Vụ khai trừ trụ trì chùa Cao Linh ở Hải Phòng: Lối thoát
Đi sâu vào vụ việc chùa Cao Linh mà trước đây, quyết định tẩn xuất (khai trừ) ĐĐ Thích Giác Nghiên của Thành hội Phật giáo Hải Phòng (THPGHP) đã làm ngỡ ngàng không ít kẻ ngoại cuộc. Nhưng giờ đây, qua đơn thư của Thượng tọa Thích Thanh Giác, phó Ban trị sự THPGHP, mới hiểu được lý do đằng sau sự quyết định.
Về mặt đệ tử, theo TT Thanh Giác nêu sáu nguyên nhân, chư tôn đức Thành hội yêu cầu TT Thanh Giác cố gắng giáo dục ĐĐ Giác Nghiên, nhưng không kết quả, để cuối cùng yêu cầu Giáo hội tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn, ra khỏi Giáo hội và yêu cầu các chùa không chấp chứa.
1/ Phát ngôn coi thường chư Tăng trong Thành hội – không dẫn chứng phát ngôn thế nào là coi thường chư Tăng; đây có phải lý do chánh đáng để tẩn xuất một trụ trì?
2/ Việc xây dựng các công trình phụ cận không phù hợp với truyền thống kiến trúc văn hóa Phật giáo và dân tộc. – Thế nào là kiến trúc phụ cận hợp và không phù hợp với văn hóa PG và dân tộc? một lý do mơ hồ như thế để tẩn xuất một tu sĩ ra khỏi tăng đoàn?
3/ Bán đất để mồ mả giá cả gây dư luận xấu – không trưng dẫn chứng từ về dư luận xấu – đây có phải lý do chính đáng để tẩn xuất một tu sĩ có trình độ, hợp lòng dân, ra khỏi Phật giáo?
4/ Độ người xuất gia, truyền giới phi pháp. Thế nào là độ người xuất gia phi pháp? Không dẫn chứng. Truyền giới nào gọi là hợp pháp và phi pháp, cũng không nói cụ thể. Nếu đây là việc làm sai giới luật, không thể lấy đó mà tẩn xuất. Giới luật thuộc tín ngưỡng tôn giáo chứ không thuộc lãnh vực hành chánh tôn giáo, không thể dùng hành chánh để khiển trừ về sai phạm giới luật. Đây là việc làm sai nguyên tắc, một chức sắc giáo hội không nắm vững nguyên tắc, một tu sĩ từng làm thầy của nhiều đệ tử không nắm vững luật nghi, việc dạy đệ tử như thế bảo sao đệ tử không giỏi hơn thầy? Với lý do nầy, không thể ra quyết định tẩn xuất.
5/ Mở niệm Phật đường tại tư gia. Lại thêm một vớ vẫn, biểu lộ sự hiểu biết yếu kém của một thầy tu thiếu cập nhật và linh hoạt trong xã hội ngày nay. Mở niệm Phật đường tại gia là một trọng tội? Hiến chương, nội quy Tăng sự, pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, điều khoản nào cấm mở niệm Phật đường tại gia? Trong khi Tin Lành có hội Thánh tại gia, một hình thức truyền đạo linh động đa dạng, thì một tu sĩ Phật giáo mở niệm Phật đường tại gia lại là một tội phạm pháp? Lý do vu vơ như thế mà đòi tẩn xuất một tu sĩ trẻ năng động như thầy Giác Nghiên?
6/ Mở các phòng phát hành văn hóa phẩm Phật giáo. Đây là một sai phạm luật pháp hay vi phạm nội quy Tăng sự, đi ngược hiến chương Giáo hội hay Pháp lệnh tôn giáo? Chuyện như thế mà đòi tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn, đòi đưa về địa phương quản chế và cấm không cho bất cứ chùa nào dung chứa? Mới là Ban trị sự (BTS) của một Thành hội đã to quyền như thế, nếu là Trung ương, chắc thiên hạ khó sống bởi chuyên quyền lạm chức của các sư hiện nay.
Qua đơn trình bày của thầy Thanh Giác đã là vấn đề con kiến, thế mà BTS THPGHP biến thành con voi đòi triệt hạ cho thân bại danh liệt một mầm non của Phật giáo có trình độ, có óc sáng tạo và năng động làm cho địa phương nở mày nở mặt, tạo được uy tín với quần chúng Phật tử. Chẳng lẽ toàn BTS THPGHP đều có nhận thức và trình độ non kém như sư Thanh Giác, tự ái vì đệ tử giỏi hơn thầy???
Ông bà thường bảo: "Trong nhà đóng cửa bảo nhau." Nếu con cháu xấu thì cha mẹ đẹp mặt ư? Thầy Giác Nghiên không những chẳng xấu mà còn tỏ ra có tài khi tiếp nhận một ngôi thảo am mang danh chùa, để vài năm sau biến thành Đại tùng lâm của PGHP, đáng ra sư Thanh Giác phải hãnh diện về một đệ tử như thế, và PGHP cũng tự hào trong tỉnh có một ngôi chùa bề thế, có một tu sĩ trẻ năng động như thế, lẽ nào chỉ vì 6 điều vu vơ của một thầy gọi là bổn sư, muốn triệt đệ tử vì tự ái, mà BTS ra quyết định một cách sai nguyên tắc hành chánh, thiếu tình đồng đạo, mất tính người cộng thêm ác ý “giết người không dao”.
Nếu thật sự thầy Giác Nghiên bị tẩn xuất, không được phép xuất gia (luật Phật không có điều cấm vô lý như thế), thầy ra đời do uất ức, bất mãn làm bậy thì có phải BTS THPGHP và thầy Thanh Giác là kẻ tiếp tay tạo sự cố không tốt??? Và nếu thầy ngã sang ngoại đạo để nhìn lại hành động thiếu tôn kính của chư Tăng như thế thì hậu quả sẽ thế nào? Phải chăng BTS đã cố tình đẩy người ra khỏi vòng tay mà đáng ra tôn giáo cần mở rộng vòng tay với lòng từ bi của nhà Phật.
Có lẽ do giây phút bốc đồng mà thầy giận trò, chém trò bằng lưỡi chứ không bằng sóng?
Riêng một đệ tử theo luật nhà Phật, dù Bổn sư có thế nào, đệ tử vẫn là người con trọn thảo thủ hiếu. Biết rằng thầy Giác Nghiên cũng từng thủ lễ sám hối, nhưng do bản ngã và tự ái dầy đặc, nên vắng lòng từ ở những bậc thầy của mình. Thầy Giác Nghiên đành phải đệ đơn kêu oan đến các cấp chính quyền. Chuyện trong nhà không giải quyết được để nhờ người ngoài can thiệp, phải chăng là một sự hãnh diện của các trưởng tử Như Lai đang nắm quyền cao chức trọng?
Việc gì cũng có cách giải quyết, khác nhau là giải quyết có tình có lý hay không mà thôi. Một thầy tu không giận qua đêm, việc chùa Cao Linh bị thầy Thanh Giác giận đã mấy năm rồi?
Một đứa con ăn trộm, cha mẹ không nỡ để xóm làng biết, ngược lại việc làm sai quấy của BTS và là một thầy Bản sư lại rao báng cho thiên hạ đều biết, phải chăng đó là sự khôn ngoan trí tuệ của một tu sĩ. Chưa bao giờ nghe tín đồ ngoại giáo tố khổ tu sĩ của họ chứ chưa nói nội bộ tu sĩ tố khổ lẫn nhau, không phải họ thánh thiện nhưng họ biết tỏ ra thánh thiện trước quần chúng.
Thiết nghĩ, cũng chưa muộn, BTS THPGHP nên tạo điều kiện tác pháp Yết ma, có mặt chư Tăng trong tỉnh, nêu tình trạng của thầy Giác Nghiên để chư Tăng thẩm xét có đáng tội chăng, và nếu là tội, phải xử thế nào còn mang hạt giống Bồ đề chứ không thể hành xử như xã hội đen. Bằng nếu thầy Giác Nghiên không đáng tội, tạo điều kiện cho thầy học hỏi những thất bại trong cung cách xử sự mà có lẽ, tuổi trẻ không tránh khỏi cao ngạo ngầm ngầm do có ăn học. Thầy Giác Nghiên hãy đến từng chùa đảnh lễ sám hối những oan nghiệt đeo mang, phát lồ tâm nguyện có thể lay động tâm từ của đại chúng.
Một trụ trì có quyền quyết định hưng suy của ngôi tọa chủ, không nhất thiết phải được phép của thầy Bổn sư hay của Giáo hội nếu việc chỉnh trang nằm trong phạm vi trách nhiệm cho phép. Tuy nhiên, việc bán đất chùa làm nghĩa trang để có tiền xây dựng Tam Bảo có thể chấp nhận với điều kiện nghĩa trang phải xa nơi thờ phượng để tránh bất tịnh của âm khí. Các tháp cốt đứng dọc hai bên đường dẫn vô chùa trông thật thẩm mỹ nếu là tháp không thờ cốt như thầy Giác Nghiên rao giá, bằng ngược lại, đây là việc làm thiếu uy nghiêm tôn kính đối với Tam bảo, kể cả linh cốt. Tuổi trẻ không tránh khỏi sai phạm, biết ăn năn sám hối vẫn tốt hơn tính cố chấp của người lớn.
Nếu BTS không thể giải quyết, nhờ đến Ban thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương quyết định bằng một cuộc triệu tập bất thường. Đây là việc thuần túy tôn giáo, không nhất thiết có sự can thiệp của chính quyền.
Có thể bậc tôn túc đáng kính có uy tín với chư Tăng và BTS PG tỉnh đứng ra hòa giải giữa thầy Giác Nghiên và BTS, tìm một lối thoát để BTS không khó xử, đồng thời tạo điều kiện để thầy Giác Nghiên tiếp tục phục vụ phật sự tại địa phương. Hai bên hãy nghĩ đến tiền đồ đạo Pháp hơn là tự ái và quyền lợi vặt.
Phật tử không thể an lòng nếu chư Tăng là bậc lãnh đạo tâm linh vẫn còn mang tính hục hặc mà ngoài xã hội đã không thiếu. Chư Tăng khác thế tục là lòng độ lượng và tính hoan hỷ để làm nơi nương tựa cho tín đồ.
Minh Mẫn (28/8/2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét