Quảng Bình, tuy vùng đất nghèo nằm ngay eo thắt nhỏ nhất của hình chữ "S" từ Đông sang Tây, thế nhưng, hàng năm phải hứng chịu ngọn gió Lào nóng bỏng và thỉnh thoảng gặp lắm thiên tai. Cũng như Quảng Trị, Quảng Bình hứng chịu nhiều tan thương trong cuộc chiến vừa qua. Dân cư tan tác, một số di dân vào Nam năm 1954, một số tha phương lập nghiệp sau năm 1975, nơi ấy, quê hương từng sản sanh lắm anh hào trứ danh đi vào lịch sử thì cũng không thiếu những biểu tượng danh thắng để người ra đi vẫn còn nhớ đến nhà thờ "Tam Tòa - Tháp nước và Cây đa chùa ông". Người còn lại thi thoảng đến chiêm ngưỡng di tích ấy như một chứng tích đau lòng của dân tộc.
1*./ Sau khi thống nhất hai miền, cư dân trở về sinh cơ lập nghiệp, các tôn giáo cũng bắt đầu hồi sinh. Thật ra chỉ có Phật giáo hồi sinh, vì hậu quả cuộc chiến, cơ sở Phật giáo trở về số "0". Thiên Chúa giáo, tuy tín hữu chỉ còn nhóm nhỏ (chưa đến 1.000 người), vẫn ở lại sau hiệp định Geneve, họ duy trì Giáo xứ Tam Tòa, cho dù nhà thờ bị dội bom, còn lại mặt tiền tháp chuông, ngày nay đã được tái thiết trên khu đất không xa chỗ cũ. Riêng Phật giáo, mãi đến năm 2010 mới chính thức thành lập BTS PG tỉnh. Trong 7 năm qua, với 2 bàn tay trắng, HT trưởng BTS đã xây dựng cơ sở ban đầu, tổ chức các BTS cấp quận huyện; tiến hành xin lại một số cơ sở trước đây thiếu thầy chăm sóc, trong có "CÂY ĐA CHÙA ÔNG" là một cơ sở Tôn giáo từng đi vào danh sử tỉnh, một trong ba biểu tượng khó phai của Quảng Bình: "nhà thờ Tam Tòa - tháp nước và Cây đa chùa Ông", hiện do phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đồng Hới sử dụng.
2*./ "Cây đa chùa Ông" là một địa danh, nằm tại làng Đồng Đình, phường Hải Đình, TP Đồng Hới, có mặt trên 400 năm, phát sinh do huyền sử từ một vị sư hướng Bắc vào, tìm thuốc trường sanh bất tử. Một đêm, tại Quảng Trạch,do Thần nhân mách bảo đến khu đất trống, gần chân núi Thần Đinh, xuất hiện cây "đa", ông ta đem đến trồng tại địa điểm hiện nay, có ngôi chùa Ông mà người dân thường gọi là: "Cây đa chùa Ông, nhưng chùa Ông được các nhà nho, Phật tử trong vùng nể trọng và ái mộ nhất, vì nơi đây ngôi chùa gắn liền với sự tích cây đa." Khu Phố Chợ với phường Đồng Đình thời ấy có 4 ngôi chùa là: chùa Kiên Bính, chùa Ông Cán, chùa Thầy Phùng và Chùa Ông Cụm, chùa rất linh thiêng có ấn tượng sâu sắc đối với người dân nhất là ngôi Chùa Ông.
Gọi là chùa Ông, vì phần lớn các chùa phía Bắc, ngoài thờ Phật còn thờ Quan Thánh hoặc Tứ phủ, vì thế tuy là chùa Phật, nhưng thờ Ông, cư dân gọi là chùa Ông. Chứng tích còn cho thấy các pho tượng Phật, tượng ông Tiêu, các dãy nhà Tăng trước kia là cơ sở sinh hoạt Phật giáo chứ không phải cơ sở tín ngưỡng nhân gian như chính quyền tỉnh trả lời trong văn bản gửi cho BTS PG tỉnh Quảng Bình. Do chứng tích đó, BTS PG tỉnh đã gửi văn thư xin thu hồi phục hoạt lại cơ sở đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho quần chúng địa phương là điều đúng.
3.*/ Trong văn bản số 1699/ UBND-NC ngày 18/9/2017, UBND tỉnh Quảng Bình phúc đáp thư thỉnh nguyện của ĐĐ phó thư ký kiêm chánh văn phòng Phật giáo tỉnh và công văn của HT Trưởng BTS PG tỉnh Quảng Bình. UBND tỉnh trả lời:
1/ Chùa Ông mà BTS PG tỉnh đề cập tại văn bản số 95/ TrT - BTS và tại trình thư kiến nghị", trước đây thực chất là một công trình tín ngưỡng nhân gian, đến nay, chưa có các cứ liệu chứng minh đó từng là một công trình Phật giáo..... Phần đất mà BTS PG tỉnh đề nghị công nhận cơ sở Phật giáo.... đã được UBND tỉnh công nhận là chứng tích tội ác chiến tranh.. .đã được TP Đồng Hới xây dựng nhà truyền thống sử dụng ổn định lâu dài.
2./ Trong mục 2 của cùng văn bản phủ nhận 195 người ký tên trong văn gửi lên UBND tỉnh, theo chính quyền thì chỉ có 76 người chính thức lẫn tạm trú... danh sách trên đây không đúng...
4.*/ Phần 1 của mục 3 trên đây chính quyền bảo: trước đây thực chất là một công trình tín ngưỡng nhân gian, đến nay, chưa có các cứ liệu chứng minh đó từng là một công trình Phật giáo.
Nếu bảo là công trình tín ngưỡng nhân gian sao lại có nhà Tăng, có tượng Phật và tượng ông Tiêu của Phật giáo?
Phần đất mà BTS PG tỉnh đề nghị công nhận cơ sở Phật giáo....đã được UBND tỉnh công nhận là chứng tích tội ác chiến tranh...đã được TP Đồng Hới xây dựng nhà truyền thống sử dụng ổn định lâu dài.
Qua tư liệu về di tích chiến tranh trên mạng chỉ thấy nói Ngày 26/2/1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 143/QĐ-UB công nhận tháp chuông nhà thờ Tam Tòa là di tích lịch sử - văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh cần được bảo vệ
Mà không thấy tỉnh công bố công khai cho nhân dân biết "Cây đa chùa Ông" cũng nằm trong danh sách đó.
Vả lại nếu là di tích để cho hậu thế chứng kiến thì tại sao sử dụng vào việc làm cơ sở Văn hóa & Thông tin hay nhà Truyền thống?
Tàn tích như nhà thờ Tam Tòa giữ lại, phải cấp đất khác cho họ xây dựng thì cơ sở, tín ngưỡng tôn giáo như "Cây đa chùa Ông" cũng phải cho phép GHPGVN xây dựng lại khu đất gần đó. Thực tế đó là nơi thờ Phật của Phật giáo chứ không phải thuần túy cơ sở tín ngưỡng nhân gian.
Thời gian qua, một số địa phương đã hoàn trả lại cơ sở tôn giáo do chính quyền quản lý và sử dụng; thiết nghĩ Phật giáo Quảng Bình vừa được phục hồi hơn 7 năm, cơ sở tín ngưỡng chưa đủ để đáp ứng cho quần chúng, những cơ sở hiện nay do nhà nước quản lý, Giáo hội Phật giáo tỉnh đệ đơn xin lại là việc hợp lý, chính quyền không nhất thiết phải dùng cơ sở như thế vào việc hành chánh hay kho bãi như một số nơi. Phật giáo giáo dục "văn hóa nhân bản" là nền tảng xây dựng một xã hội ổn định, đáng ra chính quyền nên hỗ trợ để nhân rộng thay vì phát triển nhà giam.
Phần 2 của mục 3 trên đây, chính quyền lại đi xác minh số lượng người đứng đơn "Cây đa chùa Ông" là cơ sở tôn giáo, tại sao chính quyền phải cất công cho việc làm không cần thiết, cứ như hơn thua từng tí? Kể cả BTS PG tỉnh liệt kê danh sách cũng không phải là cơ sở để xác minh nguyện vọng nhân dân. Với tư cách pháp nhân của BTS PG tỉnh, đủ thẩm quyền đứng đơn kiến nghị bất cứ vấn đề nào thuộc thôn giáo mà không cần trưng dẫn số lượng chữ ký của người đứng đơn.
5*./ Văn thư số 197/CV-HDTS ngày 19/82017, do HT phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự gửi cho UBND tỉnh Quảng Bình cũng xác nhận: Trước nhu cầu của Phật tử và nhân dân TP. Đồng Hới cũng như trong tỉnh Quảng Bình, BTSGHPGVN tỉnh Quảng Bình đề nghị được công nhận chùa Ông là cơ sở Phật giáo và mở cửa phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân là nguyện vọng hết sức chính đáng, phù hợp với đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác tôn giáo, đúng với Pháp lệnh, Luật tín ngưỡng tôn giáo, và các Nghị định của Chính phủ về công tác tôn giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình, UBND TP Đồng Hới xem xét đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và sớm giải quyết đề nghị của BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình công nhận chùa Ông là cơ sở thờ tự của Phật giáo...
Kết: cho dù là cơ sở tôn giáo hay tín ngưỡng nhân gian, hãy trả lại quyền giám định, sinh hoạt của tôn giáo hoặc của nhân dân. Nhà nước chỉ giám sát mọi sinh hoạt mà không nên quản lý như thuộc quyền sử dụng của nhà nước; không nên dùng những cơ sở như thế cho công việc của chính quyền. Thời kỳ "bao cấp" đã qua, nhưng mọi hành tác vẫn còn rơi rớt phong cách của thời bao cấp, làm sao xã hội tiến mạnh tiến nhanh được? Tinh thần Phật giáo Quảng Bình đúng với trình tự hành chánh và văn phong khá nhũn nhặn so với những gì tôn giáo bạn vừa qua gửi cho chính quyền cũng vì lý do cơ sở tôn giáo. Để thấy chính quyền không nên "mềm cắn rắn buông". Tinh thần hiểu biết, tôn trọng sự thật vẫn là cơ bản xây dựng xã hội, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Cho dù 10 ngôi chùa như thế cũng chả đáng để mang tiếng hà huống ngôi chùa mà nhân dân xem là linh thiêng nhất tại Quảng Bình.
Một địa thế nghèo khó và khắc nghiệt mà người dân thường xuyên bị thiên tai đày đọa, thiết nghĩ, chính quyền nên tạo sự thoải mái cho người dân về nhu cầu tín ngưỡng cũng như cuộc sống hầu có sự đoàn kết để một Quảng Bình khởi sắc như các tỉnh bạn.
MINH MẪN
20/9/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét