Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

* NHỮNG ÁCH TẮT TRƯỚC ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO




Chỉ còn vài tháng nữa, bước qua 2017, là năm mà GHPGVN tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 8.

BTS các Tỉnh Thành, quận Huyện đều tổ chức đại hội để hoàn chỉnh nhân sự trong nhiệm kỳ mới trước khi cử Đại biểu ra Hà Nội tham dự. Thế nhưng, những năm gần đây, vấn đề bổ sung nhân sự tại một số địa phương từ cấp Tỉnh Thành đến quận huyện đều gặp phải một số vấn đề bất ổn.

1/ BTS cũ muốn lưu nhiệm nhân sự cũ. Một số BTS, tuy hàng giáo phẩm và chức sắc quá tuổi quy định, nhưng kinh nghiệm điều hành phật sự khá tốt, ngại lớp trẻ lên sẽ không đủ kinh nghiệm và không theo sự chỉ đạo cố vấn của các bậc thầy, nên không muốn thay đổi; cũng có thể không ngoài việc tham quyền cố vị. Từ đó, lục đục nội bộ không thể tránh khỏi.

2/ Một số muốn thay đổi nhân sự theo lợi ích nhóm. Trường hợp nầy khá phổ biến từ các Tỉnh phía Nam. Nhân sự cấp dưới muốn thay thế vị trưởng Ban hoặc muốn nắm chức vụ Thường trực, phó Thường trực; mặc dù nhân thân của những vị đó chưa được 95% sự đồng thuận từ  các đồng đạo. Tuy có tài, cái tài không được giáo dục từ trường lớp Phật học, không qua giới đàn chính thức, nên thường phát biểu, tuyên bố, thuyết giảng mang tính tà giáo, thường tỏ ra khuynh loát quyền lực nên bị chư Tăng tẩy chay. Để chen chân vào BTS địa phương, họ dùng tiền và thế quyền áp đảo, mua chuộc các cập hạ tầng. Gây xáo trộn nên vẫn chưa tổ chức được đại hội.

3/ Một số được hậu thuẫn từ một vài thế lực, muốn thao túng chuyển quyền. 24 quận huyện Thành phố HCM, đã đại hội xong 20 địa điểm, còn lại vẫn bị ách tắt nhân sự từ trên áp đặt xuống. Bấy giờ BTS và chính quyền địa phương không đồng ý sự áp đặt, muốn để địa phương tự quyết định nhân sự mà mình từng hiểu rõ.

4/ Tuy là việc nội bộ của Phật giáo, nhưng một số địa phương vẫn không thoát khỏi sự chi phối bởi thế lực, không chỉ lý lịch mà còn mãi lực. Ngoài những lý do trên, dĩ nhiên đây là vấn đề cá nhân, nội bộ biết rất rõ nhân thân đang nắm giữ quyền lực Phật giáo sai nguyên tắc và lạm quyền gây khó cho Tăng Ni, nhưng vẫn trụ vững do ô dù vô hình bảo vệ.

5/ Những BTS qua nhiều nhiệm kỳ không thể hiện được một Phật sự xuất sắc nào, mang nhiều tai tiếng, còn gây khó cho Tăng Ni địa phương như BTS PG Phú Yên, và một vài nơi trên Tây nguyên; không Tăng Ni nào dám có y kiến để thay đổi nhân sự của BTS PG Tỉnh. Đáng ra, Ban Tăng sự và Ban Pháp Chế cần lưu tâm để thay đổi bộ mặt Phật giáo địa hương hoạt động hiệu quả hơn. Và Tăng Ni địa phương nên có thư yêu cầu gửi về văn phòng 2 Trung ương thẩm xét.

6/ Một vài chức sắc cao cấp của Phật giáo Trung ương, không nắm rõ lý lịch nhân thân của một vài tu sĩ, đã can thiệp với BTS PG địa phương cho cá nhân mà Giáo Hội địa phương biết không thể chấp nhận. Phải hỏi những cá nhân như thế, lý do gì trên 90% Tăng Ni không chấp nhận? Trung ương cần tìm hiểu kỷ, đừng đẩy BTS PG Tỉnh vào thế khó xử.

7/ Chuyện trong tay quyền lực nắm Phật giáo, thường lạm dụng gây khó dễ cho tu sĩ không tránh khỏi, chính vì thế mà một số tu sĩ trẻ có khả năng, khó mà thực hiện ước mơ xây dựng ngôi nhà Phật pháp.

8/ Một số chức sắc trong Giáo Hội vẫn còn bảo lưu sắc tướng lòe loẹt không thích hợp đời sống đơn giản của trưởng tử Như Lai, cũng như vẫn duy trì sắc thái mê tín trong thiền môn, làm cho Phật tử không phân biệt đâu là chánh pháp đâu là phương tiện của tà pháp. Rất tiếc đó lại là những vị đang nắm chức quyền trong Phật giáo. Do đó, khi công cử những vị đó vào Giáo Hội, Tăng Ni không đồng thuận nhưng cũng không thể phủ bác. Trong 13 Ban ngành đều quan trọng, từ vị đầu ngành đến ủy viên cần lưu tâm, không cần vị nể.

9/ Tại sao một số Ban ngành không hoạt động hữu hiệu? Thứ nhất, vị trưởng Ban hoặc cao tuổi, hoặc thụ động, hoặc không có năng lực. Đáng ra các ủy viên cần năng lực hỗ trợ, nhưng các ủy viên đưa vào do cảm tình cá nhân hơn là khả năng làm việc; vì thế, qua bao nhiệm kỳ, Ban ngành vẫn dẫm chân tại chỗ, chỉ hao tốn phí tổn mỗi khi được mời tham dự lễ lộc trên toàn quốc, hết sức vô lý.

10/ Một nguy hiểm nhất cho Phật giáo hiện nay, có những vị sử dụng Tăng tướng và uy tín chen chân vào Giáo Hội để lập cứ điểm riêng, lập lực lượng riêng với mưu đồ khuynh loát, thay thế tổ chức Phật giáo hiện nay, mà nhân thân cá nhân đó, vừa dựa dẫm vào thế quyền, vừa tung tiền mua chuộc tạo vây cánh, các chức sắc Giáo Hội không biết hoặc biết mà vẫn làm lơ vì muốn bảo vệ chiếc ghế.

Rất nhiều nguyên nhân khách và chủ quan để tạo nên một số ách tắt cho các BTS PG tổ chức Đại hội đại biểu chuẩn bị cho GHPGVN bước vào nhiệm kỳ mới.

Hy vọng BTC Đại Hội đại biểu Phật giáo điều nghiên, tháo gỡ những gút mắc, áp dụng giáo lý của đức Phật vào mọi việc, để cho một đại hội sắp tới dân chủ hơn, công bằng hơn, sáng sủa hơn, hoàn hảo hơn.

MINH MẪN
1/11/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét