Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

* ĐẠO PHẬT NGÀY NAY KHÁC VỚI

 ĐẠO PHẬT NGÀY XƯA NHƯ THẾ NÀO?  (1)


Nói đến chữ ĐẠO, người nghe dễ hiểu lầm là một tôn giáo. Đạo Phật tạm gọi là đạo, vì Phật giáo ngày nay đều có đủ tính chất của một tôn giáo:

- Giáo chủ

- Kinh điển

- Giáo lý

- Nghi lễ

- Giáo luật

- Tổ chức hành chánh

- Hiến chương, nội quy, ban ngành... còn bao nhiêu cái lỉnh kỉnh kèm theo. Một khi đã hình thành một Giáo Hội theo tổ chức hành chánh thì bao nhiêu phức tạp khác phải xuất hiện.

Lợi thế về một tổ chức của Đạo Phật ngày nay qua công cuộc hoằng pháp bằng nhiều phương tiện như Youtube, băng đĩa, phim ảnh, sân khấu nghệ thuật, in ấn, thuyết giảng công cộng. Các tổ chức làm từ thiện qua nhiều hình thức trong cuộc sống, lập nhà dưỡng lão, viện mồ côi, dạy nghề, cơ sở vật chất đầy đủ cho những khóa tu; dạy dỗ cho Thanh Thiếu Niên, chăm sóc bệnh nhân Hiv/Aids, phong cùi, xây nhà tình thương, đóng giếng, làm cầu, mở trường học vùng sâu vùng xa, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, cấp phát học bổng...

Đó là đặc tính Đạo Phật ngày nay để tương thích với xã hội và trình độ quần chúng cũng như tu sĩ. Song song những ưu điểm góp phần "TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO" đó, Đạo Phật cũng không tránh khỏi một số hiện tượng tiêu cực do một vài cá nhân thiếu nội quán, yếu tu tập, hoặc mảnh đất phì nhiêu của Đạo Phật bị kẻ xấu lạm dụng cho lợi ích cá nhân làm tai tiếng không ít mà cả Giáo hội cũng như pháp luật không sao giải quyết được, trong đó có nạn sư giả.

Về nội tình Phật giáo, một số trường phái đi quá xa để khi nhìn lại, quần chúng hiểu đạo và có tu tập, họ không hiểu có phải đó là đạo Phật chăng - ví dụ nghi lễ, ứng phú đạo tràng... mà kinh sư trang phục lòe loẹt như phường tuồng hát bộ; đốt vàng mã nay đốt luôn Phật mã. Trong ma chay hát cả tuồng "tiết Nhân sanh-Tiết nhân Quý". Đám ma là mối làm ăn dễ có tiền nhất, và định giá mỗi Ngọ do thầy đám quy định, có khi liên kết với nhà hòm để trở thành thương vụ bao trọn gói.

Hình thức phát triển Đạo Phật của Bắc truyền rất đa dạng, dễ đi vào lòng người và đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội từ triết học, khoa học, đạo đức, văn hóa, tâm linh... thì không tránh khỏi những ách tắc tiêu cực gây nhiều tai tiếng. 

Ngược lại Đạo Phật Nguyên Thủy, tuy giữ được một số giềng mối sơ khai có tính cách chấp thủ, nhưng dẫu sao nét trong sáng còn có bản chất của một đạo Phật. Chính vì thế mà Phật giáo Nguyên Thủy khó phát triển hơn Bắc truyền. Ngày nay, Phật giáo Nguyên Thủy chỉ vỏn vẹn  trong vài nước như Myanmar, Thái, Campuchea, Lào, Srilanka...

Nguồn gốc Phật giáo không phải là một tôn giáo thời đại. Đức Phật không có mục đích thành lập một Tôn giáo hay một tín ngưỡng tôn giáo. Qua bao gian nan khổ hạnh, đức Phật tìm ra một cội nguồn nguyên thủy của nhân loại mà bấy lâu bị ô nhiễm nhuốm màu đọa lạc. Phật đã vạch ra con đường trở về tự tánh trong sáng của một bản thể, đó làPHẬT TÁNH. Con đường của Phật là con đường "TÂM LINH" chứ không phải nẻo đi "TÔN GIÁO". Suốt 45 năm hoằng hóa, giáo đoàn của Ngài là một giáo hội không có giáo hội. Chương trình sinh hoạt thường nhật của Phật cũng như Thánh chúng: "THIỀN, KHẤT THỰC, GIÁO HOÁ", chỉ có bấy nhiêu, không cầu an cầu siêu thì làm gì có nghi lễ tán tụng. Không có cơ sở thờ tự thì làm gì có trụ trì, không có tổ chức hành chánh thì làm gì có "Ban Trị sự". Chính cuộc sống đơn giản như thế mà chư Tăng trong giáo đoàn phát triển tâm linh rất dễ thành tựu, hầu như 1250 vị bấy giờ đều đạt Thánh quả. 

Ngày nay, trụ trì lo tiền điện, nước, thuế má ở các quốc gia tự do, chư Tăng lo học hàm học vị. Trong nước thì lo kiếm tiền xây chùa nới rộng cơ sở vật chất. Khi vật chất và hình tướng phát triển thì nội tâm sẽ bị thu hẹp. Ngày xưa trong giáo đoàn của Phật ngủ nghỉ không quá 6 tiếng, thời gian còn lại là Thiền tập và giáo hóa. Ngày nay một tu sĩ được mấy giờ tọa thiền, liệu tọa thiền tâm có an định hay phải lo xây tháp, cất chùa, đúc chuông và nghi lễ ma chay!!! Trong một xã hội càng phát triển thì tu sĩ không tránh khỏi bị chi phối trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn có một số rất ít rút sâu vào am thất tĩnh lặng chuyên tu để giữ giềng mối đạo Phật. Chính những vị nầy đã giữ lại niềm tin cho quần chúng về một Phật giáo đích thực. Tuy các ngài không giáo hóa trực tiếp nhưng thân giáo đã là điểm tựa cho tín đồ. Khi đến với các ngài, tín đồ không phải lo túi tiền có đủ cúng dường làm vừa lòng thầy chăng.

Ngày xưa Phật và Thánh chúng chỉ "tam y nhất bát", không tài sản, không tích lũy, không có nhà bếp, không có tủ sắt, không có phương tiện vật chất dồi dào, không vì thế mà bảo là xã hội bấy giờ chưa phát triển. Xã hội phát triển như hôm nay, một số bậc chân đức cũng không tích lũy, không vướng vào tiện nghi, nếu có sử dụng chỉ xem là phương tiện chứ không xem là tư hữu phải giữ gìn, bảo vệ.

Vấn đề chân tu của những bậc chuyên về tâm linh, không nặng hình thức tôn giáo thì dù ở xã hội nào, hoàn cảnh nào, vật chất cũng không hề vướng bận các ngài.

Ngày nay lấy phương tiện để biện hộ cho cứu cánh do tâm tánh chưa thuần thục chứ không phải do cuộc sống xã hội bắt buộc phải thích nghi. Đã là chân tu thì ở xã hội nào vẫn là chân tu, không bị lôi kéo bởi lợi dưỡng. Do vậy, Đạo Phật ngày nay là một hiện tượng biến thái cách xa con đường giải thoát tâm linh của Đức Phật đã vạch ra gần 3.000 năm trước. Đạo Phật ngày nay trở thành một tôn giáo, khác hẳn một Đạo Phật thuần tâm linh của chư Phật.

MINH MẪN
18/12/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét