Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

VU LAN TRÊN QUÊ HƯƠNG


Vu Lan đã dến với dân tộc giữa bảo tố và lụt lội, giữa phát triển của đất nước và bất mãn trong một bộ phận trong dân chúng, giữa kinh tế thị trường và sự chật vật trong cuộc sống của xã hội; Những cái được và cái mất luôn là hai mặt nương tựa nhau để cảnh báo cho con người về tính hữu hạn và vô thường của đời người, thế nhưng, phần lớn vẫn luôn say men tranh đoạt, hơn thua, đuổi bắt chiếc bóng chập chờn trêu cợt kiếp nhân sinh!

Hành trình lịch sử lập quốc đến nay, dân tộc ta luôn đối đầu với tao loạn, hoặc từ kẻ xâm lăng đem đến, hoặc nội bộ dân tộc đoạt lợi tranh danh, mượn tay ngoại nhân trấn áp huynh đệ. Bao xác thân làm phân bón màu mỡ cho đất, máu đổ xuống tẩm tưới quê hương; lắm người dân vô tội nuốt lệ chia ly ruột thịt.!

Quê hương ta cũng từng có thời an bình suốt nhiều thế kỷ nhờ các minh chúa đạo đức, thương dân; tuy ngày tháng lam lũ trên đồng ruộng nương rẫy nhưng tiếng chày giả gạo đêm trăng, hội hè đình làng, lễ nghi truyền thống của xã hội nông nghiệp, người dân gắn bó tình làng nghĩa xóm một cách chân chất, đơn giản như làn khói chiều vương trên các nóc nhà tranh trong thôn ấp khi trâu về chuồng; Lũy tre bao bọc làng mạc biến thành những bóng đen đồ sộ chở che dân chúng khi màn đêm lên dần; Từng cánh diều ngã ngớn trên không trung vào Hạ, từng đoàn thuyền đua nhiều màu sắc trên sông vào hội Xuân, các lão ông nâng chén trà Cúc khi sương Thu chưa bị tia nắng đầu ngày xua đuổi; Mưa phùn gió bấc mùa Đông phủ ngập trắng xoá cảnh vật, người dân rét mướt trong tấm áo tời chằm lá; Tiếng gà canh khuya đánh thức nông dân chuẩn bị việc đồng áng, tiếng chó sủa đêm để cảnh giác chuyện bất thường, chú thỏ trắng trong vườn nhìn trăng đùa bởn…Toàn cảnh toát hiện nét thanh bình an lạc một thời trên quê hương xa xưa nghèo khó của dân tộc ta!

Rồi có lúc giặc phương Bắc tràn về, máu đổ thịt rơi, bao anh hùng nghĩa sĩ ngã xuống cho quê hương toàn vẹn; làng mạc thiêu hủy, cơ nghiệp điêu linh để nuôi chí bảo vệ dòng dõi Lạc Hồng. Những thước film chiến cuộc ngoại xâm cận đại, hàng triệu anh linh vất vưởng nơi rừng sâu núi thẳm; thân hình tuy nhỏ bé nhưng ý chí kiên cường, con của mẹ Việt Nam nằm phơi thây trên trận địa như vật vô thừa nhận, đồng đội uất nghẹn căm hờn, hậu phương tức tưởi; cuộc chiến nào trẻ thơ cũng phải chít vành khăn sô thờ thẩn!

Đại lộ Kinh Hoàng ngổn ngang xác người nằm lẫn đồ vật và xác thú; Mùa Hè Đỏ Lửa đạn bom cày nát đất mẹ đau thương… Qua bao cuộc chiến, người dân còn lại đôi tay trắng, tấm ảnh chồng con trên bàn thờ và nổi thất thểu buồn đau; cuộc sống xây dựng lại từ đầu; tuy cuộc chiến đi qua, nhưng mạng sống người dân vẫn tiếp tục ngã xuống bởi Thiên tai bảo tố lũ lụt; bởi tai nạn giao thông, bởi bệnh tật vì thực phẩm nhiều độc tố và nếp sống sa đọa, trụy lạc…

Cuộc sống thác loạn hưởng thụ bon chen đẩy xã hội ngày càng rời xa đạo đức. Tuy đất nước hiện tại thanh bình, nhưng một số hư hỏng biến chất đã tạo bất mãn đau thương cho đồng bào không ít. Vì bon chen hưởng lạc kéo theo bao tệ nạn đáng buồn; Trâu là gia súc gắn liền đời sống nông dân, giờ đây ngày càng khan hiếm vì bị lấy thịt. Những bầy trâu nhởn nha gặm cỏ trong chuồng, sáng ra đã thấy nằm la liệt, máu me sậm đất vì bọn bất lương chặt đứt gân chân; con bê đang bú sữa mẹ ngoài đồng, người chủ tham lợi, vật ngã xuống trói bốn chân, để nằm trên xe gắn máy 2 bánh, bẻ ngoặt cổ cột chặt vào sườn xe, đem bán cho các quán nhậu Bê thui, tiếng gầm thét đau thương của bò mẹ, tiếng ư ử của Bê con với hai giòng lệ chảy vì đau đớn, vì xa mẹ và chốc lát sẽ bị chặt đầu, chiếc sào dài cắm xuyên từ hậu môn lên cổ, đặt nằm trên máng than hồng để thu hút những thực khách háo ăn, kẻ đồ tể thiếu lương tâm vô tư như cắt ngọn cỏ, chủ chăn nuôi hả dạ bỏ xấp tiền vào túi như làm xong một nghĩa vụ bình thường. Những người từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp, mỗi sáng mang theo nồi thau soong chảo vào xóm làng xa xôi để đổi chó, cái giỏ sắt bình thường nhốt được hai con, chiều về gần hai chục con nhồi nhét chật cứng, mấy con chó nhỏ nằm dưới đáy giỏ le lưỡi, nước giãi tràn trụa, cặp mắt nhìn kẻ qua đường như van xin kêu cứu, bầy chó con là món khoái khẩu của kẻ thích ăn. một bầy gà vịt treo ngược đầu phía sau xe Honda chạy quanh quẩn phố chợ, một vài con thòng đầu quét lê trên đường nhựa, những con khác đủ sức ngửng đầu lên, nhưng cái Pô nóng đốt cháy lông đầu bốc mùi khét. Trâu bò, gà vịt, chó mèo, lươn rắn, ốc, sâu bọ, rắn rít… bất cứ con gì có sự sống đều bị tàn sát để cung ứng cho thực khách. Nổi đau thương của người, của thú, phủ trùm một màu uất hận đen đúa trong từ trường sinh học, vì thế xã hội luôn gặp phải tai ương khốn khổ!

Xã hội nào, thời đại nào cũng có những đau thương dưới nhiều dạng khác nhau; con người lo sợ đau thương nhưng cứ tạo thương đau cho kẻ khác, luôn sát hại đồng loại và động vật, luôn huân tập những thú tính để trở thành tính thú nhiều hơn tính người, vì thế khủng bố, bạo động xem nhẹ sinh mạng con người; cứ tạo những từ trường thô bạo, giết hại để chiêu cảm những bất hạnh trong cuộc sống; Thiên tai động đất, hoả hoạn, bảo lụt là kết quả của cộng nghiệp. Con người mãi lẩn quẩn trong vòng nghiệp quả đau thương, càng trốn chạy càng phạm thêm nhiều nhân ác.

Hàng năm, mùa Vu lan là lúc người con Phật học hạnh báo hiếu của chư Phật, làm lành, bố thí, cúng dường, ăn chay, phóng sanh để cầu nguyện cho thân bằng quyến thuộc quá khứ và hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền. Bốn ân nặng của kiếp người cần đáp đền: Ân cha mẹ, Ân quốc vương thủy thổ; Ân thầy bạn và Ân đàn na tín thí; Cha mẹ không chỉ một đời mà trải qua vô số kiếp, chúng sanh là cha mẹ lẫn nhau, đáp đền ân cha mẹ cũng là đền đáp thương tưởng đến chúng sanh muôn loài, đây là cơ bản khởi sanh lòng từ ái bình đẳng đối với mọi loài; giết hại tha nhân, tàn sát sinh vật cũng có nghĩa gây đau thương cho chính mình, vì giữa minh và muôn loài đều mang tính duyên sinh hổ tương không thể cách ly.

Năm 2007, Thiền sư Nhất Hạnh đã thiết lập Đại Đàn Chẩn Tế để cầu siêu bạt độ cho các vong linh hai miền, các chiến sĩ trận vong, các cô hồn hoạnh tử, chết sông chết suối, chết bờ chết bụi, chết núi chết rừng; những cái chết mà oan hồn chưa sẳn sàng chấp nhận, phủ ngập hắc khí trên toàn cỏi đất nước, tạo lắm ách tắc cho người sống, vì chúng ta quá hửng hờ đối với họ; ngoài ra, tư nhân cũng thường tổ chức trai đàn chẩn tế, nhất là tại Thừa Thiên. Ngày 16 và 17/3/âm lịch, tại Quảng Trị, anh em Giao Điểm cũng tổ chức đại Đàn tại Hải Lăng trên 10 ngàn người tham dự kỳ siêu, các cấp chính quyền địa phương đều tham gia, chi phí trên trăm triệu; Thế nhưng vẫn chưa đủ, vì trên mười một ngàn cán binh miền Bắc bỏ mình trên vùng địa đầu chiến tuyến đó, còn vô số đồng bào và binh sĩ miền Nam cũng ngã gục trước mũi đạn lằn tên, tất cả đều là đồng bào ruột thịt, là con Rồng cháu Tiên, niềm uẩn khúc đó phất phưởng theo nắng cháy, gào thét theo bảo tố, âm ỉ trong mưa phùn, làm cho mãnh đất vốn nghèo khó thêm khó nghèo bởi các anh linh chưa được chiếu cố đúng mức. Ngày 19 và 20 tháng 7 Â.L sắp đến cũng thế, với sự đóng góp của địa phương và quần chúng Phật tử, hổ trợ một phần của Giao Điểm, Đại Đàn Chẩn tế lại tiếp tục được thực hiện tại cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị, Chẩn Đàn nầy, do Ban từ Thiện Phật Giáo Quảng Trị kết hợp với Mặt Trận chính quyền tổ chức, với sự tham gia của chư tôn túc các nơi và do Ban Kinh sư Thừa Thiên Huế đảm nhiệm.
Có lẽ Quảng Trị là vùng chiến ác liệt nhất, nhiều xương máu tẩm tưới nhất, vì thế, bên cạnh đoạn đường xuyên Việt, Tượng đài Đức Địa Tạng đã dầm mình trong nắng cháy gió Lào, mờ nhạt trong mưa bảo, lưu trú cùng bao oan linh phưởng phất đau buồn suốt nhiều thập niên qua; Quảng Trị cũng là nơi duy nhất trong nước, chính quyền đã tôn tạo một Đại Hồng Chung nặng chín tấn, chi phí trên bốn tỷ, khai chung vào ngày 29/4/07 vừa qua để Thượng thông Thiên đường, hạ triệt Địa phủ cho chư vong linh nương âm thinh mà siêu sanh giải thoát. Tại sao Phật Giáo Quảng Trị không tổ chức Lễ Hội Địa Tạng hàng năm vào ngày vía của Ngài hay vào mùa Vu Lan như Đà Nẳng tổ chức Lễ Hội Quan Âm?

Quảng Trị là vùng chiến tuyến ngày xưa, là đòn gánh giữa hai đầu tổ quốc hiện nay, là vùng thiên nhiên không mấy ưu đãi, cũng là địa danh chiến sử, phải được quan tâm, chiếu cố đúng mức bù đắp những mất mát thiệt thòi kinh niên, không phải chiếu cố về mặt kinh tế mà chiếu cố đến tâm linh, luôn siêu bạt cho người quá cố đủ mọi thành phần, đủ mọi chủng tộc. Trước đây hàng ngàn ngôi mộ hoang được phát hiện, địa phương và Phật giáo đã chăm sóc chu tất. hơn 85 ngôi mộ vô chủ của sắc tộc cũng được cải táng, chắc chắn còn nhiều nắm xương tàn hoà lẫn trong cát bụi khắp nơi chưa được phát hiện, vì thế hàng năm, Quảng Trị cũng phải có những chẩn đàn, không những giúp kẻ quá cố siêu lạc mà ngay cả thân tộc hiện tiền cũng hưởng được thư thái an vui, tạo một sinh khí thanh thoát cho tỉnh Quảng Trị

Vu Lan năm nay, hầu hết các chùa đều tổ chức lễ báo hiếu thật trang trọng, nhưng chỉ có một số chùa lập Đàn tràng chẩn tế. Đặc biệt suối Tiên, thường ngày là tụ điểm giải trí, tham quan, nhưng mùa Vu Lan năm nay, kết hợp một số địa phương đã thiết lập lễ kỳ an kỳ siêu suốt tuần trong tháng bảy, và quần chúng cũng phát tâm thọ trai để khấn nguyện cho tộc họ cửu huyền.

Tục lệ Vu Lan có mặt trên đất nước rất lâu, thể hiện qua bài Thập Loại Cô Hồn các vua chúa cũng lập đàn chẩn tế, quả là một tục lệ thấm sâu vào máu huyết dân tộc; Báo Hiếu là từ gọi chung cho hành trạng đáp đền ân sanh dưỡng của cửu huyền và song đường hiện tại; Tứ trọng ân là nghĩa cử đối với mọi loài, mọi giai hệ trong xã hội, trong đó dành cho những người nằm xuống, bất cứ lý do nào, được triêm ân công đức của Tam Bảo. Đây là nếp sống văn hoá tâm linh cần được nhân rộng, và tháng bảy là dịp, không những người con Phật mà cả nhà nước nên kết hợp với Phật giáo thiết lập Chẩn Đàn hướng về nghĩa tử, về đồng bào ruột thịt và những ai nằm xuống trong cô quạnh, cho họ nén nhang và thời kinh cùng chén chao hoa để tống tiển họ về lạc quốc; như thế, chúng ta không những có bổn phận với xã hội sống mà còn quan tâm cho thế giới siêu linh, bởi dân tộc ta vốn nặng tình trọng nghĩa.

Tại sao Phật Giáo mỗi tỉnh, mỗi quận huyện, mỗi xã không tổ chức như Quảng Trị đã tổ chức? Quảng Trị khô cằn, người dân không mấy khá giả, nhưng họ có tấm lòng nhân hậu đối với người khuất bóng, ngay cả những đứa con tha phương lập nghiệp cũng dành cho quê mình một nổi lo lắng ưu tư sau hơn 30 năm an bình, họ đang xây dựng một môi trường tâm linh mà chính quyền cùng bắt tay thực hiện.

Lo cho người sống, quan tâm đến kẻ chết là một đạo nghĩa, còn những chúng sanh thấp bé hơn ta, có nên bảo vệ sinh mạng của chúng để thể hiện nét văn hoá đạo dức mà ông cha ta vốn đã có? Nhà nước nên có chính sách bảo vệ súc vật, không nên sát hại, hành hạ vô lý, vì đó là luật công bằng của sự sống, mạnh được yếu thua là luật bất công!

Vu Lan mỗi năm một đậm nét tín ngưỡng nhân gian, không còn là của riêng Phật giáo, đó là cơ sở đạo đức và tình người của Việt tộc, thể hiện tính thần ăn quả nhớ kẻ trồng cây! Hoa Hồng thắm dành cho Song Đường hiện tiền, Hoa trắng nuốt tưởng đến mẹ cha quá vãng, vậy hoa nào cho những kẻ hiến thân làm phân bón trên đất mẹ, và hoa nào là biểu tượng nghĩa cử tri ân Tứ trọng? Đó là vấn đề cần nghiên cứu, hiện tại, khói nhang vờn quanh trên các ngôi mộ, kể cả mộ vô chủ mà Thúy Kiều từng ngẩn ngơ đau xót, trên quê hương nhân mùa Vu Lan 2007 năm nay thật ấm lòng và từ trường sinh học cũng sáng dần lên!


MINH MẪN
Mùa Vu Lan 28/8/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét