Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

XÃ HỘI CHUYỂN MÌNH


Từ ngày đất nước thay đổi, cởi mở, một số quyền công dân được nới lỏng, trong đó có việc Biểu tình, đây là điểm đặc biệt thể hiện một phần văn hoá dân chủ mà trước kia, dưới XHCN không hề có.

Những năm qua, vườn hoa Mai Xuân Thưởng, người dân bị một số địa phương chèn ép đất đai, đã ra Hà Nội kêu oan, dĩ nhiên không phải vụ nào trung ương cũng giải quyết, đẩy về lại cho địa phương, địa phương lại bao che cho những cán bộ biến chất, giải quyết không thoả đáng, họ lại kéo ra Hà Nội.
Tại TP HCM cũng thế, hầu như không Tỉnh nào mà không có chuyện oan trái, người dân phải gánh chịu, nhất là vụ đất cát bị quy hoạch, giải tỏa, trưng dụng… mà không được bồi thường thỏa đáng, dù khung giá được chính phủ quy định. Ví dụ ngay tại Hốc Môn, đường Lê Lợi thuộc Thị Trấn, quy định giải toả mỗi met đất bồi thường 1.200.000đ (trong khi giá chợ đen là 4 đến 5 triệu). Nhà tôi bị mất gần 50m2, xâm phạm một phần ba căn nhà xây đang ở, thế mà chỉ bồi thường hơn bảy triệu, không đủ tiền mướn thợ tháo dỡ mặt bằng, do vậy không ai chấp nhận. Tại Đồng Tháp. Ông Phú Khai bị trưng dụng trên ba ngàn mét đất, trên hai ngàn gốc cây ăn trái, thế mà không bồi thường sòng phẳng, sau đó đất được chia nhau cho cán bộ thay vì làm trụ sở công an như lúc đầu nêu lý do thu mua. Cũng thế, từ tỉnh đến các xã, nơi nào đất có vị thế kinh tế, đều bị địa phương quy hoạch, hoặc di dời dân, hoặc mua rẽ, hoặc bồi thường giá tượng trưng, để sau phân lô bán lại như khu đất chợ đầu mối nông sản Hốc Môn và còn rất nhiều địa phương khác. Vì thế, người dân từ chỗ có nhà có đất, trở thành trắng tay và nếu không còn vốn liếng, chắc chắn phải đi ở nhà thuê, vì tiền bồi thường không đủ mua đất khác. Còn một vài trường hợp đất ông bà để lại hoặc qua nhiều đời chủ mà không đủ giấy tờ hợp lệ, sẽ bị mất trắng nếu bị giải toả.

Có rất nhiều trường hợp khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là nhà đất bị chiếm dụng không được thoả thuận giữa chủ đất và nhà nước địa phương.Tuy nhiên, vẫn có nhiều nơi đền bù tương xứng, đó là ngay trung tâm thành phố.
Những hiện tượng tiêu cực trên là việc đáng buồn cho nạn nhân lẫn chính phủ trung ương. Chắc chắn nhà nước không muốn để cho dân than oán, nhưng Trung ương cũng khó mà xen vào nội bộ địa phương, và chỉ thị xuống, địa phương không chắc đã chấp hành. Ví dụ miếu Quan Thánh tại Cái Tàu, tỉnh Đồng Tháp của ông Nguyễn Phú Khai, bị sư Thiện Năng cấu kềt chính quyền Đồng Tháp phân lô bán cho 21 hộ, và biến miếu thành chùa,Tòa xử phải trả lại cho khổ chủ, thế nhưng ngôi Miếu kia vẫn không được chính quyền cho di dời tượng Phật đi nơi khác. Ban Tôn giáo chính phủ điện về Ban tôn Giáo Đồng Tháp, thì ông trưởng BTG trả lời: Cái đó là miếu, BTG đâu có xen vào được, nhưng miếu tại sao thờ Phật và không chịu di dời tượng Phật, và BTSPG ĐT nhiệm kỳ 2006 về trước đã xác nhận miếu đó không phải là chùa, không trực thuộc tài sản GH. Ông đổ qua bà đổ lại, cuối cùng khổ chủ không khiếu kiện đâu được.

Cái bế tắt là cơ chế tổ chức mang tính sứ quân của mỗi địa phương, luật vua thua lệ làng, chính quyền không được phép sa thải cán bộ biến chất đó nếu là người do đảng bộ cơ cấu vào, và phòng tổ chức đa phần là đảng viên. Những cán bộ được cơ cấu vào các hệ tầng chính quyền, hoặc là đảng viên, hoặc có công với Cách mạng, hoặc gia đình liệt sĩ…do những công trạng đó, biến cán bộ thành cửa quyền, lạm dụng chức vụ để vơ vét, sách nhiễu nhân dân, và dĩ nhiên họ không hưởng lợi một mình, có sự chan hoà chia xẻ cho nhau, biến thành một mạng lưới chằn chịt nương tựa bao che lẫn nhau, do đó, muốn xử lý một cán bộ là phải bứt mây động rừng, phải phăng từ gốc đến ngọn xem đường giây liên hệ đến cấp nào, chẳng hạn vụ án PMU 18, Năm Cam…
Trung ương cũng từng khiển trách các địa phương về tình trạng thâm lạm công quỷ, bức hiếp nhân dân, thế nhưng trung ương vẫn bất lực trước tính ù lỳ đó.
Các công ty, xí nghiệp cũng thế, xưa kia Tư sản bị kết tội bóc lột công nhân, Marx-Lê đã hình thành giai cấp công nhân để cách mạng xã hội theo chiều hướng XHCN; nhưng khi VN thống nhất lãnh thổ, chấp nhận cho ngoại quốc đầu tư vào VN, công nhân tiếp tục lâm vào cuộc sống bị bóc lột bởi giới chủ nhân nước ngoài và sự kềm hãm của tổ chức Công đoàn; một số nơi, công đoàn đứng về phía chủ nhân, vì thế công nhân trở thành nạn nhân của giai cấp bóc lột mới.

Chủ đầu tư nước ngoài không am hiểu giá cả sinh hoạt tại VN, do vậy họ cần có cố vấn người Việt, trong đó công đoàn cũng được tham khảo mức lương; chủ đầu tư có thể tính giá chênh lệc từ phân nữa đến 2/3 mức lương so với công nhân nước ngoài, như thế cũng là quá rẽ, nhưng qua tay công đoàn, mức lương thực thụ đến tay công nhân chỉ đủ tiền ăn sáng trong một tháng cho mỗi đầu người, ( ta chỉ nói những công nhân lao động phổ thông, những người có tay nghề bậc năm trở lên hay mang tính chuyên nghiệp thì lương khá hơn một tí). Thời gian làm việc và điều kiện sinh hoạt cho các công nhân phần lớn khắc khe; một số chủ nhân nước ngoài đã hành xử thô bạo với công nhân VN.
Nhà nước muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đã dành nhiều ưu đãi cho các công ty xí nghiệp mà bỏ rơi quyền lợi công nhân; Cũng có công ty thu nhận công nhân với điều kiện ba tháng thử tay nghề không ăn lương, chỉ bao cơm bữa trưa, sau ba tháng thu nhận công nhân mới, sa thải số cũ, như thế quanh năm công ty không phải tốn khoản tiền lương khổng lồ; phần lớn các công nhân đến từ miền quê xa xôi, các tỉnh phía Bắc, phía Nam và miền Trung, khi các công nhân bãi công, một vài công ty có sáng kiến không nhận người kinh, họ lên các vùng cao nguyên tuyển các em sắc tộc, lương càng rẽ mạt và không bị những em nầy yêu sách khó khăn, vì các em nầy không có nhiều nhu cầu cá nhân như thiếu nữ TP.

Trong xã hội có muôn mặt phức tạp, do mạnh hiếp yếu, thế hiếp cô, người dân và công nhân ít được luật pháp hậu thuẩn; chưa nói đến những tranh chấp giữa người dân với nhau, mặc dù đó là sự bất công mà kẻ yếu thế phải chấp nhận vì lẽ phải đã nghiêng về kẻ có tiền; một xã hội càng kém văn minh, các phức tạp bất công càng sanh sôi nẩy nở dễ dàng. Bất cứ quốc gia nào đang phát triển cũng khó tránh khỏi những tệ nạn bất công, những lạm. VN đang lâm vào tình trạng trong thì người dân bị cán bộ biến chất hà hiếp, ngoài thì công nhân bị giới chủ nhân bóc lột sức lao động; nhà nước cố gắng sang bằng những bất cập đó một cách vất vả, vì thế biểu tình, bãi công là hình thái để người dân biểu lộ những yêu sách chính đáng và tố cáo cường hào ác bá để nhà nước lắng nghe và sửa sai, đồng thời đó cũng là cách cho người dân xả xú báp trong cơn phẩn uất.
Ngoài những phức tạp trên, một số cơ quan chức năng ngồi trong tháp nhà tưởng tượng ra lắm chiêu thức mà không hề biết đến lợi hại, khốn khổ của người dân. Mức sống người dân VN hiện nay trung bình từ 100 đến 150 dollar một tháng, nếu một gia đình ba người thì không thể đủ, nếu có hai con đang đi học từ cấp một đến cấp hai thì cha mẹ phải vất vả; Từ cấp ba lên Đại học thì hơn phân nửa gia đình cho con nghỉ học; thế mà ngành giáo dục đào tạo còn đòi tăng học phí trong niên khoa nầy, một số gia đình chuẩn bị cho con em họ đi tìm nghề để học; con tôi lên lớp 10, cũng không tránh khỏi tình trạng chung; chả hiểu tương lai VN thế nào mà hiện giờ những người dầu ngành giáo dục tuổi trẻ đẩy một thế hệ đi vào bế tắt, thế hệ trẻ ngày nay là lãnh đạo đất nước ngày mai đều là thất học cả sao?
Đất nước đang chuyển mình hội nhập, đồng tiền VN đang bị thả nổi, vật giá leo thang, mức sinh hoạt ngày càng thấp kém, lương công nhân viên chức tăng thì giá cả cũng tăng biến. Xăng dầu tăng thì vật giá cũng tăng theo. Thị trường rất nhạy cảm, vì thế, những người cầm quyền từ trung ương đến địa phương khôn khéo linh động để người dân đừng lâm vào bế tắt không đáng có;
Đất nước , xã hội nào trong cơn chuyển mình cũng không tránh khỏi những khó khăn mà người dân phải gánh chịu; nói như thế không phải để mặc cho những bất toại hoành hành xã hội. Đảng và nhà nước VN tự nhận là đỉnh cao trí tuệ, chả lẽ không đủ tuệ trí để giải quyết những khó khăn vô lý do quyết định sai lầm của những kẻ lạm quyền phá hoại chính sách nhà nước làm khổ nhân dân?!

Vấn đề đất đai là quyền lợi sanh tử của người dân, trung ương phải có quốc sách giải quyết dứt điểm, không thể giao khoán cho địa phương để lạm dụng chức quyền gây tai tiếng không tốt cho nhà nước; không để dây dưa mất thời gian của dân, và địa phương không thể dùng quyền lực bịt miệng dân khi sự việc đổ bể; Một khi nhà nước cho phép dân biểu lộ nguyện vọng bức xúc qua cuộc biểu tình thì nhà nước cấp nào cũng không nên tìm cách trấn áp, bắt cóc hù dọa những người dân ôn hoà bất bạo động như thế. Họ có quyền thể hiện quyền công dân thì nhà nước cũng có bổn phận lắng nghe, thể hiện văn hoá và phong cách của nhà lãnh đạo một đất nước dân chủ. Phải thực tâm sửa sai, không bao che thuộc cấp. Có như thế đất nước mới tiến bộ. Nếu nhà nước cảm thấy có những phần tử xấu lợi dụng biểu tình để đi quá trớn thì cô lập những phần tử đó chứ không đàn áp người dân; Và nhà nước phải có một quyết định chế tài rõ ràng nếu địa phương, dù là đảng viên, sai phạm, chứ không thể để tình trạng: Thủ kho to hơn thủ trưởng - Thủ trưởng tưởng nhà mình là nhà kho.
Nếu tình trạng nầy kéo dài, người dân các tỉnh vẫn tiếp tục biểu tình, ăn bờ ngũ bụi để tranh đấu, lúc bấy giờ cả nhà nước và nhân dân không còn thể hiện tính dân chủ tượng trưng như thế nữa mà trở thành loại văn hoá trì trệ ách tắc, vô trách nhiệm và người dân khó tin vào chính sách đúng đắn chỉ có trên văn bản pháp quy.

Không sợ người dân biểu tình mà chỉ sợ nhà nước không tìm ra giải pháp giải quyết cụ thể, sòng phẳng và dân chủ, và cán bộ thóai hoá vẫn tiếp tục bôi bẩn chế độ.

Người dân vẫn hy vọng VN sẽ vượt qua những khó khăn để đất nước biến thành con rồng như những con rồng Chấu Á. VN thắng các cường quốc, VN thành công trên trận tuyến kinh tế, ngoại giao, chính trị, an ninh…chả lẽ VN lại thất bại với những cán bộ cố tình làm sai đường lối nhà nước để nhân dân mãi khốn đốn, cơ cực???

MINH MẪN
04/7/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét