Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

LỜI KHUYÊN CHO EM


- Nguyễn Duy Nhiên


Ông Robert Fulghum là tác giả của một bài văn ngắn nổi tiếng, "Tất cả những gì tôi thật sự cần biết, tôi đã học ở lớp mẫu giáo", All I really Need to Know I Learned in Kindergarten.  Bài văn này đã được một dân biểu Hoa kỳ đọc trước Quốc Hội Liên Bang với mục đích để nó được ghi lại và lưu giữ mãi trong Hồ Sơ Quốc Hội, the Congressional Record.
    Gần đây ông Fulghum có viết một bài ngắn với tựa đề "In the Middle of the Middle", với những lời khuyên cho các em đang học ở Middle School, trung học đệ nhất cấp. Nhưng thật ra, tôi nghĩ, có lẽ những lời khuyên ấy của ông cũng vẫn còn thích hợp cho tất cả "người lớn" chúng ta.  Xin chia sẻ với các bạn.
--- oOo ---
“Cuối tuần qua tôi có đi ngang qua một trường trung học đệ nhất cấp,middle school, vào lúc học sinh đang tan trường. Nhìn các em lê bước chầm chậm trên đường ra về với túi đeo nặng chĩu trên lưng, tôi thấy giống như một đoàn quân đang thua trận rút lui.
    Những chiếc xe bus màu vàng đậu thành một hàng dài trước cổng trường, cạnh bên mỗi xe có một nhóm các em tụ lại chung quanh để chờ lên xe. Mặc dù giữa cái không khí ủ rũ ấy, và những bộ đồng phục xốc xếch, vẫn có một nhóm nhỏ cười đùa với nhau trong khi đứng chờ đợi, và một nhóm khác cùng ca hát trong khi bước lên xe.
    Nhìn các em, tôi nhớ lại mình khi xưa.
    Tuổi 13 và cũng đang “ở giữa”, middle school.
    Một lứa tuổi với nhiều sự thay đổi và thách thức.
    Tôi bây giờ đã trên 70
    Tôi có khác biệt gì hơn so với ngày tháng ấy không?
    Cũng không có gì là rõ rệt lắm.
    Các em đang tìm hiểu và tự hỏi mình là ai.
    Và tôi bây giờ cũng vậy.
    Các em lo lắng về những biến đổi đang xảy ra trong cơ thể mình.
    Tôi bây giờ cũng vậy.
    Các em tự hỏi không hiểu tại sao không ai thích mình hết.
    Tôi cũng vậy.
    Các em muốn hòa đồng và giống với mọi người, nhưng cũng lại muốn người khác thấy mình là đặc biệt và duy nhất.
    Tôi cũng thế.
    Con người bên trong mà các em biết về mình, không phải là con người bên ngoài mà người chung quanh thấy và biết, và các em muốn thế giới thấy được con người thật của mình, mà cũng lại vừa muốn đừng ai biết được sự thật đó.
    Và tôi bây giờ cũng vậy.
    Các em không hiểu được người khác phái.
    Tôi cũng không hiểu được.
    Các em có cảm tưởng là mình đang bị kẹt ở giữa: là một đứa con nít và là một người lớn.
    Tôi cũng vậy.
    Các em tự hỏi không biết khi lớn lên mình sẽ trở thành như thế nào.
    Tôi cũng vậy.
    Và cái gánh nặng các em mang không phải là chiếc túi đeo lưng. Mà đó là ý thức rằng, cuộc đời mình nằm trong tay của những quyền lực mà ta không có khả năng kiểm soát được: văn hóa, tập quán, di truyền,hormones, sự cấu tạo của thần kinh bộ óc, thầy cô, bạn bè, cha mẹ.
    Và tôi cũng vậy.
    Có một điều khác biệt rõ rệt giữa tôi và các em lớp trung học đệ nhất cấp, middle school, là tôi không có cái túi đeo lưng.
    Tôi cũng muốn có một cái.
    Nhưng nếu tôi bỏ những đồ đạc của tôi vào, tôi sẽ không thể nào vác nổi hay là đi đâu được xa.
    Bây giờ thì tôi còn có thêm bao nhiêu là trăm ngàn thứ lỉnh kỉnh khác so với thời còn ở trung học.
    Mỗi khi nhìn các em học sinh 13 tuổi tan trường, những ý nghĩ ấy lại đến với tôi.
    Ước gì tôi có thể chia sẻ với các em một vài điều giúp cho những gánh nặng của các em được nhẹ đi. 
    Và bây giờ có điều gì tôi biết mà ngày xưa tôi không biết chăng?
    Rằng bản chất của con người sẽ không thay đổi gì nhiều theo thời gian?
    Em sẽ luôn luôn bị kẹt vào một nơi, ở giữa nơi mình đã qua và nơi mình sắp đến, giữa những gì mình  và những gì mình muốn.
    Bây Giờ không phải là một nơi chốn, nó là một tình cảnh.
    Sống không phải là một mục tiêu để đến, mà nó là một hành trình.
    Em bao giờ cũng sẽ có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.
    Và em sẽ không bao giờ có thể hiểu hết được, dù có cố gắng đến đâu.
    Em sẽ không bao giờ thật sự biết được người khác nghĩ sao về mình
    Em sẽ không bao giờ thật sự hiểu được mình nghĩ gì về mình.
    Em không cô đơn như mình nghĩ, nhưng lúc nào em cũng có cảm tưởng như vậy. 
    Em lúc nào cũng sẽ ở “giữa”, middle.
    Giữa sự thật và sự lầm lẫn, giữa những hân hoan và sự tàn nhẫn của cuộc đời.
    Và điều ấy sẽ mang nặng trong tâm em suốt đời 
    Cuộc sống là một gánh nặng chúng ta mang.
    Nhưng phần lớn chúng ta đều có thể xử lý được.
    Em rồi cũng quen thôi.
    Và rồi một ngày nào đó em sẽ hiểu rằng, mình lúc nào cũng đang ở trong trường học, cho đến ngày cuối cuộc đời.
    Đó không phải là một tin buồn. Nó chỉ là như vậy thôi.
    À, còn thêm một điều này nữa:
    Có những bạn đứng đợi xe bus vẫn cười đùa và hát ca.
    Bất cứ khi nào được, em nhớ hãy cùng đi chung xe với các bạn ấy.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét