Khi cuộc sống chật vật
bon chen, dẫm đạp nhau để sống, ít ai quan tâm hay ít ai biết bên lề xã hội, vẫn
còn không ít trái tim nhân hậu, cùng nhau chia sẻ gánh nặng xã hội, lá rách đùm
lá nát để cùng nhau tồn tại và tìm chút hương vị “tình thương gia đình” để an ủi nhau.
Chuyện đóng giếng, làm
nhà, bếp ăn từ thiện, xây trường học, cứu trợ... trở thành chuyện thường ngày
ai cũng biết, nhưng ai biết được nơi ấy, gói gọn tình người để có việc làm thiện
nguyện như thế. Nơi đây, chúng ta chỉ nói đến những tấm lòng Bồ Tát thật sự,
còn ai đó mượn danh từ thiện để vụ lợi thì chắc chắn không tránh khỏi, vì việc
làm từ thiện cũng là cách để họ được sống và sống thoải mái hơn bất cứ nghề nào
không cần vốn.
***
Thầy Huệ Quang, mọi người
thường gọi là Ba Ty, cùng với sư Huệ Mẫn đang chung tay cưu mang 47 trẻ cơ nhỡ,
phụ nữ mang thai không nơi nương tựa, hoặc cung dưỡng cho những thai phụ có ý hủy
hoại mầm sống của chính máu thịt mình. Thầy nuôi dưỡng sau khi thai nhi ra đời
và nhận nuôi dưỡng, bà mẹ đó, có thể tiếp tục được thầy giúp nghề hoặc tự mình
chọn lối đi riêng sau khi nhẹ gánh bào thai không mong muốn. Những bà cụ, thanh
thiếu niên bụi đời...
Ngoài ra, thầy còn tài
trợ bếp ăn từ thiện một số nơi, có cả bếp ăn của bệnh viện tâm thần Biên Hòa.
330 quán chay 8.000$ hàng chục quán chay 1.000$ giúp dân lao động có thu nhập
kém, còn nhiều hình thức khác mang tính nhân đạo, song song đó, thầy vẫn khuyến
khích mọi người có duyên đến với thầy tinh tấn trên con đường tâm linh. Thầy
không từ chối bất cứ việc thiện nào nếu ai đó có nhu cầu.
***
Mái ấm Phúc Lâm, nằm
cách chân cầu cao tốc Long Thành độ 200m, do hai anh em Lâm và Phúc, chàng trai
chưa tới 40 tuổi, đã phát tâm thu gom các trẻ mồ côi, lúc đầu vài em, sau 17
năm, nay số lượng lên 86 cháu. Trong đó 36 cháu chỉ vài tháng cho đến 3 tuổi, mỗi
cháu có một củi gỗ sạch sẽ, được 12 cô bảo mẫu chăm sóc chu đáo. Số còn lại, lớn
nhất là 14 tuổi. Đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ. Toàn bộ đồng phục màu vàng in chữ
mái ấm Phúc Lâm. Anh Phúc, một trong hai anh em sáng lập cho biết, sở dĩ cho mặc
đồng phục để tránh tình trạng người ngoài đưa con vào thăm, khi ra về sẽ lẫn lộn
các cháu của mái ấm đi theo.
Ngày mới thành lập, nhờ
đất của gia đình cho nên diện tích tương đối đủ để xây dựng khang trang. Hàng
đêm, hai anh em ra chợ Long Thành giữ xe và bán cà phê để có tiền mua sữa cho
các con. Sau này số lượng gia tăng, hai anh em mở công ty cung cấp Bảo vệ để có
thu nhập trang trải. Tiền điện hàng tháng đã gần 20 triệu đồng VN, học phí cho
các cháu học trường ngoài cũng vài mươi triệu. Gần đây, có mấy bác mạnh thường
quân ra chợ xin rau củ quả hỗ trợ phần nào chi phí.
Anh Lâm sau đó phát tâm
xuất gia nhưng vẫn ở tại mái ấm để điều hành. Khởi đầu vẫn gặp lắm nhiêu khê về
mọi mặt. Vừa rồi có 2 cháu bị Virus qua đời, buộc mái ấm thiêu hủy toàn bộ vật
dụng, sắm sửa toàn đồ mới, mọi chi phí khá tốn kém. Tuy còn trẻ, hai anh em
không hề tỏ ra cáu gắt, đôi khi bị kẻ tham lam lừa gạt số tiền trên trăm triệu,
thế mà Lâm (thầy Minh Tâm) vẫn ôn tồn trước những lời lẽ hống hách nhục mạ để
xin lại số tiền về mua sữa cho con. Cũng có bà mẹ đem con vào bỏ cho mái ấm
nuôi, thỉnh thoảng đến thăm, chả thèm chào hỏi người chủ quản hay các bảo mẫu,
cứ xem như chuyện giữa chợ trời!
Anh Phúc, em của thầy
Lâm cho hay, một bé gái bị bỏ rơi, kiến cắn đầy người, rốn chưa khô, đem đến bệnh
viện thăm khám, bệnh viện bảo phải có giấy xác nhận của chính quyền là con bỏ
rơi, trong khi bệnh tình của cháu cần chữa trị gấp. Hành chính của ta là như thế,
cũng như trước đây có người bí tiểu, nửa đêm vào bệnh viện, thay vì thông tiểu
gấp, họ bảo đi siêu âm, đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu và nhiều thủ tục rắc rối
mãi đến gần sáng mới cho thông tiểu. Nếu bị vỡ bàng quang thì bệnh nhân bị đỗ lỗi
chứ nhân viên hoàn toàn vô sự.
Một cháu bé được nhặt
ngoài cổng, sau khi vào bệnh viện thăm khám, bác sĩ phát hiện cháu bị mất một
quả thận và một lá gan. Không chỉ hai anh em Phúc Lâm, ai cũng ngỡ ngàng đau
xót cho tình người thời hiện tại. Mọi người đoán rằng, nếu không là bà mẹ cần
tiền bán nội tạng của con, thì ai đó đã mua cháu bé, lấy nội tạng rồi đem bỏ
ngay cổng mái ấm...
***
Ngày 06/5/ 2019, thầy
Huệ Quang đưa chúng tôi đến thăm nhà “May Mắn” của cô Tim, người Thụy sĩ thiết
lập trên 20 năm giúp những mảnh đời bất hạnh đủ mọi thành phần, mợi lứa tuổi, vừa
nuôi dưỡng, chăm sóc chữa trị, dạy nghề tùy từng thể trạng, để sau đó, đã có 20
cặp có gia đình và ở lại giúp việc có lương cho cơ sở. Hiện có 3 cơ sở “nhà May
Mắn” nằm trên địa bàn Bình Tân thuộc thành phố HCM. Sắp tới có một cơ sở trên
cao nguyên.
Cô Tim năm nay ngoài
40, đến Việt Nam mới 21 tuổi, lần đầu tiên gặp một cháu người Campuchea, sau đó
tiếp tục gặp các em ngủ vỉa hè, sống lang thang, các em đều mang trong người
nhiều bệnh, có em ở bệnh viện tâm thần, ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình...
Khi Tim mua đuợc căn nhà ở Bình Hưng Hòa nuôi dưỡng trên 20 nạn nhân, cũng là
lúc Tim đối diện với nhiều khó khăn về pháp lý. Lúc ấy Tim chỉ vừa 25 tuổi, đối
đầu với trường hợp chưa từng có ở một đất nước vừa mở của chưa có một người nước
ngoài nào vào làm công việc thiện nguyện như Tim. Với tấm lòng nhân hậu, Tim đã
vượt qua bao khó khắn từ nội bộ đến ngoài xã hội.
Khi cô giúp những người
kém may tại nhà mình, Tim còn tranh thủ thời gian đến với người bại liệt nơi
mái ấm Phan Sinh để rửa các vết thương lở loét cho những người khuyết tật tại
đó. Vào các bệnh viện, Tim ngủ đất bên cạnh những bệnh nhân do Tim bảo trợ,
chính sự hy sinh đó mà các thân nhân nuôi bệnh đã gắn cho Tim cái tên Tim của bệnh
viện Tim, tên Aline Rebeaud, một tên cúng cơm người Thụy sĩ đã biến thành tên
Việt Nam rất đổi thân thương trên 25 năm nay.
Cuốn sách với tựa đề:
“Nhà May Mắn” do Tim viết, rất đổi thật và rất ư văn vẻ điêu luyện lôi cuốn độc
giả. Thầy Huệ Quang mua ủng hộ gần 20 cuốn với giá 205 ngàn đồng một cuốn cho
đoàn theo thầy. Sau khi tham quan, các phòng vi tính, phòng chạm khắc, phòng
tranh do các anh em khuyết tật thực hiện, có em vẽ bằng miệng ngậm bút lông, có
em sử dụng con chuột vi tính bằng chân... Mỗi em được giúp cho một nghề thích hợp
với năng khiếu riêng .Đoàn được mời vào phòng khách để trao đổi. Thầy Huệ Quang
hứa sẽ giúp cơ sở phát triển kinh tế thông qua quán chay. Tim ngơ ngác nhìn thầy
Huệ Quang trình bày về quán chay 1.000$ đây là kế hoạch kinh tế chưa từng có,
đó là cái lạ như từng gặp bao cái lạ khi Tim chọn VN là nơi quê hương thứ hai để
chia sẻ cuộc sống của những người bị xã hội bỏ quên.
***
Dĩ nhiên chưa thể nói hết
và nói đủ về những hành trạng Bồ Tát giữa đời thường, khi mà đa số cố lấp đầy
túi tham vẫn chưa ngơi nghĩ thì lại có những trái tim rung động với bao hoàn cảnh
ngặt nghèo khổ đau không lối thoát. Đôi tay bé nhỏ, kinh phí có hạn, nhưng tâm
hồn họ bao la, đó là nguồn an ủi cho bao cuộc đời kém may.
Biết đâu, qua những
giòng này, sẽ có sự chung tay đâu đó tạo thành âm thanh cộng hưởng để chắp vá
những khoảng lặng tăm tối trong kiếp người.
MINH MẪN
07/5/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét