Thêm một biến cố xảy ra liên quan đến Phật
giáo, mặc dù chính quyền cũng như GHPGVN không xem Tịnh thất Bồng Lai là cơ sở
thuộc quản lý của Phật giáo giáo, nhưng hình thức sinh hoạt, trang phục, đời sống
đạm bạc trai lạc của những vị ở tại đây, vẫn theo nếp sống của nhà Phật.
Một số báo tường thuật sự kiện biến cố tại
Tịnh thất Bồng Lai, có một vài bài danh xưng bất nhất ám chỉ những người cư ngụ
tại Tịnh thất và cơ sở. Ví dụ: báo Kiến Thức 27/10/19 - 06:25 do người viết có
tên Gia Đạt đưa chủ đề: Tịnh thất Bồng
Lai bị côn đồ náo loạn có "lý lịch" đáng ngờ... sư mà không phải sư?
Đây là thủ thuật câu view hay dụng tâm
ác ý quy chụp cho những nạn nhân bị nhóm côn đồ hành hung quậy phá đáng ngờ của
người cầm bút, lạc dẫn quần chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những mảnh
đời cơ nhỡ, được cụ Thích Tâm Đức cưu mang giữa xã hội lạc lỏng bơ vơ.
Thế nào là “lý lịch” đáng ngờ? Người bị
truy nã, buôn lậu, trốn án thoát tù, lừa đảo... mượn chiếc áo tu sĩ để lánh nạn
mới gọi là “lý lịch” đáng ngờ. Hai chú Hoàn Nguyên - Nhất Nguyên công khai tham gia chương trình
“Tuyệt đỉnh song ca” của đài truyền hình nhà nước; năm chú Tiểu tham gia chương
trình “Thách thức danh hài”, nữ tu Huyền Trang từng được mời trình diễn nhạc Trịnh
tại các tụ điểm văn nghệ ca nhạc... Những trẻ mồ côi được huấn luyện theo chiều
hướng văn hóa, văn nghệ, ca nhạc trở thành người tốt cho xã hội mà gọi là “lý lịch”
đáng ngờ thay vì kẻ cầm bút cố ý dùng từ méo mó như thế có đáng ngờ?
Thế
nào là sư mà không phải sư? Sư là gì? Có lẽ người
cầm bút không thể dốt đến độ hiểu chữ sư một cách hạn hẹp như đám chăn trâu học
chữ A chỉ biết chữ A. Giáo sư, luật sư, Thiền sư, Đạo sư, y sư... đâu phải chữ
“sư” chỉ dùng cho nhà sư mà Gia Đạt bảo “sư
mà không phải sư”. Thủ thuật dùng chữ có ác ý là thế!
Trở lại vấn đề các chú sống tại Tịnh thất
Bồng Lai, chưa bao giờ họ tự nhận mình là nhà sư, ngay cả trang phục, tuy màu đất
sét nhưng kiểu mẫu không phải áo Tràng, áo hậu hay áo vạt khách của nhà chùa.
Chuyện cạo đầu, ăn chay đâu hẳn là sư! Từng gán ép để kết tội họ là giả sư mà
chính người có dã tâm kết tội họ mới là kẻ giả sư, vì xứng đáng là một “bút sư
giả”. Các chú chả phải giả tướng sư hay giả danh sư, mọi người xem họ là sư vì
tôn kính nhân cách sống lương thiện của một con người mồ côi, sống bằng chính
tài năng được cụ Tâm Đức cưu mang dạy dỗ.
Người cầm bút báo Người Đưa Tin lại dùng một từ mà ai đọc vô cũng cảm thấy nghi ngờ cho mấy
chú: “Trước đó, "tịnh thất Bồng
Lai" từng "dính"
nhiều chuyện lùm xùm. Một trong số đó là việc hai "sư thầy" Lê Thanh
Hoàn Nguyên (SN 1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991) của "tịnh thất Bồng
Lai" tham gia cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca của một đài truyền hình.
Sao chuyện tham gia chương trình “Tuyệt
đỉnh song ca” lại là chuyện lùm xùm cứ như lùm xùm vì cuộc đánh ghen do ngoại
tình không bằng. Đấy, ngôn ngữ của người làm báo hiện nay là thế ư? Việc GHPGVN
Tỉnh Long An phủ nhận họ là tu sĩ và cơ sở “cải gia vi tự” không thuộc quản lý
của Giáo Hội là đúng, vì họ tu tại gia, chính sách nhà nước không cấm tín đồ tu
tại gia, họ cũng không hề xưng danh là chùa và tu sĩ của Giáo Hội.
Báo viết tiếp: đây không phải là chùa hay tịnh
thất vì không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng, cơ sở này do một
người từ TP HCM xuống Long An lập nên. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An
cũng không công nhận đây là cơ sở thờ tự chính thống do Giáo hội Phật giáo địa
phương quản lý. Vì vậy thực chất ở đó là “biến gia thành tự” với khoảng 20 người
từ nhiều nơi đến sinh sống và có nuôi một số trẻ em cơ nhỡ.
Câu này có hai ẩn ý:
1/ Không phải là chùa hay Tịnh thất, vì
không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng... đây là cớ để chính quyên
dẹp bất cứ lúc nào.
2/ GHPGVN Tỉnh Long An cũng không công
nhận đây là cơ sở thờ tự chính thống do GHPG địa phương quản lý, có nghĩa đó là những Phật tử tu tại gia, tuy không phạm
hình sự hay tệ nạn xã hội, chỉ thuần túy là tín ngưỡng, cũng dễ bị làm khó mà
GH không hề can thiệp và cả địa phương lẫn GH đều không chịu trách nhiệm khi bị
quy tội cơ sở tín ngưỡng tự phát, nói theo giọng điệu người cầm bút báo Kiến Thức
tên Gia Đạt là “mạo chùa, giả sư”.
Vụ việc một nhóm người đeo khẩu trang xông vào lục
soát và xảy ra xô xát
khiến một người bị thương ở Tịnh thất Bồng Lai, theo chính quyền địa phương những
người sống ở chùa này họ không phải sư.
Trên đây là đoạn báo Kiến Thức do Gia Đạt
viết, tại sao gọi là xô xát khi mà chú Hoàn Nguyên đứng yên cho họ hành hung?
Chắc chắn người cầm bút phải biết dùng chữ lúc nào gọi là xô xát, thế nào là
hành hung!
“Trước
sự tấn công của nhóm người, các sư thầy...”
Đoạn trên bảo là sư giả, không phải sư, đoạn dưới gọi là sư thầy, tự viết là sư
thầy để rồi vu tội cho mấy chú là giả sư???
Sau khi tự tiện xông vào tịnh xá và lục tung mọi
ngóc ngách để tìm kiếm nhưng không thấy người cần tìm, nhóm người này đã tập
trung đứng bên ngoài chửi bới và lăng mạ các sư thầy.
Đây là đoạn văn thiếu trung thực, ai xem
clip đều thấy bọn côn đồ hành hung trong khuôn viên Tịnh thất chứ không phải tập
trung đứng bên ngoài như Gia Đạt gỡ tội cho nhóm côn đồ đó.
***
Bồng Lai dậy sóng với lý do nhóm người
nghi Bồng Lai chứa cô gái 22 tuổi, đây chỉ là cái cớ để bọn chúng hành hung các
chú từng giành được cảm tình của hàng triệu khán giả khi xem chương trình
“Thách thức danh hài” do Trường Giang và Trấn Thành làm giám khảo. Nếu ngờ vực
tại sao không báo cơ quan chức năng vào cuộc truy xét? Và làm sao quy tụ trên
50 người có cả đàn ông thanh niên đồng loạt tham gia nếu không là một âm mưu có
tổ chức phía sau phải là một thế lực nào đó! Nếu vì mục đích tìm người sao lại
đập phá tài sản của người ta, trộm cả tiền bạc và vật quý? Đây là hành động ăn
cướp chứ không thể việc truy tìm người thân. Vu khống chứa chấp, tự động lục
xét đã là vi phạm xâm nhập tư gia bất hợp pháp, tìm không có thì ai chịu trách
nhiệm cho sự vu vạ này? Không những không xin lỗi mà còn hăm dọa sẽ tiếp tục đến
quậy là sao? Đồng thời tạo cớ hỗn loạn trên địa bàn để xóa sổ Bồng Lai làm mất
an ninh trật tự. Tại sao sự việc xảy ra hơn một giờ, các chú gọi điện mà công
an không đến, để khi xảy ra án mạng, nhân viên an ninh xuất hiện chỉ như một việc
vô tình? Sống trong xã hội bất an như thế, có đáng sống không? Nếu đây không phải
là người có tâm tu, thì việc gì sẽ xảy ra?
Chuyện được xem là những công dân bị côn
đồ trấn áp, cướp của, gây án mạng, tại sao đặt vấn đề cơ sở tôn giáo không giấy
phép? Phải chăng là lý do buộc cụ Tâm Đức giải tán các chú mồ côi?
Những năm tháng thầy trò hẩm hiu rau
cháo thế mà hạnh phúc, vì tương lai các cháu và cần nguồn thu giúp các cháu
ngày một lớn để ăn học, từ lúc hai chú Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên lọt vào vòng
chung kết “tuyệt đỉnh song ca” rồi đến 5 chú Tiểu đoạt giải “thách thức danh
hài”, mọi người quan tâm, thăm nom giúp đỡ, cuộc sống các cháu tươm tất hơn,
cũng là lúc tầm ngắm đố kỵ chỉa vào Bồng lai, để Bồng lai dậy sóng, đe dọa
tương lai các cháu mồ côi. Anh em các cháu nương vào hơi ấm và tình thương của
cụ Tâm Đức, người thầy tuổi gần 90, ngỡ chừng êm ấm hạnh phúc, ngờ đâu, do nổi
tiếng mà đã kèm theo nạn tai bất chợt. Không lâu trước đó, một chú Tiểu không
rõ lý do, người mẹ đến đem về; giờ đây lại sóng gió đến với các cháu. Phải
chăng, đó là chỉ dấu tan đàn xẻ nghé từ đây?
***
Gần đây, quá nhiều sự cố, tai tiếng dồn
dập đến với Phật giáo. Tai tiếng đúng có, sai có, oan có, ưng có... liên tục xảy
ra như một kịch bản trùng khớp nhịp nhàng tựa sóng Thần muốn nhấn chìm con thuyền
Bát Nhã. Chắc chắn thuyền Bát Nhã không bao giờ chìm, vì những hiện tượng đó,
có thể do ác ý, do vô tình, do chủ quan, do bị động phát khởi từ tâm hồn đen tối
của một số ít vô minh, trên con thuyền Bát Nhã còn vô số năng lượng thanh tịnh
cao đức, chính vì thế, qua hàng ngàn năm vẫn giữ được giá trị mà khoa học, trí
thức, lãnh đạo thế giới luôn tôn sùng tán thán.
Thế thì sá gì những hiện tượng ngày nay
trong xã hội VN, từ lớn đến nhỏ, luôn gặp tai ương mà luật pháp khó bảo vệ.
Chưa có thời đại nào, xã hội đầy trộm cướp, giết hại nhau, tai nạn giao thông,
tệ nạn, tha hóa đạo đức đến nổi vào chốn tôn nghiêm trộm cắp, hành hung vu khống
người hiền lương, sản xuất thực phẩm độc hại vì đồng tiền; mang danh trí thức
chuyên ngành Tôn giáo học mà phát ngôn kiểu hàng cá hàng tôm. Kẻ mượn danh
phóng viên ký giả bẻ cong ngòi bút vì quyền lợi; gài bẫy tình để vu khống bôi
nhọ nhà sư. Nếu biết buổi gặp lần đầu thấy đối tượng không đứng đắn, sao lại cứ
tiếp tục đi cùng nhau vào ban đêm gọi là đi nắm tin, điều tra dự án, rồi la
toáng cho mọi người thấy mình là người đứng đắn tiết trinh. Là phàm Tăng phạm
giới cũng chả lạ, nhưng sư Toàn chưa có phạm trọng giới. Để thể hiện nhân cách
tránh tai tiếng cho tập thể, sư Toàn tự nguyện hoàn tục như một cán bộ cao cấp
nước ngoài xin từ chức khi nhân viên sai phạm.
Chúng ta không nên phàn nàn bất mãn một
hiện tượng khi chưa nắm rõ, phân tích đúng sai; tâm bao dung hỷ xã giúp người
sai phạm ăn năn hối lỗi, đừng đẩy họ vào chân tường. Ai trong chúng ta chưa hề
sai phạm. Phật giáo như biển cả không dung chứa tử thi. Lỗi người là gương sáng
cho mình cảnh giác.
Biết rằng vụ án Bồng Lai chưa phải là giọt
nước cuối cùng, nhưng dẫu sao, đám trẻ mồ côi cần lòng bao dung của chúng ta
như sự bao dung cho bao lần tai tiếng trong Phật giáo sắp tới. Không chỉ có tu
sĩ Phật giáo mới sai phạm, vì cơ cấu tổ chức của Phật giáo không chặt chẽ như
các tôn giáo bạn, chuyện nhỏ xé to là đương nhiên nhưng không có gì ghê gớm lắm
đâu, vì niềm tin đối với Tam Bảo từ ngàn xưa đến ngàn sau dân ta cũng vẫn vậy.
Ngậm máu phun người trước bẩn miệng mình.
MINH MẪN
27/10/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét