật chất, vị trụ trì đó về vùng quê thu gom trẻ em nghèo trên 50 đứa, cho cạo đầu, để chóp, chụp hình đăng báo,vận động nước ngoài dưới danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, thế là những Việt kiều hảo tâm không tiếc của, vung tay làm phước, dĩ nhiên người lợi dụng thân phận kẻ khác làm sao có lương tâm, cuộc sống của các em như những bê con vét từng ngụm sữa thừa khi sữa mẹ bị chủ vắt bán cạn kiệt, Chủ bò sữa thu nhập như thế nào thì sự thu nhập từ những nguồn lợi của mầm trẻ đó, vị trụ trì phải gấp mười lần hơn, vì bầu sữa bò mẹ có hạn nhưng nguồn lợi vô tội vạ kia không cùng tận, từ đó, tu sĩ kia đi đến những bê tha sa đọa trên đống tiền bất chánh tội lỗi . Trong số trẻ kia, có những em học hành xuất sắc, vì chúng có chí khí, có nghị lực và óc cầu tiến, cũng đã thành đạt cấp quốc gia, nhà nước trợ cấp đi du học; trụ trì kia không thấy được giá trị đó, tiềm năng cho PG về sau, vẫn thờ ơ lãnh đạm, để tiếp tục mai một cho những chồi non còn lại; một ít em đã phải bỏ chùa về quê làm ruộng, tuy khổ cực nhưng không để ai lợi dụng, một ít em tìm nơi trú ẩn những chùa khác để có điều kiện ăn học, tiến thân!
Một ngôi chùa lớn tại quận 10 TPHCM, vị trụ trì chân tu, nhưng chiêu nạp tăng chúng quá bừa bãi, sinh họat nội bộ không kiểm sóat, nội trú gần trăm vị, thời khóa kinh tụng chỉ vài người có mặt trên chánh điện, tăng trẻ gây xáo trộn vì bệnh đồng tính luyến ái, phe cánh giành giựt khi có ma chay, không học hành, chạy xe dạo phố và đến nhà tín đồ tạo phiền hà cho gia chủ; chưa nói những ngôi chùa chuyên đi tụng đám, hẳn nhiên họ không ăn chay, có cả vợ con bồ bịch, và cờ bạc công khai trong chùa…giải quyết xích mích bằng xã hội đen.
Tình trạng tu sĩ PG ngày nay đại lọai như thế dưới nhiều hình thức, thầy vô trách nhiệm, thiếu tình thương đối với đệ tử làm sao trò tôn kính, vâng lời và nghiêm túc ! trách nhiệm và tình thương luôn là điều kiện cho con cháu, môn đồ nên người!
Tuy vậy, vẫn còn một ít bậc chân tu, lo cho đạo, chăm sóc đệ tử khá chu tất, không những tu sĩ mà ngay cả đệ tử tại gia,họ cũng quan tâm về cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc gia đình, ít ra cũng còn những vị như vậy để giữ niềm tin cho môn đệ.
Một khi truyền thống giáo dục đạo đức thiền môn chuyển sang cơ chế tân học, tăng sinh phải đến trường thế học, và Phật học, không được trang bị oai nghi phẩm hạnh và một tình thương của thầy tổ, chắc chắn tăng sinh đó phải đối diện những khó khăn cho những phấn đấu tự thân; thêm một khó khăn nữa, giữa thế học và đạo học, thời giờ không đủ để chu tòan học trình; Cái bất cập trong giáo trình Phật học hiện nay,từ trung cấp Phật học trở lên, tăng ni sinh hầu như không thu thập được bao nhiêu kiến thức; Giáo thọ quen lối diễn giảng nhà chùa hơn là sư phạm học đường, học chúng nghe cho vui rồi ra về với cái đầu rỗng tuếch, cuối khóa có thêm ít xảo thuật lý luận PG đại thừa để hý luận mà không áp dụng vào đâu được; cũng không có một pháp môn cụ thể để tu tập có hiệu quả; Do giáo trình và phương pháp giảng dạy thiếu thực tế và không đạt chuẩn, tăng ni sinh đến để giết thời giờ, khỏi làm công việc ở chùa, chẳng những thế, giữa tăng và ni sinh tại Vĩnh Nghiêm có sự giao lưu thân mật ngòai giới hạn, dân chung quanh chùa hằng ngày chứng kiến như xem bộ phim quá nhàm chán. Một người gần đó,than, thầy tu như thế mà mọi người cứ nhắm mắt cúng dường là sao!
Trong giáo trình Cao cấp Phật học, tương đương đại học, đòi hỏi sinh viên nỗ lực khá nhiều, nhưng bề rộng nhiều hơn chiều sâu, sinh ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nhật…cổ ngữ như Pali, Sanscrit liệu có cần tòan bộ cho những học trình như vậy mà sau khi tốt nghiệp, họ có thể tự chọn để đi vào chuyên sâu. Một số giáo sư có bằng tiến sĩ từ An Độ hay Âu Mỹ, chưa đủ kinh nghiệm giảng dạy, làm cho giảng đường như ong vỡ tổ, tăng ni sinh chán nản và thấy vô nghĩa, mất thời gian, một số không cần bằng cấp, chứng chỉ, họ nghĩ học, về tự nghiên cứu, tự học hỏi
Những học đường PG như vậy, chú trọng về kiến thức nhiều hơn đạo đức và tâm linh, cuối cùng, những vị tốt nghiệp chẳng khác nào ông cử bà tú của thế tục, không giúp gì cho một tu sĩ trên con đường tu tập tự thân hay nhà mô phạm đạo đức cho quần chúng, thậm chí nâng cao ngã mạn với những học vị, thiếu tinh thần trách nhiệm trước sự tồn vong của Phật Pháp !
- Ngòai việc nuôi chúng và truyền đạt đạo lý, trang bị kiến thức, sau 1980 phong trào Kiết hạ an cư bắt đầu rộ nở, những chùa có bề thế đều muốn làm trường hạ; Ngày xưa, An cư là truyền thống tốt đẹp, ba tháng trong năm, sau chín tháng hoằng hóa, Phật chỉ định chư tăng cấm túc, vừa tránh vô tình sát hại côn trùng trong mùa mưa, vừa cùng nhau trau dồi đạo đức, thúc liễm thân tâm, kiểm điểm luật giới, tăng cường thiền định.,. thế nhưng, với cơ chế thị trường và thời đại tryuền thông ngày nay, một số tụ điểm kiết hạ biến thành tụ điểm kinh tế, sau ba tháng, chư tăng ra về với những phong bì và vật phẩm hậu hỹ, khi mà ban tổ chức trường hương thanh tóan mọi chi phí , còn lại, theo giáo phẩm mà việc hồi hướng nặng nhẹ có khác.Những trường hương nào sung túc, năm sau số lượng tu sĩ đăng ký nhập hạ càng đông. Nội quy trường hạ thả nổi, tại chùa Quảng Đức, quận 12, những năm trước đây, chiều tối, một số tăng trẻ ra ngồi quán cà phê, ghẹo gái, nghe nhạc, nửa khuya mới trèo tường vào chùa.Ban tổ chức không cần quan tâm, mặc dù tín đồ phản ánh! Miễn có người nhập hạ đông để nhận cúng dường.
Hầu hết các điểm an cư là nơi giao lưu chư tăng thập phương, trao đổi mọi chuyện từ sao hỏa đến thâm cung bí sử, từ chiến sự đến du hý vào lúc nhàn rỗi, tuyệt nhiên không nghe luận bàn về phật pháp hay kế họach truyền bá PP, pháp hành tu tập…một vài bậc chân tu ở chung không khỏi chạnh lòng cho sự tha hóa của tăng trẻ ngày nay. Hầu hết các trường hạ thành phố, tăng trẻ đều phung phí thời gian một cách đáng tiếc, nhưng khi Bố tát kiết giới, vị tuyên xướng luật giới hỏi có ai sai phạm, tất cả im lặng như một sự thanh tịnh thật sự!
Trường Phật học và trường hạ là tụ điểm giáo dục của PG, nhưng ngày nay, trở thành tụ điểm đáng báo động mà chư tôn túc có trách nhiệm cần quan tâm chỉnh đốn để khỏi đánh mất niềm tin qưần chúng và tha hóa tu sĩ.

II/ Truyền Bá Giáo Pháp, đó là thiên chức của ban Hoằng Pháp và các vị trụ trì . Ban Hoằng pháp chưa thóat được lối mòn của những thế kỷ xa xưa, do nhiều nguyên nhân:
a/ HT trưởng ban kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ, do thế, không chức vụ nào được hòan thành xuất sắc.
b/ Ban Hoằng Pháp không có những cố vấn chuyên môn, cập nhật kiến thức và khoa học trong nghiệp vụ. Mỗi lần ngài trưởng ban đi truyền giảng, kéo cả ban bệ đạo tràng Pháp Hoa mở đường và tiếp đón, chủ yếu phô trương nhiều hơn là chú trọng kết quả công tác.
c/ Trong lối đào tạo diễn giảng, mang tính chung chung của những chủ đề giáo lý chung chung. Chưa giúp cho giảng viên, giảng sư nắm được tâm lý xã hội, kiến thức cập nhật,yếu tố quần chúng, đối tượng thính giả và ngôn ngữ bình dân, ôm cứng chủ đề bằng thuật ngữ chuyên môn, người nghe cảm thấy thiếu hứng thú.đưa đến tình trạng : giảng sư nói giảng sư nghe, thính chúng nói chuyện như chợ chồm hổm, chủ đề và nội dung buổi giảng không liên hệ gì với cuộc sống thực tại, cứ như ngôn ngữ người cỏi trên không liên hệ gì đến cõi hạ giới!
d/ Không biết chiêu hiền đãi sĩ, nghĩa là không tận dụng nhân tài ngòai tổ chức. Ví dụ: hiện nay, giảng sư Thích Chân Quang, một giảng sư tài hoa duy nhất tại VN, có ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng PG trong nước cũng như ngòai nước, bởi lẽ, đem PG vào quần chúng bằng hình thái tâm lý xã hội và ngôn ngữ giản dị; cũng là tổ chức sinh họat PG duy nhất hiện nay, qua dĩa hình, biết minh họa nội dung muốn diễn đạt, một cách khoa học, tinh tế và chuyển ngữ, thích hợp nhiều trình độ, với những chủ đề gần gũi cuộc sống, mang tinh thần dân tộc, đạo lý rất thực tế làm cho người nghe đi vào PG một cách dễ chịu. Phật Đản vừa qua, nhà nước đã biết tận dụng hiệu quả lời giảng của thầy Chân Quang, đưa vào trong mục An Ninh và Cuộc Sống , suốt ba lần trong ba ngày, để giáo dục quần chúng, tại sao PG không biết trọng dụng thỉnh giảng?
Cũng còn những giảng sư có tài, nằm ngòai tổ chức, chưa có điều kiện phát triển, vì Ban HP không cần nhân tài ngòai luồng. Giả thử không muốn xử dụng giảng sư ngòai luồng, ít ra Ban Hoằng Pháp và các giảng sư cần nghiên cứu những bí quyết mà cô Như Thủy và thầy Chân Quang đã thu hút được quần chúng.
e/ Ngoài ra, cũng còn một vài chức sắc PG gây trở ngại cho công cuộc hoằng pháp, ví dụ ông Chánh Đại Diện tỉnh hội Kom tum, Thích Đồng Trí, chùa Hồng Từ, suốt ba tháng hạ, ngăn trở không cho cô Tố Liên do Ban Hoằng Pháp Trung Ương bổ cử lên giảng hạ; Pháp sư Giác Nhiên về thăm cũng bị cản trở việc thuyết pháp, nhưng ông ta lại cố tình mời Pháp Sư Giác Nhiên đến viếng chùa để xin được viện trợ; Pháp Sư ngạc nhiên khi làm một Đại Hồng Chung đem qua Mỹ chỉ tốn tám chục triệu, Đồng Trí làm tại chỗ phải hơn một trăm, ngài đành bấm bụng cúng dường! Ong ta luôn mặc áo quần rách rưới, nhưng từ chối cho những Phật tử người sắc tộc đến chùa lễ Phật, còn khinh thị bằng những lời hạ cấp; Phật tử muốn thỉnh Giảng sư C.Q lên thuyết pháp, ông ta viện mọi cớ thoái thác; Một chức sắc như thế, luôn là trở ngại cho Phật sự, tại sao vẫn tồn tại nhiều nhiệm kỳ mà GH TW không quan tâm cải tổ? Bao năm qua, Phật sự tỉnh nhà không phát triển, ngược lại tín đồ rơi dần vào tay ngoại đạo, ông trưởng ban trị sự tỉnh hội sốt sắng giao hảo với các chức sắc chính quyền và các tôn giáo như một niềm vinh hạnh; chức vị trong PG là điểm tựa cho ngài tiến thân và lợi lộc cá nhân, những người như thế làm sao PG được phát triển.


Hầu như Phật tử đến chùa chỉ để cúng dường, tụng kinh và công quả, ít được các thầy giảng dạy. Do vậy, ít ai hiểu giáo lý, khi đối diện với sự cám dổ của ngọai đạo, hay sự kích bác của kẻ ác, người Phật tử dễ sa ngã! Những trụ trì không có trình độ giáo lý đã đành, những vị uyên thâm, cũng không hề có những buổi giảng vào những ngày sóc vọng khi tín đồ đến lễ sám mỗi tháng; TP HCM trên sáu triệu dân, chỉ có không quá năm điểm diễn giảng, mỗi điểm giảng không quá 200 người tham dự mỗi tuần, làm sao giáo lý đi vào quần chúng; Kito giáo, ngòai những buổi lễ Misa, các lễ theo mùa, thầy cả đều giảng phúc âm, chẳng những thế, kẻ kết hôn buộc phải cải đạo, hằng ngày đi học giáo lý, con sinh ra rửa tội, biết cắp sách đến trường phải tham dự giáo lý theo từng lứa tuổi; vì vậy khó mà tín đồ bị lung lạc đức tin .
Hoằng pháp là vấn đề tối quan trọng; nhờ tính năng nổ và kế họach truyền bá của Asoka sau Phật nhập diệt 3 thế kỷ, những vùng xa xôi như Tây Bá Lợi Á, chạy dài qua syri, Ai Cập..đều có sự hiện diện của PG; năm 1913 tại St Petersburg đã xuất hiện một ngôi chùa và nhiều Phật học viện gọi là Dastan; Tộc người Buriat và Kalmyk, Nga sô, thế kỷ thứ 17 đã có 300.000 người theo đạo Phật,nhưng, do tính thụ động mà PG Đại Hàn mất dần chân đứng trong xã hội; Afghanistan bị xóa trắng bởi Hồi giáo; do thiếu truyền bá mà quần chúng Phật tử trở thành mê tín, và PG dần rời xa quần chúng. PG là tôn giáo xưa nhất, thế mà tòan thế giới chỉ có 295.570.780 tín đồ, những tôn giáo xuất hiện sau PG trên 6 thế kỷ như Kito giáo La mã, hiện nay tín đồ có trên một tỷ , Hồi giáo cũng gần bằng; do việc truyền bá thiếu hiệu quả chứ không phải giáo lý không thích hợp với kiến thức thời đại. Ban Hoằng pháp nói riêng, tất cả chư tăng nói chung, phải xét lại phương cách sinh họat trước sự chuyển mình mau lẹ, linh họat của các giáo phái Kito giáo hiện nay tại VN.
Do tính thụ động của tu sĩ mà các nước PG nay mất dần chân đứng, Kitô giáo đang phát triển ở Nhật, Thái Lan, Triều Tiên, Lào, Campuchea,Srilanka… và nhất là VN với cấp số nhân.


III/ Khuynh Hướng Nhập Thế - Như phần trên đã trình bày, khi đất nước đối đầu với luồng sinh khí mới lạ từ Au Tây, mọi sự không còn nằm trong mô hình gia đình và truyền thống, việc tổ chức theo hệ thống quả là hiệu quả và trật tự, vì thế PG đã làm quen với mô hình tổ chức giáo hội theo thế tục của Kito giáo; việc đào tạo giáo dục tu sĩ cũng rập khuôn chìều hướng đó, nhưng quên rằng tinh thần PG khác với tinh thần tôn giáo phương Tây ( tuy Kito giáo xuất phát từ phương Đông, nhưng qua 20 thế kỷ đã được phương Tây quy củ hóa tổ chức, và tinh thần thần học khác với tinh thần tùy tính của PG );
Duy nhất trong PG, tổ chức Thanh thiếu niên Phật tử mệnh danh là Gia Đình Phật tử, một tổ chức thành công nhất, ngược lại hệ thống tu sĩ, theo mô thức tổ chức mới, là một thất bại nặng nề nhất. Bởi lẽ,GĐPT mang tính sinh họat nửa tôn giáo, nửa xã hội, chủ yếu giáo dục, vì vậy việc hòa nhập xã hội dễhơn tổ chức tu sĩ.
a/ Giáo Quyền – Với tinh thần tự giác và dân chủ của Đạo Phật, ngay từ Phật còn tại thế’ một giáo hội không theo mô hình tổ chức quyền lực chiều dọc như ngày nay. Tuy đức Phật là vị sáng lập ra PG, giáo đòan thuộc quyền hướng dẫn của ngài, nhưng mọi quyết định liên hệ đến giáo đòan và Phật sự, ngài đều tôn trọng ý kiến của đại chúng; Điều hành, bổ cử sứ giả hoằng pháp đều tùy thuộc về sự hòa hợp và tự nguyện của đại chúng; Ngày nay cơ chế tổ chức, quyền lực theo hệ thống dọc, không thích hợp với tinh thần bình đẳng của PG, GHPG không có giáo quyền tuyệt đối, việc điều hành còn du di tùy tiện, kém hiệu quả. Một tổ chức lỏng lẻo trong một xã hội nề nếp, bên cạnh những tôn giáo có kinh nghiệm tuyệt đối về tổ chức và điều hành, chắc chắn, PG sẽ chậm phát triển và họat động thiếu hiệu quả.
b/ Thu thập kiến thức – Tu sĩ ngày nay trình độ học vấn nhiều hơn xưa, bằng cấp cao hơn và ngã mạn nhiều hơn; Người đời trang bị khoa bảng để có bổng lộc, nuôi thân và gia đình, tu sĩ sau khi cầm mảnh bằng, không biết làm gì, muốn đóng góp cho GH, không có chân đứng, trở lại điểm khởi đầu ê a vài thời kinh để qua ngày ngày đọan tháng. Tự mình không tìm được lối thóat bế tắt. Thất vọng vì tập thể GH không đem lại cho tu sĩ tín đồ một hy vọng sáng sủa, và chính tự thân tu sĩ cũng không tìm cho mình một phương án lý tưởng cho việc tu tập hoặc đóng góp gì cho PG và đất nước đúng nghĩa. Một ít tăng sĩ theo những môn học không dính dáng gì với người tu, ví dụ Kế tóan Tài Chánh…hoặc đi học theo phong trào, không có căn bản!
c/ tập làm kinh tế - Một số lại thiên hướng kinh tế, chuyên gia tổ chức hành hương, làm tương chao thực phẩm, nhang đèn, áp phe cò đất, chạy án hoặc huy động vốn, cầm cố thế chấp…Tất cả thành phần như thế, đạo không trọn mà đời cũng không thành đạt, không có kinh nghiệm cạnh tranh phát triển, lắm khi bị thất bại, thời giờ đâu cho việc tu tập hoặc hướng dẫn Phật tử!
d/ sinh họat từ thiện - Một vài vị có tâm hơn, lăn xả vào công việc từ thiện , lo cho trẻ em khuyết tật, cô nhi, bệnh xã hội, phong cùi…không có nguồn tài trợ ổn định, làm theo mùa, không nhân sự, thiếu tổ chức, phần lớn bỏ dở buông xuôi.
GH chưa tổ chức một sinh họat xã hội cho ra hồn, chưa có một đòan thể như Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội trong thời bình để sự có mặt PG trong cuộc sống có ý nghĩa hơn; Tuy nhiên, vẫn có tổ chức từ thiện không thuộc GH mà họat động khá hiệu quả, cũng là hội TT duy nhất của PGVN hiện nay, đóng góp nhiều mặt như xây nhà tình thương, làm cầu đường nông thôn,cấp học bổng và phát quà cho học sinh đạt 4 tiêu chuẩn – Hiếu kính cha mẹ – tôn trọng thầy cô – tử tế bạn bè – đòan kết yêu nước; phát quà cho những gia đình neo đơn; mổ mắt từ thiện cho người nghèo…đó là HTT Phật Quang.
Ngòai ra, do khuynh hướng nhập thế đa diện, tu sĩ thiếu cơ bản giới đức và chân tâm, đã sai phạm vào những cám dỗ khó từ chối, cơ bản vì hành xử với mục đích tư lợi; Do thế, ta không lạ khi thấy PG nhập thế không đem lại hiệu quả hoằng truyền chánh pháp như Kito giáo La mã và Tin Lành mà hiệu quả là đánh mất niềm tin trong quần chúng!~phải chăng PG đang đứng bên lề xã hội!

IV/ Chất Liệu Hướng Nội, trong cơn cuồng phong của cuộc sống thực dụng , cuốn hút không nhỏ số tu sĩ thiếu trang bị phẩm chất nội tâm, làm chao đảo hình ảnh cao đẹp của PG trong lòng quần chúng, rất may, vẫn có một số bậc chân chính, hoặc ẩn tu, hoặc nhập cuộc hướng dẫn cho một số cùng khuynh hướng trở về nương tựa chính mình, hoặc xử dụng tâm lý đạo đức PG vào lòng xã hội, giúp một bộ phần quần chúng có điểm tựa cho niềm tin, giúp họ thánh thiện và mẫu mực hơn.
Những bậc chân tu đó, có thể thiên hướng Tịinh Độ, có thể nhiều lọai thiền khác nhau, nhiều pháp tu khác nhau, mục đích chung điểm là giúp mình và người trong cuộc có một sự thanh thản an lành và thăng hoa, hữu dụng cho cuộc sống, giải thóat phiền trược trong hằng ngày. Đó là điều tối cần để sinh lực PG được lưu truyền trong xã hội;
Hiện nay, do nhu cầu tâm linh khi cuộc sống xô bồ làm mệt mỏi chán chường và căng thẳng, họ tìm đến với tôn giáo và một số hình thái tín ngưỡng phi tôn giáo; Có một số xuất phát từ trong nước, có một số du nhập từ nước ngòai; dĩ nhiên do trình độ tâm linh và kiến thức thẩm định không đồng nhất, các nền tín ngưỡng và tôn giáo đó được nồng nhiệt chào đón và chấp nhận một cách dễ dàng mà không cần nhận xét, và nếu nhận xét, cũng không y cứ vào tiêu chuẩn nào, đó là cái khó cho quần chúng mà PG chưa giúp gì để người Phật tử chọn cho mình một pháp hành đúng đắn; Chẳng những thế, ngay trong một số chùa, vẫn dung nạp những hình thức tín ngưỡng không chính đáng; Ta tạm lược sơ qua vài hình thức tín ngưỡng hiện có trong nước:
-Ngòai các hệ phái Kitô giáo như Vatican, Tin Lành, Islam, còn có B’hai, An giáo ; mặc dù một số trường phái tu tập có từ xa xưa, nhưng phát triển gần đây tại VN như Quán Am do thánh sư Bare Maharaji và các chân sư truyền thừa; Năng lượng sinh học của Dasira Narada do Lương Minh Đáng phổ biến; Nội tâm tĩnh lặng do Dadi Ranji thuyết giảng, phép luyện khí công của Yoga … là những môn mang tính khoa học và khoa học tâm linh, phi tôn giáo, giúp chúng ta hướng về và phục hồi năng lực tâm linh, giải thóat mọi áp lực tinh thần và hệ trược của bản năng.
- Một số tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Hòa Hảo, còn có tín ngưỡng nội sinh như Pháp Vô Vi của Lương Sĩ Hằng, Thủy hỏa ký tế Lão Đam ( được khôi phục tại VN ) Thần quyền chân truyền…
- Một số sinh họat tín ngưỡng dân gian như Đồng bóng, Tứ Phủ, Cầu cơ cầu hồn; Một lọai hình bán tôn giáo, bán tín ngưỡng như Diêu Trì Kim Mẫu và Maria, Phật và Chúa thờ chung mà không có một giáo thuyết nào làm cơ sở cho lọai hình nầy như Cao Đài. Và còn có một lọai không mang danh xưng nào, sinh họat bí mật, không phổ biến, người tập ngồi tư thế thiền, buông thả tâm trí sau khi đọc câu mật chú, sau đó tiếp nhận điển lạ, đưa đi cảnh giới khác học hỏi…
- Một lọai hình tâm linh phi tôn giáo, phi tín ngưỡng, phát sinh ồ ạt sau 1975, đó là Ngọai Thấu Thị, còn gọi là Ngọai Cảm, chuyên hướng dẫn truy tìm mồ mả
Người Phật tử và ngay cả một số tu sĩ còn bỡ ngỡ, hoặc chấp nhận như một hiện tượng mới lạ, hoặc nhắm mắt chống đối mà không chịu tìm hiểu căn cội và hiệu quả vấn đề’ Ngòai những lọai hình tín ngưỡng không rõ ràng, loại hình khoa học tâm linh, không có giáo điều, không có giáo chủ, nâng cao năng lượng sinh học, giúp cho thể lực. tâm lực và trí lực phát triển, chúng ta cần quan tâm chọn lọc.
Các tôn giáo thần quyền biết cách tiếp thị, đã ăn khách khá nhiều tại VN hiện nay; PG tuy là một tôn giáo sâu sắc về học thuyết, hiệu quả về tâm chứng, đạo đức về giáo dục, ôn hòa mặt xã hội, nhưng chưa giúp cho quần chúng nắm bắt được trọng điểm, dễ bị ngọai đạo lôi cuốn; đưa đất nước đến cực đoan bạo lọan. Muốn giúp cho quần chúng phân biệt đưực chánh tà, đúng sai trên thị trường tín ngưỡng tôn giáo, chúng ta xét các tiêu chuẩn như:
Nếu là tôn giáo, phải hội đủ tiêu chuẩn đạo đức tâm linh và đạo đức xã hội, đem lại đòan kết dân tộc, có tinh thần yêu nước và tôn trọng sự sống.
Nếu là tín ngưỡng, phải là lọai tín ngưỡng giúp cho hành giả đạt một trí tuệ, tình thương và ý thức trách nhiệm, không làm hại đồng bào và tha hóa bản thân, hiệu quả tốt đẹp có thể được thể nghiệm.
Chúng ta không hy vọng có một tôn giáo thống nhất, vì trình độ, căn cơ không giống nhau, hàng ngàn năm trước cho đến hàng ngàn năm sau vẫn thế, có thể tôn giáo, tín ngưỡng nầy họai, tôn giáo tín ngưỡng khác phát sinh, khó có một tôn giáo duy nhất, dù tôn giáo đó chân chánh, biểu tượng cho chân lý; Có thể bảo, tôn giáo là là biểu hiện nhu cầu tâm linh của quần chúng ở trình độ thấp, khi chưa có cái gì thay thế, hay xã hội chưa tiến đến cực điểm văn minh; lý thuyết là thế, nhưng thực tế tín ngưỡng tôn giáo là phản ánh nhu cầu tâm linh, dù dưới Xã hội Duy Vật, con người cũng tìm riêng cho mình một niềm tin vô hình che dấu dưới nhãn hiệu nào đó!
Ngòai ra tín ngưỡng bình vôi ông táo không nên được xem là điều cần phải có trong xã hội; PG không bảo thủ cố chấp riêng tín ngưỡng của mình, sẳn sàng chấp nhận những cái ngòai PG mà không đi ngược lại tinh thần tu tập PG, có thể hỗ trợ cho hành giả có thêm điều kiện thăng tiến tâm linh, hoặc không làm cho quần chúng đi lùi với tiến hóa.
Mục đích hướng nội trong PG giúp chúng ta an lạc và giải thóat hiện thực, không bị ô tạp chi phối mà vẫn có trách nhiệm với xã hội; Phương tiện hướng nội là những pháp hành của những pháp môn; chất liệu là năng lượng sinh học tự thân; Các đạo tràng, các tu viện, các già lam chuyên tu cần tìm và phối hợp những mô thức hiệu quả nhất giúp quần chúng phát triển tâm linh, an lành cuộc sống, không cố chấp trong một pháp hành truyền thống lỗi thời.


V/ Hình Thái Tổ Chức, hình thái một GH từ thời Đức Phật không nặng về tổ chức mà nặng về tu chứng và truyền pháp; Qua nhiều thời đại và xã hội, PG hòa nhập và thích nghi, để đáp ứng nhu cầu xã hội, PG bắt đầu ghép mình trong khuôn khổ tổ chức hành chánh, nặng phần trình diễn, riêng cho PG, tổ chức càng chi ly, càng đánh mất tinh túy của tâm chứng, nói cách khác, giữ đúng tinh thần PG, không thể có một tổ chức hòan chỉnh và hiệu quả!, vì thế, những tổ chức GH trong quá khứ, tạm gọi là tổ chức không tổ chức; vì PG chưa tìm đúng mô hình hòa hợp thích nghi giữa thế tục và PG; Tổ chức giáo đòan, GH,tu viện, già lam của PG là lọai hình gia đình của Á châu, một đơn vị tổ chức trộn lẫn tình thương, trách nhiệm, giáo dục và hòa hợp, không như tổ chức hành chánh chỉ mang tính quyền lực và trách nhiệm;
a/Sau khi PG bắt đầu kết hợp các hệ phái thành một GH, tu sĩ chưa quen mô hình mới, chưa có tinh thần trách nhiệm của chức năng, không có tình thầy trò trong công việc, không có tình cảm môn phái, không có trình độ hành chánh, ngay cả nhiệm vụ chuyên ngành cũng không nắm vững, vì thế dẫm chân tại chỗ,và dẫm chân lên nhau; Đặc biệt sau 1982, GHPGVN ra đời lại là lọai hình không đủ yếu tố hòan chỉnh của GHPGVNTN trước đây, cũng không thêm được nét sáng tạo giữa tổ chức hành chánh và tổ chức giáo đòan để có một sắc thái cá biệt; đây là nét chung của người VN ta; Cũng thế, dân tộc ta luôn có tính dân tộc, nên ngàn năm Bắc thuộc, ông cha ta luôn tìm cách thóat khỏi ảnh hưởng ngọai bang, trong đó có văn hóa, từ Hán tự, biến ra chữ Nôm, nhưng hình tượng thiếu đơn giản nên mất tính đại chúng; Trong khi đó, một số quốc gia cũng bị đô hộ, nhưng họ vẫn giữ được nét văn tự truyền thống như Campuchea, Thái, Lào, Đài Loan, Nam Triều Tiên; Riêng VN ta tự hào đã tiếp thu mẫu tự La Tinh của các cố đạo Bồ Đào Nha; tuy đó là ưu điểm cho việc truyền bá tôn giáo và văn hóa phương Tây, nhưng là điều tủi nhục cho dân tộc, vì cha ông chúng ta chưa kịp sáng tạo một dạng tự thích nghi thời đại như Nhật Bản; Xứ Hoa Anh Đào cũng xử dụng La Tinh, gọi là Romaji trong lãnh vực hành chánh, riêng quần chúng chỉ dùng chữ Hiragana và Katagana biến thể từ chữ Hán; Trong PG, khi đối đầu với một xã hội theo nề nếp thời đại, truyền thống sơn môn vẫn còn phảng phất sinh khí gia phong, lại sinh hoạt theo nề nếp tân thời, chưa kịp định hình một tổ chức đặc thù, vừa thích nghi xã hội, vừa giữ được nét cá biệt, nên cơ cấu tổ chức thiếu hiệu quả, chẳng phải tân mà cũng không phải cựu; Dẫu sao, GHPGVNTN vẫn còn thể hiện được tính bình đẳng trong tứ chúng, ni giới có ni Bộ đại diện, cư sĩ nam nữ có tổng vụ cư sĩ tham gia. GHPGVN ngày nay, tổ chức như có hình thức, Phật sự không cần hiệu quả, nếu không là vật trang trí thì công việc trôi chảy hay không cũng chẳng phải trách nhiệm của hàng giáo phẩm, có lẽ quen lệ thuộc bao cấp bao tiêu!
Đại hội PG vừa qua, Hồng Quang cũng đã đặt vấn đề chiếc ghế một chân, một tổ chức vừa phản khoa học, vừa phản tinh thần giáo đoàn, nhưng hình như tham luận chỉ là tham luận, không ai buồn quan tâm cải thiện cho PG tiến bộ hơn.
b/ Trong các ngành của GH, đoàn thể cư sĩ nam nữ đóng vai trò quan yếu, vừa hộ trì chánh pháp, vừa giáo dưỡng hậu lai, thế nhưng Ban hướng dẫn Nam Nữ Cư Sĩ không huy động được tìềm năng của lực lượng Gia Đình Phật Tử tồn tại trên 50 năm, họ có quá nhiều kinh nghiệm giáo dục thanh thiếu niên. Người có trách nhiệm chuyên ngành không đủ tư cách thuyết phục các đoàn sinh ngoài luồng, luôn mượn tay công an địa phương, dùng áp lực đe dọa, một thái độ sai lầm của thế tục, thiếu khôn ngoan của một người con Phật. Đáng ra, với tư cách đạo đức của một người huynh trưởng, với tình thương chân thật của người áo lam, đến với nhau bằng cả tấm lòng vị tha và chính nghĩa, làm sao các em không chấp nhận mình ! tiếc thay, những huynh trưởng trong hệ thống GH hiện nay, chưa thể hiện một tư cách gương mẫu, ngược lại các đơn vị Gia Đình ngoài luồng vẫn giữ được truyền thống giáo dục và tác phong áo lam rất tốt
c/ Những tiềm lực còn lại trong hàng cư sĩ, bàng bạc khắp mọi ngành nghề mà GH vẫn chưa biết cách quy tụ, chính vì thế mà một số rẽ lối theo các tôn giáo khác, hoặc bất mãn PG vì không phân biệt được những ai là chân tu, ai là ẩn dương nương Phật; Nhưng, cũng từ hàng bạch y đó, không thiếu những tâm hồn tu tiến, có một nhiệt tâm và phong cách xứng đáng của người con Phật, GH không biết trọng dụng. Miền Trung, ngày trước, cư sĩ cũng từng là giáo thọ cho tăng chúng như Tâm Minh bs Lê Đình Thám, Thiều Chửu, Đoàn Trung Còn…những vùng xa xôi, cư sĩ thay mặt chư tăng đăng đàn thuyết giảng cho Phật tử, dẫn lễ ma chay…Năm 1963, nếu không có hàng cư sĩ, PG làm sao tạo một vết son trong bia sử! Ngày nay, ngoài nghĩa vụ cúng dường, cư sĩ không có quyền góp tay xây dựng ngôi nhà chung PG,đây là dấu hiệu độc quyền đưa đến độc đoán trì trệ; quan niệm cư sĩ chỉ có bổn phận cúng dường là con mang tư tưởng phong kiến lỗi thời!
Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ đã làm được gì với tiềm lực to lớn của Phật tử tại gia?
Chính vì cơ cấu tổ chức thiếu cân bằng, bánh xe hoằng pháp thiếu hiệu quả, kéo theo nhiều tệ nạn cửa quyền, tham ô, chư tăng biến thành những quan chức không tóc, xa rời quần chúng, GH biến thành tập đoàn tha hóa, phe cánh, hưởng thụ…

MỘT TƯƠNG LAI PG
Giữa những tạp nham trong cuộc sống hiện nay, quần chúng đang cần đến một điểm tựa tinh thần; Phật tử và tu sĩ cũng hướng đến một nhu cầu tâm linh chính đáng; Các tông phái như Thiền, Tịnh, Mật cũng muốn trăm hoa đua nở, một số đạo tràng phát triển, nhưng chưa đủ mạnh; Đây là điểm đáng mừng, báo hiệu những tha hóa sẽ bị đẩy lùi vào bóng đêm, những dạng tu sĩ phi pháp sẽ bị đào thải. Trong cơ chế hiện nay, vấn đề tín ngưỡng được mở rộng, tôn giáo tự do phát triển, đây là hình thái sinh hoạt lành mạnh giúp luật pháp nhẹ phần trừng phạt, nhà tù sẽ thuyên giảm, bệnh viện tâm thần cũng bớt bệnh nhân, và nhất là văn hóa dân tộc được xác định và củng cố, đó là những cố gắng tự phát mà không do GH chủ động.
Tình trạng một GH bất lực, quần chúng sẽ tự động tìm một lối thoát khả dĩ; chư tăng không đủ niềm tin cho tín đồ nương tựa, họ tự nương tựa chính mình.
Ngoài hệ thống GH cần chỉnh đốn cho thích hợp với PG, trình độ và đẳng cấp tu sĩ phải tương xứng với niềm tin của họ, một nhu cầu tất yếu là đạo đức và nội lực tu tập của chư tăng song hành với kiến thức thời đại; một tổng thể đó có nhiệt huyết, sống đơn giản và đức hy sinh mới hy vọng có một sắc thái tích cực cho PGVN.
Từ những thành phố đông dân đến các vùng sâu, vùng cao, trên sân chơi tôn giáo, đạo Phật đang bỏ trống nhiều mặt bằng; Cao nguyên Trường Sơn chạy dài ra Bắc bộ,Tin Lành thao túng như chỗ không người; Các vùng đồng bằng, Kito La Mã ra sức củng cố; Miền Tây Nam bộ, Champa có hậu thuẫn Hồi giáo đang lấn sân; Liệu PGVN có rút sâu vào rừng núi như PG Nam Triều Tiên đã từng làm sau đệ nhị thế chiến, sân chơi đã bị Tin Lành thế chỗ, đó là chuẩn bị cho một tấm khai tử giữa lòng dân tộc. Hiện tượng thụ động, thiếu trách nhiệm, chia rẽ suốt 30 năm đã là một minh chứng mà chưa đủ đánh thức các lương đống nắm vận mệnh PG hiện tại.
Bên ngoài các Phật tử nhiệt tâm, hướng về VN mong có một PG vững mạnh, để xây dựng quê hương, nhưng họ không hiểu được thực trạng trong nước, lắm khi mặc cảm quá khứ, có những động thái vô tình tạo sự chia rẽ trong nội bộ chư tăng và gây hoài nghi cho nhà nước, thêm một khó khăn cho đạo Phật nước nhà!
GH lắng nghe và tiếp nhận khả năng đóng góp của tứ chúng hầu cải thiện PG và ngăn chận những bất toại tồn tại trong đạo Phật gần phân nửa thế kỷ; Niềm hy vọng nếu thành đạt, chắc chắn PGVN sẽ là một tổ chức PG kiểu mẫu cho PG trong khu vực mà hiện nay, ngoài hình thức phô trương, PG các nước cũng không hơn gì PGVN ta hiện nay.
Và nếu GH không hoàn thiện thì chính nội tình PG là tội phạm xã hội nhiều nhất tính theo tỷ lệ; Nếu PG là tôn giáo mẫu mực cho quần chúng, là Thiên Nhân chi Đạo Sư, chắc chắn góp phần không nhỏ để đất nước phồn vinh!



MINH MẪN
21/6/06

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét