Điên loạn hay khủng hoảng?
Xã hội mỗi ngày một nhiều vấn đề rối tung; rối tung vì hình ảnh, rối tung vì bình luận, rối tung vì phát ngôn, rối tung vì hành xử, rối tung vì định mức thu phí tiêu thụ, rối tung vì loạn ngôn lộng ngữ... hầu như tất cả đều bị rối tung như đống rác bị đào xới, thật giả lẫn lộn. Thế giới có cái loạn của của thế giới, đất nước có cái loạn của đất nước.
Vesak 2019 lần thứ 16 vừa được VN đăng cai lần thứ ba, diễn ra tại Hà Nam, trên bình diện khách quan tổng thể, là hoành tráng, thành công mỹ mãn. Song song hỗ trợ cho mùa lễ hội thêm đậm sắc màu, một số nơi phụ họa thêm các chương trình văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, các trò giải trí mua vui và xe hoa.
Trong các Tỉnh thành, riêng chỉ có Huế luôn giữ phong cách dẫn đầu thể hiện nét đẹp văn hóa lễ hội, nhất là lễ hội mùa Đản sanh. Tuy nhiên, đôi khi cũng có vài sơ suất nhỏ của Huế như chiếc nón Huế mà nhiều người cho là đã “mọc sừng” vừa rồi của Festival 2019 tổ chức.
7 hoa sen bềnh bồng trên sông Hương là nét sáng tạo độc lạ đầu tiên để từ đó một vài nơi tiếp bước như chùa Vạn Thọ quận nhất, chùa Quan Âm tu viện, Phú Nhuận, bên kênh Nhiêu Lộc...
Một vài nơi có chương trình văn nghệ do chính các đơn vị Gia Đình áo lam trình diễn, hoặc vài ca sĩ chuyên nghiệp góp mặt. Riêng chương trình văn nghệ được đài truyền hình phát sóng đã bị cộng đồng mạng lớn tiếng chỉ trích khi các diễn viên trang phục áo quần mỏng manh dưới ánh sáng chiếu ngược, cho đây là điều sỉ nhục mừng ngày đại lễ Tôn giáo. Đạo diễn, BTC vô tình hay cố ý?
Một sự kiện không kém phần quan trọng, nó không mang tính chất địa phương, riêng tư, do tính giá trị lịch sử, giá trị nhân cách, giá trị tư tưởng ý hệ bị đánh đồng lẫn lộn giữa cao và thấp, giữa đời và đạo mà một tu sĩ, chức sắc Phật giáo, đại biểu của Quốc hội, viện trưởng một học viện Phật giáo, đánh giá một bức tranh sơn mài, diễn đạt giá trị một bức tranh mang tầm hệ tư tưởng thế giới, cộng đồng mạng có lý để phản đối những lộng ngôn, nhưng chưa ai đánh giá một vị trí mang học hàm Tiến sĩ có nhũng phát ngôn chưa tương xứng. Phải chăng quần chúng quá quen thuộc những lối phát ngôn tùy hứng của nhiều cán bộ cao cấp như thế nên không nhận ra “thùng rỗng kêu to” mà cha ông ta thường bảo!
Một bức tranh sơn mài cho dù đơn sơ hay uyên áo, đều do lòng hứng khởi của một nghệ nhân. Nếu nghệ nhân đó được trang bị một kiến thức sâu sắc về một nhân vật, một ý hệ thì tầm ảnh hưởng của bức tranh tỏa rộng. Nếu đơn thuần chỉ là giới thiệu một nhân vật trên bề mặt nổi, giá trị cũng chưa đạt tới giá trị của:
. The Birth of Venus (Sự ra đời của thần Vệ Nữ). Tác giả: Sandro Botticelli (Italy)
. Mona Lisa (Nàng Mona Lisa). Tác giả: Leonardo da Vinci (Italy)
. Sleeping Venus (Vệ Nữ say ngủ.) Tác giả: Giorgione (Italy)
. Madame X (Quý bà X). Tác giả: John Singer Sargent (Mỹ)
Thậm chí một tranh vẽ của em khuyết tật tại ngôi nhà “May Mắn” do cô gái Thụy Sĩ cưu mang, chưa kịp khô sơn đã có người mua ngay, bức tranh đơn thuần vẽ con mèo tóm được chú chó, gương mặt biểu cảm của hai con thú nói lên ý tưởng sâu sắc của một em khuyết tật. Ngôn ngữ nằm ngay bức tranh, ý tưởng gói gọn trong tranh vẽ, đâu cần một tiến sĩ giải trình bằng những ý tưởng quá trình độ nhận thức của đại chúng đến độ họ phải khổ sở buộc lòng lên tiếng nả pháo không thương tiếc. Chả hiểu những bậc cao cấp ấy khi phát ngôn có xem đối tượng nghe là những con người tỉnh táo có hiểu biết hay toàn bộ nhiễm cơn mê một chiều. Khổ ghê, xã hội ta lúc này thường đột xuất những cán bộ thông thái phát ngôn những câu mà giới bình dân luôn bị dị ứng; có lẽ ngôn ngữ trong tháp ngà có vẻ xa lạ với ngôn ngữ bình dân chăng?
Trở lại bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” là tác phẩm được xây dựng dựa trên sáng kiến của ông Hà Huy Thanh, cháu của ông Hà Huy Tập, nếu không có lời tán tụng diễn luận quá đáng của “ngài” Tiến sĩ viện trưởng học viện Phật giáo, thì chả có gì phải xôn xao, nó cũng chỉ như nhũng bức tranh trưng bày trong phòng triễn lãm không hơn không kém; quyền diễn đạt qua ngôn ngữ tranh là quyền của tác giả, nhưng bình phẩm tranh đôi khi đi quá xa ý tưởng ban đầu, nâng sản phẩm lên hàng Thánh. Ngài Tiến sĩ viện trưởng học viện Phật giáo đề cao nội dung bức tranh:Đây là bức tranh đặc biệt có ý nghĩa, đức Phật tổ Thích Ca và Bác Hồ đều là những vị cứu tinh của nhân loại, càng có ý nghĩa hơn khi đúng với tinh thần của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là “Đạo pháp và dân tộc”. Đức Phật biểu trưng cho Đạo pháp, Bác Hồ tượng trưng cho tinh thần dân tộc”.
Nhận định với tư cách cá nhân là quyền riêng tư, nhưng với tư cách là viện trưởng học viện PG, là một Chức sắc Tôn giáo, dù rằng không xưng danh vị, nếu không có danh vị thì không ai mời ngài lên lúc đó. Tiếc thay, ông cha xưa dạy – trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần. Ngài quên rằng trong lần phát biểu tại Quốc Hội năm 2014: “Đảng và nhà nước Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Bắc Hàn”, đã bị đồng viện che miệng cười về sự ngây ngô của ngài, ngài hồn nhiên vô tư đến thế sao!!! Lời nói không đủ tầm vóc chính trị cũng không hợp với chiếc áo thầy tu, nhân cách như thế bị cộng đồng mạng phản bác gay gắt về ngài viện trưởng và tấm tranh, đã viết:
“Đây là biểu tượng cho một thứ văn hoá nô bộc và tôn sùng lãnh tụ theo tâm lý bầy đàn thời Trung Cổ.”
Còn nhiều và rất nhiều những phản ứng về những lời phát ngôn của ngài viện trưởng học viện PG. Mong và hy vọng sẽ không còn những vị cao Tăng chức sắc nào khác tạo thêm sự thất vọng cho quần chúng tràn đầy đức tin với ngôi Tam Bảo hiện nay. Trên trang mạng cũng không thiếu những hình ảnh, tin tức vu vạ, xuyên tạc thiếu trung thực bêu rếu Phật giáo, lạc dẫn niềm tin quần chúng, do một số có thành kiến với đạo Phật, nhưng cũng không thể phủ nhận những bất toàn trong giới tu sĩ mà một số không được đào tạo bài bản, hoặc do cái ngã quá lớn muốn nổi bậc mỗi khi có dịp được báo đài phỏng vấn. Buồn thay!
“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, lời đã nói ra bốn ngựa đuổi không kịp, huống nữa với thời đại công nghệ hiện nay, lời nói như được khắc bia, thế mà có quá nhiều tiến sĩ trong Đạo cũng như ngoài đời phát ngôn vô tội vạ, không cần biết mình đứng ở vị trí nào, nói cho ai nghe, miễn sao nâng cái danh cái ngã như một trung tâm của nhân loại.
Danh trên địa vị, danh trên lượng số sách báo cố gắng phát hành, danh trên truyền thông đại chúng, danh trên học hàm học vị, danh trên chức quyền... chạy theo quá nhiều danh vọng sẽ làm mờ sơ tâm xuất gia, ngoảnh nhìn lại không biết mình cố phải chủng tử Như Lai chăng!
Tinh thần nhà Phật: "BUÔNG", chỉ đơn giản thế thôi, nhưng không buông mà cố nắm giữ thêm càng nhiều càng tốt. Chính vì treo đầy mình cái danh nên lúng túng khi phát ngôn, vụng về khi hành hoạt, vấp ngã trước dư luận là điều tất yếu. Chỉ có buông, trở về với sơ tâm xuất gia, mới tránh khỏi sai phạm cho dù đang mang nhiều trọng trách Phật sự. “Hành mà vô hành, vi mà vô vi”, cổ nhân đã dạy.
MINH MẪN
22/5/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét