Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

* TÂM HỒN BẤT AN


Vì tâm vọng động của chúng sanh mà đức Thế tôn có mặt để đưa ra phương thuốc hóa giải. Các Thánh Tăng thời Phật hiện tiền đều chứng đắc pháp vị giải thoát, một phần nhờ oai lực của Phật hỗ trợ, một phần do túc duyên của các ngài mà đã đắc pháp tại chỗ, hành trì miên mật đưa đến giải thoát. Một phần nhờ vào cuộc sống xã hội bấy giờ quá đơn điệu, không bị cám dỗ nhiều danh- lợi- tình như xã hội tân tiến hiện nay. Một xã hội càng tân tiến thiếu đạo đức thì con người càng dễ xa rời bản thể Chân Như, ngoại trừ một số rất ít những bậc chân tu luôn cảnh giác với mọi cám dỗ, tự thúc liễm thân tâm.

****

Xã hội Việt Nam hiện nay so với xã hội tiến bộ của các nước Tư Bản, chưa gọi là tiến bộ lắm, nhưng những vấn đề hiện có trong cuộc sống, chưa có sự ý thức từ nền giáo dục và luật pháp, nhiều tệ nạn không tưởng lại xuất hiện một cách không ngờ. Chẳng những thế tục mà ngay cả một tôn giáo được mệnh danh là vô ngã, đã tồn tại gần ba ngàn năm, tạo một ấn tượng đáng kính cho thế giới hiện nay, thế nhưng, hàng ngày nhan nhãn xuất hiện trên truyền thông xã hội, những kẻ làm ô danh mang màu sắc tu sĩ, được gọi là tà giáo phá hoại Phật giáo. Tệ nạn như thế, không vi phạm luật pháp nên luật pháp không thể xử lý. Nó thuộc quyền hạn tôn giáo, một Phật giáo không có giáo quyền như tôn giáo Thần học, thì cũng không thể giải quyết được gì. Những kẻ lạm dụng chiếc áo nằm ngoài tổ chức Giáo hội đã đành, ngay trong nội tình cũng không giải quyết được, mỗi khi có xáo trộn, đều cần có mặt của sở Nội vụ hòa giải, từ Trung ương đến các tỉnh thành cũng thế.

Gần đến ngày Đại hội Phật giáo toàn quốc, một số BTS PG tỉnh thành bị xáo trộn từ những vị trong BTS cấp tỉnh, tranh quyền đoạt chức, có vị lại nhờ bàn tay của các quan chức tôn giáo tại văn phòng 2 can thiệp, áp đặt, càng gây bất hòa cho Phật giáo địa phương. Hẳn nhiên Tăng Ni vị nể chức quyền cấp trên chứ không ai tâm phục. Phật giáo Phú Yên, Bạc Liêu, Thừa Thiên - Huế... cấp quận như quận 7 thuộc TP HCM vẫn chưa tổ chức Đại hội để BTS PG Thành phố hoàn tất chương trình Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017. Quận huyện có vấn đề của quận huyện, tỉnh thành có vấn đề của tỉnh thành.

****

Lâm Đồng là một tỉnh vẫn chưa ổn thỏa nội tình trong BTS khi mà HT trưởng Ban ra đi đột ngột cùng với sự đột ngột ra đi của TT Tổng thư ký Phật giáo tỉnh, vì thế, xử lý quyền trường ban tạm thời do HT Toàn Đức đảm nhiệm. Thế nhưng, có một tu sĩ trong BTS PG tỉnh kiêm trưởng BTS PG thành phố Đà Lạt, muốn tiếm quyền giáo hội tỉnh. Toàn bộ Tăng Ni Phật giáo Lâm Đồng không hài lòng hành động của một TT Viên Thanh lạm quyền, hách dịch, ngang ngạnh; muốn thao túng Phật giáo tỉnh, nhưng một tỉnh có quá nhiều tôn túc đạo hạnh, có quá nhiều tín đồ thuần thành và hiểu đạo thì việc làm của thầy Viên Thanh không dễ cho kẻ múa gậy vườn hoang.

Vì tự ái do không được lòng quần chúng và nội bộ BTS, thầy Viên Thanh đã đưa đơn xin nghỉ việc, gửi đến các cấp giáo hội và chính quyền với lời lẽ vừa thống thiết, vừa khoe khoang thành tích và chức vụ, vừa nhận thức đến duyên nghiệp quá khứ để nhận quả chống đối hiện nay trong tăng chúng và tín đồ tỉnh Lâm Đồng.  

Đơn xin thôi việc các chức vụ trong BTS PG tỉnh ký ngày 15/8/2017 (sao lại tháng 8, có lẽ tâm hồn khủng hoảng nên quên cả ngày tháng?) thì sau đó, ngày 18/7/2017 lại đưa đơn rút lại lá đơn trước đã xin nghỉ việc, với lời lẽ trịch thượng vốn có - đã bộc lộ: "căn cứ phiên họp ngày 17/8/2017, tôi thống nhất xin rút đơn xin nghỉ việc của tôi và tiếp tục làm việc."  

Đơn xin nghỉ việc gửi đến các cấp chính quyền và Giáo hội, rút đơn xin nghỉ việc chỉ thông báo với BTS PG tỉnh, nếu chính quyền không chấp nhận tiếp tục làm việc vì không có đơn thông báo đến chính quyền, thì sao? "Giận quá mất khôn" không nên có nơi một tu sĩ bình thường hà huống khoe là tốt nghiệp khóa 1 cao cấp Phật giáo Việt Nam, trưởng Ban Hoằng pháp tỉnh... với hàng đống chức vụ rổn rẻng mà phong cách xử sự như thế kể cũng lạ, chưa nói quá trình tu tập, nội lực để đâu hay bị hư danh quyền lực làm nhòa tâm ảnh làm sao dạy đệ tử và làm gương cho bá tánh?

Đưa đơn xin nghỉ rồi làm đơn rút lại là việc làm quá trẻ con, lộ tính tham danh và tự ái vặt, chưa nói cách viết đơn xin rút lại đơn trước với ngôn phong cao ngạo, tức tối, xem thường BTS PG tỉnh. Một con người như thế, thử hỏi nắm chức vụ có nhiều quyền lực thì Tăng Ni trong tỉnh sẽ khốn đốn thế nào? Rồi sẽ có những chùa không được lòng, ngài trụ trì sẽ bị trục xuất để đưa người khác vào như vụ chùa Lộc Uyển những năm về trước?

Tại sao phải cần có chức danh ảo? Tuy chức danh ảo nhưng quyền lực và quyền lợi thực, có lẽ thế mà ai cũng muốn tranh đua, chiếc áo và xâu chuỗi không đủ sức kềm hãm tâm tham vọng ở một người tu như thế chăng?
            
Dĩ nhiên sở Nội vụ, Ban tôn giáo tỉnh không muốn nội tình tôn giáo trong vòng kiểm soát xáo trộn hà huống nội tình Phật giáo tỉnh. Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy bao nhiêu chuyện tranh chấp nội bộ BTS PG các cấp, không tự giải quyết ổn thỏa, vì ai cũng như ai, cũng đầu tròn áo vuông, cũng đầy bản ngã và tham danh, vì thế, thường phải nhờ những cán bộ trẻ tuổi, đầu còn tóc đứng ra chỉ đạo, sóng mới lặng, biển mới yên.

Thật buồn cho PGVN hiện nay, nguyên nhân nào tôn giáo như thế vẫn bị khuấy động như sự khuấy động ngoài xã hội?

MINH MẪN
10/9/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét