Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

* LỘNG GIÓ THIỀN MÔN

 
 Người ta nói rằng thầy tu làm giàu không cần vốn!
Người ta nói rằng đất nước suy thoái do Phật giáo!
Người ta nói rằng đạo Phật dẫn dắt con người vào chỗ mê tín!
Người ta nói rằng các sư sống cách biệt với quần chúng nghèo khó!
Người ta nói rằng các sư ngồi mát hưởng bát vàng!
Người ta nói rằng Phật giáo không đóng góp hữu ích gì cho dân tộc!
Và người ta nói rằng...
Trong luật Phật, chư Tăng độ ngọ, nghĩa là không ăn chiều; thời đức Phật chỉ một bữa trưa, sáng không ăn và chiều cũng nhịn. Ngày nay Phật giáo nguyên thủy vẫn duy trì giáo luật như thế, nhưng sáng chư Tăng có điểm tâm, chiều uống bột, nước sữa hay thức uống lõng. Một số bậc chân tu Bắc truyền cũng sống không ngoài giới luật. 

Tổ Bách Trượng chủ trương một ngày không lao động, ngày đó không ăn. Hiện nay, Tổ chùa Ráng, tức Đức Pháp chủ của GHPGVN hiện thời, tuổi ngoài 103, hàng ngày vẫn vác cuốc ra đồng. Vào thế kỷ XX về trước, một số chùa nông thôn tự cày cấy mà sống, nhà chùa có nông trang, nông điền tự cung tự cấp. Các chùa trong thị tứ, không có nông Thiền, phải tiếp nhận sự cúng dường; một số chùa trợ giúp quần chúng ma chay tế lễ xem như cùng nhau trao đổi cuộc sống. Một số bậc chuyên tu miên mật, không có thời gian lao tác, không giao tiếp trần tục, thường ẩn cư trên non cao núi thẳm, hạn chế nhu cầu bản thân tới mức tối thiểu. Sao gọi là ngồi mát ăn bát vàng?

Những chùa chiền nơi đô thị, kết hợp với quần chúng thường ủy lạo vùng sâu vùng cao; xây cầu đóng giếng, hỗ trợ bệnh nhân và dân nghèo những suất cơm từ thiện mỗi ngày. Một số chùa là nơi giảng dạy giáo lý, khóa tu chuyển hóa cho lớp trẻ về đạo đức, người lớn lấy niềm tin làm điểm tựa cho cuộc sống; hướng dẫn phạm nhân trong các lao xá; điều hướng cho các doanh nhân... trong phạm vi khả năng chỉ có thể đóng góp như thế, nếu là một Phật tử đủ uy đức và địa vị uy quyền như các đời vua nhà Trần, chống ngoại xâm, giữ bờ cõi, mở mang đất nước, khai sáng dân trí... sao bảo Phật giáo không làm hữu ích cho dân tộc?

Với giáo lý mang tính thực tiển, đem lại an lạc từng bước chân, từng hơi thở. Có lần đức Phật không trả lời những vấn nạn mang tính siêu thực; Phật giáo chủ trương giải quyết nỗi khổ niềm đau trong kiếp sống chứ không hướng đến những chuyện viễn vông. Đó là những tiêu chí cho các tu sĩ chuyên tu miên mật. Trong xã hội mở ngày nay, công cuộc hoằng pháp lợi sinh, tu sĩ kết hợp những tập tục lưu truyền do tinh thần Nho gia để lại mà chư Tổ đã uyển chuyển kết hợp với giáo lý nhà Phật, giúp quần chúng sống hài hòa, vừa thỏa mãn niềm tin nhân quả, vừa an lòng hiếu hạnh với thân nhân quá vãng qua nghi thức báo hiếu. Cũng từ đây, nghi thức tiếp linh, triệu linh, cúng vong, biến thành phong tục của người Việt. Hòa nhi bất đồng đã được Phật giáo khéo léo ứng xử hòa hợp trên tinh thần Tam giáo đồng nguyên, tránh được những bất hòa xung đột mà một số quốc gia xảy ra giữa tôn giáo với tôn giáo.

Sau thời gian chinh chiến đưa đất nước lâm vào chỗ kiết quệ, người sống mất thân nhân, tình cảm day dứt, nhu cầu áp vong càng nở rộ tại các vùng miền Bắc, các nhà ngoại cảm chỉ là hậu thân của các loại hình thầy pháp, thầy mo, công đồng tứ phủ, đồng bóng... Cuộc sống cơ cực đẩy con người tìm đến niềm tin vô hình, mong đáp ứng nhu cầu thân nhân quá vãng đòi hỏi, và tin vào lời chỉ dẫn của người đã mất. Từ đó, một số chùa đã phát sinh tiếp vong, độ linh, nghi thức giải oan cắt kết... rộ nở. Không chỉ chùa Ba Vàng, trong Nam có thầy Giác Nhàn và thầy Giác Hạnh cũng quan tâm đến chư vong, nhưng mỗi vị có cách hóa giải oan hồn khác nhau. Việc áp vong của chùa Ba Vàng không có gì là lạ và ghê gớm lắm.

Trong Phật giáo chính thống không có bất cứ hình thức nào thiên về vong linh; không cầu an, cầu siêu, không cúng sao giải hạn, cũng không có tuần thất hay 49 ngày. Thậm chí không thờ ảnh tượng. Kinh điển Nam truyền và Bắc truyền có nói đến thế giới ngạ quỷ, A tu la, nhưng hoàn toàn không có nghi cúng cho chủng loại đó. Sau khi du nhập vào Trung quốc, hòa nhập Khổng Lão, chùa chiền linh động cúng Đại Bàng kim xí điểu, rồi cúng vong, dần dà mở rộng qua nhiều hình thức xa rời Phật giáo nguyên thủy. Tất cả không ngoài mục đích hộ quốc an dân đem lại cuộc sống ổn định tâm lý để hướng đến đạo đức nhân quả.

Vậy tại sao chùa Ba Vàng lại trở thành tâm điểm cho báo chí, truyền thông rầm rộ như cuộc tập kích chiến trận để rồi họ tự hào: “Quân ta thắng, quân địch thua?" 

Thật ra đấy chả là chuyện gì ghê gớm lắm, chuyện cúng vong nhan nhãn khắp các chùa, mục đích truyền thông đồng loạt cùng thời điểm hướng dư luận dồn cái nhìn thiếu thiện cảm về thầy Thích Chúc Thái Minh, thậm chí, xuyên tạc, vu khống, chụp mũ về đời tư mà ai từng gặp, tiếp xúc với thầy, không thể đồng thuận với giới truyền thông đầy ác ý đó. Một tu sĩ xuất thân từ giảng viên đại học, có nhân cách, điềm đạm và vị tha, luôn nghĩ đến việc phát triển đạo Phật, không thể là một người tồi tệ như giới truyền thông ác ý xuyên tạc để lạc dẫn quần chúng thiếu thiện cảm với nhà Phật. Mục đích và động lực của giới truyền thông đó là gì?

So với hệ thống tham nhũng hàng vạn tỷ, lấy cắp tài khoản trong ngân hàng hàng trăm tỷ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trong xã hội hàng ngày, giết người cướp của và vô số tệ nạn, đáng ra, đó là điều cần quan tâm, hay những gương người tốt việc tốt trong các tôn giáo nên đề cao để xã hội có cái nhìn thông thoáng và thanh thản, có niềm tin trong cuộc sống; chả lẽ nhiệm vụ người cầm bút luôn chỉa vào những chuyện không cần thiết để bé xé ra to, tác hại uy tín Phật giáo trước thềm Vesak sắp tới. Quả việc làm này đã có chủ đích đối với Phật giáo!!! 

Vấn đề báo chí phanh phui việc ra giá cho cuộc lễ, không chỉ có ở một vài chùa của Phật giáo,mà vài tôn giáo khác vẫn có, tùy tâm hay thuận ý của người xin lễ, nói theo thế gian: thuận mua vừa bán, có gì là tội? Cần gì phải lên án. Báo chí cũng không có quyền truy vấn số tiền hàng tỷ mỗi năm đi về đâu, sao không hỏi cơ ngơi chùa Ba Vàng tiền từ đâu mà có? Ai có quyền truy vấn lương hàng tháng của bạn sử dụng thế nào, để làm gì??? Phải chăng đã dẫm vào quyền tư hữu công dân mà luật pháp đã quy định. Rồi phanh phui chùa Ba Vàng chiếm dụng nhiêu mẫu tây để phát triển cơ ngơi trên núi. Thế thì chùa Phật Quang Bà Rịa, núi Dinh từng bị lập biên bản vì chiếm dụng rừng phòng hộ, chính quyền địa phương bó tay, báo chí sao không lên tiếng, chưa nói đến nội tình trong đó có nhiều vấn đề.

Chuyện lạ là phần lớn quần chúng đã bị báo chí lạc dẫn vào mê hồn trận, chỉ thấy cái lỗi to đùng của chùa Ba Vàng do báo chí trương phồng mà không thấy cái sai của báo chí chỉa mũi vào tôn giáo những chuyện quá vặt vãnh. Xâm phạm vào đời tư cá nhân. Báo chí chỉ có quyền vào cuộc khi ai đó làm đơn tố cáo, hoặc vào cuộc đối với một ổ tội phạm ảnh hưởng an ninh xã hội, thế mà cả Giáo hội bổng chốc, như bị phỏng lửa, chưa rõ đâu đúng đâu sai, chưa rõ căn cứ luận tội, vội xem thầy Chúc Thái Minh là một tội phạm. Nếu có sai phạm trong phạm vi tôn giáo, thì chỉ là sai phạm về nghi lễ, nhưng việc cúng vong là một nghi lễ đã phổ biến trong Phật giáo mặc dù không chính thống của Phật giáo. Lỗi chăng là thầy trụ trì đã để cho một cư sĩ nữ lên phát ngôn không chính thống, bản thân ĐĐ Chúc Thái Minh không có lỗi theo luận tội về giới luật. Khi đại Tăng chưa Yết Ma thì chưa bị xem là phạm giáo luật. Truyền thông báo đài chưa hẳn lúc nào cũng đúng.

Oan gia trái chủ là mang tính nhân quả của nhà Phật, việc giải quyết oan gia trái chủ đối với chư vong tùy thuộc vào tác sự của mỗi chùa. Việc thờ cúng tổ tiên, oan gia trái chủ đã là nét truyền thống của PGVN. Không ai có quyền phán xét, xâm phạm vào tín ngưỡng riêng của người khác. Giáo hội vội vả ngã theo truyền thông đầy ác kiến sẽ bị sập bẫy, tự mình đánh lại mình. Giáo hội công minh để xét đoán nhân sự đúng sai trên tinh thần lục hòa và giáo luật chứ không phải theo áp lực của thế tục. Nếu xét thấy báo đài phản ánh không đúng về nhân thân và xuyên tạc sự việc, Giáo hội cần yêu cầu Thông tin văn hóa xử lý kẻ làm dậy sóng xã hội. Đất nước văn minh có quyền truy tố báo chí nếu họ cố tình xuyên tạc ác ý với bất cứ ai; huống thay, đây là bộ mặt uy tín của một tôn giáo như đạo Phật thường xuyên là nạn nhân của các báo đài gần đây, cố tình bôi tro trét trấu Phật giáo để nâng một đối trọng khác cho quần chúng hướng đến. Chúng ta không phải bao che, nhưng ít ra xử lý đúng nhân cách văn hóa của một tôn giáo lấy trí tuệ từ bi làm đầu, nếu xét thấy có tội. Hiện giờ chưa có cơ quan thẩm quyền nào phán thầy Chúc Thái Minh là có tội.

Một số người bất mãn cuộc sống, hậm hực xã hội, bèn quy tội cho Phật giáo đã rước CS vào, chọn vài nhân vật điển hình để đánh phá tạo mất niềm tin trong quần chúng đối với Phật giáo. Cuộc sống có ai toàn thiện? Không Tôn giáo nào toàn thiện, không cá nhân nào toàn thiện, vậy ai có quyền phán xét kẻ khác? Trong Thánh kinh, khi đưa người phụ nữ phạm tội ngoại tình ra ném đá, họ bảo Chúa Jesus ném viên đá đầu tiên, Chúa  phán, trong đây ai là người chưa hề phạm tội hãy ném đá trước, thế là mọi người lặng lẽ rời khỏi hiện trường. Thế đấy, con người thích nhìn lỗi và kết tội người khác, nhưng không thấy lọ trên mặt mình. Lục tổ dạy: đừng thấy lỗi người mà hãy nhìn lỗi mình. Thánh nhân khác chúng ta chỉ có thế thôi.

Ngày nay, phương tiện truyền thông trở thành con dao hai lưỡi, người đạo đức sử dụng sẽ giúp ích nhân loại, kẻ bất nhân sẽ giết con người bằng phương tiện truyền thông. Cửa chùa luôn rộng mở, vì thế còn gọi là “không môn”, chính không môn mà mọi luồng gió đều tuồn vào dễ dàng, không bị cản trở, trong những luồng gió mát có cả loại gió độc. Dù trong lành hay độc địa đều mang theo tính nhân quả. Thương cho kẻ ác ý hại người vì lý do nào đó, cũng không tránh khỏi luật trả vay. Nghiệp vận của dân tộc và nghiệp vận của Phật giáo luôn đồng hành, luôn gặp nhiều loại gió độc.

MINH MẪN
29/3/2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét