Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

* QUẢNG BÌNH VÀ PHẬT GIÁO



Đã 10 năm! Vâng, thoáng mà đã 10 năm cây xanh mọc trên đất khô khốc, khi mà Quảng Bình chưa đủ sức gượng dậy theo kịp các Tỉnh thành phát tiết tinh hoa trên đất màu mỡ trải dọc từ Tây Bắc đến đồng bằng Nam bộ; thế nhưng, ai bảo trong những kẽ đá không nhú mầm non của loài hoa dại? Vâng, nơi đây, Quảng Bình vẫn là tiếng vọng thân thương lạc lỏng giữa cái nóng khô khốc Hè về, và buốt giá sang Đông. Người Quảng Bình vẫn sống, giòng Nhật Lệ vẫn trôi, “mùa Hè đỏ lửa” vẫn tồn tại trên dòng Thach Hãn, trên nghĩa địa Trường Sơn, bao oan hồn tử sĩ hai miền vẫn còn phưởng phất trong cơn gió hú đêm trường, khóc cho Hiền Lương rớm lệ...
Từng ngày và từng ngày, nông dân cày sâu cuốc bẩm, từng giờ và từng giờ cây trái vẫn trổ hoa, từng sát na, sát na hơi ấm đất mẹ nuôi sống con người làm nên lịch sử. Vâng, nơi đây, cho dù từng hứng chịu bao khắc nghiệt thiên tai, mầm non từng khát sống như trẻ thơ khát sữa, Quảng Bình hiên ngang trỗi dậy; sau mấy mươi năm oằn mình giựt gấu vá vai, để hôm nay, đèn hoa tô điểm phố phường, ngạo nghễ cao tầng mọc chen dọc lộ. Đâu đó biển bờ ven phố, hàng quán phô mình làm chứng nhân cho đời biết hưởng thụ.

Khổ đau đã nhiều, dân Quảng Bình không còn mong được ăn no mặc ấm, giờ đây ăn ngon mặc đẹp là một nhu cầu; vật dục là thế, nhưng tâm linh cũng đâu chịu hẩm hiu chìm vào tăm tối. Công giáo chiếm hơn 11% dân số, trong khi Phật giáo chỉ bằng 1/7 lượng số tín đồ tôn giáo bạn. Do suốt những tháng năm chinh chiến, Kito giáo chịu ảnh hưởng rất ít sự chi phối của chính sách, nhờ hậu thuẫn bởi tổ chức giáo hội toàn cầu; riêng Phật giáo, tuy được du nhập, nhưng gần 2000 năm có mặt trên quê hương, Đạo Phật nghiễm nhiên trở thành tôn giáo dân tộc, thấm sâu vào thịt máu đồng bào; chính vì thế, nước dâng thì thuyền lên, triều cạn thì thuyền xuống, tổ quốc hưng thạnh thì lòng dân thơ thới, đất nước suy vi đạo Phật chung vận mệnh u buồn.

Gần 40 năm thành lập GHPGVN, sự có mặt của PG Quảng Bình vừa tròn 10 năm, tuy hơi muộn giữa bao khó khăn chồng chất trên mảnh đất trơ vơ, HT trưởng Ban được sự chỉ đạo và công cử bởi Giáo hội trung ương bằng văn thư đơn độc, không kèm sự hỗ trợ kinh phí, nghĩa là từ Lào về với đôi tay trắng giữa ruộng diêm hào sâu, tính quyết tâm của người đã lấp bằng mọi chướng ngại, vật chất đã là thế, cho dù lắm khó khăn, vật chất chỉ là phương tiện tất yếu làm nên bộ mặt sáng giá hào nhoáng nếu thực chất tinh thần trống chân; cơ ngơi hào nhoáng đó là chiếc bóng lửng lơ giữa sa mạc cháy bỏng. Nhưng không, song song với công trình đồ sộ vỏn vẹn trên dưới ba năm, tưởng chừng bao khó khăn được san lắp; cái khó khác xuất hiện, nhu cầu hoàn thiện tổ chức hạ tầng hành chánh toàn tỉnh, đòi hỏi vị HT tóc điểm sương pha, phải bon chen, can thiệp từng việc mọn đến các cơ sở được gọi là “di tích” về trong tay được Phật giáo quản lý đúng theo chức năng tôn giáo do nhà nước quy định, thế nhưng nào đâu phải dễ khi mà cuộc đời luôn là những ổ gà ngáng chân hiệp sĩ.

QUẢNG BÌNH xa xưa:

Đất nước Quảng Binh tuy già, vì từng có mặt trên vùng đất tiền sử tộc Việt:
“Những phát hiện khảo cổ học đã chứng minh sự tồn tại của cộng đồng người, chủ nhân của các nền văn hoá khảo cổ khởi nguồn từ thời đại đồ đá, phát triển liên tục, định hình và có tính hệ thống.

Vùng đất Quảng Bình nguyên xưa thuộc xứ Việt Thường. Theo Đại Nam nhất thống chí, Thuỷ kinh chú và một số thư tịch cũ, khoảng cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên, Việt Thường tồn tại như một tổ chức hành chính tự quản gọi là Việt Thường Thị.

Vào năm 2353 trước công nguyên, người xứ Việt Thường Thị đã từng dâng chim trĩ trắng, rùa vàng thông hiếu với Trung Quốc. Dưới thời Hùng Vương, đất nước Văn Lang được chia thành 15 bộ. Vùng đất Quảng Bình ngày nay thuộc về bộ Việt Thường. Từ năm 192 vùng đất Quảng Bình thuộc địa vực của quốc gia Lâm Ấp (sau đổi thành Hoàn Vương, Chiêm Thành).

Từ đây trên vùng đất Quảng Bình cổ dung hợp giữa văn hoá bản địa có nguồn gốc Việt - Mường với một nền văn hoá mới là văn hoá Chămpa.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông - niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng thứ hai, cử Lý Thường Kiệt đưa quân nam chinh, đánh bại quân Chiêm, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ đã phải dâng trả 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Vùng đất Quảng Bình (tương ứng 2 châu Bố Chính, Địa Lý) trở về với quốc gia Đại Việt...” (khảo cổ sử học)

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho đổi tên châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, vùng đất Quảng Bình xưa bắt đầu mang danh xưng "Bình" kể từ thời điểm ấy. Năm 1361, vua Trần Duệ Tông cải châu Lâm Bình thành phủ Lâm Bình. Năm 1375, vua Trần Duệ Tông lại cải phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình rồi lộ Tân Bình. Năm 1397, Hồ Quý Ly đổi lộ Tân Bình thành trấn Tây Bình.

Thời thuộc Minh (1407 - 1427), lại đổi thành phủ Tân Bình, đem 2 châu Bố Chính và Minh Linh nhập vào phủ Tân Bình. Dưới thời Lê Thánh Tông, vùng đất này tiếp tục được định danh trong bản đồ quốc gia nhà Lê (1469) là phủ Tân Bình. Năm 1601, phủ Tân Bình lại được nhà hậu Lê đổi thành phủ Tiên Bình.

Năm 1604, Thái tổ Gia dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng khởi nghiệp Đàng Trong đã đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, sau đổi thành dinh Quảng Bình. "Quảng Bình" được định danh từ thời điểm ấy.

Dưới thời các chúa Nguyễn và thời Hoàng đế Quang Trung, địa vực Quảng Bình nhiều lần được định danh lại với những danh xưng như châu Bắc Bố Chính (ngoại châu Bố Chính), Nam Bố Chính (nội châu Bố chính), châu Thuận Chính (trên cơ sở sát nhập 2 châu Bắc và Nam Bố Chính). Địa vực Quảng Bình dưới thời châu Thuận Chính phù hợp với địa gíới hành chính ngày nay.

Năm 1802, dưới triều Gia Long, châu Thuận Chính lại bị chia tách thành Bố Chính ngoại và Bố Chính nội như trước. Riêng 2 huyện Khương Lộc (sau đổi là Phong Lộc) và Lệ Thuỷ (Nha Nghi) đặt thành một đơn vị hành chính lấy tên là dinh Quảng Bình.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trong hệ thống hoạch định cương vực lãnh thổ và tổng cải cách hành chính quốc gia, triều Nguyễn chính thức định danh tỉnh Quảng Bình. Sau nhiều lần cải tổ và điều chỉnh, đến năm 1875 tỉnh Quảng Bình có 2 phủ gồm 7 huyện là phủ Quảng Trạch (có 4 huyện: Minh Chính, Bình Chính, Tuyên Hoá, Bố Trạch), phủ Quảng Ninh (gồm 3 huyện Phong Lộc, Phong Phú và Lệ Thuỷ).
Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân và triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã thiết lập lại hệ thống phủ, huyện trong cùng một cấp hành chính. Quảng Bình có 2 phủ, 3 huyện là phủ Quảng Trạch, phủ Quảng Ninh, huyện Lệ Thủỷ, huyện Bố Trạch và huyện Tuyên Hoá. Đến năm 1939 thành lập thêm cơ quan Bang Tá trực thuộc tỉnh với 4 phường mới là Đồng Hải, Đồng Đình, Đồng Phú, Đồng Mỹ, có vai trò như là trung tâm lỵ sở của tỉnh Quảng Bình.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới thời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tỉnh Quảng Bình được thành lập, bao gồm thị xã tỉnh lỵ Đồng Hới và 5 huyện là Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thành lập tỉnh Bình Trị Thiên trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh. Quảng Bình trở thành địa vực phía Bắc của tỉnh Bình Trị Thiên mới thành lập. Trên địa vực này có thị xã Đồng Hới và các huyện Lệ Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Tuyên Hoá.

Năm 1989, để phù hợp với xu thế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới, Trung ương Đảng và Nhà nước đã cho chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Tại thời điểm mới tái thiết lập, tỉnh Quảng Bình bao gồm thị xã Đồng Hới và các huyện Lệ Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá. Để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, Nhà nước đã cho chia tách huyện Lệ Ninh thành 2 huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh, huyện Tuyên Hoá thành 2 huyện Minh Hoá và Tuyên Hoá. Hiện nay tỉnh Quảng Bình bao gồm thành phố Đồng Hới và các huyện: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá, với 159 xã, phường, thị trấn. Dân số Quảng Bình tại thời điểm năm 2019 là  895.430 người người; trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 89% tổng dân số, dân tộc Bru-Vân Kiều và Chứt chiếm 11% tổng dân số toàn tỉnh.
Theo Địa chí Quảng Bình

QUẢNG BÌNH ngày nay:
Già thì già thật, tuổi đời chồng chất theo thời gian có mặt trên tinh cầu, nhưng, Quảng Bình ngày nay vẫn còn quá trẻ, quá trẻ so với tái thiết, xây dựng kinh tế,xã hội,văn hóa, đời sống cho người dân theo kịp đà tiến các tỉnh thành trên hai miền. Có lẽ, cái eo lưng ong của Quảng Bình thu hẹp giữa hai miền đất nước như thiếu nữ làm dáng ỏng ẹo đành chịu số phận thiệt thòi, thiếu thốn, dù bao lần cố gắng vươn lên, cũng chỉ bao lần dừng lại như một vận động viên marathon đuối sức. 85% diện tích toàn tỉnh là đồi núi, đá vôi. 15% còn lại, kinh tế chủ yếu là đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản,lâm nghiệp, nông nghiệp theo mùa,khu công nghiệp với cảng nước sâu. Chủ yếu là nông-lâm-ngư nghiệp.

Diện tích toàn tỉnh như  Quảng Bình là 8.065,27 km² (tổng diện tích: 806.527 ha), chưa phải là một diện tích đầy lý tưởng. Trong khi riêng TP Hà Nội cũng đã ‎3,358.9 km², dân số lên đến ‎3.962.927 người (49.2%). Quảng Bình/Dân số 895.430 người.
Cái khó của Quảng Bình ngày nay, không chỉ vì đất hẹp thiếu màu mỡ; chưa có nhiều khu công nghiệp; tay nghề dân chyên nghiệp tại chỗ chưa đủ đáp ứng đưa tỉnh nhà thoát khỏi trì trệ ; Tuy Quảng Bình có nhiều sông suối khá lớn, nhưng chưa giúp được nhiều cho sự phát triển kinh tế đáng nói.

Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm... và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit... Trong đó, đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn, nhưng, sụ liên kết với các xí nghiệp ngoại vi vẫn chưa đủ để gọi là nguồn kinh tế chủ đạo.

“Quảng Bình là vùng đất văn vật, một thời là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, là điểm giao thoa hội tụ của nhiều luồng văn hóa, là chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến, Quảng Bình ngày nay còn giữ được nhiều di tích lịch sử, văn hóa của nhiều thời đại khác nhau. Nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, Quảng Bình mang những nét đặc trưng của truyền thống văn hóa khu vực này. Quảng Bình còn là quê hương của nhiều danh Tăng và nhân vật nổi tiếng như Đại lão Hòa Thượng T. Trí Quang, cố HT. T.Thiện Minh, HT Tuệ Sỹ, tuy sinh quán tại Lào, nhưng quê  ở Quảng Bình; Đỗ Mậu…”Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm, nhà thơ Lưu Trọng Lư, Trạng nguyên Trương Sán, Dương Văn An, Hoàng Kế Viêm.

Quảng Bình còn có tiếng khoa bảng tại làng Lệ Sơn. Làng Lệ Sơn “Đệ nhất bát danh hương” của Quảng Bình: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim.

***
Phật sự Quảng Bình ngày nay:
Ngày 16 tháng 8 năm 2004, chuyển thị xã Đồng Hới thành thành phố Đồng Hới, địa giới hành chánh không ảnh hưởng mấy cho việc phát triên Phật giáo.
Quyết định chuẩn y nhân sự Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ III (2017-2022). do HT Chủ tịch HĐTS GHPGVN ký, ủy viên gồm 19 vị; Thường trực BTS gồm 13 vị.

Với Ban Tôn giáo chính phủ, Phật giáo có khoảng trên 3.000 tín đồ phật tử sống rải rác trên địa bàn 29 xã của 6 huyện, thành phố; có 16 chức sắc (trong đó có 01 nhà tu hành) có 08 cơ sở thờ tự, tín đồ phật tử phần lớn tu tại gia. Thật ra, gồm có Chùa Vĩnh Phúc,  chùa Đại Giác,  chùa Hoằng Phúc –chùa Vô Song Phúc Địa” chùa Phổ Minh, Chùa Non, Chùa Thanh Quang, Chùa Quan Âm, Chùa An Xá... và một số cơ sở di tích thuộc truyền thống Phật giáo do nhà nước quản lý chưa trao trả lại cho G.H.

Theo văn bản quyết định của GH TƯ, chứng tỏ HT Trưởng ban Trị sự nỗ lực kiện toàn cơ sở và nhân sự bằng cách chiêu sinh, nhờ thế, chư Tăng ni các nơi hưởng ứng tụ về chung tay cùng GH tỉnh non trẻ, tạo cho bộ mặt PG Quảng Bình khởi sắc rõ nét.

10 năm qua thời gian không quá dài để phục hoạt tôn giáo bị mai một, thậm chí đi vào quên lãng sau khi nước nhà hòa bình, mọi người bôn ba về kinh tế, nhà nhà đua chen xây dựng mái ấm ăn ngon mặc đẹp, Phật giáo vắng bóng một thời; nhưng, hạt giống tiềm ẩn dưới lòng đất khô khốc, một cơn mưa rào cũng đủ nẩy mầm, để rồi chăm bón săn sóc, hoa sẽ nở giưa rừng xanh đại ngàn. Phật giáo cũng thế.

10 năm trôi qua, thời gian không quá ngắn so với “sức người sỏi đá cũng thành cơm”, HT Trưởng BTS thể hiện tính năng động để vực dậy PG Quảng Binh; đôi khi không tránh khỏi va chạm lúc giao tế, cũng có lúc nội tình không đồng thuận, nhưng, người lãnh đạo luôn biết đạp lên mọi chướng ngại để đi đến mục đích.

Thoáng mà 10 năm đến với PG Quảng Bình; một vài cơ sở mang tên di tích vẫn chưa được giao về G.H, một số nơi còn tàn tích chiến tranh hay bị lão hóa vẫn chưa được tái thiết, tuy thế, PG Quảng Bình luôn đối diện với bao cảnh cơ cực đói nghèo của lương dân, thiên tai bão lũ cũng cần bàn tay chư Tăng và lòng bi mẫn của PG; Thế thì đừng hỏi tại sao dân đói nghèo vẫn tiếp tục nghèo đói, PG Quảng Bình hiu quạnh gánh nặng đôi vai tiếp tục cưu mang mệnh nước trên xứ Quảng đã bao lần bị tranh chấp, bị chia xẻ đàng Trong và đàng ngoài.
***
Phương án sinh tồn và phát triển:
Trên vùng đất tồn tại hàng ngàn năm văn vật, cũng bấy nhiêu ngàn năm gánh chịu thiên tai, chinh chiến qua nhiều thời đại, và là cái eo thắt lưng của chữ “S” ba miền; lịch sử chưa bao giờ cho thấy Quảng Bình là tỉnh nhà trù phú, thế mà dân cũng sống và phải sống, không ai nỡ dứt bước ra đi, ngoại trừ một số lưu vong hải ngoại tìm kinh tế chu cấp cho ruột thịt tại quê nhà. Thế thì PG, chư Tăng cũng phải gắn bó với cái khó, cái khổ của dân như các cha xứ luôn bên cạnh con chiên ngoan đạo. Chư Tăng không chỉ như thuyền bập bềnh trên sông nước, nước dâng thì thuyền lên, nước ròng thuyền xuống. Biết rằng chư Tăng sống bằng lòng hảo tâm của bá tánh, nhưng chư Tăng cũng hảo tâm trước cảnh đói nghèo, bệnh tật. Không chỉ hảo tâm bằng cách kêu gọi các mạnh thường quân xứ khác hỗ trợ, mà PG cần có sáng kiến giúp dân có kế sách tự tồn. Tuy là vùng biển và núi, nhưng không vì thế khuyến khích sát sanh và phá rưng.Xã hội còn nhiều ngành nghề vô hại, thủ công cho những ai không có vốn nhiều, kinh doanh thích hợp cho những đầu óc biết tính toán. Và hình như, PG Quảng Bình chưa có phòng thuốc Nam từ thiện giúp cho những ai không có điều kiện bước vào ngưỡng cửa bệnh viện.

PG ngày nay cần xắn tay nhập cuộc giúp dân mọi mặt, ngoại trừ các bậc ẩn tu xuất thế; đó là cách gần dân, thân dân và vì dân.

PG cần có nhiều lớp giáo lý căn bản và lớp giáo lý nâng cao, có những khóa tu một ngày cũng phải có khóa tu dài hạn đáp ứng cho những căn cơ thâm đạo.

PG Quảng Bình qua 10 năm, tương đối đi vào nề nếp, mọi chướng ngại trong tổ chức không còn nặng nề, cái nặng nề hiện nay là phát triển cơ sở các vùng xa, vùng cao. Bằng mọi cách xin thu hồi những cơ sở bị xem là di tích để đưa vào sinh hoạt thuần túy tôn giáo; lớp đào tạo tu sĩ và tín đồ đi làm Phật sự; ngoài việc bổ cử trụ trì, cần có lớp tập huấn cán sự lưu động giúp các chùa vùng xa, giúp dân tái tạo nhà cửa, thăm viếng bệnh hoạn... Có như thế, PG mới là hơi thở, là sự sống tinh thần của người dân.

***
Trong thời gian qua, sự nỗ lực của HT Trưởng Ban đã tạo cảm xúc cho một danh Tăng PG thời hiện tại, Hòa Thượng trưởng lão Thích Trí Quang viết:
Chúc từ (trích) của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (tu viện Quảng Hương Già Lam, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

“Trước hết tôi xin cám ơn, rất cảm ơn chính quyền đã cho Phật giáo Quảng Bình khu đất kiến thiết chùa Đại Giác. Phật giáo Quảng Bình không tủi hổ quá khứ của mình.
Tại đây, trong quá khứ đã có một nơi kỳ quan là chùa Thần Đinh; đã có đến 3 quốc tự, tục gọi là dinh Trạm, dinh Mười, dinh Ngói; đã có các Ngài làm trụ trì và làm Tăng cang chùa Ngự Kiến Thiên Mộ tự. Rồi chùa Phổ Minh, xóm Ải được ngài Hồng Tuyên kiến tạo đã là nơi quy tụ và tiêu biểu của Phật tử và Tăng giới khắp 5 phủ huyện Quảng Bình. Tự điển và từ điển thì Đại Giác đồng nghĩa với Phổ Minh. Hy vọng chùa này cũng như chùa gốc, đem ánh sáng tuệ giác trải ra khắp hơn và sâu hơn về đức tin của Phật giáo”...


MINH MẪN


25/10/2019













1.   




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét