Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

NHẬN ĐỊNH VỀ HAI CHÀNG THANH NIÊN CỦA...




Kính gửi cư sĩ Minh Mẫn bài của nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh và phản hồi của KS Lê Quốc Trinh.

Là người nhiều năm nghiên cứu Phật học, xin cư sĩ cho biết nhận định của KS Lê Quốc Trinh về Phật giáo như vậy là đúng hay sai? (Xin cư sĩ viết thành bài).

Rất mong nhận được bài của cư sĩ.

Kính chúc cư sĩ nhiều sức khỏe.

Trân trọng,

Thích Minh Trí

TẤT ĐẠT ĐANGUYỄN TẤT THÀNH

Đặt hai người nầy bên cạnh nhau chắc chắn tôi sẽ bị ném đá.

Người Phật Giáo, không phải là các thiền sư, cho đó là sự phạm thượng. Người cộng sản cho đây là sự xúc xiểm.

Tôi không theo Phật cũng không theo Cộng nên đối với tôi, đó là hai chàng trai, hai chàng trai rất đặc biệt. Hai người ấy thường xuyên hiện hữu trong tâm trí của rất nhiều người Việt Nam, tôi là người Việt Nam nên không thể không thường xuyên suy nghĩ về họ.

Tất Đạt Đa là một chàng trai diễm phúc, có danh hiệu ai cũng mơ tới và không có mấy người có được: Thái tử. Chàng chuẩn bị lên ngôi vua. Chàng có vợ tuyệt đẹp, con ngoan, gia đình hạnh phúc, có người hầu kẻ hạ, sống trên nhung lụa. Thế nhưng chàng không tự giam mình trong lầu son gác tía. Chàng đi xuống với dân gian. Thời đó, Ấn Độ dân đông nên đời sống rất cùng cực do vậy chàng thấy nhân dân mình đói nghèo, khổ sở quá, khổ khắp mọi nơi. Từ đó chàng quy nạp lên cả nhân gian nầy là một bể khổ, ở đâu cũng khổ, trong hoàn cảnh nào cũng khổ: Sinh, bệnh, lão, tử đều khổ. Chàng chạnh lòng nghĩ rằng phải tìm ra con đường cứu khổ cho nhân dân của chàng và cho cả nhân loại. Thế là chàng, trong một đêm trăng sáng, dứt vợ đẹp con ngoan để ra đi tìm đường cứu khổ cho nhân loại.

Ban đầu chàng có lầm lạc, đi sai đường, nhưng sau đó tỉnh ngộ, sửa sai, đi theo con đường khác và chàng đã thành công, đạt được đại giác ngộ, thấy ra con đường tự giải thoát bản thân và giải thoát cho cả nhân loại.

Con đường của chàng là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua, hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này.

Chàng trai Nguyễn Tất Thành sinh sau hơn 2000 năm, có hoàn cảnh bất hạnh hơn. Chàng là công tử con một vị quan nhỏ nhưng ông ta trong cơn say đã lỡ tay đánh chết người, bị truất chức quan đuổi về vườn. Con đường học hành để nối nghiệp cha vì thế cũng bị cắt đứt, chàng xuôi vào Nam và lên tàu, vượt biển, theo như chàng tự kể lại, là để tìm đường cứu nước ngay trong độ tuổi hai mươi.

Được sự gởi gấm của cha, khi vừa đặt chân đến trời Tây, chàng đã nhận được sự bảo bọc và dạy dỗ của một nhà cách mạng kiệt xuất thời đó là cụ Phan Chu Trinh.

Nhưng theo như lời chàng kể, con đường cứu nước ôn hòa, đấu tranh dân chủ của cụ Phan là con đường lầm lạc, chàng tự đi tìm con đường khác: Đường Kách Mệnh theo phương pháp đấu tranh bạo lực của ông trùm duy vật bạo lực Lê Nin. Đó là con đường kích động hận thù và đấu tranh bạo lực tiêu diệt nhau giữa các tầng lớp nhân dân để phát triển.

Vài mươi năm sau, chàng về nước cùng nhân dân đứng lên cướp chính quyền từ tay của chính phủ Trần Trọng Kim và của vua Bảo Đại rồi tuyên bố độc lập. Chàng trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã 67 năm trôi qua kể từ ngày chàng trai Nguyễn Tất Thành trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước do chàng và các đệ tử của chàng lãnh đạo vẫn không một ngày dứt cảnh tang thương, lòng người luôn luôn ly tán, tầng lớp nhân dân nầy thù địch với tầng lớp nhân dân kia. Một đệ tử nổi tiếng của chàng đã nói: Có triệu người vui thì có triệu người buồn. Do vậy có triệu người tôn thờ chàng thì cũng có chừng ấy kẻ căm ghét.

Tất yếu phải như vậy, vì con đường của chàng mang từ trời Tây về là con đường lấy sự đấu tranh hận thù giữa các giai cấp làm lẽ sống.

2.9.2012

Huỳnh Ngọc Chênh

* Phản hồi của KS Lê Quốc Trinh

Ông Huỳnh Ngọc Chênh nè,

Tui là Phật tử thuần thành, nghiên cứu triết lý Nhà Phật theo lăng kính khoa học, nên tui có trách nhiệm cần nhắc nhở ông Chênh vài ngộ nhận về Đạo Phật nhe.

Ông Chênh nói rằng: …”Con đường của chàng Tất Đạt Ta là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua, hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này”…

Hổng phải vậy đâu ông ơi! Là con người không ai có thể từ bỏ hay diệt tham sân si được đâu, vì đó là trạng thái tâm lý, hiện tuợng năng lượng phát triển. Thái tử Tất Đạt Ta đã vì lòng ham muốn “tìm chân lý” mà phải trải qua biết bao khổ cực, suýt chết đấy. Tham Sân Si thường được Đức Phật so sánh như ba ngọn lửa nóng. Đó là năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu. Tuy nhiên Đức Phật không hề kêu gọi “diệt” tham sân si, ngược lại Ngài hướng dẫn phương pháp tu hành để phát triển trí tuệ nhằm kiểm soát ba ngọn lửa đó. Ba nguyên tắc tu học theo thứ tự ưu tiên là GIỚI , ĐỊNH , TUỆ. Chỉ có con đường GIÁC NGỘ, phát triển trí tuệ khám phá chân lý mới giải thoát con người khỏi khổ não mà thôi.

Nói chính xác hơn thì phát triển trí tuệ đi đến giác ngộ chỉ là phương tiện, mà hướng tiến đến chính là “lòng từ bi” yêu thương chúng sinh. Có trí tuệ mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng đấy ông. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẫn quẩn của thù hận.

Thân chào ông nhé,

Quốc Trinh, Canada

……………………………………………………………………………………………………..

NHẬN ĐỊNH… bài của nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh và phản hồi của KS Lê Quốc Trinh VỀ HAI CHÀNG TRAI…

Thực tâm mà nói, ông Huỳnh Ngọc Chênh không có ý đồ làm lệch hướng giáo lý nhà Phật cũng như hạ bệ Đức Phật, nhưng do suy diễn theo kiểu tục đế mà làm lệch ý nghĩa sự giải phóng con người khỏi khổ đau trầm luân của Đức Phật.

Một tín đồ nhiệt thành sẽ không chấp nhận đem hai hình ảnh đứng cạnh nhau để xem ai cao hơn ai, nhưng khách quan và khoa học mà xét, điều nầy khả thi ở góc độ triết lý nhân bản.

Xin được lần lượt trả lời với nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh: “Thời đó, Ấn Độ dân đông nên đời sống rất cùng cực do vậy chàng thấy nhân dân mình đói nghèo, khổ sở quá, khổ khắp mọi nơi. Từ đó chàng quy nạp lên cả nhân gian nầy là một bể khổ, ở đâu cũng khổ, trong hoàn cảnh nào cũng khổ: Sinh, bệnh, lão, tử đều khổ. Chàng chạnh lòng nghĩ rằng phải tìm ra con đường cứu khổ cho nhân dân của chàng và cho cả nhân loại.”

Thưa ông Huỳnh Ngọc Chênh, thời đó dân Ấn không đông hơn bây giờ đâu. Hiện giờ trên một tỷ người, tuy Ấn Độ là một trong những nước phát triển khoa học kỹ thuật hiện nay, nhất là về tin học, thế mà mức sống của dân chưa mấy thay đổi, vì đẳng cấp xã hội còn đè nặng lên giai cấp cùng đinh. Nếu nói theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, do nhìn thấy dân mình khổ mà chàng quy nạp nhân gian nầy là bể khổ… thì cái thấy của chàng Tất Đạt Đa còn quá hạn chế.

Tuy còn bé, Tất Đạt Đa đã thấy mạnh hiếp yếu, vật lớn ăn vật nhỏ, đã thấy con người không ai thoát khỏi sanh già bệnh chết từ người đến vật, từ sang đến hèn chứ không chỉ nhân dân nghèo khổ của Ấn độ. Với cái sở học toàn triệt do các đạo sư hiền triết hướng dẫn khi còn trong cung điện, đã giúp cho chàng Tất Đạt Đa có cái ý niệm tổng quát về cuộc đời rồi. Khi ra dạo bốn cửa thành thực chứng hiện trạng kiếp người, Tất Đạt Đa đã phải tìm một phương thức giải thoát cho nhân loại khỏi trói buộc trong vòng lẩn quẩn đó.

“Con đường của chàng là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát.”

Có lẽ nhà văn chưa phải là một hành giả, chỉ là một học giả, nên không phân biệt được thế nào là từ bỏ Tham-sân-si để đổi lấy Từ-bi-hỷ xả. Thật ra Tham sân si hay từ bi hỷ xả chỉ là trạng thái tâm lý, không là vật thể để có thể lựa chọn từ bỏ hay chấp nhận như một đồ vật. Từ bỏ một chiếc áo bẩn, một đồ vật không thích hợp thì dễ, vì đó là vật ngoài thân, nhưng trạng thái tâm lý dính liền với tưởng thức thì ta nên dùng chữ chuyển hóa đúng hơn. Tốt và xấu là hai mặt trong một hợp thể, nó không phải hai khối rời nhau, để chọn cái nầy bỏ cái nọ được. Như nước đục được chuyển hóa thành nước trong cùng trong một ly nước; làm sao gạt bỏ cái đục để lấy cái trong khi chúng là một hợp thể??? Vì thế Tham sân si được chuyển hóa bằng một quá trình ý thức tu tập thì Từ bi hỷ xả tự lộ diện, đâu cần phải lấy từ đâu tới hay từ ngoài vào để trang bị cho một ý thức, một tâm trạng, mới thương yêu mọi người rồi tiến tới giải thoát? Huỳnh Ngọc Chênh đã chia chẻ quá trình chuyển hóa tâm thức của Phật giáo thành những công đoạn duy vật.

Sự so sánh nhân thân của hai thành phần trong xã hội khác nhau quá xa, xa về ý thức hệ, xa về nhân cách, xa về tổng thể… Mục đích Huỳnh Ngọc Chênh muốn tô hồng đức Phật nhưng thực ra đem cánh sen so sánh với hoa mồng gà quả là sự so sánh lệch lạc. Một đàng hóa giải nỗi thống khổ trần gian bằng tư duy thực nghiệm, một đàng chỉ thấy cái ách thống trị trước mắt mà không thấy tận nguồn của nghiệp thức thì hành động đưa đến dĩ nhiên mâu thuẫn lòng vòng trong đau khổ, lấy bạo lực giải quyết bạo lực, lấy đau khổ trấn áp khổ đau thì đâu vẫn hoàn lại đấy; Vì thế Đức Phật bảo chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù. Kết quả giá trị của hai hành động đã được ông Huỳnh Ngọc Chênh xác minh.

“Một đệ tử nổi tiếng của chàng đã nói: Có triệu người vui thì có triệu người buồn. Do vậy có triệu người tôn thờ chàng thì cũng có chừng ấy kẻ căm ghét.”

Huỳnh Ngọc Chênh đã thấy được tính mâu thuẫn mà học thuyết Mac-Lê đã nói: “Trong một hợp thể, luôn có hai mặt mâu thuẫn đối lập lẫn nhau, giải quyết mâu thuẫn nầy thì mâu thuẫn khác phát sanh…”. Thế thì giải quyết một vấn đề cho một triệu người vui tất phải có hàng triệu người buồn là lẽ tất định. Trong khi giáo thuyết nhà Phật hàng ngàn năm qua, giải quyết vô số người khổ đau có ai bị đau khổ hơn trong vấn đề giải quyết đó, hay đã hoán chuyển họ thành an lạc và giúp chung quanh an lạc, từ bi hơn?

Học thuyết phương Tây lúc bấy giờ, kể cả giáo thuyết, luôn nằm trong thế nhị nguyên, chưa vượt thoát được tính ràng buộc đối đãi, được và mất, hơn và thua. Vì thế đưa ra mặt hay sẽ kèm theo cái dở. Hoặc anh là bạn, hoặc là kẻ thù, đó là lối suy diễn phàm phu, nhà Phật vượt thoát hai phạm trù đối đãi nên không bị kẹt vào hậu quả tương tác. Giải thoát kẻ bị trị bằng tiêu diệt kẻ thống trị, lực lượng triệt tiêu thống trị sẽ trở thành kẻ thống trị kế thừa, đó là quy luật.

Đúng như KS Lê Quốc Trinh viết: “Có trí tuệ mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng đấy ông. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẩn quẩn của thù hận”.

Lấy Tham sân si để giải quyết Tham sân si tăng thêm thù hận khổ đau; dùng từ bi vị tha hoán chuyển tham sân si đem đến an lạc hài hòa.

Huỳnh Ngọc Chênh có ý thức tốt về giáo lý nhà Phật nhưng chưa hiểu thấu đáo nên nhầm lẫn trong cách suy diễn, cứ nghĩ muốn làm người tốt là phải lấy cái nầy bỏ cái kia mà không thấy được quá trình chuyển hóa tâm lý của một hoa sen mọc từ bùn. Nếu bỏ bùn lầy thì làm gì có sen phải không ông Huỳnh Ngọc Chênh? Nói theo KS Lê Quốc Trinh là:

“Đó là năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu”.

Tóm lại, thế gian pháp và xuất thế gian pháp là hai lãnh vực khác biệt không thể so sánh khập khểnh như thế; cho dù so sánh thế nào cũng không tránh khỏi người đứng giữa hai làn đạn.

MINH MẪN

09/9/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét