Dục, theo nghĩa nôm na là ham muốn;
trong phạm vi này, chúng ta tìm hiểu về trạng thái của dục, biểu hiện của dục
và phương cách đoạn dục, diệt dục, tránh dục qua quan điểm của một số hành giả.
Theo tinh thần nhà Phật, cõi chúng ta
đang sống được gọi là “dục giới”; ham muốn về thể xác, giới tính và những ham
muốn khác. Dục giới có 6 loài hữu tình:
Địa ngục - Ngạ quỷ (Quỷ đói) - Súc sinh
(Loài thú) - Loài người - A-tu-la - Cõi
trời ở cõi dục (lục dục thiên) - Trời Tứ thiên vương - Trời Đao lợi - Trời Dạ-ma
- Trời Đâu-suất - Trời Hoá lạc - Trời Tha hoá tự tại.
Theo Phật Quang Đại từ Điển:
DỤC Phạm: Cũng gọi Nhạo dục. Tên tâm sở.
Là tác dụng tinh thần mong muốn sự nghiệp được hoàn thành. Thuyết nhất thiết hữu
bộ cho rằng Dục là tác dụng theo tất cả tâm mà khởi lên thuộc về đại địa pháp.
Tông Duy thức thì cho rằng tâm đuổi bắt đối tượng là do tác dụng của tác ý (chú
ý) chứ không phải tác dụng của Dục, cho nên Dục chẳng phải theo tất cả tâm mà
khởi, mà chỉ là tâm sở Biệt cảnh mong cầu đối tượng mà khởi lên. Dục có ba
tính: Thiện, ác và vô ký (không thiện không ác). Dục tính thiện là nguồn gốc
phát khởi tâm tinh tiến cần mãn, dục mang tính ác thì thèm muốn tài vật của người
khác, gọi là tham, là một trong những phiền não căn bản.
DỤC D 1322 Dục có nhiều loại: Năm dục,
sáu dục, ba dục. Năm dục: Say đắm năm cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Cũng gọi
năm dục đức, năm diệu dục. Hoặc ham muốn của cải, sắc đẹp, ăn uống, tiếng tăm,
ngủ nghỉ, cũng gọi năm dục. 2. Sáu dục: Say mê sắc đẹp, dung mạo, uy nghi tư
thái, giọng nói quyến rũ, làn da mịn màng, tướng người xinh đẹp. 3. Ba dục: Ham
đắm dung mạo, tư thái, làn da mịn màng... Lại vì dục làm nhơ bẩn thân, nhiễu loạn
người nên ví dụ dục là bụi bặm, là ma, là sự trói buộc v.v... [X. luận Câu xá
Q.4; luận Phẩm loại túc Q.2; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.1; luận Thành
duy thức Q.5]. (xt. Ngũ Dục, Lục Dục).
DỤC ÁI Chỉ cho phiền não trong cõi Dục.
Tức là vọng chấp đối với năm dục. Bồ Tát ưa thích chính pháp gọi là Pháp ái;
trái lại, phàm phu tham đắm năm dục (của cải, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ
nghỉ) gọi là Dục ái.[X. kinh Trường a hàm.
Q.10; kinh Lăng nghiêm Q.1; luận Tập dị
môn túc Q.4]. (xt. Ái).
DỤC GIỚI ĐỊNH Thiền định thuộc cõi Dục.
Cũng gọi Dục định. Về vấn đề cõi Dục có định hay không, thì có nhiều thuyết. Có
thuyết bảo cõi Dục không có Thiền định, chỉ có tâm tán động, bởi thế, cái gọi
là định cõi Dục là chỉ cho định Vị chí, tức là ở giai đoạn trước khi vào Sơ thiền.
Có thuyết cho rằng cõi Dục tuy nhiều tán tâm, nhưng vẫn có một phần nhỏ định tâm,
và chính lấy phần nhỏ định tâm này làm định cõi Dục. Vì định tâm ở cõi Dục
không liên tục mà tiêu diệt rất nhanh, nên cũng gọi là Điện quang định (định
ánh chớp). Nhưng, luận Thành thực quyển 11 thì bảo cõi Dục thực sự có thiền định
và thiền định này có thể phát ra trí không động. [X. luận A tì đàm tì bà sa
Q.41; Thất thiếp kiến văn Q.3 phần cuối].
DỤC GIỚI TAM DỤC Ba món dục ở cõi Dục.
Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 3 nêu ra ba món dục của phàm phu trong cõi Dục,
đó là:
1. Ẩm thực dục: Phàm phu đối với các thức
ăn uống thơm ngon sinh tâm tham đắm.
2. Thụy miên dục: Tâm phàm phu phần nhiều
mờ tối, ham mê ngủ nghỉ nên không thể siêng tu đạo nghiệp.
3. Dâm dục: Tất cả nam nữ do tâm tham
nhiễm lẫn nhau, nên làm các việc dâm dục.
DỤC HỎA Lửa dục. Nhiệt tình dâm dục giống
như lửa hay thiêu đốt tâm chúng sinh, hoặc vì tâm dâm dục bốc cháy như lửa khó
dập tắt, nên gọi là Dục hỏa....
Kinh Lăng nghiêm quyển 8 (Đại 19, 143 hạ),
nói: “Tất cả các đức Như Lai trong 10 phương coi việc hành dâm như lửa dục. Bồ
Tát thấy sự dâm dục thì tránh xa như tránh hố lửa”. [X. Pháp uyển châu lâm
Q.44].
Với cái nhìn của khoa tâm lý thì: Tính dục
ở loài người là năng lực giới tính, thể chất, tâm lý, và sinh dục, bao gồm mọi
khía cạnh đặc trưng của nam giới và nữ giới. Tính dục là một khái niệm có nội
hàm rộng, vừa phản ánh mối quan hệ giới tính, vừa chứa đựng những yếu tố hữu
hình và ẩn giấu của cá nhân. Trong tiếng Việt, tính dục, đặc biệt khi chỉ đề cập
tới mối quan hệ giới tính, còn được gọi là tình dục.
Khái niệm tính dục bao hàm:
• Nhận thức và cảm giác về cơ thể mình
và cơ thể người khác
• Tính chất tâm lý bên trong và hành vi ứng
xử bên ngoài
• Cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu gần gũi về
tình cảm với một ai đó.
• Cảm giác hấp dẫn tình dục với người
khác
• Các tiếp xúc tình dục: từ động chạm cơ
thể đến giao hợp (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Do quan niệm người thường nói đến dục là
nghĩ ngay đến cái xấu, thực ra dục có ba loại, dục thiện, dục bất thiện và dục
vô ký. Do ham muốn mà chúng sanh mãi trôi lăn trong sáu cõi, ba đường. Dục giới
của loài người có cả hạnh phúc và đau khổ. Do đủ hai trạng thái đó mà chư Bồ
Tát thường chọn cõi dục loài người để thực hiện hạnh phục vụ vô ngã, hành các
pháp tiến đến đạo quả giải thoát. Nơi đây là điểm cuối trước khi Bồ tát đắc quả
vị Phật. 6 loại chư Thiên trong cõi dục, Đao Lợi thiên là nơi ngự trị của Trời
Đế Thích. Đâu Suất thiên là chỗ của các vị Bồ Tát trọn đủ hạnh nguyện, chờ tái
sinh vào cõi người lần cuối.
Ngài Bồ Tát Mettaya (Di Lạc), vị Phật
tương lai, hiện đang ở cảnh trời nầy, chờ ngày tái sinh vào cảnh người để thành
tựu Đạo Quả Phật.
Trong quá trình thiền tập, cho dù dục
thiện cũng là một chướng ngại; mong cầu sự giải thoát, ham muốn đạt kết quả cho
việc thiền tập... đều vướng vào chướng ngại đưa đến giải thoát thật sự; ngay cả
cố gắng tập buông xả dục thiện cũng là một chướng ngại.
***
Dù là loại dục thiện hay bất thiện đều
là nhân tố đưa đến luân hồi, bởi đó là hạt giống gieo vào nghiệp thức. Hạt giống
dục thiện giúp nhân thân hậu lai dễ tiếp cận môi trường thuận lợi hỗ trợ thăng
tiến cho việc tu tập tiếp theo, sớm gặp chánh pháp. Trong phạm vi chữ dục làm
ngăn trở đạo quả, chúng ta xem xét tiếp. Cuộc sống nhân thừa, Phật giáo không
phủ nhận, ngăn cấm dục vọng trong đời thường, vì đó là phạm vi chuẩn mực đạo đức,
nhân bản, nếu không lạm dụng thái quá. Tuy nhiên, đối với vị trí của bậc xuất
thế ly trần, dục vọng phàm tình là điều ngăn trở tiến tu đạo nghiệp, chữ dục biến
thành thiện dục cho bước đầu sơ tâm xuất gia với lòng mong cầu giải thoát; bởi
mong cầu cũng đã là dục nhưng là thiện dục. Dục là hạt giống tiềm ẩn trong tạng
thức, luân lưu nhiều kiếp trong ba đường sáu nẽo. Đức Phật dạy ái dục đứng đầu
dẫn dắt vào cõi trầm luân. Luật giới Sa môn giới dâm đứng đầu. Đối trước những
cám dỗ đời thường, hành giả tự mình chiến đấu thật vất vả, hạt giống dục ẩn
tàng dưới mọi sinh hoạt đời thường; nhẹ thì ái nhiễm về ăn uống ngủ nghỉ, nặng
thì đắm nhiễm vào lạc thú xác thịt, cờ bạc, say sưa... Hành giả muốn vượt thoát
sanh tử, đối diện với ái dục, phải hành xử thế nào? Đức Phật dạy: đối diện với
nữ sắc, Đừng nhìn chúng. Đó là câu trả lời của Đức Phật dành cho ngài A Nan
trong kinh Đại bát Niết Bàn. Nhãn căn và sắc trần tương ưng dễ khởi tà tâm; chớ
có nói chuyện với chúng; không nhìn ngắm chúng; nếu phải tiếp xúc thì không khởi
tâm phân biệt đẹp xấu, ưa thích... Kinh An trú tâm cũng khẳng định tương tự: ví
như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình,
người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên. Xem như người thân; người nữ lớn hơn
xem như mẹ hoặc chị, nhỏ hơn xem như em, cháu mình. Theo kinh Tăng Chi, hai đức
tính tàm và quý che chở cho thế giới. Nhờ hai đức tính này nên mới có thể chỉ
được đây là mẹ hay đây là chị em của mẹ, đây là vợ của anh hay em của mẹ, đây
là vợ của thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng. Sống làm người phải biết
tàm quý. Con người không biết tàm quý đôi khi thua loài cầm thú. Kinh Giáo giới
La Hầu La ở Am Bà La, nếu một người không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy
không có việc ác gì mà không làm. Quán vô thường và quán bất tịnh, chú tâm quán
sát thân thể người nữ từ lúc thanh xuân qua đến tuổi già, bao nhiêu bệnh tật bẩn
nhơ, thân hoại diệt phơi trần giữa rừng dòi bọ. Suy niệm về bản chất của dục,
ví như con chó gặm khúc xương không còn thịt, gặm mãi không thỏa mãn, dục ái
cũng thế, nó là loài rắn độc nguy hiểm. Đời tu sĩ còn tham ái dục, ví như tội
nhân bị đưa vào hố than đỏ hồng, vùng vẫy, sợ sệt, đau khổ.
Đức Phật hỏi: Các thầy nghĩ thế nào, này
các Tỳ-kheo, việc nào là tốt hơn: ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần đống lửa lớn đang
cháy đỏ rực, hay ôm ấp, ngồi gần, nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người
con gái Sát-đế-lỵ, người con gái Bà-la-môn hay người con gái gia chủ? Sau khi
nghe câu trả lời, Đức Phật đã xác tín rằng khi nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục,
tánh tình bất tịnh thì bất hạnh, khổ đau còn hơn bị quăng vào hố than hừng.
Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
Tụng phẩm IV
... Chư Hiền, thế nào là ái, thế nào là
tập khởi của ái, thế nào là đoạn diệt của ái, thế nào là con đường đưa đến đoạn
diệt của ái? Chư Hiền, có sáu loại này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc
ái, pháp ái. Từ tập khởi của thọ, có tập của ái, từ đoạn diệt của thọ, có đoạn
diệt của ái, và Thánh Ðạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của ái,
tức là: Chánh Tri kiến... Chánh Ðịnh. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri ái như vậy, tuệ tri
tập khởi của ái như vậy, tuệ tri đoạn diệt của ái như vậy, tuệ tri con đường
đưa đến đoạn diệt của ái như vậy, khi ấy, vị ấy, đoạn trừ tất cả tham tùy
miên... và thành tựu diệu pháp. (KINH TRUNG BỘ)
Ái dục không bao giờ thỏa mãn, thỏa mãn
ái dục nầy thì ái dục khác phát sanh, dĩ nhiên khổ đau luôn theo sau ái dục.
***
Các hành giả thấy được ái dục nguy hiểm,
bèn tìm mọi cách tránh né, diệt trừ. Sau đây là kinh nghiệm và quan niệm của một
số hành giả (không kể xuất gia hay tại gia) trong quá trình thiền tập.
Trong sinh hoạt giao tiếp thường nhật,
tính dục ẩn tàng dưới nhiều hình thức; nhìn đối tượng liền nảy sinh nhận xét đẹp
xấu, ưa ghét, móng khởi tà tâm tưởng tượng tiếp theo những ý tưởng để thỏa mãn
tư tình. Nhìn vật quý, ham muốn tìm cách chiếm đoạt sở hữu, khởi tâm hành động
những kế hoạch xấu ác nhất, nếu có thể! Mọi việc khác cũng đều như vậy.
Hành giả tinh tấn tiến tu, dĩ nhiên
không để những tà ý như thế khởi lên khi lục căn giao tiếp với lục trần, nhưng,
giai đoạn thiền tập, những hạt giống bất thiện thường trỗi dậy; đó là đợt sóng
ngầm trong vô thức, thường quấy rối hành giả. Tìm ngoại cảnh để giải quyết sẽ
không bao giờ kết quả. Một hành giả bỏ phố lên rừng cầu nơi thanh tịnh, thế
nhưng, chim muông vẫn làm cho hành giả giao động, chưa nói đến không gian yên ắng
càng làm cho vọng tâm bùng khởi. Một hành giả suốt thời ấu thơ được thầy cho ở
trên núi, đến lúc trưởng thành, xuống núi theo thầy đi hóa duyên, nhìn thấy nữ
giới cứ ngẫn ngơ đứng nhìn. Thầy biết rằng suốt thời gian nơi núi rừng không thể
xóa tan hạt giống sắc dục của người đệ tử; thầy mua tấm hình lõa lồ, treo trên
vách, hướng dẫn người đệ tử quán xét mỗi ngày từ trên đầu xuống bàn chân, sự bất
tịnh toàn thân để thấy vóc dáng ấy chỉ là bọc thịt nhơ bẩn của sự hôi thối như
sự hôi thối những thây ma thường thấy bỏ trên núi cho kênh kênh chim quạ ăn tại
vùng Tây Tạng, hay thây ma thiêu cháy nổi lềnh bềnh trên sống Hằng.
Một hành giả khác biết tâm dễ giao động
khi nhìn thấy nữ sắc, người bèn lãng tránh chỗ khác, nếu phải đối đầu thì nhắm
mắt như không hề thấy, nếu phải nói chuyện, cứ tưởng tượng là người thân của
mình, thế nhưng, sự tò mò của tưởng thức không bao giờ để hành giả yên tâm. Tuy
không nhìn thẳng, không thấy mặt, vẫn thấy vóc dáng gói gọn trong bộ đồ vải mỏng,
và rồi, con khỉ vọng tưởng bắt đầu nhảy lung tung, quấy rối lúc thiền tập. Hành
giả quên rằng, không phải do con mắt mà tâm tưởng đã chủ động.
Trong lúc thiền tập, hai giờ đầu cố gắng
điều thân, nhưng tâm vẫn chưa lắng đọng. Hành già lắng nghe câu niệm chú hay niệm
Phật để trấn áp vọng tưởng, nhưng chả bao lâu câu niệm chú niệm Phật đó đã bị lấn
át bởi bao nhiêu vọng tưởng khởi lên. Vọng tưởng như cỏ sẽ tìm mọi cách chui
lên khỏi vật đè nén cho dù đó là gạch đá, cement, bê tông... cố gắng đè nén vẫn
là vọng tưởng. Dùng vọng tưởng diệt vọng tưởng càng sanh thêm vọng tưởng. Không
ai có thể duy trì chánh niệm 24/24, thất niệm là chuyện bình thường, thất niệm
chính là một dạng của vọng tưởng.
Kinh nghiệm của một hành giả khác bảo rằng
– vọng tưởng cứ để mặc nó khởi, hành giả chuyên tâm vào pháp hành thì lâu ngày
hạt giống vọng tưởng sẽ tàn rụi như cỏ khô cháy dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt
trời, vọng tưởng sẽ thiêu hủy dưới năng lượng đại định.
Một hành giả khác đạt được mức độ thiền
định đã thấy nghiệp dục sẽ xảy đến cho mình, suốt ngày hôm đó không ra thất,
không nhận cơm. Mãi đến 12 giờ đêm, mở cửa ra đi vệ sinh, một thiếu nữ mang cơm
ngồi đợi từ trưa, nhào đến ôm chầm, thế là hành giả mất hết mọi khả năng từ lâu
thiền định mang lại, và rồi, hành giả đó trở nên không bình thường, vì hạt giống
nghiệp dục vẫn còn ẩn tàng.
Hành giả khác tu hành miên mật tuy chưa
đạt được thành quả nào ngoài sự hỷ lạc và thanh tịnh, thanh thản nội tâm, nhưng
lúc cận tử nghiệp, tâm hôn mê, không làm chủ được, nghiệp dục bị đè nén và trốn
chạy trong quá khứ, trỗi dậy, một đối tượng xa xưa, nghe tin, đến cầm tay từ
giã mới chịu trút hơi thở cuối cùng.
Thậm chí, một hành giả phải cần một tí
nước mắm mới cam tâm bỏ xác ra đi... Nhiều và rất nhiều những hạt giống nghiệp
dục chưa được chuyển hóa, vẫn ẩn tàng chờ đủ duyên bùng phát làm khổ hành giả.
Một hành giả chuyên tu còn gặp bao khó
khăn như thế khi nghiệp dục chưa được chuyển hóa, hà huống bao nhiêu lần trong
ngày, chúng ta mãi chiều theo vọng tưởng khi căn tiếp xúc với trần mà không hề
biết đó là mầm mống của trầm luân. Khi tâm có khuynh hướng rõ nét về một tâm sở,
thì chính đó là hạt giống dẫn dắt vào 6 nẽo và rồi sẽ tiếp tục phát triển nếu
không đủ khả năng nhận diện chận đứng để chuyển hóa. Nếu hành giả duy trì được
chánh niệm trong lúc cận tử, không thoát khỏi luân hồi thì cũng tái sinh vào
cõi lành.
DỤC LÀ HẠT GIỐNG TIỀM ẨN TRONG MỌI CHÚNG
SANH, VIỆC DIỆT DỤC, ĐOẠN DỤC... CHỈ LÀ CÁCH NÓI NẾU KHÔNG CÓ PHƯƠNG ÁN CHUYỂN
HÓA NGHIỆP DỤC, THÌ VIỆC DIỆT HAY ĐOẠN VẪN LÀ HẠT GIỐNG CHỒNG THÊM HẠT GIỐNG VÌ
MONG MỎI ĐƯỢC DIỆT HAY ĐOẠN DỤC.
MINH MẪN
13/3/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét