Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

* LỜI THẬT HAY MẤT LÒNG


Đại hội Phật giáo Bà Rịa Vũng Tàu đã tạo cơn sóng ngầm mà dư chấn chưa biết đến khi nào lắng đọng.

Hình như đây là lần đầu tiên, đại biểu được nghe những lời chân thành phát xuất từ người trong cuộc nói lên sự thật, mà chưa bao giờ, một tu sĩ trong BTS bất cứ Tỉnh thành nào can đảm bộc lộ.

Nội dung bản tham luận của văn phòng BTS PG BRVT mà tác giả là TT. T. Thiện Thuận, phó thư ký kiêm chánh văn phòng BTS GHPGVN Tỉnh BRVT- chủ đề là CÓ TÂM VÀ CÓ TẦM, gồm: THỰC TRẠNG SINH HOẠT GIÁO HỘI HIỆN NAY - Ý KIẾN ĐỀ XUẤT

..."Không thể nào chấp nhận một người là cán bộ Giáo Hội nhưng lại là người sẵn sàng phá vỡ những quy chuẩn đã được tập thể thống nhất, vi phạm Nội quy, điều lệ vì những mưu cầu riêng tư, là người kéo bè lập nhóm vì lợi ích cục bộ hệt như người thế tục..."


Đây là một thực trạng đang tồn tại và phát triển khắp nơi trong tổ chức Phật giáo, chẳng những thế, tinh thần "bình đẳng" của nhà Phật cũng bị méo mó lệch lạc mà theo thầy Thiện Thuận:

..."Tâm bình đẳng của người cán bộ Giáo hội được thể hiện qua các trao đổi mang đức tính giáo dục và xây dựng, góp ý và chỉnh đốn, hoàn toàn không thể hiện sự hống hách và kiêu ngạo, cửa quyền và quan liêu, bắt nạt và hoạnh họe Tăng Ni vô tội khi có việc cần đến Giáo hội giúp đỡ."

..."Chúng ta sẽ biết được có một vài nhóm người đã và đang làm mọi cách để được tồn tại "độc lập" trong tập thể như một thế lực đối kháng. Các phe nhóm đối kháng triệt tiêu, phủ đầu, công kích, loại trừ nhau mà không hề suy nghĩ đến nền dân chủ của Phật giáo đã được đức Phật thiết lập qua thể chế Lục hòa đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử hơn 25 thế kỷ qua..."


Nói đến thực trạng Giáo hội hiện nay, tác giả viết:

..."Là người có tâm đạo luôn ưu tư trước cơ đồ thịnh suy của Phật giáo, không ai không khỏi lo lắng khi nhìn thấy thực trạng sinh hoạt trong Giáo hội các cấp hiện nay. Tình trạng lôi kéo bè nhóm làm bệ đỡ cho nhau, cấy ghép quyến thuộc của mình vào tổ chức Giáo hội, gièm pha, xúc xiểm, hạ bệ người có thực lực đã thấy xuất hiện đây đó trong tổ chức. Ở đó, sức mạnh bè phái trở thanh công lý của những nhân vật mang bệnh hoang tưởng về quyền lực, khập khiểng về nhận thức, gây mất uy tín của Phật giáo, ảnh hưởng thanh danh Tăng đoàn, bất chấp dư luận cộng đồng phản đối, lòng người không phục. Đây đó cũng đã thấy vài nhân vật có vị trí nhất định trong tổ chức các cấp, coi thường cấp trên, bắt nạt cấp dưới, lừa thầy phản bạn, khinh miệt ân sư, tham lạm công quỹ, tùy tiện phán quyết bất kể điều lệ Hiến chương hay những văn bản mang tính pháp quy đã ban hành. Đạo pháp tồn vinh được chăng, nếu những người như thế toan tính dùng quyền lực để lãnh đạo Giáo hội?"

Cuối cùng, Tham luận đề xuất ý kiến khi đề bạt, công cử một vị vào tham gia Giáo hội qua ba tiểu chuẩn: ĐẠO HẠNH - UY TÍN - NHIẾP CHÚNG.

Tác giả kết luận:

..."Nay, chúng ta không giải thoát được cho ai thì cũng nên tự giải thoát được cho bản thân khỏi tham dục thấp hèn, tuy không làm lợi ích được cho ai thì cũng không nên làm tổn hại đến người khác, không tiếp nối được chí nguyện cao cả hoằng pháp lợi sanh của đức Phật thì cũng đừng làm sâu mọt băng hoại Phật pháp. Đó cũng được xem là góp phần công đức trang nghiêm Giáo hội, phồn vinh đất nước rồi."

Đó là những lời đầy tâm huyết, dĩ nhiên đụng chạm không ít những ai mắc phải những tệ nạn này, một tệ nạn không chỉ ở cấp cơ sở mà ngay cả Trung ương không tránh khỏi ở một vài vị.

Sau khi kết thúc bài tham luận, những tràng vỗ tay mạnh, kéo dài một cách mãn ý. Đại biểu nhìn thấy có những động thái khác thường của một vài vị trên bàn cử tọa.

                                                    * * *

Những tệ nạn như thế đã kéo dài nhiều năm từ khi thành lập Giáo hội, do cơ chế ràng buộc bởi Hiến chương, bởi phe nhóm, bởi óc địa phương, bởi công trạng, bởi quyền lợi và cả nể nên khó mà canh tân Giáo hội. Ngay cả Trung ương phía Nam, Tăng Ni và chư tôn đức không hài lòng khi công cử một cán bộ Phật giáo vào vị trí quan trọng có ảnh hưởng đến uy tín tu sĩ, mà bản thân họ đã phạm phải những giới trọng. Chính những vết nhơ của bản thân mà trong giới tu sĩ ai cũng biết. Họ vẫn tự hào là trong sáng cứ như không ai biết. Họ lấy làm khó chịu khi những vị tu xuất hiểu quá nhiều về đời tư của họ, làm sao họ đủ can đảm giải quyết các tu sĩ cấp dưới làm chuyện mờ ám.

Một việc có tầm vóc mang tính quốc tế mà chư Tổ có công sáng tạo và toàn thế giới chấp nhận lá cờ 5 màu hiện nay, thế mà Chân Quang phê phán hủy bỏ, thiết kế một mẫu mới đủ 5 màu nhợt nhạt thiếu sức sống, thành lập thanh quy và nhiều định chế cho một tổ chức Phật giáo, phải chăng, đó là hiện tượng "tách mầm" đang manh nha trong Giáo hội hiện nay. Hiện tượng này đã được Giáo hội Trung ương cả Bắc và Nam đều biết, nhưng không có ai đủ can đảm đứng ra giải quyết mà chỉ quy tội những tu sĩ vô danh tiểu tốt, những kẻ thấp cổ bé miệng.

Trong tham luận hội thảo Tổ Khánh Hòa tại Học viện Vạn Hạnh ngày 20/5/2017, tác giả Dương Kinh Thành viết:

..."Có cần chăng cuộc chấn hưng Phật giáo thời hiện tại khi đó đây đã manh nha xuất hiện tư tưởng xem thường chư Tổ, chư Tôn đức có công ngày trước. Lá cờ Phật giáo thế giới cũng là lá cờ PGVN cũng bị xem thường và hoán đổi thứ tự ý nghĩa. Tư tưởng ỷ lại, xem nhẹ luật pháp, và xem nhẹ giới luật Phật chế, quên mất đạo nghĩa Tứ Ân cao đẹp, ngấm ngầm phá hòa hợp Tăng, lợi dụng thanh thế hòng tạo lập "tiểu giang sơn", bè nhóm cục bộ, đăng đàn rao giảng tà thuyết trong bối cảnh ai cũng có thể trở thành giảng sư, muốn nói gì cũng được để đạt được tham vọng cá nhân, chà đạp luân lý Phật đạo một khi không còn núp bóng bình phong được nữa. Phải chăng di chúc Tổ Khánh Hòa nói "Phật giáo đang hồi suy vi..." cũng chính là thế?...

Tham luận của BTS PG BRVT cũng như tham luận của Dương Kinh Thành tại Học Viện Phật giáo trong cuộc hội thảo về Tổ Khánh Hòa, phải chăng là tiếng kêu thống thiết trước cơ đồ Phật giáo hay cũng sẽ chìm lặng như tiếng ếch giữa bãi đồng hoang!

MINH MẪN
23/5/2017

logo của tà sư muốn thay đổi lá cờ phật giáo

1 nhận xét:

  1. Ban thân tôi cũng đang làm công tác xã hội.địa bàn tôi tham gia cũng rất nhiều cơ sở tôn giáo.nhưng bây giờ rất khác xưa nhiều lắm.từ khi đê cư rồi bầu ban đại diện đến nay thì chia tam sẽ tư.thậm chí còn nhục ma nhau.co khi mới thấy thí chủ ngày hôm qua thì hòm nay mình phải xưng hô bằng sư.bây giờ sao tu dê đến thê.còn rất nhiều những việc mà con người chúng ta là người đời thôi nhìn đã không giám bình luận sơ mất nghiệp khấu.chỉ chung một địa bàn thôi có đến hai ba trường ha vậy tăng ni chúng ta đang nghĩ gì chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được

    Trả lờiXóa