Hoa Kỳ là đất nước non trẻ,
hơn 300 năm, thế nhưng lại là vùng đất đầy nhựa sống, đủ để ươm mầm những hạt
giống nhiều năng lượng; là vùng đất nhiều cơ hội cho tuổi trẻ tiến thân, là bàn
đạp cho những ý chí cầu tiến chịu học hỏi; là một xã hội dễ phát triển cá nhân
nhưng cũng là dễ trắng tay cho những cá nhân liều lĩnh trên con đường bon chen
hưởng thụ bằng sự ỷ lại vào nguồn vốn ngân hàng. Phải nói Hoa Kỳ là một “xã hội
chủ nghĩa không Cọng sản”, vì tất cả đều bình đẵng trước pháp luật, làm theo khả
năng, hưởng theo nhu cầu thật đúng nghĩa.
Về hình thức, mọi công dân
đều hưởng thụ vật chất giống nhau, nhưng do phước báu, do công sức, do tài nghệ
và đẵng cấp xã hội mà chất lượng hưởng thụ vật chất khác nhau.
1 – Vốn là một đất nước đa
chủng tộc, đa văn hóa; du nhập nhiều lãnh vực khoa học, tiến bộ, trong đó có cả
Tôn giáo. Tin lành chiếm 52% dân số , 24% theo Công giáo Roma (Tôn giáo Hoa Kỳ,
Wikipedia)
Phật giáo du nhập vào Mỹ
Phật giáo được du nhập đến Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 cùng với những người nhập cư
từ Đông Á. Ngôi Chùa đầu tiên tại Hoa Kỳ được thành lập và được xây dựng tại San Francisco năm 1853 bởi những người Mỹ gốc
Hoa.
Cuối thế kỷ 19 những nhà
truyền giáo từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ, cùng vào thời điểm này, giới trí thức Hoa Kỳ
bắt đầu để ý đến Phật giáo.
Người Mỹ nổi tiếng đầu
tiên quy y đạo Phật là Henry Steel
Olcott. Olcott cũng là người vẽ ra mẫu cờ Phật giáo mà sau này vào năm 1950 được nhiều giáo hội Phật giáo quốc tế công
nhận là biểu tượng nhà Phật.Một sự kiện
góp phần tăng trưởng Phật giáo tại Hoa Kỳ là Nghị viện Các Tôn giáo Thế giới diễn
ra năm 1893, có sự tham gia của các Phật tử từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,
Thái Lan, và Tích Lan.
Ước tính số lượng Phật tử
tại Hoa Kỳ dao động từ 0,5% đến 0,9%; con số 0,7% được CIA và PEW công bố. Theo Hiệp hội
các nhà thống kê của Tạp chí Tôn giáo Hoa Kỳ xuất bản tháng 3 năm 2017, dựa
trên dữ liệu từ năm 2010, Phật giáo là tôn giáo thiểu số lớn nhất trong 186 hạt
trong số 3143 hạt trong cả quốc gia.
Điển hình như nhà thơ Mỹ Allen Ginsberg. Steven Seagal là một nam nhân Phật Tử cũng rất nổi tiếng và
được biết đến rộng rãi qua các phim ảnh hành động mà anh thủ vai. Richard Gere là nam diễn viên người Mỹ. Ngoài nhà thơ Allen Ginsberg và nam tài tử Steven Seagal và diễn viên điện ảnh Richard Gere thì còn có những người Phật Tử trứ danh khác trên đất Mỹ như đạo diễn
phim ảnh kiêm nhà biên kịch Oliver Stone[, ca sĩ nhạc sĩ họa sĩ kiêm diễn viên nữ Courtney Love, nghệ sĩ
hài Martin Starr, và đại gia trong làng sản xuất phim ảnh tỷ
phú George Lucas, tài tử nam phim ảnh lừng danh Robert Downey Jr., nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng Goldie Hawn, và nhà
sản xuất điện ảnh Anh em nhà
Coen.
Phật Tử gốc Do Thái
Zoketsu Norman Fischer Thiền sư Phật giáo người Do Thái là những tín đồ Phật giáo mà có cha mẹ không phải là Phật tử, người Do Thái xuất hiện và có mặt rất nhiều trong thế giới Phật giáo
Hoa Kỳ .
Phật giáo đã chính thức đến Hoa Kỳ vào ngày 8
tháng 9 năm 1893, khi Ðại hội cộng đồng tôn giáo thế giới được khai mạc tại
Chicago, với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ hơn 10 truyền thống tín
ngưỡng thế giới. Ngoài các truyền thống Thiên chúa giáo và Do thái giáo, các
tôn giáo Á châu như Ấn Ðộ giáo, Hồi giáo và Phật giáo cũng đều có mặt.
Riêng Phật giáo Á châu, đại
biểu Phật giáo Tiểu thừa từ Tích Lan, Thái Lan, Phật giáo Ðại thừa từ Nhật Bản
và Trung Hoa đã tích cực đóng góp để đại hội đạt được “một thành quả cao cả và
đáng vinh danh nhất của thế kỷ”. Trước đại hội, Phật giáo được chính thức ra mắt
người dân Hoa Kỳ và ngược lại cũng đã được người dân Hoa Kỳ đón tiếp rất nồng
nhiệt.
Sau Ðại hội tôn giáo thế
giới năm ấy, nhiều lãnh tụ Phật giáo đã lần lượt đến Hoa Kỳ hoằng hóa, thiết lập
nhiều tu viện, chùa chiền, thuộc nhiều giáo phái khác nhau, chuyển hóa nhiều phật
tử, đào tạo nhiều lãnh tụ Phật giáo người Hoa Kỳ, hình thành một nền Phật giáo
của Hoa Kỳ với những tính chất rất đặc thù và viễn cảnh đầy triển vọng.
Ông P.Carus muốn mời Thiền
sư Soyen Shaku ở lại hợp tác phiên dịch một số thư tịch tôn giáo Á châu sang tiếng
Anh, nhưng Thiền sư đã từ chối và chỉ định ông Daisetzu Teitaro Suzuki làm việc
đó giúp ông Carus. Ông D.T.Suzuki không phải là một người xa lạ đối với phật
tử trên thế giới. Ông đã là tác giả khoảng 30 cuốn sách về Zen - thiền Nhật Bản,
rất nổi tiếng và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong số những người cư sĩ có
công trong việc truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ, Tiến sĩ Suzuki phải là một
trong những người đứng hàng đầu.
Nhật Liên Tông được truyền
sang Mỹ quốc từ đầu thập niên 1930 trong cộng đồng di dân Nhật. Tôn giáo này có
một tổ chức cư sĩ, có tên là Soka Gakkai (Sáng Giá Học Hội), rất hữu hiệu trong
việc truyền bá Nhật Liên Tông tại Nhật cũng như tại hải ngoại, nhất là tại Hoa
Kỳ.
Nếu Tịnh Ðộ Tông Nhật đã đến
Hoa Kỳ sớm nhất thì Thiền tông Nhật Bản - Zen mới là tông phái Phật giáo được
truyền bá sâu rộng trong mọi giới Hoa Kỳ.
. Đến từ Tây Tạng:
Năm 1950, chính trị Tây Tạng
có thay đổi. Năm 1959 Ðức Dalai Lama - lãnh tụ tôn giáo cũng như chính trị của
xứ này, cùng nhiều lãnh tụ khác, rời khỏi Tây Tạng. Từ đó bốn tông phái chính của
Phật giáo Tây Tạng được truyền sang đến xứ của người da đỏ. Bốn tông phái đó
là: Nyingma, Kagyu, Geluk và Sakya.
Nhiều trung tâm Thiền Mật
tông được ông lập nên tại Boulder, Vermont, New York, Boston, Berkeley, Los
Angeles và Naropa Institute ở Rocky Mountain. Naropa Institute nay đã trở thành
một đại học nhân văn của Hoa Kỳ. Năm 1974, vị tăng thống cao nhất tông phái
Kagyu là Rangjung Rigpe Dorje, vị Karmapa thứ 16 sang Hoa Kỳ và tiếp theo đó là
Ngài Kalu Rinpoché
Đến từ Trung
Hoa:
Rất có thể là Sư Huệ Sơn
cùng một số tăng sĩ Trung Hoa đã là những phật tử đầu tiên đặt chân vào nước Mỹ
từ thế kỷ thứ IV, trước Columbus rất lâu.
Người tu sĩ Phật giáo
Trung Hoa đem Thiền Trung Hoa vào Hoa Kỳ để rồi trở nên một truyền thống Phật
giáo Trung Quốc lớn mạnh là Hoà thượng Tuyên Hóa.
Đến từ Hàn Quốc:
Thiền sư Phật giáo Ðại Hàn
Soen-sa-nim đã từng giảng pháp tại Nhật Bản và Hồng Kông sau đệ Nhị Thế chiến.
Ðến năm 1972, với một chút tiền, không một chữ tiếng Anh nào, sư sang Hoa Kỳ, định
đến Los Angeles, mà tại đấy đã có một cộng đồng Ðại Hàn khá đông đảo.
Đến từ Việt
Nam:
Riêng đối với Phật giáo Việt Nam
thì vào thập niên 1950 mới có tăng sĩ người Việt sang Mỹ, trong đó có
Hòa thượng Thích Quảng Liên du học ở Đại học Yale theo ngành kinh tế.
Năm 1962 thì có thầy Thích Nhất Hạnh theo học ở Đại học Princeton ngành tôn giáo tỷ giáo (comparative religion).
Năm 1966 ông là giảng viên ở Đại học Cornell. Thích Trí Siêu và Thích Thuyền Ấn thì học triết học ở Đại học Wisconsin. Cả hai vị sau về Việt Nam biên soạn về Phật học. Cùng lúc đó thầy Thích Thiên Ân lấy bằng tiến sĩ văn chương ở Đại học Waseda, Nhật Bản, nhưng năm 1966 ông được mời
sang thỉnh giảng bên Mỹ ở Đại học California tại Los Angeles, rồi lưu lại Mỹ năm 1967, chuyển
sang dạy Thiền cho người Mỹ.
Nói tới sự du nhập của Phật
giáo từ Việt Nam vào Hoa Kỳ cho người Hoa Kỳ thì phải nói tới Hòa thượng Thích
Thiện Ân và Hòa thượng Thích Nhất Hạnh.
- Hoà thượng Thiện Ân đã tới
Hoa Kỳ từ năm 1966, làm giảng sư môn Triết lý Ðông phương tại Ðại học UCLA, sau
khi đã tốt nghiệp Tiến sĩ về Văn chương Ðông Phương tại đại học Wasada, Nhật Bản.
Ngài cũng giảng dạy Phật học, Thiền, tại một căn nhà nhỏ vùng Hollywood. Sau
Ngài sáng lập nên trung tâm thiền học International Buddhist Meditation Center
cho những người Hoa Kỳ muốn học thiền. Ðến năm 1973, Ngài thành lập đại học
College of Oriental Studies (sau trở thành University of Oriental Studies) dạy
Phật học, với giảng sư là những thiền sư, những nhà Phật học danh tiếng xuất
thân từ những thiền viện Nhật bản, Thái Lan, Ðại Hàn và Tây Tạng. Năm 1970 Hòa thượng Thích Thiên
Ân lập Trung tâm Thiền viện Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) rồi
đến năm 1974 thì tổ chức giới đàn trao giới luật cho đệ tử Mỹ xuất gia, chính thức đem thiền học và
cách tu của người Việt đến Mỹ.
Sau 30 Tháng Tư năm 1975 với làn sóng người Việt tỵ
nạn sang Mỹ, nhu cầu Phật pháp đưa đẩy Hòa thượng Thiên Ân lập nên Chùa Việt Nam, Los Angeles, tức ngôi chùa đầu tiên của người Việt ở
Mỹ. Ngôi chùa thừ nhì là chùa A Di Đà. (1)
Sau năm 1975, một số người
Việt Nam sang Hoa Kỳ thì Hòa thượng đã lãnh đạo một phong trào phật tử Hoa Kỳ
trợ giúp dân tỵ nạn trên nhiều phương diện về đạo cũng như về đời. Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (VietNam Buddhist Churches in America) được thành lập
với trụ sở là chùa Việt Nam tại Los Angeles. Tháng 10 năm 1980, Ngài viên tịch.
Trung tâm thiền học được giao cho học trò Ngài là ni sư Karuna Dharma. Cố Hòa
thượng Thích Mãn Giác được cử đến thay người điều khiển Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam tại Hoa Kỳ.
- Hòa thượng Nhất Hạnh đã
ra khỏi nước và đến Hoa Kỳ từ năm 1961, nhưng Thầy chỉ thực sự mang Phật giáo
Việt Nam vào xã hội Hoa Kỳ từ năm 1983 tại Berkely, California. , khi Thầy
thành lập một dòng tu Tiếp Hiện, mà Thầy đã sáng lập ra khi còn ở Việt Nam,
- Ngoài hai vị trên, nhiều
tăng sĩ Phật giáo Việt Nam, đã theo làn sóng di cư sang Hoa Kỳ, lập chùa cảnh tại
những nơi có đông người di dân Việt Nam như Orange County, San José tại tiểu
bang California, Houston, tiểu bang Texas… mà mục đích chính là để cung ứng Phật
sự truyền thống Tịnh Ðộ tông cho dân Việt di cư. Ðây không phải là những trung
tâm Phật học, Thiền học hay tu tập thực sự, do đó không thu hút được nhiều phật
tử chính gốc Hoa Kỳ như các trung tâm Phật giáo Nhật Bản, Ðại Hàn, hay Tây Tạng.
Ảnh hưởng của các chùa chiền Việt Nam này chỉ quanh quẩn trong một cộng đồng bé
nhỏ, không giúp ích đáng kể vào việc phát triển Phật pháp tại xứ này.
- Kể từ năm 1998, ngành
Thiền Trúc Lâm Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Thiền sư Thích Thanh Từ cũng đã
sang tới Hoa Kỳ và được tín đồ Phật giáo Việt Nam hâm mộ. Thầy Thanh Từ đã
thành lập những thiền thất chuyên tu, tại Orange County tiểu bang California,
Houston tiểu bang Texas, cho những ai muốn học Thiền hay tu hành, dù là xuất
gia hay tại gia. Hiện nay ngành Thiền Trúc Lâm còn phôi thai, nhưng với một tôn
chỉ đứng đắn, một tổ chức quy mô, đào tạo ra nhiều tăng sĩ giỏi, đạo cao, hạnh
cả, và được sự ủng hộ của quần chúng trong cộng đồng, ngành này có một triển vọng
tốt trong tương lai tại xứ này.
***
Cũng khác với nhiều nước
bên Á châu, phái nữ theo đạo Phật rất đông, hoặc bằng hoặc là đông hơn phái
nam. Do đó, cũng như trong nhiều cơ chế khác ở xã hội Mỹ, Phật giáo Hoa Kỳ được
“nữ giới hóa”, nghĩa là trong đó tiếng nói cũng như quyền lợi của phái nữ được
đề cao và tôn trọng. Sự đóng góp của phái nữ vào công việc truyền bá phát triển
Phật giáo rất đáng kể. Rất nhiều ni sư, nữ thiền sư, những ni sư trưởng, được
đào tạo tại Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Ðộ hay ngay tại Hoa Kỳ đã xuất hiện, ban
pháp thoại, giảng kinh, viết sách, viết báo để hoằng dương Phật pháp. (2)
2 –
Chư ni Việt Nam có mặt tại
Mỹ .
Thích nữ Trí Hải (1938 – 2003) là một danh ni Việt Nam. Năm 1960, ni trưởng sang Mỹ du học và tốt nghiệp Cao học ngành Thư viện
(M.A) tại Đại học
Princeton (Hoa Kỳ). Ni sư là một trong những giảng viên đầu tiên giảng dạy tại Thiền viện Vạn Hạnh và Trường Cao cấp Phật học Việt
Nam, từng làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Nam. là một tác gia và dịch gia Phật giáo.
Năm 1979, Sư Bà Đàm Lựu được
Hòa thượng Thanh Cát tọa chủ Chùa Giác Minh, Palo Alto bảo lãnh sang Hoa Kỳ.
Năm 1980, Hòa Thượng đề cử Sư Bà về vùng San Jose để hành đạo và sáng lập Chùa
Đức Viên.
Ni Trưởng Thích Nữ Như
Chánh du học Nhật Bản, sau đó sang Hoa Kỳ và viên tịch tại đó.
Sư Bà Diệu Từ tỵ nạn qua
Nhật Bản và sau đó di cư sang Hoa Kỳ, trú tại Sacramento và Nam California. Sư
Bà Thích Nữ Giác Hương, Sư Bà Thích Nữ Như Hòa, Sư Bà Thích Nữ Nguyên Thanh, Ni
Sư Thích Nữ Thanh Lương . TKN. Thích Lệ Thành, Ni Sư Thích Nữ Như Hòa ,Ni Sư Thích Nữ Pháp Đăng ,Ni Sư Thích Nữ Diệu Đáo, Ni Sư Thích Nữ Nhu Liên, Ni Sư Thích Nữ Liên Chi, Ni Sư Thích Nữ Diệu Từ, và còn nhiều ni giới
đến Hoa Kỳ trước và sau 1975, hiện nay tu sĩ Tăng –Ni tiếp tục đến lưu trú trên
xứ sở cờ Hoa.
***
Thời gian đầu, chư Tăng,
chư Ni có mặt trên đất nước còn nhiều xa lạ về ngôn ngữ, tập quán, nhất là truyền
thống tín ngưỡng, vì thế, sinh hoạt theo truyền thống quê nhà, quanh quẩn bởi
nhóm tín đồ tỵ nạn lớn tuổi, lấy ma chay đám cúng làm cơ bản sinh hoạt; mục
đích duy trì cuộc sống, chưa có kế hoạch truyền bá Phật pháp ra ngoài khu vực
dân tỵ nạn đồng hương; ngôn ngữ là một trở ngại lớn cho việc giao tế. Hàng tuần
các cụ đến chùa với con cháu, nhưng thời gian sau, thế hệ cao niên quá vãng, tuổi
trẻ không còn hứng thú đến chùa, ngoài vấn đề ngôn ngữ, nghi lễ không còn thích
hợp với cuộc sống thực dụng.Muốn có người kế thừa, khó mà có một tuổi trẻ ở Mỹ
khép mình làm điệu, chỉ có ở Việt Nam bảo lãnh qua Mỹ để kế thế.Cũng như hầu hết
cộng đồng người Hoa, các sư Việt Nam co cụm trong cộng đồng người Việt tỵ nạn,
vì thế, khó mà phát triển ra xã hội Âu Mỹ đương đại.
Tuổi trẻ Âu Mỹ không cần
niềm tin Tôn giáo,nghĩa là không sống bằng trái tim như lớp cha ông của họ, họ
cần khối óc, biết nhận xét, phân tích hợp lý với trình độ khoa học hiện đại.
Chính vì bảo thủ truyền thống tin ngưỡng “phúc cho kẻ nào không thấy mà tin” Ki
Tô giáo ngày càng lâm vào bế tắt, các nhà Thờ phải đóng cửa, chuyển nhượng cho
chùa, trường học, bệnh viện…
Nhiều dòng nữ ở Mỹ đang chuẩn bị cáo chung”hoàn thành sứ mạng” trong an bình vì không còn ơn gọi nữa.
Hôm 20-10-2018, hãng
tin Công Giáo Hoa Kỳ cho biết một cuộc hội thảo về tương lai của các dòng nữ tại
Mỹ đã được tổ chức tại Oakbrook, ngoại ô thành phố Chicago bang Illinois, trong
hai ngày 25 và 26-9 vừa qua về đề tài ”Trung thành với hành trình: cùng nhau
trong tình hiệp thông”.
Tham dự cuộc hội thảo
có 50 người gồm các GM, nữ tu, chuyên gia giáo luật và một số người khác. Trong
số các tham dự viên có ĐHY Joseph Tobin, nguyên là Bề trên Tổng quyền dòng Chúa
Cứu Thế, và hiện là TGM giáo phận Newark, bang New Jersey, kiêm Chủ tịch Ủy ban
GM Mỹ về giáo sĩ, tu sĩ và ơn gọi.
Giúp dòng nữ sắp chấm
dứt chuẩn bị
Cuộc hội thảo diễn
ra trong bối cảnh số nữ tu tại Mỹ giảm sút trầm trọng và điều này có nghĩa là
Giáo Hội cần giúp đỡ chuẩn bị tương lai. Theo các dữ kiện do Văn phòng toàn quốc
Hoa Kỳ về các nữ tu hồi hưu, thuộc HĐGM Hoa Kỳ, thì trong vài thập niên sắp tới
đây, sẽ có 300 dòng nữ tại Mỹ sẽ không còn nữa.
Số nữ tu tại Mỹ giảm
75%
Trong vòng 53 năm
qua, tức là từ năm 1965, số nữ tu tại Mỹ giảm sút 75% và không hy vọng có sự
thay đổi trong chiều hướng này. Năm 1965 có 181.421 nữ tu tại Mỹ, nhưng năm
2016 chỉ còn 47.160 nữ tu trong đó 77% trên 70 tuổi. Trong số 420 dòng nữ tại Mỹ
hiện nay có 300 dòng nữ chuẩn bị cáo chung trong một vài thập niên tới đây vì
không có ơn gọi và số nữ tu còn lại ngày càng cao tuổi.
Nữ tu Carol Zinn thuộc
dòng thánh Giuse ở Philadelphia, Giám đốc điều hành Liên hiệp các Bề trên dòng
nữ tại Mỹ cho biết vấn đề hiện nay không phải là chuẩn bị bán các nhà mẹ của
các dòng, nhưng còn đi xa hơn nữa.
An bình trước viễn
tượng đau buồn
Đức Cha Joseph Kutz,
TGM giáo phận Louisvill bang Kentucky, nhận xét rằng sự đau buồn và mất mát là
thực tại mà các tham dự viên cảm thấy, nhưng nhiều dòng nữ cũng cảm thấy an
bình vì đang ở trong tiến trình hoàn tất sứ mạng và hành trình. Đức TGM nói:
”Thật là một cuộc trao đổi rất lành mạnh, một cuộc đối thoại thực sự, dựa trên
lòng quí trọng sâu xa của chúng tôi đối với các tu sĩ nam nữ cũng như sự đóng
góp của họ. Tôi rời cuộc hội thảo này với tinh thần được khích lệ và phấn khởi”.
ĐHY Tobin CSsR
ĐHY Tobin cũng nói với
báo ”Tường trình về các nữ tu hoàn cầu” (Global Sisters Report) rằng ”Tôi xúc động
vì niềm an bình mà các nữ tu tìm được trong việc chuẩn bị kết thúc sứ mạng. Có
một sự đau buồn khi thấy cái chết của một dòng tu thường có nghĩa là sự biến mất
của một đoàn sủng đặc thù trong Giáo Hội.. nhưng cũng có một sự thanh thản lớn
nơi các nữ tu”.
ĐHY Tobin cho biết
ngài nhớ lại lời cụ già Simeon trong ngày Chúa Hài Đồng Giêsu được dâng hiến tại
Đền Thờ: ”Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì mắt con đã thấy ơn cứu
độ của Chúa”.
Nữ Tu Carol Zinn
cũng nói rằng ”An bình đến khi các nữ tu ý thức sự kết thúc là thành phần của mầu
nhiệm Vượt Qua, chết đi và sống lại, đó là điều trong trọng tâm của niềm tin
Kitô giáo”.(3)
Tin lành cũng không khá
hơn khi mà tuổi trẻ ít khi có mặt hàng tuần tại Hội Thánh.
Một số cơ sở Phật giáo của
người Hoa có mặt khá sớm tại Hoa Kỳ, nhưng sau đó cũng khó duy trì;Thế nhưng 164
cơ sở Phật giáo Tây Tạng khắp thế giới, vẫn duy trì và phát triển trong khi chỉ
có 57 Thầy luân phiên giảng dạy, hướng
dẫn Thiền tập, trong khi Thiền tập không phải pháp hành cơ bản của Phật giáo
Tây Tạng.(4)
TT Thiên Ân, Thiền sư
Thanh Từ tuy không phát triển mạnh như Thiền sư Nhất Hạnh, nhưng vẫn được người
bản xứ, nhất là giới trí thức và tuổi trẻ quan tâm, tham dự và ủng hộ. Họ đến với
hệ phái Phật giáo này không phải để cúng dường hay nghi lễ bằng niềm tin mà đến
để học hỏi, chia xẻ và thực hành sự lợi ích thiết thực trong cuộc sống xã hội
công nghiệp có quá nhiều áp lực đưa đến stress.
Đạo Phật đến Mỹ bằng nhiều
đường và nhiều Tông phái của nhiều quốc gia, mỗi hệ phái có một cách sinh hoạt
cá biệt, nhưng trên vùng đất mới, ngoài việc bảo lưu truyền thống, cần hội nhập những yếu tố đặc
thù cá biệt của dân bản địa.
***
Trong thời gian đầu, chư
Ni không ứng phú ma chay như một vài chùa Tăng chuyên nghiệp, một số Ni chưa
thông thạo ngôn ngữ bản địa; duy trì sinh hoạt thường nhật cho chùa đã là khó,
làm sao đủ điều kiện hòa nhập vào môi trường giáo dục học đường, tuy nhà nước sẵn
sàng cấp học bổng và hỗ trợ điều kiện học tập; chư ni phải làm bánh trái, nhang
đèn, thực phẩm chay, thậm chí thu nhặt phế liệu như sư bà Đàm Lựu cùng đệ tử
lúc đầu mới đến Hoa Kỳ, để cuộc sống không nhờ vào sự cúng dường của bá
tánh khi còn trên quê hương. Công dân Mỹ,
cho dù đồng lương khá cao, nhưng thuế,bill điện nước, nhà cửa, xe cộ… mọi thứ đều
nợ ngân hàng, ít khi có tiền mặt. Các cụ lớn tuổi hưởng trợ cấp chính phủ chỉ vừa
đủ, tằn tiện lắm cũng chỉ vài mươi đô bỏ vào thùng Tam Bảo,lấy đâu ra cúng dường
như ở Việt Nam.
***
Trên 43 năm, cuộc sống dần
ổn định, một số chư Ni được tham dự vào nền học vấn của xứ người. Một số lượng không nhỏ ni trẻ đã xuất ngoại du học tại các nước như: Ấn
Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Nepal, Anh Quốc, Mỹ,
Nhật Bản, Singapo,…Riêng tại Mỹ, số lượng Ni có học vị so với các quốc gia khác
thì không nhiều, nhưng chất lượng kiến thức, học hàm đủ bảo đảm đào tạo cộng đồng
Ni tương thích với chủ trương của Sakyadhita, và
yêu cầu sự phát triển PGVN hiện nay trên đất nước Hoa Kỳ..
Tình hình chung của người Việt, thích cá biệt hơn là
hội nhập, chưa thấy một tổ chức nào dù ngoài đời hay trong đạo có sự thống nhất
trọn vẹn. Sau 1963, GHPGVNTN ra đời không bao lâu lại chia làm hai hệ thống. Sau 1975, GHPGVNTN tại hải ngoại cũng biến tướng
nhiều Giáo hội, nhiều hội đoàn như Về Nguồn, Tăng già Bản thệ, Tăng đoàn, Giào
hội Linh Sơn,Tăng già thế giới.vv…thế thì chư Ni Việt Nam liệu có đủ năng lực
hiệp thông với số lượng Ni giới tại bản địa để thống nhất một số tiêu chí mà ni
sư Giới Hương đã nêu:
Giữ gìn oai nghi tế hạnh
Trì tụng giới tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sa di ni
mà mình đã thọ trì
Thể hiện tinh thần kính Phật trọng tăng
Vâng giữ Bát Kính Pháp, ( tương lai khi trình độ một
số Ni phát triển liệu có đi vào vết xe của một số Ni Đài Loan đòi hủy bỏ bát kỉnh
pháp)!
Tụng kinh, hướng dẫn khóa tu, khóa thiền, các đại lễ
Vu Lan, Phật đản, Bát quan trai, niệm Phật, giảng dạy... tại bổn tự, các chùa
khác và cộng đồng.
Có lẽ năm điều trên, đa phần
Ni giới đều nghiêm túc tuân thủ, nhưng Tổ chức lớp bồi dưỡng
luật cho chư ni có cần một luật sư chuyên tu hướng dẫn mà hiện nay ở Mỹ chưa có
một vị chuẩn theo yêu cầu.
Giáo hội và quý ni trưởng cần có đối sách kịp thời
trong việc sử dụng nhân tài một cách hợp lý, để tất cả chư ni thấy được trọng
trách của mình đối với Phật pháp. Ni giới nên thực hiện chí nguyện, phát huy
vai trò và nhiệm vụ trong các lãnh vực mà đất nước Hoa Kỳ hay nói chính xác cộng
đồng Việt-Mỹ đang mong muốn ni giới chúng ta đóng góp.
Có nhiều đất dụng võ vì nhiều websites (như website: www.huongsentemple.com của
Chùa Hương Sen, Perris, Cali) sẳn sàng đăng và chờ đợi các sáng tác của ni giới.
Các Tổng Vụ Ni bộ nên tạo một website cho Ni giới Vietnam tại Hải ngoại để
đặc biệt cho các sinh hoạt của chuyên giới Ni với nhau.
Tạo một mạng xã hội liên kết các ni với nhau, đặc biệt
các ni trẻ có nhiệt huyết dấn thân... thăm hỏi, tương thân, tương trợ, tôn trọng
lẫn nhau và chia sẻ các hoạt động Phật sự giữa các chùa với nhau (chưa dám nói
đến toàn cầu, chỉ dám nói đến các ni cùng chung giáo hội với nhau, cùng chung
lý tưởng và ý thức hệ). Tăng cường sự tương tác hoằng pháp qua mạng giữa ni giới
và Phật tử. Điều này giúp trình độ Phật pháp và ứng dụng Phật pháp trong xã hội
sẽ được nâng cao trong ni giới.
Nên có các khóa hành trì bằng tiếng Anh, tạo thư viện
kinh sách trực tuyến, hướng dẫn và truyền tải thông tin tu học online. Không ngừng
đổi mới và hiện đại hóa phương cách hoằng pháp cho phù hợp với đất nước Hoa Kỳ.
Tham gia kiến thức thế học như văn hóa, công nghệ,
vi tính, y tế, xã hội, pháp luật... nâng cao nội và ngoại điển.
Đào tạo Ni giới giàu năng lượng tu tập, có kinh nghiệm
trong hành trì, giảng dạy trong và ngoài nước, trong và ngoài bổn tự, thuyết
trình một cách mạch lạc và sâu sắc, để trở thành những giáo phẩm, những lãnh đạo
sáng ngời của Phật giáo.
Với sự lớn mạnh và những giá trị của ni bộ, ni giới
sẽ là những nhân tố tích cực đóng góp cho những thành đạt của Phật Giáo Việt
Nam tại hải ngoại. Ni giới đóng một vai trò quan trọng cùng với chư tăng xây dựng
một xã hội Phật giáo Mỹ-Việt tốt đẹp. Bằng cách này, Ni giới đã, đang và sẽ xây
dựng chỗ đứng của mình trong lòng xã hội Việt-Mỹ và sẽ là một sự kết nối tích cực
ở cấp độ toàn cầu để nuôi dưỡng tâm linh vì lợi ích của tất cả trên toàn thế giới.
Mùa Kiết Hạ An Cư, ngày 26/06/2018
Thích Nữ Giới Hương (6)
Những ý tưởng cũng là lý
tưởng của Ni sư Giới Hương cho một tương lai Ni giới tại Hoa Kỳ rất xác thực,
nhưng từ lâu, Ni chúng quen từ nhà trù lên chánh điện ra sau vườn, làm sao cởi
bỏ tập quán thủ phận để nuôi dưỡng “phát túc siêu phương”mới là điều quan trọng.Nữ
giới thâm nhiễm sâu nặng tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, tư tưởng
này không còn phù hợp trên đất nước văn minh tiến bộ, thậm chí họ còn xem phụ nữ
là số một. Thời đại ngày nay, thế gian cũng như Tôn giáo, phụ nữ đã làm nên lịch
sử mà nam nhi chưa chắc có được.
Ni sư Wuyin, người sáng lập và cũng là tu viện trưởng
của Viện Phật giáo Quốc tế Luminary (LIBS) tại Đài Loan, Đài Loan cũng còn nhiều Ni sư xuất sắc về mặt
lãnh đạo, tổ chức Từ thiện, cơ sở giáo dục, điều hành y viện… Ni sư Tsomo, người Mỹ, tại San Diego, lãnh đạo tổ chức Sakyadhita, và còn
nhiều chư Ni khác tỏ ra năng động, sáng tạo đóng gớp khá nhiều cho việc phát
triển Phật giáo trên thế giới.
Việt Nam đã từng có những
gương mặt sáng giá trong Ni bộ, trong thời kỳ đất nước còn phân ly, thì việc
giao lưu văn hóa, du học dễ dàng như ngày nay không thể không có những Ni tài mở
đường cho PGVN trên đất nước cờ Hoa. Nếu chư Ni không muốn đi vào con đường xã
hội, văn hóa, giáo dục, dịch thuật, trước tác như các đàn chị đã đi, trên mãnh
đất màu mỡ đa dạng và non trẻ như Hoa Kỳ, biết đâu sẽ có một Ni sỹ là nhà khoa
học thực dụng liên kết với khoa học tâm linh cho một Phật giáo phát triển đồng
bộ mà những tôn giáo bản địa không còn sức hấp dẫn đáp ứng nhu cầu trí tuệ song
hành với đức tin.
.Ni sư Giới Hương có lý khi nêu “điểm cần ở giảng sư là năng lượng kinh nghiệm, năng lượng tu tập và truyền đạt... và cả ngôn ngữ truyền đạt.” cũng thế,Ni sư Chodron tin tưởng “Chư Ni được đào tạo, có học thức, biết tu tập thì mới có thể giảng dạy giáo lý một cách mạch lạc và sâu sắc, giúp cho nhiều tín đồ chuyển hóa tâm thức của họ, làm cuộc sống thanh thoát hơn. Đạo pháp chỉ trường tồn ở những nơi có sự ứng dụng và hành trì lời Đức Phật trong một thời gian dài”,
***
Với không gian mở như Hoa Kỳ, Tôn giáo không còn phải
thụ động, khép kín mà phải dấn thân, hòa nhập, góp phần công ích trong xã hội.
Dưới cái nhìn thực dụng của Mỹ,không ai có thể ngồi không, sống bám hay chờ thời.
Kinh nghiệm, học hỏi, tiếp sức cho xã hội là cách tồn tại vững chải để truyền đạt
lý tưởng Tôn giáo hoặc tâm linh của một nền văn hóa xa lạ từ phương Đông.Không
nên có tư tưởng đào tạo một đệ tử kế thừa trụ trì, chăm sóc thầy lúc về già, Đức Phật dạy hàng đệ tử “hãy là người thừa kế chánh
pháp, đừng thừa tự tài vật”.vậy hãy nghĩ đến tương lai của Phật
giáo cần phát triển trên một đất nước thực dụng, không mơ hồ, không đặt nặng đức
tin vào thế giới sau khi chết,”hiện pháp lạc trú” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
đã ăn khách và cắm rễ tại Mỹ cũng nhờ tính thực dụng hiện tại, không cần hứa hẹn
đến tương lai.Giải quyết những bức bách, những áp lực trong đời sống hiện tại
và bây giờ.chính pháp hành tưởng chừng thực dụng nhưng thẩm thấu bản chất tâm linh mã xã hội
công nghiệp đang cần.
Khuynh hướng Tây Âu ngày nay thích chuyên về Thiền định
để khám phá nội tâm, pháp hành, mà không mặn về nghi lễ Tôn giáo, vì trên 2000
năm Tôn giáo đã nhốt con người trong một đức tin mù quáng từng đưa đến xung đột
qua những cuộc “thập tự chinh”.
***
Dĩ nhiên con đường đi không thể phẳng lì, tương lai
còn nhiều thách thức đối với tất cả, nhưng một thách thức khá lớn đối với chư
Ni chưa quen dấn thân, còn nhiều e ngại. Một nữ tướng Trí Hải quá khứ, một nữ
kiệt Giới Hương hiện tại, chưa đủ cầm cờ tiên phong cho những người con gái của
Đức Phật người Việt trên xứ cờ Hoa???
MINH MẪN
29/4/2020
Tham cứu:
(1) (Nguồn từ Huỳnh Kim Quang. "Năm mươi
năm Phật giáo Việt Nam tại Mỹ". Việt Báo Tết Bính thân. Tr
35-39) (1)
(2) ("International Buddhist Meditation Center (IBMC), our
history")
( 3) G. Trần Đức Anh OP – Vatican).
( 5 ) Tổ chức FPMT
(Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition, tạm dịch là Tổ
Chức Bảo Tồn Truyền Thống Đại Thừa)
:
|
|
||
|
||
|
|
|
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét