Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

*LỄ TỐT NGHIỆP:


THẠC SĨ, CỬ NHÂN PHẬT HỌC
VÀ TỔNG KHAI GIẢNG NĂM 2017


Sáng ngày 17/9/2017 nhằm 27/7 Đinh Dậu, Học Viện Phật giáo tại TP HCM, cơ sở 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, đã diễn ra Lễ Tốt nghiệp Thạc sĩ, Cử nhân Phật học năm 2017, với sự chứng minh của Hội Đồng Trị sự GHPGVN, các giáo sư, giảng viên, giáo thọ sư, viên chức chính quyền, hàng trăm Tăng Ni sinh tốt nghiệp và Tăng Ni sinh các khóa trước, một số BTS các tỉnh thành quận huyện, cùng với hơn 200 tín đồ cư sĩ tham dự.

Trên mảnh đất gần 24 mẫu, trước đây là sình lầy nước mặn phèn chua, được san lấp và xây dựng một cơ sở với tòa Hành chánh, tòa học đường, 2 tòa Tăng xá và Ni xá, mỗi tòa gồm 5 tầng, mỗi tầng gồm 500m2, dự án còn lại đang tiếp tục thiết lập.

Học viện Phật giáo là hậu thân của trường Cao cấp Phật học Việt Nam sau năm 1975, có nguồn gốc là Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975 tại Miền Nam Việt Nam. Là một trong bốn Học viện Phật giáo hiện nay, nhưng riêng HVPGVN tại TP HCM đã có những cải tiến trong chương trình đào tạo cập nhật hệ thống giáo dục quốc tế.

Ý thức đào tạo Tăng tài đảm đương Phật sự, tiếp nối truyền thừa cổ đức; Xa xưa, giáo dục từ các Thiền môn thu hẹp trong tông môn hoặc truyền trao từ thầy qua trò dưới bóng mát nhà chùa, bằng kinh điển chữ Hán như: Trường hàng luật, Bồ Tát Giới,Luật Tứ Phần Tỳ Kheo, Tỳ Ni Nhật Dụng, Oai Nghi Cảnh Sách, phát Bồ đề tâm văn, nhị thời khóa tụng...

 

Khi đất nước lâm vào binh biến, Pháp và Nhật có mặt trên quê hương, đồng thời xuất hiện một Tôn giáo mới, Tôn giáo Thần học, chữ quốc ngữ La tinh ra đời đã hoán chuyển sự quan tâm của giới trẻ, mọi sinh hoạt truyền thống đảo lộn, các tỉnh thành chạy theo nhịp sống mới, Phật giáo, Nho học đành thúc thủ sau lũy tre làng, Phật giáo bấy giờ chỉ đáp ứng cho ma chay. Trước tình thế đen tối của Phật giáo, trước và sau thập niên 30, chư cổ đức và hàng cư sĩ thâm sâu giáo lý nhà Phật, bắt đầu mở trường đào tạo, tuy học viên hạn chế lúc bấy giờ, nhưng đã đào tạo thành công cho sự có mặt của những long tượng Phật pháp. Từ đó, "truyền đăng tục diệm" kế thừa các bậc chấn hưng đạo Phật đủ năng lực lãnh đạo Tăng tín đồ vượt qua giai đoạn khó khăn mà Phật giáo bị kỳ thị một cách tinh tế.

 

Sau khi nhà Ngô ra đi, năm 1964, Phật giáo tập họp các hệ phái, các tổ chức thành một Giáo hội với danh xưng GHPGVNTN, đó là một tổ chức Giáo hội kế thửa sự có mặt của Phật giáo trên hai ngàn năm. Trong 11 năm hình thành và phát triển, GHPGVNTN đã xây dựng một Viện Đại học Phật giáo đầu tiên với tên gọi là Đại học Vạn Hạnh. Đại học Phật giao lúc bấy giờ quy tụ những danh sư giáo thọ, những văn thi sĩ tài danh, những tu sĩ xuất chúng và cho ra đời những sinh viên tốt nghiệp thực học thực tài mà hiện nay, rãi rác khắp nơi trên thế giới. Hàng năm anh chị em cựu sinh viên Vạn Hạnh quay về họp mặt tại Sài Gòn để kỷ niệm và gợi nhớ một thời dưới mái trường Phật giáo gồm nhiều phân khoa. Tuy nhiên, Đại học Vạn Hạnh lúc bấy giờ chưa đi vào chuyên sâu hành trì mà đa phần chú trọng về mặt kiến thức tổng quát.

 

Sau ngày hai miền thống nhất, năm 1983-1997, trường Cao cấp Phật học Việt Nam ra đời, 1997-2005, trường Cao cấp được đổi danh xưng Học viện Phật giáo Việt Nam. Năm 2006, danh xưng Học viện qua X  khóa, đã cho ra đời hàng ngàn Tăng Ni sinh thực học thực tài, có nhiều vị tốt nghiệp học hàm, học vị Tiến sĩ từ nước ngoài.

 

Năm 2005-2006, từ học trình chuyên khoa Phật học, đã phát triển thành đa khoa gồm Pali, Sanskrit, Triết học Phật giáo, Phật giáo Việt Nam, Lịch sử Phật giáo, Hoằng pháp, Công tác Xã hội, Giáo dục mầm non, Tiếng Anh Phật pháp, Trung văn, và hệ đào tạo từ xa.

 

Qua bài phát biểu của HT T. Giác Toàn, Phó Viện trưởng thường trực, thay mặt Ban Điều hành: - "Nền giáo dục Phật giáo nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng của hạnh phúc là giáo dục đạo đức, giáo dục thiền định và giáo dục trí tuệ..."Như vậy Học viện xác định đào tạo Tăng Ni sinh và học viên đào tạo từ xa, mục đích là giải quyết khổ đau để hạnh phúc có mặt chứ không phải trang bị kiến thức và học vị.

 

Trong phần nhắc nhở các Tăng Ni sinh viên gồm 5 điều:

 

1/ Người học Phật giỏi cần có kiến thức cổ ngữ Phật giáo và phương pháp luận...

2/ Bằng cấp không phải mục đích của người tu Phật...

3/ "Nhận thức rõ về sự khổ đau và hướng dẫn con đường kết thúc khổ đau"...

4/ Để làm được nhiệm vụ chuyển mê khai ngộ, người học Phật cần nắm vững kho tàng chân lý (kinh tạng), kho tàng đạo đức (luật tạng) kho tàng triết học (luận tạng)...

5/ Đòi hỏi Tăng Ni sinh tốt nghiệp phải đủ khả năng dịch thuật, sáng tác, giảng dạy, hoằng pháp, hướng dẫn khóa tu, nhập thế phụng sự đạo và đời bằng sự hiểu biết và hành động cụ thể...

 

Với chương trình tín chỉ học như thế, sinh viên tốt nghiệp Học viện Phật giáo chắc hẳn đủ khả năng hội nhập với Phật giáo thế giới. Đây là một thành công trong ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay; và phải nói rằng, Học viện Phật giáo hiện nay, là thành tố trong Giáo hội, đã giãn nở một tầm vóc to lớn hơn trong 13 ban ngành hiện nay của tổ chức Giáo hội. Nói một cách ấn tượng - cái đầu đã to hơn cơ thể. Tuy vậy, không phải là một dị dạng mà là dấu hiệu đáng mừng để tương lai không xa, sẽ kích hoạt các chi nhánh của một cơ thể đó đồng bộ khi mà các cấp Giáo hội được điều hành bởi những nhân sự có trình độ, có tu tập để hóa giải những hiện tượng bất toàn hiện nay.

 

Cái giáo dục và cái tiếp thu kiến thức hiện nay đã vượt khỏi ranh giới mái chùa làng hàng thập kỷ về trước, khi mà đất nước đang ngày càng hội nhập quốc tế về mọi mặt, tôn giáo cũng không thể khác hơn. Phật giáo đã hòa nhập với xã hội còn gọi là "Phật giáo ứng dụng" đang được chư tôn đức từng bước  thực hiện.

 

Đây là điểm son cho một Phật giáo Việt Nam trong tương lai không xa lắm!

 

 

MINH MẪN

17/9/2017

Vùng tệp đính kèm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét