Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

VĂN MIẾU


8.20 tối 24/4, tôi và 5 người bạn đã đáp tàu hỏa về Hà Nội, sau một ngày sống với Sapa tuyệt đẹp, một đêm với khí hậu Sapa trong lành yên tĩnh. 5g sáng hôm sau đã đến ga Hàng Cỏ và kịp theo đoàn đến thăm khu Văn Miếu.

Nói đầy đủ hơn là: Văn Miếu Quốc Tử Giám, một trường đại học đầu tiên tại VN. Sau khi lên ngôi, 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên là Thăng Long. Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ viết: “Thành Đại La là nơi ở cũ của Cao Vương ( tức Cao Biền ) nơi trung tâm đất nước, có hình thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây có núi sông che chở bao bọc tiện lợi. Đất ở đấy rộng mà bằng phẳng, cao mà khô ráo, dân cư không phải khốn đốn vì nỗi tối tăm, ẩm thấp, vạn vật phong thịnh tưoi tốt. Xem khắp nước Việt ta, đấy là nơi thắng địa, chỗ bốn phương tụ hợp, có thể làm thượng đô kinh sư cho muôn đời.”.
1070 vua Lý Thánh Tông xây dựng khu Văn Miếu, 1076 vua Lý Nhân Tông đổi tên Quốc tử Giám. 1236 đổi tên là Quốc Tử Viện, sau gọi là Quốc Học Viện.

Nhà Lý bắt đầu chăm lo giáo dục, học tập và thi cử để đào tạo nhân tài cho đất nước, từ đó đã lập Văn Miếu. Sừ gia Ngô Sĩ Liên đã viết:” năm Canh Tuật niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông, mùa Thu tháng tám dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử,, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế…”

Văn Miếu Quốc Tử Giám gồm có: Bia hạ mã - tứ trụ - cổng Văn Miếu - cổng Đại Trung – Khuê Văn Các – 82 bia Tiến sĩ và giếng Thiên Quang - cổng Đại Thành – khu điện Đại Thành - cổng Thái Học – khu Thái Học – khu Hồ Vân – và khu Vườn Giám

Ông cha ta đã xem trọng việc giáo dục và đào tạo nhân tài, vì thế mà gần 10 thế kỷ, đất nước ổn định thịnh trị, nhiều lần thắng ngoại xâm phương Bắc do tinh thần dân tộc đoàn kết và có mức độ văn hoá cao trong nhân dân. Qua nhiều cuộc chiến, kể cả chiến tranh nhân dân mà Hà Nội lãnh đạo để thống nhất tổ quốc trong thế kỷ XX, một số đình chùa miếu mạo bị trưng thu, nhưng Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn được bảo tồn đến ngày nay.( ngoài di tích có tầm vóc mà nhà nước đã bảo tồn, một di cổ đáng nói, do người dân bảo tồn, đó là chùa Pháp Vân ở Hà Nội, vào thời Cải Cách Ruộng Đất, người dân đã chôn dấu một bảo tượng bằng đồng, bây giờ đã phát hiện khi trùng tu chùa. ) Một số khu vực bên ngoài thuộc phần đất Văn Miếu bị dân lấn chiếm, nhà nước đang tìm cách thu hồi để trả lại nguyên trạng cho khu di tích lịch sử văn hoá, một danh thắng biểu trưng tầm vóc văn hoá dân tộc vào niên kỷ XI. Và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới, nhà nước sẽ có nhiều công trình mang tầm vóc quốc gia cho tiền đồ văn hoá dân tộc để tưởng nhớ công ơn tiền hiền liệt tổ cha ông chúng ta. Thời kỳ chiến tranh đã qua, hiện tại nhà nước và nhân dân phải có bổn phận xây dựng đất nước và bảo tồn văn hoá tiền nhân

Đoàn Làng Mai chia làm hai cánh, một bên chư Tăng và cư sĩ nam, một bên chư ni và cư sĩ nữ vào cổng Tam Quan. Chia làm nhiều nhóm có sự hướng dẫn, giải trình của nhân viên du lịch. 82 bia Tiến sĩ đặt dưới hai hàng hiên. Bên trong các phòng có trưng bày đồ lưu niệm, nhạc khí bằng gỗ. Gian chính là tượng đức Thánh Khổng, phía sau nữa là tượng Chu Văn An; Ở vùng cao có những thắng cảnh hùng vĩ của thiên nhiên như Sapa thì tại đồng bằng không thiếu những di tích trầm lặng hào khí như Văn Miếu, cố đô Thăng Long, cổ thành Huế và bao thắng tích rải rác ba miền. Có chứng khiến, có đi đến mới thấy đất nước ta đáng trân quý, cha ông ta thật vĩ đại, để lại cho cháu con một gia tài văn hoá và một địa dư tuyệt đẹp cần phải bảo vệ.
Thiền sư Nhất Hạnh ngồi ngay bực thềm phía Tây từ cổng đi vào sân chính, một số Tăng thân và phật tử vây quanh trò chuyện hát xướng; hôm nay các cháu học sinh tiểu học được kết nạp vào đội, tổ chức tại Văn Miếu, được quý thầy cô hướng dẫn, trống chiêng gióng lên, sau khi kết nạp, các cháu kéo nhau đến đối diện sư ông để hát: “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ, Như có Bác Hồ Trong ngày vui đại thắng, cháu lên ba”…Một số Tăng thân khác kéo nhau vào nội viện ngắm nhìn sờ mó, tinh nghịch các nhạc khí và đồ lưu niệm, nhờ thế các gian hàng tiêu thụ được một số mặt hàng mà ngày thường du khách chỉ đứng ngắm!

Sau khi một số bạn bè đến tâm sự, chị Hoàng Xuân Hương tiếp chuyện tôi tại sân Trình cửa Khổng ở Văn Miếu, điện thoại từ SG gọi ra: Anh ư ?sao anh không về lo gia hạn giấy phép kinh doanh gas, bây giờ họ phạt ba triệu, không có tiền đóng nên họ đòi kiểm kê tịch thu, mẹ con tôi lấy gì sống! Anh đi mấy tháng bỏ bê gia đình, đi như vậy để làm gì, lợi cho ai mà không nghĩ đến cuộc sống gia đình, không lo làm ăn cứ lo chuyện vớ vẫn chẳng ai cần mình, anh chỉ biết sống bản thân anh…Giữa đám đông, tôi không muốn phiền phức, tôi đáp: thì cứ để họ tịch biên, cho con nghĩ học, đi xin ăn có sao đâu!...Tôi sợ nghe giọng than oán, vội cúp máy, nói như thế, nhưng lòng không yên, quyết định tối đáp xe về lại TP HCM. Suốt hai tháng theo đoàn, ba lần bị gọi về lo giấy phép kinh doanh, tôi tảng lờ, thật lòng tôi chẳng bao giờ thoải mái suốt chuyến đi, áp lực cuộc sống gia đình, áp lực việc học của con mà nhiều lần định cho cháu nghĩ học dù cháu là học sinh xuất sắc TP, thỉnh thoảng nghe làng Mai than phiền hoặc được thầy Pháp Khâm đoàn Làng Mai triệu tôi và thầy Minh Thủ đến để làm việc, tôi nhớ lại những khi bị an ninh kêu lên thẩm vấn, tuy vắng mặt vì đi Sapa, nhưng tôi hiểu nội dung những điều thầy muốn giáo hoá, vì hầu như Tăng đoàn không vừa lòng lối viết khách quan của tôi,và áp lực của những độc giả khó tánh, thiên kiến, cực đoan.

Tuy vậy, tôi rất vui khi cuộc Chẩn tế ba miền đã thành công tốt đẹp. Riêng tại Hà Nội, tuy người dân còn nghèo, nhưng niềm tin của họ đáng cho người miền Nam nghiêng mình bái phục; Những cụ già gần chín mươi tuổi vẫn kiên trì chống gậy lên non tham dự Thiền hành; những chiếc xe cải tiến không tới 6m vuông mà chứa 15 cụ ông cụ bà ngồi lóc ngóc đưa cái đầu khỏi thùng xe như bầy vịt nhốt trong giỏ bội; những chiếc xe đạp không phanh, chỉ còn cái sườn và hai cái bánh, thế mà nhiều bà vượt trên 50 cây số để ghi danh con mình bỏ mạng trên đất Campuchea, chồng mình mất xác trên đường vào B, để nhờ công đức chư Tăng mà siêu bạt, họ cúng tờ giấy bạc 2.000 đồng VN để được lấy tấm giấy ghi nhận Công Đức, đem về để trên bàn thờ như tấm Tổ quốc ghi Công. Những bữa ăn tại chùa Sùng phúc, Đình Quán, Bồ Đề, Pháp Vân… do các đạo tràng thiết đãi thật trọng hậu mà chắc gì trên mâm cơm gia đình, chồng con họ có được món ăn ngon miệng.

Ngày về lại TP Hà Nội, đoàn thăm chùa Bằng A, gần sông Tô Lịch, thuộc làng Bằng, sau thời Pháp thoại cho Tăng ni sinh trung cấp Phật học, một cuộc Thiền hành trật tự, hàng ngàn người thành tâm rảo bước. Trong buổi nói chuyện với Ủy Ban Người Việt Nước Ngoài, trên lầu là nhân sĩ, quan khách có giấy mời, bên dưới đông đảo đồng bào các giới có mặt. Ông Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng bộ Ngoại giao tỏ lời ca ngợi và mong sư ông tiếp tục giáo hóa hàng năm tại quê nhà. Họ đã xem Thiền sư là một sứ giả văn hoá.

Miền Nam có sự nhộn nhã của cuộc sống sung túc, miền Bắc có sự nhộn nhã của niềm tin, qua hai tháng trên quê hương, chúng ta có đủ cơ sở thấy rằng những hiện tượng tiêu cực đối với đoàn chỉ là bề ngoài, ngoại trừ Ôi Huế của ta…ôm Huế vào lòng..Huế nhớ, Huế thương…có niềm chua chát, nhưng cũng có người bảo rằng:chắc gì được thế nếu có chuyến về lần thứ ba! Tất cả phát biểu chỉ là cảm quan cá nhân, còn tùy thuộc uy đức của một chân sư và tấm lòng của quần chúng. Nhưng hồn thiêng sông núi có đủ từ lực để vực dây một đất nước quá nhiều khổ đau tuy đã từng có những triều đại đề cao văn hoá giáo dục và trưởng dưỡng nhân tài như các thời đại Lý Trần của PG. PG đã từng xây dựng thịnh vượng cho tổ quốc chống xâm lăng, tại sao PG ngày nay không thể? phải chăng thiếu đoàn kết từ nội bộ và tha hoá từ mỗi cá nhân trong giới tu sĩ.
Tăng đoàn thăm viếng Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ đơn thuần là cuộc thăm viếng, mà phải là Bồi Đắp Gốc Rễ, Khai Thông Suối Nguồn đúng như tiêu chí của Thiền sư Nhất Hạnh đang về nguồn. Chư Tăng trong Tăng đoàn làng Mai cũng ý thức như thầy mình như thế thì mới tạo sự cảm thông, tránh sự phân biệt để ước vọng của thầy mình được hanh thông từ nội bộ PGVN.



MINH MẪN
25/4/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét