https://youtu.be/yJlb0MC_0_s
Ráng chiều nhảy nhót trên sóng biển, từng lọn nước
lăn vào bờ, đẩy một ít rác rến gửi vào ghềnh đá, kéo theo ra khơi vài cọng rong rêu; cứ thế lặng lẽ quên đàn chim lượn là
đà phớt trên mặt nước để đang đùa cợt với hoàng hôn.
Mọi diễn biến trong cuộc sống, từ biển khơi cho đến
bưng biền phố thị như cổ máy khổng lồ của thời gian và tạo hóa xay nhuyễn mọi
hiện tượng, để đào thải mọi biến chất.
Sá gì những tung hô, phản đối, ca tụng hay miệt thị
với bất cứ một hiện tượng, một cá nhân hay một tập thể, vì chúng chỉ là hiện tượng
nhất thời.
Con người sinh ra đều được quyền bình đẳng theo luật Quốc tế Nhân quyền; Phật từng bảo:
mọi chúng sanh nước mắt đều mặn, máu cùng đỏ thì khổ đau cũng đều cảm nhận như
nhau tuy mức độ khác nhau.Đặc tính chung của mọi sinh vật nhưng do bản chất
riêng của cá nhân mà có hiện tượng sai biệt.
Tâm bất định, tạp niệm nên nhìn mọi thứ đều tạp loạn. So sánh tạm chấp
nhận khi cùng một giới tuyến, cùng một bản thể hay cùng một quy ước;không ai
đem hai vật không đồng bản chất, không đồng thể loại mà so sánh đẹp xấu, đúng
sai.Đây là nguyên nhân sanh ra biến động!
Tâm đố kỵ là cặp kính đen, nhìn mọi vật đều đen hơn
mình, khởi tâm chê bai chế giễu cho dù đối tượng không cùng giới tuyến, cùng chủng
loại hay cùng lối đi…
Ai đó từng tuyên bố minh không là tu sỹ thuộc bất cứ
giáo phái nào, nghĩa là xác định quyền tự lập, không vi phạm vào bất cứ lãnh vực
nào, thì không thể đem quyền lực riêng tư để áp đảo, phê phán quyền tự do đó,
sanh ra hiện tượng xã hội động loạn trên cộng đồng mạng.
Xã hội thường biến động do tính đố kỵ, ganh tỵ, nhổ
nhen, tham lam sanh ra.Biến động thiên nhiên như cháy rừng, bão lũ, hạn
hán cũng từ lòng tham của con người hủy
hoại môi sinh.
Việc sai lầm của xã hội trong vài lãnh vực là
tất yếu, sau sai lầm biết phục thiện, hoặc là vết xe đổ trước để xe sau tránh
cho người biết khôn ngoan, nhưng vẫn có trường hợp tiếp tục sai lầm do tâm cố
chấp, tự ngã, háo danh…để thể hiện mình có khả năng trấn áp, đánh phá một đối
tượng dị biệt không cùng giới tuyến, không cùng quan điểm nổi trội hơn mình, sợ
mình bị dìm hàng...Trường hợp này thể hiện quyền lực, chứng tỏ mình thông hiểu
tất cả nên chuyện gì cũng xen vào, cuộc sống cái gì cũng sành sỏi mặc dù những
việc không thuộc chuyên môn, dù bị xã hội phê phán, nhân cách tào lao đó mà
không hề khắc phục, như vậy Đời Đạo tri thức dung thông chỉ thiếu một việc là
không hề biết tàm quý( xấu hổ) là gì để sửa sai.
Những tưởng sau văn thư của GH TW do tổng thư ký
GHPGVN ban hành về việc phủ nhận hiện tượng hạnh Đầu đà, gây phản ứng mạnh
trong giới truyền thông,đó là bài học hết sức vô duyên, sẽ không có bất cứ văn
bản nào liên hệ đến GHPGVN nữa, nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện văn bản gửi đến
các quốc gia Phật giáo, tạo làn sóng không nhỏ quay lại nhấn chìm người viết vì
gửi ra văn bản với tư cách Trưởng ban PG Quốc tế của PG TP HM.
PGVN có cần
phải tai tiếng những chuyện vô bổ đó ?
***
“Cực tĩnh tất động”, đó là nguyên lý vận hành của vạn
vật.Từ thời xuất hiện đời sống nguyên thủy thành lập bộ lạc, lượm hái rồi đến
săn bắt, tiến đến tranh giành lãnh thổ, chế độ Phong kiến, sang duy vật chủ
nghĩa, tư bản chủ nghĩa…trãi qua tiến trình biến tấu cho thích hợp với đời sống
thực tế.
Tôn giáo cũng thế, sau khi các đức giáo chủ thành lập
đạo đức xã hội, dần dà biến thành Tôn
giáo, mỗi tôn giáo hàm tàng một cộng đồng sống theo tiêu chuẩn riêng, đều hướng
đến thánh thiện, nếu có giai đoạn lệch lạc cũng do cá nhân lãnh đạo nhân danh
quyền lực không đúng mục đích của các đức Giáo chủ.
PGVN ngày nay, trên năm mươi ngàn tu sỹ, chắc chắn
không tránh khỏi những cá nhân ô nhiễm, nhưng cái sai lầm không đáng có của vài
vị chức quyền trong Giáo hội có học vị tạo tai tiếng chung cho một tập thể.
GH không có người đủ nhân cách và năng lực để giao
phó đúng người đúng việc??? Thường những văn bản như thế tùy tiện không thông
qua hội thảo với các ban ngành trong tổ chức.
Xã hội và Tôn giáo đều trãi qua quá trình sàng lọc để
tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn. Có những lý tưởng khó thành hiện thực, nhưng vẫn là
tiêu chí để thăng tiến.
Biết rằng đức Phật cảnh giác trong mọi chúng sanh đều
có Tam độc (tham-sân-si). Muốn tiến hóa đưa đến thánh thiện và giải thoát, cần
phải từ bỏ, nhưng mấy ai làm được. Hầu hết tu sỹ chưa thực hiện triệt để thì
tín đồ sao khỏi sai phạm!
Một xã hội lý tưởng tràn đầy tình thương, bao dung mọi
dị biệt theo tiêu chuẩn nhà Phật, nhưng khó mà thực hiện khi tình thương còn bị
lạm dụng, hành thiện còn mưu đồ tính toán, còn ham muốn được thêm, danh có rồi
còn muốn thêm nữa, địa vị đang có còn muốn cao hơn….Tôn giáo là đức tin tự nguyện
mà chưa thể hiện được lý tưởng Tôn giáo thì mong gì có một xã hội công bằng bác
ái, làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu, bình đẵng chúng sanh!
Một xã hội nhân loại trong tương lai sẽ đi về đâu? Một
quốc gia đứng đầu thế giới sẽ không muốn quốc gia khác qua mặt, một lãnh đạo đất
nước muốn bành trướng cương thổ,một cá nhân không muốn ai hơn mình…thế thì cuộc
sống luôn biến động, động để tiến hóa hay để lùi tùy thuộc vào nền giáo dục
nhân bản, đạo đức Tôn giáo, đạo đức Thánh hiền.
Sống biết đủ như Thánh nhân đã dạy:”tri túc, tiện
túc hà thời túc”. Vừa lòng những gì hiện có theo nhà Phật, mấy ai thực hiện được nên xã hội luôn biến động.
Tương lai nhân loại tùy thuộc vào nền giáo dục, vào
tiến hóa khoa học tâm linh, vào đạo đức Tôn giáo, nếu khoa học vật lý phát triển
thiếu căn bản đạo đức tâm linh sẽ trở thành vũ khí lợi hại cho những hành sử
thiếu đạo đức đưa đến khổ đau cho nhân loại như lịch sử đã minh chứng;
Tiến hóa không chỉ cơ bản vật lý, tâm lý mà cần có
tâm linh sẽ khởi sanh một lề luật thích hợp do nâng cấp những lề luật quá khứ.
Tuy cuộc sống luôn động, với tầm nhìn an nhiên giữa cảnh chiều tà, với nắng sớm nở
hoa, động và tịnh luôn song hành cho một cuộc sống an nhiên trong thực tại.
MINH MÂN
21/4/25
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét