Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009
VIỆC ĐẠO CẦN LÀM
Trong thời chiến, PGVN dồn mọi nổ lực đem lại hoà bình cho quê hương, do vậy, nội lực tu sĩ và quần chúng Phật tử bị suy giảm là lẽ tất nhiên, nhưng sau 30 năm thống nhất đất nước, tại sao PGVN vẫn chưa phục sức để có một tầm vóc xứng đáng là một Đạo lực chủ yếu của dân tộc?!?
THỜI GIAN QUA
Sau bốn thế kỷ PG làm nên kỳ tích đối với quê hương, về văn hoá, chính trị, quân sự; ngoại giao; giữ một tầm vóc của một trụ cột trên vùng đất kế cận chàng khổng lồ phương Bắc, một thời mà Trung quốc vẫn xem ta là mọi rợ, đã tỏ kiêng dè kính nể, nếu không có một Khuông Việt và một Pháp Thuận, bằng văn chương và ngoại giao tạo thế lực chính trị mà đại sứ Tàu, Lý Giác phải tán thán ca ngợi: “ Thiên ngoại hữu Thiên ưng viễn chiếu” ( ngoài trời lại có trời soi sáng) ngầm xác định VIỆT NAM cũng là một ông trời như ông trời Tàu không thua kém, suốt bốn trăm năm tạo nên bản Tuyên ngôn độc lập cho dân tộc, NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ, hùng cứ một phương, vang danh một thời đánh bại Nguyên Mông, và quan trọng hơn, với tinh thần dung hợp của PG, giúp dân tộc dung hoá mà không bị đồng hóa bởi ngàn năm Bắc thuộc, ông cha ta khôn ngoan sử dụng PG như một QUỐC ĐẠO; mãi đến thế kỷ 14, Nho giáo độc tôn, PG bắt đầu suy vi, đất nước lâm vào cuộc chiến Chiêm Việt, một phần trách nhiệm bởi Nho thần quá khích, một phần kỳ thị PG và những nhân tài của PG như Lương Thế Vinh…và cũng bởi trước đó PG cực thịnh, tu sĩ cậy thế ỷ lại, buông thả, đạo lực suy giảm theo tỷ lệ nghịch với lượng số Tăng đồ, biến thành một tệ nạn, một thảm trạng không những cho PG mà cho xã hội; toàn bộ PG như âm thầm ẩn tàng trong bóng tối, nhường hoạt trường cho Nho gia; Sự cố gắng của các Thiền sư phục hưng môn giáo cũng đơn điệu như đôm đốm giữa đêm trường ( trong thời gian nầy Trúc Lâm bắt đầu phục hoạt cùng với Lâm Tế, Tào Động, mang tính môn phái, không có tầm vóc quốc gia, mặc dù đất nước bị phân chia bởi Trịnh Nguyễn hơn thế kỷ rưỡi )suốt ba trăm năm để rồi Phương Tây bắt đầu dòm ngó quê hương vào hậu bán thế kỷ 16, đến đầu thế kỷ 17, bằng con đường giao thương kết hợp với các nhà truyền giáo Kito, Pháp chính thức gây hấn VIỆT NAM và các cố đạo tiếp tay cho thực dân xâm lăng dân tộc. Trước phong cách văn hoá mới lạ của phương Tây, một số vọng ngoại hài lòng tiếp nhận và hảnh diện một cách ngây ngô, đại bộ phận dân tộc, trong đó các nhà sư PG âm thầm tìm thế an thân để lượng định thời cuộc hầu tìm một hành xử thích nghi với đạo và đời. Giới trẻ theo Tây học, lớp già, một số thủ cựu, ôm ấp tinh thần Nho giáo, yểm ly, an phận; trong Thiền môn cũng gặp không ít khó khăn, các chùa vùng quê phần lớn có gia đình để có sự truyền thừa hầu bảo tồn cơ sở, việc học hành bị giới hạn bởi chữ Hán mà xã hội đang chối bỏ, do vậy quần chúng khó thâm nhập giáo lý, kinh tạng, PG trở thành là tín ngưỡng nhân gian, kéo dài nhiều thế kỷ, tín đồ không hiểu gì về PG ngoài đức tin truyền thống; bấy giờ đạo Phật chỉ còn là cái vỏ tôn giáo, lo cúng tế ma chay!
Đến khi Pháp và Kito giáo liên kết chặc chẽ thống trị quê hương, các phong trào nổi dậy chống đối, Nho giáo không phải là cơ sở để những nhà yêu nước vận dụng và nương tựa, họ bèn đến với PG, và tăng sĩ cảm nhận được trách nhiệm của một công dân trước tiền đồ dân tộc, sẳn sàng thay lớp tăng bào, dấn thân cứu quốc;
Những thế kỷ cận đại, PG không còn ảnh hưởng trực tiếp trên chính trường, sau khi Nho giáo độc quyền, các vua chúa đương đại áp dụng Nho giáo trên mọi sinh hoạt xã hội, vì vậy thiếu tinh thần dung hợp, phát sinh đạo dụ cấm Kito giáo hoạt động của vua Minh Mạng, đẩy các giáo sĩ liên kết chặc chẽ với thực dân, thêm vào đó phong trào Cần Vương và những nhóm chống Pháp độc lập, chống cả Kitô giáo, xem các giáo sĩ là những tên tình báo,, và chính tự thân họ cũng hành xử đối lập với dân tộc, trấn áp các tín ngưỡng quần chúng, nên toàn dân người Lương đã kịch liệt đẩy họ về phe ngoại xâm. Một số nhà viết sử quy tội vua chúa VIỆT NAM lúc bấy giờ thiếu khôn ngoan, nhưng ai đứng trong sự kiện lịch sử lúc bấy giờ cũng khó mà làm khác hơn trước kẻ thù nhiều thủ đoạn, vật chất dồi dào, khí cụ hiện đại, hống hách, quan liêu…Giả thử PG chủ động chính trường lúc bấy giờ, liệu tinh thần dung hoá của PG có chuyển hoá tình hình tốt hơn hay cũng biến thành một Afganistan, Pakistan, Ấn Độ mà PG hoàn toàn bị xoá sổ? Lịch sử cho thấy, trên thế giới, trước bạo lực của tôn giáo, tinh thần từ bi của PG tránh đổ máu, không tránh được huỷ diệt!
Vô số những phong trào yêu nước nổi lên chống đối, hầu hết tự phát, thiếu tổ chức hoặc không có hậu thuẩn quốc tế, dể bị tan vỡ, đến như Việt Nam Quốc Dân Đảng tương đối có thế lực , cũng bị dẹp tan, Pháp không đủ khả năng nếu không có sự tiếp ứng của các cha cố nằm trong lòng dân, nắm mọi ưu khuyết của các tổ chức. Duy chỉ còn tổ chức Việt Minh lúc ấy, có gốc rể bên ngoài, biết liên kết thu phục các tổ chức trong nước để rồi chiếm lỉnh quyền lực, chủ động chiến lược đối đầu với quân Pháp từng giai đoạn nhu cương; Toàn dân, những ai yêu nước, chỉ còn con đường duy nhất là tham gia kháng chiến dưới sự điều động của V.M, do vậy, các tăng sĩ đã giữ những chức vụ trong U.B. Hành Chánh Kháng Chiến từ Bắc vào Nam, hoặc Uỷ Ban PG Cứu Quốc…và hầu hết, mọi người tham gia chỉ vì yêu nước chứ không hề vì Ý Thức hệ chính trị; một số kẻ xuyên tạc PG cũng như những người viết sử vô tình tạo cho người đọc có một ấn tượng liên kết khắn khít giữa PG và Việt Minh lúc bấy giờ , nếu bảo PG tham gia phong trào yêu nước là C.S thì Lê Hữu Từ, Bảo Đại làm cố vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh cũng là C.S?
Song song với phong trào chống Pháp, PG đã cố gắng hồi sinh trước áp lực của Tây học, hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học với tạp chí Từ Bi Âm, hội An Nam Phật Học với tạp chí Viên Âm, hội PG Bắc Kỳ với tạp chí Đuốc Tuệ và tiếp theo các hội và báo chí Phật học ra đời. các Phật học đường, Phật học viện đua nhau xuất hiện đào tạo tăng tài do các Thiền sư thâm uyên và các Thiện tri thức Phật tử đảm trách, do vậy phần lớn các danh tăng hiện tại lảnh đạo PG dưới thời kỳ Nhu Diệm đã xuất thân từ trường lớp chấn hưng PG buổi đầu đó. để làm nền tảng phục hoạt PG sau những thế kỷ ngũ quên. Sau khi đất nước bị áp lực của các cường quốc chia đôi, PG phía Nam ngày phát triển có nề nếp, có tổ chức tuy nằm dưới áp lực của chính quyền Kitô giáo, cũng nhờ bị áp lực đó, PG đã có những đóng góp đáng kể cho dân tộc thoát khỏi cuộc chiến dai dẳng của thế kỷ 20. Ví thử Ngô Đình Diệm không bị Ngô Đình Thục xách động trấn áp PG, giải tán PG, có lẽ PGVN không có cơ hội trổi dậy làm nên kỳ tích, và thế giới cũng không biết đến khả năng tiềm ẩn của PGVN.
SAU 1963
Tuy PG góp phần xoá sổ gia đình trị nhà Ngô, nhưng PG không phải là chủ lực quyết định, và không có hoạch định kế sách lật đổ Nhu Diệm, PG thuần tuý yêu sách bình đảng Tôn giáo và tự do tín ngưỡng, nhưng do chính sách kỳ thị dã man quyết liệt của họ Ngô, lòng dân phẩn uất, Mỹ và quân đội đã phải thay ngựa giữa giòng khi Kenedy vẫn tin Diệm và Kito giáo VIỆT NAM là thành trì chống Cộng hữu hiệu nhất, ngoài yếu tố PG, bên trong quan hệ giữa Mỹ- Diệm vẫn ngấm ngầm những bất đồng sách lược chiến tranh; Khi Diệm Nhu bị lất đổ, PG không chịu trách nhiệm liên tục xáo trộn trên chính trường miền Nam, trách nhiệm đó thuộc về Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và Mỹ., nhưng PGVN có một ý thức trách nhiệm mới, đó là sự hiện diện của đội quân nước ngoài đang làm tha hoá một số hiện tượng xã hội, biến chất văn hoá VIỆT NAM và nồi da xáo thịt ngày càng nặng nề; để giải quyết toàn bộ vấn đề VN, chỉ có người VN, không có sự nhúng tay của ngoại bang; Lúc bấy giờ, một số người,, nếu không chụp mũ PG là CS hoặc tiếp tay CS xáo trộn miền Nam, làm nội ứng cho CS, thì cũng thương hại sự ấu trỉ của các nhà lảnh đạo PG về phương diện chính trị, không nghĩ đến kết quả thảm hại nếu miền Nam lọt vào tay miền Bắc, nhưng PG nghĩ xa hơn vấn đề đó, vấn đề biến VIỆT NAM thành bãi thử nghiệm vũ khí hiện đại của các cường quốc, và là trái độn cho ý thức hệ TƯ BẢN – CS; trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết là chuyện chắc chắn! Do thế, thay vì PG củng cố nội bộ sau 10 năm bị trấn áp, PG lại lao vào đấu tranh liên tục qua nhiều thể chế như thay áo tại miền Nam VN, nhưng, muốn Mỹ rời khỏi VN, PG tiếp tục là nạn nhân của các chế độ do Mỹ dựng lên, trở thành gián tiếp giúp MỸ đổ thêm quân vào VN, củng cố thêm sự hiện diện của các binh chủng đồng minh với lý do CS tăng cường quân đội vào Nam vì tình hình miền Nam bất ổn! Cứ thế, PG càng tranh đấu, càng hy sinh, Mỹ càng tăng cường quân đội, khí tài càng ào ạt đổ vào nuôi chế độ bù nhìn; PG trở thành cái gai của Mỹ và chế độ, vì vậy cả Mỹ lẫn chế độ đều có âm mưu ám sát các lảnh tụ PG lúc bấy giờ, bằng cớ HT Thiện Minh bị ném lựu đạn…HT Trí Quang xém bị vứt khỏi máy bay giữa rừng Chu Lai,khi Kỳ dẹp phong trào đem Phật xuống đường ở miền Trung và HT Nhất Hạnh bị mưu sát khi vận động hoà bình cho VN…Thiện chí của PG đối với dân tộc trong thời chiến là công trạng đáng trân trọng, nhưng PG không có hậu thuẩn quốc tế,không có tổ chức vững và chặc chẽ, vì vậy ngay buổi đầu đã bị lủng đoạn và phân hoá; Khi chế độ cũ tách VNQT do HT Tâm Châu làm Viện Trưởng VHĐ, có nghĩa GH Ấn Quang bị xem là bất hợp pháp trên phương diện pháp nhân, nhưng nhờ có lực lượng quần chúng, nên vẫn tồn tại và sinh hoạt mạnh; Chỉ thuần tuý đấu tranh mà không có chiến lược lâu dài và linh động, PG Ấn Quang bị các thế lực chính trị lái chệch hướng sang tham vọng chính trị…Tuy nhiên, dẫu sao, vẫn là thiện ý cho một dân tộc muốn thoát khỏi thống trị ngoại bang!
SAU 1975
Công cuộc đấu tranh PG xem như chấm dứt khi lá cờ Giải Phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Trong buổi giao thời, chư tôn đức đang định hình một cuộc sống mới trong xã hội mới để có một hoạt hành mới thích nghi với chế độ mới, nhưng, vì cần ổn định xã hội một cách tốc đoán, nhà nước phải áp đặt PG vào một khuôn thước định sẳn mà không cần thăm dò ý kiến của nhau; song song đó, Liên xô cần một lực lượng PG phương Đông làm đối trọng với Kitô giáo phương Tây trong cán cân giữa hai khu vực Ý thức hệ, PGVN một thời tạo uy tín trên thế giới, Liên Xô muốn những nhà lãnh đạo PG miền Nam chủ đạo trong cái gọi là PG Á Châu vì Hòa Bình, để từ đó nhân rộng thế lực, nhưng nhà nước VIỆT NAM lúc bấy giờ không thoả thuận được với các thành phần lãnh đạo PG miền Nam, do vậy việc gia nhập các giáo phái PG vào GHPGVN chưa được trọn vẹn , cá nhân HT Minh Châu chủ tịch trong tổ chức PG Á Châu vì Hoà Bình chưa đủ thực lực hoạt động, nhưng là mối đe doạ tiềm ẩn cho Mỹ và Kito giáo,ý đồ Liên Xô bị phá vỡ từ đầu, dẫn theo sự sụp đổ toàn khối CS Đông Âu do Vatican cấu kết với hệ thống Tư Bản một cách ngoạn mục! Riêng PGVN tạm ổn trên bề mặt pháp lý, nhưng suốt 30 năm vẫn lấn cấn những bất toàn trong cung cách giải quyết ban đầu; Rất nhiều lần nhà nước VIỆT NAM tạo điều kiện giải toả những gút mắc đó để xã hội trơn tru, đoàn kết tiến vào kỷ nguyên độc lập phát triển trong khu vực, nhưng bất thành, vì không ai đủ tư cách trung gian, theo GHPGVNTN, ai tạo gút, người đó tự tháo gở! Về lý là đúng, nhưng với tinh thần hỷ xả của PG , vẫn còn một chút cố chấp.
Sau khi thành lập GHPGVN năm 1982, đáng ra 30 năm, GH phải tạo một bước đột phá và đóng góp cho dân tộc nhiều mặt, bởi lẽ, thời bình vẫn thuận lợi hơn 11 năm trong cuộc chiến tại miền Nam, khi mà PG bấy giờ vừa củng cố nội bộ, vừa đấu tranh vì hoà bình cho dân tộc, vừa bị đánh phá, trả thủ bởi tay chân Cần Lao còn lại trong cơ cấu chế độ cũ, cũng đã tạo được uy tín trên năm châu, PGVN bấy giờ, uy tín chỉ đứng sau PG Tây Tạng!
Hình nhưGH hiện nay vẫn chưa tìm được lối ra, đang mò mẩm những phương án sinh hoạt, thậm chí các bộ phận sinh hoạt không ăn khớp và kém hiệu quả; Ví dụ, riêng bộ phận giáo dục,một số giáo sắc tự hào, PG đã có các trường Phật học sơ cấp, Trung cấp trong các huyện, Tỉnh và Cao Cấp tại ba miền; riêng chương trình sơ cấp, Trung cấp không tạo được hứng thú cho tăng ni sinh, vì nội dung giảng dạy và phong cách sư phạm của một giáo thọ sư; một thí dụ cụ thể, tại trường sơ cấp tỉnh Long An, tăng ni sinh phải nhồi nhét Phật học danh số một cách vô lý mà đáng ra nội dung đó chỉ để cho Cao Cấp hoặc trong phạm vi nghiên cứu, những danh tự không thực dụng, rất xa lạ so với giáo lý thường nhật; Tại Trung Cấp Vĩnh Nghiêm, giáo thọ sư thường bỏ giờ , thậm chí chê những người ăn chay là thấp kém, thiếu vô ngại, khen những tu sĩ ăn mặn làcan đảm, tự tại; buổi học lạt lẻo trong khi mỗi đầu người đóng cả triệu bạc cho mỗi năm học, chưa nói trong lớp nẩy sinh nhiều tệ nạn đáng buồn, vì vậy có những tăng ni sinh đành nghĩ học, về lại chùa quê nghiêm trì giới luật còn có ý nghĩa hơn, vì họ nghĩ – không có gì để học, chả tiếp thu được gì ngoài giờ nói chuyện Tề Thiên; Chương trình tại Cao Cấp, chú trọng bề rộng nhiều hơn chiều sâu, thay vì tăng sinh chọn một hoặc hai sinh ngữ chủ yếu, lại phải học cả cổ ngữ Hán, Pali, Sanskrit, Tạng ngữ…cái học khoa bảng của thế học đã ảnh hưởng mạnh trong nền giáo dục mà PG cần chú trọng đến thể nghiệm, nói cách khác, thay vì Tri Thức lại chú trọng nhiều về Trí Thức, những sinh viên đó sau nầy trở thành Học Giả hơn là Hành Giả. Về phương diện Kiểm Tăng, GH hoàn toàn bất lực từ nội bộ đến việc xử lý những thành phần bên ngoài lạm dụng PG; Hoằng Pháp cũng chỉ theo truyền thống lổi thời, đào tạo giảng sư một cách kém hiệu quả về mặt kiến thức, khả năng chuyên môn đến tâm lý tiếp xúc cần phải có, không thích nghi với từng đối tượng, thiếu kiến thức khoa học…Về bộ phận đối ngoại( PGQT) cũng không có sách lược mỡ rộng vòng tay chủ động ngoại giao và phát triển với các GH trong khu vực và trên thế giới, chỉ ngồi chờ đón khách đến với mình. Những người có thực lực, nhân tài hoặc tốt nghiệp nước ngoài về, không dám giao một chức vụ chủ ngành mà chỉ làm kẻ thừa hành. Tóm lại, con nhiều mặt mà GH không thể sáng tạo thoát khỏi khuôn sáo cũ để PG có một bộ mặt tươi trẻ hơn; Trong cung cách giải quyết GĐPTVN tham gia vào Ban HDNNCS ( ban hướng dẫn nam nữ cư sĩ ) cũng thể hiện sự lúng túng và lạm quyền, vẫn áp dụng chính sách đe doạ lỗi thời và cưởng chế ấu trỉ! Ngoài áp lực, hình như GH không còn biết phương án nào khác để mở rộng vòng tay đón nhận các em vào một cách tự nguyện vui vẽ, cứ thế mà lòng vòng bế tắt. PG không thiếu nhân tài, nhưng nhân tài PG không có đất dụng võ. Với trào lưu tiến hoá vượt trội của nhân loại hiện nay, PG cần đặt lại vấn đề sinh hoạt GH trên nhiều lỉnh vực; Bốn mũi nhọn cần giải quyết, Giáo dục, giới luật, hoằng pháp và uy tín.
Giáo dục: Can đảm duyệt xét toàn bộ phương cách và chương trình giáo dục Phật học hiện nay; Cần chăng phải nhồi nhét một cách tham lam những kiến thức đa môn? Tại sao chúng ta không tổ chức chuyên biệt cho từng giáo môn như Duy Thức, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm…hoặc những bộ luận, tăng sinh tham gia tuỳ theo sở thích và khả năng. Sau bốn năm, sinh viên có thể lấy chứng chỉ tốt nghiệp của một bộ môn nhất định, hẳn nhiên sẽ chuyên sâu hơn; và trong thời gian bảo vệ luận án, sinh viên phải kết hợp Thiền tập để sở học không biến thành học giả.
Lối giáo dục trong các thiền môn xa xưa có một tác dụng tâm truyền tâm giữa thầy trò, ảnh hưiởng đến tuệ tri hơn là giữa giáo sư trên bục giảng với tăng sinh trong trường lớp, nên chuyển hoá, kết hợp giữa hai lối giáo dục xưa và nay để có một lối thoát đúng với tinh thần PG.
Giới luật: giới luật cũng nằm trong giáo dục, nhưng không phải ở học đường mà ở môn phong; Trước nhất là thầy trò, khi độ một đệ tử xuất gia, bổn sư phải có trách nhiệm giáo dục giới luật cho đệ tử, trong thời gian tập sự, oai nghi tế hạnh phải đặt hàng đầu trước khi thấm nhuần kinh điển, sau đó ở các Phật học viện hoặc trường sơ trung . Cao cấp vẫn phải đặt nặng giới luật, nhưng chuyên sâu nghiên cứu. Ngày xưa, trước 1970, miền trung có truyền thống tốt đẹp về Tăng phong đạo cách; oai nghi một tu sĩ ra đường rất dể thương, hình ảnh nầy ta thấy hiện hữu trong tăng đoàn của Làng Mai vừa rồi, một tu sĩ ngoại quốc đi đứng, ăn nói rất nhỏ nhẹ, hình ảnh tương phản với tu sĩ VIỆT NAM hiện nay, thật đáng buồn. Khi giới luật bị xem nhẹ, dẫn đến nhiều tệ nạn như đã thấy. Tại sao ngành Tăng sự không chỉnh đốn để tạo niềm tin cho quần chúng? Đây là việc tối cần, không thể chần chừ. Hình ảnh một tu sĩ cầm điếu thuốc, uống lon bia, ngồi gác chân chữ ngũ hay đi đứng thiếu tề chỉnh, chắc chắn thiếu mỹ cảm cho quần chúng. Lối ăn nói cao ngạo, ta đây, xem thiên hạ dưới mắt- Mục Hạ vô nhơn, không phải là tu sĩ của PG. Đức Phật đã xác nhận: Giới luật còn, Phật Pháp còn, những chức sắc giáo hội tại sao không quan tâm!
Hoằng Pháp: Từ lâu, và rất lâu, PG vẫn quen hoằng pháp là hình ảnh một giảng sư đứng trước đám thính chúng; điều đó đúng với thời đại sơ khai, ngày nay,xã hội thay đổi toàn diện, mọi tiện nghi làm cho con người lười biếng; ngày xưa cầu pháp vượt trùng dương, băng bạt ngàn, ngày nay ngồi tận chổ, nghe và thấy trong tầm tay, lắm khi còn không muốn,làm sao bảo mọi người phải đến giảng đường, bỏ thời gian ăn chơi để nghe những lời giáo huấn sáo rổng thiếu sinh khí!
Chúng ta hiểu Hoằng pháp là đem PG đến với mọi người chứ không bắt mọi người đến với PG; như vậy chúng ta phải có phương cách đúng và hợp thời đại. Tạm chia làm bốn lảnh vực:Người truyền bá , kẻ tiếp nhận; phương tiện hoằng hoá và không gian, thời gian truyền đạt
-Người truyền đạo, tạm gọi là giảng sư, thật ra người hoằng pháp không hẳn là một giảng sư. Từ ngày có lớp đào tạo giảng sư, biến công tác hoằng pháp thành nhiệm vụ của một giảng sư, cũng từ đó đẩy nhiệm vụ giảng sư cách biệt xa dần với những nhiệm vụ liên đới, và giới hạn trách nhiệm hoằng pháp như một chuyên ngành đơn điệu, độc lập và tiêu cực! và rồi công tác hoằng pháp trở thành nghèo nàn, thiếu hoạt dụng đa diện. Phải xác định, người hoằng pháp là người đem PP đến với mọi người, như vậy không nhất cứ phải là một giảng sư tốt nghiệp trường lớp, một cụ già, một cháu bé cũng là người hoằng pháp khi làm cho bạn mình có cảm tình với Pg hoặc hiểu một ít PP. Mỗi trụ trì, mỗi tu sĩ cũng là người hoằng pháp, tiếc thay, từ lâu, quần chúng đến chùa chỉ biết phủ phục lể lạy, cúng dường mà không được một thầy nào giảng dạy cho biết giáo lý của Phật Đà, có chăng, cũng chỉ khuyến khích phật tử bố thí cúng dường để hưởng phước! vì vậy, so với tín đồ Kitôgiáo, người Phật tử không hiểu đạo, dể sa ngã trước mọi cám dổ, dể bị lung lạc trước những đả kích, biến PG thành một tín ngưỡng dân gian! Và tệ hơn, PG trở thành một tôn giáo Thần quyền
Như vậy, Ban Hoằng Pháp, phải đặt lại vấn đề đào tạo người hoằng pháp, không chỉ là giảng sư, mọi người đều ý thức trách nhiệm đem giáo lý PG đến với chung quanh, trong gia đình và ngoài xã hội, xem công việc truyền đạt đó, dù hạn hẹp cũng là một phúc báu trên đường tu tập.Mỗi người tạo thêm sự hiểu biết PP cho một người, được xem như công đức tu tập tăng gấp đôi cho bản thân; Cần bồi dưỡng kiến thức Phật học và nội lực cho tu sĩ và tín đồ, tư cách của một người có đạo, khuyến khích họ luôn ở tư thế truyền bá và được khen thưởng!
Kẻ tiếp nhận, còn được gọi là đối tượng khuyến hoá, phải nắm vững trình độ, tâm lý, sở thích của đối tượng đó, người truyền bá phải có trình độ tương đương hoặc cao hơn đối tượng, nếu cùng một nghề, một môi trường sống càng tốt. Tôn trọng sở thích, tập quán của đối tượng, không làm mất thời gian hoặc chống lại đối tượng bất cứ vấn đề gì; Người truyền bá có thái độ thân thiện một cách tự nhiên với đối tượng, đem đối tượng vào PG một cách êm dịu chừng mực, không tạo một phản ứng bất lợi, nhất là không đả kích niền tin của họ. Nếu đối tượng là nông dân, đem PP vào vụ mùa mà nói, nếu là thương gia, kỷ thuật, kiến trúc… PG có đủ tư chất của mọi mặt trong đời sống, dùng đó để cảm hóa. Không nên kêu gọi họ đóng góp tiền bạc.
Phương tiện truyền bá, như đã nói, truyền bá không chỉ là sự diển đạt của giảng sư; Phương tiện khoa học ngày nay đến với mọi người bằng nhiều ngỏ ngách, sách báo, tranh ảnh, thư pháp, truyền hình, quảng cáo, du lịch, triển lãm…
Một bức tranh Quan Âm tế độ mang hình ảnh dân gian vẫn dể tạo cảm xúc cho người xem; tập truyện tranh về cuộc đời đức Phật đủ tạo thích thú cho trẻ con và người dân nông thôn; một sản phẩm điêu khắc có tính nghệ thuật cao của PG vẫn gợi tính tò mò cho nghệ sĩ. Một bản nhạc PG hay do người có nội tâm sung mãn sáng tác vẫn được giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt, một vầng thơ hay, một truyện ngắn hàm xúc tinh thần đạo Phật có thể đi sâu vào lòng người, trẻ con thích thú ngắm đồ chơi mang hình ảnh Tề Thiên, chú tiểu, vị Khất sĩ đội nón rộng vành, bánh xe pháp luân hay bất cứ vật dụng mang tính giáo dục đạo đức… Tóm lại, tất cả phương tiện sẳn có trong cuộc sống đều có thể truyền tải đạo Phật vào đời, do tinh thần sáng tạo của ban Hoằng Pháp thực hiện, dể đi vào lòng người hơn một buổi giảng trịnh trọng. Ban Hoằng pháp cần sáng lập một bộ phận chuyên nghiên cứu những phương tiện truyền bá như vậy, ít tốn kém nhưng đầy hiệu quả
Không gian, thời gian truyền đạt, diển giảng cần một không gian thích hợp, một thời gian nhất định để thính chúng tham dự đông đủ, nhưng sẽ bị hạn chế và thiếu linh hoạt, ngược lại, không gian và thời gian cho việc truyền đạt PP vào mọi tầng lớp bằng cách tiếp cận thường xuyên và gần gủi sẽ không bị hạn chế; Một phật tử có thể trao đổi giáo lý đang lao tác trên mãnh ruộng mà không trở ngại công việc đồng áng.Một công nhân trong xưởng có thể nói về hiệu quả công việc khi thâm nhập tinh thần thiền học…Trong một đêm đầy sao, hai người bạn mạn đàm về cuộc sống theo tinh thần đạo Phật trên chiếc chỏng tre ngoài sân, vẫn tốt hơn đợi tham dự một buổi thuyết giảng. Như vậy việc truyền bá PP vào cuộc sống sẽ không bị hạn chế bởi không gian và thời gian
UY TÍN
Phải can đảm nhìn nhận, hiện nay GH không đủ uy tín đối với tu sĩ lẫn cư sĩ, bất cứ tu sĩ nào, khi hỏi về GH, họ ngao ngán lắc đầu bảo: chỉ kêu gọi đóng góp và làm khó nhau, chả giúp ích gì cho người tu. Nếu hỏi thêm: tại sao không tôn trọng GH? họ đáp: không đủ tư cách lảnh đạo, tự thân cá nhân không gương mẫu…hẳn nhiên còn rất nhiều vấn đề tế nhị không thể phơi bày trên giấy trắng mực đen, vì vậy, để không bị loại khỏi quần chúng, GH cấp tốc chỉnh đốn phong cách, tăng hiệu quả trong Phật sự, nâng đở tu sĩ tu tập đúng chuẩn, giúp phật tử am hiểu đạo lý, có trách nhiệm giáo dục đạo đức xã hội Không chỉ việc nội bộ, GH phải có trách nhiệm trong xã hội, ngoài cứu trợ từ thiện, còn can thiệp, bênh vực những bất hạnh cho kẻ cô thế, những việc tưởng chừng không phải PG nhưng là đạo lý tình người, có thế mới dọn thế đứng trong lòng dân, nhân dân mới thấy sự gắn bó giữa đạo và đời, uy tín từ đó được nâng cấp.
Từ cá nhân tu sĩ đến tập thể GH, uy tín bị suy giảm trầm trọng, một gánh nặng vô hình mà xã hội không được đắp bù tương xứng, như một cái cây có quá nhiều phân bón mà không đước đáp lại hoa quả, đây là điều đáng báo động!
Đất nước đang cải thiện bắt tay với thế giới, mở rộng ngoại giao, các thành tố trong xã hội cũng phải có tầm vóc tương xứng, trong đó, PG là một, phải góp phần phát huy uy tín dân tộc trên thề giới, đồng bộ với ngoại giao, kinh tế, mậu dịch, văn hoá,tôn giáo, thể hiện nét văn hoá cá biệt của dân tộc, đó là trách nhiệm của PG, không thể thu mình trong ma chay đám tiệc, trai tăng!
Kết
Còn quá nhiều vấn đề trong tổ chức PGVN hiện nay cần cải thiện, nhưng những điều cơ bản, chủ yếu vẫn cần quan tâm trước nhất; các môn phái, giáo đoàn PG đoàn kết tìm lối thoát cho PG khi mà các cơ chế chính trị, tôn giáo đang tìm thế đứng trong lòng dân.. Trách nhiệm không chỉ ở GH, mỗi tu sĩ, mỗi tự viện, mỗi tín đồ ý thức được vì tiền đồ PP, hãy làm những điều tốt đẹp nhất có thể làm để góp tay vực dậy một PGVN trong kỷ nguyên hòa bình và phát triển.
MINH MẪN
01/6/05
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét