Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

VESAK VÀ LÀNG MAI


Trong chương trình Đại lễ Vesak 2008 tại Hà Nội, Việt Nam, khai mạc vào sáng 14/5/08; Tăng thân Làng Mai được mời chúc nguyện và sư ông sẽ thuyết trình vào lúc 15 giờ 40 cùng ngày với chủ đề: Chiến tranh, xung đột và trị liệu, quan điểm của Phật Giáo.

Độ 6 giờ sáng ngày 23/4/08, VN airlines 532 từ Bangkok đã đưa đoàn làng Mai về Việt Nam. Số lượng tăng thân tháp tùng không quá 30 vị. Phật tử cung đón cũng không hơn 200 vị, có mặt thầy Nhật Từ, HT Minh Cảnh, tuyệt nhiên không có Thành Hội hay văn phòng 2, cũng không kèn trống phang lộng như hai chuyến trước; Có vẻ thầm lặng. Dù sáng sớm, khí hậu SG cứ hầm hập như hơi nóng từ lòng đất mà ra! Chờ đợi làm thủ tục Hải Quan và lãnh hành lý, sư ông lưu lại độ 15 phút, ngồi yên tĩnh dưới đất, đảo mắt nhìn quanh như tìm lại những khuôn mặt thân thương, Phật tử vây quanh, sau đó đoàn lên xe bus về thẳng Lâm Đồng, tu viện Bát Nhã.

Khí hậu cao nguyên ngày nắng, gió núi xua từng đợt mà cái nóng vẫn không chịu đi,đêm lạnh, có trăng mà sương khuya không muốn buồn ngủ. Hàng trăm xe nhiều chỗ, xe gắn máy nằm phơi dưới ánh sáng chói chang ngay cổng dẫn vào tu viện.

Chiều hôm sau, tại Bát Nhã, khoá tu cho tuổi trẻ và GĐPT qua chủ đề: Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương. được khai giảng. và kéo dài 4 ngày, thiền sinh độ 2.000 vị, sau đó sư ông sẽ về lại SG để ra Hà Nội mở khóa tu tại chùa Bằng A với chủ đề: Gieo hạt từ bi,giữ gìn đất mẹ; tiếp theo khóa tu cho người Tây Phương tại khách sạn Kim Liên với nội dung: Đạo Phật dấn thân của thế kỷ 21 trong 7 ngày.

Theo lịch trình làm việc trong 2 tháng tại Việt Nam không khác những sinh hoạt tu tập tại các nước; Riêng tại VN, chuyến về nầy của làng Mai, có vẻ trầm lắng hơn, nhưng cũng không tránh khỏi sự quan tâm của giới chức nhà nước, quần chúng Phật tử và những thành phần chống đối trong và ngoài nước.

Từ lâu, khi mà sư ông phát khởi chương trình tu tập tại làng Hồng, rồi tới làng Mai và phát triển ra các quốc gia, chủ đích trước sau như một, nghĩa là giúp gia đình và xã hội tái lập truyền thông, khôi phục đạo đức xã hội và chuyển hoá nhân cách con người; Riêng tại Việt Nam còn có chủ trương :Bồi đắp gốc rể, khai thông suối nguồn khi mà tuổi trẻ hiện nay biểu hiện quá nhiều sa đọa, trống chân đạo đức, và phần lớn trên đất nước tồn tại những tính chất làm cho dân tộc không theo kịp đà tiến của nhân loại.

Các nhà thiết kế và xây dựng đất nước chú trọng sự phát triển trên cơ sở vật chất, đó là một thiếu sót lớn, đưa đến khủng hoảng như sự khủng hoảng của các nước tiên tiến đã từng phát triển khoa học kỹ thuật, tiện nghi cuộc sống mà thần học không đáp ứng đủ cho nhu cầu tâm linh, đưa đến khủng bố, bạo động, tự sát,sa đoạ và mất hạnh phúc trong gia đình.Chúng ta đang đi vào vết xe cũ của các nước phương Tây.

Việt Nam cũng như Trung Quốc muốn phục hưng Phật giáo mục đích củng cố chính trị hơn là xây dựng, giáo dục đạo đức, tuy biết rằng Phật giáo mang tính hoà bình, văn hoá thích nghi với mọi thời đại, nhưng các nhà chính trị không mấy quan tâm khi họ thấy Kito giáo làm phông đệm cho các thể chế xã hội tư bản; Chính trị Xã Hội Chủ Nghĩa cũng thế, không thể đứng chênh vênh khi mà Quốc tế Vô Sản không còn thế đứng, để chọn một tôn giáo đồng hành và hỗ trợ, Phật giáo tuy không có tổ chức, nhưng bàng bạt trong quần chúng và tự thân nó không có mầm móng đe doạ, không có hệ thống điều hành quốc tế, là một tôn giáo cần thiết dễ chấp nhận.

Sau thời gian mở cửa của Việt Nam và cải cách của Đặng Tiểu Bình Trung Quốc, Phật giáo được quan tâm hơn; các nhà nghiên cứu tôn giáo và triết học cung cấp cho Bộ Chính trị và chính phủ những ưu điểm của Phật giáo để họ hiểu rằng những quy chụp Đạo Phật như những Tôn giáo khác là một sai lầm, vì thế, việc đánh phá, triệt tiêu Phật gíáo trước đây cần phải bù đắp lại cho xứng đáng hơn, hy vọng PG sẽ sớm khôi phục.

Khi họ đánh giá sai lầm Phật giáo như những tôn giáo khác như thế nào, thì cách thức nâng đỡ phát triển Đạo Phật qua cơ sở vật chất và ưu đãi cho một số chức sắc Phật giáo để hy vọng Phật giáo hưng thịnh, cũng sai lầm như thế ấy.

Kể từ 1982, khi GHPGVN được thành lập, phần lớn chức sắc Phật Giáo đều được tuyển chọn theo một tiêu chuẩn nhất định; Và từ đó, hệ thống PGVN được điều hành bởi Ban Tôn Giáo theo một định hướng của một tổ chức vệ tinh thực hiện chính sách nhà nước. Việc tuyển chọn nhân sự, quản lý mọi tổ chức trong xã hội, kể cả tôn giáo, là một kinh nghiệm chính trị đúng để bảo toàn an ninh ,bởi thế Việt Nam đã thành công trong lãnh vực nầy. Tuy nhiên, Phật giáo được quản lý như những tổ chức khác là một thất bại về tinh thần, đi ngược lại sự mong đợi những tinh hoa của Đạo Phật cung ứng cho cuộc sống.

Do những sai lầm đó, biến Phật Giáo thành một tổ chức mang tính xã hội, và các sư chức sắc là những cán bộ hành nghề tôn giáo không hơn không kém, những chức sắc đó cậy thế, lủng đoạn nội bộ làm tai tiếng cho đất nước và vô hình chung phá hoại Phật giáo một cách không thương tiếc; Dĩ nhiên họ không có ý thức trách nhiệm với sự tồn vong của Đạo Phật Việt Nam.

Có người sẽ hỏi = tại sao Kito giáo cũng là một tôn giáo, đuợc quản lý bởi Ban tôn giáo, họ không bị tha hoá?
Tinh thần Phật Giáo mang tính vô tướng – vô tác, vô cầu- vô chấp. Các vị lãnh đạo và thừa hành chưa đạt được trình độ như thế, hoặc chưa kinh qua thời gian trui luyện từ những viện chuyên tu, thực học, lại có chức vụ mang tính thế tục, chắc chắn tục tính sẽ phát khởi khi mà tổ chức tuỳ tiện và ý thức tự thân non kém, sẽ dẫn đến một Giáo Hội Phật giáo bất như ý hiện nay! Một hệ thống ưu việt như Kito giáo vẫn còn những cán bộ tu sĩ sai phạm hứông nữa Phật Giáo, không những thế, các sư thừa hành còn vượt quyền điều hành và luật lệ của nhà nước, bổ cử nhân sự, quyết định tùy tiện, không theo nguyên tắc, không chuẩn đạo đức…

Tổ chức Giáo hội, tự thân nó không tốt hay xấu, nhưng cơ chế điều hành biến tổ chức đó trở thành tốt nếu tự thân nó ý thức được trách nhiệm sự tồn vong chính mình và không bị lệ thuộc vào ngoại lực hay bị tác động bởi ngoại cảnh; nó sẽ là một Giáo hội xấu khi tầm vóc nó bị xem là vật trang trí cho một thể chế, phục vụ cho một chế độ, hay phục vụ cho quyền lợi cá nhân của các chức sắc!

Bất cứ thể chế chính trị nào, chấn hưng Phật giáo hoặc tạo điều kiện để Phật Giáo được hưng thịnh hầu hộ quốc an dân - đều đúng hướng, với điều kiện Phật giáo không bị chi phối, nhất Là các sư không nên và không cần một biệt đãi bởi thế lực.Trong quá khứ, lịch sử đã chứng minh, các Thiền sư giúp rất nhiều cho dân tộc và vua chúa lúc nguy khốn, nhưng không thọ nhận một quyền lợi, địa vị nào, họ trở về với đời sống Thiền môn thanh tịnh, bước đi nhẹ như mây khói.

Cơ sở vật chất trù phú không chứng minh được Phật Giáo hưng thịnh. Tu sĩ nhiều không nói lên được thực chất phát triển của Đạo Phật, đó là điều khác biệt giữa Phật Giáo và những tôn giáo khác, càng không giống với bất cứ một tổ chức đoàn thể xã hội nào.Không chỉ thế lực yểm trợ làm hư các chức sắc Gáo hội, Tín đồ cung phụng quá mức cần thiết cũng biến các sư không tu thành những nạn nhân chết chìm trong danh lợi!

Vậy Đạo Phật là gì nếu không là năng lượng trí tuệ tối cần cho cuộc sống chông chênh giữa hai thái cực đối đãi!

Các thể chế chính trị cũng như mọi sinh hoạt cộng đồng thường lâm vào bế tắt, xung đột, bất hoà cũng do tầm nhìn hạn chế từ một phía. Tôn giáo cũng thế. Sở dĩ Đạo Phật không vướng kẹt vào tình trạng chung, nhờ tính trung đạo và tính thích nghi; nói cách khác, giáo lý Phật giáo thoát khỏi biên kiến, thiên kiến. nên dễ hoà nhập và tránh được tri kiến sai lầm, cố chấp, bạo động. Từ đó suy ra, Phật giáo trợ lực cho cuộc sống là làm mới hiện hữu hơn là thay đổi, truất hữu hay đe dọa đối tác.Duy nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Vạn Hạnh bất đắc dĩ phải truất ngôi Lê Long Đĩnh để chấn hưng đất nước khi nhà vua quá ư sa đoạ và tàn ác Vào triều đại Ngô Đình Diệm, có những quyết định sai lầm với Đạo Phật, nhưng Phật giáo chỉ hy sinh thân mình để mong cường quyền cải thiện chứ không vì mục đích thay ngôi đổi chủ; các thế lực chính trị lợi dụng tình thế đã gây tang thương cho gia đình họ Ngô.

Với tinh hoa trí tuệ không bị quyền lực, danh lợi chi phối, Đạo Phật mới cung ứng cho cuộc sống những lợi ích thiết thực. Một đất nước muốn hưởng được những lợi ích đó, phải để Phật giáo phát triển theo khuynh hướng tâm linh, không nên can thiệp sâu vào sinh hoạt tín ngưỡng của đạo Phật.

Sau 1975, PGVN không có những viện chuyên tu cho người xuất gia, không có lớp huấn dưỡng cho cư sĩ. Tổ chức Giáo hội mang tính hành chánh hơn là tôn giáo. PG đứng chông chênh , mang tính biểu tượng giữa lòng xã hội, ngày càng xa rời quần chúng, một phần cán bộ PG thiếu năng động, bị hạn chế, cậy thế, ỷ quyền, một phần các tu sĩ nặng về kinh tế, khía cạnh khác, Phật Giáo không có các cơ sở hạ tầng từ cấp xã trở xuống như khuông, vức mà Phật giáo miền Trung đã từng thành công từ thập niên 1930 đến 1975. Khi GHPGVN ra đời, Hiến chương mới đã cô lập Phật giáo trong tổ chức phiến diện, biệt lập với quần chúng, ngay cả chư ni cũng bị bỏ quên, hàng cư sĩ không có cơ hội chung tay đóng góp cho Giáo hội. Đó là một sai lầm lớn nếu nhà nước muốn PG đóng góp xây dựng cho quê hương bằng cơ chế bất toàn đó.

Việc quản lý là điều tất yếu của nhà nước, nhưng quản lý như thế nào để Phật Giáo phát tiết tinh anh là một vấn đề tế nhị và nghệ thuật. Rất may, từ ngày cơ chế thông thoáng, Phật giáo đã phát sanh những tụ điểm tu tập. Hiện nay chùa Hoằng Pháp là một tụ điểm nổi tiếng, giúp cư sĩ có điểm tựa tâm linh, hoán chuyển được nhiều tệ nạn xã hội, không những có những khoá Phật thất, còn nhiều buổi giảng do các giảng sư trẻ đảm nhiệm, đồng thời Phật Pháp Nhiệm Mầu, Ánh Sáng Phật Pháp cũng đã giúp cho xã hội hoán chuyển nhiều mãnh đời bất hạnh bởi tội lỗi. mô hình đó đã được một số địa phương phát triển bởi pháp môn đơn giản, dễ hành như Tịnh Độ. Hệ thống tu viện Trúc Lâm của HT Thanh Từ cũng quy tụ được một số tu sĩ ham tu thực học, nhưng tầm hoạt động còn hạn chế trong giới tu sĩ; những cư sĩ muốn đeo đuổi, tự mình tìm hiểu và tham vấn, Trúc Lâm không có những khoá tu cộng đồng để điều hướng tăng tín đồ. Chùa Phật Qiuang thành công qua những buổi thuyết giảng, giúp tín đồ phát triển từ tâm và hạnh bố thí, phần lớn tạo được niềm tin trong giới quần chúng bình dân, vì dễ hiểu, dễ tiếp thu, Núi Dinh trở thành Tổ đình của hệ phái Phật Quang cho những lễ hội hơn là đạo tràng chuyên tu cho tu sĩ lẫn cư sĩ, chi nhánh sinh hoạt tại TP HCM là chùa Từ Tân, cũng chỉ mỗi tháng một lần cho việc thiền tập, hoặc Thiền Biển một lần trong năm. Tuy nhiên hiệu quả hoằng pháp của Phật Quang dẫu sao vẫn lớn gấp bội Ban Hoằng Pháp trung ương GHPGVN.
Ngoài những sinh hoạt như thế trong những năm gần đây của Phật giáo, từ 2005, làng Mai cũng đã thành lập được hai tu viện chính thức là Từ Hiếu và Bát Nhã, tuy pháp hành có vẻ mới đối với quần chúng Việt Nam, nhưng giới trẻ đã chấp nhận và tiếp thu nhanh chóng bởi tính thực dụng. Mỗi lần Bát Nhã tổ chức khoá tu, đều có hàng ngàn người tham dự, phần lớn là tuổi trẻ. Tuy nhiên, tại Huế, một số ít đã chống đối, gây khó khăn khi chùa Diệu Nghiêm hiến cúng cho Làng Mai. Năm 2007, các ni áo lam thường trú của Diệu Nghiêm trục xuất các ni áo đà tu tập theo làng Mai, ra khỏi chùa, có sự hổ trợ của những tăng sĩ đối lập tại Huế, theo lối hành xử như thế không nên có tại Thiền môn. Chư ni đành ra ngoài lập ni xá cách Từ Hiếu không xa, nhưng công trình xây dựng đình trệ vì chưa đủ pháp lý. Từ Hiếu hiện nay hàng tháng vẫn có Phật tử tham gia khoá tu Quán Niệm, nghĩa là họ đã chấp nhận pháp hành của làng Mai.

Cho dù pháp môn nào, việc trước mắt là giúp cho xã hội bớt tệ nạn mà luật pháp không thể ngăn cản, và nền giáo dục hiện nay không thể bồi đắp đạo đức cho thế hệ tương lai.Một người biết tu tập là xã hội bớt một tội phạm, nhà nước bớt một chi phí để nuôi dưỡng phạm nhân khi giam cầm và giảm nhiều chi phí khác trong vấn đề an ninh xã hội. Trong thôn xóm sẽ yên lành hơn nếu tội phạm tại đó biết quay đầu hướng thiện, và gia đình phạm nhân cũng bớt khổ đau khi người con đã phục thiện. Thế mà một vài địa phương vẫn còn gây khó khăn để Phật giáo đi sâu vào buông ấp. Vẫn còn một ít cán bộ xem thường giá trị giáo dục đạo đức tôn giáo và quá tin vào công an, nhà giam mà không hiểu rằng giáo dục vẫn tốt hơn là trừng trị, lắm khi trừng trị càng tăng thêm tội phạm như xã hội Việt ta hiện nay.

Hiện tại, đạo đức xã hội đang suy thoái và báo động đỏ, không những thế hệ trẻ mà cả người có tuổi, không những trong giới doanh thương mà lan sang cả giáo dục, y tế, tòa án, tu sĩ, đảng viên…
Việc cần thiết là Phật giáo phải phát triển thêm các đạo tràng, tu viện, diễn giảng công cộng và trại giam, chẳng những thế, các cư sĩ góp tay để chuyển hoá từng cá nhân, từng gia đình trở về với đạo đức. Nhà nước có trách nhiệm an ninh xã hội, ổn định chính trị thì Phật giáo phải có trách nhiệm giáo dục quần chúng, thăng hoa tâm linh. Nhà nước không thể bao trọn gói.

Phật giáo trong nước có khả năng hoạt động còn hạn chế thì việc có mặt của làng Mai tại Việt Nam cũng giúp ích không nhỏ hoá giải những nội kết giữa cá nhân với cá nhân, truyền thông trong cộng đồng xã hội; và như thế, các hoạt động đa sắc của các hệ phái Phật giáo trong nước đã hổ tương cho một đất nước trong sáng và đạo đức hơn. Nếu xã hội Việt Nam dung chứa những tổ chức Phật giáo các nước khác một cách tương kính, chắc chắn Việt Nam sẽ là vườn hoa sắc màu lấn ác mọi cỏ dại. Ví thử Đức Đạt Lai Lạt Ma được Việt Nam mời về thuyết giảng, chắc chắn sẽ có sự hưởng ứng nồng nhiệt, không chỉ trong giới Phật Giáo mà cả những người không phải Đạo Phật , uy ín Việt Nam sẽ được nâng cao, và thể hiện tính độc lập chính trị của một đất nước có chủ quyền.

Với sự e ngại dè dặt đối với Phật giáo sẽ không cần thiết, còn làm chậm bước phát triển của đất nước. Giáo sử Việt Nam và lịch sử truyền thừa Đạo Phật thế giới đã xác minh tính vô hại và tiềm lực công ích của nhà Phật.

Sau chuyến hồi hương hoằng pháp của làng Mai năm 2007, Lá thư làng Mai số 31 như bản đúc kết chuyến đi, thẳng thắn phản ánh những thực tế mà nhà nước Việt Nam chưa quen nghe và góp ý xây dựng những điều nhạy cảm mà chính quyền và đảng còn ngờ vực.

Phải chăng những yêu cầu của sư ông là ý muốn của nhữ ng thế lực đen tối?
Phải chăng sư ông là tay chân của C.I.A?
Phải chăng Làng Mai có cao vọng lãnh đạo PGVN?
Phải chăng…..
Rất nhiều ngờ vực từ phía nhà nước do thói quen đa nghi và dè dặt, cũng như Đại Đàn Chẩn Tế vừa qua trên ba miền đất nước, đã làm cho nhà nước quá bận tâm và lo sợ từng chi tiết nhỏ không cần thiết.

Với tầm vóc và uy tín quốc tế hiện nay của làng Mai, sư ông đâu cần là tay sai cho bất cứ thế lực chính trị nào!
Với nếp sống của sư ông, sinh hoạt của làng Mai, trang phục của tăng thân đủ nói lên tinh thần yêu nước, bao nhiêu tác phẩm mang tố chất tình người, thì cần gì phải nói thay cho những mưu đồ từ các thế lực đen tối!
Tầm vóc hoạt động của làng Mai hiện nay rộng lớn hơn GHPGVN chỉ thu gọn trong nước thì cần gì sư ông phải lãnh đạo họ!
Dĩ nhiên chính trị có quyền đặt nhiều nghi vấn, nhưng không vì thế bỏ lỡ cơ hội để làng Mai góp phần xây dựng tổ quốc. Mười đề nghị thẳng thắn bộc trực của sư ông với đảng và nhà nước không ngoài mục đích cho Phật giáo phát triển và đất nước phồn vinh. Không những bây giờ mà trước 1975, cái thấy và việc làm của một Nhất Hạnh luôn đi trước thời đại, vì thế ngài đã từng bị chống đối từ nội tình GHPGVNTN và thể chế VNCH, mấy mươi năm sau họ mới cảm nhận được giá trị đó thì cuộc lưu đày biệt xứ đã kéo dài 40 năm. Từ những kinh nghiệm đó, những nhà lập trình, thiết kế xây dựng xã hội hiện nay không nên hạn chế tầm nhìn bởi nhu cầu tiện ích thực dụng mà phải thông thoáng và biết trân quý những ý kiến đóng góp, cho dù khó nghe!

Phật giáo chỉ cúi đầu tuân phục thì nhà nước khó tìm thấy một sáng kiến giúp xây dựng xã hội, PG nhắm mắt chống đối không cần biết đúng sai thì nhà nước cũng khó nhận được cái hay của đạo Phật; giữa hai thái cực đó, một sự góp ý chân thành ngay thẳng của làng Mai, chả lẽ nhà nước không thấy được điều bổ ích. Nhân gian thường nói, thiên tài hay làm chuyện nghịch đời.Nhà thơ Bùi Giáng cũng trong trường hợp đó, với tư cách cá nhân, thìTS Nhất Hạnh không ngoại lệ, và khó chấp nhận khi cái hiểu cái nói của ngài đi trước thời đại và hiện trạng đất nước quá xa.
Qua những khoá tu và lời giảng, qua sách vở và việc làm, thật sự ngài là người yêu nước, yêu đạo, muốn làm mới để nâng cấp đất nước hơn là đe dọa một thể chế. Nhà nước biết trọng dụng uy tín của Thiền sư Nhất Hạnh thì không lý do gì gây trở ngại công tác hoằng pháp của tăng đoàn làng Mai. Qua những pháp thoại công cộng hay những lúc tâm sự riêng tư, không bao giờ có một lời nói hay động thái kich động đi ngược lại quyền lợi đất nước hay luật pháp Việt Nam. Cho dù làng Mai không muốn lệ thuộc GHPGVN hiện hành, không có nghĩa ngài chống lại nhưng ngài không muốn chướng ngại lối hoằng pháp cá biệt của ngài. Tóm lại, vì tri kiến sai lầm, chưa hiểu nhau, nên chưa bắt tay nhau để xã hội tốt đẹp hơn.

Đối với làng Mai, sư ông vốn cương trực, chính vì thế mà đã thất bại tại Huế từ năm 2005 đến 2007. cũng thế, đối với nhà nước, ngài không chống nhưng không nói theo điều họ muốn nghe, đã gây ngộ nhận không ít cho nhau. Nhà nước chấp nhận cho làng Mai sinh hoạt trong hai tu viện đã là một tiến bộ, và sư ông đã giúp quốc tế hiểu về Việt Nam bằng mỹ cảm cũng là một đóng góp to lớn. Trước những phá hoại hiện nay trên mạng liên thông quốc tế, họ cố tình gây chia rẽ nhà nước với thiền sư Nhất Hạnh, gây ngờ vực và hủy báng các danh tăng Việt Nam, làm cho nội bộ PGVN mất đoàn kết trong kế hoạch hủy diệt Phật giáo.

Một vấn đề không kém nhạy cảm và khó chịu cho nhà nước Việt Nam, Lá thư Làng Mai số 31 nhắc lại những sai lầm trong quá khứ từ thời tiếp thu chính quyền, cải cách ruộng đất, trăm hoa đua nở… và những năm tiếp theo, kể cả những khó khăn khi lập Đại Đàn Chẩn Tế,thực ra không phải khưi dậy sự đau khổ và niềm oán hận, nhưng để rút kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai. Những sai lầm đó nhà nước đã thấy và chấp nhận, nhưng họ không muốn nhắc lại công khai trên báo chí, dù không nói ra, không nhắc lại thì những sự cố đó cũng không hề lập lại, và mỗi thời đại đều có những sai lầm mới, để khắc phục, cần có các cố vấn đạo đức tôn giáo như thời Lý Trần của Việt Nam. Nhà nước có những cố vấn kinh tế , khoa học…của nước ngoài, tại sao không cần những cố vấn tôn giáo như một TS Nhất Hạnh?

Nhà nước chưa hiểu thấu đáo thiện ý của Thiền sư Nhất Hạnh, họ nghĩ rằng nhà nước nhượng bộ thì sư ông càng làm cao, ngược lại làng Mai nghĩ rằng nhà nước lợi dụng uy tín của sư ông để đánh bóng chế độ mà vẫn không tạo dễ dàng cho tăng thân hành hoạt! nhà nước không than phiền ngài bằng chư tăng thừa nhiệm. Tuy quý thầy hoà nhã khi giao tiếp với các cấp chính quyền, nhưng lập trường thiếu uyển chuyển cũng làm họ khó chịu. Nhất là quý thầy chưa quen phong cách làm việc của cán bộ Việt Nam và nguyên tắc pháp lý khác xa các nước tư bản, nên các vị tiền trạm hoặc ngoại giao đã thể hiện tính bất ưng ý, dễ làm phiền và gây ngộ nhận cho nhà nước. Cộng thêm một ít tự hào của tăng đoàn quốc tế. Do chưa hiểu nhau nên chưa thông cảm nhau!

Khi nhà nước trả lại trên 20 mẫu đất La Vang cho Kito giáo Việt Nam, cũng là lúc xác định tính hợp pháp của Kitto giáo trên mãnh đất mà được xem là Từ đường, là tổ đình của họ, đó là bàn đạp chiến lược để bành trướng tôn giáo tại Việt Nam theo kế sách mật, đồng thời Miên Lào là cửa ngõ họ nhắm đến để kito hoá không những Đông Dương mà cả Châu Á, một vùng đất mới thay thế châu Âu gần 20 thế kỷ qua, nay đang lụn tàn. Họ sẽ không đá động đến chính trị và đe doạ sự tồn tại của CSVN nếu đảng còn mạnh. Họ sẽ bắt tay thân ái với nhà nước CSVN để ngấm ngầm triệt tiêu PG. vì thế, La Mã đã lịnh cho Tổng Kiệt giải tán nằm vạ toà Khâm sứ hầu tạo thế ôn hoà cho kế hoạch ngấm ngầm dài lâu.Vùng cao nguyên Tin lành khống chế thì vùng đồng bằng, các thị tứ, Phật giáo mất dần tín đồ do các sư thờ ơ vô trách nhiệm. Nếu nhà nước Việt Nam suy yếu, họ sẽ cấu kết với Phật giáo hải ngoại và các tôn giáo có mặt tại Việt Nam để làm cuộc chính biến. Dĩ nhiên khi đã thành công thì Phật giáo là vật lót đường cho những tham vọng chính trị và tín ngưỡng của họ.Năm 2010 là thời hạn chót của kế hoạch 10 năm.

Vesak tổ chức tại Việt Nam đã làm cho các thế lực chống đối lồng lộn, họ làm cuộc nổi dậy Tây Nguyên hy vọng giảm uy tín, cho Vesak thất bại như Thế Vận hội tại Trung Quốc sắp tới, Người chống Olympic có lý do chính đáng khi Trung Cộng chiếm cứ Tây Tạng bất hợp pháp, lại còn tạo cớ để tiêu diệt chủng tộc Tạng. Các sắc tộc Tây Nguyên đã là dân tộc Việt, một phần thuộc lãnh thổ Việt và chấp nhận hoà nhập văn hoá Việt; Cuộc nổi dậy đòi lập Dega tự trị thất bại về chính trị, giờ lại lấy lý do ruộng đất và tự do tín ngưỡng, nhưng lần nầy họ lại sai lầm trầm trọng khi dùng cờ ba sọc để biểu tình. Dù biến động thế nào, Vesak cũng phải thành công, vì ước nguyện của hàng chục triệu con tim Phật tử không thể thất bại.

Vesak có mặt trên 70 quốc gia tham dự. Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc đọc Thông Điệp. Thiền sư Nhất Hạnh thuyết trình và nhiều sinh hoạt văn hoá thực hiện. Với tầm vóc quốc tế, thì sự góp mặt của Thiền sư Nhất Hạnh cũng mang tầm vóc quốc tế, chứng tỏ nhà nước đánh giá đúng mức về tầm vóc của sư ông thì không lý gì không tiếp tục khai thác khả năng đóng góp của sư Ông cho đất nước được vươn lên.

Về phía làng Mai, đã ba lần về Việt Nam và có cơ sở tại Việt Nam, không lý do gì không tạo cảm thông chân thành mà cứ để một bức màn ngăn cách không cần thiết. Sư ông cần có cuộc tiếp xúc với nhà nước Việt Nam để lắng nghe yêu cầu và những thắc mắc của họ.Sư ông cũng khích lệ quý thầy ngoại giao tiền trạm nên uyển chuyển để tránh những khó khăn, thiếu cảm thông một cách vô lý. Không phải cán bộ nào của nhà nước cũng có tinh thần thông thoáng và kiến thức quốc tế! Nhà nước e ngại, dè dặt có lý do của họ, Làng Mai nên chủ động tạo cảm thông để Hiểu và Thương như sư Ông chủ xướng.

Chúng ta là người Việt Nam, cùng có một tập quán và ngôn ngữ, không cảm thông nhau thì kẻ ngoại tộc tiếc gì không làm khổ chúng ta. Vesak là cơ hội để Phật Giáo cảm thông nhau,đoàn kết, vươn lên.

Qua những thất bại tâm lý trong hai chuyến về trước đây, hy vọng làng Mai sẽ có một lối thoát hầu đóng góp cho Phật giáo Việt Nam một bộ mặt tươi sáng hơn. Giữa nhà nước và Làng Mai hiểu nhau hơn để Việt Nam có tầm vóc trong thời đại hội nhập.




MINH MẪN
26/4/08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét