Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009
VESAK VÀ SỰ HỒ HỞI CHỪNG MỰC
Còn hơn một tuần nữa là Đại lễ Vesak được khai mạc tại Mỹ Đình, Hà Nội. Phần lớn các người con Phật đều phấn khởi, hân hoan. Các tỉnh miền Trung, từ chùa đến tư gia đều chuẩn bị chu đáo, trang trí rực rỡ. Truyền thống miền Trung là thế!
Trong Nam, tại TP HCM cũng đua nhau đèn cờ rộ nở; Có chùa không làm lễ đài thì ít nhất cũng phất phới cờ bay.
Một số quận huyện, tuy được thông tư từ trung ương quán triệt, vẫn có những địa phương gây trở ngại, hoặc bàn bạc hội họp kéo dài thời gian mà Ban Trị Sự, Ban Đại Diện nôn nóng để bắt tay vào việc, ví dụ sự kêu cứu của Phật Giáo Quảng Trị, sự phản ứng của thầy Lệ Thọ, bị khó dễ khi treo cờ tại chùa thuộc Quận 12 TP HCM; chắc chắn còn một số nơi vẫn chưa được suôn sẻ do tính quan liêu, thể hiện quyền lực của một số ít cán bộ hạ tầng cơ sở.
Vấn đề xe hoa, tại Kontum tuy có 18 ngôi chùa mà dự tính thực hiện 15 chiếc xe hoa. Tại Sài gòn, mỗi quận huyện tối thiểu phải ba chiếc, riêng Hốc Môn đã 5 chiếc, thế nhưng, trong nội thành, đã cấm lưu thông vì một số đường đang đào cống thoát nước, ngại kẹt xe, nghĩa là xe hoa làm ra, đứng tại chỗ để ngắm mà không được lưu diễn.
Thật ra không phải tất cả mọi nẽo đường đều đang thi công, và về đêm, không vào giờ cao điểm làm gì có xe mà kẹt; Lễ đài chính của TP thay vì trước bãi cỏ trống của dinh Độc Lập, lại đưa vào quân khu bảy ( tức Tổng Tham Mưu cũ).
Theo sự mong mỏi của quần chúng Phật tử, giới Đại gia sẳn sàng tài trợ các tấm biểu ngữ,các tờ quảng cáo và mọi biểu tượng Vesak tại các ngã đường, nhưng không đuợc đáp ứng.
Tại Hốc Môn, lúc đầu Huyện đồng ý với Ban Đại Diện Phật giáo sẽ treo cờ và biểu ngữ xen kẽ các cột cờ mừng 30/4 và 19/5, nhưng họ đổi ý, vì làm như thế sẽ chìm ngày 19/5, ngày sinh Hồ chủ tịch; Nghĩ cũng lạ, việc mừng sinh nhật người quá cố, hằng năm vẫn có, Vesak là một dịp hy hữu của dân tộc và là dịp may của một chế độ, không phải năm nào cũng được đăng cai, lẽ nào treo cờ và banderole lại sợ giảm giá trị ngày 19/5? Nếu thế, tại Hà Nội rầm rộ tổ chức Vesak là làm chìm kỳ niệm ngày 19/5??? Tinh thần bảo thủ, câu chấp của một số cán bộ địa phương luôn làm chướng ngại việc lớn; vì vậy, thời gian diễn ra Vesak không còn tới 2 tuần, thế mà việc quảng bá trên phương tiện truyền thông, báo chí và các địa điểm còn hạn chế, trong khi đó, Noel hàng năm, nhạc, hình ảnh, biểu tượng được phát triển cùng khắp, kéo dài cả tháng; Trong chương trình giải trí trên các kênh truyền hình cũng lồng nội dung giáng sinh rất vi tế và sinh động; Hang đá, cờ Vatican, đèn, cây thông trưng bày công khai từ trong hẽm đến ngoài đường lộ mà không gặp trở ngại nào.
Hốc Môn năm nay, Ban Đại Diện mượn được khu đất trống gần ngã ba chợ đầu mối, khá rộng, đang bắt tay thực hiện; Riêng những gia đình Phật giáo ít đi chùa, họ vẫn còn ngại ngùng treo cờ. Ngoài chùa Hoằng Pháp hàng năm, Chùa Giác Nguyên, Quang Thọ, Phước Trí hợp tác phát triển lồng đèn kiểu dáng khá bắt mắt.
Trong khu lao động nằm sâu sau chợ đầu mối, một gia đình hai vợ chồng đều khiếm thị, cũng năng nổ trang hoàng cờ đèn biểu ngữ…tổ chức lễ khá long trọng, ngày mồng 6 âm lịch sẽ mời chư tăng về hành lễ và phật tử tham dự trên dưới một trăm vị, có chương trình ca nhạc Phật giáo và đãi ăn nhẹ vào buổi tối. Đây là cơ sở của những người mù chuyên hoạt động từ thiện, giúp kẻ cơ nhỡ, thiên tai, cúng dường chư tăng ni, bố thí băng dĩa kinh sách cho những ai có nhu cầu nghiên cứu học hỏi đạo Phật.Hằng ngày sao chép băng dĩa kinh giảng cho các nơi. Lễ Phật Đản tại đây là do cá nhân hai vợ chồng khiếm thị tổ chức mà không nhân danh nhóm thiện nguyện khiếm thị. Đây là mô hình làm gương cho những người sáng chưa biết hy sinh vì xã hội; Thay vì xã hội quan tâm giúp đỡ người khuyết tật, ngược lại, người mù nầy, họ luôn nghĩ đến để giúp phần nào giải tỏa nỗi đau tinh thần và khó khăn vật chất cho người sáng.Họ là người Phật tử tu tại gia và ăn chay trường. Việc trang hoàng chào mừng Phật Đản của vợ chồng khiếm thị nầy, tuy không to lớn như lễ đài quận huyện, nhưng không thua các cơ sở tự viện bình thường. Một số anh chị em Phật tử đến giúp họ chưng dọn trần thiết. Những chùa có GĐPT sinh hoạt,các em trong đoàn thể GĐPT cũng thiết lập lễ đài tại chùa minh , hoạt động văn nghệ khá sinh động.
Những thông tin trên mạng nêu không ít khó khăn tài chánh của IOC trong công tác tổ chức tại Mỹ Đình, và một số trở ngại tại vài địa phương, nhìn chung, Phật Đản năm nay khởi sắc hơn những năm qua, nhưng so với tầm vóc quảng bá thì chưa xứng với tầm vóc của một đại lễ quốc tế; chính vì thế mà sự hồ hởi của quần chúng Phật tử có phần chừng mực;
Ngoài những hoạt động chung, riêng nhóm anh em nghệ sĩ, Phật tử chưa tới 10 người, đã thực hiện thành công hình ảnh Bố Đại Hoà Thượng, được đài trưyền hình TP HCM phát sóng vào sáng chủ nhật ngày 04/5/08 và thứ năm tiếp theo, đáng ra sẽ tham gia dự thi văn nghệ của tổ chức đại lễ Vesak, nhưng không kịp, vì một việc thực hiện hình ảnh Bố Đại đã gặp trở ngại kinh phí, không ai tài trợ, nhưng do nhiệt tâm của anh em, đã đem lại thành công một cách mãn nguyện.
Về miền Tây, các Ban Trị sư cũng năng động tổ chức lễ, nhưng hình như đa số quần chứng it đi chùa, không ai treo cờ; ngay cả quý thầy cũng không chịu khó khuyến khích kêu gọi để họ tham gia; Phải chăng tinh thần Vesak bàn bạc khắp nơi nhưng việc hồ hởi vẫn còn chừng mực, một phần do tác động kinh tế khó khăn, vật giá leo thang, một phần BTS PG các nơi thiếu năng động, nhất là dân quê miền Tây Nam Bộ chưa hiểu giá trị của Vesak, một ít tu sĩ cũng chưa biết Vesak là gì, vì thế, Vesak được xem là sinh hoạt tín ngưỡng bình thường như mọi năm của nhà chùa.
Chuyện thành công hay thất bại cho một Vesak, không chỉ ở hình thức phô trương, mà còn nằm tận niềm tin, sự hiểu biết của quần chúng Phật giáo. Vì thế sự hồ hởi một vesak vẫn còn nằm trên ngưỡng cửa chừng mực của quần chúng Phật giáo hiện nay.
MINH MẪN
05/5/08
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét